Chương 18

1972.
Miền Trung rực lửa! Duy Tân, Tổng Y viện lớn nhất của vùng I đón nhận thương binh khắp mặt trận về với một số lượng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sự Quân lực Cộng hòa. Khu trại tội phạm, nơi Ngàn Phương làm việc, quân số cũng tăng lên từng ngày. Khi là một loạt lao công chiến trường trúng mìn lúc đi lao dịch, lúc là những người lính, cả sĩ quan của quân lực được đưa từ các trạm giam về, họ bị tình nghi là Việt cộng nằm vùng, họ bị tra tấn, bị bệnh vì sự thiếu thốn nên suy dinh dưỡng. Số lính tráng hủy hoại thân thể cũng nhiều không ít. Có cả những người phía bên kia bị thương bị bắt từ các nơi đưa về. Đi theo họ là cả lô lũ người ở phòng nhì, cả súng ống, xích, còng... Ngàn Phương làm việc bằng tất cả sức lực của mình. Âm thầm giúp đỡ bao người - cứ mỗi lần nghe mẹ nói, thuốc cô gửi về đến nơi an toàn, là cô như được tiếp sức.
Sau Hiệp định 1973 ngừng bắn năm tháng, Phúc lên bàn mổ lần thứ nhất. Châu từ Huế cùng bác sĩ Trình vào Đà Nẵng. Ông tham dự với tư cách tham khảo về chuyên môn. Cả mổ kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ, không thành công, nhưng kéo dài thêm được thời gian sống của Phúc. Trước khi về Huế, bác sĩ Trình nói với cô học trò:
- Cô sẽ phải sống và làm việc cho cả hai.
- Tôi hiểu, thưa bác sĩ.
Châu ôm cô em gái, buồn thương tràn lòng. Ngàn Phương phải trấn an chị, hỏi thăm những người bạn và được Châu cho biết:
- Vui, Vân đã có chồng. Con Kim khổ nhất. Thằng người yêu hắn té ra là thầy tu tuyên úy, khổ chưa? Hắn tự tử, may phát giác kịp, chuyện đổ bể, phòng tuyên úy phật giáo sư đoàn I thuyên chuyển hắn về Đà Lạt.
- Tội nghiệp Kim! Em sẽ thư thăm hắn.
Hai thiếu phụ chia tay, mỗi người đều mang một tâm sự. Châu suốt đời làm góa cô đơn. Ngàn Phương cũng đang đợi ngón đòn số phận giáng xuống đời mình.
Phúc nằm viện một tháng. Sau ca mổ một tuần, cô nhận một lần hai bức điện, hai phiếu chuyển tiền không người hoàn trả.
Bức của Dũng: Mong Phúc bình phục - Chúc Ngàn Phương đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong đời - Hôn hai cháu.
Bức của Hoàng: Nếu Việt Nam chưa có điều kiện chữa làng - Hãy sang Pháp - Cho phép Hoàng lo tất cả.
Cả hai bức điện đều đánh về địa chỉ bà Thuận. Ngàn Phương hiểu đã báo tin sang. Tiền cô đành nhận nhưng nhã ý của Hoàng cô nói mẹ cô từ chối dùm.
Ngày Phúc trở về nhà, tin buồn lại nối tiếp. Lộc bị chuyển qua trường thuốc quân đội, lại phải mặc áo lính! Ngành quân y đang cần gấp các bác sĩ cho chiến trường. Thư gởi về, Lộc viết:
Con không còn con đường nào khác, đành chấp nhận vậy thôi. Nghe tin anh Hai bệnh, chẳng có cách gì thăm. Con buồn quá. Cuộc sống ngày một khó khăn, cả gia đình năm người, một mình chị Hai con gánh vác, liệu chị có chịu đựng được đến bao giờ? Mẹ ơi! Từ nay con tự lực, mẹ và chị Hai đừng gởi tiền cho con nữa. Lương tháng con cũng tạm đủ sống. Cầu mong chị Hai đủ nghị lực vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hôn hai cháu dùm con.
o O o
Mùa xuân 1975 mồng ba tết dì Cúc về. Hai dì cháu ôm nhau trong căn phòng tối:
- Thằng Phúc đỡ không con?
- Dạ anh vẫn thường! - Trả lời mà cô ngạc nhiên dù không dám hỏi, sao dì không về mà biết hết vậy kìa.
