Chương 3

Tôi đã trở thành công dân  thực thụ của xã hội Nhá Hát Tây, Chị Phượng săn sóc tôi chí tình. Em bé Ngọc; thỉnh thỏang, hỏi tôi vài câu chuyện bâng quơ. Tôi mê giọng nói cũa Ngọc, mê nụ cười của Ngọc, Tôi yêu Ngọc rồi. Tình yêu làm con người thay đổi. Riêng tôi, tôi không ham làm cu ly đồn điền cao su nữa. Dẫu đói rách, tôi vẫn cố bám lấy Sài Gòn. Tôi sẽ đạp xích lô vậy. Tại sao tôi mơ mộng khiếp thế? Hồi còn là cậu học trò tỉnh lỵ lên Hà Nội trọ học, tôi đã noi gương thi sĩ Đinh Hùng:
Làm học trò nhưng không sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. Và tôi mơ mộng làm chú nhỏ sửa xe đạp trước cổng trường Trưng Vương. Tôi sẽ leo cổng vào sân trường, tìm chiếc xe đạp của những em đẹp nhất, lấy kim chọc thủng lốp. Vậy là các em phải dắt xe nhờ tôi vá sống, vá chín. Tôi sẽ vá thật lâu để ngắm các em no mắt. Tôi thề không lấy tiền của các em đẹp. Chỉ nhận thù lao của các em xấu thôi, tôi mong gặp sự may mắn như ông bạn Chử Đồng Tử. Hỡi các em nữ sinh hoa mộng của trường Trưng Vương năm xưa, chẳng bao giờ các em là Tiên Dung công chúa nên con đường vào tình sử của tôi toàn ổ gà bánh xe khấp khểnh, vó câu gập ghềnh. Tôi thấy tôi gần gủi anh Trương Chi hơn. Mỵ Nương mê tiếng hát Trương Chi, gặp chàng mắt toét, răng vồ nàng tuyệt vọng là đúng. Là rất người. Rất tác phẩm.
Giấc mộng mở hiệu sửa xe đạp ở gốc cây trước cổng trường Trưng Vương của tôi đã tàn úa. Tôi dệt liền giấc mộng bán ô mai, sầu dầm, mận dầm cho các em nữ sinh áo hồ thủy. Không thành. Tôi bèn nằn nì ông Tàu già bán lạc rang bên hồ Gươm, xin ông nhận làm môn đệ để ông truyền  ngón rang lạc. Tôi hứa chỉ bán cho các cô học Trưng Vương thôi,  Người Tàu ưa giấu nghề, tôi đã không toại nguyện. Do đó, những ngày vừa lớn của tôi, tôi chả tán được em gái Trưng Vương nào. Chỉ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Nhưng giấc mộng đạp xích lô phải thành nếu một mai, tôi rơi xuống cái hố đói rách. Em Ngọc hết mê tôi. Ai dại gì yêu một nghệ sĩ xích lô đạp? Tôi sẽ giả vờ thất tình nặng, sẽ bắt chước thi sĩ thần tượng Nguyễn Bính cùa tôi, chua chát nói:
Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung;
Và ra cái điều phẫn chí:
Rồi một ngày kia em lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không đẹp bằng em mấy
Anh lấy cho anh bớt lạnh lùng
Rất có thể, tôi sẽ còn ghếch xích lô bên hè phố, nằm dài nghêu ngao bài Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẫn. Khoan đã, chớ tuyệt vọng.Người nghệ sĩ xích lô đạp sẽ có mối tháng. Tôi được hân hạnh chở một em nữ sinh tuyệt đẹp. Sáng sáng, tôi neo xe đợi em. Trưa trưa, tôi neo xe chờ em. Cuộc đời chỉ cần đủ thuế nộp chủ và hai dĩa cơm, vài ly cà phê với gói Ruby Queen. Đưa em đi học. Đón em về học. Hôm nào đó, kiếm cuốn tiểu thuyết Tây, Les misérables chẳng hạn, vất đại trên đệm. em sẽ hỏi: " Ê, anh phu xích lô, có khách bỏ quên cuốn này? '' Tôi anh dũng đáp: " Của tôi đó, thằng cha Victor Hugor viết hay ghê! '' Em mà học đệ tứ chương trình Việt là em sẽ " chết '' với tôi. Tôi đã học " récitation '' bài Après la bataille của Hugo, tôi hạ giọng câu cuối: Donne - lui à boire, dit mon grand - père như thầy Lâm Hữu Bàng của tôi, là em phải làm một cuộc xét lại ngay. Và em yêu tôi. Tôi sẽ đưa em vào tình sử bằng xích lô.
