Chương 20

Khi thấy Phúc ôm bụng, cố nén rên rỉ vì cơn đau oằn oại cả người, Ngàn Phương hiểu việc đã đến! Đầu cô hoạt động nhanh chóng. Từng dòng chữ trong bệnh án lần lượt hiện về. Cả những gương mặt đăm chiêu của các bác sĩ chuyên khoa khi hội chẩn và cái lắc đầu của bác sĩ Trình. Phần hồ sơ ghi rất rõ ràng khi định bệnh: bướu hình cầu, nằm trong gan, lộ rõ bán phần ngoài, phát triển theo thời gian. Nguyên nhân bệnh không tìm ra. Sau khi hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa quyết định mổ, và từ ấy cho đến nay chỉ mới hơn tháng thôi mà! Ngàn Phương ôm đầu, lời nói bác sĩ Trình ngày nào vang vang ở tai cô:
- Không thể làm gì hơn những gì đã làm. Cuộc giải phẫu chỉ làm chậm lại quá trình phát triển khó lòng nói trước điều gì sẽ đến. Cô đã chọn vậy, hãy can đảm lên, nhìn vào sự thật.
Cô đã chờ đợi nhưng vẫn không tin đây là sự thật. Tại sao lại nhanh như vậy chứ? Tại sao không là mười năm nữa? Mà là bây giờ? Khi anh còn quá trẻ. Con còn thơ, rồi đây tre phải khóc măng. Cô không khóc được. Đôi mắc ráo hoảnh rực lửa oán hờn định mệnh. Không! Không! Ta chưa đầu hàng số phận! Phải chống chọi, dù anh ấy còn một tấc hơi, Ngàn Phương! Mi hãy dũng cảm, đừng để anh ấy thấy một điều gì, hãy giúp anh ấy có niềm tin.
Đặt túi chườm nước nóng vào bụng chồng, chích cho Phúc liều thuốc giảm đau, cô nói với chồng:
- Anh ráng chút sẽ bớt đau, em đi mời bác sĩ.
Cô gọi bà Hiền xuống ngó Phúc, cô đi. Bà thấy con dâu mặt mày tái mét, thì quýnh quáng khóc òa:
- Ngàn Phương, có sao không con?
Cô trấn an mẹ chồng:
- Chắc không sao đâu, mẹ đừng khóc làm anh ấy sợ.
Sương, Nghĩa thấy ba đau, mếu máo khóc. Bé Sương nhắc mẹ:
- Mẹ ơi! Gọi chú với cha nuôi về đi mẹ!
Phúc cố nén cơn đau, nói với vợ:
- Anh không sao đâu, em đi mời bác sĩ đi, đưa anh vào bệnh viện.
Cô đạp xe như bay vào bệnh viện, gặp bác sĩ Vĩnh Thuận ngay hành làng Ngoại hai - ông đang đứng nói chuyện với bác sĩ Tâm. Cả hai vẫn như xưa, đối xử với cô rất chân tình. Bác sĩ Tâm hỏi ngay:
- Cô Phương tìm chúng tôi có chuyện?
Cô thuật nhanh sự việc, bác sĩ Vĩnh Thuận nhăn nhíu đôi mày, bác sĩ Tâm nhìn ông lắc đầu:
- Vậy đã đến lúc rồi. Không ngờ phát triển nhanh như vậy. Anh Lân, anh Trình ở tận nước ngoài, bệnh viện thì phương tiện thuốc men, dụng cụ phẫu thuật thiếu thốn, anh ấy sức lực yếu, làm sao qua nổi lần mổ này. Cô Phương! Tôi thật khó nghĩ, hy vọng không quá hai phần trăm.
Giờ cô mới trào nước mắt:
- Mời bác sĩ qua nhà để anh ấy yên tâm. Dù sao vẫn phải nhập viện.
Cả hai cùng gật đầu. Bác sĩ Thuận nói:
- Phải vậy thôi. Còn nước còn tát. Anh Tâm có rảnh ghé qua anh Phúc với tôi.
Bác sĩ Tâm gật đầu, ông không nén được tiếng thở dài nhìn cô y tá ngày xưa, cô ấy thay đổi nhiều.
o 0 o
Bác sĩ Thuận đưa tay sờ nắn vùng bụng của Phúc một hồi, ông trở ra nói với cô:
- Sợ không kịp nữa, cô Phương! Đưa anh ấy vào viện lập tức! Không ngờ nhanh quá.
