Chương 4

Phượng Hy tức tối nhìn Tư Chí nghênh ngang bỏ đi, sau khi ra lệnh cho cô ở lại để kiểm tra, điều động việc các xe chở hàng đưa ra Bắc.
Hình như anh ta muốn gây khó khăn cho Hy, một con nhóc mới chân ướt chân ráo chưa quen việc thì phải.
Mím môi, Hy cố nhớ, nhưng không tìm ra được nguyên nhân nào khiến Tư Chí đối xử với mình như thế.
Cô làm việc đã được một tuần, nhưng chưa thấy mặt mũi cậu chủ Bằng cao thấp, mập ốm, xấu đẹp ra sao. Người cô gặp là Tư Chí, một gã đàn ông lúc nào cũng nồng nặc rượu, cộc cằn, lỗ mãng. Mở miệng là chưi? thề trước câu nói.
Dì Bê bảo Phượng Hy làm chung với anh ta để học việc. Đó là ý kiến của cậu chủ Bằng. Cậu ấy bận việc phải đi vắng, nên nhờ dì truyền đạt lại với Hy với mong muốn cô sẽ đồng ý làm việc cho cậu ta bền lâu.
Ngày đầu, Tư Chí cho cô ngồi một góc nhìn hắn hò hét, la mắng nhân công. Hắn văng tục, vỗ bàn dầu chẳng có chuyện gì xảy ra. Hy hiểu Tư Chí muốn dằn mặt mình nên cô bình thản chịu đựng.
Qua ngày thứ hai, Tư Chí bắt cô vào sổ số lượng hàng, số lượt xe xuất khỏi vựa theo yêu cầu của hắn ta.
Ngày thứ ba tới hôm nay, Tư Chí bảo cô sang điều động nhân công vô bao xoài, đóng hộp thanh long. Cô vừa mới quen điều động phân công cho hợp lý, đạt kết quả cao việc này thì Tư Chí lại giao cho cô việc làm khác. Hắn muốn quậy cho Hy bỏ ngang chắc.
Phượng Hy nhếch môi. Tư Chí không biết cô rất kỳ, cô sẽ không bỏ việc đâu, nhưng tối nay, trái cây về nhiều, phải làm suốt đêm thế này, quả thật là căng.
Ngần ngừ một chút, cô nhấc điện thoại gọi về nhà. Dầu dây bên kia vang lên giọng của Long, Phượng Hy chợt bối rối. Sau tối hôm đó, cô không gặp anh, nhưng vẫn còn nguyên cảm giác khó chịu đến mức không muốn nói chuyện. Nhưng lỡ đã gọi, đâu thể cúp máy ngang được.
Cô ậm ự:
- Hy đây, anh Long hở?
Long hối hả:
- Có chuyện gì vậy Hy?
Phượng Hy nói thật nhanh:
- Tối nay em về nhà muộn lắm. Anh thưa với ngoại dùm để bà khỏi phải trông. Thôi nhé.
- Khoan đã Hy. Cho anh xin lỗi chuyện tối hôm đó.
Hy cười nhẹ vào máy:
- Em quên rồi.
Dứt lời, cô gác ống nghe. Ngước lên, Hy thấy một người đàn ông đang khoanh tay nhìn mình.
Tim Phượng Hy chợt rộn lên khi cô nhận ra đó là ành chàng từng quá giang cô chuyến xe từ Sài Gòn về Mỹ Tho.
Bỗng dưng cô cười thật tươi, lòng vui như gặp lại người bạn cũ. Khác với sự rộn ràng của cô, anh chàng chỉ nhếch mép rồi cất giọng khô như ngói:
- Tư Chí đâu?
Phượng Hy hơi cụt hứng, nhưng vẫn trả lời:
- Ảnh không có ở đây, anh tìm Tư Chí để xin việc à?
Anh ta nhíu mày:
- Sao cô em biết?
Hy so vai:
- Hôm nào lại không có người gặp Tư Chí để xin làm bốc vác hay một việc gì đấy ở vựa này.
Môi nhếch lên vừa mỉa mai, vừa hóm hỉnh, Bằng nói:
- Tôi không phải một trong những người này. À! Công việc của em thế nào rồi Phượng Hy?
