chương ba

Trời càng mưa lạnh, học trò xa nhà trọ càng lười biếng. "Ôi rét đêm nay mấy học trò," Huy Cận có bài thơ tả cảnh học trì đi trọ học quắp, ôm nhau ngủ suông đêm mưa lạnh lên gác trọ, thật hay. Tôi đã chép bài thơ đó sau bài "Buồn đêm mưa" của ông ta. Không hiểu thời học trò trọ học bây giờ ra sao chứ thời học trò trọ học của chúng tôi nó "khủng khiếp" lắm. Chẳng hạn, "giáo sư nghệ sĩ" Thịnh mùa rét, mỗi tháng tắm một lần. Nó chỉ cần rửa từ khuỷu tay trở xuống để khi nào ống tay áo dơ, xắn lên, cánh tay đỡ cáu bẩn. Và lau cái cỗ kỹ lưỡng. Chúng tôi giặt quần áo lấy. Thịnh tính toán rất chu đáo. Chỗ nào nhét vào quần, nó không thèm là, giải thích rằng chỗ áo nhét vào quần vô tích sự, là làm chi cho tốn điện, tốn công. Chẳng hạn, học trò gương mẫu Côn, mỗi sáng, chả cần đánh răng, súc miệng. Ði xe đạp từ nhà tới trường, mưa phùn hắt đầy mặt, rút mùi xoa lau khô là mặt mũi bảnh bao, khỏi phí sức rửa mặt lỉnh kỉnh.
Cái "triết lý" tắm tay, lau cổ, là áo và rửa mặt của Thịnh, còn được chúng tôi cổ võ nhiệt liệt. Hai đứa bái phục nghiêng mình là Thông tức Lý Thông và Khải mới đến trọ cùng chúng tôi. Khải dân Thái Lọ. Thông dân Phát Diệm. Hai tay này hợp cùng "đổng lý văn phòng quốc trưởng Bảo Ðại" Nguyễn Ðệ của chúng tôi thành ba cây cười Bắc Việt. Ðệ học sửa máy xe hơi. Nó thành thật quá hóa ra đần. Hồi nó ở Trực Nội lên thị xã Thái Bình trọ học nó đã đần rồi, giờ sống giữa nơi nghìn năm văn vật nó phải mán hơn. Một hôm, Ðệ viết thư về Thái cho mẹ, quên không bỏ vào phong bì và đi học luôn. Chúng tôi tóm được, chuyền nhau đọc. Gác trọ đã rung chuyển trận bão cười câu văn viết thư của Ðệ: "Thưa mẹ, từ ngày học tới nay, con mới chỉ biết tháo ra rồi lại đút vào." Thấy "đổng lý" thộn thôn thồn, Thịnh kiếm trò giải trí. Nó bảo kem sô cô la Cẩm Bình có thể vừa ăn vừa đánh giầy cho nó bóng. "Ðổng lý" Ðệ tưởng bở mua kem sô cô la về ăn. Còn miếng cuối cùng nó quết đầy lên đôi giày da mầu mận. "Ðổng lý" Ðệ hí hoáy đánh mãi mà da không chịu bóng. Nó ngây thơ hỏi chúng tôi cách đánh. Chúng tôi ôm bụng cười vặt vẹo.