Đấy là lối thoát cuối cùng của kẻ mơ mộng mà người làm chính trị gọi là hạ sách. Tôi chưa thể đạp xích lô được. Trông dánh dấp của tôi, khách sẽ tuỡng tôi giả dạng " cớm '' và  " cớm '' thì tưởng tôi giả dạng điệp viên. Thôi, ngày mai ra sao rồi hãy hay. Cứ biết mình còn tiền ăn cơm đĩa ở hẻm Casino, một khoảng quê hương Bắc Kỳ. Mỗi ngày, chính phủ phát trợ cấp mười mấy đồng bạc, khúc bánh mì, vài muỗng đường, hoặc hộp cá mòi. Tôi chê bánh mì, đường, cá mòi. Chê luôn cả tiền trợ cấp. Cả ngày tôi nằm sắp trên ghế bố - y hệt em Ngọc thân mến - chép những bài thơ tôi thuộc lòng vào cuốn vở dầy, thỉnh thoảng , gạch xoá hay xoay thế nằm, ngửa, hút Ruby Queen nhả khói, nhìn khói mộng mơ. Em Ngọc sẽ tưởng tôi sáng tác vất vả, lao tâm khổ trí lắm đấy. Em đâu biết tôi chép thơ thiên hạ. Nếu em hỏi tôi về thơ, tôi sẽ lôi " tủ '' Nguyễn Bính của tôi, não nùng và kênh kiệu than vãn:
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ đem bán cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền
Tôi chắc em không hỏi. Vì không ai hỏi người đạp xích lô cái nghề đạp xích lô. Tôi yêu em Ngọc quá thể. Làm sao nói với em là tôi yêu em thì tôi chịu. Khó lắm. Tình yêu, ở tuổi vừa lớn của tôi, nặng phần trình diễn ghê gớm. Phần trình diễn kéo dài. Và đó là sự thơ mộng. Là vẻ thơ mộng. Là cõi thơ mộng. Chỉ cách nhau cái giậu mồng tơi mà ngỡ cách nhau ngàn dặm. Nàng có nỗi buồn, chàng Nguyễn Bính không biết rõ. Chàng chỉ lẫm nhẫm  Hình như nàng có nỗi buồn hơn tôi. Và ao ước  Giá đừng có giậu mồng tơi, Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng. Em Ngọc của tôi cách tôi gang tấc.Không có giậu mồng tơi. Tôi thấy em buồn, vui, ăn, uống; xỉa răng. Và phải ở xã hội Nhà Hát Tây mới tin lời tôi, tôi còn thấy em dùng cái chiếu dựng đứng quây tròn, che kín thân thể em khi em thay quần áo để xuống phố. Em ngậm chặt hai hàm ở chổ hai mép chiếu gặp nhau cho cái chiếu khỏi tung ra. Mỗi lần em thu mình trong chiếu, tôi hồi hộp khôn tả. Chỉ sợ cái chiếu tung ra. Nếu cái chiếu tung, tôi sẽ  bưng mặt khóc. Tôi không yêu em Ngọc nữa. Em đã chết rồi. Giấc mộng của tôi đã ứa máu. Tôi yêu em Ngọc, Em là giấc chiêm bao.
Như một chiêm bao rất mộng thơ
Bâng khuâng tôi nghĩ chuyện tình cờ
Cả hai thuyền lạ phiêu trên biển
Bổng một lần kia đỗ một bờ.
