chương mười

Luyến không chịu chờ đến tết. Nó về Thái một mình. Căn gác chỉ còn bốn đứa lêu lổng. Chưa bao giờ đìu hiu thế! Luyến về Thái được một tuần, tôi nhận thư nó. Con ông cụ báo tin đã dạy ở trường tiểu học, tạm ăn lương mỗi ngày năm chục bạc. Nghĩ mà thương Luyến. Nó lớn hơn tôi bốn tuổi. Rất thông minh. Luyến học bài như nó chơi bóng chuyền, không vất vả gì. Tháng nào nó cũng đứng hạng nhất và thi trung học phổ thông nó đậu bình. Luyến bỏ tôi, học nhẩy. Nó dư sức đuổi kịp bạn cùng lớp. Luyến định hai năm đỗ tú tài rồi có bỏ ngang mới bỏ.
Nhưng cậu học trò tỉnh lỵ có vợ con. Và nhớ vớ, nhớ con quá, nó cam đành trở về quê hương đồng chua nước mặt làm anh giáo quèn. Nó không dám nói nhớ vợ con, lấy nê rằng mình yếu đuối, Thủ Ðức chê, đành bỏ học. Tôi hình dung ra ông giáo Luyến mỗi sáng cắp một chồng vở của học trò đến trường và mỗi trưa lủi thủi về nhà, đằng sau nó có hai chú nhãi, khệ nệ bưng giúp thầy chồng vở luận mà đâm buồn nản. Chắc nó hết ngang bướng rồi. Nó sẽ tỏ vẻ sợ sệt khi ông thanh tra khám lớp nó. Ðiều khổ sở nhất đối với nó, có lẽ, là nó hết dám cười cợt giữa đường phố. Nó sẽ nghiêm trang, khẽ gật đầu mỗi bận học trò bô bô chào nó giữa phố.
Luyến đã chọn nơi "yên nghỉ". Biết đâu nó chả đang tập uống trà, hút thuốc lào, đọc "Ðông Chu Liệt Quốc" để bàn chuyện với đồng nghiệp già của nó. Còn tôi, tôi vẫn cứ đeo đẳng mấy bài thơ và một mối tình toan nhường bước cho Thông lại ức mà níu giữ. Một hôm, muốn chứng minh sự nhận xét về thơ tôi của Thịnh, tôi chép mấy bài gởi cho tuần báo nọ. Tôi nóng ruột chờ họ trả lời như đã từng nóng ruột chờ "thằng khốn nạn" phụ trách mục "Thi ca học sinh" ở nhật báo Giang Sơn. Tôi chờ cả tuần không thấy họ trả lời. Trong thời gian chờ đợi, sự nghiệp... nghệ thuật, ái tình mời mọc khiếp quá.
Tôi đi chơi với Bảo Ngọc và Phượng Thu luôn luôn. Ðến nỗi, Thịnh và Thông phải ghen. Thú thật, tôi đã "cò mồi" nhiều phen. Tôi nói hay cho Thịnh, nói Thịnh đậu tú tài một, đàn giỏi, hát hay lại có nhạc do Quách Ðàm trình bày ở Ðài phát thanh Hà Nội và Trần Văn Trạch trình bày ở Ðài Sài Gòn, đài Pháp Á. Nhưng Phượng Thu nghe rất lơ là. Nàng cứ bắt tôi dạy làm thơ.
Tôi khổ sở vô cùng. Vì Thịnh trách móc tôi đã không chịu "giới thiệu" nó với Phượng Thu. Nó nặng lời:
- Tao biết Phượng Thu đẹp hơn Bảo Ngọc nên mày muốn nhường Bảo Ngọc cho thằng Thông.
Tôi phải hứa lần chót:
- Tao sẽ đưa mày đi chơi với hai em. Ông chán rồi, chán rồi, mày hại ông, mày làm ông mất bố nó nửa niên học.
Thịnh cười trừ:
- Năm đệ tam là năm dưỡng sức, toàn học ôn chương trình đệ ngũ. Vạn vật lại nham thạch với phún xuất thạch. Việt văn thì Trịnh Thử, Lục Văn Tiên... Học khỉ mốc gì!