Chìa khóa mở kho cười thứ hai là Khải. Công tử Thái Lọ đã từng du học ở Hưng Yên, có mái tóc rất lãng tử và máu liều chí mạng. Công tử dám phát mại xe đạp "đuya ra," may một lúc bốn chiếc sơ mi "pô pơ lin xăng pho xuýt BCT." Nó đi học từ sáng sớm, trưa không về ăn cơm trọ. Nhiều lần nó bỏ cơm chiều, đêm khuya mới mò mẫm về. Và về là bật điện, ngồi bàn học, lôi bài "Lecture" ra học thuộc lòng. Chửi nó, nó phớt tỉnh. Khái đọc chữ P thành chữ B. Nó nhai nhải bài tập đọc trích trong tác phẩm của Jean Jacques Rousseau là bài "La peur." Khải rung đùi, thích thú "La bơ. Giê te a la căm... căm ba nhơ..." Chúng tôi vồ lấy điển tích "La peur" đặt tên nó là mông xừ La Bơ. La Bơ Khải thích nói tiếng Việt chêm tiếng Tây. Thí dụ nó đã xổ một câu "Tây Việt đề huề" như vậy "Hôm ấy moa đi bí xi cờ lét tới ga hàng cỏ, moa xa rết tê lại nghe rê duyn ta lô to ri. Rồi moa về, đến chỗ ruy ba rê, moa cứ phóng. Gặp bô lít nó xip phờ lê, nó dẫn moa về bót phạt moa vanh bi át. Buốt quá." Chúng tôi bèn sửa những chữ B thành P và nhại Khải: "Hôm ấy moa đi pi xi cờ lét, tới ga hàng cỏ moa xa rết té lại nghe rê duyn ta lô tơ ri. Rồi moa về, đến chỗ ruy pa rê, moa cứ phóng. Gặp bô lít nó xip phờ lê, nó dẫn moa về bót phạt moa vanh bi. Puốt quá." Và cười bằng thích.
Công tử Thái Lọ liều còn "tuyệt tác" hơn nói tiếng Tây. Không có diêm, nó lười biếng không chịu xuống dưới nhà xin lửa. Nó lôi cái bàn là Calor của Thịnh cắm điện cho đến khi bàn là đỏ rực, nó châm thuốc vào bàn là, khiến Thịnh kêu trời như bọng. Ly kỳ nhất là cái vụ nó đi học kéo đàn vĩ cầm ở nhà cu Duyệt gần hồ Thuyền Cuông. Nó học ròng rã mấy tháng, hỏi nó học "mê tột" gì thì nó trả lời "mới chơi được bài Chiều Ơi!" Thịnh muốn tống cổ Khải khỏi nhà trọ vì nó cứ lôi cái vĩ cầm của Thịnh, đứng bên của sổ, nhìn sang "nhà bên kia" tay đàn miệng hát "Chiều ơi! Lúc chiều về gặp những nương khoai, trâu bò về dục mõ xa xôi hỡi chiều."
Chìa khóa mở kho cười thứ ba là Thông, Lý Thông. Thạch Sanh. Lý Thông học cùng lớp Thịnh. Trước khi về với chúng tôi, công tư Phát Diệm đã "quất ngựa" truy phong một em bé rõ huê ở Khâm Thiên. Nó đến nhà người ta kèm học, ăn ngủ tại nhà người ta, "tòm tem" với con gái lớn nhà người ta, xoay tiền mua vélo solex rồi "vận tải"
dần quần áo, sách vở giầy dép. Ðùng một hôm, nó phóng vélo solex ra đi, để lại hai chiếc va li rỗng tuếch. Nó bảo "nhà em có hàng chục cái lò gạch nhưng tò vò nó làm tổ trên mặt em khiếp đảm quá, hôn em tao chỉ sợ em in dấu lên mặt, nên tao phải đau khổ ra đi." Công tử Phát Diệm của tôi đã nêu một thành tích...sở khanh lẫy lừng như vậy đó. Nó cũng ăn nước máy Hà Nội mấy năm rồi. Luyến nói đúng. Những thằng ngu thì ăn nước máy Hà Nội mấy đời vẫn ngu. Thông khôn ngoan, láu lỉnh ở đâu tôi không biết, nhưng tới nhà trọ của chúng tôi, nó đã biến thành cái chìa khóa mở kho cười vô tận.
Nó mê cải lương hơn xem xi nê. Thông thuộc các đào kép gánh Kim Chung "tiếng chuông vàng Thủ đô" không sót một ai. Tối nay Kim Chung, tối mai Kim Phụng. Thịnh đã chơi xỏ Thông một vố. Nó bằng lòng lên hàng Bạc coi tuồng với Thông. Công tử Phát Diệm đưa cho Thịnh một trăm mua vé, Thịnh mua hai cái vé bảy đồng, thứ vé "đi tuần" trong rạp. Nó cất vé đi. Hai đứa bát phố, ăn mì, uống sô cô la sửa đá chán chê chờ vào coi hát. Thịnh kéo dài thời gian ra. Nó để muộn mười phút mới đưa Thông đến rạp. Thịnh dúi vé cho người soát vé xé, đẩy Thông vào trước. Nó giả vờ quên chưa mua kẹo, dặn Thông chờ nó ở trong. Lý Thông cứ ngỡ vé năm chục thượng hạng thì hai thằng không lạc nhau. Nó yên chí vào. Thịnh đem tám mươi đồng, phú lỉnh về rủ tôi đi xi nê. Công tử Phát Diệm đau khổ, "đi tuần" Kim Chung. Tối về nó chửi loạn xà ngầu. Chúng tôi cười ngặt nghẽo.
