Chương 3

Ba chúng tôi đã qua tuần lễ đầu tiên, mài miệt với những chuyến du lịch ngắn. Các trái núi, các ngôi chùa, các bến sông quanh tỉnh lỵ, Vũ Sơn đã đưa Thanh Dương và tôi thăm thú hết. Sang tuần thứ hai, anh tuyên bố đưa chúng tôi tới nhà những người hâm mộ anh. Đám này khá đông, đủ loại. Từ các chú học trò cấp ba yêu thích văn chương mơ tưởng một chân phóng viên báo trong tương lai đến các khổ chủ muốn nhờ cậy Vũ Sơn giúp con cái họ vào một trường đại học, một cơ quan trung ương kiếm một tấm giấy phép làm nhà hoặc tìm một vị thẩm phán có đủ năng lực trong vụ kiện chia đồ hương hỏa… Về tất cả những lãnh vực ấy, ở đâu Vũ Sơn cũng có những người quen thuộc, thân tín, biết nắm giữ một cách thông thạo những nhu yếu tinh thần và vật chất của đời sống. Vả chăng, ở tất cả mọi môi trường xã hội, Vũ Sơn đều hiểu biết, tuy không mấy chính xác, nhưng các kiến thức của anh đủ cho những con người quen sống biệt lập trong góc đời cỏn con của mình phải kinh ngạc. Sự thiếu hụt trong bề rộng và chiều sâu của kiến thức được bù đắp bởi lòng tự tin bẩm sinh của anh. Và lòng tự tin ấy đôi khi được thánh hóa lên nhờ đức khiêm nhường quen thuộc của cư dân tỉnh lỵ.
Chiều hôm trước anh đưa chúng tôi tới nhà một ông hiệu trưởng cấp hai vừa được bổ nhiệm nhờ sự phát hiện và biểu dương của anh trước Ty giáo dục tỉnh. Con trai ông bắt được một con ba ba lớn trong đầm Những, nơi chàng trai làm việc. Cậu hì hụi đạp ba mươi cây số về nhà biếu bố. Ông hiệu trưởng lại đạp xe năm cây số nữa để mời một người bạn cố tri có biệt tài nấy ba ba tới nấu bữa cỗ đãi chúng tôi. Ông già này là cán bộ ngân hàng tỉnh đã về hưu, một người tính tình nhẹ nhõm, thích giao tiếp. Ông tên là Hưu, nhỏ bé, lẹm cằm. Ông mời chúng tôi tới nhà ông thăm thú cảnh điền viên và ăn cơm thanh đạm vào trưa hôm sau. Vũ Sơn thay mặt chúng tôi nhận lời, anh nói với ông bằng một giọng nửa đùa nửa thật:
- Quý bác lắm mới đi đường đột thế này đấy nhé. Còn bao nhiêu nơi chờ đợi…
- Vâng, quý hóa quá…
Ông già đáp: Đã mấy khi các anh về tới tỉnh nhà…
Hôm sau Thanh Dương đến rủ tôi trước. Rồi sau đó, hai chúng tôi tới nhà Vũ Sơn. Anh còn đang cuộn tròn trong chăn, đôi mắt đỏ kè ngáy ngủ:
- Mấy giờ rồi?
Thanh Dương đáp:
- Bảy rưỡi. Dậy được rồi nhà báo trứ danh ạ.
Vũ Sơn ngáp một tràng vài ba cái rồi mới bò trong đống chăn như chiếc kén tằm chui ra:
- Đêm qua tôi đọc lại Đốt, ba giờ sáng mới tắt đèn đi ngủ.
