Đánh máy Thanhvien
Chương 13

Phượng Hy đẩy chồng sổ qua một bên rồi nằm gục lên bàn. Từ sáng tới giờ, những con số chi chít trong sổ đã hành hạ cô trối chết. Hy không còn chút thời gian nào để nhớ tới Long. Thôi thì bây giờ nhớ bù vậy.
Giờ này, anh đang làm gì nhỉ? Đang đánh vật với đất, với trời, với những gốc sầu riêng, măng cụt, nhãn xoài,... hay rong ruỗi ở những vùng đất sâu hơn để khai hoang?
Hy cố hình dung nhưng vẫn chưa tưởng tượng những trang trại bạt ngàn mà Long đã hào hứng kể cho cô nghe to rộng như thế nào, so với số vườn tược của cậu Hai Thọ. Long tự tin nhấn mạnh chừng đôi ba năm nữa, thu hoạch ở trang trại của cha anh bảo đảm phải gấp đôi, gấp ba thu hoạch hiện nay của cậu Hai.
Rất có thể Long đã thổi phồng sự việc lúc cao hứng, nhưng dầu sao cũng đáng mừng vì anh sống có mục đích, mục tiêu rõ rệt.
Trước khi đi một hôm, Long có trình bày ý định đi Long Khánh với mọi người trong nhà. Nhưng ngoài mợ Phụng ra, bà ngoại, cậu Hai và cả Ánh Vy đều hết sức dửng dưng. Mọi người không tin lời anh nói thì phải.
Long bảo với cô: "Anh chẳng quan tâm lắm đến thái độ này. Anh chỉ cần Hy hiểu anh, tin anh và yêu anh thôi."
Phượng Hy bâng khuâng khép mi. Dĩ nhiên là Hy yêu anh rồi. Sự nhung nhớ trong cô đơn, quạnh quẽ đã buộc cô phải tự thú là rất yêu anh và đang buồn khủng khiếp vì nhớ anh.
Ôi! Sao Hy thèm được anh ôm trong tay đến thế này cơ chứ?
Nén tiếng thở dài, Hy ngước mặt lên và gặp ngay cái nhìn tò mò của ông Tâm:
- Sao thế cô bé? Không được khoẻ à?
Hy ngượng ngùng vì nãy giờ có người nhìn mà cô không hề hay. Đúng là vô ý vô tứ.
Cô vuốt lại mái tóc, giọng lí nhí:
- Cháu hơi...nhức đầu ạ.
Ông Tâm lo lắng:
- Nhức từ hồi nào? Sao không xin nghỉ?
Đã lỡ nói dối, đành phải nói dối luôn, Hy mệt mỏi:
- Cháu cũng định, nhưng việc nhiều quá.
Ông Tâm nghiêm mặt:
- Nhiều thì thêm người. Tôi sẽ nói lại với Bằng vấn đề này. Còn em phải đi nghỉ ngay.
Hy lắc đầu:
- Một chút cháu sẽ khoẻ lại, không sao đâu.
Ông Tâm trầm giọng:
- Lại bướng.
Phượng Hy chớp mắt:
- Đâu có, cháu nói thật đó.
Ông Tâm chống nạnh, đầy quyền hành:
- Thật, giả gì tôi chẳng quan tâm. Tôi yêu cầu em nghỉ việc. Sẵn có xe, tôi sẽ đưa em về tận nhà.
Thấy được quan tâm, Hy bỗng nhõng nhẽo:
- Anh Bằng mà mắng cháu là chú chịu trách nhiệm đó.
Ông Tâm nhún vai:
- Chuyện nhỏ.
Hy buột miệng:
- Việt Kiều mà cũng biết nói thế nữa à?
Ông Tâm chỉ nhìn cô, chớ không trả lời. Bất giác, Hy lúng túng, quay đi. Cô nghĩ ngay tới Long để trấn tỉnh mình.
Quái! Ông Tâm đáng tuổi cha chú Hy, ông là người yêu cũ của mẹ. Cô tưởng tượng điều kinh dị gì thế. Có phải cô nhớ Long quá rồi cô đâm lẩn thẩn không?
Lúc Phượng Hy còn hoang mang với điều mình nghĩ, ông Tâm đã đến gần chỗ cô ngồi, đưa tay ra như muốn đỡ cô dậy:
- Nào! Tôi đưa em về.
