Dịch giả: Trịnh Huy Ninh
Chương 5
Arabella Bishop

Một buổi sáng tháng giêng nắng ấm, một tháng sau ngày "Người lái buôn Jamaica" cập bến Bridgetown, tiểu thư Arabella Bishop từ trong ngôi nhà đẹp đẽ của ông chú, nằm trên một ngọn đồi ở phía tây bắc thành phố, cưỡi ngựa đi ra. Hai người da đen theo hầu lúp xúp chạy sau, cách nàng một quãng khá xa. Nàng đi thăm bà vợ thống đốc: dạo gần đây bà Steed luôn mồm kêu mệt. Lên đến đỉnh ngọn đồi thoai thoải cỏ mọc xanh rì, Arabella Bishop trông thấy một người cao cao đang đi ngược lại. Người ấy đội mũ và tóc giả, ăn mặc nghiêm chỉnh và khá sang. Ở đảo này chẳng mấy khi có người lạ. Tuy vậy nàng vẫn có cảm giác đã gặp người ấy ở đâu rồi.
 
Tiểu thư Arabella Bishop dừng ngựa, làm như chỉ để ngắm phong cảnh đang trải ra trước nàng: quả thực nó cũng khá đẹp và việc nàng dừng ngựa kể cũng khá tự nhiên. Nhưng đồng thời khóe mắt nâu của nàng vẫn chăm chú dõi theo người đàn ông đang bước lại gần. Cảm giác ban đầu của nàng về cách phục sức của người lạ không được chính xác cho lắm, bởi vì người đó tuy ăn mặc khá nghiêm chỉnh nhưng không thể nói là sang trọng được: áo camisole, quần may bằng thứ vải dệt tay và chân đi đôi bít tất tầm thường. Nếu bộ quần áo ấy trông có vẻ sang trọng thì chỉ có thể giải thích là do phong thái tao nhã bẩm sinh của người lạ mặt, hơn là tài nghệ của thợ may. Ðến gần cô gái, người ấy cung kính bỏ chiếc mũ rộng vành chẳng có dải băng hay lông chim gì hết xuống, và cái mà từ xa nàng đã tưởng là bộ tóc giả hóa ra lại là mái tóc thật đen nhánh loăn xoăn.
 
Khuôn mặt rám nắng của người ấy man mác buồn, còn cặp mắt xanh đến kì lạ của anh ta u uẩn nhìn cô gái. Người ấy chắc là đã đi qua nếu như cô không ngăn anh ta lại.
- Hình như tôi có biết ông thì phải - nàng nói.
Giọng nàng lanh lảnh, non nớt, mà nói chung mọi cử chỉ của tiểu thư kiều diễm ấy đều có cái gì đó rất trẻ con. Sự mộc mạc bình dị gạt bỏ mọi điệu bộ màu mè thường có ở những người cùng giới nàng, đã cho phép nàng xử sự thoải mái với tất cả mọi người. Có lẽ chính điều đó đã giải thích cho tình trạng mới thoạt nhìn thì có vẻ lạ lùng: mặc dù đã hai mươi lăm tuổi, Arabella Bishop không những chưa lấy chồng mà thậm chí còn chưa có cả ý trung nhân.
 
Với tất cả những người đàn ông quen biết, nàng đều đối xử như anh em và thái độ tự nhiên ấy đã gây khó khăn cho những người có ý quan tâm săn sóc đến nàng như quan tâm chăm sóc một người đàn bà.
Hai người da đen đi theo nàng dừng lại và ngồi xổm xuống đợi cô chủ.
Người lạ mà Arabella Bishop vừa hướng đến cùng dừng bước.
- Bà chủ phải biết tài sản của mình chứ - người ấy đáp.
- Tài sản của tôi?
- Hay là của ông chú tiểu thư. Xin phép được tự giới thiệu: tôi là Peter Blood và giá của tôi là mười bảng chẵn. Ông chú của tiểu thư đã mua tôi bằng đúng giá ấy. Không phải ai cũng có dịp biết được giá trị của mình như thế đâu.
Ðến đó thì nàng đã nhớ ra.
- Lạy Chúa tôi! - nàng kêu lên - Thế mà ông vẫn còn cười cợt được ư?
- Vâng, được đến thế là phúc lắm rồi - chàng công nhận - Nhưng cũng còn vì tôi sống không đến nỗi tồi tệ như tôi đã tưởng.
