Chương 9

Vừa đấm lưng cho bà Loan, Minh Thi vừa hỏi:
- Mẹ nhớ dì Tuyên không mẹ?
Giọng lơ đãng, bà Loan hỏi thay câu trả lời:
- Tuyên nào?
- Tuyên bạn dì Út ấy!
Bà Loan ể oải:
- Mẹ không nhớ, nhưng sao nào?
Minh Thi nhíu mày với thắc mắc khá trẻ con:
- Sao mẹ lại không nhớ nhỉ?
- Chậc! Bạn của dì Út con nhiều vô số kể, làm sao mẹ nhớ nổi.
Thi nhắc:
- Dì Tuyên là người đưa mẹ đi sanh con trong ngày đầy mưa dầm dề đó!
Đang nằm trên gường bà Loan kêu lên:
- Hả.. con vừa nói gì?
Nhắc lại lời mình vừa nói. Minh Thi còn ấm ức thêm vào:
- Đúng là mẹ không thương con, nên chẳng nhớ gì về ngày con sinh ra cả. Dì Tuyên không kể con cũng chả hay, chả biết ngày mình ra đời đất trời đã cảm động đến mức mưa dầm dề ra sao.
Bà Loan làm thinh rồi hỏi:
- Dì Tuyên gặp con ở đâu?
- Dạ Ở nhà, dì Út dẫn dì ấy tới.
- Dì ấy có còn nói gì nữa không?
- Dì Tuyên khen con giống ba...
Minh Thi nghe mẹ hừ trong miệng, bà lẩm bẩm mắng:
- Đồ ngu! Ngu chưa từng thấy!
Cô ngạc nhiên:
- Sao ạ! Ai ngu hả mẹ?
- Dì mầy chứ ai! Tự nhiên dẫn nó về nhà.
Bà Loan vừa đáp vừa lạnh lùng đẩy Thi ra. Bà bước xuống giường với vẻ bực bội khiến cô cụt hứng, không dám nói gì tiếp.
Có lẽ mẹ cô đã nhớ ra bà Tuyên rồi. Nếu không bà đã chẳng phản ứng như thế. Nhưng tại mẹ lại mắng dì Út ngu nhỉ?
Không nén nổi tò mò, Minh Thi bậm gan thắc mắc tiếp.
- Dì Tuyên là người như thế nào hở mẹ?
Bà Loan ngắc ngứ gắt.
- Con hỏi làm gì?
- Thì để biết vậy mà!
Giọng bà mơ hồ:
- Cô ta chẳng tốt lành gì đâu, nếu có gặp lại, con phớt lờ vẫn hơn.
- Tại sao lại phớt lờ hở mẹ?
Bà Loan trừng mắt:
- Tò mò quá! Đi đâu thì đi cho rồi!
Le lưỡi, Thi bước xuống gường. Cô thay quần áo rồi thong thả đạp xe đi. Buổi trưa nắng rọi trên đường xuyên qua tàng cây thành những bông trên trông khá vui mắt. Qua hết đoạn đường rợp bóng mát này là tới nhà Yến Thự Hôm nay con bé hẹn cô đi chợ, lúc nãy bị mẹ mắng, cô vội vàng không điện thoại tới xem con bé có thay đổi ý định không. Lỡ tới nơi, Thư đi vắng, chắc cô mệt nghỉ vì đạp xe giữa trưa nắng quá!
Đến nhà con bé, Thi bấm chuông. Người ra mở cổng cho cô là mẹ của Yến Thư.
Bà ngạc nhiên:
- Ủa! Thư vừa đến nhà bà ngoại, cháu vào chờ nó một chút nha!
Nuốt nỗi thất vọng vào lòng, Minh Thi nói:
- Dạ thôi, để khi khác bác ạ!
Vừa lẩm bẩm xỉ vả nhỏ Thư, cô vừa đạp xe thật nhanh. Con đường rộng, giữa trưa nắng như dài hơn, thênh thang hơn với những vòng quay tròn của bánh xe.
- Minh Thi! Đạp xe gì mà dữ vậy?
Gật mình, cô quay sang và bắt gặp nụ cười của Lâm. Anh ta ở đâu chui ra thế kìa?
Bặm môi, cô im lặng. Lòng hồi hộp, Thi chờ xem Lâm nói gì nữa.