Hy vội đứng phắt lên:
- Cháu phải xin phép anh Bằng.
Ông Tâm khoát tay:
- Biết Bằng ở đâu mà xin. Mình cứ về đã.
Phượng Hy rầu rĩ bước cạnh ông. Thế đấy, cho bỏ tật nói láo.
Ra tới cửa, hai người đụng phải Bằng. Hy khựng lại, trong khi ông Tâm khá bối rối.
Nheo nheo đôi mắt, anh hỏi trỏng:
- Ủa! Đi đâu thế này nhỉ?
Ông Tâm lên tiếng thay cho Hy:
- Hy nhức đầu, chú đưa cô bé về.
Bằng lừng khừng thật dễ ghét:
- Nhức đầu. Chà! Khó đoán bệnh gì thật. Còn công việc thì sao đây?
Ông Tâm xụ mặt:
- Kêu Tư Chí làm. Cái thằng ấy chỉ giỏi chơi dài mà mày vẫn trả lương.
Bằng khó chịu:
- Sao chú biết anh ta chơi dài?
Liếc xéo Hy một cái, Bằng mỉa mai:
- Cô đang làm việc cho tôi hay cho ai vậy?
Phượng Hy nóng mặt, cô ấp úng:
- Định tìm anh xin phép nghỉ, nhưng không biết anh ở đâu.
Bằng hừ giọng mũi:
- Vẽ chuyện.
Ông Tâm nóng nảy:
- Mày nói thế là sao? Hừ! Đúng là không coi tao ra gì.
Bằng gằn:
- Đây là cơ sở của tôi, tôi đang nói chuyện với người làm cho mình, không động chạm gì tới chú hết.
Thấy không khí đầy căng thẳng, Phượng Hy xuống nước:
- Anh không cần to tiếng. Chú Tâm có lòng tốt định đưa tôi về nhà dùm. Nếu anh không cho phép tôi nghỉ bệnh, tôi sẽ vào làm trở lại.
Ông Tâm vội vàng:
- Tội tình gì phải cực thân đến thế. Làm việc cho ai, ở đâu cũng có chế độ hẳn hoi. Em nghỉ luôn đi, tôi sẽ lo cho.
Phượng Hy gượng gạo:
- Cảm ơn chú. Cháu sẽ ổn thôi mà.
Dứt lời, cô lặng lẽ trở vào bàn, ngồi xuống. Cô mở sổ ra, nhưng đầu óc rối mù vì tức, nên cũng chẳng tính toán gì được.
Rõ ràng Bằng quá đáng, anh ta chả coi ông chú Việt kiều của mình ra gì. Bằng làm thế nhắm mục đích nào? Anh muốn dằn mặt Hy hay dằn mặt ông Tâm? Sao anh lại thô lỗ, bất lịch sự và hỗn hào thế?
Bằng lầm lì bước tới:
- Nhức đầu thì nghỉ đi. Cố làm, nhỡ...sai một con toán, bán một con trâu thì khổ thân tôi.
Phượng Hy bĩu môi. Hừ! Anh ta chả tử tế gì khi bảo cô nghỉ. Nhưng tội gì Hy không nghỉ cho....đã chớ.
Phượng Hy vừa dợm bước đi đã nghe giọng Bằng dịu xuống:
- Tôi đưa em về.
Hy lạnh lùng:
- Không cần đâu.
Bằng cay cú:
- Vì tôi không phải là ông Ba Tâm à?
Hy trừng mắt:
- Anh muốn ám chỉ cái gì hả? Đừng nghĩ mình là chủ rồi muốn nói sao cũng được nghe.
Bằng nhún vai:
- Tôi chỉ nói cái gì mình thấy thôi.
Môi nhếch lên, Bằng nhấn mạnh:
- Chú Ba tôi mến em vì em là hiện thân của người đàn bà ông từng yêu. Thế còn em, em quyến rũ chú ấy vì lý do gì? Phải vì tiền không?
Mặt tái mét vì bất ngờ bị nhục mạ, Hy đờ người ra không nói lại được tiếng nào. Mồm mép của Bằng thật là kinh khủng. Và anh ta không có quyền nói Hy như vậy.
Nước mắt ràn rụa, cô nấc lên khóc, thay vì sừng sộ như thường ngày. Những giọt lệ ấy có tác dụng ngay tức khắc.