Chúng tôi chờ anh làm vệ sinh buổi sáng và thay quần áo rồi đạp xe theo tỉnh lộ, ngược lên phía bắc thị xã. Nhà ông già Hưu ngay ven đường, một ngôi nhà nửa cổ nửa kim nhưng thuận mắt. Mảnh sân vuông đặt hai dãy chậu cây cảnh, từ cây trắc bá tới cây trúc kim, từ lan hoàng diệp tới cúc gấm và hồng Đà Lạt. Có lẽ, bộ sưu tập này là tất cả niềm say mê và kiêu hãnh của chủ nhân. Tôi đã từng tới nhiều nhà nuôi trồng cây cảnh, nhưng chưa ở đâu gặp sự chăm chút tới mức phi lý như ở đây. Những chiếc chậu cổ men xanh được lau bóng như chén uống trà Tàu trong các gia đình quý phái. Những viên sỏi rải trên gốc trúc kim hoặc tùng cảnh sạch như mỗi sớm chúng được lượm lên và lau rửa bằng bọt xà phòng. Ngay cả tới những chậu cây lớn đổ bằng đá li- tô hồng hoặc nâu cũng lấp lánh như mặt kính. Chẳng chậu cây nào có một mảy lá úa hoặc viên đất dính. Từ búp lá nõn đầu cành cho tới những chiếc lá già cuối cùng bám sát gốc cây đều tinh khiết tựa hồ được chạm từ thứ ngọc xanh sắc màu đậm nhạt khác nhau.
Thanh Dương thốt tiếng trầm trồ:
- Bác có một vườn cảnh lý tưởng. Tìm khắp thành phố Hà Nội cũng khó mà có những chậu cảnh như ở đây.
Chủ nhân sung sướng mỉm cười, và đáp lại với giọng khiêm nhường:
- Còn thiếu nhiều thứ cây quý lắm anh ạ. Tôi dự tính năm năm nữa mới đủ chơi.
Vũ Sơn chắp tay đi đi lại lại trong sân, anh ngước nhìn giàn dưa Tây đang trổ hoa vàng chóe trên đầu, ghé sát tai tôi thì thầm:
- Sáng nay Thanh Dương sẽ đỡ chuyện cho chúng mình. Nào là cây cảnh, nào nghề nuôi chim, chọi gà, nuôi cá vàng, gây giống vẹt… Cái khoản ấy tôi với cậu phải chắp tay lạy hắn ta. Trong hình hài của Thanh Dương có một lão già đích thực.
Quả nhiên, ông già Hưu bám sát lấy Thanh Dương ngay tức khắc. Anh chàng thi sĩ trầm mặc này thủ thỉ với ông đủ các thứ chuyện về thú điền viên. Hai người ngồi ngay trên sân, giữa những chậu cây cảnh ma say mê đối thoại.
Vũ Sơn rủ tôi ra mảnh ao nhỏ sau nhà, nơi có những bụi cây móng ròng thơm nức trùm lên một cây vối. Anh nói với tôi về Đốt- tôi- ép- ski, Tôn- stôi, Hê- min- uây… vì tôi ham đọc sách, tôi có thể hiểu được những khúc mắc, những kiến giải của anh, nhẫn nại nghe anh bày tỏ. Anh nói lưu loát, cuốn hút, tôi không biết được thời gian trôi qua. Chợt chủ nhân chạy ra, rối rít xin lỗi và mời chúng tôi vào nhà uống nước. Hóa ra, ông già Hưu cũng là một người say mê, bồng bột. Bị câu chuyện bất tận của Thanh Dương hấp dẫn, ông đã quên khuấy cương vị chủ nhân.
