Chương 2

Từ đó Uyển Quân bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. Mấy hôm đầu, cô phải thử làm quen với điều kiện sống và những người nhà mới lạ, ban đên cô rúc vào trong chăn, khóc. Nhưng rồi cô cũng nhanh chóng phát hiện ra tất cả những người trên kẻ dưới của nhà họ Chu mới hiền hậu dễ gần làm sao, mẹ chồng cô đối xử với cô chẳng khác gì con gái bà, ân cần chu đáo, không có gì cô phải áy náy băn khoăn. Trọng Khang và Thúc Hạo hễ rỗi một chút là kéo cô đi chơi, chọi dế, bắt xiến tóc, xem cá vàng, cho chim ăn. Mẹ chồng cô hiển nhiên là đã dặn mọi người phải chơi với cô, làm cho cô nguôi bớt nỗi buồn vì xa mẹ đẻ. Quả nhiên, chỉ ít lâu sau cô đã thích nghi được với hoàn cảnh mới. Công lao chủ yếu là của hai anh em Trọng Khang và Thúc Hạo, chúng dẫn cô bé chơi các trò chơi trong vườn hoa, dù sao cô cũng vẫn là một đứa trẻ con, mà giữa bọn trẻ con với nhau rất dễ kết thành bè bạn.
Sau một tháng về nhà họ Chu, cô mới được gặp chồng mình. Đó là một buổi sáng trời trong mát, mẹ chồng cô, tức bà Chu dắt bàn tay nhỏ của cô dẫn đến một căn phòng bày biện cực kỳ thanh nhã, bốn xung quanh tường đều là giá sách, có một cái bàn viết rất to, trên mặt bàn bày một chậu cúc mốc. Trong phòng toàn mùi thuốc và thoảng mùi gỗ đàn hương làm người ta thấy nhẹ đầu óc. Trên chiếc giường bằng gỗ đàn tía, một thanh niên chừng mười tám tuổi đang ngồi dựa vào thành giường. Bà Chu dắt Uyển Quân đến bên giường, khẽ cười và bảo:
- Bá Kiện ơi, gặp mặt cô dâu của con một lát này.
Uyển Quân gương gạo đứng vào cạnh giường; tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô cũng đã biết thẹn, cô hiểu một cách mơ hồ rằng người đàn ông này có quan hệ mật thiết với cô, còn những cái khác thì nửa hiểu nửa không. Cô cứ cúi gục xuống không dám ngẩng đầu lên. Bà Chu nhè nhẹ vỗ vào vai cô và nói với Bá Kiện.
- Hãy làm quen với cô dâu của con đi! Mẹ xuống bếp xem hôm nay đã có chút gì ăn đổi bữa chưa?
Nói xong, bà cúi xuống bảo Uyển Quân:
- Đây là anh Kiện, con hãy trò chuyện với anh một lát nhé, khi nào anh khỏi ốm thì mới đưa con đi chơi được mà!
Bà Chu vừa đi khỏi, còn lại Uyển Quân đứng bên giường Bá Kiện, tay chân như bị thừa ra. Có đến nửa ngày, trong phòng lặng ngắt không một tiếng động gì. Mãi sau, Bá Kiện đưa tay nhè nhẹ nâng cằm Uyển Quân lên. Uyển Quân buộc phải ngẩng đầu, cô nhìn thấy một khuôn mặt trẻ trung thanh tú, mặc dù gầy gò xanh xao, nhưng có đôi mắt sáng thông minh và sống mũi thẳng, đôi môi thanh, tất cả toát ra vẻ ôn hoà, nhẹ nhõm. Anh ngắm cô bé, trong ánh mắt lộ vẻ như vừa tán thưởng, vừa ngạc nhiên. Sau đó, anh lấy giọng hết sức dịu dàng hỏi cô.
- Em tên là Uyển Quân phải không?
Cô gật đầu.
- Em mấy tuổi rồi?
- Tám tuổi - Cô nói rất khẽ.
- Tám tuổi - anh nói khẽ như chỉ nói với mình - mới có tám tuổi thôi! - Anh thương xót ngó cô, âm thầm lắc đầu và tự nhủ:
- Giả thử bây giờ mình không may chết đi thì đây sẽ là người vợ góa trẻ nhất đời đây! - Anh lại khẽ lắc đầu, có lẽ là anh lắc đầu về cái kiểu hôn nhân như thế này. Lúc sau, anh nhẹ nhàng cầm bàn tay nhỏ của cô, mỉm cười và hỏi:
- Đã đi học chưa nào?