- Tôi cũng có nghe nói - Arabella Bishop đáp gọn lỏn.
 
Quả thật người ta kể rằng người loạn quân tù tội mà nàng quan tâm hóa ra lại là thầy thuốc. Tiếng đồn đã đến tai thống đốc Steed, mà ông này thì hay bị chứng thống phong nên đã hỏi tên đại tá mượn Blood về. Không biết vì tài nghệ hay chỉ là may rủi tình cờ, Blood đã chữa cho đức ông khỏi cơn đau mà hai thầy thuốc đang hành nghề ở Bridgetown không sao chữa nổi. Sau đó bà vợ ông thống đốc ngỏ ý muốn Blood chữa cho mình bệnh đau nửa đầu. Peter Blood còn phát hiện ra bà vợ ngài thống đốc còn mắc cả chứng lèm bèm, hậu quả của thói gắt gỏng bẩm sinh và cuộc sống tẻ nhạt kinh khủng ở Barbados. Tuy vậy, chàng vẫn bắt tay vào chạy chữa cho bà thống đốc và bà ta cảm thấy có đỡ hơn thật. Sau lần ấy đại tá Bishop nhận thấy nên cho phép tên nô lệ làm đúng nghề của mình thì có lãi hơn là bắt chàng làm việc ngoài đồn điền.
- Tôi phải cảm ơn tiểu thư, vì được sống trong những điều kiện khá tự do và sạch sẽ. - Blood nói - Nhân dịp này tôi xin bày tỏ với tiểu thư lòng biết ơn của mình.
Thế nhưng trong giọng nói của chàng lại không thấy có vẻ biết ơn gì như lời chàng nói cả.
- Anh ta giễu mình chăng? - Arabella Bishop nghĩ bụng và nhìn chàng với một niềm chân thực đến nao lòng mà giá là người khác thì chắc đã phải bối rối.
Nhưng chàng hiểu cái nhìn của nàng như một câu hỏi và chàng trả lời luôn:
- Nếu bị một chủ đồn điền khác mua thì chắc chắn những khả năng chữa bệnh của tôi đã không ai biết đến và bây giờ tôi đang phải phát rừng hay cuốc đất giống như những kẻ bất hạnh bị đưa đến đây cùng với tôi rồi.
- Nhưng tại sao ông lại cảm ơn tôi? Chú tôi đã mua ông chứ có phải tôi đâu?
- Ông ta đã không làm thế nếu không có tiểu thư xin. Mặc dù phải thú thực rằng, - Blood them - lúc ấy tôi hết sức phẫn nộ với việc đó.
- Phẫn nộ? - Giọng nói trẻ con của nàng lộ rõ sự ngạc nhiên.
- Vâng, đúng là phẫn nộ. Không thể nói là tôi thiếu từng trải, tuy vậy chưa bao giờ tôi lại bị rơi vào cảnh ngộ là món hàng sống và tôi khó có thể thấy yêu mến người đã mua mình.
- Tôi khuyên chú tôi làm việc đó chỉ vì tôi thương xót cho ông mà thôi. - Giọng nàng nghe có âm sắc giễu cợt mà nàng cứ tưởng như nghe thấy trong lời nói của chàng. - Có lẽ với ông, chú tôi là người thô lỗ, - nàng nói tiếp, - Chắc là có như thế thật. Tất cả các chủ đồn điền đều là những người tàn nhẫn và nghiệt ngã. Ðời là vậy thôi mà. Nhưng còn có chủ đồn điền tồi tệ hơn ông ấy nhiều. Chẳng hạn như Crabston bên Speightstown. Ông ta cũng đã có mặt tại đó, trên kè chắn sóng hôm nọ, đợi đến lượt chọn những người sót lại sau khi chú tôi đã mua xong. Nếu ông rơi vào tay của ông ta... Ðó là một người kinh khủng... cho nên mới có chuyện như thế.
Blood hơi lúng túng.
- Nhưng ở đó còn có những người khác cũng đáng được thông cảm kia mà,- chàng lẩm bẩm.
- Tôi thấy ông không hoàn toàn giống những người khác.
- Thì đúng là tôi không giống họ thật, - chàng nói.
- Ô! - Nàng chăm chú nhìn chàng và hơi đề phòng - Vậy ra ông tự đánh giá mình cao lắm.
