PHẦN THỨ HAI
Chương 16

Bữa cơm chiều vừa xong. ông phán, bà phán sửa soạn vào phủ đánh tổ tôm. Hôm nay thứ bảy, ông phủ đã cho mời ngay từ sáng để nhận chỗ.
Ra đến cửa, bà phán quay lại ôn tồn bảo Hồng:
- Chị ở nhà nhé.
Hồng vui vẻ đáp lại:
- Vâng. Chúc cô hôm nay phát tài.
Bà phán cười thớ lợ:
- Ừ, nếu cô phát tài thì cô sẽ đãi chị hai mươi phần trăm. Gặp vía chị thì thế nào cũng đỏ. Thôi chị ở nhà dạy các em học ôn đi nhé.
- Vâng.
Ông phán ra đường trước, đứng đợi lâu sốt ruột giục:
- Ði thôi bà! Ðừng để người ta phải cho đến mời lại, bất tiện.
Bà phán đáp vội vàng:
- Vâng tôi đi đây...
Bà quay lại mỉm cười, gật Hồng, rồi mới đi. Cái gật ấy nếu Hồng hiểu thấu, thì nàng đã chẳng hí hửng quay vào vui vẻ trò chuyện với Tý, Thảo, Mùi. Vì thực sự, lòng tử tế của bà phán chỉ là một mưu sâu, cay độc, tàn ác bằng mấy mươi những lời mỉa mai, gièm pha, vu khống mà bà thỏ thẻ bên tai chồng.
Ông phán cũng lấy làm lạ về sự thay đổi tính nết và thái độ của vợ đối với Hồng. Ông ngờ rằng đó chỉ là một thời nghỉ phun lửa của hỏa diệm sơn, mà thời ấy còn dài thì rồi lửa, lúc phung lên, phun càng mạnh. Vì thế, tuy ông thầm sung sướng được thấy cảnh gia đình hòa thuận, ông vẫn áy náy lo sợ vẩn vơ. Ông là một người ích kỷ như phần đông các ông gia trưởng, chỉ muốn được sống trong sự bình an êm thấm. Chứ quả quyết của ông thương con hay bênh vợ! Chí quả quyết của con thì đã tiêu tan gần hết sau bao nhiêu phen đương đầu với cái tính cay nghiệt tự nhiên của vợ và cái tính bướng bỉnh ương gàn của con. Bây giờ ông không dám phân xử một việc gì giữa vợ và con như ngày xưa nữa. Ông chỉ biết mắng át mắng tràn con đi. Mắng là mắng, chẳng cần tìm cớ, chẳng cần phải trái, mắng cho có tiếng mắng, mắng lấy lòng bà phán, mong được bà để cho hưởng chút bình tĩnh.
Trước kia, cũng có lần ông bênh con, bênh không phải vì yêu con mà vì thấy vợ vô lý quá. Nhưng làm thế chẳng ích gì cho ai: Hồng càng bị ghét, nhà càng ầm ĩ, ông càng khổ sở vài nỗi bị vợ dằn vặt suốt ngày đêm. Dần dần ông hiểu tới công hiệu của sự lặng thinh của sự trung lập, để mặc vợ gào thét, và áp chế con, để mặc vợ trong chốc lát, trút hết lòng căm hờn bực tức ra lời nói.
Rồi chẳng bao lâu, ông phán bỏ cái địa vị trung lập mà vào hắn phe vợ. "Ðó là một diệu kế" ông phán tự phụ nghĩ thầm. Mà quả thực, thấy được chồng bênh hay biểu đồng tình, bà phán thường dẹp ngay cơn thịnh nộ.
Lần này ông phán không khỏi kinh ngạc về cử chỉ dịu dàng và ngôn ngữ mềm mại của vợ đối với Hồng trong gần ba tháng. Cử chỉ, ngôn ngữ của một người mẹ thân yêu, âu yếm săn sóc đến con chòng một cách cảm động.
Sự thực thì tính bà phán không thay đổi, và bà ta vẫn ngấm ngầm theo đuổi cái chí làm hại.
Chỉ độ một tuần lễ sau hôm Hồng ở Hà Nội về với hàm răng trắng mới cạo, bà đã khám phá được sự bí mật của nàng: nàng yêu. Khi người ta yêu thì người ta chỉ giấu tình yêu được với những con mắt không lưu ý đến mình. Thế mà bà phán thì không những lưu ý đến Hồng, bà còn xét nét Hồng từng li từng tí. Bà thấy Hồng thỉnh thoảng lại thở dài và có lần cả một buổi chiều đứng tựa cửa sổ nhìn vơ vẩn ra sông. Bà mỉm cười tự nhủ: "Con bé này sắp chết rồi, bà sẽ cho chết hắn".