Chúng tôi bước vào nhà, cùng lúc bà vợ và cô con gái duy nhất của ông đi chợ về. Họ cất tiếng chào, chúng tôi chào lại họ. Bà già cũng nhỏ bé tươi tắn như chồng, với đôi mắt đen và sâu, cặp môi đều đặn, chắc chắn bà đã gây sóng gió cho những trái tim trai trẻ thời bà còn là một thiếu nữ má hồng răng trắng. Nhưng cô gái mới thật là một nhan sắc lộng lẫy, đầy sức chinh phục. Cô thâu tóm đủ những nét trội của mẹ nhưng tất cả những nét đó đều được biến cải, nâng cấp lên một cách đáng kinh ngạc. Nhìn cô, người ta biết chắc chắn cô là kết quả của cuộc hôn phối giữa hai con người dưới mái nhà ấy, đồng thời người ta cũng ngờ vực tạo hóa vì nó đã nhào nặn lại một cách uyển chuyển và khiến cho mọi đường nét, mọi hình khối đạt tới mức hoàn mỹ. Cả bố và mẹ cô đều thấp bé, nhưng cô lại dong dỏng cao. Tấm thân thon thả, săn chắc bó trong tấm áo lụa giản dị cổ tròn và chiếc quần hàng tuýt- xi may theo kiểu Jin ống hẹp. Mắt cô đen, đắm đuối như mắt bà mẹ nhưng cặp mi dài rậm hơn khiến đôi mắt ấy trở thành những con sóng đầy ma lực. Sống mũi, cặp môi, những món tóc mai, nốt ruồi tí xíu bên cằm… Cô khiến cả ba chúng tôi sững sờ. Không tin được ở góc tỉnh lỵ quê nhà lại có một thiếu nữ đẹp đến thế, mặc dù các thiếu nữ xinh đẹp nhất Hà Nội chúng tôi đã được ngắm nhìn dăm bảy lượt, hoặc gần, hoặc xa…
- Mời các anh xơi nước. Chè Thái Nguyên mua cân, bà nhà tôi ướp lấy. Năm trước, bà ấy ướp hoa ngâu. Năm nay, ướp hoa nhài. Mấy bụi nhài ở bờ ao cơ man là hoa nở. Giá ở Hà Nội đã có tiền, nhưng ở đây thả cho lũ ong rờn…
Một gã bán kem rong đi qua, bóp chuông hơi: Tí toe, tí toe… kèm theo tiếng rao: “Kem cây đặc biệt, ăn mau kẻo sắp hết mùa”. Rồi một cỗ xe bò lọc cọc đi tới, ông già đánh xe ngồi giữa đống rơm, gà gập ngủ. Chừng mươi phút nữa, mới có một đám dân buôn hồng, buôn bưởi gánh hàng về chợ, vừa đi vừa chuyện trò. Khung cảnh đơn điệu của tỉnh lỵ diễn qua, trong khuôn cửa có hai lần cánh. Sát khuôn cửa ấy, treo lửng lơ chiếc xích- đông bằng gỗ lát. Trên khuôn đó, thấy những cuốn sách quen thuộc: một anh hùng thời đại của Léc- mông- tốp. Bác sĩ Ji- va- gô của Pa- têch- nác. Cha và con của Tuốc- ghê- nhi- ép. Thơ E- xe- nhin và thơ Pus- kin. Các trường thiên tiểu thuyết của Sô- lô- khốp. Rồi các tác phẩm của Đốt và tuyển tập. Con đường đau khổ của A- lếch- xây Tôn- stôi… Chắc chắn đây là tủ sách của người con gái, một chiếc kẹp tóc nằm bên dưới chiếc lọ nhỏ xíu, cắm độc nhất bông hồng.
Chúng tôi chưa uống hết tuần trà cô đã xuất hiện, đĩa bánh rán trên tay:
- Mẹ bảo đem lên cho bố mời khách uống trà.
Cô nói, với dáng vẻ tự tin tuy có đôi chút ngượng ngùng. Ông già Hưu giới thiệu chúng tôi, lần lượt từng người. Rồi ông quay lại rót nước tiếp. Cô gái đi xuống bếp, ông nói:
- Con gái tôi tên Hạnh, Thúy Hạnh. Nó đang học đại học y năm thứ nhất, tôi gặp nạn. Cảnh nhà neo bến, côi cút, bà già tôi đổ bệnh khùng. Suốt ngày bà ấy khấn vái, ra sân vái trời, vào nhà vái bàn thờ tổ tiên gia tộc. Cơm nước không chịu nấu, chỉ mua hoa sen ăn. Cháu Hạnh bỏ học về nhà chăm mẹ. Năm sau, vận hạn qua đi, tôi xin về hưu vui thú cảnh gia đình. Mẹ cháu hoàn toàn khỏi bệnh, chúng tôi giục cháu đi học tiếp nhưng nó không chịu đi nữa. Bây giờ, suốt ngày nó ngồi đọc sách. Ngoài thời giờ đọc sách, nó nhận hàng về may. Nhờ trời, chúng tôi sống không đến nỗi nào. Nhưng thấy con bé cứ quanh quẩn ở nhà, chán chường mọi thứ mà tôi buồn quá. Cái tai nạn không chỉ làm tổn thương mình tôi, con gái tôi trẻ mỏ thế, làm sao tôi tạo lại cho nó được nguồn vui và lòng tin bây giờ?…
Cái cằm nhỏ của ông run lên. Lát sau, cơn xúc động trôi qua, ông lại vui vẻ nói tới cách trồng cây cảnh, cách chiết hồng Thúy Kiều và gây các loại phong lan quý, cách tỉa tùng và trúc vào những thời tiết khác nhau. Thanh Dương tiếp chuyện ông, Vũ Sơn và tôi bó gối ngồi nghe.
