Phần 15

211. Để phát huy tác dụng chữa bệnh, thuốc có liên quan với thụ thể như thế nào?
Thuốc và chất độc sau khi vào cơ thể sẽ có tác động khác nhau. Thuốc phát huy tác dụng chữa bệnh, còn chất độc sản sinh phản ứng có hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, cả hai đều là những hoạt chất có nguồn gốc từ bên ngoài.
Trong cơ thể chúng ta cũng có rất nhiều chất hoạt tính sinh vật như chất truyền thần kinh, chất kích thích... Chúng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công năng sinh lý, sự sản sinh và điều tiết trong cơ thể. Chúng được gọi là chất hoạt tính sinh vật nguồn trong.
Chất hoạt tính sinh vật (dù là nguồn trong hoặc nguồn ngoài) khi sản sinh công năng sinh lý hoặc hiệu quả trong cơ thể đều phải kết hợp với thụ thể trên tế bào bia. Thụ thể giống như một cửa ải; các chất hoạt tính sinh vật đến đó đều phải trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt, hoàn toàn hợp cách mới có thể phát huy tác dụng. Thụ thể này là một loại anbumin hóa hợp thành phân tử cao sinh vật, thường nằm trên màng ngoài của tế bào. Khi chất hoạt tính đến tế bào bia, nó sẽ kết hợp với thụ thể, chuyển những thông tin có đặc tính phù hợp cho cơ thụ thể, thông qua thụ thể lại truyền vào các kết cấu khác ở bên trong tế bào, cuối cùng sản sinh công năng sinh vật trên chất phản ứng.
Loại thụ thể này có một khả năng nhận thức và phân biệt với tính chuyên nhất rất cao đối với chất hoạt tính. Những thụ thể riêng biệt có thể nhận thức được các chất hoạt tính nguồn trong, hoặc phân biệt được các chất thuốc hoặc độc tố có đặc trưng tương ứng. Ví dụ, chất truyền thần kinh acetycholine được phối với thụ thể acetylcholine. Loại thụ thể này không biết nhận những chất truyền thần kinh khác. Cho nên acetylcholine chỉ có thể thông qua acetylcholine để phát huy công năng sinh lý truyền thông tin thần kinh.
Tác dụng của thuốc cũng tương tự. Nó có thể kết hợp với những thụ thể đặc biệt nào đó và kích hoạt thụ thể sản sinh ra công năng chữa bệnh. Sau khi thuốc kết hợp với thụ thể, nó sẽ chiếm lĩnh vị trí khiến cho chất hoạt tính của nguồn trong không thể kết hợp được với thụ thể, tức là con đường thông thương giữa hai bên bị cắt đứt, từ đó mà phát huy tác dụng chữa bệnh. Ví dụ: thụ thể H2 dùng để chữa bệnh loét dạ dày sẽ ngăn trở chất Cimetidine, thông qua cơ chế này để sản sinh ra hiệu quả điều trị.
212. Vì sao không nên uống nhiều thuốc bổ?
Trung Quốc có câu "Thuốc bổ không bằng thức ăn bổ"; nghĩa là người bình thường nên dựa vào thức ăn để bổ sung dinh dưỡng là chính, không nên dựa vào thuốc để tăng thêm sức khỏe. Một số người cho rằng uống nhiều thuốc bổ là tốt nên uống nhiều nhân sâm, a giao, lộc nhung... Kết quả là ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Nếu nói về nhân sâm, vốn được coi là "vua của các loại thuốc" thì hồng sâm thiên về nhiệt, sinh sâm thiên về lạnh, bạch sâm thiên về ôn. Người hỏa khí mạnh không nên uống hồng sâm, nếu uống sẽ gây đau đầu, miệng khô, cổ họng và mũi xuất huyết. Người hỏa khí yếu không được uống sinh sâm, nếu uống sẽ sợ rét, choáng đầu, hoa mắt, tiêu chảy. Việc uống nhiều bạch sâm sẽ gây ra hưng phấn, kích động, mất ngủ và huyết áp tăng cao.
A giao là một loại keo da được nấu từ da con lừa đen, có tác dụng tư bổ đối với phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều. Nhưng người khỏe dùng loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến công năng tiêu hóa, thậm chí gây hiện tượng đau bụng, đi ngoài.
Lộc nhung là loại thuốc bổ thích hợp với người già sợ lạnh và phụ nữ cơ thể yếu. Người khỏe mạnh dùng nó sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí sinh các hiện tượng căng đầu, khô miệng, mũi xuất huyết.
Ngoài ra, đối với nhiều thuốc bổ được chưng cất, tinh chế (như nhân sâm, sữa ong chúa, bột trùng thảo)..., không phải người nào cũng uống được.