- Ráng lo cho nó và chăm sóc con cái - Ngần ngừ một lúc dì mới đáp - Nếu có biến động chi đừng đi lung tung, cứ ở nhà đợi tin dì, nhớ chưa?
Lô thuốc biến mất theo dì Ba, Ngàn Phương nửa sợ, nửa mừng. Qua tết, chiến sự đột nhiên căng thẳng rồi trở nên khốc liệt khắp nơi. Người thành phố lo trữ gạo mắm, củi dầu, lo mua bao cát làm hầm. Rồi từng đoàn người chạy từ Đồng Hà, Quảng Trị, Huế về Đà Nẵng tỵ nạn ngày một nhiều. Tin Đông Hà, Quảng Trị mất, cờ giải phóng tung bay khắp thành phố Huế. Tây Nguyên giải phóng, lính đủ sắc áo chạy về từ mọi trận.
Tổng Y viên Duy Tân trong chiến sự thật căng thẳng, từng đoàn xe Hồng Thập Tự chuyển thương về Nam. Hàng loạt trực thăng bay lên, bay xuống, đưa đến, đưa đi. Nhân viên, y tá, bác sĩ lần lượt đào nhiệm ngày một nhiều. Thương binh về nhập viện bằng chính vết thương không có giấy tờ. Họ đi bằng mọi phương tiện kể cả uy hiếp bằng súng để được vào đây.
Quân Y viện Nguyễn Tri Phương sau khi phòng mổ bị pháo kích đả được phép tuỳ nghi di tản, bỏ lại thương bệnh binh nằm la liệt từ Mang Cá đến Trung Ương.
Ngàn Phương vô cùng lo lắng cho Châu và bác sĩ Trình, nhưng chẳng biết làm sao. Chạy về nhà thấy mẹ chồng khóc, chị hiểu nên trấn an mẹ.
- Lộc đang học trong trường, chưa bị đưa ra mặt trận mô mẹ, chỉ quanh quẩn trong bệnh viện thôi.
Cô lại nói với chồng:
- Anh đóng chặt cửa đừng ra ngoài, chịu khó ăn đồ hộp và nhớ trông chừng con cẩn thận, nếu có đánh nhau trong thành phố, đưa con và mẹ xuống hầm.
Phúc muốn cản vợ, anh biết không nên nói, đành để cô đi. Bệnh viện còn lại rất ít nhân viên và bác sĩ. Ai làm được gì thì cứ làm. Thương bình tràn ngập. Giữa cảnh lửa bỏng dầu sôi, Ngàn Phương vẫn thản nhiên làm tốt công việc của mình. Lúc phát thuốc cho phòng tạm giam, cô không còn thấy hai người lính canh cửa. Một bệnh nhân bị cúm chăn trên giường cứ ngó mãi xâu chìa khóa được bỏ lại trên bàn. Một bệnh nhân khác khá lớn tuổi hỏi cô:
- Tình hình ngoài đó ra sao hả cô Phương?
- Thành phố trở thành biển người cướp bóc chạy loạn. Bệnh viện không còn ai. Huế thất thủ hôm qua, Đà Nẵng chưa biết ngày nào.
Cô thông báo tin tức bằng giọng thản nhiên, khuôn mặt kín bưng, bệnh nhân nghe cũng vậy. Tối ấy điện cúp, có một bàn tay mở khóa cho bệnh nhân giường một rồi đặt cả xâu chìa khóa vào tay anh. Người ấy biến mất. Sáng đến căn phòng trống không, chẳng còn người nào trước đôi mắt ngạc nhiên của ông bác sĩ. Ngàn Phương cúi mặt dấu nụ cười.
Hai hôm sau quân Giải phóng tràn vào thành phố giữa một biển người và một rừng cờ hoa.