Xuân Diệu đã chiêm bao thế đó. Tôi sẽ chiêm bao thuyền lạ chở Ngọc và tôi bị trận gió tình yêu thổi dạt tới một bến bờ xa tắp. Tình yêu phải thơ mộng và đẹp như chiêm bao. Tôi không có tài làm thơ tình hay như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa... Trời sinh ra những thi sĩ tuyệt vời là để làm thơ cho chúng ta tỏ tình. Cậu học trò nào mới lớn cũng phải thuộc ít nhất hai chục bài thơ. Nhất định tôi sẽ chép bài Dâng của Xuân Diệu gởi em Ngọc. Tôi mưọn thơ Xuân Diệu làm thông điệp gữi cho tình nhân. Con gái thông minh vô cùng. Đọc xong những vần thơ bồng bế, ngỏ yêu:
Đây chùm thương nhớ, khóm yêu đương
Đây nụ mơ màng đợi ánh sương
Đây lá bâng khuâng rung trước gió
Đây em, cành thẹn lẫn cành thương
Tất cả vườn anh rất đợi chờ
Bời vì em có ngón tay thơ
Đến đây em hái giùm đôi lộc
Kẻo tội lòng anh tủi ước mơ
Bước đẹp em vừa ngự tới đây
Chim hòa ríu rít, liễu vui vầy
Hãy làm dáng điệu xuân ôm ấp
Ánh sáng ban từ một nét tay
Em Ngọc sẽ xốn xang tâm hồn. Và nếu em thuộc thơ T.T.Kh, em trả lời tôi ngắn ngủi:
Thuở trước lòng tôi phơi phới quá
Hồn trinh nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu tới
Êm ái trao cho một vết thương
Nhà nghệ sĩ là tôi. Chỉ là tôi. Tôi đã bắn vào trái tim em Ngọc mũi tên tẫm hương yêu. Đó, thi sĩ đã làm tròn bổn phận cao quý của họ. Nhân danh tình yêu, tôi ngợi ca thi sĩ, trừ thi sĩ làm thơ tự do! Ôi, bằng cách nào tôi có thể thuộc những bài thơ dài lê thê toàn công viên,ghế đá, cửa sổ, rong rêu, con nước, đại lộ, phiến buồn, cục vui, đi chân trên tay, ngục tù, bóng tối, khều mặt trời, chọc mặt trăng? Để tán gái. Những bài thơ tự do, siêu thực, siêu hình hãy đi vào văn học sử và ở nguyên trong đó cùng quý vị Lục vân Tiên, Kim Trọng, Từ Hải, An Tiêm...Và những bài thơ yêu hãy lan tỏa trong không gian thơ mộng. Tôi là kẻ viễn mơ. Nếu tôi biết làm văn nghệ, tôi sẽ là nhà văn nghệ viễn mơ. Tôi không dấn thân. Dấn thân mệt mỏi và đói rách. Mà văn nghệ dấn thân thì, đi đến đâu, dấn thân vào chỗ nào? Âm nhạc và thi ca chỉ để ngợi ca tình yêu. Tôi rất ghét những bản nhạc, những bài thơ... " chiến dịch ''.
Thí dụ chiến tranh chiêu hồi hay chiến dịch tranh cử! Tôi mà có làm văn nghệ, anh nào bắt tôi phải dấn thân, tranh đấu, cách mạng, tôi gang họng cãi tới cùng. Ông Mai thảo nói nhà văn là kẻ rong chơi. Tôi muốn nói nhà văn nghệ là kẻ phiêu du trên mọi nỗi vui buồn. Thế Lữ đó, văn nghệ viễn mơ đó:
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác trong tiếng khóc câu cười
Trong phút gian lao trong giờ vui sướng
Khi phấn đấu cũng nhgư hồi mơ tưỡng
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than
Cảnh thương tâm đau đớn hay dịu dàng
Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội
Anh dù bảo  tính tình hay thay đổi
Không chuyên tâm không chũ nghĩa nhưng cần chi.
Phải, cần chi nhỉ. Phạm Duy cứ phiêu lãng trong tình yêu. Nguyên Sa và Hoàng anh Tuấn cứ phiêu lãng trong tình yêu. Cần chi đếm xỉa bọn kên kên văn nghệ, bọn kên kên bị ruồng rẫy, thờ ơ. Cần chi nhỉ, cần chi bọn cầm dao cùn dọa giết tinh hoa của dân tộc. Hàng triệu tuổi trẻ đã nghe nhạc Phạm Duy, đã thuộc thơ Hoàng anh Tuấn, Nguyên Sa. Và tôi, tôi cũng cần chi nhỉ, tôi chỉ cần làm văn nghệ viễn mơ cho một người con gái. Cho em Ngọc yêu dấu. Em ơi, em hãy tin đi, anh sẽ có một bài thơ viễn mơ hay hơn bài Còn lại của Hoàng Anh Tuấn hay hơn bài Tuổi mười ba của Nguyên Sa. Và chắc chắn, anh sẽ viết nổi cái truyện ngắn đăng trên nhật báo Tiếng Chuông.