Ngàn Phương chết điếng. Đưa ngay chồng đi. Đích thân hai bác sĩ nhận người nhà lo làm thủ tục. Sự việc sau đó diễn biến nhanh như cơn lốc. Cơn đau đến với Phúc càng lúc càng dữ dội. Anh đau đến độ người bợt chợt ra, mồ hôi đầm đìa. Phúc chưa từng kêu rên, mà giờ đây anh gào thét loạn cuồng, Ngàn Phương chỉ còn biết ôm chồng run rẩy, nhìn các bác sĩ bằng tia mắt van cầu. Cầm tấm phim còn ướt nước, bác sĩ Vĩnh Thuận cùng đồng nghiệp xem xét. Tất cả đều lắc đầu. Bác sĩ Tâm thương xót đến đau lòng khi nhìn Phương như con thú cùng đường, cô quỳ mọp bên chồng, tóc tai rũ rượi. Bác sĩ Thuận nói:
- Không còn cách gì khác. Phương phát duy nhất là giảm đau tối đa.
Lộc và Trang, người vợ mới cưới, về kịp. Hai gia đình có mặt đông đủ ở bệnh viện. Sương, Nghĩa biết ba đau, đến khi thấy mọi người đứng ngoài hành lang khu hồi sức trung tâm lặng lẽ khóc, chúng cũng khóc òa.
Chiều hôm sau, bác sĩ Thuận gặp cả nhà bên ngoài, ông nói với vẻ bùi ngùi:
- Tôi bất lực, anh ấy không còn sống được bao lâu. Nếu gia đình muốn anh ấy giờ phút cuối được an nghỉ tại nhà thì đưa anh ấy về ngay.
Với Ngàn Phương, vậy là hết tất cả. Trong tiếng khóc than của mọi người, cô lặng lẽ bước vào phòng bệnh. Phúc nằm yên, mắt nhắm nghiền, hơi thở mong manh. Lộc đi vào, anh ứa nước mắt gọi:
- Chị Hai!
- Chú ra gọi xe đưa anh ấy về. Dặn mọi người đừng khóc. - Cô nói với em chồng bằng giọng nói âm trầm, lạnh lẽo.
Bác sĩ Thuận gọi y tá thay dịch chuyền. Trước lúc chuyển ra xe, ông đưa Ngàn Phương toa thuốc:
- Nếu mệt quá thì chích thẳng vào tim.
Cô cầm lấy, gương mặt thẫn thờ nhìn chiếc cáng đưa anh vào xe. Có bàn tay ai đặt lên vai cô, bác sĩ Tâm đứng sau lưng:
- Hãy can đảm lên! Như ngày nào cô can đảm chấp nhận làm vợ anh ấy. - Ông siết chặt đôi bàn tay cô như cùng chia sẽ nỗi đớn đau to lớn này.
Phúc tỉnh lại được nửa giờ, sau khi Lộc chích thẳng vào tim bình Hudrocortineon. Nhìn mọi người tề tựu đủ bên giường, anh gượng cười, nụ cười lảng vảng bóng tử thần. Nắm tay mẹ, Phúc nói nhỏ nhưng rõ ràng:
- Con buồn vì để mẹ phải khóc con - Phúc hướng về phía bà Thuận, trìu mến nói tiếp:
- Con có được thêm mười năm sống bên mẹ, bên vợ con, anh em, vậy đã may mắn hơn bao người! Mẹ đừng buồn. Lộc và vợ con sẽ thay con phụng dưỡng mẹ. Lộc! Em ráng giúp đỡ tinh thần để chị nuôi hai cháu nên người. Ngàn Phương! Con đâu?
Ánh mắt anh vụt sáng lên tia sáng huyền hoặc mơ màng. Tiếng nói anh nhỏ lại.
Ngàn Phương và Lộc bồng Sương, Nghĩa đứng sát anh.
Cả hai đều cúi đầu, đặt tay gần lắng nghe anh nói. Hai bàn tay Phúc nắm chặt tay vợ con, anh thì thầm ;
- Anh không hối tiếc... chỉ... buồn... thương... em... ráng nuôi... con.... Tiếc quá!... Dũng... không... về để gọi dùm, anh ấy... về đi!...