Bệnh viện Duy Tân trong những ngày tiếp quân có các cô y tá và một số nhân viên bác sĩ ở đúng cương vị lương tâm người thầy thuốc. Họ làm việc không tiếc sức mình. Trong đó có Ngàn Phương và bác sĩ Tâm, người giỏi nhất của Tổng Y viện về hệ thần kinh, sọ não. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam một tháng, sau đợt học tập về chính sách cách mạng, Ngàn Phương cùng mẹ và Nhã về quê dự lễ truy điệu cậu Tư. Trên bàn thờ, tấm ảnh cậu phóng to rất đẹp, chỉ đôi mắt thật buồn. Những người sống sót sau chiến tranh đứng trang nghiêm hai bên bàn thờ lặng lẽ khóc. Ngàn Phương gặp người vợ hứa hôn của cậu Bình. Cũng là người đồng chí của cậu, người ấy giờ đây đã quá tuổi xuân thì. Nghe nói trong chiến đấu rất dũng cảm, nhưng cửa lòng lại khép kín từ lâu. Ngàn Phương gặp lại cậu Tâm, cậu đã để lại chiến trường một cánh tay. Cậu Bá mất một mắt.
Ngàn Phương cùng mẹ về Đà Nẵng trong niềm vui lẫn nỗi buồn. Trên xe, cô nói với mẹ:
- Đợi yên ổn con về quê nội thăm bà con, mồ mả, thăm ba.
Bà Thuận ngó con, ba năm cô không nhắc đến cha mình, nay lại nói đến với vẻ hồn nhiên.
- Ông không có đó thì sao?
- Ba còn biết đi đâu ngoài quê nội?
- Mẹ tùy tụi con, nhưng cấm cửa không cho ổng về đây!
- Con hiểu! - Cô nhìn Nhã, hai chị em mỉm cười.
Tháng bảy, sau bao nhiêu nước mắt khóc con, lo cho em, gia đình nhận được thư Lộc báo tin bình an, đang tập trung học tập ở Tây Ninh. Bà Hiền mừng, rồi lại khóc. Ngàn Phương nói với mẹ, với chồng:
- Con đi Tây Ninh thăm Lộc. Mẹ đừng lo, anh trông chừng con...
Vượt ngàn cây số, Ngàn Phương về Sài Gòn, rồi lên Tây Ninh. Mất mấy ngày làm thủ tục giấy tờ, cô muốn được gặp mặt em chồng. Lộc ốm và đen, nhưng mắt rạng rỡ vui mừng.
- Gia đình mạnh hết hả chị?
- Mạnh hết, đừng lo gì cứ yên tâm học rồi về, ngành y không ngại đâu.
- Em biết, sợ mẹ và anh chị lo em mới gởi thư về chớ cực khổ thì chẳng đáng gì, em chịu được.
Chị em bàn huyên thuyên chuyện nhà. Ngàn Phương đưa giỏ thức ăn và áo quần đã được xét cho Lộc. Anh cảm động nghĩ thầm: "Anh mình có phước thật, cưới được chị làm vợ". Căn dặn em chồng mọi chuyện, Ngàn Phương ra về hẹn kỳ thăm tới. Cô đi rồi, Lộc còn dõi mắt nhìn theo, anh suy nghĩ miên man:
- Chị ấy quá tốt, nhưng sao mình ít khi thấy chị cười, vui buồn dường như chị dấu hết trong lòng. Lúc nào cũng nghiêm trang lặng lẽ. Tại sao chị với anh mình không có được một tình yêu sôi nổi của những cặp vợ chồng trẻ tuổi khác? Có phải vì anh mình luôn đau ốm không?
Ngàn Phương chưa kịp đi thăm lần sau thì Lộc về. Cả nhà mừng quýnh! Sương, Nghĩa quấn quýt bên chú suốt ngày. Lộc về được tuần đã thấy tình hình tài chánh trong gia đình rất lo ngại. Quầy sách đóng cửa, sách báo nộp về thông tin văn hóa, còn lại một số ít dụng cụ văn phòng và đồ dùng học sinh. Cả nhà ăn thì có mà làm ra tiền thì không. Một hôm, ăn cơm tối xong, Ngàn Phương nói:
- Mẹ à! Con phải đi buôn bán gì thôi.
Bà Hiền ngậm ngùi nói:
- Dì Ba con không giúp được sao?
- Có giúp thì với đồng lương ba cọc ba đồng cũng không đủ chi phí trong nhà. Vả lại nhờ cậy là điều con không muốn, huống chi điều con giúp dì bao năm, con coi là bổn phận mà thôi.
Bà Hiền đắn đo:
- Hay mình về quê sinh sống?
