Phần III
P3 - 3
TRUNG VIỆT TÂN VĂN

Nguyễn Phổ, Nguyễn Doãn Vượng và tôi sống một cuộc đời thanh thản trong vài tháng. Hàng ngày, chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau ra một loại báo giật gân theo kiểu Tabloid (tôi đã viết nhiều về loại báo này trong “Trung Bắc Chủ Nhật”); có lúc lại bàn làm một tờ báo in giấy màu hồng cho Đồng Minh (với sự cộng tác của một ký giả lành nghề mà không hề ai biết tiếng là Văn Thu), nhưng rồi kết cục không xong đâu vào đâu cả. Chúng tôi nhìn quân đội Lư Hán vào tiếp thu Hà Nội với tính cách quan sát viên một thời gian, thì một hôm Phổ, thay mặt cụ Lê Kỳ, mời tôi sang nhà ở phố Nhà Thương Phủ Doãn bàn về một tờ báo lớn: Trung Việt Tân Văn. Phổ nói với tôi một cách dè dặt, vì trước khi đó, tôi đã từ chối không chịu hợp tác với tờ “Bình Minh”, một tờ báo hàng ngày khác, của Nguyễn Giang, anh ruột Phổ.
Tại sao lại không làm tờ “Bình Minh”? Muốn cho thật rõ, ta cần phải biết tại sao dưới thời Nhật lại có tờ báo đó.
Vào thuở “lên” nhất của Phạm Lê Bổng, ông có ra một tờ báo chữ Pháp là “Patrie Annamite” do Tôn Thất Bình, con rể Phạm Quỳnh chủ bút, Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính phụ trách về bài vở và một tờ báo chữ Việt, tờ “Việt Báo”, mua lại của Bùi Xuân Học, do một tập đoàn gồm có Nguyễn Đức Bính, Văn Hạc Lê Văn Hòe, Micro Bùi Xuân Như và mấy anh em khác viết bài. Chính Phạm Lê Bổng không để mắt tới hai tờ báo đó. Công việc làm báo và doanh thương nằm hết cả trong tay bà vợ; còn ông thì tất cả hoạt động tập trung vào việc triệt để theo bám Bảo Đại, Phạm Quỳnh, bảy ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ, để mua lòng Đại Pháp bảo hộ, củng cố chức viện trưởng viện Dân biểu cướp được của Phạm Huy Lục trong tập đoàn Nguyễn Văn Vĩnh.
Phạm Lê Bổng, lúc đó, là đầu đề của rất nhiều bài vè nhạo báng mà cũng là điển hình của sự lố bịch, trơ trẽn trong dân gian; nhưng sự liều lĩnh, sự thiếu suy xét của ông chỉ lên tới tột bực lúc Nhật đổ bộ lên Đông Dương, ông đi với Chauvet giữ một chức vị quan trọng trong ủy ban thu thóc của Pháp, để sửa soạn một cuộc chống Nhật vô cùng thâm thiểm.
Tôi nhớ có một hôm cuối tháng chạp, dưới mưa bay lất phất, tập đoàn Trung Bắc Chủ Nhật đi chợ Tết, qua nhà Phạm Lê Bổng thấy lính canh hết sức uy nghiêm, một người trong bọn nói đùa:
- Nó lên đến tột bực rồi, nay mai thể nào cũng xuống. Hai cái nhà lớn nhứt phố Hàng Bồ của nó, ai dám quyết nay mai lại chẳng sang tay chủ khác? Các cụ nói “Nhất điền thiên vạn chủ”, ấy thế mà không có sai đâu nhé.