Vẫn chưa "diệt" nổi cái máu mê cải lương của Thông. Thịnh bày thêm trò để "cứu vớt linh hồn của một thằng nhà quê." Thịnh bảo thanh niên Hà Nội mà khoái cải lương thì nhà quê cóc chọi nổi. Nó đợi đêm Thông đi coi hát, cài then thật kỹ và dặn đầy tớ không được mở. Thịnh cho đầy tớ mười đồng. Nửa đêm, Lý Thông mò về, gọi cửa ơi ới. Cửa vẫn đóng im ỉm. Nó dắt vélo solex vào ngõ, đứng dưới gào chúng tôi. Chúng tôi lờ đi, Thông đành khóa xe, leo ông máng. Bất ngờ, cảnh sát đi tuần, tưởng nó là đạo chích. Bên thổi còi và "mời" nó về bót. Thông trình bày "hoàn cảnh" mất nửa tiếng đồng hồ, đóng phạt hai chục rồi đi thuê ô ten ngủ. Sáng hôm sau, nó vác bộ mặt hốc hác của nó về ngủ vùi, trưa không thèm ăn cơm. Ðến chiều, nó kể chuyện đêm qua, làm như chúng tôi ngủ say không biết. Nó bảo ở ô ten nó ngủ không được. Nhà thổ gõ cửa, ma cô gõ cửa chào mời nó. Phòng cạnh, lính Tây say rượu hành hạ đàn bà ầm ĩ. Chúng tôi lại cười bò.
Nhưng Thông vẫn không "chừa" cải lương. Nó mê man "khiếp đảm" hơn và dư can đảm thức trắng đêm "phóng tác" những vở tuồng nó đã thưởng thức thành...kịch. Thông theo đạo Thiên Chúa. Thịnh hay chộp quyển sách kinh của Thông, đọc chơi. Thông quên béng mất rằng Thịnh có máu giễu. Nó chỉ Thịnh cách đọc kinh. Thịnh "chế" luôn ra trò chơi...linh mục. Nó quỳ trên giường, gắp cái chân đơn nhỏ lại, máng lên vai, tréo qua lưng và ngực. Thịnh cầm cuốn tự điển Pháp Việt dày cộm. Nó bắt chước ông cố đạo làm lễ ở nhà thờ. Ðại khái, Thịnh đã đọc tiếng La Tinh như vầy: "Aspérine, As pro, Dagenan, Esquimaux, Automobile, Cyclo, Bicyclette, Radio...Amen..." Thịnh nháy chúng tôi. Cả bọn "amen" rất trịnh trọng. "Cố đạo" Thịnh nhìn Thông "ban phép lành." Lý Thông hí hửng cười như lần nhốt Thạch Sanh dưới hầm. Thịnh đọc lơ lớ: "Sư mày Thông ơi, mày nhà quê hạng nặng, mày còn coi cải lương thì Chúa của mày sẽ cho mày về địa ngục...Amen." Lý Thông say sưa "Amen" theo. Ðến khi chúng tôi phá ra cười, nó mới biết Thịnh chơi xỏ nó. Công tử Phát Diệm sửng cổ:
- Ðừng có đem đạo của ông làm hề, nghe chưa?
"Cố đạo" Thịnh hiền hậu:
- Thôi con, "cha" đã trình Chúa tội của con rồi. Con lạc đà có thể chui qua lỗ kim dễ dàng, chứ con, con khó mà vô nước Thiêng đàng. Con có hai tội.
"Con chiên" Thông mím môi, mặt đỏ bừng bừng:
- Ông làm gì có tội!
"Cố đạo" thịnh quắc mắt:
- Tội thứ nhất là quất ngựa truy phong em rỗ huê ở Khâm Thiên. Tội thứ hai là ham coi cải lương.
