Chương 14

Cuối tháng hai, người ta biên chế tôi sang Đội 4 nông nghiệp. Mai bím và bé Hai vẫn ở lại đội 1 phát hoang. Người ta xào xáo lung tung. Đội 1 còn mười thằng cũ nòng cốt. Tù cách mạng không có gì chắc chắn cả. Bọn tù phải sẵn sàng dời đồ đạc sang nhà 3. Bé Hai buồn lắm. Nó khóc. Mai bím dặn tôi: “Không chơi với đứa nào. Đứa nào cũng rình hại mày đấy.” Tôi nghe lời Mai bím. Chẳng hiểu sao, cùng một nhà tù, cùng một trại lao cải, mà khi phải đổi phòng, đổi đội, lòng tôi vẫn nao nao. Tôi cảm giác như mình lại đến một nhà tù mới, gặp gỡ những con người mới, những công việc mới và đợi chờ những tai nạn mới.
Ở đội 4, Mai bím, Hòa đen, Đồng thổi, Tí ngầu đều không chơi thân với thằng đội trưởng để gửi gắm tôi. Khi tôi sang nhà 3, bọn nhãi nhìn tôi với những ánh mắt thiếu cảm tình. Bất cứ đứa nào đơn độc biên chế qua đội cũ cũng bị nghi ngờ làm chó săn tin tức - danh từ chúng nó là ăng-ten - cho cán bộ. Cái gì đã dạy chúng nó kinh nghiệm ngu xuẩn và sự phán xét hẹp hòi đó? Chắc chắn là những ngọn roi dây điện và báng súng. Chúng nó đề phòng tôi. Trước hết, chúng nó dằn mặt tôi bằng cách chỉ chỗ cho tôi nằm sát cầu tiêu đêm ngày nồng nặc mùi phân và nước tiểu. Không đứa nào chỉ dẫn tôi nội quy riêng của đội cả. Nói rõ rệt, chúng nó ghét tôi, chúng nó nói xỏ xiên bóng gió. Tôi mặc kệ.
Hôm đầu ra bãi lao động, cán bộ quản giáo gọi tôi tới làm việc.
- Mày tên gì?
- Thưa cán bộ, tôi tên Vũ.
- Vũ à?
- Dạ.
- Mày có biết tại sao mày được sang đội này không?
- Thưa cán bộ, tôi không biết.
- Tao xem báo cáo về mày rồi. Mày là thằng chăm chỉ, ngoan ngỗn, không chửi thề văng tục như bọn chúng nó. Tao sẽ kiểm tra lại. Mày về đội tao là vinh dự đấy, Ban giám thị ưu đãi mày đấy, chiếu cố mày đấy. Vậy mày phải tỏ ra xứng đáng là trại viên gương mẫu. Năm nay mày mấy tuổi?
- Thưa cán bộ, tôi mười bốn.
- Nếu mày ngoan ngỗn, có khả năng mày về sớm. Về hay không là do mày cả. Mày muốn chết rũ trong tù cũng tùy ý mày thôi. Mày biết đọc biết viết không?
- Dạ biết.
- Biết đọc biết viết mà còn đi móc túi!
- Thưa cán bộ, tôi…
- Sao?
- Tôi…
Tôi muốn khai huỵch toẹt rằng tôi không phải dân ăn cắp, móc túi, tôi bị bắt oan. Nhưng nhớ lời Mai bím dặn, tôi đành nói dối:
- Tôi… trót dại một lần!
Cán bộ quản giáo nhìn tôi trừng trừng:
- Một lần sẽ nhiều lần. Mới vào nghề thì móc túi, sau rành nghề thì cướp của giết người. Cách mạng bắt mày, giáo dục mày, cải tạo mày thành người lương thiện, mày có oán cách mạng không?
- Không.
- Mày căm thù Mỹ, Ngụy không?
- Căm thù.
- Tốt. Ở đội do tao quản lý, mày cố gắng chăm chỉ ngoan ngỗn như ở đội phát hoang nhé!
- Dạ.
