Chương 7

Lâm sốt ruột nhìn bầu trời đầy đặc mây đen rồi nhấn ga tăng tốc. Lúc nãy vội vã, anh quên mang theo áo mưa, giờ không khéo xấp bản vẻ nằm trong túi sẽ ướt mất.
Chạy thêm một đoạn đường nữa mưa bắt đầu rớt hạt, Lâm cố gắng lạng lách giữa dòng xe cũng đang cuống cuồng chạy rồi vọt lên lề dừng trước một ngôi nhà đóng cửa.
Vuốt mái tóc lấm tấm nước. Lâm bấm chuông. Một đôi mắt dò xét nhìn qua khe cửa sằt, rồi một giọng con gái vang lên mừng rỡ:
- A! Anh Lâm! Anh Lâm về rồi cô ơi!
Cánh cửa sắt nặng nề nhanh chóng được kéo rộng ra, Lâm có phần lúng túng khi đẩy xe vào. Anh không nghĩ mình được đón chào nồng nhiệt như vậy.
Gượng gạo nhìn cô gái, Lâm nói cho có chuyện:
- Bé Tâm mau lớn ghê!
Tâm cười thật tươi:
- Còn anh thì mau... già. Đã vậy không còn cạo râu nữa. Trông cụ non quá.
Từ trong phòng. Bà Tuyên bước ra:
- Mau lấy khăn cho anh Lâm ở đó nói láo. Một lát tao cúp phần cơm cửa mày đấy.
Lè lưỡi nhè anh, Tâm vội chạy vào nhà, Lâm nói với mẹ như phân bua:
- Con không đem áo mưa, đành phải ghé đây...
Bà Tuyên có vẻ mai mỉa:
- Nếu vậy mẹ phải cảm ơn ông trời quá!
Đón lấy cái khăn trên tay Tâm. Lâm im lặng lau khô tóc. Căn phòng rộng chìm trong tiếng mưa. Ngôi nhà nầy từng là nhà của anh, nhưng khi trở về anh không tìm lại được cảm giác thân thuộc nào cả. Mọi thứ vẫn như xưa, nhưng anh và mẹ đều thay đổi. Sự thay đổi đau đớn nhất là anh không biết phải nói gì với người đã sinh ra mình.
Bà Tuyên săm soi bộ móng tay màu tím đậm:
- Con có ghé thăm bà nội và các cô con không?
Lâm ngồi xuống salon:
- Có! Và con cũng nhận được câu hỏi tương tự về mẹ, tiếc rằng đây là câu hỏi chứa nhiều ác cảm hơn là sự quan tâm về nhau.
Bà Tuyên cười khẩy:
- Giữa mẹ và các bà ấy làm gì có sự quan tâm về nhau chớ! Họ tò mò xem mẹ sống ra sao thôi. Đúng là một bọn đạo đức giả, nhưng lại vô công rỗi nghề...
Lâm nhăn nhó:
- Con xem mẹ kìa! Độc mồm độc miệng làm chi cơ chứ?
Bà Tuyên cong cớn:
- Bộ mẹ nói không đúng sao? Mẹ chưa bao giờ ân hận khi từng cho họ một vố, để nhũng cái mặt nạ đạo đức giả ấy rơi xuống.
Lâm đanh giọng:
- Mẹ đang xúc phạm con mẹ biết không? Thì ra cho tới bây giờ mẹ vẫn nghĩ rằng chuyện mẹ cắm sừng ba con là một chiến công.
Bà Tuyên tỏ ra thích thú:
- Chiến công hả? Con dùng từ chính xác lắm!
Tâm bưng một ly càfê sữa nóng hổi và nói:
- Anh Lâm ở lại ăn cơm nhé?
Lâm lắc đầu:
- Không! Hết mưa anh sẽ đi ngay.
Bà Tuyên cộc cằn quát:
- Vào bếp! Ai mượn cái tài lanh hở?
Lần này không kịp lè lưỡi với Lâm, Tâm chạy lẹ vào trong.
Lâm chép miệng:
- Chỉ có con bé mới chịu đựng mẹ nổi.
Bà Tuyên tự mãn:
- Ngoài nó ra còn khối đứa nghe lời mẹ răm rắp đấy con ạ!