Nói đùa thế mà thành ra đúng. Nhật hạ Pháp rồi, bắt luôn Phạm Lê Bổng giam một chỗ. Để cứu vãn lấy chỗ đội nón, ông Bổng xin dâng cả hai căn nhà ấy cùng với nhà in, máy móc cho quân đội Nhật sử dụng. Cố nhiên Nhật vui lòng nhận đỡ cho Bổng, và hai cái nhà ấy được dùng làm tòa soạn và nhà in báo “Bình Minh”, nhưng sau khi Nhật thua, Tàu tới, rồi Pháp quay trở lại, thì không hiểu sao, Đỗ Xuân Mai, tức là chủ nhà in Mai Lĩnh lại sử dụng nhà in đó, đem bán lại cho ông Bách, công ty với bà Hòa Tường, dọn tất cả về đường Hàng Chuối, để rồi hình như lại chuyển sang cho “thần chưởng” Bùi Ngọc Phương (sau này nổi tiếng là Vua Dầu Hỏa).
Nhưng đó là chuyện sau. Trở lại lúc Phạm Lê Bổng bị bắt, xin với Tasaki cho gặp bộ trưởng Yokohama, phụ trách về văn hóa, để tình nguyện dâng cả nhà cửa và máy in, máy xén, máy đúc cho quân đội Nhật. Hai ông Komatsu và Omya, trong bộ Văn Hóa, bèn mời ba ký giả là Nguyễn Doãn Vượng, Khái Hưng Trần Khánh Giư (trong tập đoàn Phong Hóa, Ngày Nay) và Nguyễn Giang (con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh) đứng ra sử dụng nhà in Việt Báo của Phạm Lê Bổng tặng, và xuất bản một báo hàng ngày là tờ “Bình Minh” để đề cao quân đội Nhật và chương trình Đại Đông A của Đại Nhựt Bản.
Trước mặt Nguyễn Giang và Trần Khánh Giư, Nguyễn Doãn Vượng từ chối không làm. Tôi biết chắc đây không phải là lần đầu Vượng từ khước nhà in của Bổng. Trước đó ít lâu, sau một hội kiến về đêm với Bổng, Vượng đã cho tôi biết là Bổng, trước biến chuyển của thời cuộc, đã “lơn” Vượng và đề nghị “tặng” nhà in Việt Báo cho riêng anh và anh đã đem việc này nói cùng ông Luận. Ông Luận đưa ra ý kiến là nếu bán rẻ thì mua chớ không lấy không: còn Vượng thì dù bán rẻ cũng không chơi, vì anh tuy là bạn với Bổng, nhưng không muốn dính líu gì với Bổng. Thành ra đến lúc Komatsu và Omya đề nghị cho tam đầu chế Vượng, Giư, Giang, cái nhà in và hai tòa nhà, Nguyễn Doãn Vượng từ khước liền, viện cớ rằng anh đã có hai tờ “Trung Bắc Chủ Nhật”, “Báo Mới” với một nhà in cũng khá lớn, mà hiện giờ thì nhà in còn đang thiếu thợ làm, chưa sử dụng được triệt để các máy móc nhằm thi hành kế hoạch đã vạch sẵn của anh.
Trần Khánh Giư không nói gì, nhưng Nguyễn Giang thì nói với Komatsu, với giọng nửa đùa nửa thật: “Vượng từ chối vì hắn sợ Tây trở lại”. Vượng trả lời: “Tôi sợ Tây hay không thì có Komatsu ngồi đây biết rõ”. Komatsu cười, nhìn Giang và Vượng, nói (bằng tiếng Pháp): “Không, tôi biết Vượng lắm, anh ta đúng là đạo Trung Dung; nhưng anh Giang, anh là một cha muốn làm ái tình, nhưng nhát quá nên đành thủ dâm”.
Tờ “Bình Minh” ra đời, không có Nguyễn Doãn Vượng là do lẽ đó. Trong tháng đầu xuất bản, tờ “Bình Minh” cũng được người ta tìm đọc khá đông, nhưng về sau, phần vì không có gì mới lạ, phần vì người ta chán ngán chế độ hà khắc của Nhật, nên số độc giả “Bình Minh” sụt dần. Khái Hưng rút lui; Nguyễn Giang mời Phan Quang Đán (lúc đó làm tổng thư ký hội Cứu Đói với Mai Văn Hàm, chủ nhiệm tờ “Tin Mới” mua lại của bác sĩ Luyện) về làm chủ bút. Nhưng vì Đán không rành về nghề báo, nghề in, lại thêm cái chữ quốc ngữ mới của Nguyễn Giang đưa ra cố đọc cũng không tài nào mà đọc được, nên báo “Bình Minh” sụt mãi, sụt mãi, để thành ra một thứ báo “cơm nguội” không ai buồn mó tới.