Một người khỏe bình thường không cần uống thuốc bổ, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, những người có công năng sinh lý tốt, sự hấp thu, đào thải đều mạnh mẽ, các khí quan trong cơ thể đang phát triển. Việc loạn ăn, loạn uống có thể sản sinh tác dụng phụ. Đã có một số trẻ em vì uống thuốc bổ có những thành phần kích thích mà dẫn đến dậy thì sớm. Những người cần uống thuốc bổ cũng không được uống lung tung mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe để chọn loại thuốc bổ thích hợp, lượng uống vừa phải.
213. Vì sao tuyệt đối không được thử thuốc gây nghiện?
Nói đến thuốc phiện, hầu như mỗi người đều biết nó rất nguy hại cho cơ thể, một khi đã nghiện hút thì rất khó bỏ.
Trong họ thuốc phiện, thường gặp nhất là nha phiến, heroin, maphy, tama, cocain... Theo nguồn và phương thức sản xuất, chúng có thể phân thành ba loại lớn là: những chất độc hại thiên nhiên, chất độc hại tinh chế và chất độc tổng hợp. Heroin, maphy, thuốc phiện được luyện từ cây anh túc; còn tama và cocain luyện từ cây tama và cây cocain. Anh túc, cây tama và cây cocain là thuộc loại chất độc tự nhiên; còn heroin, maphy, tama, cocain là những chất độc tinh chế. Chất độc tổng hợp được sản xuất từ các chất hóa học.
Trong cuộc sống, có nhiều món ăn ta chưa hề được nếm qua nên muốn thử để biết được hương vị của nó. Các loại nước giải khát mới, loại kẹo mới đều được mọi người muốn nếm thử xem sao. Nhưng với thuốc phiện thì tuyệt đối không được nếm thử, bởi vì nó giống như ác quỷ, một khi đã nếm qua, nó sẽ sinh ra sự ràng buộc mãnh liệt đối với cơ thể và tinh thần. Nếu ngừng hoặc giảm lượng dùng, cơ thể sẽ vô cùng đau khổ, biểu hiện là ngáp dài, hắt hơi, sợ rét, nôn nao, buồn nôn, bụng đau thắt, đi ngoài, xương và cơ bắp đau đớn... Chỉ cần dùng thuốc trở lại thì những chứng trên sẽ nhanh chóng tiêu tan. Đó chính là sự phụ thuộc của cơ thể với thuốc độc. Ngoài ra, những người đã hút thuốc phiện sẽ không bao giờ quên được khoái cảm do thuốc đưa lại, vì vậy luôn luôn tìm cách để được hút; Đó là sự ràng buộc về tinh thần do thuốc độc sản sinh ra.
Thuốc độc tuyệt đối không thể thử, không thể vì tò mò mà thử. Có người chỉ hút một lần là nghiện, sau khi nghiện hầu như không thể nào dứt bỏ được. Việc dựa vào sức lực của cá nhân để thực hiện cai nghiện thường không thể thành công.
Vì sao cai nghiện khó như thế? Những người nghiện không thể đủ sức để tự khống chế mình, vì nhân cách đã tan nát, khó chịu đựng được sự cám dỗ thèm khát thuốc. Ở họ xuất hiện tâm trạng lo lắng buồn phiền, thậm chí đi đến tự sát, dùng mọi thủ đoạn để tìm bằng được thuốc hút. Có câu chuyện kể về một người nghiện như sau: Để biểu thị quyết tâm cai nghiện, anh ta đã dùng dao chặt đứt một ngón tay để cảnh cáo mình không được hút trở lại. Nhưng khi ngón tay còn nhỏ máu ròng ròng thì quyết tâm anh ta lại đã lung lay. Anh ta tìm miếng vải băng bó lại và đi ra khỏi phòng để tìm thuốc.
Do đó, muốn cai nghiện, nhất định phải nhốt kín bệnh nhân, dùng thủ đoạn cưỡng bức để đánh tan sự ràng buộc về cơ thể. Để giải trừ ràng buộc về tinh thần, bệnh nhân cũng phải nhờ nhân viên y tế hướng dẫn đúng đắn và có kế hoạch, tiến hành từng bước.
214. Vì sao âm nhạc cũng có thể chữa bệnh?
Việc thưởng thức âm nhạc khiến cho ta có cảm giác thoải mái, thư giãn, có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Hiện nay, phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc đã trở thành một môn khoa học mới trong y học, ngày càng được nhiều người quan tâm. Ví dụ: Trong đỡ đẻ nếu có kèm âm nhạc thì thời gian phẫu thuật ngắn, xuất huyết ít, tâm trạng bệnh nhân tốt. Nhiều bệnh nhân tâm thần mạn tính được điều trị bằng âm nhạc cho biết, sau khi điều trị, họ cảm thấy lồng ngực thoáng đãng, lòng tin chiến thắng bệnh tật được nâng cao, tinh thần phấn chấn. Việc sử dụng âm nhạc cũng có thể giảm bớt cảm giác bất an đối với người hiến máu.
