PHẦN THỨ BA
Chương 18

Nhận được thư của bà phủ, bà đốc đi ngay. Bà thừa hiểu bà phủ tìm về việc gì.
Ở một thành phố nhỏ như Ninh Giang, được biết trước mọi người một chuyện quan trọng vừa xảy ra là một điều tự hào của các bà vô công rỗi nghề ngồi chờ những sự thay đổi. Xem báo gặp một tin về hạt Ninh Giang, dù chỉ là một tin rất tầm thường, các bà ấy cũng vui thích, sung sướng, cảm động. Rồi người nọ đến nhà người kia để khoe nhau, tay cầm tờ nhật trình trỏ vào những giòng chữ đã gạch nét chì xanh, đỏ. Họ bàn tán mãi về việc chiếm lấy thời nhàn nhã của họ. Những người đại lý các báo ở Ninh Giang hiểu cái tâm lý đó – mà ai không hiểu - nên ra công tìm kiếm nhặt nhạnh tin tức gửi về Hà Nội. Không có tin tức thì bịa đặt ra, phỏng đã hại gì: đó cũng là cách làm hoạt động biết bao đời buồn tẻ.
Vì thế, một dạo vào khoảng sáu tháng trước, cả Ninh Giang đã nhao nhao lên vui sướng về câu chuyện đăng báo: "Cô H. lãng mạn". Cô H... ai cũng đoán biết Hồng. Tác giả dùng chữ bóng bẩy, hoa mỹ để tả cái nhan sắc "nhạn sa, cá nhảy, nghiêng nước, nghiêng thành của cô, khiến chính Hồng đọc tới cũng không khỏi mỉm cười.
Hồi ấy, sau bao nhiêu lời mắng nhiếc của bà phán, sau bao nhiêu bức thư van xin cha của Hảo, ông phán ưng cho phép Lương về chơi để xem mặt. ông muốn gả quách cho Hồng đi trước là để được êm cửa êm nhà, sau là để tránh những biến cố mà ông chắc chắn sẽ xảy ra. Cái tính nết bướng bỉnh, liều lĩnh của Hồng sẽ rất dễ đưa nàng đến... chỗ đó. ông không dám nghĩ đến chữ "phá thân", để chữ "trụy lạc", nhưng ông nhớ tới những chuyện tình mà ông đã được nghe ở xóm hồng lâu: biết bao con gái tử tế trở nên đào rượu chỉ vì không chịu nổi dì ghẻ ác nghiệt phải bỏ nhà trốn đi. Ðiều đó ông rất lo cho Hồng. Ông biết Hồng có thể liều đến bực ấy. Chi bằng nhân dịp có thể gả chồng ngay cho Hồng được thì gả phắt đi.
Vả lại gả Hồng cho người Hồng yêu thì sau này Hồng sẽ sung sướng. Tuy ông phán không tha thiết săn sóc đến tương lai con, tuy ông không thương yêu gì con, nhưng chẳng phải khó nhọc, tìm kiếm, nghĩ ngợi mà gây dựng được gia thất cho con, ông cho đó là một cơ hội may mắn.
Dẫu sao, mục đích muốn gả chồng cho con, cái mục đích sâu xa mà ông phán không dám tự thú, mà ông không dám thành thực, can đảm nghĩ tới, vẫn là sự yên ổn gia đình. Xưa kia, khi Hồng còn nhỏ, Hảo đã làm cho ông khổ sở về nỗi không chịu phục tòng dì ghẻ.
Hảo đi lấy chồng xa, ông như trút được khối nặng trên lòng. Nay lại đến lượt Hồng. Thật số ông là số vất vả vì gia đình.
Ông loay hoay mấy ngày đêm để tìm cách, để lập mẹo gả chồng cho con. ông biết bà phán sẽ cản trở việc hôn nhân của Hồng như mấy lần trước, nếu bà không ưng thuận. Vậy cần nhất là làm sao cho bà ưng thuận.
Một hôm ông đánh bạo gợi đến việc khó khăn ấy, sau khi đã khôn khéo nói xấu người vợ qua đời.
- Con Hồng nó giống mẹ nó đấy. Ðã dở hơi dở hám chả biết gì lại còn làm bộ làm tịch.
Bà phán im lặng mỉm cười. ông phán nhìn vợ thở dài nói tiếp:
- Không biết bao giờ mới tống được nó đi cho khuất mắt.
Bà phán vờ không hiểu:
- Việc gì lại tống cổ cô quý tử đi? Mà tống cổ sao được! Tống cổ nó, nó kiện cho ngồi tù ấy à?