- Tao sẽ chiếu cố mày. Mà mày phải giúp đỡ cán bộ. Hiện nay đội mình thu hoạch khoai, đứa nào ăn cắp, mày tố cáo cán bộ kịp thời. Đó là mày tạo cơ hội cho chúng nó trở nên lương thiện chứ đừng nghĩ mày hại chúng nó. Tố giác mọi hành vi sai trái của đồng bọn là nhiệm vụ của tất cả các trại viên cải tạo. Tư tưởng mày trong sáng, chuyển biến tốt đánh giá từ sự tố giác. Điều thứ tư trong bốn tiêu chuẩn cải tạo mày nhớ chứ?
- Dạ tôi nhớ.
- Thôi, ra lao động.
Tôi lững thững ra chỗ làm. Cán bộ bắt tôi thực hiện Bốn tiêu chuẩn cải tạo, bắt tôi căm thù Mỹ, Ngụy và bảo tôi sẽ được thả sớm. Tôi đã được Ban giám thị hứa bồi dưỡng cơm và không được ăn cơm bồi dưỡng. Một dúm cơm thêm cũng chẳng có, nói chi thả về. Tôi không ham thả về vì đang lo sợ cái “nhiệm vụ” tố cáo những thằng ăn cắp khoai. “Ăn cắp hoa màu của trại là ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”, khẩu hiệu này nghe mà phát sốt rét! “Mặc mẹ nó moi chuyện, nghe xong rồi bỏ”, Mai bím thường hay nói thế. Nghĩ ngợi cũng chả ích gì. Tôi cầm cuốc vỡ luống khoai, lầm lầm lỳ lỳ, không nhìn đứa nào, không nói với đứa nào. Tôi làm chung với hai thằng nữa. Chúng nó lượm khoai bỏ vào sọt, tôi vỡ luống. Đáng lẽ thay phiên nhau, chúng nó chia công tác vỡ luống vất vả cho tôi. Tôi không phàn nàn, đôi co.
Ngay buổi ra quân của tôi ở đội 4, tôi đã gặp chuyện buồn. Cách chỗ tôi cong lưng cuốc luống vài thước, một thằng nhãi ngó trước, ngó sau, ngó ngang, ngó dọc lượm một củ khoai, chùi vội đất lên quần rồi bỏ vào miệng cạp. Nó tưởng ngon ăn lắm. Nó đâu biết vệ binh có những cặp mắt. Vệ binh lững thững tới, đá nhẹ nó một cái.
- Mày ăn gì thế?
Nó chối:
- Đâu có ăn uống gì, cán bộ. Tôi nhai củ sâm đất.
Chúng tôi ngừng tay theo dõi và chờ đợi một hình phạt sắp giáng xuống thằng tù.
- Mày khạc ra tao xem nào! - Vệ binh ra lệnh, kèm theo một cái đạp.
Thằng tù khạc miếng ăn chưa kịp nuốt. Vệ binh kiểm tra. Biết rõ là nó ăn cắp khoai, vệ binh bắt nó đứng dậy. Liệng khẩu AK trên luống khoai, vệ binh rút dây điện ra, vuốt thẳng. Thằng tù được lệnh giơ tay ngang vai. Vệ binh nhắm tay phải của nó quất trước. Mỗi cú roi, mỗi lần thằng tù khuỵu tay xuống. Lệnh lại bắt nó giơ lên và cấm nhúc nhích. Roi dây điện, thong thả, nếm da thịt của một cánh tay khẳng khiu, roi dây điện không có bao tử nên không bao giờ no nê. Nó khoan khoái khi thằng tù đau đớn. Nó nếm da thịt cánh tay trái. Cánh tay phải vẫn giơ ngang. Nó quất mạch lạc, điệu nghệ. Thằng tù van lạy, khóc lóc. Roi dây điện không có trái tim. Nó ngưng nghỉ theo ý nó và nó đã ngưng nghỉ. Thằng tù đứng yên với tư thế hai tay giơ ngang vai, nước mắt dàn dụa, khuôn mặt hốc hác tái mét.
Vệ binh thứ hai ngồi dựa lưng vào gốc cây, nhìn lên nền trời mùa xuân mây bay lơ lửng, huýt sáo gió. Quản giáo nhả khói thuốc lá, mơ màng. Vệ binh thứ nhất cuốn sợi dây điện bỏ vào túi, sửa sang quần áo lại và nhặt khẩu AK máng lên vai.
- Cho mày ăn năm chục củ! - Vệ binh ra lệnh.
- Em lạy cán bộ, em trót dại… - Thằng tù van xin.
- Tại sao mày ăn cắp khoai?
