Tiếng sáo

     ỗi buổi chiều, người ta lại thấy anh ta thổi. Tiếng sáo trong theo gió đưa vào phố, réo rắt và chơi vơi, hòa dịp với tiếng sáo diều văng vẳng ở trên cao. Mọi người ngừng câu chuyện, lắng tai nghe, rồi bảo nhau:
- Sáo của Tiến ngoài ga.
Họ yên lặng nghe, cám dỗ bởi tiếng nhạc êm ru ấy, cùng với buổi chiều man mác của đồng quê, thấm thía vào tâm hồn họ. Thong thả và se sẽ, họ bắt đầu kể những chuyện về thân thế của người thổi sáo.
Tiến là một anh chàng xinh trai, và tài hoa. Âm nhạc thứ gì anh cũng biết, nhưng hay nhất về sáo ngang. Anh lại biết ca hát đủ các lối; giọng anh trầm và mạnh mẽ, mỗi khi anh vừa gảy đàn bầu vừa ca Nam bình thì ai cũng phải muốn nghe. Anh không có nghề nghiệp gì cả. Me anh chỉ có một mình anh; bà cụ năm nay đã già, và đứng trông nom một cửa hàng cơm trọ cho các hành khách đi tàu. Anh không làm việc gì. Suốt ngày chỉ loay hoay vào mấy cái đàn, hoặc làm những thứ đèn kéo quân rất thần tình, ngày tháng Tám, bởi anh rất khéo tay. Bà cụ Tiến đã nhiều lần phàn nàn về sự Tiến chẳng giúp đỡ cụ được công việc gì; tuy già đã hai thứ tóc mà bà vẫn còn phải khó nhọc để nuôi con. Hàng xóm ai cũng chê anh chàng lười và bất hiếu. Nhưng hễ khi nào bà cụ chửi mắng quá là Tiến nổi xung - anh ta tính rất cục - đập phá hết cả đồ đạc trong nhà. Bà cụ Tiến lăn lộn kêu khóc ngoài đường, phân bua với cả phố về sự khổ cực của bà; Tiến cứ đập và cứ phá, nhưng không bao giờ anh chạm đến những cây đàn treo trên vách.
Cãi nhau xong, hai mẹ con lại làm lành như cũ. Tội nghiệp bà cụ, bà có một con, chẳng lẽ giận con mãi. Người ta lại thấy Tiến ngồi chắp nhặt những thức mà anh ta đã phá, và bà cụ thổi nổi cơm rõ ngon và mua nhiều đồ nhắm cho con uống rượu.
Rồi buổi chiều, Tiến mang sáo ra cánh đồng đằng sau nhà thổi. Tiếng sáo anh ngày hôm ấy càng réo rắt du dương, lên bổng xuống trầm, bay đi khắp mọi nơi.
Nếu chỉ có thế, thì người trong phố cũng ít chuyện kháo nhau về anh ta. Tôi quên chưa nói rằng Tiến không có vợ, không có vợ chính thức. Ngày còn trẻ, đã lâu lắm, me Tiến có cưới cho anh ta một cô vợ người cùng làng, nhà khá giả và đảm đang lắm. Nhưng sau khi đi học đàn trở về, anh chê vợ xấu và tìm cứ đuổi đi.
Từ đây, anh không lấy người nào nữa, và giá thử anh có muốn lấy vợ, những nhà có con gái trong phố cũng chẳng ai gả cho anh. Nhưng anh không cần vì anh nhiều vợ theo lắm.