Chính vào lúc đó, Nguyễn Phổ và Nguyễn Dương, hai em trai của Nguyễn Giang, tìm tôi rủ về “cứu vãn” tờ “Bình Minh”, nhưng vì biết Nguyễn Giang là một thứ “đồ gàn”, có tính lẩm cẩm, nên tôi dễ từ chối, và tôi đã từ chối ngay, viện lẽ là không ai chịu được Giang, có làm với nhau bất quá cũng chỉ được ít lâu rồi lại thôi thì hợp tác làm gì. Làm với nhau thì oán thán, thù hằn, thế thì không làm với nhau để giữ lấy tình anh em trước sau như một, há lại chẳng hơn ư?
Chính vì lẽ đó, nên lúc Nguyễn Phổ đề cập đến việc tôi về giúp cho tờ “Trung Việt Tân Văn”, anh nói với tôi một cách dè dặt; nhưng lần này thì tôi nhận lời anh, sau một vài đêm suy nghĩ.
Tôi nói “suy nghĩ” cũng là đúng một phần nào, vì người làm báo ở vào lúc đó thật là khó tính, nhất là một người làm báo không thuộc đảng phái nào, chỉ biết có nghề mình và quyền lợi của dân tộc. Lúc ấy, Nhật thua trận, quân đội Lư Hán đến tiếp thu quân đội Nhật, và Việt Minh thì vừa mới về, đem lại tin tưởng và lẽ sống cho dân. Tất nhiên, những mâu thuẫn và cọ xát giữa Việt Minh và Trùng Khánh không thể nào không xảy ra. Làm ăn mà không khéo thì bị mang tiếng là phản bội; nhưng trái lại, nếu có lập trường vững chắc và một đường lối sáng suốt thì cũng có thể đỡ đần một phần nào chính thể mới phôi thai lúc đó, bị tấn công về mọi mặt.
Không tối nào tôi không cùng Phổ và Kỳ (Nguyễn Kỳ là con trai cụ Vĩnh, em của Phổ) và Dương nghiên cứu, thảo luận nên làm ăn ra thế nào, một mặt; và mặt khác, tôi thường xuyên gặp Phùng Bảo Thạch, Ngô Tất Tố, Thượng Sĩ, Trần Kim Dần để xét cho thật kỹ có nên nhận làm báo “Trung Việt Tân Văn”, cơ quan chính thức của quân đội Lư Hán đến tiếp thu quân đội Nhật hay không.
Anh Phổ, bây giờ anh ở đâu? Vẫn còn ở Bắc Việt hay đã đi Tây đi Tầu rồi? Mười lăm năm xa cách - bằng cả một cuộc đời phiêu bạt của cô Kiều! - mười lăm năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ thương anh như những ngày ở hậu phương và không bao giờ tôi quên được những đêm không ngủ, chúng ta uống cà phê nói chuyện về quân Nhật đi và quân Tàu tới.
Nguyễn Phổ là tế tử của cụ Lê Kỳ. Trong các bạn của cụ, có nhiều người Trung Hoa. Vì thế, ông Tsan Cẩm Thoòng, được phép xuất bản tờ “Trung Việt Tân Văn”, liền được ngay các bạn như cụ Ly Seng Pao, Nguyễn Hải Thần giới thiệu mời cụ Kỳ ra làm giám đốc và cụ Trần Phượng Thê làm quản lý. Thực ra, báo ấy không phải do ông Tsan Cẩm Thoòng cầm chịch, nhưng là của một Lam Y thân tín của Tưởng Tổng Thống và là con trai của ông Tsan đứng cầm chịch ở bên trong. Báo ra đời nhằm mục tiêu xiết chặt tình thân thiện Hoa Việt, tuyên truyền cho chế độ Trung Hoa trắng và đề cao quân đội Tàu nói chung và đoàn quân của Lư Hán đến tiếp thu ở Việt Nam, nói riêng. Vì là bạn của Phổ và thường chuyện trò với hai cụ Kỳ, Thê được coi là tâm đầu ý hiệp, các cụ Kỳ, Thê và Lý thân ái mời tôi về làm chủ bút cho báo.