- Chiều nay em không đi học à?
Minh Thi nhẹ lắc đầu. Giọng Lâm ấm làm sao:
- Mình vào quán uống nước nhé Thi?
Lâm khẩn khoản:
- Đi Thi... Tôi có nhiều chuyện muốn nói riêng với em.
Minh Thi mềm lòng vì ánh mắt, vì lời nói của Lâm. Cô nghe giọng mình nhẹ như muốn tan đi trong cái không gian đầy nắng vàng rực ấy.
- Vào quán nào bây giờ?
Lâm hớn hở như bắt được quà:
- Quán gần đây thôi cô nhóc ạ!
Thi đạp xe chầm chậm theo anh. Vào quán càfê là sân của một ngôi nhà có hàng rào hoa tigôn leo kín, Lâm bước tới chọn bàn. Rất tự nhiên, anh nắm tay kéo Thi ngồi xuống, rồi anh kéo ghế ngồi đối diện.
Minh Thi nói:
- Nhìn cử chỉ của anh em đoán chắc anh là thường ngồi đồng ở đây.
Lâm gật đầu:
- Đúng vậy! Nhưng cái thời ấy đã qua rồi, tới bây giờ thường ngồi đồng ở nhà trước màn hình máy tính hơn ở quán.
Minh Thi nhếch môi:
- Có thật vậy không?
Lâm có vẻ buồn:
- Sao em lại hỏi thế?
Với ta hái chùm hoa chuỗi ngọc trong chậu gần đó. Thi buông thõng:
- Vì em không hiểu anh là người thế nào.
Mắt Lâm không rời Thi, rồi đột nhiên anh hỏi:
- Thi nghĩ gì về tôi?
- Em có cần phải nói ra không?
Lâm dịu dàng:
- Cần chứ! Tôi rất muốn biết người khác nghĩ về mình ra sao.
Minh Thi đan hai tay vào nhau:
- Đó là lý do để anh mời em vào quán à?
Lâm im lặng nhìn Thi, cái nhìn của anh thật khó hiểu. Nó làm cô bối rối và thấy mình hết sức trẻ con bên cạnh một... người lớn, lọc lõi, sành đời mà lẽ ra cô phải tránh né.
Đợi người phục vụ mang ra hai chanh rum xong. Lâm nhỏ nhẹ:
- Em vẫn chưa trả lời hết sức nghiêm túc của tôi đấy nhé cô bé.
- Trong anh dường như tồn tại hai mẫu người hoàn toàn khác nhau, mà ở mẫu người nào em cũng chưa đủ sức hiểu.
Lâm hơi giễu cợt:
- Em muốn tìm hiểu để cảm thông, hay để thỏa sự tò mò?
Minh Thi bỗng tự ái, cô chanh chua:
- Dĩ nhiên là để thỏa mãn sự tò mò. Một người như anh đáng chú ý lắm chứ!
Lâm lắc đầu:
- Đừng trẻ con như thế!
Minh Thi nghênh mặt lên:
- Chẳng biết ai là trẻ con à!
Lâm tủm tỉm cười và thong thả uống nước. Nụ cười của anh làm Thi ấm ức khi nhớ tới những lời anh Phong và thái độ của Lâm lúc bà Tuyên và dì Út xuất hiện ở nhà cô.
Minh Thi buột miệng:
- Tại sao anh bỏ đi khi dì Tuyên vừa nói anh là người nhà của dì ấy?
Lâm hơi bất ngờ vì câu hỏi của cộ Anh gượng gạo:
- Tôi không thích cách nói ấy, dù thật sự tôi đúng là nợ, là nần...
Thi nuốt nghẹn xuống:
- Ý anh nói là... là...
Lâm hạ giọng như năn nỉ:
- Đừng nhắc tới chuyện đó nữa được không? Em đã hiểu tôi nhiều lắm rồi, tôi rất cần sự cảm thông của em và Quang...
Minh Thi chua xót ngắt lời anh:
- Anh nghĩ là em có thể cảm thông cho anh được sao?
Lâm buồn bã:
- Xã hội là búa rìu dư luận có thể đưa người ta lên chín tầng mây xanh, cũng có thể dìm người ta xuống mười hai tầng địa ngục. Xin lỗi, nếu tôi có đòi hỏi cao ở em!