Đồng hồ điểm mười hai tiếng, cô gái bưng mâm cơm lên, đặt giữa phản:
- Mời bố và các anh xơi cơm.
Nói xong, cô xách phích nước xuống sân. Ông già Hưu bê vò rượu, mở nùi lá chuối khô, rót vào chiếc thẫu thủy tinh. Từ miệng vò sành, chảy ra thứ rượu màu đỏ sẫm. Khi rượu tới ngang lưng thẫu, một con rắn thò cái đầu cứng đơ khỏi miệng vò. Ông già dừng tay, thận trọng dựng vò rượu lên, dùng lá chuối chùi rồi nút chặt lại. Xong, ông lấy chiếc phễu thủy tinh nhỏ xíu từ tủ chè ra, rót rượu ở thẫu vào chai. Từ chai, ông mới lại rót ra từng chiếc chén sứ nhỏ, nhỉnh hơn chén trà hạt mít đôi chút, mời rượu chúng tôi:
- Không mấy khi tôi gặp được các anh…
Ông già nói: Ở đây buồn lắm, vài ba tháng mấy thằng bạn cố tri mới lọc cọc đạp xe tới gặp nhau một lần. Lúc gặp đã vậy, lúc rủi không gặp lại đạp xe về chán nẫu cả ruột. Mà mỗi lúc mỗi già, nhìn con đường nắng lóa, mắt cứ như mờ đi, cẳng chân tê cứng lại, lâu dần rồi ai nấy cũng chỉ quanh quẩn với xó nhà của mình. Cái tuổi già nó mau tồi tệ lắm các anh ạ. Kìa, các anh lên đũa đi. Bà nhà tôi với cháu Hạnh ăn dưới bếp. Ở đây không có lệ đàn bà, con gái ngồi nhắm rượu với đàn ông.
Trên chiếc mâm đồng bóng loáng, đĩa xào còn bốc khói nghi ngút, nem rán cũng nóng nhưng các món quay, món hầm đã nguội. Rõ ràng những người đàn bà trong nhà ít làm cơm đãi khách và cũng không có năng khiếu về mặt này. Tuy nhiên, mọi món ăn cũng như các thứ vật dụng đều tinh tươm, sạch sẽ, khiến ta yên tâm. Ông già uống rượu, hai gò má hồng lên, cặp mắt long lanh trong cơn ngây ngất của những cảm xúc bị dồn nén quá lâu đã đến giây phút muốn giãi bày. Chúng tôi đáp chuyện ông, nhẹ nhàng dò chừng nỗi ưu uất của một tâm hồn nhạy cảm và nồng nhiệt. Cuối bữa ăn, ông gạt đôi đũa sang một bên, rồi kể cho chúng tôi nghe cái tai nạn lớn nhất trong đời ông. Ông phụ trách ngân hàng, một cơ quan quan trọng bậc nhất tỉnh này. Vốn người trung thực, đặt nhiệt tâm vào công việc, ông không biết cương vị của ông được các cán bộ dưới quyền mình thèm khát. Luôn luôn bận rộn, luôn luôn bị lôi kéo bởi các cuộc họp cấp tỉnh. Ông không thường xuyên kiểm tra lại hành vi những người dưới quyền, những người này đã từng có quan hệ tình cảm khăng khít với ông, đã từng được ông giúp đỡ khi gặp sóng gió. Với niềm tin thơ ngây ở sự thẳng thắn và tấm lòng nhân hậu của bản thân, ông không thăm dò được những tăm tối. Ông không đo đếm được các mưu kế hiểm độc, ông không đủ từng trải để hình dung được sự đê tiện của con người. Và như thế, ông rơi vào trận đồ bát quái của các dục vọng âm hiểm. Ông, người có quyền lực cao nhất cơ quan, người chịu trách nhiệm trước chữ ký của mình đã buộc phải