PHẦN THỨ HAI
Chương 10

Một lớp học huyên náo. Tiếng cười xen lẫn tiếng nói tục, tiếng huýt còi, tiếng ca hát. Một trò lên ngồi bàn thầy giáo cầm thước đập mạnh và gióng giạc thét:
- Silence!
Tức thì ở khắp trong phòng nhao nhao lên những câu phản đối:
- Về chỗ!
- A vo tre place!...
- Làm bộ gì thế, thằng Hạnh?
Hạnh thét to để cố trùm lấp những tiếng ồn ào:
- Các anh phải biết buồng giấy ông đốc ở ngay bên cạnh.
- Các anh các chị, chứ lị.
Câu trả lời càng gợi những trận cười vang. Giữa lúc ấy, cửa lớp học vụt mở. Ai nấy chạy về chỗ ngồi im tăm tắp. Một vài tiếng cười còn khúc khích, như những pháo xì sau một tràng pháo nổ. Người mới vào hỏi:
- Giờ gì?
- Bẩm, giờ Annamite ạ.
- Ông Lương, phải không?
- Bẩm vâng.
Ông đốc - vì người ấy là giám đốc - mở đồng hồ xem giờ, rồi nhún vai, yên lặng khép cửa bước ra ngoài. Tức thì tiếng cười đùa lại nổi lên, đạn giấy và phấn vụn bay tứ tung. Lần thứ hai cửa mở. Theo liền một tiếng "À" thực dài. Lương thong thả bước lên bực gỗ, ngồi xuống ghế, tháo kính ra lau rồi nhìn bảng mỉm cười:
- Chắc lại tác phẩm của anh Trường.
Dịp cười đủ các giọng cao thấp đáp lại. Lương gắt:
- Im! các anh.
Một cậu học trò ở đáy lớp tiếp luôn:
- Và các chị.
Lương lại thét:
- Im! các anh không biết xấu hổ! Học trò năm thứ hai mà nghịch ngợm, mà thiếu kỷ luật như lũ trẻ con lớp đồng ấu. Các anh...
- Oay!
Tiếng hỗn xược ấy ở đáy lớp đưa lên làm Lương ngừng bặt, thở dài, làu nhàu trong miệng những câu phàn nàn, nguyền rủa.
Rồi chàng mở Kiều ra giảng và cùng học trò dịch sang Pháp văn. Trong khi ấy, ở khắp các bàn thì thầm nói chuyện, nếu không cặm cụi tìm tòi giải một bài tính kỷ hà học hay nắn nót viết bức thư về nhà xin tiền cha mẹ.
Lương cũng biết thế, nhưng chàng để mặc. Ðối với bọn học trò không coi kỷ luật nhà trường vào đâu, thì gào thét có phỏng ích! Chỉ thêm chuốc lấy thù ghét. Ðã có lần chàng xin ông đốc đuổi một người học trò. Nhưng việc ấy không có kết quả gì hết, nên từ đó không những chàng không bàn đuổi ai mà đến những trừng phạt nhẹ chàng cũng không bao giờ dùng đến. Chàng thản nhiên, ngày ngày đến lớp dạy học và làm đủ bổn phận, không hơn, không kém đối với nhà trường và đối với học trò. Nhưng chàng cũng có một cách phạt riêng nếu có thể cho thế là phạt: Gọi một học trò nghịch ngợm hay hỗn xược lên bảng; rồi đọc một câu thực khó, bảo dịch sang chữ Pháp để có dịp tỏ cho hắn biết hết cả cái sức học kém cỏi của hắn. Lớp học sẽ phá lên cười vui vẻ. Vì thế, sợ làm trò cười cho chúng bạn trước mặt mấy nữ học sinh, lắm anh ngồi nghiêm chỉnh vờ chăm chú nghe lời giảng để khỏi bị gọi lên bảng.
Giờ ra chơi, Lương gặp Nga ở hiên gác, lại gần vui vẻ chào hỏi:
- Chị có giờ gì?
- Tập đọc. Còn anh?
Lương mỉm cười:
- Tôi vừa từ địa ngục ra. Hai tiếng giờ Annam ở năm thứ hai của tôi, nếu có ai dạy thay, tôi nhường ngay.
- Còn ai thích được! Những ông mãnh ấy tưởng mình giỏi tiếng mẹ đẻ lắm rồi, chẳng cần học nữa, nên chỉ đến lớp để nô đùa hay làm những việc khác trong giờ tiếng Annam. Thực một nơi địa ngục!
Lương buồn rầu thở dài. Nga an ủi:
- Thôi chịu khó một tí anh ạ, tám giờ tiếng Annam một tháng chẳng ra gì cũng thêm được bảy đồng hai.
Nga nói thế là vì nàng biết Lương nghèo lắm, nghèo đến nỗi không nộp được mấy chục bạc, chàng đã phải bỏ thi cử nhân luật và bỏ luôn cả trường Luật để đi dạy học kiếm ăn. Buổi đầu chàng cậy cục mãi mới được dạy hai giờ một tuần lễ ở một trường tư thục nhỏ với một số lương bảy hào rưỡi một giờ. Cách đó mấy tháng, ông giám đốc một trường lớn nghe thấy học trò tán tụng chàng về môn tiếng Annam liền kéo chàng về trường mình. Nay thì chàng đã kiếm được hơn ba chục một tháng, một số tiền vừa đủ nuôi sống hai anh em (Thiện người em chàng hiện theo học năm thứ tư ở trường chàng dạy).
Ông phủ cha nàng tuy không lấy gì làm giàu lắm, nhưng cũng có một cái gia tài chừng hai vạn bạc. Song cái sản nghiệp ấy đã hoàn toàn bị người dì ghẻ gian ngoan chiếm đoạt. Cha chàng qua đời (mẹ chàng đã mất sớm) chỉ để lại cho chàng mỗi một tòa nhà thờ đồ sộ ở làng mà chàng không thể bán đi được để kiếm cái vốn nhỏ nuôi em ăn học. Câu nói thành thực của Nga khiến chàng nhớ tới cái cảnh bần bách của anh em mình.
Chàng thở dài yên lặng nhìn bầy học trò nhỏ đuổi nhau trong sân trường:
- Chiều nay, mời anh lại chơi nhé!... Anh Căn nhắc anh luôn.
- Thưa chị, chị Căn về quê đã lên chưa?
- Ðã. Cả Hồng cũng ở Hà Nội.
- Thế à?
Má Lương dần dần đỏ, mắt chàng chớp nhanh sau đới kính cận thị. Sự sung sướng làm biến hắn những nét thô trên gương mặt trở nên rạng rỡ. Nga mỉm cười:
- Hồng mới cạo răng. Lại mà xem, Hồng trẻ hắn đi.
Lương làm bộ thản nhiên:
- Chị Hồng già gì mà trẻ hẳn đi được.
Rồi chàng cười thực to để giấu cảm động.
- Chị Hồng hỏi thăm anh đấy, chị nhắc luôn đến anh chàng ném hoa giấy ngày hội Sinh viên.
Lương cúi rạp đầu xuống chào và nói:
- Hân hạnh, hân hạnh.
Nga cười sằng sặc. Lương cho rằng nàng cười vì cái chào tuồng của mình, kỳ thực nàng chỉ cười câu nói dối của nàng, nói dối do lòng thương cũng có, nói dối để nói dối cũng có.
Sự thực, Hồng chẳng để ý đến Lương bao giờ. Hơn thế mỗi lần nghe đọc đến tên Lương, Hồng lại chau mày suy nghĩ, tìm tòi và không nhớ ra là ai, trừ khi trong câu chuyện, Nga đặt theo liền tên cái danh từ "anh chàng ném hoa". Anh chàng ném hoa, Hồng cho ở đời chẳng còn có một thiếu niên nào vô duyên hơn, khả ố hơn, xấu xí hơn. Và đối với chàng Hồng tự nhiên có ác cảm sâu xa.
Lương đang muốn gợi chuyện hỏi thăm Hồng thì có chuông vào lớp. Chàng bảo Nga:
- Thôi chào chị. Chiều nay thế nào tôi cũng xin đến hầu chị.
Nga mỉm cười:
- Chả dám.
Giờ thứ hai của Lương là một giờ tập đọc. Chẳng bao giờ chàng giảng hay bằng lần này ; chàng vừa nhận được nguồn cảm hứng ở hình ảnh người yêu.