Ngay hôm sau, bà nói với ông phán sai Hồng đi Hà Nội mua gạc về nấu cao. Hồng sung sướng. Nhưng bà phán còn sung sướng hơn. Chủ tâm bà cho Hồng đi Hà Nội, là cốt Hồng lầm lỡ. Bà nghĩ thầm: "Bọn gái hai mươi tuổi đầu đương khao khát tình yêu, lại bị anh chàng trẻ trai Hà thành tán tỉnh thì làm gì mà không chết?"
Bà ngọt ngào bảo Hồng:
- Cô phải nhờ đến chị giúp việc ấy mới xong. Cô vẫn nói với thầy rằng về việc mua bán thì chả ai ăn đứt được chị.
Hồng im lặng cúi đầu: nàng ngờ rằng dì ghẻ giao phó cho mình một việc khó khăn, để khi mình mua hớ, sẽ có kế mà mắng nhiếc. Nhưng cái sung sướng đi Hà Nội làm cho nàng quên hết các điều lo lắng.
Bà phán phân trần với chồng:
- Không phải tôi nói thế để lấy lòng chị ấy đâu. Ông có nhớ hồi năm ngoái chị mua mấy chỉ sâm Hoa Kỳ không? Thực tôi chưa thấy chỉ sâm nào tốt như thế.
Rồi quay lại bảo Hồng:
- Chị cứ chọn cho cẩn thận, có cần phải ở lại Hà Nội vài ba ngày cũng được.
Bà cười nói tiếp, giọng nũng nịu:
- Có phải không thầy? Chị ấy có ở lại Hà Nội ba, bốn hôm thầy cũng đừng mắng chị ấy nhé? Nhé?
Ông phán cười:
- Vâng, cô ấy muốn ở Hà Nội đến bao giờ cũng mặc cô ấy. Cô ấy về nhà thì cô ấy làm được trò trống gì.
Bà phán ghé gần tai Hồng thì thầm, thân mật:
- Ðấy nhé! tôi xin phép thầy được cho chị ở lâu trên Hà Nội rồi, đấy nhé. Vậy muốn bao giờ về cũng được... chỉ cần chọn kỹ gạc cho tôi, đừng mua hấp tấp mà phải thứ gạc xấu.
Tuy thế, chuyến ấy Hồng cũng chỉ ở Hà Nội đúng ba hôm. Vì ngay trưa hôm nàng tới Hà Nội Hảo đã đến một hiệu quen mua giúp nàng, rồi thúc giục nàng về, lấy cớ rằng sợ vắng nhà lâu "thầy quở". Cái cớ chính thì lại khác. Hảo thấy Lương và Hồng trò chuyện quá thân mật, đi chơi với nhau quá tự do nên lo sợ cho em. Cả Nga cũng không yên lòng, vì nàng tự coi như đã làm môi giới cho tình yêu của hai người. "Lỡ xảy ra chuyện gì, mình sẽ mang tiếng với chị Hảo". Nàng nghĩ thế, và nàng hết sức giữ gìn bạn, không để bạn đi đâu một mình với Lương.
Hôm Hồng về, Nga và Lương tiễn nàng ra tận ga. Hồng định đi ô tô hàng, nhưng Lương vừa khuyên nàng đi xe hỏa thì nàng nghe theo ngay. Nàng nghe theo để khỏi phải trái ý Lương, chứ nàng không cần hiểu rõ tại sao Lương lại khuyên nàng đi xe hỏa. Thực ra Lương không muốn trông thấy nàng chen chúc cùng những người đàn ông trong chiếc xe hàng xếp chặt như nêm. Vả lại chàng cho rằng tiễn biệt nhau ở sân ga vẫn có vẻ thân mật hơn: người đi sẽ ghi nhớ mãi mãi cái hình ảnh người ở lại đứng vẫy trong khi xe từ từ rời khỏi ga.
Giọt nước mắt đầu tiên của hai người.
Hồng về tới nhà, dì ghẻ mừng cuống cuồng. Hồng tưởng chừng bà muốn ôm lấy mình mà hôn. Bà không tiếc lời khen:
- Tôi đã bảo mà, giao cho chị việc ấy thì phải biết. Giá đã rẻ, gạc lại tốt.