- Bố đã dạy em "Thiên tự văn" với cả "Tam tự kinh", lại còn học "Liệt nữ truyện" nữa - Uyển Quân trả lời.
- Tốt lắm, sau này sẽ học cùng với Trọng Khang và Thúc Hạo, thầy Trình dạy hay lắm, để rồi thầy dạy em đọc "Thiên gia thi" và "Đường thi tam bách thư".
Uyển Quân chưa nói gì, Bá Kiện vỗ vỗ vào mép giường, ra ý bảo cô ngồi lên - Cô ngồi lên mép giường và sự gượng gạo lúc mới gặp anh đã gần như biến mất. Bá Kiện nhìn cô kỹ hơn rồi khen:
- Em xinh lắm, dễ thương lắm, Uyển Quân ạ. Em đừng sợ anh nhé, anh sẽ kể nhiều chuyện cho em nghe, em có thích nghe kể chuyện không?
Uyển Quân gật gật đầu, từ lúc đó, cô đã cảm thấy rất thân thiết với Bá Kiện rồi. Từ hôm đó, Uyển Quân bắt đầu học với Trọng Khang và Thúc Hạo. Buổi tối thì đến chỗ Bá Kiện ngồi chơi một vài tiếng. Bá Kiện sẽ kiểm tra những cái cô học được lúc ban ngày và chỉ bảo cô thật tỉ mỉ. Chẳng bao lâu, cô đã quen thuộc và vui thích với cuộc sống mới của mình.
Buổi chiều hôm ấy, Uyển Quân đang ngồi trong phòng để học thuộc lòng "Thiên gia thi" đó là một bài Thất luật cô vừa được dạy trong buổi sáng:
"Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân,
phong phiêu vạn diểm chính sầu nhân;
thả khan dục tận hoa kinh nhãn,
mạc yếm thương đa tiểu nhập thuần.
Giang thượng tửu đường sào phỉ thúy,
uyển biên cao trủng ngọa kỳ lân;
tế thôi vậy lý tu hành lạc,
hà dụng phù danh bạn thử thân"
dịch:
Cánh hoa rơi làm giảm mất sắc xuân,
gió thổi bay vạn cánh hoa làm buồn lòng người;
trông thấy hoa sắp rụng hết mà giật mình,
nhưng đừng nên chán, hãy uống thêm chén rượu.
Một căn nhà bên sông có chim bói cá làm tô?
(sao mà sánh được) với các vườn hoa đẹp có kỳ lân oai vệ gác ngoài.
Chẳng để ý đến những xôn xao ngoài xã hội nữa,
hãy cứ vui đi, không để cho những cái danh hão nó bận vào thân mình.
Cô biết rằng cô phải học cho thuộc, rồi lại phải hiểu cho rõ ý nghĩa của bài thơ, chứ nếu không thì buổi tối Bá Kiện sẽ không vui. Bá Kiện kiểm tra đôn đốc cô còn nghiêm hơn ông thầy Trình quê ở Tây An nữa. Đang học thơ thì thoáng có một bóng nhỏ ngoài cửa sổ; Thúc Hạo trèo lên cửa, thò đầu qua chấn song gọi cô:
- Này, em Uyển, ra đây đi! Anh bắt được hai chú dế to lắm, nó sẽ đá rất hay nhé! Mau ra mà xem!
(Trong nhà họ Chu, do bà Chu thấy rằng Uyển Quân còn bé, còn lâu mới đến lúc thành thân với Bá Kiện nên bà đã cho hai cậu em của Bá Kiện đều gọi Uyển Quân là "em Uyển" gọi cô bé là "chị dâu cả" nghe có vẻ kỳ quặc quá. Còn những kẻ ăn người ở trong nhà cũng nhì nhằng tạm gọi Uyển Quân là "tiểu thứ hoặc "Uyển tiểu thứ. Trong gia đình này chỉ có ba cậu con trai, không có con gái nên gọi là tiểu thư cũng không bị lẫn với ai cả).
Uyển Quân vừa mở cửa, Thúc Hạo đã chạy ngay vào, nắm tay lôi tuột cô bé đi, chạy qua cửa hình bán nguyệt, tít ra vườn. Ở bên cạnh bể cá vàng, dưới chân núi giả, Trọng Khang đang quì trên mặt đất, dùng một cọng cỏ chọc chọc bọn dế trong lồng. Thúc Hạo gọi:
- Đừng có thả dế của em ra đấy nhé!