- Ngược lại, thưa tiểu thư. Tiểu thư hiểu không đúng rồi. Những người kia là các nghĩa quân đáng được kính trọng. Toàn bộ sự khác nhau là ở chỗ đó. Tôi không nằm trong số những người sáng suốt cho rằng phải thanh lọc nước Anh. Tôi thỏa mãn với thân phận thầy thuốc ở Bridgewater trong khi những người xứng đáng hơn tôi đã đổ máu để lật đổ tên bạo chúa bẩn thỉu và bọn triều thần đê tiện của hắn...
- Tôi thấy ông đang nói những lời phản nghịch đấy - nàng ngắt lời.
- Hy vọng rằng tôi đã trình bày ý kiến của mình khá rõ - Blood đáp.
- Nếu người ta nghe được những lời ấy thì ông không tránh khỏi bị ăn đòn đâu.
- Ồ, không, ông thống đốc sẽ không để cho chuyện ấy xảy ra. Ông ta bị bệnh thống phong, còn phu nhân ông ấy thì lại bị đau nửa đầu cơ mà.
- Và ông trông cậy vào điều đó? - nàng khinh bỉ thốt lên.
- Tôi thấy ngay là tiểu thư chưa bao giờ bị bệnh thống phong, thậm chí cả những chứng đau nửa đầu cũng chưa nốt, - Blood nhận xét.
Nàng sốt ruột khoát tay và trong một thoáng rời mắt khỏi Blood để nhìn ra biển. Nàng nhíu mày quay lại hỏi:
- Nhưng nếu ông không phải quân bạo loạn thì tại sao lại bị đưa đến đây?
Blood hiểu rằng nàng đang ngờ vực, và chàng bật cười.
- Thú thực là chuyện này dài lắm, - chàng nói.
- Và có lẽ nó thuộc loại chuyện mà ông cho rằng tốt nhất là chỉ nên ỉm đi.
Blood đành vắn tắt kể lại cho nàng nghe chuyện gì đã xảy ra với mình.
- Lạy Chúa tôi! Sao mà hèn hạ đến thế! - Nghe hết câu chuyện, Arabella Bishop thốt lên.
- Vâng, Anh quốc đã trở thành một đất nước "tuyệt diệu" dưới triều vua James. Tiểu thư không nên thương hại tôi làm gì. Sống ở Barbados này còn sung sướng chán. Ít ra thì ở đây vẫn còn có thể tin vào Chúa Trời được.
Chàng vừa nói vừa trông ra khối núi xanh sẫm của ngọn Hinbay vút lên phía xa và mặt đại dương vô tận đang xao động trong gió. Bất giác Blood trở nên trầm ngâm, như thể dưới ấn tượng của phong cảnh hùng tráng đang trải ra trước mắt, chàng chợt hiểu ra sự nhỏ bé của chính mình cũng như cái hèn mọn của kẻ thù.
- Nhẽ nào cả ở những nơi khác cũng đáng buồn như vậy cả sao? - nàng rầu rĩ hỏi.
- Ðó là người ta đã làm nó ra như thế. - Blood đáp.
- Tôi hiểu - nàng cười, nhưng tiếng cười của nàng đầy cay đắng - Chưa bao giờ tôi coi Barbados như một thiên đường, nhưng tất nhiên ông biết rõ thế giới này hơn tôi. - Nàng ra roi giục ngựa. - Tuy vậy, tôi rất mừng là cảnh ngộ của ông không quá nặng nề.
Chàng nghiêng mình chào, Arabella Bishop đi tiếp. Hai người da đen lại chạy theo nàng.
Blood đứng tần ngần một lúc, đăm chiêu ngắm mặt nước vịnh Carlisle mênh mông lấp lánh dưới nắng, bầy chim hải âu vừa bay lượn vừa kêu ầm ĩ bên trên những còn tàu nằm nghỉ ngơi bên bờ cảng.
Chàng quay lưng thong thả bước về phía xóm nô lệ với những túp lều vách đất lợp cành cây nằm hỗn độn. Cái xóm nhỏ có hàng rào quây kín ấy là nơi chui rúc của các nô lệ làm việc ở đồn điền, Blood ở chung với họ.
Trong ký ức chàng vang lên những câu thơ của Lovelace[1].
Song sắt chẳng là lồng
Tường đá nào giam nổi...