Kỳ thực, bà thừa biết rằng chính tay Hảo đã chọn và mua giúp. Bà nghĩ thầm: "Chứ ngữ này thì có ăn!" Ông phán đương ngủ trưa, bà đánh thức dậy để xem gạc và để nghe những lời khen của bà.
Hai tuần lễ sau, bà nhờ Hồng lên Hà Nội lần thứ ba mua "xa tanh". Rồi cứ cách ít lâu, bà lại tìm ra thức cần phải sắm để sai Hồng đi Hà Nội. Và bà vui mừng thấy cái mưu kế của mình sâu sắc. Bà tưởng tượng Hồng ra con chuột nhắt bình tĩnh, không ngờ vực tiến vào trong cái bẫy bà đã đặt sẵn ở một xó tối.
Nhưng Hảo lờ mờ đoán thấy cái bẫy ấy. Hơn thế, nàng sợ cả cái bẫy mầu nhiệm mà tạo hóa giương rộng để bẫy những trai gái yêu nhau.
Nàng liền bàn với Nga để tìm cách cứu em. Nàng bảo Nga: "Một là chia rẽ hai người ra, hai là giúp cho họ lấy nhau ngay". Nga cho điều thứ nhất hơi khó thi hành, tuy nàng thực bụng không muốn để cho Hồng lấy cái anh chàng vừa nghèo vừa xấu xí kia mà nàng không ưa. Nàng vẫn khuyên khéo bạn đừng yêu Lương mà uổng đời thanh niên. Hơn thế nàng thường đem mối tình vô lý của Hồng ra chế giễu. Nàng bảo Hồng: "Lòng trắc ẩn là một, mà lòng thương yêu là một không nên lẫn cái nọ với cái kia. Nếu mình yêu người mà mình thương hại, thời khi nào mình không thương hại nữa, tình yêu sẽ không còn: lúc ấy, mình sẽ khổ sở phải sống đời ở kiếp với người mà mình tưởng hoàn toàn đáng yêu, kỳ thực chỉ hoàn toàn vô vị". Nghe bạn nói, Hồng gượng cười và khen cái triết lý cao siêu của bạn.
Còn điều thứ hai thì dễ dàng lắm. Chỉ việc bảo Lương đến hỏi Hồng, rồi vợ chồng Căn nói giúp vào. Hay muốn chóng thành công, Hảo sẽ đứng ra làm mối Hồng cho Lương. Còn gì giản dị hơn! Còn khó khăn gì nữa mà phải bàn định.
Hảo và Nga tưởng thế là vì chưa kịp nghĩ đến, chưa kịp nhớ đến lòng nham hiểm của người dì ghẻ đã giương bẫy và ngồi chờ xem con chuột kia bị tan xác, bà ta không thể nào lại để con chuột ấy đứng ung dung mà ngậm miếng thịt buộc ở trong bẫy. Bởi vậy, bà cố giấu lòng căm tức khi được ông phán cho xem bức thơ của Hảo gởi và giới thiệu Lương và ngỏ ý muốn làm mối Hồng cho chàng. Bà tươi cười bảo chồng:
- Gả bán thì cũng phải biết người biết mặt đã chứ, làm gì mà ông vội vàng cuống quít lên thế?
Sự thực, ông phán chẳng hề vội vàng cuống quít, ông chỉ trình bày mà ông không dám quyết định.
Bà phán nuốt sự căm tức theo nước chè tàu. Chẳng lẽ cái mưu của bà bị phá? Chẳng lẽ định làm hại lại hóa ra làm ơn? Người phá cái mưu sâu của bà chỉ có thể là Hảo, là "cái con trời đánh" ấy mà bà vừa ghét và sợ. "Phải rồi nếu không có nó giữ gìn, thì em nó làm gì mà không..." Bà không nghĩ hết câu. Trong mấy tháng bà vẫn để ý ngắm nghía cái bụng của Hồng, và buồn rầu không thấy sự thay đổi.
"Ðược rồi!"
Ý nghĩ của bà bật lên lời nói. ông phán hỏi:
- Cái gì? Bà bảo được rồi cái gì thế?
Bà phán nới chữa:
- Ðược để xem sao đã. Nếu nên gả thì gả quách.
Ý nghĩ thực của bà chỉ là một sự dọa nạt.
" - Ðược rồi? Tao sẽ cho mày biết tay tao?"
Ngay buổi chiều bà thì thầm mật sai Thảo dọ thám Hồng và hết sức làm thế nào lấy cắp được vài bức thư của tình nhân Hồng. Công việc ấy, hôm nay, trước khi vào phủ đánh tổ tôm, bà đã thầm dặn lại Thảo một lần nữa.