- Chúng nó đá mệt quá, đang giảng hòa đây này.
Trọng Khang vừa cười hi hi vừa nói: cậu có đôi lông mày đen và rậm, về điểm này cậu khác hẳn anh và em trai. Còn đôi mắt thì chính thị là tổ truyền của họ Chu: to, đen và rất đẹp. Má đầy đặn, miệng hơi rộng, suốt ngày cười hi hi há há, cậu có một sinh lực dồi dào, không biết mệt mỏi. Uyển Quân rất thích nghe cậu lắc lư cái đầu, miệng ê a liến liến đọc bài, lại thêm bộ mặt luôn cười tinh quái làm cho người ngoài cũng bật cười theo. Thầy Trình đã từng nói: Trong ba anh em tư chất của Trọng Khang mạnh mẽ nhất; Thúc Hạo thì là viên ngọc quí nhưng chưa được mài giũa, Bá Kiện thì đầy tài năng, siêu phàm thoát tục, khác hẳn hai cậu em.
- Làm gì có chuyện dế giảng hòa nào - Thúc Hạo dẩu môi nói và chạy đến xem.
Uyển Quân cũng quì xuống, Trọng Khang giúp cô dém gấu váy để khỏi xòa xuống hồ nước nhỏ quanh núi giả. Cô hiếu kì ngó xem hai cái vật bé nhỏ màu nâu sẫm trong chiếc lồng. Lúc này mỗi con đều cố thủ ở một góc lồng, hai bên gườm gườm nhìn nhau như đang đánh giá đối thủ cuả mình, cùng vểnh cao những cặp râu dài lên. Thúc Hạo bứt một cọng cỏ đuôi chó, ra sức kích động bọn dế, mồm cậu liến thoắng:
- Đá đi, chọi đi! Cái bọn vô dụng này, là anh hùng hảo hán thì không được sợ chết! Ra đi, chọi đi! Hỡi các tướng quân, nhanh lên nào!
Nhưng hai vị tướng quân kia vẫn cố thủ trong căn cứ của họ không hề có ý định tấn công - Uyển Quân cũng ngắt một cọng cỏ để thúc đẩy đôi dế, cái đầu xinh xinh của cô ghé sát đầu của Thúc Hạo. Thúc Hạo thấy hình như không có cách gì nữa, xách lồng lên thổi mạnh vào trong lồng, rồi cáu kỉnh quăng tọt chiếc lồng xuống đất, hằn học nói:
- Thật là hai cái đồ vô dụng!
Uyển Quân đứng dựa vào núi giả, cười, Trọng Khang nhìn thấy một con bướm đen đang lượn chập chờn trên đầu Uyển Quân bèn khe khẽ nói:
- Em Uyển đừng động đậy.
Uyển Quân đứng im phắc, con bướm lượn lờ chán rồi quả nhiên đậu xuống vai cộ Trọng Khang rón rén đi đến định bắt bướm không đề phòng Thúc Hạo chạy vụt đến, reo to:
- Lại bắt được một chú rồi!
Thì ra là Thúc Hạo đã đào đất dưới chân núi giả, bắt được một chú dế mới, sướng quá chạy lại khoe với Uyển Quân. Tại cậu vừa chạy vừa reo nên làm con bướm kia đã giật mình bay mất, Uyển Quân tức quá dậm chân kêu:
- Lại là anh đấy! Chạy ghê thế không biết! Con bướm đẹp thế mà làm nó sợ bay đi mất rồi! Ai thèm xem dế của anh nào, vừa xấu lại vừa vô dụng!
Thúc Hạo đứng khựng lại, giương đôi mắt vừa to vừa đen nhìn Uyển Quân một cách ngây ngô, hồi lâu mới tiu nghỉu nói:
- Em vẫn thích xem dế đấy thôi? Anh cứ tưởng em thích xem dế, nếu không thì anh bắt làm gì? Anh đã chán chơi dế từ lâu lắm rồi.
Vừa nói, Thúc Hạo vừa cầm con dế ném đi rõ xạ Trọng Khang nhún nhún vai cười nói với Uyển Quân:
- Anh biết là em thích cái gì rồi.