Tròn mắt nhìn Bằng, Hy ngạc nhiên:
- Sao anh biết tên tôi hay vậy?
Bằng lấp lửng:
- Nếu không biết tên cô mới lạ ấy chứ.
Phượng Hy nuốt nước bọt:
- Anh … anh là ai vậy?
Bằng bật cười:
- Là một người đi nhờ xe. Đơn giản và dễ nhớ vô cùng. Đúng không?
Hy lảng đi:
- Anh có nhắn gì với anh Tư Chí thì cứ nhắn, tôi sẽ nói lại.
Bằng bỗng hỏi:
- Anh ta có tử tế với em không? Có “ma cũ ăn hiếp ma mới” không?
Phượng Hy ậm ự:
- Chắc là có đấy.
- Có tử tế hay có ăn hiếp …
- Anh thử đoán xem?
Bằng xoa cằm:
- Chắc là có tử tế rồi. Phụ nữ luôn có lợi thế trong giao tiếp, nhất là phụ nữ đẹp.
Phượng Hy bỉu môi:
- Đây là công việc chớ không phải chỉ xã giao xuông. Mà trong công việc ấy hả, ma cũ ăn hiếp ma mới là chuyện thường tình.
Nhìn Bằng đầy cảnh giác, Hy thắc mắc:
- Sao anh biết tôi là ma mới nhỉ?
Bằng từ tốn:
- Vì tôi là ma cũ.
Mắt Hy sáng lên:
- Vậy thì hay quá.
- Sao lại hay kìa?
Phượng Hy cong cớn:
- Tôi nghĩ anh sẽ không như ma cũ kia.
Bằng nheo nheo mắt:
- Điều đó thì chưa chắc vì “Ma cũ ăn hiếp ma mới là chuyện thường tình mà.”
Hất mặt lên, Bằng lầm lì:
- Tôi muốn biết một tuần qua, cô em đã làm được những gì? Mau báo cáo đi.
Phượng Hy vênh váo:
- Một tuần đủ để tôi thành người cũ rồi. Anh đừng hòng ăn hiếp tôi.
Bằng gật gù:
- Khá lắm. Có khả năng đối đáp với khách hàng, nhất là hàng xoài, hàng cóc.
Hy xịu mặt:
- Anh muốn nói tôi chanh chua chứ gì.
Bằng chưa kịp trả lời thì điện thoại reo. Phượng Hy ấm ức nhấc máy.
Đầu dây bên kia léo nhéo giọng phụ nữ:
- Cho tôi gặp ông Bằng.
Hy mau miệng:
- Dạ, ông ấy chưa về ạ.
- Sao? Vẫn chưa về à? Hừm! Lại biến đâu với con nào rồi chứ gì?
- Dạ không phải. Ông ấy …
Bên kia, giọng phụ nữ gào lên:
- Báo với ông Bằng là tôi không làm ăn với ổng nữa. Nhớ đó.
- Xin lỗi. Bà là ai ạ?
- Kim Mỹ.
Xưng danh xong, người gọi gác máy cái cộp, khiến Hy phải nhăn mặt ê ẩm đầu.
Bằng hỏi ngay:
- Tìm Tư Chí hả?
Hy lắc đầu:
- Đâu có, tìm ông chủ.
Bằng kêu lên:
- Rồi em bảo.. chưa về à?
- Thì anh nghe đó, còn hỏi gì nữa. Cái bà Kim Mỹ này độc thiệt. Nghe nói ổng chưa về là rít ngay vào tai tôi rằng “Ổng lại biến đâu với con nào rồi chứ gì?” Eo ơi! Bộ ông chủ hay biến như thế lắm hả?
Bằng đanh giọng:
- Vớ vẩn.
Rồi không nói tiếng nào, anh hầm hầm bước tới điện thoại, nhấc ống nghe lên.
Thấy Hy nhìn mình với vẻ không hài lòng, anh gắt:
- Cô … biến cho tôi điện thoại là vừa đấy. Đúng là bộp chộp, lanh chanh.
Phượng Hy sừng sộ:
- Quyền gì mà anh dám mắng tôi?
Bằng không trả lời. Anh nhấn số rồi hất mặt lên chờ máy reo, xem như Hy không hề hiện hữu.
