PHẦN THỨ NHẤT
Chương 5

Lúc bấy giờ thằng nhỏ đã tháo dãy cánh cửa bức bàn và bày xong hàng. Hàng, nghĩa là hai cái tủ giẹp bằng gỗ quét qua một nướ sơn xanh nham nhở và khung cánh cửa lồng những miếng kính mờ như bám bụi, tuy sáng nào người ta cũng lau chùi thật kỹ. Hai cái tủ nhỏ ấy bày thước thợ - một cái giáp tường một cái ngăn hàng ra với gian buồng trong - và đựng lơ thơ đủ các thứ tạp hóa: những bao thuốc lá rẻ tiền, những miếng giấy gấp hình tam giác gói một xu thuốc lào, những phong diêm còn nguyên hay bán dở, những hộp lơ, những bánh xà phòng, những dây giầy treo vắt trên sợi gai căng ngang sau kính, những đồ dùng trong lớp học, như bút, mực, sách vở, thước, tẩy, trông lấp loáng nhiều màu sặc sỡ.
Trong cái khoảng thước thợ rộng chừng sáu, bảy thước vuông ấy, và sau một cái giậu lưới thép nhỏ mắt, bày những phễu thủy tình đầy trám, Ô mai và kẹo mứt, những thúng, những quả đen đựng miến, bột, bóng, mực, nấm, mộc nhĩ, những quả đựng đường, trên có đậy cái lồng bàn bằng dây thép. Tuy thế cũng có mấy con ong bình tĩnh bò ở phía trong lồng bàn hay chúc đầu vào đường cát mà chăm chú hút nước ngọt.
Kính tủ hàng phản chiếu tía nắng mặt trời buổi sáng vào mắt hấp háy của hai thiếu nữ vừa ở chỗ tối bước xuống. Nga khum bàn tay che cho khỏi chói và gọi thằng nhỏ bảo buông cái màn nâu xuống, cái màn vá một miếng vụn màu trắng bẩn, làm lấp mất nửa chữ G của cái tên hiệu TÂN HƯNG. Rồi nàng ghé tai Hồng khúc khích cười nói thầm:
- Chị à, hàng với họ trông chán ngắt!
Hồng cũng cười đáp:
- Thế mà chị phán nói mỗi tháng đổ đồng lãi được bốn, năm chục đấy. Hai tháng tết thì lãi tới vài trăm bạc là thường.
Nga nhìn qua một lượt các thứ hàng:
- Ừ chị Phán cũng bảo tôi thế, nhưng tôi không tin chị ạ, nhất gần tháng nay, nhiều hôm tôi ngồi bán hàng cho chị ấy có khi hàng giờ lơ thơ dăm người đến mua xu diêm, xu thuốc vài lạng miến, hay nửa cân đường.
Hồng mơ màng theo đuổi ý nghĩ của mình:
"Thêm mỗi tháng bốn, năm chục bạc thì cũng giúp đỡ cho anh Phán được tiền thuê nhà tiền tiêu vặt vãnh."
Rửa mặt xong, Nga lên gác để trang điểm. Ðứng trước chậu nước đặt trên tường hoa, Hồng vẫn miên man nghĩ tới cái cửa hàng của chị cùng là những phận sự người đàn bà trong gia đình. Nàng sắp về nhà chồng, khi về nhà chồng nàng sẽ làm những gì? Cố nhiên là nàng không thể hay không đứng chủ trương một cửa hàng con con luộm thuộm như cái cửa hàng của chị. Nhà chồng nàng, nàng đoán chắc là giàu có, sang trọng. Mà Thân lại là con út, nghĩa là người con được cha mẹ yêu mến, chiều chuộng hơn hai anh nhiều, nhất là trong hai anh, một người lại chỉ đậu có bằng thành chung, hiện làm giáo học, còn một người mới theo dở dang đến năm thứ hai trường Bảo hộ, thì phá ngang đi buôn.