 

Lần đầu tiên, sau khi đi vắng một ít lâu, anh trở về đem theo một cô gái rất trẻ và có nhan sắc, chỉ độ mười lăm, mười sáu tuổi. Tất cả phố ga đều tò mò chú ý và bàn tán đến người con gái ấy. Họ bảo nhau rằng cô ta mê Tiến vì tiếng sáo, trốn nhà theo Tiến về đây. Người thì bảo cô là con một ông phán già ở trên tỉnh; có người, ra dáng biết rõ chuyện hơn, quả quyết rằng cô là con út một ông án vùng xuôi, em một cậu ấm cũng chơi bời và đàn địch như Tiến; và bởi thế, Tiến đi lại nhà cậu ấm kia hòa đàn, rồi quyến rũ cô em gái. Sự thực, có lẽ không ai biết rõ. Người ta bàn tán vì rỗi chuyện cũng có, và vì ghen với Tiến có cô vợ đẹp theo cũng có. Những trang sức đắt tiền của cô con gái, vòng xuyến, hột hoa, toàn bằng vàng, gây lòng thèm muốn và ganh ghét. Cô Liên - tên người thiếu nữ - đi đến đâu cũng gợi chung quanh cô những câu bàn tán ra vào. Nhưng không ai dám tỏ ý khinh cô. Cái vẻ thanh nhã cao quý của cô, cái bàn tay xinh xẻo, có ngón tay búp măng, và gót chân đỏ hồng nhỏ nhắn của cô nổi lên giữa đám người thô sơ ở phố này và khiến họ kính phục. Một đằng khác, cái vẻ duyên thắm dễ thương của cô, đôi mắt đen lánh và thơ ngây như đôi mắt đứa trẻ con, khiến mọi người có cảm tình tốt đối với người con gái ấy.
Trong mấy tháng đầu, đôi nhân tình trẻ đó yêu nhau lắm. Hai người bao giờ cũng ở cạnh nhau, không rời nhau ra nửa bước.
Cứ mỗi buổi chiều, Tiến đưa vợ ra ngoài cánh đồng, thổi sáo cho vợ nghe. Tiếng sáo của anh lưu loát cả gió mây, êm ru đưa vào trong phố những điệu nỉ non, ân ái. Các bậc đàn ông lắng nghe, nghiêm nghị, và các cô thiếu nữ trở nên mơ màng, dừng tay trên kim chỉ hay trên khung củi.
Người ta thấy Tiến trang hoàng nhà cửa rất sang trọng; anh mua những đàn sáo quý và đắt tiền, và ăn tiêu rất hoang phí. Những kẻ xấu miệng thì thầm rằng đó là tiền của Liên bỏ ra. Sự ấy chắc đúng, vì người ta thấy Liên đeo ít dần đồ trang sức đi.
Cho đến ngày cô không còn thức gì đáng giá trên người nữa. Cả đến những chiếc áo lụa là cô mặc ngày mới về cũng bị Tiến bán dần lấy tiền tiêu. Hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau. Tiến luôn luôn chửi mắng hay gắt gỏng với vợ, sau đấy anh bỏ nhà lên tỉnh năm, ba hôm mới về. Tội nghiệp cho cô thiếu nữ: Liên trở nên gầy lướt và xanh xao, mắt nàng lúc nào cũng đỏ hoe như mới khóc. Liên không còn cái vẻ thơ ngây và duyên sắc ngày trước nữa. Khi nàng đến chợ mua thức ăn, chân đi đất và mặc áo vá, mọi người đều ái ngại cho nàng. Người ta trông cái bàn chân hồng và nhỏ nhắn của nàng vụng về dẫm trên bùn mà thương hại. Các bà mẹ khẽ chép miệng khi nàng đi qua, rồi quay lại phía các con gái, thầm thì những câu chuyện khuyên nhủ, như bảo các cô nên coi đó làm gương.
Rồi một buổi đêm, sau khi ban chiều, người ta đã được nghe tiếng sáo của Tiến réo rắt hơn và nỉ non hơn mọi khi, cả phố đều bị đánh thức dậy bởi những tiếng kêu hãi hùng của bà cụ Tiến. Mọi người bàng hoàng đổ lại nhà Tiến, xô cửa vào: một cảnh tượng đau thương bày ra trước mắt họ. Bên chiếc giường, màn xổ tung và gối lệch, Tiến nắm lấy tóc Liên mà đánh. Mặt anh ta đỏ vì giận dữ, trông ghê sợ và hung ác; anh ta thẳng tay tát, đấm vào cái thân hình nhỏ bé quằn quại trên mặt đất. Liên nấc lên chịu đau, nghiến chặt hai hàm răng lại để khỏi kêu cứu. Bà cụ Tiến sợ hãi run lẩy bẩy và loay hoay chung quanh hai người để gỡ con ra nhưng vô ích.