Nhưng chàng cho những câu thơ ấy một ý nghĩa mới hoàn toàn trái hẳn với những điều nhà thơ muốn nói.
"Không - chàng nghĩ - Nhà tù vẫn là nhà tù, dù nó có rộng đến đâu, dù nó không có tường đá và song sắt".
Chàng hiểu ra điều ấy hôm nay với một nỗi tê tái khác thường và cảm thấy rằng cái ý thức đắng cay về thân phận nô lệ của mình mỗi lúc một thêm nhức buốt. Ngày nào chàng cũng trở lại với những ý nghĩ về việc mình bị xua đuổi khỏi thế giới bao la và ngày càng ít nghĩ tới cái tự do tình cờ nho nhỏ mà chàng được phép hưởng. Việc so sánh cái số phận tương đối dễ chịu của chàng với số phận của những người bạn bất hạnh cùng cảnh nô lệ đã không đem lại cho chàng cảm giác thỏa mãn, mà một người khác lẽ ra đã cảm thấy. Hơn thế sự va chạm thường xuyên với những khổ đau của họ lại càng làm tăng thêm niềm căm giận chất chứa trong lòng chàng.
Trong số bốn mươi hai tội nhân bị đưa đến đây cùng với Blood trên chiếc "Người lái buôn Jamaica" thì Bishop đã mua hai mươi lăm người. Số còn lại bị bán cho các chủ đồn điền khác - Ở Speightstown và lên nữa trên phía Bắc. Số phận của họ ra sao Blood không hề hay biết; với các nô lệ của Bishop thì chàng gặp thường xuyên và vẫn chứng kiến nỗi cực nhục khủng khiếp mà họ đã gánh chịu. Từ sáng sớm đến tối mịt, họ phải làm việc trên các đồn điền mía, bị xua đi bởi những ngọn roi của bọn giám thị. Áo quần của những người tù rách rưới tơi tả và một số gần như trần truồng, họ sống chui nhủi trong rác rưởi, ăn uống thì kham khổ đến nỗi hai người đã chết trước khi Bishop cho phép Blood chạy chữa cho họ và trước khi hắn chợt nhớ ra rằng các nô lệ chính là của cải của hắn. Một trong những người tù vì tỏ ra phẫn nộ trước sự hung bạo của tên giám thị Kent đã bị đánh bằng roi cho đến chết trước mặt các bạn tù cùng số phận, để làm gương cho họ. Một người khác dám liều chạy trốn đã bị bắt lại. Anh ta bị đánh một trận nhừ tử và bị lấy sắt nung đỏ đóng lên trán hai chữ "T.T" để đến hết đời mọi người đều biết đó là tù trốn. May mắn thay cho kẻ xấu số, anh ta đã chết vì những trận đòn.
Sau lần ấy, một nỗi thất vọng buồn nản trùm lên các tù nhân. Những người gai ngạnh đành chịu thuần phục và bắt đầu tỏ thái độ nhẫn nhục bi quan đối với số phận nặng nề không thể chịu nổi của mình.
Chỉ riêng Blood may mắn thoát được những cực hình ấy và bề ngoài chàng vẫn không hề thay đổi mặc dù niềm căm hận bọn chủ nô và ước vọng trốn khỏi Bridgetown, nơi con người bị hành hạ một cách tàn tệ đến cùng cực ấy ngày một lớn dần trong tim chàng. Vẫn giữ vẻ mặt dửng dưng, Blood chữa bệnh cho khách để kiếm tiền cho đại tá Bishop và càng ngày càng lấy bớt khách của hai thầy thuốc khác ở Bridgetown.
Tránh khỏi các hình phạt có tính chất lăng nhục và các thiếu thốn đã thành kiếp nạn đáng buồn của các bạn, Blood vẫn giữ được lòng tự trọng, ngay cả tên chủ đồn điền tàn ác cũng đối xử với chàng không đến nỗi thô lỗ như với những người khác. Chàng có được tất cả những cái đó là nhờ bệnh thống phong của thống đốc Steed và cái chính là nhờ chứng đau nửa đầu của lệnh bà mà ngài thống đốc nhà ta rất mực chiều chuộng.