Vò cái khăn trong tay, Lâm khinh bỉ:
- À! Cái bọn con trai kết nghĩa với mẹ chứ gì? Lũ sâu bọ ấy vì tiền mà!
Giọng thản nhiên đến trơ trẽn, bà Tuyên nói:
- Dù sao chúng cũng làm mẹ vui, chứ không như con, lúc nào cũng chọc giận mẹ.
Lâm đứng phắt dậy:
- Xin lỗi! Mẹ đừng đánh đồng con với họ!
Nhìn anh thật lâu, bà Tuyên nhếch môi:
- Con giống ổng từ chỗ lúc nào cũng xem mình quá cao. Biết ta mà không nghĩ đến người, trước sau gì cũng thất bại. Mẹ nói thật, so với đám sâu bọ ấy, con không là cái đinh gì đâu mà lớn lối.
Lâm bực bội gào to:
- Tâm! Tìm cho anh cái áo mưa!
Bà Tuyên cười to:
- Giận dỗi, nóng nảy, không làm chủ được bản thân. Trời ơi! Sao những tánh xấu của ổng đều có cả ở con thế này? À không! Dường như con cũng có thêm ít nhiều tính ít kỷ, nhỏ mọn, độc ác của mẹ nữa chứ!
Lâm hơi khựng lại vì những lời khêu khích của mẹ. Từ khi anh khăng không chịu ở chung với mẹ tới nay, bà luôn châm chọc, riễu cợt mỗi khi có cơ hội. Bà khiến anh ngày càng xa cách bà hơn. Lâm không hiểu mẹ làm thế vì mục đích gì. Anh chỉ thấy xót xa nhiều hơn căm giận vì nghĩ bà cũng đang dằn vặt bản thân chứ chẳng sung sướng gì.
Lặng lẽ ngồi xuống trở lại, anh bưng ly càfê sữa lên uống từng ngụm. Bà Tuyên đi vào trong và trở ra với một cộc tiền dày cộm:
- Gần thi rồi, lấy mà bồi dưỡng, mẹ chẳng làm gì được cho con ngoài việc cho tiền tiêu vặt.
- Mẹ biết là con không cần nó mà.
Bà Tuyên bắt bẻ:
- Vậy sao con phải làm thêm ở công ty xuất khẩu Phong Lan?
Lâm đều giọng:
- Con muốn nhờ công việc để tiếp cận với nội sau này con sẽ tham gia quản lý, dù công ty đó chỉ là chi nhánh nhỏ của công ty Đại Long, nhưng con không bỏ qua cơ hội giành lại những gì trươc kia là của ba đâu.
Bà Tuyên soi mói:
- Con tin ông Thuần để cho con có cơ hội sao?
Lâm nói:
- Dĩ nhiên là không, nhưng con sẽ cố hết sức.
Nhìn bà Tuyên, Lâm hỏi bằng giọng gay gắt:
- Có phải ngày xưa ông ta đã quyến rũ mẹ không?
Bà Tuyên lấp lửng:
- Sao con lại nghĩ vậy?
- Không lẽ mẹ yêu ông ta?
Bà tuyên bật cười chua chát:
- Mẹ làm gì còn cảm xúc để yêu. Tất cả những thứ đại loại lãng mạn như thế, ba con đã lấy của mẹ cả rồi.
Lâm khó khăn mở miệng:
- Thế tại sao me... lại... lại... Đã từ lâu con không muốn hỏi để biết rõ hơn mọi chuyện, nhưng cả mẹ lẫn ba đều không chịu nói vì cho rằng con còn nhỏ. Điều này làm con rất khó chịu mỗi khi đụng mặt với ông ta, suốt mười tám năm dài con sống trong mặc cảm của bi kịch gia đình mà con không hiểu gì về cái án tù mười năm của ba mình. Con không muốn cứ nghe nội, các cô phán xét ba mẹ bằng định kiến của họ nữa.
Bà Tuyên nhướng mày:
- Con muốn mẹ nói thế nào đây? Về tội lỗi của mẹ? Về sự dại dột của ba hay sự bất hạnh của con?
Lâm dằn mạnh:
- Con muốn biết tại sao mẹ phản bội ba?
Giọng bà Tuyên rít lên:
- Tại mẹ căm thù!