Mọi người xúm vào can Tiến, xốc lấy Liên và đặt nàng lên giường: nàng đau quá đã ngất đi.
Thế rồi tờ mờ sáng hôm sau, vài người thấy Liên xách một cái bọc nhỏ ra ga lên tàu. Nàng chỉ còn là cái bóng hình tiều tụy của nàng.
Còn Tiến, anh chàng vẫn như thường. Anh ta hình như lấy làm sung sướng được rời bỏ cô gái tội nghiệp đó. Chiều đến, cánh đồng lại văng vẳng tiếng sáo du dương của anh.
Cái tấn kịch đó diễn lại vài lần, mỗi lần với một cô thiếu nữ khác, cô nào cũng trẻ, đẹp, mà sau mỗi bận Tiến đi vắng anh ta lại đem theo về. Chỉ có một cái khác, là những cô thiếu nữ sau này hình như ở những gia đình thường hơn và cũng ít tiền hơn. Có khi là một cô gái quê, mắt bồ câu và má núng đồng tiền; có khi là cô gái nửa tỉnh nửa quê, ra vẻ người buôn bán làm ăn. Cuộc tình duyên của Tiến với họ không được lâu bền như với Liên. Chỉ một hai tháng sau, những cuộc cãi cọ đã xảy ra, liên tiếp hằng ngày cho đến một buổi kia, Tiến lại trở nên hung ác và tàn bạo. Các cô thiêu nữ đó không có gan chịu đòn như Liên, kêu cứu ầm cả phố. Rồi vài hôm sau, các cô lần lượt bỏ ra đi. Người hàng phố đã quen với những cuộc cãi nhau ấy. Họ lặng yên, và bởi ghét Tiến, nên cứ mặc kệ. Trừ khi nào các cô bị đánh đau quá, họ mới can thiệp một cách chểnh mảng, và lãnh đạm: những điều khuyên bảo của họ đều bị Tiến trả lời một cách vô lễ, nên họ cũng chẳng hoài hơi. Vì những lẽ đó, không còn ai giao thiệp với Tiến nữa. Họ tỏ ý khinh bỉ con người lừa lọc và tệ bạc đó. Tiếng sáo của anh lúc buổi chiều không còn tìm được những lắng nghe chăm chú và thân mật như trước nữa, trái lại, tiếng sáo giờ chỉ gây nên những câu bình phẩm nghiêm khắc và khinh miệt.
Tiến cũng trả lại sự lãnh đạm ấy bằng cái thái độ dửng dưng. Anh không thiết chuyện trò với các người lớn trong phố nữa, chỉ làm bạn với các trẻ con như chúng tôi. Tuy bị cấm đoán, chúng tôi vẫn trái lời cha mẹ, đến chơi nhà anh luôn. Đối với chúng tôi, Tiến là một người bạn đáng yêu và quyến rũ. Anh khiến chúng tôi say mê và làm chúng tôi khâm phục vì cái khéo tay của anh: những đồ chơi anh làm cho chúng tôi thực là những đồ chơi kỳ lạ, ham thích. Anh dạy chúng tôi học đàn, và mỗi buổi chiều, anh đưa chúng tôi ra cánh đồng. Tiếng sáo của anh càng ngày càng hay, văng vẳng đưa vào trong phố như vừa khiêu khích lại vừa quyến luyến.
Rồi cái việc đó xảy đến, không ai ngờ và không ai đoán được trước. Vì câu chuyện này, chúng tôi đã mất người bạn quý hóa và thân yêu kia.
