PHẦN I
P 1 - 3
NGHỀ BÁO ĐƯA NGƯỜI TA ĐẾN BẤT CỨ ĐÂU

Trong những dịp suy ngẫm như thế, có một câu thường năng đến với đầu óc tôi: “Nghề báo đưa người ta đến bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”. Thú thực, lúc đó tôi suy ngẫm rất nhiều mà vẫn không hiểu thấu tư tưởng ấy. Đưa đến đâu? Tôi không biết nghề báo đưa người ta đến đâu hết. Riêng tôi, tôi chỉ thấy nó đưa tôi đến chỗ chán chường, bỏ học bỏ hành, đi nói dối cha về nhà nói dối chú. Là tại thế này: ở trường Albert Sarraut, học trò có thể cứ tự động nghỉ, không cần xin phép trước. Vài hôm sau đi học, chỉ cần biên một lá thư, ký tên bố mẹ rồi trình cho “săng sơ” là được. Thấy ngon như thế, mỗi tháng tôi lại nghỉ một hai lần, và mỗi lần nghỉ xong lại làm một đơn, ký tên bố mẹ, nói là “con tôi ốm”.
“Nghề báo đưa người ta đến bất cứ đâu”. Thì quả như thế thật: nghề báo đưa tôi đến chỗ trốn học, nói dối, nhưng chưa đủ; nó còn đưa tôi đi xa hơn nữa. Nguyên hồi ấy biến động ở Yên Bái diễn ra thất lợi, Tây bắt giữ các nhà ái quốc và đầy ải nhiều thanh niên. Một sự chán chường mông mênh tràn lan trên đất nước. Cũng như ai, tôi mắc phải cái bệnh của thời đại, nghĩa là tự cho mình “sinh bất phùng thời”.
Nhà tôi là nhà bán sách và buôn giấy. Vì giao thiệp với Pháp, mẹ tôi nuôi cái mộng là tôi thi đỗ Tú tài, rồi nhờ một hai người Pháp quen thuộc nhận làm con nuôi đưa sang học thuốc ở Ba Lê. Tội nghiệp, chính mẹ tôi không nhận biết tôi đã chớm nghiện và tiếng là đi học chớ tôi vẫn trốn đi chơi. Thảng hoặc có đến lớp thì thể xác ngồi đó mà hồn thì phiêu diêu tận đâu đâu: tôi nghĩ đến cuốn “Cours de journalisme par correspondance” và nung nấu một kịch ngắn hay một tiểu thuyết viết cho báo An Nam Tạp Chí của Nguyễn Khắc Hiếu (bí danh Tản Đà Nguyễn Khặc Khừ).
Nói đến quá trình báo chí ở Bắc Việt, theo tôi, các nhà văn lão thành như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Đinh Gia Thuyết, Phạm Duy Tốn, Nhượng Tống... đều có công đóng góp rất lớn lao, nhưng phải đợi đến lúc Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh bút chiến về vấn đề lập hiến thì ta mới thấy một thứ nhựa mới làm cho làng báo mạnh hơn lên. Tuy nhiên, mạnh không có nghĩa là tiến bộ. Tôi còn nhớ lúc đó báo hàng ngày có ba tờ: Thực Nghiệp của ông Mai Du Lân, Trung Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh và Khai Hóa của ông Bạch Thái Bưởi. Tin tức do Sở Cẩm Hàng Đậu và Hàng Trống cung cấp, còn xã thuyết thì Trung Bắc bao giờ cũng kết luận: “Quốc dân đồng bào nghĩ sao?”. Ông Đỗ Thận, râu một đống, viết xã thuyết cho báo Khai Hóa, cứ tết mồng năm thì có một bài xã thuyết mồng 5 tháng 5, tết Nguyên Đán thì không bao giờ thay đổi, mở đầu bài xã thuyết bằng hai câu (có dấu than): “Tết đến rồi! Tết đến rồi!” Còn ông Mai Du Lân thì mặc cho Trúc Khê Ngô Văn Triện và cụ cử Mai Đăng Đệ viết gì thì viết, việc chính của chủ báo là nhận đồ về in, lấy tiền ăn chắc hơn là bán báo.
Tôi đọc Hữu Thanh, Nam Phong và các báo hàng ngày không ham mấy, nhưng đọc đều đều để xem có tiểu thuyết nào hay thì học thuộc mấy câu mở đầu “biền ngẫu”.
Phải đợi đến lúc lên “sơ gông” ở trường, tôi mới thật thích nghề viết báo. Nhà báo tôi gặp đầu tiên là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Những bài tôi viết ở An Nam Tạp Chí là những tư tưởng của một ông cụ non, may đã tam sao thất bản rồi, chớ không mà phải đọc lại thì xấu hổ mà chết mất. Tôi nói: “thích nghề viết báo”. Chớ thực ra thì chưa ham viết.
Tôi còn nhớ rõ ràng tôi bắt đầu ham viết báo là kể từ ngày các ông Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Vũ Đình Chí làm tờ Ngọ Báo của ông Bùi Xuân Học. Cho đến bây giờ và mãi mãi tôi vẫn nhận rằng Hoàng Tích Chu đã làm được một kỳ tích: viết Nam Phong ký tên Kế Thương, đọc chán như cơm nếp nát, thế mà đi Pháp mấy năm về, làm được một phát rất “trì” là làm sôi động cả ngành báo chí, đem lại cho tờ báo một bộ mặt mới, một hơi thở mới, một sinh lực mới. Ngọ Báo một xu bán chạy không chê được. Đọc không bỏ một chữ. Văn hay không chịu được, cái lớp tiểu yêu như tôi lúc đó đều công nhận như thế, nhưng các ông lớn tuổi thì dường như không tán thành.