Lâm ngỡ ngàng:
- Mẹ căm thù à?
Bà Tuyên gật đầu:
- Phải! Mẹ căm thù bà nội, các cô vá ba con. Ngày xưa bên ngoại con cũng thuộc hạnh giàu có, chẳng may ông ngoại làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản nên phải gả mẹ cho ba con, một tay chuyên chạy hàng cho anh rể để kiếm sống qua ngày. Lấy được mẹ, ba con như kẻ mạt hạng trúng số độc đắc, nhưng ông ta không hề xem mẹ như một bảo vật của nhà giàu, mà ông cùng mẹ và bà chị thứ ba ế chồng đã đày đọa mẹ khác nào đứa ở trong nhà. Từ một tiểu thư quen được hầu hạ, mẹ rơi tỏm vào địa ngục. Tất cả việc nặng nhọc đều trút lên đầu mẹ. Bao nhiêu mộng đẹp của tuổi mười tám thanh xuân òa vở thật nhanh sau đêm tân hôn.
Bĩu môi đầy khinh bỉ, bà Tuyên nói tiếp:
- Ba con là một kẻ phàm phu tục tử nết ăn tới nết ngủ, khác hẳn với anh rể của mình. Dạo đó dượng Thuần cũng chưa phất cao như bây giờ, nhưng lúc nào ông ta cũng một bậc phong lưu lịch lãm, là đối tượng khiến phụ nữ để mắt tới. Là một kẻ mồm mép, ông ta rất khéo dỗ ngọt đàn bà...
Lâm ngắt lời bà:
- Mẹ đã phải lòng ông ta từ lúc đó sao?
Mắt hơi xa xôi, bà Tuyên trả lời:
- Mẹ chỉ ước ao gã chồng thô tục của mình có được một chút hào hoa, chút ngọt ngào như ông ta thôi, nhưng tiếc thay ước ao ấy là điều không tưởng. Ba con hùng hục lao vào công việc để kiếm tiền, cứ mặc vợ một mình với mẹ chồng, chị dâu và hố lớn việc nhà. Ông không cần biết mẹ nghĩ gì, thích gì, muốn gì, nhưng bắt buộc mẹ phải tuân lệnh, nghe lời ông như một con chó trung thành với chủ.
Môi nhếch lên đầy chua cay, bà nói:
- Chắc con cho rằng mẹ đã quá lời. Nhưng sự thật là thế, lúc ấy mẹ một thân một mình biết làm gì hơn chịu đựng. Rồi mẹ có con. Những tưởng sẽ được an ủi bởi tình mẫu tử, nào ngờ bà nội lại tách con khỏi mẹ, lúc đó ba con đã mở được một xưởng làm hàng nhựa, mới sanh được một tháng mẹ đã phải xuống bếp nấu cơm cho hàng chục thợ, trong khi cô ba con tối ngày quanh quẩn trong phòng riêng không hề động đến móng tay.
Im lặng một chút. Bà Tuyên nói tiếp qua đều rơi trên mái nhà:
- Nhọc nhằn, uất ức, suy nhược làm mẹ ngã bệnh. Bệnh nặng đến mức tưởng mình sẽ chết. Nhưng không hiểu bằng sức mạnh nào mẹ đã vượt quạ Sau trận ốm liệt gường đó mẹ đã biến thành người khác. Một người luôn nuôi thù hận trong lòng. Ba con càng làm ăn lên thì mẹ càng cực, sự hận thù càng sâu sắc. Khác với thời con gái, mẹ chưa bao giờ được vui chơi, giải trí, ngay cả việc vui đùa với con mình cũng không.
Lâm ray rức nhìn mưa. Hồi ức tuổi thơ dần dà hiện về trước mắt anh. Đúng là từ lúc bé anh đã không gần gũi mẹ. Quanh quẩn anh lúc nào cũng là nội. Mãi đến năm mười tuổi, ba anh ra riêng. Lâm mới thoát khỏi đôi mắt dòm ngó để mắng mỏ của bà. Thật ra nội có thương Lâm không? Hay bà cố tình giữ rịt anh bên cạnh nhằm làm khổ mẹ?