lãnh án tù bởi sự tham nhũng của những kẻ dưới quyền. Cố nhiên, phó giám đốc ngân hàng, người chủ mưu bày đặt và điều khiển trận tấn công âm thầm trong ba năm dài đã thế chân ông. Y đã đạt được cái cao vọng y hằng thèm khát. Một chiếc xe sang trọng có người lái mở sẵn cửa chờ đợi, những tiệc tùng liên miên nơi này và nơi khác, ưu thế chính trị và tài chính cho cả đám con cháu, họ hàng nội ngoại nhờ cậy, chút danh vọng để đặt lên bàn thờ gia tộc ngày giỗ tết… Ông vào tù, bà vợ mắc chứng tâm thần, và con gái ông bỏ học…
Ông chớp mắt để tránh cho một giọt lệ khỏi lăn ra, kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi ai oán:
- Bây giờ mọi chuyện qua rồi. Tôi có thể vui thú với những chậu cảnh của tôi hơn mọi vui thú ở cõi đời. Bí thư tỉnh đã về tận đây mời tôi ra làm việc, tôi từ chối. Một bông hồng Thúy Kiều nở với tôi quan trọng hơn việc tiếp chuyện các vị cán bộ tỉnh ủy… Nhưng còn con Hạnh, tôi không muốn nó sống mãi trong tâm trạng này. Nó còn trẻ quá, và tôi không thể…
Vũ Sơn đặt một bàn tay lên vai ông:
- Bác cứ yên tâm. Trăng tới rằm trăng tròn, hoa tới thì hoa nở. Đã là kiếp con người, ai cũng trải qua những khoảnh khắc bi lụy, đau thương. Nhưng nỗi đau nào cũng sẽ qua. Cô ấy sẽ trở lại bình ổn, khi yêu.
Ông già lắc đầu:
- Trong vòng hai năm nay, dễ có tới non hai chục đám hỏi. Con trai ông đại tá Thinh, con trai ông trung tá Tú ở tỉnh đội, con trai bà giáo Giang hiện làm ở Viện khoa học xã hội Hà Nội…
- Thôi, thôi…
Vũ Sơn cắt đứt cái danh sách dài dằng dặc của ông: Tình yêu không phải cái thứ hỏi han ấy. Rồi bác cứ nghiệm xem… Cháu bảo đảm với bác rằng cô Hạnh sẽ vui vẻ, trẻ trung như trước. Chắc chắn sẽ có ngày đó. Và chúng cháu tới đây mở vò rượu rắn của bác ra…
Chúng tôi cáo từ. Chủ nhân đi theo dặn đi dặn lại:
- Ôi, chào các anh. Nhớ quay lại thăm chúng tôi đấy nhé. Thật quý hóa quá…
Khi tới cổng, tôi chợt nhớ rằng chưa xuống bếp chào bà chủ với cô con gái. Tôi ghé tai Vũ Sơn thì thầm:
- Cả anh, cả Thanh Dương, cả tôi đều đoảng vị. Làm sao bây giờ?
Anh nháy mắt:
- Thôi kệ, còn tới chơi lần khác.
Nhưng lúc đó, Hạnh đi ra, đem rổ chanh tặng chúng tôi, nói là chanh vườn nhà. Chúng tôi lên xe, cô còn đứng ngó theo.
- Con bé đẹp quá. Vũ Sơn nói: Của này mà sang Hà Nội đắt chồng như tôm tươi. Đủ loại mũ cao áo dài tới xếp hàng chầu chực. Vậy mà ở đây quanh ra quẩn vào thở than với dăm chậu cây cảnh. Nay mai, lấy một anh chồng lèn quèn nữa là xong đời. Các cụ nói đúng thật:
Tiếâc thay cây quế giữa rừng
Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay…
Thanh Dương không nói, cắm cúi đạp xe. Nhưng đôi mắt đen ẩm ướt của anh ta ẩn giấu vẻ bồn chồn.