Công hiệu chữa bệnh thần kỳ này của âm nhạc chủ yếu thông qua hai con đường vật lý và tâm lý. Giống như một hòn sỏi nhỏ có thể làm rung động cả mặt nước hồ, những âm điệu nhẹ nhàng của âm nhạc sau khi truyền vào cơ thể sẽ làm cho tâm lý thoải mái, khiến cho các tổ chức tế bào trở nên hài hòa và cộng hưởng lẫn nhau, đạt được tác dụng xoa bóp tế bào một cách kỳ diệu. Đồng thời, nó còn khiến cho hộp sọ, lồng ngực hoặc một số tổ chức nào đó sản sinh cộng hưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến sóng điện não, nhịp tim, nhịp hô hấp... khiến cho nhịp điệu sinh lý trở về bình thường. Mặt khác, âm nhạc có thể nâng cao sự hưng phấn đối với các tế bào thần kinh vỏ não, làm sinh động và cải thiện tâm trạng, xóa bỏ trạng thái tâm lý thần kinh căng thẳng do môi trường bên ngoài gây nên, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Sáng sớm ngủ dậy, nghe một khúc nhạc tiết tấu sáng sủa, giàu tính kịch thích, ta sẽ thấy tinh thần sung mãn, tâm tình thoải mái. Buổi tối, sau một ngày làm việc, nên chọn những bản nhạc cổ điển có âm điệu đẹp, tiết tấu chậm, sẽ có lợi cho việc thư giãn, giảm bớt mệt mỏi. Tuyệt đối không nên nghe những bản nhạc kích thích mạnh vì nó có hại cho sức khỏe.
215. Vì sao việc tắm nước lạnh có tác dụng rèn luyện thân thể?
Người xưa cho rằng, muốn sức khỏe tốt phải thường tắm nước lạnh. Sự thật quả như thế. Cơ thể chúng ta dù ban ngày hay ban đêm, mùa đông hay mùa hạ đều luôn ra mồ hôi. Mồ hôi mang theo những chất thải trong cơ thể, nó kết hợp với bụi bặm và lớp da rụng ra làm thành cáu bẩn, và phát ra mùi khó chịu. Nếu những chất bản này làm tắc lỗ chân lông, sức đề kháng của da sẽ giảm thấp, vi khuẩn sinh sôi dẫn đến các bệnh ngoài da. Vì vậy, cần tắm luôn có thể giữ cho da sạch, ít mắc bệnh.
Việc tắm nước lạnh còn lợi lớn hơn thế nữa. Nếu dùng nước lạnh 10-22 độ C để tắm, nhiệt độ da sẽ giảm xuống. Qua các cơ quan cảm thụ và thần kinh da, kích thích lạnh được truyền lên vỏ đại não, nâng cao sự hưng phấn của vỏ đại não, khiến cho tinh thần sôi nổi, tinh lực sung mãn, ăn ngon. Nó cũng ảnh hưởng đến trung khu điều tiết thân nhiệt của cơ thể, khiến ta thích ứng được với nhiệt độ biến đổi, nâng cao khả năng chịu rét. Nếu thường xuyên dùng nước lạnh để tắm, tinh thần sẽ đầy đủ, cơ thể sảng khoái, sức chịu đựng giá lạnh, ẩm ướt và sự biến đổi thời tiết tăng cao, ít bị cảm lạnh và nhiều bệnh khác.
Việc dùng nước lạnh để rèn luyện cơ thể nên bắt đầu từ mùa hè. Hằng ngày, vào buổi sáng, nên dùng nước lạnh để tắm, cứ thế cho đến mùa đông. Trước khi tắm, nên dùng khăn thấm nước lạnh lau mình, bắt đầu từ hai tay, qua lồng ngực, bụng, sau lưng xuống đến chân khiến cho da đỏ lên là vừa, làm cho thân thể quen dần với nước lạnh. Ban đầu, thời gian mỗi lần tắm không nên quá 5 phút, về sau dần dần tăng lên đến 15-20 phút, cứ tuần tự tăng lên và rèn luyện thường xuyên.
Khi cơ thể không thoải mái hoặc bị ốm thì nên ngừng tắm ngay; trước hoặc sau khi ăn cơm nửa giờ cũng không nên tắm.
