Sâm cầm

Sâm cầm là một loại chim quý. Vì chúng ăn toàn củ sen, củ ấu và tôm tép ở đầm lầy, ao hồ, nên người ta tin rằng thịt chúng rất bổ. Từ thời Vua Lê Chúa Trịnh, chúng đã len vào những bữa tiệc của vua chúa hay những nhà quyền quý ở kinh thành. Chúng lại quý ở chỗ rất hiếm, chỉ sống ở vùng ven Hồ Tây và rải rác ở thượng du.
Đến đời các vua nhà Nguyễn, lệ vua quy định: "hằng năm, mỗi giáp phải nộp năm chim sâm cầm từ bảy lạng đến một cân, béo đẹp, đến cuối tháng một phải nộp cho đủ số. Nếu nhà nào không nộp thì phải phạt vào tội trốn lệ vua, thiếu một con chim phải phạt vạ: bạc 10 nén, gà sống thiến một đôi, dây dưa thì phải đánh 100 roi trên phủ.". Dân làng Nghi Tàm năm nào cũng khốn khổ vì tiệc "tiến" sâm cầm, vì cứ phải ẩu đả cãi cọ với dân các làng khác tới rình bắt sâm cầm trên địa hạt làng mình. Thậm chí ngay cả dân làng với nhau, cũng gành giật chửi rủa nhau vì từng mô đất, vũng hồ, bãi sen, bãi ấu. Nhất là các quan lại địa phương như Tri huyện Vĩnh Tường, Quan Phủ Phụng Thiên, lại lợi dụng lệ tiến cống này mà bắt dân làng phải nộp thêm chim cho mình, lại roi vọt, hạch sách đủ điều. Lý trưởng làng Nghi Tàm đã bị đánh trăm roi vì lệ này, ông cũng là người nghĩa khí, thương dân làng, nhân chuyện này đã lặn lội vào kinh, nhờ Bà Huyện Thanh Quan dâng đơn lên vua Tự Đức, thưa việc xách nhiễu của quan trên và xin Vua bỏ cho lệ tiến cống. Bà huyện cảm động trước sự can đảm làm việc nghĩa của thầy Lý, lại thương dân làng khốn khổ từ đời nọ sang đời kia vì điển lệ này, nên bà đã nhận đơn, và nhờ một bà Hoàng Phi đang được Vua sủng ái, nói hộ cho dân.
Việc này đã thành công. vua ban chiếu chỉ tha "lệ" cống hằng năm cho dân làng. Và cả làng Nghi Tàm đã ăn mừng ba ngày liền, họp nhau cùng ghi tên Bà Huyện Thanh Quan vào Ngọc Phả ghi nhận công đức của những người có công với dân làng, cuốn Ngọc Phả mà ngay từ trang đầu đã có tên của Công chúa Từ Hoa.
Cũng có một truyền thuyết khác cho rằng chính Bà Huyện đã giúp dân làng viết đơn xin miễn lệ "tiến" sâm cầm lên vua Tự Đức, vì lúc này bà đã nghỉ hưu và về ở trong làng. Quan trên ra lệnh điều tra tìm người viết đơn. Nhưng chắt ngoại của cụ Phạm Quý Thích làm tri huyện Hoàn Long đương thời, vì kính nể Bà Huyện và cũng nghĩ đến quan hệ thân tình giữa hai nhà, nên đã cõ ỉm chuyện này đi.

Xem Tiếp: ----