Thỉnh thoảng Blood vẫn gặp Arabella Bishop. Lần nào nàng cũng dừng lại nói chuyện với chàng, chứng tỏ nàng ít nhiều cũng quan tâm đến chàng bác sĩ. Bản thân Blood thì không hề có ý muốn kéo dài các cuộc gặp gỡ đó. Chàng đã lòng tự dặn lòng rằng không được mắc lừa cái vẻ ngoài kiều diễm của nàng, cái duyên dáng trẻ trung, cách cư xử ngây thơ và giọng nói dễ chịu của nàng. Trong suốt cuộc đời đầy biến động của mình, chàng chưa hề gặp một kẻ nào đê tiện bằng chú nàng, mà nàng lại là cháu hắn và ít nhiều những thói xấu của gia đình ấy - có lẽ chính cái tàn nhẫn không biết thương người của bọn chủ đồn điền giàu có cũng có thể truyền lại cho cả nàng. Vì thế chàng cố tránh giáp mặt Arabella Bishop, còn khi không thể tránh đi được thì chàng cố giữ thái độ lạnh lùng và lịch sự với nàng.
Dù những giả thuyết của chàng có vẻ xác thực đến mức nào đi nữa, giá Blood chịu nghe theo linh cảm đã nhắc nhở mình những điều khác hẳn thì chắc chắn chàng đã xử sự hay hơn.
Mặc dù trong huyết quản, Arabella Bishop có chung một dòng máu với đại tá Bishop, nàng không có những thói xấu của hắn, và rất may là chỉ có một mình hắn như vậy chứ không phải cả dòng họ. Anh trai đại tá Bishop - Tom Bishop, cha Arabella Bishop - là một người hiền lành, tốt bụng. Cái chết quá sớm của bà vợ trẻ đã buộc Tom Bishop rời khỏi Cựu Thế giới để tìm quên lãng ở Tân Thế giới. Với đứa con gái mới lên năm, ông đã đến quần đảo Antilles và bắt đầu mở đồn điền. Ngay từ đầu, công việc làm ăn của ông đã tỏ ra trôi chảy, mặc dù ông không mấy quan tâm đến nó. Lúc thành đạt ở Tân Thế giới, ông chợt nhớ đến em trai, một quân nhân đang tòng ngũ ở nước Anh và nổi tiếng là một kẻ ngỗ ngược, tàn nhẫn. Tom Bishop khuyên hắn sang Barbados, và lời khuyên ấy vừa kịp lúc William Bishop, do tính bốc đồng không kìm chế nổi, đang rất cần phải thay đổi không khí. William đến Barbados và anh hắn đã cho hắn chung vốn làm đồn điền. Sáu năm sau Tom Bishop chết, để lại cô gái mười lăm tuổi cho người em chăm sóc. Có lẽ đó là sai lầm duy nhất của ông, nhưng vì bản thân là người phúc hậu và vị tha, ông thường nhìn người khác tốt hơn thực tế. Chính ông đã tự tay dạy Arabella Bishop, tạo cho nàng tính tự lập trong suy nghĩ và độc lập về tính cách. Tuy vậy, có lẽ ông đã quá phóng đại ý nghĩa việc giáo dục đó của mình.
Hoàn cảnh làm cho quan hệ giữa ông chú và cô cháu gái không còn gì là chân tình và đầm ấm. Nàng chịu nghe lời hắn và khi có mặt nàng hắn cũng chịu khó kìm mình. Trước đây William Bishop còn đủ trí lí để công nhận sự hơn hẳn của anh mình nên suốt đời hắn vẫn cảm thấy một nỗi sợ sệt sùng kính đối với anh. Sau khi anh chết, hắn lại có cảm giác như vậy đối với con gái người quá cố. Hơn nữa, nàng lại là người chung vốn với hắn trong các đồn điền, mặc dù không trực tiếp tham gia công việc. Blood chưa hiểu đủ Arabella Bishop để xét đoán về nàng. Và chẳng bao lâu chàng đã chịu nhận ra sai lầm của mình trong cách đánh giá các phẩm chất tinh thần của nàng.
Cuối tháng năm, khi cái nóng trở nên gay gắt, chiếc tàu chiến Anh "Pride of Devon" mình đầy thương tích chậm chạp lết vào vịnh Carlisle. Mạn tàu lỗ chỗ những vết đạn. Một lỗ thủng rộng hoác đen ngòm trên buồng lái, cột buồm đuôi bị một viên đạn pháo chém gãy chỉ còn một mẩu gỗ tàn tạ xơ xác. Theo lời viên thuyền trưởng thì ở gần Martini tàu họ đã gặp hai tàu Tây Ban Nha đang chuyên chở của báu và hình như bọn Tây Ban Nha hèn hạ hai đánh một. Viên thuyền trưởng thề sống thề chết là ông ta không tấn công mà chỉ tự vệ, nhưng không ai tin quân Tây Ban Nha đã đánh trước.
