PHẦN THỨ HAI
Chương 13

Hồng buồn rầu đứng xếp các thức vào cái va ly con: nàng sắp phải về nhà, xin phép đi Hà Nội có bốn ngày mà hôm nay đã là hôm thứ năm rồi. Nghe thấy tiếng lách cách, Nga thức giấc hỏi:
- Chị dậy sớm thế?
- Còn sớm gì nữa! Gần năm giờ rồi.
- Nhưng mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa kia mà!
- Thế à?
Hồng hỏi lại, vớ vẩn, không nghĩ ngợi vì lòng đương lo phiền. Nàng như trông thấy cha cùng dì ghẻ ngồi trước mặt và như nghe thấy rít lên cái giọng mỉa mai của người đàn bà ác nghiệt: "Giời ơi! lại cạo răng trắng nữa cơ đấy!"
- Chị Nga, dậy ngồi nói chuyện cho vui đi!
Nga cười:
- Thì cứ nói chuyện đi. Tôi nằm mà không tiếp được chuyện chị hay sao? Vậy có chuyện gì vui thì kể cho tôi nghe nào! Có phải...
Một tiếng thở dài của Hồng làm Nga ngừng bặt, ngồi nhỏm dậy hỏi:
- Sao thế? Hồng sao thế?
Hồng lãng ngay sang chuyện khác:
- Chết chửa! Mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa mà tôi cứ tưởng sáu giờ mười lăm, thành ra dậy sớm vô ích quá nhỉ?
- Còn những một giờ nữa. Từ đây ra ga mất độ mười phút. Vậy còn kịp pha chè tàu uống đã.
Nga sang buồng anh lấy cái bếp dầu tây, rồi gọi vú già đem ấm nước bắc lên đun. Nàng hơ tay bên ngọn lửa xanh bốc phùn phụt và bảo Hồng:
- Lửa cháy kêu vui nhỉ? Mà ấm quá!
Như không để ý đến lời nói của bạn, Hồng cười hỏi:
- Chị trông hàm răng tôi có chướng không chị?
Nga cũng cười:
- Sao lại chướng! Ðẹp hắn đấy chứ lị! Chị không thấy Lương nó nhìn chị bằng con mắt khen ngợi và cảm ơn đấy ư?
Hồng rầu rầu nét mặt:
- Chị cứ nói bậy!
Nga vẫn cười:
- Lại bậy nữa!
- Cái anh chàng khả ố quá! Sao mà tôi ghét hắn thế!
Nga cười to đến nỗi Căn phải thức giấc ở buồng bên hỏi vọng sang:
- Hai cô có điều gì thú thế?
Nga đáp vội vàng "Không ạ" rồi hạ giọng nói tiếp bảo Hồng:
- Hắn ta gàn thực, chị ạ. Chỉ được cái tốt bụng mà thôi. Tôi nói câu chuyện này, chị đừng giận nhé.
Hồng vẫn ngồi im nhìn ngọn lửa.
- Chị Hồng ạ, Lương nó cứ tưởng... tượng chị yêu nó.
Hồng cau mày gắt:
- Ồ! Chị nói bậy quá!
- Không yêu thì thôi, chứ sao. Người ta chỉ thuật một câu chuyện buồn cười thôi cơ mà... Hai tháng trước, Lương đã ngỏ lời với tôi nhờ ướm hỏi ý chị trước, anh ấy sẽ lo liệu nhờ đến mối manh. Tôi thấy chị chả ưa gì Lương nên bỏ bẵng không nói với chị, nhưng cũng không bảo cho Lương biết. Chị tính, bảo làm gì phải không chị? Cứ để cho người ta hy vọng thì đã sao? Người ta sống về hy vọng, sung sướng về hy vọng thực. Bỗng hôm qua gặp tôi ở trường, Lương ghé tai thì thầm:
"Chị đừng hỏi dò ý tứ chị Hồng nữa."
Hồng ngửng đầu lên, mắt căm tức nhìn bạn, Nga như đọc được ý tưởng của nàng, vội tiếp:
- Không, Lương còn yêu chị như thường...
Hồng gắt:
- Ồ! Chị mới hay chứ!
Nga vẫn trân trân ra cười:
- Ðã bảo chỉ là một câu chuyện vui thôi mà. Vậy cứ ngồi im mà nghe có hơn không... Ðây này! anh Lương anh ấy bảo em anh ấy ghen với chị... Ngộ không?
Hồng đỏ bừng mặt, đôi mày nhíu lại.
- Thì thực thế mà!
Và Nga kể: Hôm Lương tới chơi nhà Căn trở về, gặp em trùm chăn nằm ngủ. Lương hát nghêu ngao, chân dẫm thình thình mà Thiện vẫn nằm lì. Chàng liền kéo chăn mắng:
- Ðồ lười biếng, gần bữa cơm rồi mà hãy còn ngủ được.