Tức điên lên, Hy không biết làm sao ngoài việc xoay xoay cây bút bi trên tay và nghe giọng hắn ta ngọt ngào:
- Mỹ hả? Anh đây.
Lúc Phượng Hy còn há hốc mồm kinh ngạc, Bằng đã nói tiếp:
- Anh về lâu rồi, nhưng bọn nhỏ không thấy nên mới nói thế … rồi … rồi … anh sẽ rầy con nhóc đó. Vừa lòng chưa?
Phượng Hy tức điên lên. Cô quay ngoắt người ra khỏi ngôi nhà gỗ được xem như đại bản doanh của vựa trái cây. Ngồi xuống cạnh một chồng giỏ cần xé, Hy đưa tay lên ngực và nghe tim đập thình thịch vì giận.
Hừ, anh ta tệ thật, nên vừa rồi mới đùa với Hy. Đã vậy, còn nhắn qua điện thoại với con mẹ nào đó là sẽ rầy cô.
Cô tội gì mà rầy chứ? Tự ái cứ dâng cao làm Hy chịu không nổi. Cô đứng lên đi tới đi lui khiến bọn con gái ngồi bọc xoài vô giỏ gần đó phải ngạc nhiên kêu lên:
- Chị Hy vào nghỉ đi. Cầu tám, chín giờ xe hàng mới tới mà. Không dưỡng sức sao mà làm khuya.
Phượng Hy gượng gạo cười. Cô ngồi kế đống xoài nhất, đã lựa từng trái trước khi bọc cho nó lớp vỏ trắng y như vỏ bọc những trái bôm Trung Quốc mà lòng nghĩ đâu đâu.
Quả thật Hy bị hố to vì không ngờ hắn ta là ông chủ Bằng. Trong tưởng tượng của cô, Bằng không khác Tư Chí là mấy. Theo cô, Bằng cũng lừ đừ, bốc mũi … hèm, cũng cộc cằn, chửi thề liền miệng. Có lẽ tại con bé Xê nói nhiều về “cậu Bằng” quá, nên Hy đã có ấn tượng xấu về anh. Để đến khi gặp “người thật”, cô lại nghĩ anh là người đi xin việc.
Nhưng ngay lúc đó, Bằng vẫn có thể tự giới thiệu mình. Ai bảo anh đùa dai rồi mắng cô nào là.. vớ vẩn, bộp chộp, lanh chanh. Hừ! Đàn ông gì nhiều lời quá.
Một thằng nhóc mặt lem luốc chạy tới gần cô:
- Chị Hy ơi! Cậu Ba gọi chị.
Hy ngơ ngác:
- Cậu Ba nào?
Một con bé phì cười:
- Cậu Ba Bằng đó. Tụi em nhỏ, không dám gọi tên mà phải gọi thứ.
Phượng Hy ngần ngừ trước khi bước vào văn phòng. Hừ! Để xem cậu Ba mắng gì nữa đây. Mình không chịu nhục đâu. Bất quá nghỉ việc là cùng chớ gì.
Thấy Bằng ngồi sau bàn, miệng phì phèo thuốc lá, mắt nheo nheo nhìn mình, Phượng Hy căm lắm.
Cô lạnh lùng mai mỉa:
- Thưa, cậu Ba gọi tôi.
Làm như không biết Hy đang châm chọc, Bằng chỉ ghế đối diện:
- Ngồi xuống đi. Tôi muốn nghe báo cáo tình hình một tuần qua.
Phượng Hy liếm môi:
- Ngày nào anh Tư Chí cũng báo cáo và nhận mệnh lệnh của cậu qua điện thoại mà.
Bằng quyền hành:
- Nhưng tôi muốn nghe qua ghi nhận của người khác.
Hy bướng bỉnh:
- Xin lỗi. Không phải việc của tôi.
Bằng cười khẩy:
- Chắc Tư Chí cho cô ngồi chơi suốt tuần qua, nên cô có biết gì đâu.
Phượng Hy nóng mặt:
- Tôi là người mới. Anh Tư Chí phân công thế nào, tôi làm thế đó.
Bằng hất hàm:
- Vậy cô đã làm những gì?