Không thấy chồng đáp, bà lại nói tiếp:
- Ông không nhớ ngày nào nó giở luật ra nó bảo tôi rằng: nó con ông thì nó có quyền ở cái nhà này, không ai đuổi được nó đi đâu.
Ông phán cố giữ cái chau mày, trả lời:
- Thì ai đuổi nó! Tôi nói tống là gả chồng ấy kia chứ.
Bà phán phì cười:
- Gả chồng! gả chồng dễ nhỉ! Ông tính câu chuyện... bậy bạ của nó đã tung tóe ra như thế, còn ai người ta thèm.
Thấy chồng buồn rầu thở dài bà đổi giọng liền - đổi giọng không phải vì thương hại hay sợ hãi chồng, nhưng vì muốn chồng thực hiểu theo những ý tưởng bà bắt hiểu:
- Với lại cũng phải tùy chị ấy chứ!
Bà cười nói tiếp:
- Còn phải xem chị ấy có bằng lòng không đã chứ. Ðấy, ông coi chị ấy có bằng lòng ai đâu ai chị ấy cũng chê, cũng chối đây đẩy. Tôi không nói thằng cháu tôi làm gì... ông giáo gì này... ông phán gì này... anh gì nữa này, cái anh con quan phủ Ðông ấy, nó có bằng lòng ai đâu!
Ông phán thở dài. Bà phán gắt:
- Thì đấy, con ông, ông cố mà gả chồng cho nó. Việc gì mà ông phải thở ngắn thở dài? Ông làm như tôi ngăn đón nó không cho nó lấy chồng!
Rồi bà quay đi nói một mình: "Có đem mà gả cho voi! cho voi nó giầy!... Tưởng hãy còn trinh tiết lắm đấy! hãy còn sạch sẽ lắm đấy?"
Ông phán đã nghĩ kỹ về phương pháp đối phó với vợ. Ông đã xếp sẵn một câu chuyện để đem ra kể cho vợ nghe. Lần thứ ba ông thở dài rất não nuột rồi ghé gần lại vợ, hạ giọng nói:
- Bà ạ, tôi nghĩ đến danh giá tôi, danh giá bà...
Bà phán lớn tiếng ngắt lời:
- Có danh giá đến ông, chứ tôi, thì can dự gì đến tôi!
- Thì bà hãy để tôi nói đã nào. Phải, chỉ vì tôi nghĩ đến danh giá chúng mình ở nơi tỉnh nhỏ này, chứ nói thì tôi ghét dơ, chả muốn nói đến làm gì. Hôm qua đến tòa nghe thấy ông ký Xương với người loong toong họ bình phẩm chuyện con Hồng chẳng ra làm sao. Mà
họ quy lỗi cả vào tôi... với bà không biết dạy con để nó bậy bạ... Họ cho là vì bà quá nuông con...
Kể thì ông phán bịa đặt rất vô lý, vì một câu chuyện dài dòng như thế, ông nghe sao được rành rọt từ đầu tới cuối? Nhưng được phỉnh bà phán sung sướng không còn dịp nghĩ ngợi gì nữa. Bà ngắt lời chồng:
- Ấy ông ạ, ngoài người ta vẫn cho là tôi quá nuông nó. Cả bà đốc, bà phủ cũng bảo thế Kể thì tôi chỉ phải cái hay nói thẳng thôi, chứ thực ra tôi vẫn nuông chiều nó.
Ông phán lại đệm thêm một câu:
- Thì chính vì thế nó mới hư.
Bà phán vờ giận:
- Vậy ra ông qui oán, qui tội cả vào tôi đấy. Nuông nó thì người ta bảo... nuông nó, mà có dạy bảo, mắng mỏ nó thì người ta lại bảo ác nghiệt với nó. Còn biết làm thế nào cho vừa lòng thiên hạ?
Biết rằng tính tình vợ đối với Hồng đã dịu hơn trước nhiều, ông phán liền bàn thẳng tới việc hôn nhân của con:
- Tôi tưởng chỉ có cách này là cứu vớt được danh dự...
- Cách nào?
- Gả quách con bé cho thằng... thằng Lương, cái thằng viết thư cho nó ấy mà.
Ông phán ngừng lại nhìn vợ, rồi nói tiếp:
- Bà cứ đứng ra gây dựng việc hôn nhân cho hai đứa.