Giọng bà tuyên vang lên từ một nơi nào vừa xa vừa tăm tối:
- Khoảng thời gian sau đó ba con làm ăn khấm khá và nhất định mua nhà để ra riêng mặc cho bà nội phản đối. Với mẹ đây quả là một tin mừng. Mẹ háo hức chờ đón cuộc sống riêng với hy vọng mình sẽ đỡ khổ, sẽ hạnh phúc bên chồng bên con. Nào ngờ ở nơi nhà riêng đó ba con trở thàng một bạo chúa...
Lâm ngắt lời trong khó chịu:
- Mẹ có quá tưởng tượng không?
Bà Tuyên nói:
- Mẹ đang nói thật đấy, từ khi thuê dì Bạch về để chăm sóc con và lo bếp núc, mẹ đã trở thành bà chủ hãng đồ nhựa gia dụng. Một bà chủ thật sự đầy quyền uy trước mặt bao nhiêu công nhân, nhưng nào ai biết được mẹ cũng là một người làm công như họ, sợ còn tệ hơn họ, vì mẹ chưa bao giờ được trả lương.
Bật cười bà Tuyên bảo:
- Suốt bao nhiêu năm sống với chồng và gia đình chồng, mẹ bị bóc lột triệt để từ thể xác đến đến tinh thần. Chính vì vậy mẹ đã hận càng hận hơn. Ngoài mặt mẹ tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng nhưng trong lòng bắt đầu có những tính toán, dự định cho riêng mình. Mẹ không thể tiếp tục sống với người chồng luôn coi mẹ như một công cụ. Do ngày xưa ông ngoại có cho mẹ ăn học nên ba con để mẹ làm kế toán kiêm thủ quỷ của cơ sở. Mẹ không từ bất cứ thủ đoạn, cơ hội nào để lận tiền cho riêng mình. Suốt gần mười năm trời mẹ đã có một số vốn.
Lâm ngạc nhiên đến nỗi lắp bắp:
- Ba không biết à?
Bà Tuyên tự đắc:
- Lúc đó ba con đang phất, mở thêm mấy công xưởng, ông ấy đâu thấy thiếu tiền, mà nếu có đi chăng nữa ổng cũng chả đời nào nghi ngờ mẹ. Với ổng, mẹ mãi là con nô lệ trung thành tuyệt đối.
Mắt bà bỗng long lên:
- Khi giàu có người ta thay đổi cách nghĩ, cách sống, cách hưởng thụ, ba con bắt đầu lân la những chốn ăn chơi. Tệ nhất và cũng độc nhất là ổng dẫn đàn bà về nhà bắt mẹ phục dịch. Hừ! Rõ ràng trong mắt ổng, mẹ không phải là vợ. Mãi mãi là một con ở. Mức chịu đựng của con người có giới hạn của nó. Ba con đã như thế, mẹ còn giữ làm gì mà không phá bung mọi thứ trước khi giải thoát cho mình.
Chống tay dưới cằm, bà có vẻ thích thú khi kể tiếp:
- Trong khi bà chị chồng, cô Hai con ít nói hơn cô ba nhưng tâm địa rất độc. Lúc nào cô ta cũng tự hào. Khoe khoang hạnh phúc của mình với mẹ. Bởi vậy mẹ phải phá nát cái hạnh phúc ấy. Mẹ thừa biết ông Thuần là hạng đàn ông như thế nào mà. Hảo ngọt, thích ăn vụng nhưng giỏi tài chùi mép. Ông ta qua lại với đủ loại đàn bà, trong số đó có một người bạn của me...
Lâm nuốt nghẹn:
- Mẹ biết điều đó nhưng vẫn lao vào ông ta à?
Bà Tuyên nhún vai:
- Chơi thôi mà! Chọn người biết quy luật càng tốt. Ông Thuần là người biết rõ luật chơi. Mẹ không thể thấy ai giúp me... rửa hận tốt hơn bằng chồng của chị chồng mình.
Lâm cay đắng:
- Nghĩa là mẹ cố tình chọn ông Thuần để hạ nhục ba con?
- Đúng vậy! Con không cần phải hỏi nữa chứ?
Lâm liếm môi:
- Hành động của ba chứng tỏ ông rất yêu mẹ mà!