- Em đói.
- Mày đói tao cho mày ăn no. Làm theo lệnh tao. Chọn năm chục củ khoai to nhất và ngồi ăn hết đi, ăn khẩn trương.
- Em lạy cán bộ.
- Đồ lưu manh khốn kiếp, ăn cắp còn khai gian dối. Mày đói à? Hừ, mấy trăm thằng không đói mà một mình mày đói. Mày tố cáo cách mạng bỏ mày đói, hả?
- Dạ, em đâu dám.
- Vậy, cho mày ăn no để mày khỏi ăn cắp. Hoa màu của tập thể mày hưởng một mình. Mọi người vì mình, mình vì mọi người, mày không thành khẩn cải tạo. Chọn năm chục củ khoai to nhất. Ăn no khoai hay ăn no đòn.
- Em lạy cán bộ.
- Nghe không thì bảo!
Thằng tù lượm năm chục củ khoai. Tay nó nhức nhối, ê ẩm, nó lượm rất chậm chạp. Vệ binh giục nó khẩn trương. Nó không thể khẩn trương nổi. Vệ binh bắt thằng trưởng đội lượm và đếm đủ năm chục củ khoai lớn. Thằng tù được ngồi ăn cái hình phạt không hề có trong lịch sử hình phạt của loài người. Vệ binh giục nó ăn nhanh. Nó cạp khoai dính đất cát, chẳng kịp chùi, nhai một cách sầu thảm và nuốt một cách thần sầu. Tôi cảm giác nó nhai đá và nuốt thủy tinh. Nó vừa ăn vừa khóc. Vệ binh hô chúng tôi lao động. Thỉnh thoảng, tôi nhìn trộm thằng tù nhãi đền tội ăn cắp một củ khoai nhỏ. Tôi thấy đống khoai trước mặt nó to bằng cái gò mối và nó là con mối đang gặm nhấm. Giờ giải lao nó phải ngồi gặm khoai. Nó gặm tới khi tan lao mới hết năm mươi củ. Và nó khệnh khạng theo đội về trại. Bụng nó căng phình. Nó không dám xuống suối tắm. Buổi trưa nó bỏ cơm. Nó khai bệnh nghỉ lao động chiều, nằm dài trên sàn tre ghép, ôm bụng thở mệt nhọc.
Mỗi đầu mùa thu hoạch khoai, sắn hay ngô đều có những hình phạt dằn mặt tương tự. Nhưng bọn tù nhãi chỉ sợ phần nào. Qua một vài ngày, chúng nó lại tiếp tục ăn cắp, bất chấp khẩu hiệu “Ăn cắp hoa màu của trại là ăn cắp tài sản của xã hội chủ nghĩa”. Mấy hôm sau, nhằm chiều thứ bảy, nhiều thằng trong đội của tôi dấu khoai vào ca, cóng và túi đem về trại. Thoát nanh vuốt vệ binh ngoài bãi, gặp trật tự trong trại. Bọn trật tự nhận lệnh khám xét tất cả các đội nông nghiệp. Chúng nó khám tận tình, bỏ ngoài tai lời xin tha thứ. Ca, cóng chúng nó mở tung nắp đổ khoai ra. Túi, chúng nó luồn móc. Thậm chí có thằng buộc khoai vào mông cũng bị bọn trật tự rờ nắn. Những thằng ăn cắp khoai trở về cải thiện bữa ăn chủ nhật xếp hàng riêng. Cán bộ trực trại chửi mắng và cho phép bọn trật tự đánh đòn. Cung củ đậu hò hét đấm đá, Phú mù lấy gậy lia vào ống chân đám tù đói meo. Bấy giờ, tôi cứ tưởng Cung củ đậu, Phú mù là vệ binh. Tôi không nghĩ nó là tù như chúng tôi nữa.