Bằng nhăn nhó:
- Trời ơi! Làm ơn nín đi.
Nghe Bằng nói vậy, Hy càng khóc to hơn. Cô tự xét mình, cố tìm những điểm sai trái dẫn đến những lời nói vừa rồi của anh, mà tìm không ra.
Hy quyến rũ ông Tâm hồi nào cơ chứ? Tại sao cả Long cũng hậm hực ghen tuông khi có một lần cô nhắc tới ông Ba Tâm? Lẽ ra lần đó Hy phải hỏi Long cho ra lý do anh ghét ông ta, nhưng thời gian hai người gần nhau quá ít, nên cô đã quên bẵng đi khi Long mơn trớn âu yếm cô.
Đàn ông luôn ích kỷ trong tình yêu, vì yêu Hy, có thể Long mù quáng khi ghen, vậy còn Bằng? Anh ta có ưa gì Hy, sao lại nói những lời khó nghe đến thế?
Bằng phân bua:
- Xin lỗi. Tôi đã nặng lời với em, nhưng những gì tôi nói về chú Tâm là chính xác. Em đừng giận, đừng khóc nữa mà.
Im lặng một chút, Bằng chép miệng:
- Thật sự, tôi cảm thấy ghen với chú ấy.
Mặt đỏ bừng lên, Hy ấp úng:
- Anh nói đùa kỳ cục quá.
Bằng thản nhiên:
- Tôi không hề đùa. Trong cách sống, tôi có nhiều điểm hơn chú Ba, nhưng trong cuộc sống, tôi lại thua chú ấy nhiều thứ. Hỏi thật nhé, Hy nghĩ sao về chú Ba Tâm?
Hy nói một hơi trong nước mắt:
- Tôi xem chú Tâm như cha chú của mình.
- Nhưng chú ấy với em là người dưng nước lã. Có hơi chênh lệch về tuổi tác, nhưng đâu hề hấn gì phải không?
Phượng Hy dậm chân:
- Đầu óc anh có vấn đề à?
Bằng gật gù:
- Vấn đề của em đó. Tôi rất khó chịu khi chú Ba làm như mình là chủ đối với nhân viên của tôi. Chú ấy không có quyền làm thế.
Phượng Hy nhún vai:
- Anh coi mình lớn quá.
Bằng khô khan:
- Đúng vậy. Tôi đã nói xong những gì cần nói. Em về được rồi.
Phượng Hy hậm hực đạp xe đi. Tới nhà, Hy bối rối khi thấy ông Tâm đang ngồi với bà Bảy trong phòng khách.
Cô gật đầu chào hai người rồi...tếch nhanh vào bếp, nhưng bà Bảy đã gọi giật ngược cô lại. Hy miễn cưỡng ngồi xuống cái ghế gỗ mun cẩn xà cừ ánh ngũ sắc. Cô không thể nào tự nhiên khi nhớ tới những lời của Bằng, những lời ám ảnh cô suốt đoạn đường về nhà.
Bà Bảy hỏi:
- Đã bớt nhức đầu chưa Hy?
Cô cúi đầu, dấu đôi mắt đỏ hoe:
- Dạ, bớt rồi ạ.
Bà Bảy chép miệng:
- Làm chi cho cực tấm thân hổng biết nữa. Nghe lời ngoại nghỉ quách cho rồi. Lương ba cọc ba đồng ngày ngày chung đụng với dân vựa trái cây, mở miệng là chửi, không khéo hư thân thì khổ.
Phượng Hy nhỏ nhẹ:
- Người ở đó đàng hoàng lắm, ngoại không phải lo.
Bà Bảy hừ trong mũi:
- Đàng hoàng như thằng Tư Chí chớ gì. Ngoại hỏi cậu Hai mới biết thành tích của nó. Vậy mà không hiểu sao con lại phải đi dông đi dài, hết ngày này qua ngày khác với nó. Thu mua là việc của đàn ông, chớ đâu phải của một đứa con gái miệng còn hôi sữa như con.
Ông Tâm chen vào:
- Xin bác Bảy bớt nóng. Cháu Bằng mới quản lý vựa thu mua trái cây này chưa bao lâu nên còn nhiều hạn chế trong việc điều động người. Cháu sẽ dạy bảo lại nó. Riêng trong trường hợp Phượng Hy, bác khuyên Hy nghỉ là đúng. Con nhà gia giáo, cũng có chút tiếng tăm, không nên chung đụng với những người hạ cấp.
