Cây Ðàn Kỳ Lạ

Sau lễ tiển đưa Phật và các thầy Tỳ-kheo trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, vua A Xà Thế cùng với đình thần trở lại nội cung để dự buổi yến thân mật và bàn một vài việc cần làm thêm trong ngày đại lễ hôm ấy:
Câu chuyện mở đầu trong bữa tiệc là những lời sau đây do vua A Xà Thế phát khởi.
- Các khanh! Quả nhơn rất bằng lòng và thỏa mãn về việc các khanh đã lo liệu quá ư tươm tất trong buổi lễ cúng dường Phật và giáo-hội vừa rồi.
- Hướng đôi mắt về phía đại thần Kỳ Bà, Vua A Xà Thế nói tiếp:
- Kỳ Bà! Khanh ngồi nghĩ hộ quả nhơn xem còn có vật gì đáng làm nữa để quả nhơn tận hiến tấc dạ chí thành lên đức Chí tôn và giáo hội - những người tận tụy trong công việc giáo hóa chúng sinh nói chung, thần dân của quả nhơn nói riêng, trở về với ánh sáng chơn lý.
Ðứng dậy ngẫm nghĩ trong chốc lát, rồi đại thần Kỳ Bà thong thả tiếp:
- Tâu đại vương, ngoài sự cúng dường trai phạn và y phục mà Ðại vương đã dâng lên đức Chí tôn và giáo hội, theo thiển ý của hạ thần thì không việc gì có ý nghĩa hơn việc cúng dường ánh sáng. Vì ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ, cho sự giác ngộ, ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối tan mất. Cũng như ánh sáng Phật và giáo hội đến đâu thì ở đó si ám và tội lỗi đều tiêu sạch. Ngu ý của hạ thần chỉ có bấy nhiêu, kính mong bệ hạ thẩm xét.
- Hay lắm! Ý kiến của khanh rất chí lý! Tiện đây nhờ khanh thay quả nhơn sắm sửa cho thật nhiều đèn đuốc để tối hôm nay dâng lên Phật và giáo hội tại tịnh xá Kỳ Hoàn.
Ðại thần Kỳ Bà vâng thuận. Buổi tiệc bắt đầu và tiếp diễn trong tình thân mật giữa nhà vua và các vị cận thần.
Chiều hôm ấy, trên đường trở về xóm nghèo, một bà lão hành khất gặp rất nhiều xe cộ, lính tráng, tấp nập khuân chở những thùng dầu, đèn và những chiếc lồng đèn ngũ sắc rực rỡ.
Hỏi thăm, bà lão hành khất biết đó là lễ vật của nhà vua đem cúng dường Phật và giáo hội.
Hình tướng trang nghiêm của Phật và các thầy Tỳ kheo lại hiện về trong óc bà. Bà vui hẳn lên và rất tán thành việc làm có ý nghĩa của nhà vua. Và xét lại tự thân, thấy mình chưa làm được một công đức nào đối với Phật và giáo hội, bà tự nghĩ phải sắm phẩm vật để cúng dường mới được. Thò tay vào bị, bà lão moi ra vỏn vẹn chỉ có hai tiền. Một sự quyết định nhanh chóng trong lòng khiến bà hoan hỉ đi ngay vào một cái quán gần đấy...
- Thưa cậu! Làm ơn bán cho tôi hai tiền dầu thắp.
- Bà mà mua dầu làm gì? Sao không mua đồ ăn lại mua dầu, nhà cửa đâu mà dầu với đèn!
- Thưa cậu! Tôi thường nghe các bậc hiền đức trong làng bảo: "Ngàn năm muôn thuở mới có một đức Phật ra đời; người nào có nhiều phước duyên lắm mới gặp". Hôm nay tôi may mắn được gặp nhưng chưa có lễ mọn nào để dâng hiến lên Ngài. Ðiều ấy làm tôi vô cùng ân hận. Nhơn tiện vua A Xà Thế sửa soạn đèn đuốc để dâng lên Ngài và giáo hội, tuy nghèo khổ, tôi cũng xin nguyện đem hai tiền mới xin được đây mua dầu dâng ánh sáng lên Ngài.
Nghe bà lão hành khất tỏ tấm lòng chân thiệt đối với Ðấng Giác ngộ, người chủ quán nhìn bà một cách cảm mến và hạ giọng: hai tiền chỉ được hai muỗng, nhưng tôi xin tặng bà ba muỗng nữa là năm, và cho bà mượn luôn vịt đèn nầy. Mong bà nhận cho.
Sau khi cám ơn người chủ quán, bà lão ra về với bao niềm hoan hỷ vì được người khác biểu đồng tình và giúp mình trong công việc phước thiện.