Ba đội nông nghiệp cùng thu hoạch khoai. Ba đội cùng gặp nhiều tai nạn. Ở đội 5 còn thê thảm hơn. Một thằng đang móc trộm khoai, vệ binh tới nó không biết, bị đá một cú vào bụng, nó nằm chết tại chỗ, gục mặt trên luống khoai, tay vẫn thọc giữa luống chưa kịp rút củ khoai ra. Chú Tường bảo tôi nên tập nhịn đói, tập không thèm khát thứ gì. Bài học của chú nằm trong lòng tôi. Nếu không tập nhịn đói, chắc chắn có ngày tôi sẽ ăn no đòn. Chẳng có gì đau đớn, nhục nhã hơn bị đòn vì miếng ăn. Nhưng ăn ít làm việc nhiều, đói quá thì phải kiếm chác mưu sinh. Bọn vô lại ăn cắp hoa màu của trại chả đáng chi phán xét. Tôi tin rằng những người lớn hiểu biết, gặp cảnh đói khổ cũng làm công việc của bọn vô lại. Có lẽ, lúc này mới là lúc người ta tự hào về phẩm cách của mình hay người ta dìm nó xuống hầm phân.
Tôi đã rõ tên thằng bị phạt… bội thực! Nó là Bảy mõi, nhân vật sừng xỏ của đội 4. Thằng Tám rô nằm cạnh tôi kể cho tôi nghe về nó. Bảy mõi chia cơm thì nó ếm cơm thật chặt phần của nó. Nó chia thịt luôn luôn cho miếng to. Bảy mõi tham lam, ích kỷ và ưa gây sự. Nó ôm bụng nhăn nhó hết một hôm là tiêu chảy. Khoai lang nhuận tràng, Bảy mõi làm cho căn nhà số 3 thối um lởn vởn mùi khoai sống. Tôi chưa nói rõ các đội linh tinh. Đội này có các trật tự, vệ sinh, y tế, văn hóa. Y tế có một cái phòng nhưng không có thuốc. Y sĩ điều trị bệnh của trại viên là ông y tá đội nhàn rỗi. Mấy thằng tù của tổ vệ sinh giúp y sĩ kiểm tra những đứa nào báo bệnh nghỉ lao động. Chúng nó quyền hành lớn, ghét đứa nào, nó báo cáo bệnh dỏm là đứa khai bệnh ăn đòn và đi lao động ngay. Chúng nó còn nhòm ngó xem những đứa khai bệnh có nằm nghỉ hay ở nhà đánh cờ, tán gẫu. Bệnh hoạn của chúng tôi, sinh mạng của chúng tôi nằm trong tay bọn y tế nhãi ranh. Lên khai bệnh với chúng nó, chúng nó chụp mũ trây lười, trốn tránh lao động và chửi bới. Thằng y tế khốn nạn nhất là thằng Tùng. Bọn nhãi phong nó chức “bác sĩ”. Bác sĩ Tùng nịnh cán bộ ngọt sớt, hại anh em ra mặt. Bọn văn hóa phụ giúp bọn trật tự, hằng ngày, đi kiểm tra nếp sống văn hóa mới. Nói chung, lũ nhà bếp, trật tự, vệ sinh, y tế, văn hóa mập ú, khỏe mạnh vì chúng nó ăn cắp phần cơm của chúng tôi. Chúng nó bảo vệ phần cơm và quyền hành của chúng nó bằng cách nạt nộ và đấm đá chúng tôi thẳng thừng.
Bảy mõi lết lên phòng y tế xin thuốc. Bác sĩ Tùng, con cưng của cán bộ Nguyễn Tấn Độ, Bùi Xuân Bến, đuổi nó về, mắng nó bệnh ăn cắp khoai không có thuốc, bảo nó vào rừng kiếm lá sim về xào khô nấu nước mà uống. Thằng Tùng mập chó má nói cho sướng miệng, chứ làm gì có thuốc chữa. Tiêu chảy riết rồi thành kiết lỵ, nhà 3 tanh tưởi mùi phân đờm của nó. Tôi nằm sát cầu tiêu, chịu đựng khổ sở. Cả đêm tôi hít đủ mùi phân. Bảy mõi đi cầu ngày đêm hàng chục lần. Nó khai xin ăn cháo. Ăn cháo đói quá nó lại ăn cơm. Rồi nó kiệt sức, không lết vô cầu được. Nó tiêu tại chỗ: phân đờm, phân máu tanh tưởi, buồn ói. Vậy mà vẫn khối thằng ăn cơm trong nhà, ăn luôn cả lúc Bảy mõi kiết lỵ.