Một trong hai tàu Tây Ban Nha đã bỏ chạy, và nếu "Pride of Devon" không đuổi theo chỉ vì các hư hại không cho phép nó phát huy tốc độ. Chiếc tày Tây Ban Nha thứ hai đã bị đánh đắm, nhưng chỉ sau khi quân Anh đã dỡ phần lớn số của cải chở trên đó mà thôi.
Về thực chất thì đó chẳng qua chỉ là một chuyện cướp bóc thông thường, một trong nhiều sự kiện đã là nguyên nhân của những va chạm thường xuyên giữa triều đình St. James và Escurial[2] mà hai bên vẫn không ngớt trách cứ nhau.
Tuy nhiên, giống như phần lớn các thống đốc các thuộc địa khác, Steed giả vờ tin lời viên thuyền trưởng Anh. Cũng như rất nhiều người khác - từ những người ở quần đảo Bahamas đến dân xứ Main- ông ta ấp ủ một lòng căm thù mà nước Tây Ban Nha cao ngạo và bạo ngược đáng phải chịu, vì thế đã cho phép "Pride of Devon" trú ngụ trong cảng và cung cấp cho nó mọi thứ cần thiết để sửa chữa tàu.
Trước khi bắt tay vào việc ấy, viên thuyền trưởng Anh đã đưa lên bờ hai chục người của mình bị thương trong trận đánh, cùng sáu thương binh Tây Ban Nha. Tất cả được đưa vào gian kho dài trên bến và được giao phó cho các thầy thuốc trên đảo, trong đó có cả Blood. Chàng được giao chữa chạy cho các thủy thủ Tây Ban Nha - không những vì chàng thạo tiếng Tây Ban Nha mà còn bởi thân phận chàng thấp kém hơn các thầy thuốc khác: chàng là tù nhân.
Blood không ưa người Tây Ban Nha. Hai năm trong nhà tù Tây Ban Nha và sự tham gia của chàng trong các chiến dịch trên lãnh thổ Hà Lan bị Tây Ban Nha chiếm đóng đã cho phép chàng làm quen với những khía cạnh trong tính cách Tây Ban Nha mà không một ai có thể coi là đáng yêu được. Nhưng chàng làm bổn phận thầy thuốc một cách tận tình và đối xử với các con bệnh của mình bằng sự quan tâm thân thiện. Những người Tây Ban Nha hết sức ngạc nhiên thấy họ được chăm nom và chữa chạy thay vì bị treo cổ ngay lập tức nên đã tỏ ra tuân phục chàng tuyệt đối. Tuy nhiên, dân chúng Bridgetown mỗi khi đem bánh trái hoa quả đến bệnh viện thăm nuôi các thủy thủ Anh đều không hề giấu giếm thái độ thù địch của mình đối với các thương binh Tây Ban Nha.
Lúc Blood cùng với một người da đen được cử đến săn sóc các thương binh đang băng bó cho một thủy thủ Tây Ban Nha bị gãy chân, chàng bỗng nghe thấy giọng nói the thé đáng ghét của tên chủ:
- Mày làm gì ở đây, hả?
Blood không thèm ngước lên và vẫn không ngừng băng bó, đáp:
- Tôi đang cứu chữa thương binh.
- Cái đó tao thấy rồi, đồ ngu! - Thân hình phì nộn của tên đại tá chắn trước mặt chàng.
Người bị thương, gần như trần truồng nằm trên lớp rơm trải giường, hốt hoảng giương cặp mắt đen nhìn lên bộ mặt vàng ủng của tên đại tá. Không cần phải biết tiếng Anh cũng có thể hiểu được ý định của người mới đến.
- Tao thấy rồi, đồ ngu! Đại tá Bishop điên tiết nhắc lại.- Tao thấy mày đang chữa chạy cho ai nữa kia. Ai cho mày làm thế.
- Ðại tá Bishop, tôi là thầy thuốc và tôi làm bổn phận của mình.
