PHẦN THỨ NHẤT
Chương 4

Ý tưởng ngộ nghĩnh, nhỏ nhen ấy làm Hồng bật cười lên tiếng.
- Chị cười gì thế?
Nghe bạn hỏi, Hồng mới nhớ rằng mình nằm ở nhà anh chị. Nàng đương mải mơ màng sống với cả một thời dĩ vãng.
- Không, chị ạ... tôi mê ngủ.
Nga cũng cười vui vẻ bảo bạn:
- Mê ngủ gì lại mê ngủ cười được! Tôi mà động mê ngủ, động chiêm bao, thì toàn gặp những sự khiếp sợ, nên chỉ kêu rú lên... Chẳng hạn gặp hổ đói, gặp người bắt nạt...
Hồng buột miệng ngắt lời:
- Mộng thấy bị bắt nạt còn dễ chịu hơn bị bắt nạt thực.
Nàng vội nói lảng:
- Chị chưa ngủ à?
- Không, tôi vừa thức giấc.
- Vì tôi cười phải không?
- Không, quen lệ như thế, hôm nào cũng cứ năm giờ là tôi dậy, cho dẫu đêm hôm trước thức khuya tới một, hai giờ sáng. Vì vậy tôi thường đi ngủ sớm.
Hồng thở dài:
- Chị sung sướng thật! Ngủ sớm, dậy sớm! Ước gì tôi được như chị!
Nga thương hại, phàn nàn:
- Chị bận công việc đến thế à?
- Không tôi chỉ bận nghĩ. Có khí thức suốt đêm để nghĩ vơ vẩn.
Thực vậy, không những sự buồn phiền lo lắng làm cho Hồng nhiều đêm không ngủ được mà có khi vì những sự sung sướng không đâu, nàng cũng rạo rực, băn khoăn trong hàng giờ. Nàng như cái máy mà những kích thích ở ngoài làm rung động và sai lạc, nên chạy một cách thất thường, khi mau quá, khi chậm quá. Nàng nhớ một lần bên nhà chồng chưa cưới của nàng cho đem đến tết nhà nàng những lễ vật hậu hĩ quá, khiến người dì ghẻ tức chảy nước mắt. Ðêm hôm ấy là một đêm đông rét buốt đến xương, thế mà nàng ngồi thâu canh bên ngọn đèn dầu tù mù để đan xong cái áo "len" cho em. Nàng sung sướng quá, không nghĩ đến ngủ nữa, sung sướng không phải vì thấy cái lễ sêu long trọng, mà vì thấy cái lễ sêu long trọng ấy đã làm cho dì ghẻ bỏ mất bữa cơm chiều.
- Dậy đi!
Hồng vội kêu:
- Dậy! Điên à! Ðương đêm dậy làm gì?
Nga cười:
- Ðương đêm! Bây giờ còn đương đêm! Ðây này!
Nàng giơ cổ tay dí vào gần mắt bạn nói tiếp:
- Có trông thấy mấy giờ không?
- Tối mò mò, chẳng thấy gì cả.
- Mắt với mũi! Ðồng hồ dạ quang của người ta lại! Năm giờ kém năm rồi. Ánh mặt trời kia kìa.
Thực vậy, đã hiện ra một khoảng sáng mờ ở một góc đình màn vải tây màu đỏ, và cánh màn the màu hồng đào dần dần rõ ra trong cái phòng nhỏ hẹp.
- Hừ! Chả còn mấy tháng nữa chị Hồng đã nằm trong chiếc màn the hồng mới. Hồng, hồng hay nhỉ!
Nga khoái chí, cười khanh khách. Hồng giọng mỉa mai, hỏi lại:
- Chị thích lấy chồng lắm hay sao?
Nga cười to:
- Rõ khéo! mình thích lấy chồng lại còn đổ vấy cho người ta.
Rồi Nga kể cho Hồng nghe cái mộng tương lai: Nàng đương chờ bổ giáo học. Nàng sẽ tự do sống cái đời khoáng đãng của nàng, sẽ dạy dỗ, dìu dắt đàn em, sẽ không cần nhờ vả đến ai hết, và chẳng để ai làm phiền lụy tới mình.
Hồng buồn rầu, ngắt lời bạn:
- Phải, một đời thoát ly! Ðã bao năm tôi mơ màng cái đời ấy. Bây giờ thành hão huyền cả!
- Hão huyền là tại chị không quả quyết. Sao đương học chị lại bỏ về nhà! Tại chị đấy chứ!
Hồng thở dài:
- Tại tôi! Giá chị cũng có một người dì ghẻ như tôi.
Nga vội xin lỗi bạn, và an ủi bằng những lời thành thực.
Rồi hai người lại vui vẻ chuyện trò, cùng nhau ôn lại cái thời kỳ sung sướng theo học ở trường Nữ sư phạm. Mãi lúc ánh sáng chiếu qua các khe cửa chớp, nhuộm hồng cái mái ngói mỏng và thấp, Nga mới giục Hồng dậy để xuống nhà rửa mặt. Các vật trong gian phòng đã hiện ra bề bộn. Trên cái bàn sơn quang dầu màu đỏ kệch, mấy cái độn tóc để lòa xòa bên chiếc dĩa tây đựng bốn cái chén bạch định cáu chè, và cái giỏ ấm bằng mây cũ bóng. Dưới gầm bàn một cái xe rút của trẻ con nằm ngửa cạnh đôi guốc đứt quai. Ở một góc, dưới cái mắc nặng trĩu những áo đen và áo hàng mần, một cái va ly hé nắp để lộ ra những vật trăng trắng. Và trên trốc hai cái hòm da đặt chồng lên nhau, cái thúng khâu đựng đầy giẻ vụn đủ các màu, và một cuộn len đỏ mối sợi rơi lòng thòng xuống sàn gác.