Tôi hết ân hận ngay, và đã rủ bằng được Thịnh đi chơi với Bảo Ngọc, Phượng Thu và tôi. Tưởng "giáo sư" ái tình và tâm lý Thịnh "hiển hách" thế nào, ai ngờ nó còn "cả quỷnh" hơn tôi. Nghĩa là, lần đầu tiên con ông cụ đi chơi với gái. Trước đây, nó nói phét. Tất cả những gì nó "kinh nghiệm" về gái đều là những sự nói phét hết. "Giáo sư" Thịnh bẽn lẽn, ít nói. Nói thì lí nha lí nhí. Tôi mới hùng hồn. Tự nhiên, hôm ấy, tôi thao thao bất tuyệt. Tôi cầm tay Bảo Ngọc, vỗ vai Phượng Thu một cách anh dũng khiến Thịnh phục sát đất. Khổ nỗi, khi tôi ba hoa tài âm nhạc của Thịnh, Phượng Thu lại chỉ hỏi thi ca, hỏi Thịnh có biết làm thơ không. Tôi bảo Thịnh làm thơ hay như tôi. Nó ngớ ngẩn thế nào mà chối bai bải mình không biết làm thơ. Rồi hứa sẽ tặng Phượng Thu bản nhạc do nó sáng tác.
Về gác trọ, tôi xỉ vả Thịnh tơi bời. Nó thôn mặt ra nghe. Cuối cùng, con ông cụ thú thật từ trước đến nay đều "phiệu" chuyện để "trộ" tôi. Nó khai luôn cả chuyện nó tâm sự chơi guitare espagnole ở nhà nhảy đầm Régina chưa có lương gì. Và cũ nữ coi nó như "chú nhỏ". Tôi hỏi Thịnh:
- Bao giờ có lương?
Nó trịnh trọng đáp:
- Tuần tới.
Và năn nỉ:
- Tao "khờ khạo" quá, trăm sự nhờ mày.
Ðến lượt "giáo sư" Thịnh nhận mình "khờ khạo". Ôi những kẻ đi chơi với người yêu không biết "gỡ gạc", những kẻ đi "lơn" gái không biết tỏ tình đều là những kẻ "khờ khạo, ngu ngơ" hết. Và Xuân Diệu đúng là thi sĩ của tình yêu. "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá, Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì."
- Mày giả vờ chứ "khờ khạo" gì, mày "khờ khạo" ăn người thì có.
- Tao "khờ khạo" thật mà.
Thịnh méo xệch miệng trông nó rất thiểu não. Giá còn Luyến ở đây, Thịnh sẽ bị phang thêm vài câu nói móc. Chắc Thịnh sẽ khóc mất.
Công tử Phát Diệm chưa chi đã thú nhận "tao cũng nhát gái lắm". Nó chấm dứt sự tán tỉnh Phượng Thu. Và đe dọa "ông đã nộp đơn tình nguyện vào Ðà Lạt". Lại sắp có thêm một kẻ "xếp bút nghiên theo việc đao cung." Từ bữa đó, Thông chỉ nói chuyện Ðà Lạt, chuyên đeo lon quân một và các em sẽ sáng mắt khi nhìn nó đội mũ sĩ quan.
Con mèo mù, chú học trò tỉnh lỵ, cảm thấy mình hãnh diện vô cùng. Hễ tuần nào báo văn nghệ nọ mà đăng thơ của ông, khen thơ ông xuấg sắc, chúng mày sẽ biết tay ông nhiều hơn. Tôi trở thành kẻ kiêu ngạo, phách lối. Chất đồng chua nước mặn được nước máy Hà Nội và tình yêu biến hóa.
Tôi cần chiến thắng luôn cả công tử Phát Diệm Trần Văn Thông. Và tôi đã giấu Thịnh, dẫn công tử Phát Diệm đi chơi với Phượng Thu và Bảo Ngọc. Và than ôi, công tử Phát Diệm còn đần độn gấp mười lần "giáo sư" Thịnh. Tôi ví tôi như anh chốt trong thế giới của những thằng mù. Chúng nó nói phét hết. Càng những thằng muốn tỏ cho đời biết mình là kẻ hào hoa, là "tay chơi" càng là những thằng "khờ khạo, ngu ngơ" nhất trên đường tình ái.
Vào một ngày náo nức nhất của tôi, tức là ngày tôi chờ tuần báo văn nghệ mà tôi gởi thơ phát hành thì Phượng Thu rủ tôi đi chơi. Ði chơi với một mình nàng. Dĩ nhiên, không có Bảo Ngọc. Tôi đã tự hỏi tại sao lại không có Bảo Ngọc khi Phượng Thu mời tôi. Tôi lại còn tự hỏi tại sao, tới lúc này, tôi vẫn chưa dám nói "anh yêu em" dù tôi đã hạ những "tay chơi" công tử Phát Diệm, "giáo sư" Thịnh. Nhưng yêu nhau cần gì nói bằng lời. Chỉ cần nhìn nhau và nghĩ đến nhau.