- Bổn phận của mày? - Bishop giễu cợt hỏi lại - Nếu mày nhớ đến bổn phận thì mày đã không phải đến Barbados.
- Chính vì thế mà tôi đang ở đây đấy.
- Ba hoa thế đủ rồi, tao thì tao biết thừa những chuyện dối trá của mày! - Thấy Blood vẫn thản nhiên làm việc, cơn giận của hắn càng như lửa đổ thêm dầu. - Mày có bỏ ngay cái trò nhảm nhí với thằng chó đẻ kia đi khi chủ mày đang nói với mày không, hả?
Blood ngừng lại một giây và ngẩng lên nhìn tên đại tá.
- Người này đang đau đớn, - chàng đáp cộc lốc rồi lại cúi xuống người bị thương.
- Tao rất mừng thấy con chó đáng nguyền rủa này bị đau đớn. Nhưng với mày thì tao sẽ nói khác. Tao sẽ bắt mày phải vâng lời! - Tên đại tá hét lên và vung cây gậy tre định quật Blood.
Nhưng chàng nói vội để chặn trước ngọn đòn:
- Dù tôi có là gì đi nữa cũng không thể bảo rằng tôi không biết vâng lời. Tôi đang làm việc theo ngài thống đốc sai bảo.
Tên đại tá sững người, bộ mặt vàng ệch của hắn đỏ tía lên, mồm há hốc.
- Của ngài thống đốc... - hắn nhắc lại; rồi bỏ gậy xuống, hắn đi sang đầu kho bên kia, nơi viên thống đốc đang đứng.
Blood hài lòng cười khẩy. Tên chủ hung tợn đã không trút cơn giận xuống đầu chàng được.
Người thương binh hạ giọng hỏi bác sĩ xem có chuyện gì xảy ra. Blood lặng lẽ lắc đầu và cố dỏng tai nghe xem Steed và Bishop nói gì với nhau. Tên đại tá không ngớt kêu gào hò hét, thân hình phì nộn của hắn cao vượt lên trên viên thống đốc nhỏ bé, dăm dúm và đỏm dáng.
Tuy vậy, tay chơi bé nhỏ kia không phải là hạng người dễ dọa nạt. Ðức ngài hiểu rằng công luận đứng về phía ngài, còn những kẻ cùng quan điểm với Bishop thì không được mấy người. Ngoài ra đức ngài nghĩ rằng cần phải ngăn chặn ngay những hành động phương hại đến quyền lực của ngài. Quả thực ngài có ra lệnh cho Blood săn sóc bọn Tây Ban Nha bị thương thật, mệnh lệnh của ngài phải được thi hành và tóm lại ở đây chẳng còn gì để bàn cãi nữa.
Nhưng đại tá Bishop thì cho rằng vẫn còn cái để bàn. Rồi điên lên vì giận dữ, hắn to tiếng phát biểu ý nghĩ hèn hạ của mình về vấn đề bọn thù địch bị thương.
- Ông ăn nói hệt như một tên Tây Ban Nha chính cống, ông đại tá. - viên thống đốc nói và câu ấy đã làm lòng tự ái của tên đại tá tổn thương nghiêm trọng.
Trong cơn cuồng nộ không tả xiết, Bishop lao vụt ra khỏi gian kho. Hôm sau, các bà các cô quý  phái của Bridgetown - vợ và con cái các chủ đồn điền và lái buôn giàu có đem quà đến cảng úy lạo các thủy thủ bị thương. Lúc ấy Blood đang buộc thuốc cho các thương binh Tây Ban Nha. Vẫn như mọi khi không ai để ý đến họ. Công luận xem ra đứng về phía Bishop chứ không phải ngài thống đốc. Tất cả quà cáp đều đổ dồn cho các thủy thủ tàu "Pride of Devon", và Blood cũng cho như vậy là tự nhiên. Nhưng bỗng chàng kinh ngạc nhận thấy một quí bà nào đó đặt mấy quả chuối và một bó mía lên tấm áo mưa đắp trên mình một bệnh nhân của chàng. Quí bà ấy ăn mặc duyên dáng với chiếc áo dài bằng lụa tím nhạt và có một chú da đen khênh cái giỏ lớn theo sau.
Blood lúc này không mặc áo ngoài. Tay áo sơ mi xắn lên tận khuỷu với một mảnh giẻ thấm máu trong tay, chàng chăm chú nhìn theo người đàn bà nọ. Như linh cảm được cái nhìn của chàng, người đàn bà kia ngoái lại. Và Blood nhận thấy nụ cười nở trên môi Arabella Bishop.