Bà Tuyên kêu lên:
- Ông ta chỉ yêu bản thân mình. Và chính vì thế ổng mới điên lên đến mức dám giết người.
Lâm đanh giọng:
- Ba chỉ lỡ tay, chứ không cố ý như mẹ nói!
Bà Tuyên phẩy tay:
- Không tranh cãi vấn đề này nữa!
Lâm bất mãn nhìn ra đường. Qua khoảng cửa hẹp anh chỉ thấy một màn mưa trắng xóa.
Tại sao mẹ lại cay độc như thế nhỉ? Dường như bản án mười năm tù chưa làm bà vơi bớt oán hờn. Nên tới bây giờ, mỗi khi nhắc tới ông, bà vẫn còn nói bằng giọng căm thù, Lâm là con của hai người nhưng anh không sao hiểu được tình cảm của cha mẹ mình.
Một cuộc hôn nhân không tình yêu, đã kết thúc một cách tàn khốc. Lâm chẳng biết chuyện gì xảy ra đến khi ba anh mãn hạn tù. Tuần rồi vào thăm ba anh bỗng hỏi về ông Thuần, về mẹ. Khi nghe anh nói về hai người xong, ông im lặng. Không một lời bình phẩm. Sự im lặng của ông thật khó hiểu.
Mà có bao giờ anh hiểu ông đâu? Mẹ và ba đã không còn là vợ chồng, nên cả hai hầu như quên mình có một mặt con. Cả ông và bà đều không cần hiểu cảm xúc của anh ra sao. Đôi lúc Lâm chả biết trên đời này còn ai cô đơn và bất hạnh hơn anh không?
Bất giác Lâm nhếch môi cay đắng. Anh uống hết ly càfê sữa và nghe bà Tuyên gọi ầm lên:
- Tâm à! Đem miếng bánh trong tủ lạnh đem ra cho anh Lâm. Nhớ mang theo cái muỗng nha con ngốc!
Quay sang Lâm, bà dịu dàng như chưa dịu dàng như thế:
- Bánh flan có phô mai, hồi nhỏ con rất thích ăn...
Bỗng dưng Lâm gắt:
- Nhưng bây giờ con đã lớn, tất cả đã thay đổi, mẹ vờ không nhận ra điều ấy à?
Bà Tuyên vẫn ôn hòa:
- Thay đổi cỡ nào người ta cũng phải ăn con ạ! Mẹ biết lâu nay con trách mẹ không quan tâm đến con. Thế con thì sao? Con đã bỏ mẹ một mình kia mà. Mẹ vẫn mong con về ở chung với mẹ.
Lâm lạnh lùng:
- Sao tới bây giờ mẹ mới nói ra khi bảy tám năm nay mẹ đã vui sống một mình? Con nghĩ sắp tới ba cần con hơn me...
Tâm bưng cái khay đựng đĩa bánh flan to, vì nhà lúc nào cũng có khách mà. Mấy anh...
Bà Tuyên cáu kỉnh:
- Vào bếp, đồ nhiều chuyện!
Cho ngón tay dính vào mồm mút một cái. Tâm lật đật đi như chạy vào trong, mẹ sử dụng con bé tưng tửng vậy mà haỵ Bà không phải sợ nó phê phán mình trong những mối quan hệ bất thường.
Cánh cửa sắt bỗng bị kéo ra thật mạnh. Một người đàn ông mặc chiếc áo mưa màu xanh đen bước vào.
Hắn tình tứ than:
- Lạnh quá Tuyên ơi!...
Thấy Lâm ngồi trên salon, hắn khựng lại. Trong ánh sáng âm âm của ngôi nhà, Lâm chợt nhận ra hắn chính là Phong, em trai của Quang mà anh đã gặp một lần trong quán phở.
Dường như Phong chưa nhận ra anh. Cởi áo mưa ra máng vào cánh cửa, hắn tự nhiên vớ chiếc khăn trên vành salon lau mặt.
Bỗng nhiên Lâm thấy rã rời. Anh chẳnh biết mình nhìn đi đâu cho khỏi bẩn mắt. Không lẽ Phong cũng là trong nhiều cậu " Hoàng tử bé " của mẹ?