Dinh dưỡng tệ mạt, Bảy mõi kiệt sức, đòn vệ binh đau đớn, Bảy mõi kiệt sức; kiết lỵ kéo dài, Bảy mõi kiệt sức. Và nó chết giữa đêm, chết trên đống phân đờm máu của nó trong khi chúng tôi ngủ. Bọn lâm sản lại khiêng xác nó lên đồi. Cán bộ trực trại đọc bệnh án của nó. Bảy mõi không cần đợi lệnh tha, nó đã được rời trại. Bảy mõi chết, không một đứa nào dám tơ tưởng đến củ khoai, củ sắn của trại nữa. Cái chết của Mẫm điếc, Cu lai cũng đã ngăn chặn làn sóng căm phẫn của những thằng 13 cân rưỡi ập lên đầu những thằng 18 cân. Người ta trấn áp rất tài tình.
Tuy về đội 4 ở nhà 3, nhưng tôi vẫn sang nhà 2 ăn cơm với Mai bím và bé Hai. Lúc này vắng tôi, Mai bím rủ bé Hai ăn cơm chung cho vui. Tôi không dám ăn rau cải trời và rau tàu bay nữa. Tám rô bảo tôi rằng cứ ăn hoài hai thứ rau vớ vẩn sẽ bị mất máu, mặt mày xanh xao, dễ bị kiết lỵ. Mùa xuân, các đội rau xanh chưa thu hoạch thứ rau gì, cả trại ăn cơm với muối. Mà cơm chỉ còn ăn được buổi chiều, một dúm nhỏ xíu. Trại trúng vụ khoai. Chúng tôi ăn khoai sáng, khoai trưa, khoai chiều. Sáng hai củ. Trưa sáu củ. Chiều, sáu củ và thêm dúm cơm hết nhựa, cơm nấu bằng thứ gạo chứa kho cả chục năm. Mai bím vẫn nấu cóng canh đầy nhóc với nhái hoặc với cá mè. Bé Hai ao ước được sang đội 4. Nó thương tôi như Mai bím thương tôi.
- Ở bên ấy nó có bắt anh làm nặng nhọc không? - Bé Hai hỏi tôi.
- Thường thôi, em ạ! - Tôi đáp. - Nhưng bên ấy buồn lắm, anh không thích đứa nào hết.
- Cầu Chúa cho anh em mình về chung đội. Em cầu nguyện, hằng đêm, xin Chúa đưa anh về nhà anh. Chúa bắt anh đi, Chúa sẽ đưa anh về, anh nhỉ?
- Đúng rồi.
- Chúa sẽ cho anh nhiều thứ nữa.
- Chúa sẽ cho cả em.
- Em chỉ mong được về gặp ma xơ của em thôi.
- Thì em sẽ được về.
Tôi đã nói rồi, bé Hai thích kể lể chuyện Chúa với tôi. Còn đứa nào ở cái trại khốn khó này biết nghe chuyện bé Hai? Chúng nó chỉ biết chửi thề, văng tục, nhạo báng và than đói. Buổi tối bé Hai và tôi thường dạo trong sân trại như hai anh em ruột thịt. Chúng tôi quyến luyến nhau và rất sợ xa nhau. Mai bím thương tôi nhiều hơn từ hôm tôi bị đổi đội. Nó khoe:
- Tao kiếm được miếng gỗ mun rồi. Đồ nghề khắc gọt đã đầy đủ. Mày sẽ có tượng ông Chúa của mày. Cam đoan thứ tượng xiện.
- Bao giờ xong?
- Để từ từ tao làm mới ác. Làm vội hết ác. Mỗi chủ nhật tao làm một tí. A, Vũ này, hôm nọ mày bảo gì Chúa của mày cho rồi đòi lại, đòi lại rồi gì nhỉ?
- Chúa cho rồi Chúa đòi lại. Chúa đòi lại rồi Chúa cho nhiều hơn.
- Ờ ờ, nhỡ ổng đòi lại rồi ổng đếch cho nữa thì làm sao?
- Thì thôi, đó là ý Chúa muốn.
- Ổng muốn mày khổ mãi à?
- Tao không tin Chúa đòi lại rồi Chúa không cho gì nữa.
- Tao nói nhỡ cơ mà.
- Mày tin bạo quá đấy.
- Lúc nào tao cũng tin Chúa đang thử thách niềm tin của tao.
- Tao thấy Chúa của mày kỳ thấy mồ. Thử ai đếch thử đi thử thằng con nít, bắt nó vô tù để thử nó.