Phượng Hy kể một hơi:
- Ngày đầu tiên tôi được phân công ngồi một chỗ nhìn Tư Chí la mắng, hò hét nhân công. Ngày thứ hai …
Bằng nhịp chân nhìn gương mặt ửng đỏ vì tức của Hy. Con bé này có thừa tự ái và anh thích trêu để nhìn đôi gò má đỏ hồng vì giận của cô nàng.
Bằng thừa biết Tư Chí sẽ không giao việc cho Phượng Hy, những việc như ý Bằng muốn. Nhưng có sao đâu. Vẫn còn ngày dài tháng rộng kia mà. Trước mắt, dù biết Tư Chí bỏ túi riêng khá bộn tiền, Bằng vẫn chưa cho anh ta nghỉ việc, trái lại, Bằng phải triệt để khai thác, xử dụng Tư Chí.
Giọng Phượng Hy rành rọt:
- Tôi đề nghị được giao công việc cụ thể, chớ hôm nay việc này, ngày mai việc nọ …
Bằng khoát tay:
- Cứ làm quen với môi trường ở đây đã. Chỗ này gọi nôm na là cái vựa chớ không phải một công ty có phòng riêng gắn máy lạnh cho từng nhân viên. Những người nào làm cho tôi đều đồng cam đồng khổ với chủ. Cô có như thế không?
Phượng Hy chớp mắt:
- Đồng cam đồng khổ, nghĩa là sao? Hôm trước dì Bê không có nói với tôi vấn đề này.
Bằng nói:
- Nghĩa là cùng chịu cực, chịu khổ với chủ.
Phượng Hy nghiêm giọng:
- Nhưng không phải là để chủ bóc lột sức lao động?
Bằng khó khăn:
- Cô em nghĩ sao mà nói vậy?
Phượng Hy thẳng thắn:
- Suốt tuần qua, tôi thấy nhân công luôn làm vượt giờ quy định, nhưng anh Chí chả nói năng gì về chuyện trả thêm lương hay bồi dưỡng ngoài giờ.
Bằng sa sầm mặt:
- Đây không phải là cơ quan nhà nước hay công ty ngoại quốc đâu cô. Công việc theo thời vụ. Hôm thu mua được, lượm trái cây từ các vườn đổ dồn về thì phải làm thêm giờ. Trái lại, cũng có lúc chơi ròng mà vẫn ăn lương.
Phượng Hy bình tĩnh đối đáp:
- Tôi đã hỏi thăm và biết họ chưa bao giờ được chơi đâu. Vựa của cậu Ba trả tiền công nhật, hôm nào không có công việc thì nghỉ chớ làm gì có chuyện để họ ngồi chơi ròng rồi trả lương.
Bằng ngậm miệng. Anh không ngờ con nhóc còn ngồi ghế nhà trường lại dám nói với anh như thế. Đây đúng là người anh cần.
Bằng ậm ự:
- Nghe chị Bê nói, em đang học năm thứ hai đại học kinh tế à?
Phượng Hy gật đầu. Bằng giả lả:
- Tôi hy vọng em sẽ giúp tôi chỉnh đốn để mọi việc ở đây cho tốt hơn. Từ khâu quản lý, điều động nhân sự cho đến lương hướng.
Phượng Hy cong môi:
- Bộp chộp, lanh chanh như tôi, sợ không đủ khả năng làm tốt những việc câu Ba vừa nêu ra.
Bằng tủm tỉm cười, làm cho Hy nóng mặt. Cô chợt nhớ đến công việc Tư Chí giao cho mình, nên vội đứng dậy:
- Tôi phải làm việc đây.
Bằng đứng lên theo:
- Tôi sẽ đi với em.
Hy ngạc nhiên:
- Cậu là chủ mà, cần gì phải cực thế?
Bằng hấp háy mắt:
- Chủ phải làm việc gấp ba gấp bốn nhân viên thì mới giàu được chứ.
Dứt lời, anh cho hai tay vào túi quần nhanh nhẹn bước đi trước. Ngần ngừ một chút, Phượng Hy theo sau.
Hai người đi dọc những đống trái cây tươi rói, những cần xé đầy vun, dưới những hàng đèn sáng trưng giữa đêm đồng bằng mênh mông gió.