Bên cạnh nhà tôi là chỗ ở của bà hàn. Hai nhà liền sân nhau, và vì vậy, những buổi chiều mùa hạ hay đêm sáng trăng, bà hàn và me tôi thường hay bắc ghế ngồi nói chuyện. Chúng tôi quây quần chung quanh một cái bàn nhỏ, giữa sân. Bà hàn với me tôi ngồi uống nước, còn tôi ngồi đọc sách bên cạnh Thân, con gái của bà hàn. Thân là một thiếu nữ xinh đẹp, người rất có duyên và biết chữ nghĩa. Cô đã học đến lớp nhất trường tỉnh, rồi về giúp đỡ me trong việc buôn bán và trông nom nhà cửa. Nhà bà hàn giàu nhất phố, hầu hết các ruộng chung quanh là của bà ta cả. Cô Thân, bởi thế, được nhiều người trong huyện muốn hỏi. Nhưng bà đều tìm cách từ chối; theo ý bà, trong cái huyện nhỏ mọn này không có ai xứng đáng làm rể nhà bà hết. Bà có ý muốn chọn chỗ danh giá, và dành cho con gái mình một địa vị cao trong xã hội. Nhưng bà không khéo léo từ chối, hay không cần khéo léo, vì phần nhiều những người hỏi cô Thân đều là những người có hàm ân bà ít nhiều... Thái độ kiêu kỳ của bà khiến mọi người sinh ác cảm.
Cô Thân, trái với me, lại được mọi người yêu mến: cô tính dễ dãi và nhã nhặn, lúc nào cũng tươi như bông hoa, và hay thương người. Người ta ghét bà hàn bao nhiêu thì người ta lại ca tụng con gái bà bấy nhiêu.
Buổi chiều hôm cái tin cô Liên đi truyền ra, chúng tôi đang ngồi chơi ở sân. Bà hàn bỗng nhìn me tôi nói:
- Hừ, cô Liên ấy thật chẳng ai thương. Ai bảo mê giai vào rồi mà chết, con gái như thế không biết xấu hổ.
Me tôi chưa kịp đáp, bà hàn lại tiếp:
- Nghe đâu cũng con nhà gia giáo cơ đây. Không biết tại sao mà lại giở đốn ra như thế!
- Tội nghiệp cho cô bé, con người có duyên đáo để.
- Tôi thì tôi cho là đáng kiếp lắm!
Cô Thân ngước mắt nhìn me, thong thả nói len vào:
- Cứ như ý con thì Liên chỉ đáng thương chứ không đáng trách. Biết đâu cô ta...
Không để con nói hết, bà hàn đã quắc mắt bảo:
- Biết đâu làm sao? Mày thì biết cái gì mà dám nói. Con nhà gia giáo mà lại theo giai thì không đáng kiếp à. Thế chứ nữa cũng chẳng ai người ta thương!
Thấy me mắng, Thân lặng yên không dám nói. Giữa lúc ấy, tiếng sáo của Tiến nổi lên, theo gió ngoài cánh đồng đưa vào, réo rắt và nỉ non quá. Bà hàn cau lông mày, lẩm bẩm:
- Chỉ sáo với địch cả ngày, chả được cái công trạng gì.
Tôi nhìn Thân, cô không hiểu me nói gì nữa. Nét mặt mơ màng, Thân đang chú ý lắng nghe tiếng sáo ngoài xa, êm ru như quyến gọi.
Từ ngày ấy, tôi thường bắt gặp Thân đứng tựa cửa nghe tiếng sáo của Tiến, mỗi buổi chiều. Nàng hay hỏi tôi luôn về Tiến, và thích nghe tôi kể những câu chuyện tôi lượm được về anh ta.
Rồi một hôm, khi ra cánh đồng thả diều, tôi ngạc nhiên thấy trên bờ ruộng, Thân đang đứng nói chuyện với Tiến. Hai má nàng đỏ hồng, và đôi môi chúm chím, Thân đứng khép nép bên bông lúa, tay mân mê cái quai nón che ngang mặt. Tiến ngồi trên một mô đất, chiếc sáo để ngang miệng, nhưng không thổi. Anh ngước mắt nhìn lên, và tôi thấy anh cười cái cười xinh nhất của anh ta.
Biết tôi đến, hai người yên lặng. Thân rủ tôi cùng về. Và khi chúng tôi quay bước đi, tiếng sáo của Tiến lại nổi lên hòa dịp với sáo diều, theo dõi chúng tôi về đến tận nhà.