Những tin ấy, Hồng biết được là nhờ có Nga mách. Chẳng chuyện nhà ai, Nga không thông tỏ ngõ tường. Hồng đã phải gọi đùa nàng là bà thổ công nước Nam.
Hồng thầm khen cái tính vui vẻ của bạn. Và một sự vui vẻ không đâu thấm vào tâm hồn nàng. Cái chậu men trắng đầy nước trong, im lặng in nền trời xuân tươi sáng. Ðời nàng sao không suông sẻ bằng phẳng tươi sáng như thế? Hồng cúi mặt trên chậu nước mỉm cười sung sướng. Tương lai! Chỉ tương lai là đáng kể. Cái thời dĩ vãng buồn tẻ, đầy những thất vọng, chỉ việc quên nó đi.
Tương lai ấy, nàng cho là vững vàng, chắc chắn, là một sự sắp thực hiện rồi chứ không còn mộng ảo gì nữa. Cùng Thân lập gia đình, lập tiểu gia đình, riêng sống với nhau một giang sơn. Có thế thôi, giản dị biết bao! Nàng chưa yêu Thân, rồi thì nàng yêu, mà nàng chắc sẽ yêu. Sau này, khi nàng thoáng nhớ đến ký vãng, thì còn sự hy sinh, sự nhẫn nhục gì nàng sẽ không chịu nhận lấy để gây hạnh phúc cho gia đình nàng, cho những người sống chung quanh nàng? Và nàng nghĩ: "Thế nào mình cũng sung sướng hay ít ra cũng không khổ như trước."
- Không rửa mặt đi, rồi lên trang điểm, còn đứng mơ mộng gì thế?
Hồng giật mình, nhúng vội cái khăn bông vào chậu nước. Nước sóng sánh xóa tan mầu trời trong xanh. Nga cười hỏi tiếp:
- Chị sao thế, chị Hồng? Hay nghĩ đến đức anh chường phu quân đấy?
Hồng bẽn lẽn đáp:
- Có thế. Nhưng nghe tiếng chị quát, tôi cứ tưởng là tiếng bà dì ghẻ của tôi.
Nga chau mày, khó chịu về nỗi bạn cứ dai dắng mãi với câu chuyện gia đình.
- Cụ phán nhà đổi về Ninh Giang được bao lâu rồi nhỉ?
Hồng vừa vắt khăn mặt lên giá thau vừa đáp:
- Gần một năm rồi chị ạ.
- Giá cụ ở Hải Dương, thì chị đi về Hà Nội gần hơn nhỉ?
Hồng thở dài:
- Gần mà làm gì. Gần cũng chả được về đâu. Chị coi ngày ở Vĩnh Yên cũng như ngày ở Hải Dương, suốt một năm có khi tôi không biết mặt mũi Hà Nội ra sao. Lần này là vì phải sắm sửa các thức... nên mới được phép về đấy.
- Nhưng sao đương ở Hải Dương, cụ lại xin đổi về Ninh Giang?
- Vì quê tôi ở Ninh Giang. Thầy tôi bảo xin đổi về đấy để đợi hưu trí cho tiện.
Hồng mỉm cười nói tiếp:
- Ấy "cô ta" kỳ kèo thầy tôi mãi về nỗi đương làm thông phán tỉnh lại xin đổi về đại lý. Ở Ninh Giang thầy tôi vừa chữa xong nhà. Rộng rãi, mát mẻ lắm, ở bờ sông, mà lại ngay cạnh tòa Ðại lý.
- Ồ thế thì tiện lắm? Nhưng Ninh Giang ở về phía nào, thế nhỉ?
- Không biết Ninh Giang ở về đâu? Ðịa dư kém thế mà cũng đỗ bằng thành chung được? Ninh Giang ở trên sông Chanh ấy mà? Sông Chanh nghĩa làCanal des Bambous biết chưa? Hôm nào về chơi nhé?
- Ðược hôm cưới chị thế nào tôi cũng về. Ấy tôi nhận một chân phù dâu rồi đấy nhé?
Hồng cười gượng, Nga phá lên cười theo.