Từ trước cho đến lúc đó, tôi vẫn có thói quen là không bao giờ nhận lãnh một chức vụ gì có tên chánh thức in trên báo. Nhiều bài báo, cũng như nhiều cuốn sách của tôi, do các nhà xuất bản in ra đều mang bút tự - mà tự tôi đến giờ cũng quên mất nhiều bút tự của mình, - thỉnh thoảng mới có bài hay sách mang tên thật. Nhận lời làm “Trung Việt Tân Văn”, tôi cũng định áp dụng phương thức cố hữu là chỉ nhận làm ở bên trong, còn tên trên báo thì để cho người khác đứng. Nhưng cụ Lý và ông Tsan, cũng như Tsan Chi Số - con trai ông Tsan - không chịu thế. Họ quan niệm chức vụ chủ bút rất quan trọng và ép tôi phải đề tên chủ bút, muốn từ chối không tài nào được.
Thấy chỉ vì cái tên công việc dằng dai ra mãi, các anh em như Trần Kim Dần, Thượng Sỹ Nguyễn Đức Long, Phùng Bảo Thạch, khuyên tôi nhận lời. Tòa soạn lại gồm các anh em cũ, trừ vài người đã mất hay đã đi xa. Bù lại, tôi lại được thêm mấy anh em khác trong nhóm “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” hay “Trung Bắc Chủ Nhật” - lúc ấy đã nghỉ - về hợp tác. Cố nhiên một tờ báo như thế phải giàu, trụ sở phải to, nhuận bút phải hậu và có... thế là đàng khác. Nhưng có lẽ vì độc giả không có mấy cảm tình với quân đội Trung Hoa lúc bấy giờ một phần, mà phần khác tại anh em cũng không hăng hái làm việc cho mình như thuở “Công Dân”, “Vịt Đực”, “Tương Lai”, nên báo không chạy mấy. Vả chăng, Trần Huy Liệu, lúc ấy, làm bộ trưởng thông tin, ít ra cũng đủ phép “ếm” chúng tôi. Tôi biết trong anh em lúc bấy giờ, Trần Huy Liệu “trù” chúng tôi nhiều nhất. “Trung Việt Tân Văn” viết một loại bài đả kích riêng Trần Huy Liệu “chậm tiến, chưa chi đã lợi dụng chức vụ bộ trưởng của anh để hàng ngày đi công xa đến nhà Ngân Giang nữ sĩ uống trà tàu và ngâm thơ con cóc”. Uất hận không chịu được, Liệu dọa “hót chúng tôi vào xe rác”.
Bắc Bộ Phủ, trái lại, lại tỏ ra gượng nhẹ với chúng tôi vì thực ra chúng tôi, lấy tư cách là một nhà báo, cầm chịch quyền thứ tư trong nước - đa số người Trung Hoa lúc đó tin như vậy - cũng đã đứng ra thu xếp được một ít điều xích mích nhỏ giữa quân đội Lư Hán với chánh quyền hồi ấy.