Trời chưa tối hẳn, những cây đèn xinh xắn, lộng lẫy của nhà vua đã được những đội thị vệ thắp sáng. Tịnh xá Kỳ Hoàn như vui nhộn hẳn lên. Ðó đây vang lừng những điệu nhạc dịu dàng, nhịp nhàng với lời ca ngợi của những cận thần thay nhà vua tán thán công đức của Phật và giáo hội. Từng đoàn người lũ lượt đi dự lễ, đông như trẩy hội. Bà lão hành khất cũng tiến mau về phía Tịnh xá và dừng bước trước những hoa đăng rực rỡ, bà vội vàng đến rót dầu vào cây đèn mà bà đã lau sạch và thay tim. Vừa mồi ánh sáng bà vừa phát nguyện: "Cúng dường ánh sáng nầy lên đức Thế Tôn và giáo hội, con chỉ cầu mong làm sao con cũng sẽ được trí tuệ sáng suốt như các đấng giác ngộ trong mười phương". Bà lại nghĩ: "Dầu ít như vầy có sáng cũng chỉ đến nữa đêm là cùng". Nhưng mạnh dạn bà thầm nguyện "Nếu quả thật sau này tôi sẽ được giác ngộ như lòng tôi mong muốn hôm nay, thì số dầu ít ỏi nầy cũng làm cho cây đèn sáng mãi không tắt".
Sau khi treo cây đèn trên một cành cây, bà lão hành khất đi thẳng vào Tịnh xá, chí thành lễ Phật rồi ra về...
Số đèn của nhà vua, tuy được những đội lính thay nhau lo việc châm dầu, thay tim, nhưng ít cây được sáng suốt đêm, cây thì bị gió thổi tắt, cây thì bị phật cháy...
Duy cây đèn của bà lão hành khất thì ánh sáng nổi bật hơn muôn vạn cây đèn khác và cháy mãi đến sáng mà dầu vẫn khôn hao.
"Này đệ tử! Trời đã sáng, hãy ra tắt hết những cây đèn còn đỏ", đức Phật dạy với ngài Mục Kiền Liên như thế.
Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật. Nhưng đến cây đèn của bà lão hành khất, thì ba lần tôn giả quạt mạnh, nhưng ánh sáng cũng không mất. Lần thứ tư, tôn giả cầm ngay vạt áo cà sa và vận hết thần công diệu lực của mình quạt hắt vào đèn nhưng đèn lại rực sáng hơn trước. Tôn giả Mục Kiền Liên và những người chung quanh đều ngạc nhiên cho đó là một cây đèn kỳ lạ chưa từng thấy.
Ngay lúc ấy, đức Phật vừa đến, Ngài điềm đạm bảo:
"Thôi! Ðệ tử hảy thôi. Dù cho đệ tử có tận dụng cả thần lực của đệ tử cũng không thể nào làm tắt được cây đèn nầy, vì đó là ánh sáng công đức của vị Phật trong tương lai".
Lời dạy ấy của đức Phật đã làm cho nhiều đệ tử của Ngài muốn tìm hiểu ai là người đã cúng dường đèn ấy. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, họ biết rõ người cúng dường cây đèn kỳ lạ ấy chính là một bà lão hành khất!
Câu chuyện nầy đến tai vua A Xà Thế. Nhà vua cho vời đại thần Kỳ Bà đến để thuật lại câu chuyện và hỏi:
- Kỳ Bà! Như khanh đã biết được quả nhân làm rất nhiều công đức và cúng dường rất nhiều đèn nhưng không thấy đức Thế Tôn dạy gì về quả báo của quả nhân. Trái lại, bà lão hành khất chỉ cúng dường có một cây đèn lại được Ngài thọ ký là nghĩa làm sao?
Ðại thần Kỳ Bà đứng lên ngần ngại mãi không dám trả lời.
- Kỳ Bà! Ngươi đừng ngại gì cả, quả nhân muốn tìm hiểu những khuyết điểm chứ không bao giờ dám nghĩ khác về đức Thế Tôn.
Ðôi mắt của đại thần Kỳ Bà bỗng sáng lên và khiêm tốn trả lời câu hỏi của nhà vua:
- Tâu đại vương! Theo những điều mà hạ thần được phỏng văn từ miệng của những người thân cận các thầy Tỳ kheo và cộng thêm sự suy luận của hạ thần thì tuy đại vương cúng dường rất nhiều phẩm vật, song tâm ý không được chí thành cho lắm và có lẽ đại vương không phát đại nguyện; cho nên tuy có công đức mà không làm sao bằng công đức của bà lão hành khất chỉ cúng dường một cây đèn nhưng đó là cả một tấm lòng chí thiết, một dạ chí thành đối với những đấng Giác ngộ và nhất là lời thện nguyện cao rộng của bà ấy.
Nghe đại thần Kỳ Bà phân tích tỷ mỉ về động cơ của sự cúng dường của mình và của bà lão hành khất, sau một hồi suy nghĩ và xét lại bản tâm, vua A Xà Thế liền cởi mở được tất cả những điều thắc mắc.
"Công đức cúng dường không đánh giá nơi phẩm vật, mà căn cứ nơi sự thành tâm".