- Thích cái gì? - Thúc Hạo lại vui lên, vươn cái cổ ra hỏi - Cứ nói đi, anh sẽ giúp em bắt ngay!
- Em thích... - Trọng Khang dài giọng nói và cười khinh khích - thích chuyện cổ tích của anh cả, đúng không nào?
- Kể chuyện à? - Thúc Hạo hăng hái nói - thế thì anh cũng biết kể.
- Em biết kể chứ? - Trọng Khang thấy có vẻ thú vị - thế thì kể một chuyện đi xem nào?
- Ừ! - Thúc Hạo dướn cổ, nhíu lông mày, thè lưỡi liếm môi mấy cái, nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói: - Ngày xưa có một con quạ, nó nhặt được một quả bồ quân, nó liền ăn ngay quả bồ quân ấy... ư... ạ. ự. quả bồ quân bẩn lắm, thế là con quạ bị đau bụng, mẹ quạ liền mắng nó, nó liền khóc lên. Thế... thế là hết!
Trọng Khang cười to, xòe ngón tay cái ra, nói:
- Kể được đấy!
Uyển Quân nghênh đầu lên:
- Chẳng thích nghe! Chẳng hay!
- Lần sau anh sẽ kể chuyện hay cho em nghe! - Thúc Hạo nói - Cậu nhìn vào mặt Uyển Quân một cái rồi đột nhiên nói:
- Em Uyển ơi, em là cô dâu của anh cả, có đúng không?
Uyển Quân đỏ mặt. Thúc Hạo đưa tay khẽ kéo áo cô, bậu môi nói:
- U Từ nói rằng, về sau thì em sẽ là của mỗi mình anh cả thôi, chúng anh chẳng được chơi với em nữa đâu, vì em là cô dâu của anh cả - Em Uyển ơi, thế nhỡ anh lớn lên như anh cả thì em cũng làm cô dâu của anh nhé, được không?
- Nói dở hơi thế! - Trọng Khang mười ba tuổi bật cười nói.
Uyển Quân chớp chớp mắt nhìn Thúc Hạo, cô cũng hơi hơi biết thẹn với hai chữ "cô dâu" rồi; cô cười, lấy tay "lêu lêu" Thúc Hạo và hát một bài đồng dao miền Bắc, vừa hát vừa chạy đi:
Thằng cu tí
Ngồi trong nhà
Vừa khóc vừa la đòi lấy vơ.
Lấy vợ để làm chi?
Thắp đèn, nói chuyện cho vui!
Tắt đèn, cùng nằm cho đỡ sợ!
Sáng mai ngủ dậy buộc đuôi tóc cho tôi!
Cô chạy đã khá xa, Trọng Khang gọi với sau lưng cô:
- Em Uyển, cẩn thận kẻo vấp mô đá đấy!
Nhưng không kịp rồi, cô đã vấp vào đá và ngã sóng xoài. Trọng Khang vội chạy đến, rồi đỡ cô dậy, cô cố chịu đau, chỉ nhăn mặt và lấy tay đè chặt đầu gối. Trọng Khang vạch cái váy của cô lên, ở trong còn chiếc quần xanh lục bằng tơ đã bị toạc ra một miếng to, đầu gối cô đã rịn máu ra. Trọng Khang để cô ngồi trên phiến đá an ủi:
- Đừng sợ!!
Rồi cậu quì xuống, làm theo kiểu dân quê, mút bỏ máu ở vết thương của cô, xong ngẩng lên nhìn vào mặt của cô hỏi:
- Có đau không?
Uyển Quân cố gượng cười và lấy dáng anh dũng, lắc mạnh đầu. Sự thật thì cô đang đau đến trào nước mắt. Trọng Khang gật đầu, cười một cách cởi mở, động viên cô:
- Em giỏi thật đấy.
Một năm đã quạ Bá Kiện đã hoàn toàn khỏi bệnh, khỏe hẳn rồi. Anh suốt ngày cầm một cuốn sách đi bách bộ trong vườn hoa. Một hôm, Bá Kiện vừa mới đi đến bể cá thì nghe tiếng Trọng Khang đang nói:
- Đến lượt em đấy! Ối đừng đi con ấy, anh ăn mất con xe của em bây giờ.