Cô lắc đầu:
- Mẹ già rồi! Anh Phúc hay đau ốm. Con không biết làm ruộng, Lộc thì khó khăn về lý lịch, dù gì cũng sĩ quan ngụy. Ở thôn quê người cách mạng có cái hẹp hòi hơn thành thị, sẽ khó khăn. Con buôn bán ngày hai bữa đấp đổi qua ngày.
Bao giờ trong gia đình, ý kiến Ngàn Phương vẫn là quyết định. Tối ấy Phúc buồn bã nói với vợ:
- Anh giờ tàn phế, không giúp được gì, chỉ làm khổ em thôi.
Cô cười nhẹ:
- Mình là vợ chồng, anh nói vậy không sợ em buồn sao? Em buôn bán làm ăn, anh lo dạy dỗ con, trách nhiệm nào cũng nặng. Đừng nghĩ xa xôi.
Cô lấy mền đắp cho hai con, hai đứa ngủ say, dễ thương. Nhìn vợ, nhìn con, lòng Phúc vui buồn lẫn lộn.
o O o
Lộc ngồi hút thuốc trên gác, anh có vẻ suy tư. Bé Sương chạy lên gọi chú:
- Chú ơi! Dạy cháu học bài.
Bồng cháu vào lòng, Lộc âu yến hôn lên má:
- Ba đâu mà Sương gọi chú?
- Ba cháu đi với mẹ qua thăm bà ngoại.
- Em Nghĩa đâu?
- Mẹ dắt theo.
Nghe hai chú cháu nói chuyện râm ran, bà Hiền lên:
- Hai chú cháu nói chuyện gì mà ồn vậy?
Cô bè ríu rít với bà nội:
- Nội ơi! Chú buồn, con giả bộ nói chú dạy học, chú nói chuyện rồi quên buồn.
Lộc lắc đầu trước cô cháu gái khôn trước tuổi của mình.
- Mẹ thấy chưa? Nó quá lắm, gạt cả con.
Cô bé tròn mắt cãi:
- Tại con thương chú mà.
Hai vợ chồng Ngàn Phương dắt Nghĩa vừa về tới. Chị nhìn lên gác hỏi:
- Con phá gì chú con đó?
Bà Hiền, Lộc dắt bé Sương xuống nhà:
- Không có đâu chị. Nó đang chuyện trò cùng em.
Bà Hiền hỏi con dâu:
- Mẹ con bớt chưa?
- Dạ rồi, mẹ con bị cảm thôi. Mẹ đi ngủ sớm, thức khuya có hại.
Bé Sương liến thoắng nắm tay bà nội dắt đi, miệng như sáo:
- Để con dắt nội đi ngủ, nội nghe. Nội ngủ nhiều cho khỏe nghe.
Cả nhà cùng cười. Cho Nghĩa ngủ xong, Ngàn Phương ra ngồi ghế. Cô hỏi em chồng:
- Mấy hôm nay thấy chú có vẻ buồn, chuyện gì cho chị biết được không?
- Em định thưa với mẹ và anh chị, em đi làm.
- Làm gì, ở đâu?
- Tổng đội than niên xung phong đã thành lập để làm đập Phú Ninh, em ghi tên rồi.
Ngàn Phương nhìn em chồng, cô rất thông cảm nỗi lòng của Lộc hiện giờ.
- Làm nơi ấy là góp phần xây dựng đất nước chớ không có lợi ích vật chất dành cho bản thân, chú còn độc thân, không bận bịu gia đình, chị tùy ý chú.
- Em biết, nhưng em chọn hướng phấn đấu này. Ở đây không có công ăn việc làm, sống bám vào anh chị, em rất khổ tâm. Còn đợi xét lý lịch chắc đến già, đến chết.
- Chị sợ mẹ buồn khi thấy em cực khổ.
- Em con trai mà lo gì. Vả lại cũng cần góp tay vào xây dựng quê hương chớ chị. Ở nhà đã có anh chị chăm sóc mẹ, em rất an lòng.
- Chú đã quyết, chị tán thành, mai nói với mẹ và anh Hai.