Nga đứng nhìn quanh một vòng rồi ngượng ngùng bảo bạn:
- Cái buồng này trước kia là buồng các cháu. Từ hôm tôi lên Hà Nội, chị Căn mới đưa cháu xuống nhà để nhường cho tôi.
Hồng vừa với cái độn tóc vừa nói:
- Cái nhà trước sao anh chị lại không thuê nữa? Rộng hơn nhà này nhiều, chứ?
Nghe câu hỏi, Nga buồn rầu khẽ đáp:
- Chị tính, lương tháng có bảy chục bạc không buôn bán thêm vào sao đủ nuôi hai vợ chồng với bốn con. Cái nhà này chật chội, nhưng tiện chỗ buôn bán. Với lại trước, vì có chúng mình, anh chị mới cần thuê cái nhà rộng rãi mát mẻ.
Hồng cảm động nghĩ đến lòng tất của anh chị đối với Nga và mình. Và trong khoảng mấy phút nàng nhớ lại cả một thời học tập vui vẻ, sung sướng.
Nàng như trông thấy ánh sáng chói lọi cái nhà gác chia làm hai ngăn thuê chung với một bọn học sinh trường Bảo hộ, con một gia đình giàu sang. Phía trước một lối đi lát sỏi, ở giữa hai mảnh vườn vuông nhỏ trồng táp nham nào vạn thọ, nào tóc tiên, nào mào gà. Trong đó có lẫn cả một cây cam không bao giờ nẩy quả và một cây lựu mỗi năm nở một hai bông hoa gầy yếu. Giáp tường và rất đối nhau, hai cây đu đủ cao gần tới nóc nhà. Cây về bên nhà anh chị phán Căn là một cây đu đủ cái, quả mọc đầy chi chít và to béo. Còn cây về bên kia là một cây đực với lòng thòng nở đầu những cuống thực dài lơ thơ vài quả nhỏ không bao giờ chín.
Biết bao chuyện đùa nghịch trẻ thơ ở chung quanh hai cây đu đủ ấy, khiến nay nhớ tới, Hồng không khỏi tiếc cái đời học sinh tự do của mình.
Thời ấy Nga và nàng mới mười lăm tuổi. ở bên láng giềng, bọn học trò con trai cũng suýt soát tuổi ấy. Chiều chiều, hai chị em ra hiên tì lan can nói chuyện, thì bên kia, ba bốn anh cũng ra hiên nô cười, hoặc bá cổ nhau vật, hoặc nhảy lên ngồi trên tường hoa, cúi nhìn vườn mà bô bô bàn luận văn chương như cốt để hai cô nữ học sinh nghe tiếng.
Rồi thế nào, rút cục, hai bên cũng đem cây đu đủ của nhau ra chế giễu, bên có cây cái chê cây đực là cây vô tích sự; bên này chê lại bên kia rằng đem quả chơi cảnh về mà kho tương. Nhưng sự tinh nghịch khó chịu nhất của bọn con trai là hễ cây đu đủ của hai cô nữ học sinh có một hai quả ương ương thì thế nào chờ đêm khuya họ cũng trèo lên lấy cho bằng được. Rồi chiều hôm sau, trước mặt hai cô họ khoe khoang với nhau những tính chất ngon thơm và bổ của các loài đu đủ.
Ðằng sau nhà là hai cái sân đất cát dài cách nhau một bức tường thấp. Người ta đồn rằng vùng ấy xưa kia là bãi tha ma, sở đốc lý bắt dời hài cốt đi nơi khác để mở đường phố, vì thế thỉnh thoảng còn đào được xương người, hoặc một cái xương ống tay, ống chân hoặc một cái xương sọ hay quai hàm.
Bọn học trò quỷ quái lợi dụng ngay tin đồn ấy để dọa Hồng và Nga, bịa đặt ra rằng có khi đào được cả bím tóc của người Tàu. Hai cô sợ xanh mặt, tối đến không dám xuống sân nữa.
Một hôm đi học về, hai cô nhận được một gói người ta vừa gửi đến. Mở ra xem hai cô tái mặt và thét vang nhà, vì trong gói có một cái bím tóc và một bức thư: "Chúng tôi lại vừa đào được một cái bím nữa, xin biếu hai cô dùng làm độn tóc".
Cái tuổi không lo nghĩ ấy mới dễ tin sao! Hồng chẳng ngờ vực một chút nào, khi nghe Ðiển thuật những câu chuyện gặp ma. Chẳng hạn Ðiển nói đêm khuya xuống sân sau chơi mát bị một thằng bé trần truồng vào khoảng ba bốn tuổi ôm chặt lấy chân, đạp nó ra, nó lại sán đến liền...
Nay nghĩ tới câu chuyện vô lý ấy, Hồng không thể nhịn cười được. Thất nhiên, nàng hỏi Nga:
- Chị còn nhớ Ðiển không?
- Cái thằng quỷ sứ ấy, ai mà quên được! Không biết bây giờ nó làm gì?
Hồng cười:
- Những chuyện ma quỷ hoang đường của nó sao ngày ấy chúng mình cũng tin nhỉ? Chị có nhớ câu chuyện ma Khách ôm chân không?
Hai người cùng phá lên cười, khiến Căn phải thức giấc và ú ớ:
- Các cô thích chí điều gì thế?
Hồng cũng tỉnh giấc mộng xưa.
Kế tiếp những ngày quang đãng ấy, Hồng đã sống biết bao ngày ủ dột giữa một gia đình ủ dột. Nàng buồn chán thở dài, cùng bạn bước xuống thang.