Nhưng nền văn nghệ viễn mơ của tôi không được rong chơi trên cái ghế bố để hì hục chép thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, không được nhìn khói thuốc Ruby Queen để nhớ nhà; không được ngắm em Ngọc yêu dấu nhai thịt bò xào dai xuýt gãy răng ; không được chiêm ngưỡng em xỉa răng và tuyệt diệu nhất ; không được hồi hộp đứng tim khi gặp em thay quần áo trong chiếc chiếu quay tròn. Tôi phải dấn thân vào con đường cán bộ ăn lương chấm công mỗi ngày năm chục bạc cho Phủ Đặc Ủy Di Cư ; Thế là tôi vừa văn nghệ viễn mơ, vừa văn nghệ dấn thân. Viễn mơ trên ghế bố chênh vênh. Gác ba Nhà hát Tây và dấn thân dưới mái nhà frib, thấp lè tè của Phủ Đặc Ủy Di Cư ở tận cuối đường Galliéni, đối diện Nha Cảnh Sát Đô Thành. Tôi là Trương Chi, nghệ sĩ Trương Chi. Trương Chi thuở xưa phải quăng lưới bắt cá, mới có cơm ăn, áo mặc rồi mới neo thuyền hát tình ca làm nứt rạn trái tim Mỵ Nương. Ôi nếu thuở xưa đã có những đốc tờ chuyên khoa thẩm mỹ như đốc tờ Hiếu, đốc tờ Viên và Trương Chi thừa tiền gửi nhà băng chàng đã sửa sắc đẹp rồi. Và như thế, không có chuyện: Ngày xa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu, hát thì thậm hay. Trương Chi, nhà văn nghệ dấn thân... quăng lưới. Hậu thân của chàng là tôi, nhà văn nghệ dấn thân... chấm công. Tôi dấn thân cùng nhà văn nghệ Y Vân. Nhà văn nghệ dấn thân ở bến tàu Sài gòn đón tiếp đồng bào di cư, làm cách mạng tranh đấu chống độc tài bằng cách tay đờn miệng ca: Ngày trở về có trâu xanh... Còn tôi, nhà văn nghệ Trương Chi dấn thân bằng cách ghi tên đồng bào di cư vào phiếu lý lịch. Tôi đã phục vụ cách mạng, phản kháng, chiến đấu. Tôi dấn thân. Tôi hết viễn mơ rồi. Dấn thân cũng có nỗi buồn của nó. Nỗi buồn dấn thân. Buổi trưa đáp xe buýt tới bùng binh chợ Bến Thành, tập thể thao chân trên vỉa hè Bonard đúng lời dạy của con ông Alexandre Dumas: " Marche deux heures tous les jours '' Về Nhà Hát Tây, thấy mấy thằng ngự ở ghế bố mình, say sưa ngắm em, ức hộc máu mồm. Và buổi chiều, sau khi dời hẻm Casino với cái bụng căng đầy cơm sườn nướng, cà phê đá, tôi lủi thủi cuốc bộ khắp vỉa hè, miệng phì phèo Ruby Queen như một kẻ thất tình nặng.