Thi bất bình kêu lên:
- Nhưng tại sao anh không tránh xa dì Tuyên hơn nữa?
Lâm thở hắt ra:
- Tôi đã cố, nhưng máu bao giờ cũng chảy về tim. Vả lại tình cảm ấy là thiêng liêng, làm sao tôi có thể...
Nhún vai, Thi gằn giọng:
- Vậy chúng ta đâu có chuyện gì để nói nữa. Tránh xa dì Tuyên ra! Đó là lời chân tình của em.
Lâm lắc đầu:
- Em khuyên những lời của những người ích kỷ nhưng tự cho mình phán xét đúng trước cái bất hạnh mà em chưa bao giờ nếm phải. Trước đây, tôi chỉ dám đứng yên lặng trên hành lang để nhìn xuống sân trường nơi có ghế đá em hay ngồi với bạn. Tôi chỉ nhìn và dằn vặt vì những mặc cảm tự ti của mình. Tôi không nghĩ tới ngày nào đó sẽ quen được em, một cô bé có gương mặt trong sáng, khiến tôi luôn thấy mình âm u, tăm tối khi nghĩ tới.
Lâm nhìn Thi, khó khăn lắm anh mới nói tiếp:
- Khi biế em là em gái của Quang, lòng tôi mừng vui lẫn lo lắng, mừng vì sẽ có điều kiện gần em hơn, lo vì không biết em có chấp nhận nỗi bất hạnh tôi đang mang hay không... Tôi giữ kín cuộc đời riêng của mình với em, với Quang và hy vọng ở mức độ thân tình nào đó, tôi sẽ thổ lộ và được sự cảm thông của cả hai người.
Lâm nhếch môi chua chát:
- Nhưng thực tế không như tôi tưởng... Dù sao cũng cám ơn em đã đánh thức, đã xua tan mộng ảo trong tôi, đã đặt cho tôi đúng vị trí của mình.
Minh Thi chẳng biết nói sao. Trong hồn cô như có một màng sương giăng phủ, mơ hồ, hoang mang. Những gì Lâm vừa nói giống một lời tỏ tình hơn một lời trách móc. Nếu anh có... tình cảm với Minh Thi như anh nói, tại sao anh không tránh xa người đàn bà đó, trái lại, anh muốn cô phải đồng tình, phải thông cảm? Làm sao cô và cả gia đình cô có thể thông cảm cho Lâm được chứ?
Minh Thi đau đớn kêu lên:
- Anh cần tiền lắm à?
Lâm nhíu mày:
- Tiền ai lại không cần. Nhưng em hỏi thế là xúc phạm tôi rồi.
Giọng Lâm bỗng trầm hẳn xuống:
- Tôi tưởng chúng ta có nhiều điểm tương đồng, tôi đã đặt niềm tin yêu và hy vọng vào em. Nhưng rất tiếc, em không rộng lượng, bao dung như tôi đã nghĩ. Tôi đã mơ một giấc mơ chưa là của mình, để bây giờ giấc mơ ấy tan vỡ rồi.
Minh Thi rơm rớm nước mắt, tất cả những gì Lâm vừa nói cũng là tâm trạng của cô hiện tại.
Hai người bỗng rơi tỏm vào im lặng, Thi nhìn chú chim sâu nhỏ xíu trên cành lá, nó nhảy nhót một mình thảnh thơi, sung sướng, khôngt như cô tự trói mình vào vòng lẩn quẩn mà lẽ ra cô phải can đảm cởi bỏ khi biết sự thật về bản thân Lâm.
Quay lại, cô bắt gặp ánh mắt Lâm đăm đăm, cô buồn bã:
- Anh nói hết những điều muốn nói rồi à?
Lâm đắn đo:
- Thế còn em? Em còn muốn nói gì với tôi nữa không?
Minh Thi lắc đầu:
- Đã đến lúc em về rồi.
Nói xong, nước mắt cô bỗng ứa ra, Lâm bứt rứt:
- Sao thế?
Thi ngó ra khoảng sân hoe nắng rồi đứng dậy và thầm và mong Lâm sẽ bước theo mình. Nhưng không, anh vẫn ngồi lại, cô đơn, lặng lẽ.