216. Vì sao tắm nắng nhiều có hại cho cơ thể?
Cuộc sống con người liên quan mật thiết với ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại trong ánh nắng có thể giết chết các loại vi khuẩn, ngăn ngừa nhiều bệnh phát sinh. Trẻ em bị còi xương thường được bác sĩ nhắc nhở cho tắm nắng, vì ánh nắng có thể khiến cho một chất hóa học trên da trẻ em chuyển thành vitamin D, thúc đẩy sự phát triển của xương. Nhưng việc tắm nắng quá mức, đặc biệt là phơi mình trần dưới ánh nắng mặt trời mạnh, sẽ làm tổn hại da, gây nên các bệnh do tắm nắng.
Ở các nước Âu, Mỹ, thói quen tắm nắng rất phổ biến. Những năm gần đây, vùng duyên hải Trung Quốc cũng bắt đầu thịnh hành tắm nắng. Người ta chỉ mặc quần áo tắm, để hở ngực và lưng, ngủ trên bãi cát, nắng đốt da đỏ lên. Khi da phơi nắng thành màu sẫm thì thực tế là da đã bị tổn hại. Nói chung, sau mấy giờ tắm nắng, trên da xuất hiện những đám đỏ, có cảm giác bỏng rát, thậm chí còn nổi những nốt phồng nhỏ. Đó là vì tia tử ngoại đã kích thích tế bào da, khiến cho mạch máu ở lớp da trong giãn nở ra mà hình thành những đám đỏ. Những đám da đỏ này phải qua 3 - 4 ngày mới khỏi. Bệnh nhân có thể bong da, hoặc sắc tố trầm tích lại khiến cho da trở thành màu nâu. Y học gọi đó là vết phản ứng phơi nắng, một loại tổn thương của ánh nắng đối với da.
Phơi nắng quá nhiều có thể gây ung thư da. Ở Đức, người ta nghiện phơi nắng, hậu quả là mỗi năm có khoảng 10 vạn người bị ung thư da. Tia tử ngoại quá nhiều sẽ phá hoại tế bào da và sản sinh hiện tượng đỏ da. Tiếp theo, lớp da bị chết sẽ bong ra, dẫn đến hình thành khối u màu đen ác tính. Do đó, những người hay phơi nắng hoặc có diện tích da phơi nắng quá nhiều nên đến bác sĩ nếu phát hiện thấy trên cơ thể có những đám sắc tố giống như cao su, gờ biên nổi lên.
Việc tắm nắng quá mức cũng làm giảm thấp sức đề kháng của da, phá hoại tổ chức da và làm cho tế bào bị biến đổi, dễ phát sinh các bệnh cảm nhiễm về da. Thói quen này cũng khiến cho da lão hóa nhanh. Vì tiếp xúc với nắng lâu, tế bào da bị mất nước, dẫn đến xuất hiện những nếp nhăn dày, da bị sừng hóa, lớp da trong mất tính đàn hồi vì các sợi xơ bị gãy, biến chất, da trở nên thô ráp, khô. Vì vậy, ở những người ở lứa tuổi 30 hay tắm nắng, trên trán sớm xuất hiện nếp nhăn. Ở những cô gái ở lứa tuổi 20 hay tắm nắng, đuôi mắt cũng sớm xuất hiện nếp nhăn hình đuôi cá.
Qua đó, có thể thấy, thời gian tắm nắng không nên dài. Nên tránh ánh nắng quá mạnh để đỡ tổn thất da, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe.
217. Vì sao trước khi ngủ nên uống một cốc sữa?
Nhiều bố mẹ thích cho con uống sữa buổi sáng. Họ cho rằng như thế dễ hấp thu, thực ra cách nghĩ này không đúng.
Trong sữa có 87% nước, 13% còn lại là các chất anbumin, mỡ, các hợp chất của nước và cácbua và một số nguyên tố vi lượng như canxi, các sinh tố...
200 gam sữa có thể cung cấp 451kJ, nhưng nếu uống khi đói, lượng nước trong sữa sẽ khiến cho dịch vị loãng ra, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu. Ngoài ra, sữa là chất lỏng, thời gian ngừng lại trong dạ dày rất ngắn, thành phần dinh dưỡng khó được hấp thụ hết, cho nên tốt nhất là ăn đồng thời với bánh mì, bích quy, không nên uống sữa không.
Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học phát hiện thấy trong sữa có một chất khiến cho con người dễ mệt mỏi, đó là axit amonic L, có tác dụng trấn tĩnh đối với cơ thể. Từ đó, ta thấy nếu buổi sáng uống một cốc sữa khi bụng đói, cơ thể sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và học tập.
Vào buổi tối trước khi ngủ, việc uống một cốc sữa có thể giúp bổ sung dinh dưỡng, ngủ ngon, bảo đảm nghỉ ngơi đầy đủ, có lợi cho học tập và công tác ngày hôm sau, đặc biệt là đối với những người thần kinh suy nhược, khó ngủ.