Trong tuần lễ, chúng tôi còn tới chơi vài nhà quen thuộc của Vũ Sơn. Thanh Dương vốn ít nói, giờ đây càng lơ đãng hơn trong các cuộc giao tiếp. Dường như chàng thi sĩ luôn đuổi theo các ý tưởng riêng, phiêu diêu trong cái thế giới ấy cho tới khi câu hỏi hay một cái vỗ vai đột ngột kéo anh về thực tại. Đôi lần, trước vẻ sững sờ, hốt hoảng, Vũ Sơn giương đôi mắt hầu tròn xoe lên, nhìn bạn chòng chọc. Nhưng rồi anh ta không nói gì mà chỉ lẳng lặng quay đi. Tới buổi tối thứ hai tuần lễ sau đó Vũ Sơn hẹn đưa chúng tôi đến dự đám chơi tổ tôm của ông chú vợ anh:
- Tôi với các cậu ù ù cạc cạc biết gì tổ tôm với tổ tép. Nhưng sống ở đời cái gì cũng nên để mắt ngó qua. Vả lại, rã đám tổ tôm bà thím tôi sẽ nấu một nồi cháo gà và một nồi chè đậu xanh đãi khách.
Tối hôm đó, đúng bảy rưỡi chúng tôi đã có mặt ở nhà ông chú Vũ Sơn. Khoảng non một chục ông già, bà lão đã tề tựu ở đấy. Người phì phèo hút thuốc, kẻ tóp tép ăn khế đường hoặc kẹo bột. Vẻ mặt ai nấy hí hửng như trẻ con được quà. Hóa ra, người già cũng ham chơi hệt như con nít - Tôi thầm nghĩ và để tâm quan sát từng người một - Quả nhiên, tới lúc chủ nhà dọn chỗ, xếp bàn tổ tôm, họ cũng hồi hộp, nao nức dường như cuộc chơi quyết định quãng đời còn lại của mình. Người này, kẻ khác đôi co, kiện tụng đòi được ngồi chung chiếu với những người ưa thích hoặc chắc chắn không đủ khả năng tiêu diệt mình một cách tàn bạo. Ông chú Vũ Sơn là người từng trải lịch lãm, chỉ trong vài ba phút ông đã dàn hòa được mọi mối mâu thuẫn, làm cho tất cả hài lòng với nụ cười hóm hỉnh và những câu đùa nhẹ nhàng. Khoảng tám giờ kém năm, cuộc chơi bắt đầu. Bắt chước Vũ Sơn, tôi cũng ngồi rìa một đám. Nhưng chỉ mươi phút sau, biết mình không thể hiểu được tôi đành đứng lên. Thanh Dương không còn trong phòng, anh ta đã chuồn trước tôi. Chỉ một mình Vũ Sơn hòa nhập vào đám đánh bài say mê, sung sướng. Tôi mở cửa, lững thững đi dọc phố. Trời đêm, hơi thu se lạnh. Chân trời trong ngần đọng trên các dãy núi, tựa lớp nước nhuốm phẩm lam. Vài ngôi sao hiếm hoi nhưng sáng rực, bắn tóe ra từng chùm tia bạc. Những vòm kim phượng, ẩm ướt và run rẩy, khẽ thở than vì tình yêu muộn màng với mùa thu đã tàn úa trước thời khắc biệt ly. Tôi bước chậm rãi, không nghĩ ngợi gì. Đột nhiên, tôi thấy phố đã hết, phía trước là cánh đồng mờ mờ dưới ánh sao. Cách tôi hai bước chân, một bụi cây tử vi khum khum như cánh diều. Và sau bụi tử vi ấy, nhô lên hai mái đầu của một cặp tình nhân.
- Thật dơ dáng.
Tôi thầm rủa mình vì rời vào tình thế trớ trêu. Chỉ cần tôi bước thêm một bước hay xoay lưng đi trở lại, cặp tình nhân kia sẽ nhận ra tôi. Họ vừa rời nhau ra sau một cái hôn dài. Tôi nghe người con gái thở dồn dập, nói:
- Em sợ quá.
Người con trai khẽ cất tiếng cười, đáp lại:
- Không có gì đáng sợ trên đời…
Ngập ngừng vài giây, anh ta nói thêm: Trừ tình yêu.