Vì thói quen bà phán nghĩ ngay tới những điều ngoắt ngạo, giả dối, che đậy, tuy bà thấy bà vụt biến thành một người khác thường, một ân nhân của những kẻ xưa nay vẫn thù ghét bà. Bà ngập ngừng se sẽ bảo chồng:
- Thế cũng được. Ðể tôi xem... Nhưng ông cứ giả vờ không bằng lòng... Ông làm như nếu không có tôi thì thế nào việc cũng không xong... Nghĩa là chỉ có tôi ưng thuận cho hai đứa lấy nhau.
Ông phán vội mừng:
- Ðược. Phải đấy.
Sợ chồng ngờ vực, bà phán nói chữa:
- Không phải là tôi muốn mua ơn mua huệ gì với chúng nó. Tôi chỉ cốt chúng nó hiểu rằng không phải tôi có ghét gì chúng nó mà thôi.
Giá lúc bấy giờ Lương và Hồng cũng có mặt ở đấy thì có lẽ bà phán cho phép hai người lấy nhau ngay. Bà sốt sắng muốn làm một việc mà bà chợt nhận thấy rất nên làm nhất bà lại đương bị lòng tự ái, bị những tính tình giả dối huyễn hoặc, những tính tình vụt có và, trong một thời gian dài hay ngắn, khiến ta thành một người khác hắn ta.
Nhưng một đêm, chỉ một đêm suy xét điều hơn lẽ thiệt, lại đưa ta trở về những tính tình cũ những tính tình thực của ta.
Ðêm hôm ấy, bà phán không ngủ được. Bà trằn trọc, hối hận rằng đã quá nhẹ dạ, để đến nỗi bị ông phán lừa vào tròng. Bà nghĩ thầm: "Rõ mình thực thà quá, tự nhiên đi giúp cho chúng nó lấy nhau... Không, lấy đứa nào thì lấy, chứ không thể lấy thằng ấy được?"
Nhưng đã trót hứa lời thì bà phải giữ lời. Luôn mấy hôm bà bàn định với chồng về việc hôn nhân của Hồng. Rồi tuần lễ sau bà thúc dục ông phán viết thư bảo vợ chồng Căn mời Lương về chơi để xem mặt.
Trưa chủ nhật, Lương cùng Căn về Ninh Giang.
Lúc ấy nhà đương có khách đánh tổ tôm. Vừa thấy mặt Lương, bà phán rú lên cười. Rồi bà bảo bà đốc và nói to để ai nấy đều nghe rõ:
- Người với ngợm! Tưởng thế nào! Trời ơi! thế mà con tôi...
Bà làm như lỡ lời, dừng ngay lại, rồi quay sang hỏi bà phủ:
- Bà lớn không xơi ngũ vạn!
Lương đã hiểu. Chàng cho rằng nếu Hồng thuận lấy chàng là vì thương hại chứ không phải tình yêu. Lòng tự ái và tự trọng làm cho chàng chán ghét hết mọi sự, chán ghét cả Hồng mà chàng thấy tầm thường trong một gia đình tầm thường.
Thế là bà phán lại một lần nữa đắc thắng.
Nhưng Hồng hiểu. Nàng hiểu rằng tương lai của nàng đương bị lung lay vì sự thâm độc của dì ghẻ. Nàng vội viết cho Lương một bức thư dài tới tám trang giấy lớn, kể hết tình cảnh của mình, và cái tâm địa có một không hai của người dì ghẻ. Nàng nhận được thư đáp của Lương, trong thư Lương hứa sẽ cố ở được xứng đáng với ái tình thành thực của Hồng.
Thế rồi, bẵng hai tháng không nhận được tin tức của Lương. Buồn rầu, sốt ruột, Hồng không xin phép, bỏ đi Hà Nội. Hai hôm sau trở về nàng bị một trận đòn đau. ông phán vừa đánh vừa tra khảo ầm ý:
- Mày đã bậy bạ với nó rồi, phải không?
Hồng không đáp, khiến ông càng ngờ và giơ roi vụt càng mạnh. Chính Hồng cố ý để cha ngờ vực, vì nàng cho may ra nhờ thế mà ông phán bằng lòng gả mình cho người yêu.
Nàng chỉ tưởng tới một điều: thoát ly gia đình, dù có phải hy sinh danh dự cũng cam. Huống hồ lại chỉ hy sinh danh dự cho người mình yêu?
Ngày thứ bảy, trên bào Trung Bắc, đăng bài "cô H lãng mạn, cô H tự do đi lại... với trai".
Từ đó Hồng như người mất linh hồn. Ngày ăn xong hai bữa, ngồi thừ người nghĩ ngợi, hay lên phiên gác đứng hằng giờ nhìn những thuyền buồm nâu qua lại trên sông Tranh.