Sữa không những giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng điều trị và phòng ngừa một số bệnh. Ví dụ, những người bị bệnh loét dạ dày hoặc hành tá tràng nếu thường xuyên uống sữa có thể giữ cho niêm mạc tốt, thúc đẩy vết loét mau lành. Trong sữa có nhiều chất canxi, dễ được cơ thể hấp thu, sữa cao canxi có thể đề phòng bệnh loãng xương. Ngoài ra, sữa cho thêm mật ong có tác dụng nhuận tràng, giúp chữa bệnh táo bón.
218. Vì sao việc đấm lưng có thể giải trừ mệt mỏi?
Trung y truyền thống cho rằng, cuộc sống của con người có quan hệ chặt chẽ với khí huyết. Khí là chất cơ bản để thúc đẩy hoạt động sinh lý của các tổ chức và các khí quan; huyết là danh từ gọi chung các dịch trong cơ thể. Khí huyết nhờ kinh lạc mà tuần hoàn, vận chuyển khắp toàn thân, cung cấp dinh dưỡng cho các tổ chức trong cơ thể.
Có người vì thần kinh và tâm lý quá căng thẳng, lại thiếu những hoạt động và rèn luyện cần thiết nên sự vận hành khí huyết trong cơ thể luôn luôn bị trở ngại, sinh ra cảm giác thắt lưng đau mỏi. Lúc đó, nếu có con cháu hoặc người nhà dùng tay xoa đấm trên lưng thì sau một chốc, cảm giác mệt mỏi sẽ tiêu tan hết.
Đấm lưng vì sao lại có tác dụng kỳ diệu như thế? Lưng là bộ phận đốc mạch trong hệ thống kinh lạc; phía trên là huyệt đại chùy, phía dưới là huyệt mệnh môn và nhiều huyệt quan trọng khác. Việc đấm lưng có tác dụng kích thích những huyệt này, thúc đẩy cục bộ sự lưu thông huyết, khiến cho khí huyết không bị tắc ứ, gân cốt và cơ bắp vốn căng thẳng nay được thư giãn. Như vậy, sự mệt mỏi tự nhiên sẽ mất, con người cảm thấy hưng phấn, dễ chịu.
 219. Vì sao mùa xuân cần ấm, mùa thu cần lạnh?
"Mùa xuân cần ấm, mùa thu cần lạnh" là câu nói cửa miệng mà ta thường nghe thấy. Ý nghĩa của câu này là khí hậu mùa xuân vừa chuyển sang ấm, không nên mặc quá mong manh mà nên "mặc ấm" một chút. Sang mùa thu, khí hậu bắt đầu chuyển lạnh, không nên mặc quần áo dày sớm quá, nên để cho thân thể hơi lạnh một chút. "Xuân ấm, thu lạnh, bách bệnh đều dễ tránh", đó là kinh nghiệm của dân gian tổng kết ra trong quá trình thực tiễn đấu tranh lâu dài với thiên nhiên. Cho nên, câu nói này có cơ sở khoa học nhất định.
Như ta đã biết, thân nhiệt của con người luôn giữ ở mức 37 độ C. Nếu thân nhiệt quá cao hoặc quá thấp, công năng sinh lý của cơ thể dễ bị tổn hại.
Có thể làm gì để giữ được nhiệt độ bình thường đó? Một là dựa vào sự điều tiết trong nội bộ cơ thể (sự giãn nở hoặc co bóp của các mạch máu dưới da, ra mồ hôi nhiều hay ít); hai là dựa vào việc mặc quần áo nhiều hay ít (khi trời nóng thì mặc ít một chút, như vậy có lợi cho sự tán nhiệt của cơ thể; khi trời chuyển lạnh mặc nhiều một chút để tránh cơ thể bị mất nhiệt nhiều).
Mùa đông qua, mùa xuân đến là các giai đoạn quá độ chuyển từ lạnh sang ấm. Lúc này, thời tiết tuy đã ấm dần nhưng khí hậu thường biến đổi, chốc nóng, chốc lạnh, thường là khi mặt trời lên thì ấm, khi nổi gió thì lạnh. Do đó, cơ thể trong mùa đông đã quen với việc mặc nhiều, đến mùa xuân nếu mặc ít quá sẽ không thích nghi được với sự biến đổi của khí hậu và dễ bị cảm lạnh. Cho nên, vào đầu mùa xuân, mọi người có ý "mặc ấm" một chút, giảm quần áo dần dần.