Nói riêng về chức chủ bút của tôi, thật kỳ. Khác hẳn khi làm thư ký tòa soạn cho các tờ báo khác, người chủ bút của “Trung Việt Tân Văn”, từ lúc báo ra cho đến lúc báo nghỉ, gần như không viết gì, không biết gì về báo. Mọi công việc tòa soạn do Phùng Bảo Thạch và Ngô Tất Tố trông nom hết. Qua ngày này sang ngày khác, tôi chỉ phụ trách việc đi ăn uống, xã giao, hết cơm Tàu đến cơm Tây, hết cụ này mời lại đến ông kia thết. Nhưng dù sao, tất cả những cái đó chưa kỳ bằng việc mấy chủ nhân của báo quan niệm về nghề báo lúc bấy giờ: bài vở đăng báo không cần lắm, trọng tâm hoạt động của chủ bút là công việc tiếp thu quân đội Nhựt. Nghĩa là mỗi khi quân đội Lư Hán tiếp thu ở đâu thì lại có tin báo liền cho chủ bút với đầy đủ chi tiết: hôm nay, quân đội Nhựt làm sao, ta nhận bao nhiêu võ khí, tìm ra được mấy kho vải, bao nhiêu kho gạo, bao nhiêu kho đường... Các anh em Trung Hoa lúc ấy đối với riêng tôi thật là đôn hậu đến làm cho tôi cảm động vì họ thành thực đến mức bảo trắng cho tôi biết rằng các tin ấy không cần đăng lên trên báo làm gì. Sỡ dĩ họ báo tin cho tôi biết trước nhất là vì họ muốn dành cho tôi quyền lợi ưu tiên: ông chủ bút có chỗ tiêu thụ thì bán đi lấy lời, khi nào ông chủ bút không bán được thì chúng tôi mới bán, ông chủ bút cứ tự nhiên vì là “anh em cả mà”.
Băn khoăn thứ nhì của các vị ấy là việc tham gia quốc hội đầu tiên Việt Nam độc lập. Ngoài các nghị sĩ dân bầu, chính phủ chấp nhận một số nghị sĩ chỉ định dành cho các đảng quốc gia. Ông chủ bút có gia nhập đảng nào không? Tôi chẳng vào đảng nào hết. Nhưng không có sao đâu, ông chủ bút cứ nhận lời đi, chúng tôi sẽ nói với cụ Nguyễn và chắc cụ sẽ bằng lòng lắm.
Thực quả làm báo như thế cũng ngộ và khỏe. Từ thuở bước chân vào nghề, tôi chưa hề bao giờ lại thấy làm báo khỏe đến như thế và tôi cũng không biết sẽ còn khỏe đến chừng nào nếu biến cố không dồn dập xảy ra trong nước. Phùng Bảo Thạch nhận làm thêm tờ “Đồng Minh” của cụ Nguyễn Hải Thần, tôi dư thời giờ cũng giúp vào một tay. Nhưng rồi đến một lúc cả “Trung Việt Tân Văn” và “Đồng Minh” đều phải tự động đóng cửa vì tình hình rắc rối không tả được.
 LÀM BÁO LƯU ĐỘNG Ở KHU BA
Thế là máy bay Pháp lại gừ gừ trên trời, còn dưới đất thì xe díp, mô tô chạy ầm ầm như gió - nhiều khi để chộ, chớ cũng chẳng có việc gì cần. Tôi còn nhớ có anh lính nai nịt như ra trận địa, ngồi thẳng đườn đườn trên mô tô nổ máy chạy bay như thể phải đi cứu ông D'Argenlieu hay Sainteny lâm nạn, nhưng rút cục đến dốc Hàng Kèn thì hãm máy, vào tửu quán uống một ly rượu mạnh và ôm con gái chuyện trò như pháo ran.
Thấy Nhật đã đuổi Pháp đi rồi mà bây giờ lại thấy Pháp trở lại lù lù cả đống, dân chúng chán nản không tưởng tượng được. Việt Minh ở vào một thế rất khó khăn: một mặt đối phó với Pháp, một mặt tuyên truyền dân gian để cho khỏi mất tin tưởng, và mặt khác nữa lại phải lo chuyện đoàn kết các đảng phái, vì các đảng phái lúc này léng phéng định xé lẻ rất nhiều và đi với Tàu hoặc Pháp để chống lại Việt Minh.
Tôi viết bài cho một tờ y học, tờ “Vui Sống”, đồng thời tổ chức nhà in cho nhiều anh em ở các nơi về thành, vì t’nh nào cũng có một hai tờ báo. Vì là anh em quen biết cũ, tôi viết bài thêm cho một vài tờ; riêng có tờ “Kháng Chiến” của Nguyễn Kỳ ở Cao Bắc Lạng thì tôi để tâm vào nhiều nhất.