- Thương binh này là người Tây Ban Nha đấy - chàng lên tiếng, như định giải thích rõ sự hiểu lầm của Arabella Bishop và trong giọng chàng thoáng một chút khôi hài ác ý.
Nụ cười vụt biến mất trên khuôn mặt Arabella Bishop. Nàng nhíu mày, khuôn mặt lập tức trở nên kiêu kỳ.
- Tôi biết - nàng nói - nhưng thiết tưởng anh ta cũng là con người chứ.
Câu trả lời rõ ràng có ý chê trách đã làm Blood ngỡ ngàng.
- Ông chú của tiểu thư lại có ý kiến khác hẳn - chàng trấn tĩnh lại và nói - Ðại tá Bishop coi các thương binh này là loài sâu bọ, không việc gì phải chữa chạy cho họ cả.
Nàng cảm thấy vẻ nhạo báng trong giọng nói của chàng. Nhìn chằm chằm vào chàng, nàng hỏi:
- Tại sao ông lại nói với tôi điều đó?
- Tôi muốn báo trước cho tiểu thư biết để tiểu thư khỏi phải hứng chịu cơn giận dữ của đại tá. Tôi không thể băng bó vết thương cho họ nếu ông ta có thể ra uy ở đây.
- Và chắc ông cho rằng tôi cũng phải nghĩ giống ông chú tôi chăng? - Giọng nàng nghe có ít nhiều ác cảm và trong đôi mắt nâu chợt lóe lên ánh lửa dữ dội
- Ngay cả trong ý nghĩ tôi cũng không thể thô bạo với phụ nữ, - chàng nói - nhưng nếu đại tá biết tiểu thư cho quà các thương binh Tây Ban Nha... - Chàng bỗng im bặt, không biết nói nốt ý mình ra sao.
Arabella Bishop cố ghìm cơn giận đang trào lên.
- Hay lắm! Thoạt đầu ông gán cho tôi tính tàn nhẫn rồi sau đó là sự hèn nhát. Ðối với một người mà ngay cả trong ý nghĩ cũng không thể thô bạo với phụ nữ thì cái đó cũng không đến nỗi nào. - Nàng bật cười, nhưng tiếng cười thơ trẻ của nàng lúc này lại pha vị đắng cay.
Blood cảm thấy hình như đến bây giờ chàng mới hiểu đúng Arabella.
- Xin tiểu thư thứ lỗi, tôi làm sao đoán nổi... rằng cháu gái đại tá Bishop lại là một thiên thần? - Chàng thốt lên.
Nàng ném cho chàng một cái nhìn khinh mạn.
- Vâng, tiếc rằng ông không giỏi đoán cho lắm, - nàng giễu cợt nói và cúi xuống chiếc giỏ mà chú da đen đang xách, lấy ra các thứ bánh trái và hào phóng phân phát cho tất cả các thương binh Tây Ban Nha. Nàng không còn gì để chia cho các thủy thủ Anh nữa, vả lại họ cũng chẳng cần đến sự giúp đỡ của nàng, bởi vì các bà các cô khác đã cho họ rất hậu.
Khi trong giỏ đã không còn gì nữa, Arabella Bishop gọi chú da đen. Ngẩng cao đầu, nàng bỏ đi, chẳng những không nói một lời với Blood, mà thậm chí còn không thèm nhìn chàng nữa.
Peter thở dài nhìn theo hút bóng nàng.
Chàng rất ngạc nhiên nhận thấy ý nghĩ về cơn giận của Arabella Bishop làm chàng lo lắng. Nếu là hôm qua thì chàng đã không cảm thấy thế, bởi vì mãi hôm nay bản tính thực sự của nàng mới bộc lộ rõ trước chàng.
- Không, mình chẳng biết nhìn người chút nào hết - Blood nghĩ thầm và cố biện bạch với mình. - Nhưng ai dám nghĩ một dòng họ đã sản sinh ra một con ác quỷ như tên đại tá Bishop lại cũng có được một nàng tiên từ ái như Arabella.
Chú thích:
[1] Richard Lovelace (1618-1658) - nhà thơ trữ tình Anh.
[2] Tức là triều đình Anh và Tây Ban Nha.