Bỗng chàng đứng ngây người nhìn em. Thiện bưng mặt khóc thút thít. Chàng ôn tồn hỏi ba, bốn lần: "Em sao thế?", Thiện vẫn lặng thinh không đáp. Chàng ôm Thiện ngồi dậy âu yếm như một người mẹ:
- Em giận anh phải không?
Thiện nức nở:
- Bây giờ... Anh có nghĩ gì... đến em nữa đâu, anh chỉ nghĩ đến cô Hồng thôi.
Lương vờ hỏi:
- Cô Hồng nào?
- Cô Hồng mà anh khoe với em rằng sắp cưới làm vợ, chứ còn cô Hồng nào nữa.
Thì ra Thiện ghen, Thiện yêu anh như một người con gái yêu tình nhân. Vắng tình mẫu tử, tình huynh đệ đã trở nên mật thiết sâu xa hơn hết mọi thứ tình yêu khác. Lâu nay, Thiện đã quen coi anh là một người bạn, là một người thân độc nhất trên đời, tưởng mất anh thì mình sẽ không có đủ nghị lực và can đảm để sống nữa. Thiện cho rằng Lương yêu người khác, thì chẳng bao lâu, sẽ quên hẳn mình.
Trước Lương còn mắng em gàn dở. Sau cảm động vì tình yêu chân thật và ngây thơ của em, chàng hứa liều rằng khi nào em thành gia thất, chàng mới sẽ nghĩ đến lấy vợ.
Thiện cười gượng bảo Lương:
- Thế thì chả bao giờ anh lấy vợ, vì em nhất định không lấy ai.
Lương cũng cười đáp:
- Em nói thế là vì em chưa gặp người em yêu đấy.
Nga ngừng lại để cười, rồi nói tiếp:
- Anh chàng giữ lời hứa với em, nên hôm qua bảo tôi đừng hỏi dò ý tứ chị nữa, vì anh ấy chưa muốn lấy vợ, mà đối với chị thì anh ấy chỉ có thể yêu như một người vợ đoan chính được thôi.
Hồng không ngắt lời và kháng cự bạn nữa. Nàng ngồi ngây, lắng tai nghe.
Cả hai cùng mải miết vào câu chuyện đến nỗi nước sôi từ bao giờ mà vẫn không biết. Một luồng khói trắng bay phụt qua vòi ấm, cái vung đồng bị nâng lên hạ xuống, rung động kêu lách cách khe khẽ và thỉnh thoảng lại để trào ra tia nước làm cho ngọn lửa bùng lên: một cảnh tượng êm ấm của những buổi sáng mùa đông rét mướt.
Bỗng Hồng vui vẻ bảo Nga:
- Pha nước uống đi?
- Ừ nhỉ, tôi quên bẵng ấm nước.
Hồng vừa nhanh nhảu rót nước vào ấm tra, vừa nói:
- Hai người con trai, hai người con gái có thể yêu nhau được không nhỉ? Tôi thì chưa yêu ai, như anh em anh Lương yêu nhau, kể cả chị Căn và chị, hai người tôi yêu nhất trên đời.
Rồi như nói một mình:
- Yêu nhau đến nỗi ghen với người anh yêu, yêu em đến nỗi... hy sinh ái tình...
Nàng vội tiếp luôn vì biết mình nói hớ:
- Tuy chỉ là ái tình tưởng tượng. Thú nhỉ!
Nga cười:
- Gàn đến thế là cùng! Anh gàn, em gàn... ừ không biết anh chàng căn cứ vào đâu mà cho rằng chị yêu hắn?
Má Hồng ửng đỏ. Nàng cũng cười thắng thắn đáp lại:
- Có lẽ anh ta căn cứ vào lòng tốt của anh ta. Anh ta yên trí rằng mình tốt thì ai ai cũng phải yêu.
Rồi nàng cảm động hỏi lại bạn:
- Hình như chị đã bảo cho tôi biết rằng anh ấy cũng có một người dì ghẻ ác nghiệt.
- Ác nghiệt thì không ác nghiệt, nhưng gian dối, man trá, cướp mất cả gia tài của hai anh em Lương.
Hồng như tò mò muốn biết truyện nhà Lương, hỏi thăm hết điều này, điều khác.
Mãi sáu giờ rưỡi, Nga mới chợt nhớ ra, bảo Hồng:
- Có lẽ gần đến giờ rồi đấy.
Hồng lạnh lùng đáp:
- Không cần về vội, chị ạ. Chiều hôm nay thứ năm chị được nghỉ, tôi ở lại chơi với chị rồi mai về cũng chẳng sao.
Nga vui mừng:
- Thế thì còn nói gì nữa!
Hồng chép miệng:
- Chà! Một liều ba bảy cũng liều! Rồi muốn ra sao thì ra.
Nàng cười gượng đứng dậy xuống nhà nói tiếp:
- Vậy mười một giờ tôi đến trường đón chị nhé?
- Thế thì ngoan lắm rồi.