Bá Kiện rón rén bước vòng qua bể cá đến gần, nhìn thấy Trọng Khang và Uyển Quân đang ngồi đánh cờ trên bãi cỏ. Uyển Quân tóc kết hai bím, má đỏ hây hây như quả táo, đôi mắt đen lay láy đang tập trung tinh lực vào bàn cờ. Hiển nhiên là cục thế của bên Uyển Quân rất bất lợi, đã bị mất một xe, một pháo mà bên Trọng Khang thì còn đủ cả, chỉ mất hai con tốt. Đánh thêm một hồi, Trọng Khang tập trung đuổi con xe của Uyển Quân không đề phòng "mã hậu pháo tướng quân" của Uyển Quân, Trọng Khang "ái chà" một tiếng rồi nói:
- Thật là xúi quẩy, cứ mải ăn con xe của em mà quên mất lão gìa của mình. Không được phải cho anh hoãn một nước chứ?
- Không cho đâu! không được đâu - Uyển Quân ấn tay lên quân cờ, nói - đã nói trước rồi, bước chân đi cấm kì quay trở lại cơ mà! Anh thua rồi!
- Ván này rõ ràng là anh hơn - Trọng Khang nói - chỉ tội quá ăn tham thôi! Không được, ván này không tính, chúng mình chơi lại ván này!
- Anh thua rồi, làm sao lại không tính? - Uyển Quân đắc ý vênh mặt, tỏ vẻ rất kiêu hãnh - Từ rầy anh đừng múa mép nữa nhé. Em thắng được anh rồi đấy!
- Thôi được, thôi được! Coi như em thắng anh một ván. Trọng Khang làm ra vẻ cố gắng chịu thua nhưng trên ánh mặt ánh lên một nét cươi ranh mãnh, dịu dàng, nhìn khuôn mặt của Uyển Quân đang vui sướng và phấn chấn. Bá Kiện lập tức hiểu ra rằng ván cờ này Trọng Khang cố tình giả vờ thuạ Anh trầm ngâm ngắm Trọng Khang nhận ra ở cậu thanh niên mười bốn tuổi này đã có một tình cảm dịu dàng chín sớm hơn ta người ta tưởng. Thế rồi anh dặng hắng một tiếng làm hai đứa trẻ giật mình, cùng ngẩng đầu lên. Trọng Khang nói:
- Anh đấy à! Anh cả?
- Anh Kiện ơi! Uyển Quân đứng lên, tiếng cô mềm mại ngọt ngào, cô ngẩng đầu mỉm cười với anh, khoe - Em thắng được anh Khang một ván đấy!
- Anh thấy rồi - Bá Kiện cười - thế còn đánh nữa không?
- Chẳng đánh cờ nữa đâu - Uyển Quân kéo tay Bá Kiện - Anh Kiện ơi, kể cho em nghe một chuyện nhé!
Trọng Khang thu dọn bàn cờ, vẫy tay chào họ và nói:
- Em phải đi viết cho xong bài văn đây, kẻo rồi thầy Trình lại mắng em là mải chơi!
Bá Kiện dắt bàn tay nhỏ Của Uyển Quân vừa bước chậm rãi vừa hỏi:
- Đã thuộc thơ chưa nào?
- Thuộc rồi ạ… - Uyển Quân nói.
- Đọc cho anh nghe xem.
- "Tóc em vừa chấm trán, trước cửa bẻ hoa đùa.."
Uyển Quân đọc thuộc lòng bài "Trường Can Thành" của Lý Bạch:
"Chàng cưỡi ngưa. trúc lại,
bên giường tung mơ xanh,
cùng ở xóm Trường Can,
đôi trẻ không nghi ngại,
mười bốn nên chồng vợ,
sắc ngượng ngùng còn nguyên.."
Đang đọc bỗng Uyển Quân im bặt, mắt chăm chú nhìn về phía một góc trong vườn hoa
- Sao hả em? không thuộc bài nữa hay sao? Bá Kiện ôn tồn hỏi.
- Không ạ - Uyển Quân nói mà vẫn dán mắt về phía góc vườn ban nãy. Bá Kiện hướng mắt về phiá đó, thế là anh nhìn thấy Thúc Hạo đang khua một cây gậy trúc, tay đỡ một cái diều lớn, hì hà hì hục chạy tới, vừa chạy vừa kêu to:
- Em Uyển! Em Uyển ơi! Em thích cưỡi ngựa trúc hay thả diều hở?
Trong giây lát, Bá Kiện cũng đứng sững lại, ngây người ra.