Phượng Hy buột miệng ngắt ngang lời ông:
- Ảnh không phải là người hạ cấp. Ảnh là cháu ruột của chú mà.
Ông Tâm hơi khựng lại, nhưng miệng lưỡi vẫn trơn tuột:
- Đúng như vậy. Ngày xưa, Bằng từng học đại học, nó là người có trình độ, là dân trí thức hẳn hoi, tiếc rằng thời gian dài ngồi tù, gần gũi với bọn đầu trộm đuôi cướp, Bẳng đã bị tha hoá. Bằng bây giờ thô lỗ, cộc cằn, vô văn hoá.
Nhìn như để dò xem phản ứng của Hy xong, ông Tâm nói tiếp:
- Tôi rất lo khi biết Hy làm việc cho Bằng. Thằng ấy uống rượu vào không biết phân biệt sai trái, trúng trật gì đâu.
Bà Bảy nhấp nhỏm:
- Trời ơi! Có chuyện đó nữa sao?
Ông Tâm thở dài đầy phiền muộn:
- Vâng. Bằng là cháu ruột, nhưng cháu không thể bao che cho nó được, vì cháu rất quý mến Phượng Hy. Cháu muốn cô bé có được những gì tốt đẹp nhất.
Giọng bà Bảy đong đầy tình cảm:
- Bác hiểu ý cháu. Làm cho Phượng Hy hạnh phúc là điều bác nằm đêm nghĩ tới. Nhưng bằng cách nào, bác nghĩ chưa ra.
Bà than thở:
- Cháu cũng thấy rồi đó. Từ khi bác trai qua đời tới nay, cảnh nhà bác ngày một suy sụp. Anh Hai Thọ làm ăn thua lỗ, phải bán dần đất đai để trả nợ. Giờ chẳng còn được bao nhiêu, bác muốn lo cho Phượng Hy bằng chị bằng em cũng khó. Nói như vậy không có nghĩa là bác và cậu mợ bắt nó đi làm, con nhỏ này bướng giống mẹ, nên dầu người lớn không đồng ý, nó vẫn một mực làm theo ý mình.
Mặt nghiêm lại, bà Bảy phán quyết:
- Giờ thì khỏi, bác nhất định bắt nó ở nhà.
Lừ mắt nhìn cô, bà cao giọng:
- Nghe rõ chưa Hy? Không được đi làm ở vựa trái cây đó nữa. Rồi chú Tâm sẽ tìm việc khác cho con.
Cô chưa kịp phản ứng, ông Tâm đã tiếp lời bà Bảy:
- Cháu hứa sẽ lo cho Phượng Hy. Cháu tha thiết muốn được bảo bọc cả đời cho cô bé.
Bà Bảy cười rạng rỡ:
- Vậy thì tốt quá, nhưng cháu lo cho Phượng Hy bằng cách nào đây?
Ông Tâm từ tốn:
- Cháu muốn là người bảo trợ cho Hy.
Phượng Hy vội nói:
- Cảm ơn chú. Cháu tự lo cho mình được rồi.
Bà Bảy khoát tay:
- Vào trong nhà để người lớn nói chuyện.
Phượng Hy ngần ngừ đứng lên, cô không thể cãi lời bà ngoại dù thâm tâm cô rất muốn thế.
Vào phòng, Hy nằm lăn ra giường. Cô bực bội khi thấy mình bị bà ngoại đặt để. Thái độ nôn nả của ngoại nói lên rằng bà rất mừng khi đã tìm được người bảo bọc cả đời cho cô. Bà đã tìm ra chỗ để... tống cô đi. Hy ôm đầu, cô không muốn nghĩ sai về bà ngoại, nhưng rõ ràng bà không mấy quan tâm đến đứa cháu côi cút này. Bà ngoại cô vốn rất vô tâm, bà đi chùa để tu nhân tích đức và coi đó là mục đích sống trong những năm tháng cuối đời mình.
Nhớ tới nhận xét trước đây của Long về bà ngoại, Hy chợt xốn xang. Cô linh cảm sắp có chuyện lớn xảy ra cho mình và hốt hoảng nhận ra Long đã đi xa, sẽ chẳng còn ai đứng về phía cô để chở che, bênh vực.