Lòng Lâm nhói đau khi nhớ tới gương mặt khả ái của Minh Thi, anh nghĩ tới tính cách của Quang, thái độ cư xử niềm nở, chừng mực gia giáo như bà Loan. Có lẽ cha mẹ, anh em Phong không biết mối quan hệ này của anh ta đâu.
Nếu Phong đã không nhận ra hoặc cố tình lơ anh. Lâm cũng chẳng nên chào hỏi làm gì cho thêm rộn chuyện.
Bà Tuyên hỏi:
- Có mang tới không Phong?
Phong lấy trong túi ra một hộp nhỏ:
- Chị coi xem phải loại chị cần không?
Đỡ lấy cái hộp bà Tuyên reo lên:
- Đúng rồi! Cậu cũng giỏi thật!
Cười toét miệng, Phong nói:
- Chị đã nhờ, dầu khó cách mấy em cũng tìm ra.
Bà Tuyên đưa đẩy:
- Nói nghe cảm động thật! Ở lại ăn cơm vời chị nha.
Phong nhìn Lâm, giọng ngắt ngứ:
- Có phiền ai không đó.
- Làm gì có. Người nhà cả mà.
Rồi bà lại gọi to:
- Tâm! Mang thêm bánh flan ra.
Lâm cười thầm trong bụng. Anh nhìn ra ngoài đường và mong trời mau tạnh mưa.
Phong quay sang bắt chuyện với anh:
- Hình như mình đã gặp nhau rồi?
Lâm lấp lửng:
- Có thể như vậy. Nhưng tôi không nhớ là ở đâu. Tôi không mấy quan tâm tới người khác, nên anh cứ yên lòng với việc làm của mình đi.
Phong nhún vai. Anh bỏ mặc Lâm ngồi đó và tiếp tục trò chuyện với bà tuyên:
- Dì Út của em đi Nha Trang rồi. Ít nhất một tuần nữa mới về.
Bà Tuyên ngọt ngào:
- Sao em không đi cùng?
Phong tủm tỉm:
- Em sợ mất mối làm ăn.
Mỉm cười, bà Tuyên nói:
- Thì dẫn... mối theo, hoặc là đề nghi... mối bao một chuyến... lãng du dài ngày.
Phong gật gù:
- Đề nghị hấp dẫn, em phải nghĩ lại mới được.
Lâm đứng dậy đi vào bếp. Anh bảo với Tâm:
- Tìm cho anh cái áo mưa.
Đang loay hoay bên tủ lạnh, con bé tròn mắt:
- Anh định về ngay à?
Lâm cộc lốc:
- Ừ! Anh thấy khó chịu lắm!
Tâm bật cười:
- Xời ơi! Chuyện thường ngày, có gì đâu mà khó chịu. Bạn của cô Tuyên toàn trẻ không à. Họ vui lắm! Nhiều bữa họ lại đầy nhà, trai có gái có, hát Karaoke rồi nhảy đầm. Đã lắm!
Lâm ngạc nhiên:
- Em cũng thích ba cái trò đó nữa đó à?
Tâm toe toát:
- Em thích vui! Tối ngày ở nhà có hai người, chả có ai nói chuyện với ai chán lắm!
Rồi con bé hạ giọng:
- Nếu anh ở chung chắc còn vui hơn nữa!
Lâm khinh khỉnh:
- Anh không nhảy đầm ở nhà, cũng không tụ tập bạn bè ở nhà.
- Tại sao vậy?
Lâm lầu bầu:
- Không thích!
Tâm chép miệng:
- Cô Tuyên nói anh giống ba, cũng phải!
Lâm khó chịu:
- Phải cái gì?
Tâm gãi đầu:
- Em hổng biết!
Dứt lời con bé tới đầu tủ, lấy cho anh cái áo mưa. Lâm mặc vào rồi trở lên phòng khách.
Bà Tuyên hỏi trỏng:
- Nhất định về à?
Lâm lầm lì gật đầu, bà nhắc:
- Cầm tiền đi!
Lâm dắt xe ra, giọng có chút gì giận dỗi:
- Không cần đâu!
Nhìn Phong anh miễn cưởng:
- Tôi về trước nha!
Mưa vẫn rơi nặng hạt. Lâm rú gạ Chiếc xe vọt đi trong làn mưa trắng xóa.