 

Người trong phố đã bắt đầu bàn tán mong manh về sự đi lại của Thân với Tiến. Người ta lấy làm lạ thỉnh thoảng gặp hai người đứng với nhau ngoài cánh đồng hay bên bụi cây. Bà hàn thấy cái nguy hiểm cho con gái, tuy bà không tin những điều người ta thuật lại. Tỏ ra là người mẹ biết lo cho con, bà hàn tìm ngay được một nhà môn đăng hộ đối: cậu ấy còn trẻ mà đã lương cao, lại là một ông phán Nhà nước.
Hôm bên nhà trai về ăn hỏi, bà hàn bày tiệc linh đình và mời đủ mặt người quen, có ý khoe ông rể mới. Cả phố háo hức chờ đợi. Trên ô-tô bước xuống, sau mấy bà bệ vệ, một người thấp bé, mặt rỗ chằng chịt. Cậu phán không có vẻ người gì cả, và những con trai trong huyện bị bà hàn từ chối từ trước đua nhau phân tách những cái xấu của ông rể tương lai kia.
Khi bọn nhà trai đã trở về, bà hàn gọi con vào buồng nói chuyện. Hai mẹ con thủ thí với nhau lâu lắm. Lúc cô Thân bước ra, người ta thấy mắt cô đỏ hoe; chắc cô vừa mới khóc. Buổi chiều, cô tìm tôi, gọi ra một chỗ kín, khẽ dúi vào tay tôi một bức thư và bảo:
- Em cầm cái này đưa cho cậu Tiến. Đừng cho ai biết nhé, chóng ngoan rồi chị cho tiền ăn kẹo.
Tôi ra nhà Tiến thấy anh ta đang loay hoay nối lại dây đàn. Tiến mở thư ra xem, rồi lại bỏ vào túi; anh nín lặng không nói câu gì và nét mặt bí mật không biến đổi.
Ngày cưới Thân định vào hôm mười hai tháng Tám. Chiều ngày hôm trước, tôi thấy cô có vẻ băn khoăn, lo nghĩ. Thân đứng ngồi không yên, và luôn luôn ra tựa cửa trông về phía cánh đồng. Tiếng sáo của Tiến đã theo gió đưa vào, một âm điệu não nùng và tha thiết, như một lời than vãn ai oán dài.
Thân trở vào gục xuống giường khóc nức nở.
Sớm hôm sau, bà hàn trở dậy thấy cửa để ngỏ. Thân đã đi từ bao giờ; không có một lời nào để lại.

 

Từ đấy, bà cụ Tiến trông hàng có một mình. Bà không tỏ vẻ nhớ con lắm, tuy những lúc nói chuyện với hàng xóm, bà vẫn thường nhắc đến những cuộc đập phá của Tiến với một giọng êm ả và lẫn chút yêu thương.
Những cây đàn của Tiên lâu ngày để mốc, bà cụ đem bán rẻ cho mọi người trong huyện. Còn cái đèn kéo quân, công trình tuyệt xảo của Tiến, trong có máy đồng hồ cử động một cảnh Lã Bố hí Điêu Thuyền - cái đèn ấy bà treo ngoài nhà để làm thú mua vui cho khách trọ. Người ta tấm tắc khen cái khéo léo tinh vi; bà cụ Tiến chỉ dịu dàng trả lời:
- Ấy của cháu nó làm ngày xưa đây. Nó khéo tay lắm, các ông ạ.
Và có ai hỏi cháu nó ở đâu, bà đều nói là Tiến đi làm ăn ở xa, không mấy khi về đến nhà.
Cảnh vật phố huyện vẫn không có gì thay đổi: chỉ có tiếng sáo của Tiến là không còn văng vẳng trên cánh đồng. Câu chuyện của Tiến và Thân lâu dần cũng không ai bàn đến nữa. Nhưng mỗi khi bà hàn đi ra phố, người ta lại thì thầm chỉ tay vào bà, tò mò và ái ngại.