Bát Cháo Lú

Ba Kiến Châu kể:
Xưa, có một vị bác sĩ thú y mệnh chung, thần hồn xuống âm phủ. Sau khi được Diêm Vương xét xử, hồn ma được dẫn đến quán cháo lú ăn trước khi đi đầu thai. Vào quán cháo, hồn ma tình cờ gặp phải một bầy chó mà thuở sinh tiền, ông thường chữa bệnh cho chúng. Bầy chó vốn có nghĩa, rất mừng rỡ khi gặp lại ông. Ðến lúc bà hàng dọn cháo, ông nhịn phần mình cho bầy chó ăn.
Công an ở Diêm Phủ bắt hồn ma đi đầu thai làm một thằng cu. Nhờ không ăn cháo lú nên thằng cu này nhớ rõ tiền kiếp mồn một. Ðược năm tuổi, thằng cu khẩn khoản xin ba má dắt đi thăm thân bằng quyến thuộc cũ. Ba má nó thấy lạ nhưng cũng chiều con... Cuộc tao ngộ giữa thân quyến và thằng cu diễn ra trong một bầu không khí éo le và cảm động. Thằng cu được gặp lại bà vợ cũ, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại. Bằng giọng nói ngọng nghịu của đứa bé len năm, cu kể vanh vách tiền kiếp của mình, cùng thăm hỏi hàn huyên với vợ con, cháu chắt.
Sau câu chuyện này, thằng cu không thể sống bình thường như bao thằng bé khác, gánh nặng của tiền kiếp hằn sâu trên thân xác thơ dại của thằng bé. Những mối dây thân ái trong quá khứ khiến thằng bé quên mất nhịp sống hiện tại. Cuối cùng, ba má nó đành đưa nó vào chùa không phải để tu học mà để đi dưỡng tâm thần. Cậu con trai út của ông bác sĩ thú y cũng tình nguyện vào chùa để chăm sóc người cha bé con của mình và tu tâm dưỡng tánh luôn thể.
Em thân mến,
Ba Kiến Châu đã kể câu chuyện trên cho tôi và các bạn nghe, mẩu chuyện mà ông đã lượm lặt được trên những nẻo đường ngược xuôi. Ba Kiến Châu còn quả quyết rằng câu chuyện trên hoàn toàn có thật, những nhân vật trên hiện còn, thằng cu trong câu chuyện là một vị tăng trạc tứ tuần. Tôi không dám cam đoan với em về tầm chính xác của câu chuyện kể lại cho em nghe. Tôi chỉ muốn ngỏ ý với em rằng: nhớ được tiền kiếp là một khả năng mà bất cứ người nào cũng có. Các bậc đắc đạo gọi là "túc mạng minh". Trong kinh đức Phật cũng thường khuyến cáo các hành giả tu tập, nếu chưa được "lậu tận thông" (tức là khả năng hóa giải hết thảy phiền não) mà lại có thần thông thì phải xả bỏ đi lập tức. Có lẽ Ngài e rằng chúng ta sẽ lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như thằng cu trên đây. Trong quãng đời hiện tại chúng ta đã bi lụy, khổ sầu vô hạn rồi. Huống chi là nhớ lại những ân oán buồn vui trong tiền kiếp. Ðức Phật và các bậc đắc đạo nhớ rõ quá khứ với từng tình tiết chi li mà tâm các Ngài hoàn toàn bình thản, trong khi chúng ta nhìn lại quá khứ với biết bao là tiếc nuối, buồn thương. Càng sống với dĩ vãng, chúng ta càng rối bời xao xuyến, mắt mở mà vẫn chiêm bao... Có lẽ vì thế mà chư tổ Thiền Tông đã khuyên chúng ta: "Việc qua rồi chẳng nhớ. Việc chưa đến chẳng lo. Việc hiện tại chẳng đem lòng vọng tưởng." chăng? Có nghĩa là, nếu chưa có khả năng hóa giải phiền não, chúng ta phải ăn cháo lú mỗi ngày để tâm ta khỏi hối tiếc dĩ vãng, khỏi có những xao xuyến khi hoài vọng về tương lai.
Hay nói cho rõ hơn, quá khứ hoặc tương lai, có hay chăng là do những vọng niệm rối bời trong hiện tại chiêu vời đến mà thôi. Cũng vì thế mà thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đã bảo người đệ tử, khi chú này xin lên đường đi tham học rằng:
"Niệm khởi đừng tiếp tục còn hơn là mười năm tham thiền học đạo"
10.04.1985
Một số sinh ra từ bào thai, kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư thiên, nhưng cõi Niết Bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.
Pháp cú 126