PHẦN I
P 1 - 2
CHỮ TÀI, CHỮ TAI

Thế là tôi tưởng tôi có tài. Nếu cứ nghĩ mình có tài là tự nhiên mình có tài thực thì quả là cái tài của tôi liền với cái tai. Chứng cớ là đến đệ ngũ trường Albert Sarraut, về toán, tôi ngu như con bò, đến đệ tứ, đệ tam thì dốt đặc cán thuổng; về vật lý và hóa học, giáo sư nào cũng gớm mặt không buồn kêu lên bảng, vì gọi lên vô ích, tôi không biết một ly gì hết. Từ năm thứ sáu, tôi chỉ học ròng về văn chương Pháp, đọc truyện Pháp, anh em trong lớp đọc gì thì bảo nhau tìm đọc và nghiên cứu từng chữ dùng, từng cách kết cấu, từng chi tiết tả cảnh, xuýt xuýt xoa xoa như được thưởng thức một món ăn gì ngon lắm.
Tôi bắt đầu đọc Alexandre Dumas, André Theuriet, Guy de Maupassant, Flaubert... từ hồi đó và nhớ rằng có hai cuốn làm tôi rung cảm nhất là “Les feuilles
mortes” của André Theuriet thì do Trần Mai giới thiệu, còn cuốn “Manon Lescaut” thì do Lê Khắc Quyên giới thiệu.
Bây giờ, anh em cũ học Lycée Albert Sarraut tan tác mỗi người một ngả. Joseph Trần Lê, Nguyễn Sĩ Dinh, Bửu Lộc, Bửu Thọ, Nguyễn Văn Chi, Paulus Hiếu, Trần Lệ Xuân (tức là bà Ngô Đình Nhu), Trần Mai, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Kim Hải, Marie Điện... kẻ thì làm nên, người thì đã chết, có kẻ lại lạc loài sương gió bốn phương, mỗi khi mưa chiều gió sớm, sực nhớ lại thuở anh em cùng chung một mái học đường cũng thấy hiu hiu buồn, không thể nào quên được những kỷ niệm xa xưa.
Tuy nhiên các kỷ niệm về sự học hành, tôi gần như không còn nhớ được gì. Duy có một điều không bao giờ tôi quên được là chính ở vào thời kỳ đó, giữa một không khí Pháp, bắt buộc phải theo tác phong Pháp, nói tiếng Pháp với nhau (ai nói tiếng Việt mà kiểm soát viên bắt được thì ăn công xinh mệt), chúng tôi, một bọn anh em gồm bốn năm người, đã “xuất bản” một tập báo viết tay đề là “Hồn Nước Nam” để chuyển tay nhau đọc. Lúc đó, chúng tôi quan niệm lạ lắm: báo mà không có xã thuyết thì không phải là báo. Vì thế nguyệt san “Hồn Nước Nam” số nào cũng có một bài xã thuyết như ai, nói những vấn đề rặng đa bà cụ “nước ta văn hiến bốn ngàn năm”, “hùng khí của các bậc anh hùng như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo...” và đến dịp giỗ Hai Bà cũng làm một bài thơ “Vịnh Trưng Vương” thi đua với Hoàng Cao Khải. Tôi làm thư ký tòa soạn của báo. Nghĩ nát óc ra, cũng không biết ngoài bài xã thuyết thì nên có những mục gì, tôi “chế” ra mục thơ và một mục kêu là “Linh tinh beng” đăng những tin tức liên quan đến học sinh người Việt trong trường Pháp, còn bao nhiêu đăng toàn truyện ngắn. Có truyện cóp Guy de Maupassant; có truyện kêu là “Bức Tranh Xã Hội” con nhà giàu viết lăng nhăng về xã hội người nghèo; có truyện buồn cười, anh nào đọc tiếu lâm Pháp thấy hay thì tán rộng ra thành một bài láo lếu.
Anh em đua nhau viết. Tôi làm mặt quan trọng, bỏ cả làm luận và học kịch “Le Cid”, chỉ ngồi đọc văn lai cảo. Nghe thấy mang máng rằng làm thư ký tòa soạn báo thì phải sửa văn người khác, tôi cũng trịnh trọng gạch, xóa, lộn câu đầu xuống đít, lộn câu đít lên đầu, rồi tấm tắc tự cho là bảnh lắm. Kết quả bảnh chẳng thấy đâu, bị ngay bọn ác ôn nó chửi và cấm không được sửa một chữ, “mem” cái phẩy. Tôi tưởng chừng như có ai cho một nhát búa vào đầu, nhưng sau làm ra mặt oai, hừ một cái rồi kết luận: Đó là cái vinh, cái nhục của nghề làm báo!