Mùa hè qua, mùa thu đến là giai đoạn quá độ chuyển từ nóng sang lạnh. Thời tiết tuy bắt đầu lạnh nhưng vẫn có một quá trình chuyển đổi. Có người vừa vào mùa thu đã vội vàng mặc nhiều áo ấm, thậm chí sớm mặc cả áo bông, cách làm đó không tốt. Vì mặc ấm sớm quá thì cơ thể không được rèn luyện với cái lạnh, khiến cho khả năng phòng rét kém đi, không lợi cho sự điều tiết công năng của cơ thể. Kết quả đến giữa mùa đông, thời tiết thật rét, mũi và khí quản bị không khí lạnh tấn công thì các mạch máu trong đó đề kháng không nổi, khiến cho lưu lượng máu ít, sức đề kháng giảm xuống. Những khuẩn bệnh nằm sẵn trong mũi và khí quản thừa cơ hoạt động, gây nên các chứng ho, cảm mạo, hắt hơi, chảy mũi, phát sốt. Cho nên mùa thu nên "lạnh" một chút, quần áo mặc tăng dần.
"Xuân cần ấm, thu cần lạnh", câu nói này tuy có cơ sở khoa học nhất định, nhưng cũng phải xuất phát từ thực tế. Nếu đầu mùa xuân, thời tiết tương đối nóng mà vẫn còn mặc áo bông, đầu mùa thu thời tiết tương đối lạnh mà vẫn mặc mong manh thì sẽ bị ốm ngay. Tóm lại, phải căn cứ tình hình biến đổi của khí hậu và tình trạng sức khỏe bản thân để ăn mặc cho phù hợp.
220. Vì sao khi lên cơn sốt, nên uống nhiều nước ấm?
Đối với cơ thể, nước vô cùng quan trọng, gắn chặt với sự sống của con người. Người nào không uống nước 7 - 8 ngày liền sẽ tử vong.
Nói chung, mỗi người một ngày đêm cần khoảng 2,5 lít nước. Nhưng lượng nước cơ thể cần không phải là cố định. Mùa hè nóng nực, người ta cần lượng nước nhiều hơn; sau khi vận động nhiều cũng cần lượng nước nhiều hơn.
Vậy vì sao khi lên cơn sốt, ta cũng cần lượng nước nhiều hơn so với lúc bình thường? Nguyên lý rất đơn giản, đó là vì khi sốt cao, lượng nước trong cơ thể từ đường hô hấp và từ da bốc hơi rất nhiều. Cho nên phải uống nhiều nước ấm để bổ sung, nếu không sẽ có hiện tượng mất nước và ốm thêm nặng. Ngoài ra, nước có công năng điều tiết thân nhiệt. Việc uống nhiều nước có thể giúp giảm thấp thân nhiệt thông qua mồ hôi hoặc tiểu tiện. Ngoài ra, với các trường hợp sốt do vi khuẩn, việc uống nhiều nước sẽ làm loãng độc tố do vi khuẩn tiết ra trong máu, thải nó ra ngoài.
Hơn nữa, khi sốt cao, quá trình hấp thu, đào thải của cơ thể bị rối loạn, những chất có hại trong cơ thể sẽ xuất hiện trong máu. Việc uống nhiều nước sẽ làm loãng những chất có hại này, giảm ảnh hưởng không tốt của nó đối với cơ thể.
221. Vì sao nói "rửa chân nước nóng trước khi ngủ cũng như uống thuốc bổ"?
Hai chân con người không những đỡ trọng lượng toàn thân mà còn chuyển dời thân thể đi. Theo tính toán, một người trong cuộc đời đi khoảng 10 vạn km, tương đương với 2,5 vòng tròn quả đất.
Con người hoạt động, chân phải làm việc rất nặng nhọc, cho nên việc giữ ấm đôi chân vô cùng quan trọng đối với công tác, học tập và sức khỏe. Rửa chân trước lúc ngủ là một phương pháp bảo vệ sức khỏe, rất có ích cho toàn thân, lại ngăn ngừa bệnh nấm chân.
Việc dùng nước ấm rửa chân có tác dụng như uống thuốc bổ. Nước nóng 60 - 70 độ C có thể kích thích đầu cuối thần kinh, điều tiết hệ thống thần kinh thực vật và nội tiết tố, thúc đẩy máu tuần hoàn tốt, cung cấp đủ chất bổ và khí ôxy, kịp thời bài trừ những chất thải tích tụ, cải thiện giấc ngủ và nâng cao trí nhớ.