*

Buổi chiều, ở lớp học ra, Lương đi xe lại thẳng nhà Căn, thành thử chàng đến trước cả Nga, và phải ngồi ở cửa hàng chờ gần hai mươi phút mới thấy nàng lững thững đi bộ về.
- Chết chửa! Xin lỗi anh nhé! Anh hẹn đến chơi mà tôi quên bẵng đi mất. Nếu nhớ thì đã đi xe về tiếp anh. Với lại, tôi cứ tưởng chị Hảo có nhà.
Rồi Nga mời Lương lên chơi phòng riêng ở trên gác. Gặp Hồng ở đấy, Lương vờ ngạc nhiên:
- Ô kìa, chị Hồng! chị về chơi hôm nào thế?
Hồng lạnh lùng đáp:
- Tôi về chơi hôm qua.
- Nghe nói chị mới có bộ răng ngà đẹp lắm.
Hồng cười mai mỉa:
- Ông vừa mới hỏi tôi về chơi Hà Nội hôm nào, thế mà ông đã biết tôi có bộ răng ngà. Lạ thực!
Lương ngượng nghịu nhìn Nga cầu cứu.
- Ô chào! hai người vặn lý nhau mãi! Mỗi cái Hồng cười đi cho chúng tôi ngắm bộ răng mới xem có xinh không nào!
- Dễ nghe nhỉ!
Hồng hậm hực nói thế. Nhưng dứt lời, nàng phá lên cười liền. Lương ngây người đứng nhìn. Nga bảo chàng:
- Ðó anh coi!
Hồng lườm bạn, vẻ căm tức lộ trên mặt; Nga nói tiếp:
- Nhưng bây giờ thì anh về thôi nhé.
Lương buồn rầu ngơ ngác:
- Chị đuổi tôi đấy à?
- Vâng. Xin lỗi anh, vì chúng tôi phải đi đằng này bây giờ.
- Vậy tôi xin đi ngay.
Sau một cái nhìn đắm đuối, như gửi linh hồn vào người yêu, Lương ngả đầu chào, rồi vội vàng xuống gác.
Hồng bảo Nga:
- Cảm ơn chị... Gớm! sao mà chị chịu được hắn ta
Nga, giọng nói đầy tình thương.
- Anh ấy khổ sở lắm, chị ạ. Mà đối với những người khổ sở thì mình tiếc làm gì mấy lời tử tế. Tôi cho đó là một nhiệm vụ của phụ nữ.
Dứt lời, nàng cười vang, như để làm bớt vẻ trang nghiêm của câu nói hơi đạo mạo.