Trong khi ấy, các tờ báo như “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”,
“Trung Bắc Chủ Nhật”, “Truyền Bá”, “Phổ Thông Bán Nguyệt San” đều ngh’ hết. Anh em văn hóa, văn nghệ chuẩn bị lên đường ra hậu phương chiến đấu. Thế rồi lịnh tiêu thổ kháng chiến ban ra; thành phố đào hầm trú ẩn; tự vệ xẻ đường đắp ụ để đối phó với một tình thế nẩy lửa chắc chắn không thể nào tránh được, xảy ra không biết lúc nào.
Những ngày kháng chiến đầu tiên ở hậu phương thật là cực khổ, nhưng cũng thực là vui lạ. Tôi chạy về khu ba, ngồi kéo sợi, và trong hơn nửa năm trời không làm gì; nhưng sau lần lần bắt liên lạc được với các anh em cũ, tôi viết mấy vở kịch (trong đó có kịch Bom Ba Càng) có tính cách tuyên truyền, rồi do đó đi họp văn hóa, viết một hai tờ báo nhỏ địa phương ở Hà Nam, vùng Đần, Đọi Đệp. Ngày tháng nặng nề trôi; đời sống thiếu thốn đủ mọi cách nhưng lòng người hể hả như chết mà sống lại. Tôi chưa hề được sống những giờ phút sôi động và ấm lòng như thế: đồng bào thương xót nhau như ruột thịt; người dân giúp đỡ nhau thực tình; anh lính ho thì người dân tự nhiên thấy ngực mình đau nhói. Riêng tôi, tôi rưng rưng nước mắt khi thấy Nguyễn Phổ và Nguyễn Kỳ từ Cao Bắc Lạng về thăm tôi ở Đần. Mỗi phiên chợ, tôi ra ngồi ở quán cà phê, do đó gặp đủ mặt anh em để trò chuyện và thăm dò tin tức. Cảm động nhất là Sở Bảo Doãn Kế Thiện đã già rồi mà cũng lặn lội từ Sơn Tây về rủ tôi đi làm việc văn hóa; Nam Cao được ngh’ xả hơi về nằm khèo với tôi, ăn cơm với cà chua và rau cải, uống nước chè tươi nhắm với tóp mỡ, cùng bao nhiêu anh em khác nữa hiện giờ đã chết, mà cũng còn nhiều người còn chiến đấu. Trong số các anh em đó, có người đi hàng mấy ngày đường, một thân một mình; có người ngày ngh’, đêm đi bằng đò, có vệ quốc quân hộ tống. Nguyễn Đức Long, bút hiệu Thượng Sỹ, là người ẩn hiện, đi về thăm tôi nhiều nhất.
Long bắt đầu viết báo từ tờ “Tin Mới” của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Trên tờ hàng tuần, anh viết phóng sự, điều tra, truyện ngắn; còn trên tờ hàng ngày, anh đặc trách về phê bình sách và cũng chính vì mục này anh đã tạo ra nhiều thù, ấy là không kể nhiều bận đã có văn gia, thi sĩ định cho anh một mách. Ra bưng kháng chiến, Long làm tờ hàng ngày “Chống Giặc” của Đặng Thai Mai ở liên khu ba, trong đó có Sỹ Ngọc, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh... Vì phụ trách về phóng sự, điều tra tin tức, anh phải đi luôn, nên thừa dịp về thăm tôi một tháng đôi lần và rủ tôi viết bài cho “Chống Giặc”.
Nhưng chẳng bao lâu, chiến tranh lan ra đến đó, tờ “Chống Giặc” chuyển đến một địa điểm xa xôi khác. Vì bị sốt rét nặng, Long không đi được, về Kẹo, ở gần với tôi. Nói là gần, nhưng cũng cách nhau đến bảy, tám cây số. Tôi kéo sợi, đem ra bán ở chợ Đần, còn Long thì ăn xong, không ngủ, đi nghe ngóng khắp nơi, thảo hết chương trình này đến kế hoạch nọ, nhưng rút cục không thể nào thực hiện được - trừ một tờ bán tuần báo tên là “Bạn Trẻ”.