Thông tức giận đá tung chiếc ghế:
- Ông có tiền muốn làm gì thì làm, mày chõ mõm vào chỉ tổ thối um.
"Cố đạo" Thịnh cười:
- Nhưng Chúa không muốn con coi cải lương.
Thông biết đấu khẩu khó "ăn" Thịnh, nó bỏ đi...coi cải lương "Ðôi mắt huyền trong sa mạc" của đoàn Kim Chung. "Cố đạo" Thịnh đụng nọc "tín ngưỡng" một lần, không dám dở trò nữa. Ðiều đáng nói của "ngày xưa còn bé" là hai cây cười Bắc kỳ công tử Phát Diệm và mông xừ La Bơ cũng trồng cây si ở cửa sổ gác trọ. Tôi có thêm hai địch thủ. Công tử Phát Diệm "lơn" gái ồn ào và nặng tính chất cải lương. Dạo này, một trong hai em gái "nhà bên kia" năng đi chợ sớm. Phố Ngô Thời Nhiệm gần trường Minh Tân nên từ nhà trọ, chúng tôi chỉ mất năm phút là tới trường. Tám giờ đi học, bảy giờ rưỡi chúng tôi còn tụ tập ở cửa sổ, tán nhảm. Em gái "nhà bên kia" đã đi chợ vào giờ đó. Em đi chợ Hôm bằng lối sau. Công tử Phát Diệm tỏ tình:
- Ðẹp quá!
Mông xừ La Bơ phụ họa:
- Duyên dáng ghê!
Công tử Phát Diệm so sánh:
- Mắt em như "Ðôi mắt huyền trong sa mạc" ấy!
Nó "cướp nghề" của Thịnh, ngâm ầm ĩ:
- Mắt em là một dòng sông. Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em.
Thịnh xỏ ngọt:
- Mời em đi coi hát cải lương đi mày!
Luyến vớ dịp may "ngàn năm một thuở" kê Thịnh:
- Thằng Thịnh ghen à?
Thịnh cười nhạt:
- Tao mà ghen với con nhà Thông ư? Còn lâu. Tao "đếch" chịu nổi cái lối "lơn" gái nhà quê của nó. Xấu hổ cả bọn. Tao sẽ bỏ nhà trọ này.
Mông xừ La Bơ phớt tỉnh, dặn với em gái:
- Nhớ mua quà em nhé!
Nó trêu Thịnh:
- Trưa nay ăn cơm sẽ ngon vô cùng. Anh nào ức hộc máu mồm cứ việc nhịn. Ông ăn giùm cho.
Thịnh trả đũa Khải:
- Nhớ liếm sạch bát đĩa đấy. Bà chủ không nuôi chó mà.
Ðặng Xuân Côn lên mặt đạo đức:
- Ở đó mà chửi bới nhau, học hành "đét" lo, chỉ lo ăn chơi, "lơn" gái. Tao sẽ viết thư cho ông bố mày, Long ạ!
Tôi vội vàng phân trần:
- Tao ngoài cuộc, tại sao mày xỉ vả tao?
"Ông cụ" Côn hầm hầm cắp cặp xuống nhà. Tôi biết, nó sẽ vào lớp sớm nhất, ngồi dở bài tập Anh văn Dziên Hồng ra nghiền ngẫm. Tình yêu của nó không ở Hà Nội. Tình yêu của nó ở Thái Bình cơ, và tình yêu ấy, nó đã gởi cho cô bé tên Hà nhà bên cạnh đền Mẫu. "Ðông lý văn phòng" Nguyễn Ðệ "ra đi khi trời vừa sáng." Lúc này, có lẽ, nó đang "tháo ra rồi lại đút vào" ở trường sửa máy xe hơi. Trên căn gác trọ chỉ có hai chìa khóa mở kho cười vô tận, "giáo sư" ái tình Thịnh, Luyến và tôi "kê" nhau một chặp.
Luyến bỏ đi học, mông xừ La Bơ tới âm nhạc học xá của cụ Duyệt, công tử Phát Diệm gấp vở làm đôi nhét túi sau, chuồn êm. Thịnh rủ tôi đi ăn sáng rồi tới nhà nhảy đầm Régina xem nó tập những bản nhạc mới với giàn nhạc của nó.