Bù lại cái đau ấy, tôi được một cái sướng rơn là mục “Linh tinh beng” của tờ “Hồn Nước Nam” lại được anh em tán thưởng. Là vì mục này viết bằng một giọng văn tếu, chửi cứ vong mạng cả lên! Lúc đó, chúng tôi còn trẻ, khí huyết phương cương, bất cứ anh nào bị chọc cũng đều hăng say muốn đấm đá, xin tí gân hay tí huyết. Không hiểu một hôm Trần Mai nói gì, bị một bọn trẻ con Tây lấy tay làm cái “chân mũi” chế anh; chúng tôi viết một cái “pô tanh” huých Trần Mai. Anh này cao lớn, khỏe mạnh, tức sôi lên, chạy ngay ra cái phông ten vục đầu vào nước lạnh, rồi tìm lũ trẻ con Tây sanh sự. Chúng tôi học ban B, chúng học ban A.
Đại diện cho ban A là thằng Wintrebert cao như hộ pháp. Một cuộc đánh giáp lá cà diễn ra sau giờ học. Wintrebert cho Trần Mai “nốc ao”. Anh em tức tưởng chừng hộc máu. Chúng tôi đặc biệt ra một số in thạch kêu gọi anh em “đại đoàn kết” đánh bỏ mẹ Tây đi. Rồi y như những thằng khùng, chúng tôi không biết làm cách gì để tỏ rằng “ta đây không coi Tây ra cái thá gì”, chúng tôi cứ hễ trông thấy Tây là ngáng, chửi và nghĩ cách làm tên tẩm thuốc độc để giết không còn một mống.
Kết quả học trò Tây vẫn sống nhăn mà chỉ có bọn chúng tôi “chết đầu nước”. Sau một cuộc điều tra gay gắt của ông “săng sơ” mập thù lu, tờ báo của chúng tôi bị đóng cửa vô hạn định, còn mấy nhân viên bị đưa lên hội đồng kỷ luật do hiệu trưởng lúc bấy giờ là Loubet chủ tọa. Hội đồng phán quyết đuổi chúng tôi, nhưng sau cho hưởng một đặc ân để kịp thời hối lỗi: cho học thêm sáu tháng nữa; nếu trong thời kỳ đó, tỏ ra có hạnh kiểm tốt, chăm chỉ học hành thì lại cho học lại.
Thế là mộng làm báo của chúng tôi tan tành. Nhưng thiếu niên nào mà chẳng thế: hách sì sằng. Mấy bạn quá khích của tôi, trả thù, nhất định “bất hợp tác” với học trò Tây. Riêng tôi, tôi chơi trội: không được xuất bản báo viết, tôi xuất bản báo miệng, nói nôm là tôi chửi thề. Chửi bằng tiếng Việt. Gặp thằng Tây con nào cũng chửi. Một hôm, thầy thể thao là Patche bắt tập một môn nằm ép xuống cỏ. Tôi mặc quần dài nằm xuống cỏ ướt bị lấm bê bết, tức mình tôi chửi “Đ... mẹ cha mày!”. Vô phúc thằng cha nghe tiếng. Ang chừng nó ăn cơm Việt mòn răng ra rồi, hay là nó lấy vợ lô can thì không rõ, nhưng vừa nghe thấy thế nó trợn mắt, gọi tôi lên “sửa lưng” cho một trận ra gì và trình lên hiệu trưởng. Lần này, tôi yên trí đi đời, nhất định được mời về nhà; nhưng không hiểu trường nó quên, hay là kỷ luật nhà trường lỏng lẻo, tôi chỉ ăn ba công- xinh tô-tan, ba chủ nhật đi đến trường ngồi một mình một chỗ như con cú để “tự phê bình kiểm thảo”.
Sự chán nản bắt đầu từ đó. Nghề báo đã hại tôi. Nhưng kỳ lắm: nghề báo cũng như nghề “hát nhà trò” ngày trước, hay nghề “bán ba” bây giờ. Nó là cái nghiệp: đã mắc phải nó thì mê, không chịu được. Tôi thích cái nghề báo hại tôi như thế. Tôi sẽ lấy cớ chán nản ấy để trốn học đi lên Hồ Tây, vườn Bách Thảo để đọc văn, đọc báo và “tìm một lối đi cho ngày mai”.