Buổi chiều, tôi và Phượng Thu đạp xe song song trên đường phố Hà Nội. Tự nhiên, trời cuối đông thê lương bừng lên một trận nắng. Nắng vàng rực rỡ. Nắng nhuộc thành phố và nạm vàng kỷ niệm học trò của tôi. Hai đứa đạp xe lên Bách Thảo. Rồi theo đường xe điện, chúng tôi đạp xe mãi. Và lạ lùng thay, chẳng đứa nào chịu nói với đứa nào. Tôi nhìn Phượng Thu. Nàng đẹp quá, đẹp hơn Bảo Ngọc. Ðôi má nàng ửng đỏ. Ðôi môi nàng mọng chín như môi Jane Powell, người yêu lý tưởng, trong những phim ca nhạc chuyên đóng vai con gái lớn của một gia đình mà hai vợ chồng ly dị nhau, thời học trò của tôi.
Ðạp xe mãi, hai đứa tới một giáo đường. Ðường cao, giáo đường thấp ở phía tay trái tôi. Phượng Thu bảo tôi đợi nàng để một mình nàng rẽ xuống nhà thờ. Tôi đứng chờ. Giữa lúc đó, hai người thanh niên đạp xe ngược chiều, ngắm nghía Phượng Thu và trầm trồ khen ngợi. Khi thấy tôi, một người nói:
- Em đi với thằng này mày ạ!
Tôi sợ quá, cuống quít chối:
- Không, tôi đi chơi một mình.
Hai người thanh niên ngó tôi, họ cười hô hố. Rồi đạp xde đi. Tôi nhìn theo bắt gặp họ quay lại. Tôi xấu hổ quá. Trời ơi, tôi "khờ khạo, ngu ngơ" hết chỗ. Việc quái gì tôi phải chối "tôi đi chơi một mình". Tôi trách móc tôi. Tôi nguyền rủa tôi. Ôi, ngày xa xưa ấy, ngày cậu học trò đi chơi với gái sợ cả những người xa lạ, không biết có còn ở hôm nay, trong tâm hồn những cậu bằng tuổi tôi thuở ngồi ở lớp đệ tam? Tôi thơ thẩn suy nghĩ mãi, quên cả Phượng Thu. Nàng trở ra lúc nào, tôi không nhìn rõ. Nghe tiếng nàng gọi:
- Long ơi!
Tôi mới giật mình, biết nàng đã ở gần tôi. Chúng tôi đưa hai chiếc xe đứng sát nhau. Rồi ngồi trên lớp cỏ khô bên vệ đường. Phượng Thu cầm tay tôi. Nắng đổi mầu, nhuộm kín mái nhà thờ rêu xanh trước mặt chúng tôi. Phượng Thu buồn buồn nói:
- Thu sắp sang Pháp.
- Thế à?
- Thu đi, Long có buồn không?
- Sang Pháp học thích lắm. Long vui chứ sao lại buồn.
Phượng Thu buông tay tôi ra:
- Long nói thế à?
Tôi hỏi nàng:
- Thu muốn Long nói thế nào?
Nàng chớp mắt:
- Long phải nói gì đi chứ...
Tôi nhìn nằng chiều đọng trên tóc Phượng Thu, tôi muốn hôn tóc nàng, muốn hương tóc nàng phả vào tâm hồn tôi. Nhưng tôi không dám. Tôi nghe được tiếng nàng thở dài. Và nàng đứng lên.
- Chán quá.
- Ðừng chán, đi Pháp học sướng hơn ở Hà Nội.
- Thu chả thích đi Pháp.
Tôi không biết nói gì hơn nữa. Lại thộn mặt. Rồi hai đứa đạp xe về nhà. Thông, Thịnh, chứng kiến cảnh âu yếu của hai đứa chúng tôi lúc chia tay. Chúng nó thèm lắm, bắt tôi tả lại buổi chiều thứ hai của đời tôi. Tôi im lặng. Im lặng và ủ rủ. Ðêm đó, tôi thao thức trong niềm hối hận. Tuần báo văn nghệ nó đã phê bình tôi như vầy: "Còn non
nớt, cần cố gắng thêm."
Sáng hôm sau, tôi trả tiền chủ trọ, sách va ly đến ở với Ðặng Xuân Côn, buông xuôi cả ái tình lẫn sự nghiệp văn chương. Chẳng đứa nào biết, vì sao, tôi đột ngột rời gác trọ...