Tôi nhận ra giọng Thanh Dương, như cái máy tôi lẳng lặng ngồi xuống, cố gắng không gây nên một tiếng động nhỏ. Sau đó, người con gái lại cất tiếng, và tôi biết cô chính là Thúy Hạnh, thiếu nữ xinh đẹp đã đứng sau cánh cổng nhìn theo chúng tôi trong buổi chia tay hôm trước. Giọng cô bồn chồn, day dứt:
- Khi ngồi bên anh, cảm giác sợ hãi không còn. Nhưng khi chỉ có một mình, nỗi ân hận làm em đau đớn. Em sợ từng cái nhìn của mẹ, hay một câu hỏi vô tình của bố, hoặc chuyện kể về một mối tình vụng trộm nào đó… Và nỗi tủi hổ bám riết lấy em, như chiếc móc sắt cắm vào da thịt, không thể gỡ.
- Anh hiểu những ý nghĩ của em.
Thanh Dương ngắt lời cô gái. Giọng nói của anh cũng giống như đôi mắt ẩm ướt của anh, thì thầm, lôi cuốn:
- Tình yêu luôn vô tội, trước đất trời cũng như trước con người. Bởi vì tình yêu không phải là sản vật được tạo nên do ý muốn của chúng ta, mà do tạo hóa. Trước khi gặp em, anh đâu biết mình còn có thể bị lay động, bị mê muội trước một người con gái. Nghề của anh, em biết rồi đấy, luôn luôn gặp những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc diêm dúa và biết đủ cách ăn chơi. Trong các cuộc họp báo, trong các cuộc đọc thơ, trong các cuộc du lịch dài và ngắn… cơ man nào là cơ hội, cơ man những khuôn mặt đàn bà… Nhưng anh đã nhìn tất cả bọn họ như những con rối bằng cao su, những con búp bê nhồi mùn cưa hoặc vải vụn… Vợ anh, người đàn bà đê tiện, độc ác ấy đã khiến anh ghê sợ và thù ghét toàn bộ thế giới đàn bà. Anh cảm thấy sau những gương mặt tô son trát phấn ấy là bộ mặt thật của họ, bệnh hoạn và nhàu nát. Họ sẽ gào lên: Tiền đâu? Lấy gì cho tôi mua giày dép, áo lông, lấy gì cho tôi đặt bánh kẹo sinh nhật, lấy gì cho tôi thuê người mắc công- tơ riêng và chữa lại máy nước. Họ sẽ nhiếc móc anh đủ điều nếu anh không thỏa mãn nhu cầu ấy hoặc sẽ hành hạ anh em thân thích của anh, một khi đụng chạm đến quyền lợi mà họ cho là bất khả xâm phạm. Cuộc sống địa ngục đã xây đắp cho anh một thành lũy chắc chắn, mọi sự công phá của đàn bà đều vô hại. Thế mà giờ đây, tất cả đã tan tành. Không, anh không muốn thế. Bàn tay của thượng đế dẫn dắt anh tới với em. Nếu có lỗi lầm, lỗi lầm ấy thuộc về thượng đế, cả anh và cả em đều không dự phần trong chuyện đó.
- Nhưng xã hội sẽ lên án. Và trước tiên, gia đình em đau khổ. Không thể giải thích cho bố mẹ em hiểu được chuyện này. Các cụ không tha thứ, không bao giờ tha thứ.
- Em đã hòa đồng đời sống của em vào nỗi đau khổ của bố mẹ em. Rõ ràng, đó là một hy sinh lớn lao mà những kẻ tầm thường không làm nổi. Bố mẹ em sẽ tha thứ cho em tất cả, vì lòng hiếu dễ ấy… Vả chăng, nếu các cụ không tha thứ được, em cũng phải tự quyết định cuộc sống của mình.
Thúy Hạnh thở dài:
- Em sợ lắm.