“Bạn Trẻ” là một tờ báo của tư nhân, tự túc, in trên giấy bản, khổ nhỏ. Báo quán đặt ở một căn nhà lá chật chội ở một làng tại khu ba, trong vẻn vẹn có một cái bàn và một cái giường. Thượng Sỹ Nguyễn Đức Long và tôi phụ trách về bài vở cho báo ấy. Lúc nào Long đi thăm dò đường lối chánh trị để viết bài thì tôi trông nom việc sửa chữa mô rát và đạp cái máy pê đa lét để in. Chủ nhiệm không có mặt mấy khi ở báo, phải lo tiền, lo giấy, lo mực mua ở chợ Đồng Quan về. Làm báo như tờ “Bạn Trẻ”, thực cũng lạ lùng, mà thú vị, vì từ thuở bước chân vào nghề, tôi chưa làm một tờ báo nào thiếu phương tiện đến như thế bao giờ. Viết bài ban ngày, ban đêm xếp chữ và in; vừa trông in, vừa ăn cơm; in xong thì một số anh em - hầu hết là sinh viên và học sinh - đến lấy báo tản mác đi bộ, đi thuyền, đi xe máy khắp các nơi trong vùng kháng chiến để bán. Báo “Bạn Trẻ” bán cũng khá; bán xong, anh em nhặt tiền về để mua mực, mua giấy in số sau; nhưng khích lệ nhất là có nhiều độc giả mua báo lại ủng hộ tiền và có người, dù biết trước là tình thế thay đổi luôn luôn, vẫn cứ sẵn sàng gửi tiền mua cả năm hay sáu tháng. Càng làm cho chúng tôi nức lòng hơn nữa là trong một đại hội ở Liên khu ba, Ủy ban Kháng chiến đã tổ chức một cuộc trưng bày các báo kháng chiến để đánh dấu nỗ lực của anh em văn nghệ sĩ, tờ “Bạn Trẻ” đã được xếp vào hàng đầu về kỹ thuật làm báo và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đã kêu gọi anh em nên giúp tay cổ động tờ “Bạn Trẻ” cho mỗi ngày được phổ cập hơn.
Về sau này, về thành, gặp Vũ Đình Chí (Tam Lang) - bị Tây giam ở một địa điểm tại t’nh Hà Đông trong thời kỳ kháng chiến - anh có cho Nguyễn Đức Long biết là anh đã được đọc một số “Bạn Trẻ” trong nhà giam, và có một bài nói về sự tàn ác của quân đội Pháp hãm hiếp đàn bà già yếu - dù là không ký tên thực - anh đọc cũng đoán là của tôi.
Kể lại lúc làm tờ “Bạn Trẻ”, tôi không thể quên một kỷ niệm không bao giờ quên được. Trong “Bạn Trẻ”, có một mục về tin tức nội thành, thuật lại tất cả các hành động của ngụy quyền và hoạt động của các người ở lại với Pháp, làm cho Pháp. Phụ trách về mục đó, mỗi tháng một lần, tôi phải đi từ Đần qua nhiều vùng có Tây chiếm đóng, qua ruộng, qua sông để về một làng tề, gặp một ông bạn làm giáo học cung cấp cho tin tức thuộc vào loại đó.
Tôi nhớ hồi đó là mùa đông, trời lạnh cắt da cắt thịt. Lặn ngòi ngoi nước về được đến nhà ông giáo, thường là trời đã tối, không còn trông rõ mặt người. Đứng ở ngoài cổng nhìn vào thì cái vườn ở đằng trước tối om; trong nhà, có ngọn đèn thắp sáng và những hoa lửa bay lên như những con đom đóm nhỏ. Ấy là cái hỏa lò than đốt lên để sưởi. Ông giáo mặc áo bông, đi đi lại lại trong nhà, th’nh thoảng lại hơ hai bàn tay vào lửa và ngâm vang câu thơ cũ “Thế sự du du nại lão hà...”.