Mai bím luôn luôn cái giọng đó. Nhưng tôi yêu nó vô cùng. Nó thương tôi, nó giận Chúa của tôi đã không cứu vớt tôi khỏi cảnh tù đày lầm than này. Nó làm ấm lòng tôi. Cả bé Hai nữa. Nếu Chúa ban cho tôi lời ước nguyện, tôi sẽ ước Chúa đưa Mai bím, bé Hai và tôi về với gia đình tôi. Bấy giờ Mai bím sẽ tin Chúa và hết nói “Chúa của mày” hoặc “ông Chúa” và hết nghĩ nhảm nhí về Chúa vinh quang.
- Mai à!
- Gì Vũ?
- Mày còn thuốc lào không?
- Không.
- Lấy hết tiền của tao mà mua hút.
- Chả nhờ ai được cả. Bọn lâm sản đâu dám đi xa ra tận thị xã.
- Thuốc đâu mày hút?
- Tao hái lá về thái nhỏ, phơi khô rồi tẩm nước diếu, phơi nữa, hút cũng đỡ nghiền!
- Phê chứ?
- Sức mấy.
Mai bím thiếu thuốc lào là tê liệt mọi mặt. Xét ra, chúng tôi cũng chẳng cần thiết thứ gì, miễn xin đừng thèm nghĩ tới. Như nghĩ thèm đường thì tự nhiên nước miếng nó cứ ứa ra và miệng nhạt nhẽo vô tả. Như nghĩ thèm bát phở thì bụng nó cồn cào, réo sôi, con người thờ thẫn. Quên hết và làm việc say mê, về nhà đặt lưng xuống là ngủ liền, tâm hồn sẽ bớt căng thẳng, rời rã. Cứ nghĩ ngợi lung tung, chỉ muốn chết. Tôi sang đội 4, thu hoạch xong vụ khoai, chưa bị đứa nào làm phiền và tôi cũng chẳng làm phiền đứa nào. Chúng nó bớt nghi kỵ tôi. Nhiều đứa muốn chơi với tôi, tôi ừ hử cho qua chuyện. Thằng thân tôi nhất là Tám rô. Nó dặn tôi đừng phê bình ai trong những buổi sinh hoạt. Nó bảo mình phê bình nó, nó rình lỗi của mình phê bình lại. Cán bộ đọc biên bản là biết hết và mình thù hận nhau sau khi no đòn. Nó bảo phê bình là cái bẫy, lớ ngớ bẫy sập vỡ mặt. Tốt nhất cứ ngậm miệng, kệ mẹ lỗi lầm của thiên hạ.
Thu hoạch khoai rồi, chúng tôi lên luống gấp chuẩn bị vụ ngô. Bây giờ, lên luống gặp khoai tha hồ lấy, không bị kỷ luật. Đội tôi nhiều thằng mánh lới lắm. Chúng nó đào lỗ, chôn khoai, đánh dấu cẩn thận, hoặc bỏ sót những củ khoai lớn, qua vụ thu hoạch, lên luống trồng ngô, chúng nó khơi khơi… mót khoai, cán bộ cho phép. Tôi không nhặt khoai mót vì trại cho ăn khoai phát ngán. Những đứa khác vẫn thèm, sáu củ một bữa, sao đủ no. Chúng nó đốt lửa, nướng tại bãi, ăn ngon lành. Lên luống ngô dễ hơn lên luống khoai. Luống to nhưng thấp. Lên luống xong, chúng tôi nhàn hạ, ngồi chơi chờ mưa. Đầu tháng tư, mưa mở mùa đáo đầu một trận lớn. Đợi mưa vài trận, chúng tôi khẩn trương gieo hạt giống. Đứa cắm lỗ, đứa bỏ hạt, đứa lấp lỗ. Lao động thông tằm cho kịp thời vụ. Thi đua ngắn hạn giữa các đội nông nghiệp hoàn tất kế hoạch gieo trồng.