Buổi tối, tiếng còi tàu thúc giục, tiếng rao bánh giầy bánh giò lanh lảnh, tiếng cười nói, gọi nhau om sòm của hành khách, tiếng khuân vác huỳnh huỵch của bọn phu gạo tải hàng, lên tàu hay xuống bến. Rồi tàu đi, đèn báo hiệu từ từ xa dần. Rải rác, nhấp nhô những tia
lửa thuyền nằm ngủ trên dòng nước đen. Và róc rách vỗ mạnh vào bờ những làn sóng mà guồng máy tàu đẩy lại.
Hồng nhìn theo, nước mắt ứa ra ướt má.
Rồi độ nửa giờ sau, chiếc tàu khác lại tới và trong một lúc lại làm huyên áo cái bến yên lặng. Hồng mong mỏi vẩn vơ tưởng như những tàu ấy có thể đem đến trong lòng nàng một chút hy vọng về tình duyên.
Mùa nước to, dòng sông réo ầm ầm, dữ dội. Có lần nàng nhớ tới câu chuyện thần sông Tranh cướp vợ ông phủ Ninh Giang. Nàng không tin có chuyện hoang đường ấy, nhưng tự nhiên nàng cũng rùng mình ghê sợ. Ðêm đó, nàng chiêm bao thấy thần Tranh hiện lên với
bộ mặt hung tợn như mặt tượng Hộ pháp ở chùa. Giật mình thức dậy, nàng khúc khích cười thầm, rồi buồn rầu tự nhủ: "Giá Lương đến đem mình đi".
Cái ý tưởng lãng mạn ấy vấn vương mãi trong tâm tư Hồng. Và một lần Hồng đã viết cho Lương một bức thư rất nồng nàn, để báo cho tình nhân biết rằng nàng sẽ trốn nhà đi theo chàng. Nhưng thư ấy, trong lúc thân hành đem bỏ tại nhà bưu chính, Hồng lại xé vứt
đi mình như nàng còn đương đo đắn, suy xét, chưa dám quả quyết.
Trong khi ấy người dì ghẻ, biết nàng có lợi, càng mắng nhiếc, khinh bỉ, hành hạ nàng hơn trước. Nàng mặc kệ, chằng nói lại, cãi lại, hay phàn nàn nửa câu. Có lần đứng nghe những lời dạy bảo nhiêm nghị của cha, nàng dựa vào khe cửa thiu thiu ngủ. Nàng như không cần gì, không biết gì nữa, không thèm cho sự gì ở đời là quan trọng nữa. Thấy thế ông phán lại tức giận và đánh đập nàng, nhưng ông đánh đập một cái xác không hồn: Hồng không kêu khóc, không van xin, hai con mắt thản nhiên lãnh đạm.
Bỗng chiều hôm trước, Hồng vụt khác hắn, đổi hắn thái độ. Như vừa có một luồng điện mạnh chạy trong mạch máu nàng, làm cho nàng trở nên điên cuồng. Ăn cơm xong, bà phán gọi bảo người nhà khiêng bàn, ghế mây ra hè đường để ngồi hóng mát, vì tuy đã gần hết tháng chín mà tiết trời vẫn còn oi nồng như đương mùa hè. Hồng đi qua, nghe thấy trả lời lại rất hỗn: 'Tôi không phải đầy tớ cô mà cô sai được tôi". Thế là hai người cùng lớn tiếng. Hồng nói những câu mà một lát sau bình tĩnh ngồi nhớ lại, nàng cũng phải cho là quá láo
xược. May cho Hồng, ông phán vắng nhà, nếu không, nàng đã bị một trận đòn.
Nửa đêm ông phán về, bà phán thuật lại tấn kịch xảy ra bằng những lời tức giận và dằn vặt. Hồng vẫn thức và nghe hết câu chuyện om sòm của cha và dì ghẻ. Sau cùng ông phán bảo vợ: "Ðược, để mai tôi tống cổ nó ra khỏi cái nhà này. Tôi chằng bố con gì với nó
nữa. Nó bêu xấu hổ tôi nhiều lắm rồi?"
Hồng nằm cắn mạnh răng lên môi dưới, nghĩ thầm: "Thầy không cần phải tống cổ. Mai con xin từ giã cái nhà này".
Quả thực sáng hôm sau, Hồng viết mấy chữ lại cho cha, nói sẽ không bao giờ trở về nhà nữa, rồi lẻn ra đi chuyến ô tô năm giờ, lên Hà Nội.