Trên đường rời nhà trọ. Thịnh phân trần:
- Mày xem, chúng nó "lơn" gái hạ lưu quá. Tao xấu hổ điếng người. Cơ sự này tao phải bỏ mày mất.
Tôi nói:
- Ðể đẩy chúng nó đi.
Thịnh buồn bã:
- Bạn bè ai nỡ xử thế, thôi, tao đi là thượng sách. Cứ mỗi sáng nghe con nhà Khải dặn em mua qua, chịu sao nổi.
Nó đổi giọng:
- Người "phong lưu" "lơn" gái khác bọn "đồng chua nước mặn." Tao biết nói cùng em ra sao?
Tôi hỏi:
- Em nào?
Thịnh đáp:
- Em của tao, em bên "nhà bên kia" ấy?
"Giáo sư" Thịnh làm như em đã yêu nó. Tôi bèn trố mắt ngó Thịnh. Nó cười duyên:
- Mày ngu lắm, "cu nhỏ" ạ! Ðôi mắt là cửa sổ của linh hồn. Tao nhìn hai em, hai em nhìn tao, tức nhiên, linh hồn chúng tao đã nhìn nhau. Mà khi linh hồn nhìn nhau là chúng tao đã yêu nhau.
- Em đã yêu mày?
- Ừ.
- Cả hai em?
- Ừ.
- Còn tao...ra rìa!
Tôi thẩn thờ, suýt lọt bánh xe xuống đường rầy xe điện. Chưa biết yêu mà tưởng mình đã thất vọng vì tình. Bát phở sáng hôm đó, bỗng nhiên, có vài miếng ớt. Tôi nhai ớt. Chẳng cay gì. Ăn xong, tôi bỏ về nhà trọ mặc Thịnh đi tập dượt âm nhạc. Nằm trên giường một mình tôi lôi cuốn vở chép đầy thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính ra nghiền ngẫm. Vớ ngay được bài "Hoa gạo" của Nguyễn Bính. Tôi rên siết với tâm sự của thi sĩ:
Anh đã từng đi khắp bốn phương
Tháng hai anh có thấy trên đường
Những hoa gạo đỏ tươi mầu máu
Nhàu nát như người lính tử thương
Anh ạ, tôi buồn không thiết nói
Cánh tình lỡ rụng tự hôm qua
Một khi tình rụng như hoa rụng
Máu đỏ lìa tim dạ xót xa.
Tôi đang là "người lính tử thương." Máu đỏ vừa lìa tim tôi. Chàng Tú Uyên ở thôn Bích Câu ngày xưa có giống tôi ở gác trọ đường Ngô Thời Nhiệm không nhỉ? Bố mẹ tôi nhờ Thịnh săn sóc tôi. Nó đã không săn sóc chu đáo. Nó đã dạy tôi yêu đương rồi bỏ dở dang khi tôi mới tập "đánh vần." Tôi buồn quá, buồn quá. Ra đứng sát cửa sổ, hai bàn tay nắm lấy hai song sắt. Tôi sắm vai kẻ thất tình bị nhốt trong cũi ái ân. Tôi muốn trở về Thái Bình, trở về miền đồng chua nước mặn của tôi, gục đầu vào lòng mẹ tôi, khóc nức nở. "Mẹ ơi, con không muốn học nữa, con muốn lấy vợ!" Phải, tôi sẽ lấy vợ, sẽ bắt chước một thi sĩ: "Rồi một ngày kia em lấy chồng. Anh về lấy vợ thế là xong. Vợ anh không đẹp bằng em mấy, Anh lấy cho anh bớt lạnh lòng." Tôi sẽ chẳng thèm biết Hà Nội là gì nữa. Tôi không có số đào hoa, không có số "lơn" gái. Nhưng tôi trở về Thái Bình, bố mẹ tôi sẽ buồn lắm. Thôi ta vùi đầu trong sách vở vậy. Ta sẽ đỗ tú tài. Ta học thuốc, làm bác sĩ, các em sẽ lăn sả tới yêu ta. Ta gạt đi, thề không yêu để trả thù con gái. Ðương mơ mộng vậy thì em gái đi chợ về...