Theo học thuyết kinh lạc của đông y, lục phủ ngũ tạng của cơ thể đều có những huyệt vị tương ứng trên chân. Cả hai chân có tất cả 66 huyệt, chiếm 1/10 tổng số huyệt toàn thân. Việc rửa chân và xoa bóp các huyệt trên chân sẽ ngăn ngừa được nhiều bệnh cục bộ và toàn thân. Ví dụ: Vì sao khi hai chân bị lạnh, ta lại dễ bị cảm? Đó là vì hai chân cách xa tim, cho nên máu được cung cấp ít, nhiệt độ của da chân hơi thấp. Ngược lại, chân có quan hệ chặt chẽ với hệ thống thần kinh của niêm mạc đường hô hấp. Chân bị lạnh sẽ có phản xạ làm cho các mạch máu trong niêm mạc đường hô hấp co lại, lượng máu lưu thông ít, sự vận động của các lông tơ giảm, do đó sức đề kháng bệnh của cơ thể giảm rõ rệt. Khi đó, những khuẩn bệnh vốn tiềm tàng trong mũi và yết hầu sẽ sinh sôi nảy nở, gây ra bệnh. Sau khi bị cảm, mỗi ngày dùng nước ấm rửa chân 2 - 3 lần, sẽ khiến hiện tượng ứ huyết trong niêm mạc mũi và yết hầu biến mất, chứng cảm sẽ nhẹ đi.
Ngoài ra, việc dùng nước ấm rửa chân còn có thể làm tan mệt mỏi, ngăn ngừa chi dưới đau mỏi do đi đường xa hoặc lao động nặng gây nên. Việc dùng nước ấm rửa chân trước khi ngủ còn có thể điều tiết công năng vỏ đại não, khiến cho thần kinh trở về trạng thái yên tĩnh, thư giãn, giúp ngủ ngon.
222. Vì sao phải cẩn thận khi tắm hơi?
Tắm hơi do người Phần Lan phát minh ra. Hồi đó, nhà tắm còn là một căn phòng bằng gỗ dựng bên bờ hồ. Trong phòng đầu tiên đốt lửa cháy, đặt một hòn đá trên ngọn lửa, đợi đến khi đá nóng đỏ thì khoát nước lã lên, khiến hơi nước bốc ngùn ngụt trong căn phòng nhiệt độ tăng cao. Người tắm cởi trần ở trong phòng một thời gian, mồ hôi toàn thân đầm đìa thì đi ra ngoài và nhảy xuống hồ nước lạnh. Sau đó dùng cành cây có dầu thơm đánh khắp mình, cứ làm như thế liên tục nhiều lần.
Ngày nay, tắm hơi đã mở rộng ra khắp thế giới. Nhiều khách sạn và những tắm sang trọng cũng dùng cách tắm này. Cách tắm ngày nay nói chung là xả hơi nước nóng vào phòng tắm, trong một thời gian ngắn, nhiệt độ trên mặt da lên đến 38-40 độ C. Người tắm ở trong phòng 5-10 phút, sau đó tắm nước lạnh cho nhiệt độ trên da xuống thấp 4-8 độ C. Cũng có người bắt chước cách tắm của người Phần Lan: Trong một góc của phòng tắm đặt một lò lửa, trên ngọn lửa để một tảng đá to, khi hòn đá nóng thì khoát nước từ một thùng cạnh đó lên hòn đá... Hiệu quả cách tắm này rất tốt, người tắm còn có thể hưởng thụ niềm hứng thú, vì vậy rất được ưa thích.
Vì sao nhiều người nghiện tắm hơi? Nó có lợi gì cho sức khỏe? Đó là vì khi đắm mình trong nhiệt độ cao thì mồ hôi ra rất nhiều; mỗi lần tắm, người có thể ra khoảng nửa lít mồ hôi. Cứ hai tuần tắm một lần, liên tục 4-5 tháng, tình trạng hấp thu đào thải của cơ thể sẽ được cải thiện, trọng lượng giảm. Việc tắm hơi cũng khiến cho nhịp tim và mạch đập tăng, huyết áp hơi cao, mạch máu dưới da giãn nở, kết quả tương tự như rèn luyện thể dục chạy đường dài, có lợi cho việc tăng cường thể chất, đề phòng các chứng cảm gió, lưng đau mỏi và đau khớp...
Nhưng việc tắm nóng lạnh không đúng cách cũng dễ gây nguy hiểm hoặc đột tử. Người tắm lần đầu, đặc biệt là người già, chỉ nên ở trong phòng hơi nước nhiệt độ cao nhiều nhất 5 phút, về sau thích ứng dần mới có thể tăng thời gian lên, nhưng mỗi lần không vượt quá 10 phút, nếu không sẽ dễ nguy hiểm. Người đang sốt, người mất nước, người mới uống rượu hoặc vừa tập luyện xong (cơ thể đang thiếu nước) không nên tắm hơi ngay, nếu không sẽ bị ra mồ hôi quá nhiều, rất có hại. Người điên hoặc bị bệnh tim, phổi đều không nên tắm hơi. Người bị bệnh viêm gan A và phụ nữ tiền mãn kinh lúc tắm phải rất cẩn thận.
223. Vì sao sữa đậu chưa đun chín có độc?
4.000 năm trước, nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu biết ăn sữa đậu. Đồ uống này có hàm lượng dinh dưỡng phong phú nên luôn được xem là thức ăn bổ dưỡng. Nhưng một số gia đình chế sữa đậu chưa đun chín đã đem dùng, kết quả là xuất hiện các chứng ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy và nôn.