Tôi ghen rồi. Khói tình đã vướng vào mắt tôi làm tôi ứa lệ. Giá tôi to con, có tí vỏ nghệ, tôi đã khiện mấy thằng tình địch của tôi. Bỗng tôi hối hận đã tiếc tiền mua cuốn  Bắp thịt trước đã của ông Phạm Văn Tươi. Muốn độc quyền yêu một em nào, mình cần bắp thịt lớn, rắn chắc.Nếu tôi tập tạ, đánh ba, tôi sẽ cởi áo, gồng mình, mấy thằng ngự ở ghế bố của tôi chắc là cút hết. Văn nghệ đi liền với bắp thịt mới hoàn thành xứ mạng thiêng liêng của nó. Tôi thường lang thang quá nữa đêm. Và, dù chưa gởi em Ngọc bài thơ Dâng cuả Xuân Diệu, dù em chưa trả lời tôi bằng bốn câu thơ của T.T.Kh, tôi vẫn muốn chuyển tới em những lời hờn nghen của Nguyễn Bính:
Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẩu chỉ qua đường khách lại qua
Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai
Đừng hôn dù thấy đoá hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm ngừơi
Tôi không thể đoán nổi tâm trạng của em Ngọc. Mà chỉ mong ước em cũng thuộc lòng cuốn Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính như tôi. Và em sẽ đọc đoạn cuối bài : Ghen:
Thế là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi
Để hiểu rằng tôi đã yêu em. tôi đoán chắc nếu em yêu tôi, em sẽ nằm đắp chăn trùm kín cho mấy thằng tình địch của tôi chán chường, phú lỉnh hết. Em cứ giả vờ cảm em nhé! Em hãy uống viên aspérine tình yêu và mặc kệ mồ hôi chảy tầm tã, mặc kệ nắng cháy miền Nam. Yêu em, anh đã dấn thân làm văn nghệ... cán bộ chấm công. Yêu anh, chẳng lẽ em không dám giả vờ dấn thân cảm cúm. Đó là một hình thức phản kháng, em yêu dấu. Tôi nghĩ ngợi thì anh dũng khôn tả nhưng thực hiện ý nghĩ anh dũng đó, tôi đành thôi. Vào một buổi chiều buồn nhất quãng đời vừa lớn, tôi lầm lũi bước lên ngót một trăm bậc thang, mặt mũi thật cô hồn. Nghĩa là nghệ sĩ ghê lắm. Túi quần thủ sẳn bài Thôi nàng ở lại của thần tượng Nguyễn Bính chép nghiêng ngã, vò nát. Gặp chị Phượng, tôi móc túi đưa bài thơ cho chị và xoay lưng, chạy vội xuống dưới nhà. Bài thơ như sau:
Hoa đào từnh cánh rơi như tưới
Xuống mặt sân rêu những giọt buồn
Như những tâm tình tan vỡ ấy
Nhện già giăng mắc sợi tơ vương
Nàng đến  thăm tôi một buổi chiều
Những mong chắp nối lại thương yêu
Nhưng tôi không dám, tôi không thể
Chắp nối bao nhiêu khổ bấy nhiêu
Nàng hãy cùng tôi đoan một lời
Từ nay nàng đã hết yêu tôi
Từ nay ta sẽ xa nhau mãi
Và sẽ quên nhau để trọn đời
Ai đi chắp lại cánh hoa rơi
Bắt bóng chim xa ở cuối trời
Có lẽ ngày mai đò ngược sớm
Thôi nàng ở lại để quên tôi
Đứng ngẩn ngơ dưới nhà một lát, tôi toát mồ hôi. Tôi nguyền rủa tôi là một thằng khờ khạo, ngu ngơ. Tôi đã làm trò cười cho em Ngọc. Tôi đúng là tên ăn mày đòi xôi gấc, đôi đũa rếch đòi chòi mâm son. Nuốt bẩy miếng nước bọt, thu hết can đảm, tôi lên gác ba. Giá không vướng hành lý gửi chị Phượng, tôi đã giả từ Nhá Hát Tây " hai bàn tay trắng, đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay '' rồi. Chỉ vì cái va ly quần áo và cuốn sách dạy khẩy đàn lục huyền Y Pha Nho của Carulli! Tôi gặp liền chị Phượng. Chị đon đả tiếp tôi và vỗ vai tôi:
- Cậu Long.
- Bút hiệu Trương Chi.
- Cậu Trương Chi.
- Dạ.
- Cậu định đi đâu thế?
Tôi sắp sửa nói " Thưa chị, em đưa nhầm lá thư cho chị. Em không dám hỏi, sợ ngượng, cuối tuần em mới lĩnh lương, em viết thư vây chị vài trăm tiêu đỡ, ai dè thư vay tiềnlộn thành bài thư tình biệt.Tại em cuống quýt, thì chị Phượng đã phân trần:
- Cậu đừng đi đâu nhé, cậu Trương Chi! Cậu chưa hiểu lòng con Ngọc.
Chị Phượng nhìn tôi cười hóm hỉnh:
- Nó đã yêu cậu rồi đó. Nó vừa khóc thút thít đấy. Trương Chi ạ!
Nàng đã yêu tôi, Mỵ Nương đã yêu Trương Chi. Ngọc đã yêu Long. Tôi muốn quỳ xuống hướng về phía nào đó Nguyễn Bính đang phiêu lãng, cám ơn thi sĩ, bao nhiêu kẻ trên đời này không cần nói " Anh yêu em, em yêu anh '' mà đã yêu nhau. Nhờ Nguyễn Bính, tôi đã tán được em Ngọc. Cuộc tình của tôi thơ mộng đến thế là cùng.