- Đừng sợ. Cuộc đời này cũng giống như những cái mặt hổ phù, nhìn phía trước thì hung tợn, lật phía sau lên chỉ là mấy lớp giấy bồi. Anh đã nói với em, không có gì đáng sợ trên thế gian, trừ tình yêu. Tình yêu hủy diệt con người hơn bom đạn, bệnh tật, đói khổ. Tình yêu cũng cho con người khả năng chiến thắng hơn bất cứ sức mạnh nào khác. Thanh Dương ngừng lời. Tôi tưởng tượng đôi mắt đa tình của anh ta đang khép lại trong bóng tối. Vài giây sau, anh ta khẽ cất tiếng cười:
- Thật trớ trêu. Chỉ cách đây một tuần, khi chưa biết em, cuộc sống của anh bình ổn. Vậy mà sau lúc gặp em, tất cả đổi thay, tất cả quay cuồng. Như một thân cây bị bão nhổ bật rễ, anh không còn đứng vững nữa. Anh đã mất toàn bộ khả năng tự điều khiển. Suốt những ngày vừa qua, anh mừng hay tủi, vui hay buồn, nhìn cõi đời tươi sáng hay chú tối, hy vọng hay tuyệt vọng… tất cả tùy thuộc vào em.
Cô gái im lặng. Tôi tin chắc cô đang đắm chìm trong cảm giác thần thánh của tình yêu. Một giây đi qua. Rồi mái đầu Thanh Dương cúi xuống. Lợi dụng cái hôn dài của cặp tình nhân, tôi rón rén đứng lên, quay trở lại thị xã.
Đám tổ tôm vừa kết thúc. Mọi người còn đang hoan hỉ bình phẩm về các ván bài. Bà chủ nhà bưng nồi cháo gà với hai chồng bát chiết yêu ra. Tay áo xắn tới khuỷu, bà thận trọng múc cháo vào từng bát, rắc thịt gà xé, lá chanh, hành tươi thái nhỏ và hạt tiêu nhanh thoăn thoắt như một bà bán cháo thực thụ. Những bát cháo nóng được sắp vào hai chiếc mâm đồng cỡ lớn, đặt lên chiếu. Ông chủ xoa tay:
- Xin mời các bác.
Vũ Sơn đã ngồi chồm hỗm trong một góc chiếu, ngẩng lên bảo tôi.
- Ngồi vào đi cậu.
Rồi, đưa cặp mắt tròn xoe liếc qua gian phòng, anh hỏi:
- Thanh Dương đâu?
Tôi ngồi xuống, bưng cháo lên ăn vài thìa rồi mới thủng thẳng đáp:
- Chắc là đi dạo phố. Anh ấy thuộc phố xá ở đây hơn tôi.
Vũ Sơn vẫn nhìn chòng chọc vào mặt tôi, văng tục:
- Dạo mát cái con khỉ. Chỉ những thằng điên mới lang thang một mình lúc này.
Tôi chưa kịp đáp, anh ta đã quay sang ông già to béo ngồi bên cạnh, nói lem lém:
- Bác ù ván cuối cùng non quá. Không ai dại gì ù vào lúc đó…
Bác chủ nhà đi tới các mâm, nhẩm đếm số khách ăn, cất tiếng:
- Anh Sơn này, còn anh Thanh Dương chưa thấy về. Thím bắc lại nồi cháo lên bếp than nhá?
Vũ Sơn đáp gọn lỏn:
- Kệ nó thím ạ. Cứ vét hết cho mọi người ăn.
Tới chầu thứ hai, chè đỗ xanh đường cát cũng không thấy nhà thơ xuất hiện. Chúng tôi ăn xong còn ngồi chơi với hai ông bà chủ tới quá nửa đêm mới trở về. Vũ Sơn đạp xe chầm chậm bênt, cái bóng dài nghêu in xuống đường. Lúc đó, tôi mới thấy vai anh gầy và so như vai người nghiện.
- Tại sao cậu im lặng mãi thế Nam?
Đột nhiên, anh cất tiếng hỏi.
Tôi nói:
- Thế anh muốn tôi nói gì?
Vũ Sơn không trả lời. Lúc ấy, đã gần tới nhà anh. Cả hai chúng tôi cùng lặng lẽ đạp xe đến tận cái cổng hẹp và có mái như cổng tam quan. Anh nhảy xuống, nói:
- Sáng mai đến tôi đấy nhé.