Những ngày thi đua quả là những ngày vất vả, mệt mỏi. Chúng tôi không có giấc nghỉ trưa. Thông tằm mà, rồi chúng tôi chờ ngô mọc mầm, nhú lên. Ngô cao nửa gang tay, chúng tôi phải tỉa, mỗi lỗ giữ lại hai cây. Rồi bón phân hóa học đợt nhất. Ngô mọc cao cỡ cánh tay, chúng tôi làm cỏ đợt nhất. Làm cỏ ngô cực vô cùng. Đất ướt, dẫy cỏ thật khó khăn. “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, với sức con nít cỏ nào cũng bị tiêu diệt. Ngô cao hơn chút nữa, tỉa nữa. Bây giờ chúng tôi được nhai những thân ngô cho bõ thèm đường. Và, bây giờ, chúng tôi mới hiểu nghĩa khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”! Thân ngô non ngọt gần như mía, cạp, nhai, nuốt nước, nhả bã. Khi ngô cao bằng người chúng tôi, nó trổ cờ. Chúng tôi làm cỏ lần cuối cùng, bón phân đợt hai. Chẩn bị mùa khoai sắp tới, chúng tôi phải đi chặt cây điên điển, cỏ hôi, đào hố sâu chôn chặt để lấy phân xanh.
Đội của tôi chuyên về ngô khoai. Hai đội nông nghiệp kia trồng thêm sắn. Ngô đã trổ bắp mà vẫn chưa hết khoai. Chúng tôi ăn khoai dài dài. Mỗi ngày chỉ được một dúm cơm độ hai ba miếng. Chưa đến mùa thu hoạch ngô mà tai nạn đã xảy ra liên tiếp. Những thằng bẻ ngô bị vệ binh phát hiện, ăn đòn sưng vù mình mẩy. Vệ binh đã từng ria cả băng đạn vào giữa ruộng ngô rậm rạp, may không đứa nào chết. Thằng bị hình phạt đáng nhớ đời đời là Tám rô. Hôm ấy, nhằm ngày vệ binh vui. Tám rô bẻ bắp trộm bị bắt quả tang. Vệ binh không đánh Tám rô nhưng bắt nó đứng dạng chân giữa nắng, hai tay nâng cái cuốc lên cao như võ sĩ cử tạ, miệng ngậm một bắp ngô. Hễ bắp ngô rơi, Tám rô sẽ ốm đòn. Tám rô há to miệng cạp bắp ngô, nâng cuốc, dạng chân trông tức cười. Hình phạt thật êm ái mà sau mấy giờ cạp bắp ngô, buổi trưa, Tám rô không nhai khoai nổi. Nó bảo hàm răng của nó cứng đơ, nhức mỏi!
Trại tăng cường vệ binh canh gác và bọn trật tự đóng cổng khám xét kỹ lưỡng, vụ ngô đỡ bị ăn cắp. Chúng tôi ăn ngô thay khoai. Cơm là xa xí phẩm. Ngô hết lại có khoai. Khoai hết lại có ngô. Ngô, khoai, sắn sẽ nuôi chúng tôi khôn lớn. Công việc ở đội 4 đều đều, tẻ nhạt. Tôi muốn qua đội khác. Muốn thôi, ở tù ai mà thực hiện nổi sự mong muốn của mình. Tôi giống kẻ tôi đòi, người ta tiện dắt mình đi đâu thì mình phải đến đó. Thu hoạch ngô xong xuôi, chúng tôi hạ thân ngô, đào lỗ chôn bấy mục làm phân xanh. Rồi dẫy cỏ, lên luống khoai. Tôi thật sự chán ngấy cái đội nông nghiệp dầm mưa dãi nắng rồi.
Mai bím và bé Hai an ủi tôi, khích lệ tôi. Tôi đành bám lấy cái cuốc, vỡ những miếng đất mà cảm giác như vỡ những miếng thịt trên thân thể mình. Tôi biết Mai bím đang mài những miếng gỗ mun làm tượng Chúa cho tôi. Nó mài bóng loáng. Nó bảo tôi sẽ được đeo một “tượng ông Chúa” đẹp nhất thế giới! Nhờ có những buổi tối dạo chơi trong sân trại với Mai bím, bé Hai, tôi đỡ buồn và còn nguyên vẹn niềm tin của tôi nơi Chúa.
Chúa ơi, tại sao con sinh ra đời để đi lao cải? Tại sao người ta đòi cải tạo tư tưởng con khi con chưa hiểu tư tưởng con nó ra sao? Chúa không trả lời. Tôi lại muốn giống bé Hai ngồi ôm gốc cây như con cóc nhìn lên ngọn cao thấy Chúa ngó lơ.