Mỗi lần, tôi về thăm ông như thế, bao giờ ông cũng hỏi “Đã ăn uống gì chưa?”, nhưng đó là hỏi lấy lệ mà thôi, chớ dù ăn rồi hay chưa ăn, ông cũng hối vợ và cô em đi thổi một nồi cơm thực nóng, làm một con gà vàng mời ăn, không quên rót một chén rượu nóng để uống cho ấm bụng. Vợ và cô em gái ông là những người đàn bà kiểu mẫu. Em gái ông chừng đôi mươi, đi đi lại lại buôn bán từ vùng tề sang vùng kháng chiến như đi chợ, nên mỗi khi từ giã ông ra về, người em gái lại đưa tôi đi vì sợ tôi không am hiểu đường lối, có thể sa vào bẫy của địch hoặc không biết trả lời mỗi khi có việc cần đối phó. Quên làm sao được những buổi sáng rét căm căm, thức dậy từ lúc trời hãy còn tối đen như mực để sửa soạn ra về. Bà giáo, trẻ măng và đẹp như một bài thơ, ông giáo và cô em cùng dậy, để tiễn tôi. Cả một gia đình lịch sự như nhau; ông giáo trò chuyện nho nhã, cô em lo liệu chu đáo cho tôi không thiếu thốn thức gì, còn bà giáo thì đã đun nước từ lúc nào để pha trà và không lần nào quên thổi một nồi cơm, nắm mấy thỏi, kèm một ít muối mè hay vài khúc cá để vào ba lô cho khách. Sống cả một kiếp người ở nội thành, không thể có những phút thương thương như thế. Tình đồng bào với đồng bào ngạt ngào thơm mùi của hoa bưởi nửa đêm về sáng. Nhưng chiến tranh tàn khốc nào có muốn cây có lộc, bông có trái, người có con, xuân có bướm: khói lửa lan tràn từ hậu phương đến các làng tề và một hôm chúng tôi được tin đa số người làng ấy đã tản cư đi nơi khác.
Thế rồi tôi rinh tê. Tôi rinh, nhưng không có một chút mặc cảm, là vì tôi quan niệm rằng Hà Nội là đất nước mình, mình có quyền ở đó, còn vấn đề hèn hay không, đó là tùy ở nhân cách của từng người. Một buổi sáng kia, nhân đi uống rượu với Nguyễn Đức Long ở “Le Lac” về, tôi bỗng nghe thấy có tiếng gọi khẽ ở sau lưng. Đứng lại, tôi định thần một lúc thì tự nhiên t’nh hẳn rượu: người thiếu phụ chít khăn vuông, mặc áo nâu non, gánh cam và quýt đứng trước mặt tôi, chính là bà giáo! Trời lất phất mưa bay. Gió Hồ Gươm thổi mạnh làm nghiêng cái nón lá của người thiếu phụ, để hé mấy sợi tóc mây che nửa mặt hoa. Việc đầu tiên là tôi hỏi thăm ông giáo và cô em. Bà nói vắn tắt cho tôi biết là tháng tám năm ấy, sau khi tôi đi khỏi được vài ngày, quân Pháp về làng, càn quét và bắt nhiều người đem đi, trong số đó có ông giáo. Còn cô em may vừa đi khỏi hôm trước, và hình như vẫn còn đi lại buôn bán ở liên khu ba, nhưng lâu lắm không tin về nhà. Về phần ông giáo, bà tuyệt mù tin tức, nhưng theo lời mấy bạn thân cho biết sau khi giam ở Nhà Tiến ít lâu, quân Pháp đã bốc ông cùng với một bọn chừng năm chục người đem lên máy bay đi Sài Gòn (?) đánh đập bật tròng hai con mắt, và dường như ông đã không chịu nổi những phương pháp tra tấn tối ư dã man của bọn thực dân cướp nước.
Thấy đứng lâu chuyện trò như thế ở giữa đường không tiện, tôi ghi số nhà vào một mảnh giấy con, mời bà lại chơi với nhà tôi; nhưng cho đến tận lúc ký hiệp định Genève, tôi vẫn không được thấy bóng người đàn bà diễm tuyệt, kiên trinh kia đâu nữa.