Một tuần sau Lộc lên đường cùng tổng đội thanh niên xung phong đi làm đập Phú Ninh. Từ ngày giải phóng Ngàn Phương bươn chải, bán buôn, ngược xuôi khắp ngã. Không hề tiếc sức mình để đem lại cơm no áo ấm cho gia đình. Cô chẳng hề chi nghĩ đến bản thân mình, dung nhan héo tàn nhanh hơn thời gian mặt nám da chai, phong sương lắm nỗi nhưng tâm hồn vẫn như xưa. Sau ngày nhận điện hỏi thăm của Dũng, Hoàng từ tháng sáu năm 75, cô không còn nhận được tin tức gì của cả hai người. Đến Lạc, cô bạn gái thân nhất, từ dạo lấy chồng cũng biệt tăm. Hai năm trời qua, cô vẫn sống cùng nỗi nhọc nhằn. Lặng lẽ chịu đựng bao gian nan cuộc sống. Những đêm không ngủ trên sân ga đợi tàu, hay trên chuyến xe đêm ở một nơi nào đó, Ngàn Phương vẫn là Ngàn Phương. Cô nhớ quay quắt về bao kỷ niệm ngày nào! Nhớ những người đi không trở lại, để rồi khóc âm thầm đến rỉ máu trong tim.
Cuối năm ấy, như trong mơ, Dũng về. Anh xuất hiện trước mặt cô, vẫn dáng nghiêng nghiêng với nét phiêu bạt. Cô sững sờ rồi trào dâng nước mắt. Anh cười, nụ cười đẹp, lặng lẽ không chút đổi thay dù bao năm trôi qua:
- Sao chị lại khóc? Giới thiệu với cả nhà đi.
Còn Phúc thì nhớ ngay người đàn ông lịch sự này là ai, anh bắt chặt tay người đối diện:
- Tôi vẫn nhớ anh, dù đã bao năm. Xin giới thiệu đây là mẹ tôi. Lộc - em tôi và hai cháu Sương Nghĩa. Mẹ! Đây là anh Dũng, người bạn rất thân của vợ con.
Họ chào nhau thân ái rồi chuyện trò. Cô bé Ngàn Sương đã chín tuổi cứ giương mắt tò mò nhìn ông khách lạ. Còn Nghĩa, chú ta ung dung thót lên ngồi trên lòng cái chú có gương mặt hiền ơi là hiền như lời sau này chú nói. Ngàn Phương nạt con:
- Nghĩa, xuống để bác ngồi nói chuyện.
Dũng ôm chú nhỏ cười bằng mắt.
- Chị để cháu ngồi với tôi, tôi rất thích trẻ con, nhưng chưa lập gia đình.
Bà Hiền sau lời thăm hỏi, cáo từ đi nghỉ. Phúc thân mật chuyện trò:
- Lâu lắm không gặp anh, độ rày anh làm gì?
Dũng cười nhẹ:
- Tôi mới từ Pháp về. Sáu năm xa quê hương với tôi đã quá dài, ghé thăm anh chị rồi tôi ra Huế.
- Anh về thăm gia đình?
- Vâng, mẹ tôi đã già. Em tôi vừa cho bà đứa cháu nội đích tôn.
- Anh về luôn ở Huế sao?
Dũng khẽ lắc đầu:
- Tôi rất muốn, nhưng chưa được. Tôi cùng cộng tác với một số bạn bè cũ ở Sài Gòn.
Ngàn Phương ôm bé Sương ngồi nghe hai người đàn ông nói chuyện. Cả hai đều ít nói, nên câu chuyện cạn dần. Dũng đứng lên từ biệt, Ngàn Phương tiễn anh ra ngõ.
- Ngàn Phương! Răng ốm nhom rứa?
- Ngàn Phương không sao, Dũng yên lòng. Dũng về luôn Phương mừng lắm.
- Dũng đã hứa, làm răng dám sai lời. Huống chi Dũng là người dân Việt, phải về để góp phần với quê hương chớ.
Dũng nhìn cô bằng ánh mắt sâu tràn ngập niềm thương cảm.
- Ngàn Phương cho Dũng thấy rõ ràng hơn ai hết.
Anh ngó lơ trước cử chỉ phản đối của Phương. Chào Phương ra về, Dũng quay đi nhưng rồi ngập ngừng quay lại:
- Hoàng nhờ Dũng nói với Ngàn Phương, Hoàng không trở về, vì anh ấy vẫn là Hoàng của mười bốn năm về trước!
Người đàn bà cúi mặt. Người đàn ông bước đi. Bên ngoài, phố đã khuya vắng bóng người.