Vì sao uống sữa đậu chưa đun chín lại gây ngộ độc? Nguyên nhân là trong đậu sống có các chất ức chế như trypsin, chất ngưng kết tế bào, chất saponin... Những chất độc này tương đối bền nhiệt, người ăn sữa đậu chưa nấu chín hoặc bột đậu chưa được rang chín có thể bị ngộ độc. Triệu chứng xuất hiện sau khi uống không lâu: nôn nao, nôn, đau bụng, bụng chướng, tiêu chảy, có thể dẫn đến mất nước và rối loạn chất điện giải. Bệnh nhẹ sẽ tự khỏi sau 3-5 giờ, nặng thì kéo dài 1-2 ngày.
Để ngăn ngừa ngộ độc, bác sĩ nhắc nhở chúng ta trước khi tinh chế sữa đậu, nên rang chín hoặc nấu chín. Thông thường, trong quá trình đun, khi nhiệt độ chỉ mới đạt 80-90 độ C, nước sữa đã sủi bọt. Nhiệt độ này vẫn chưa thể phá hoại hoàn toàn các chất độc trong sữa đậu. Lúc đó, nên giảm ngọn lửa để sữa đậu không trào ra, tiếp tục đun sôi 10-15 phút mới có thể phá hoại triệt để các chất độc trong sữa đậu.
224. Vì sao khi đứng thành tường chắn đá phạt, cầu thủ bóng đá dùng hai tay ôm bụng dưới?
Xem đá bóng, ta thường thấy trong những pha đá phạt trực tiếp, các cầu thủ đứng thành tường chắn để bảo vệ cầu môn. Lúc đó, phần lớn họ đều dùng hai tay che bụng dưới, vì sao?
Nguyên là khoảng cách giữa hàng rào chắn và vị trí quả bóng rất gần. Khi quả bóng đá đi, không những lực rất lớn mà tốc độ cũng rất nhanh, các cầu thủ đứng thành hàng rào chắn có thể không phản ứng kịp. Trong khoang bụng có rất nhiều tạng phủ quan trọng như gan, lá lách, dạ dày, tụy, thận... Hơn nữa, da và cơ bắp ở đây lại rất mỏng. Cầu thủ bị trúng bóng không những bụng đau dữ dội mà còn có thể bị tổn thương các tạng phủ, chẳng hạn vỡ gan, lá lách.. Ngoài ra, bộ phận sinh dục của họ (vốn không có bộ phận bảo vệ) cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu trúng bóng.
Do đó, khi đứng thành hàng rào chắn đá phạt, các cầu thủ phải dùng hai tay bảo vệ bụng. Đây là phương pháp hiệu quả để đề phòng bụng hoặc dương vật bị tổn thương.
225. Vì sao khi khát, việc uống nước nóng có tác dụng giải khát tốt hơn nước mát?
"Đói thèm ăn, khát thèm uống", đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Vào mùa hè oi bức hoặc sau khi làm việc nhiều, cơ thể ra nhiều mồ hôi, người ta sẽ cảm thấy khát, muốn uống nước. Nhưng điều thú vị là rất nhiều người cảm thấy uống nước nóng giúp giải khát tốt hơn nước mát.
Người ta sở dĩ có cảm giác khát là do khi cơ thể thiếu nước đến một mức độ nhất định (tức mất đi khoảng 10% lượng nước), hệ thần kinh sẽ truyền những thông tin này lên đại não. Lúc đó, việc uống nước mát và nước ấm có hiệu quả rất khác nhau. Vì nước mát sau khi đi vào đường tiêu hóa sẽ kích thích niêm mạc, mạch máu dạ dày và đường ruột, khiến chúng co lại theo phản xạ tự nhiên, không lợi cho sự hấp thu nước trong dạ dày vào máu. Còn khi uống nước ấm, niêm mạc, mạch máu của dạ dày và đường ruột ở trạng thái giãn ra, có lợi cho sự hấp thu nước vào máu. Như vậy, sau khi uống nước nóng, ta sẽ có cảm giác đỡ khát hơn.
Do đó, sau khi vận động hoặc lao động ra mồ hôi nhiều, cảm thấy khát thì nên uống nhiều lần bằng nước ấm (20-30 độ C). Ngoài ra, việc thoát mồ hôi sẽ khiến cơ thể mất đi một lượng muối lớn. Lúc đó, nếu chỉ uống nước ấm mà không bổ sung muối thì sau khi nước được cơ thể hấp thu, chúng lại biến thành mồ hôi và tiếp tục làm mất muối trong cơ thể, gây rối loạn điện giải. Vì vậy, khi uống nước nên cho vào một ít muối.