Mồ hôi lạnh rịn ra khắp người Ngàn Phương. Cô nắm chặt tay chồng. Muốn gào lên nhưng Ngàn Phương như hóa đá... Hai đứa trẻ khóc gọi ba liên hồi. Phúc không còn biết gì nữa, đã hôn mê trở lại, đến nửa đêm thì chết. Tay anh vẫn còn nắm chặt tay vợ, cô đang quỳ bất động bên giường. Ống nghe bác sĩ Tâm rời ngực Phúc, Lộc để tay vào mũi anh. Cả hai cúi đầu trong tiếng khóc của mọi người.
o 0 o
Tại nhà hát lớn Paris, Dũng gặp Hoàng đứng chờ anh tại nơi đỗ xe. Anh ngạc nhiên:
- Tôi gởi giấy mời, anh không đến dự, lại đứng đây nghĩa là sao?
Hoàng không nói nửa lời, lấy từ túi áo veston một tờ giấy đưa cho Dũng, nhìn ánh mắt Hoàng tối sẫm lại, Dũng biết ngay có chuyện. Anh mở ra đọc nhanh: " Phúc trở bệnh, khó qua khỏi, cháu và Dũng nên về - Bác Thuận".
Dũng nói như hét:
- Vậy sao anh còn đứng đây?
- Sáng mai mới có chuyến bay. Tôi còn làm thủ tục xuất nhập cảnh. Đã lấy vé cho anh. Về thôi!
Cả hai lao xe về nhà Hoàng. Mỗi người đều nặng trĩu vẻ lo âu. Họ đều chung nỗi niềm đau khi nghĩ về một người. Nàng giờ ra sao? Giây phút này có như ngày nào năm xưa?
Trên sân thượng, bầu trời càng lúc càng tỏ rạng những vì sao. Cả hai ngồi uống rượu chờ sáng. Hoàng nói như với riêng mình:
- Năm đó Ngàn chết, cô ấy cũng sắp điên, thần kinh dở tệ. Vậy mà phải sống đoạn đời khổ nhọc bao năm, không biết giờ con đủ nghị lực vượt qua chặng đường này không?
Dũng quả quyết:
- Sẽ còn Hoàng ạ. Vì cô ấy trước lúc nhận lời làm vợ Phúc đã biết có ngày này mà Phúc lại không biết. Hơn nữa cô ấy rất yêu thương các con. Lúc về thăm tôi thấy cô sống cho mọi người, không sống riêng mình. Mấy đứa nhỏ tôn thờ mẹ, nhưng vẫn coi mẹ như bạn mình.
- Mong được vậy. Tôi tin chúng ta về kịp...
Cả hai không ngờ đêm ấy Phúc qua đời. Sáng hôm sau họ ra sân bay về Việt Nam chuyến bay đầu tiên. Và dù nối liền đường bay thành phố HCM-Đà Nẵng, họ vẫn mất thêm một ngày. Phúc được tiến hành tẩm liệm trước đó chờ chôn cất.
Khi chiếc xe đưa hai người về đến nhà Ngàn Phương, họ biết ngay Phúc không còn. Trong nhà khăn tang đã chít lên những mái đầu. Người ra vào đông đảo. Hoàng, Dũng đi nhanh vào nhà. Đập vào mắt hai người là bàn thờ khói hương nghi ngút. Phía sau chiếc hòm đỏ là chân dung Phúc, nét mặt buồn, nghiêm trang. Hoàng lạnh cả người, Phúc giống Ngàn như tạc. Người thấy Dũng đầu tiên là bé Sương, nó chạy tới ôm lấy anh khóc òa:
- Cha nuôi ơi! Ba chết rồi, chết rồi!
Dũng ôm siết con bé vào lòng. Anh không khóc mà nước mắt ứa ra trên đôi mắt sâu thâm quầng vì mất ngủ. Nghe tiếng gọi lớn và tiếng bé Sương, mọi người chạy ra. Trước mắt họ, Hoàng, Dũng đang đứng lặng bên quan tài. Một lần nữa, mọi người lại khóc. Lộc thiểu não, hốc hác bắt tay Dũng:
- Sao anh biết mà về?
- Bác Thuận điện cho tôi.
Lộc bắt tay Hoàng, ánh mắt tỏ vẻ ngạc nhiên, muốn hỏi, Dũng nói ;
- Đây là Lộc, em trai Phúc, đây là anh Hoàng, anh đỡ đầu cho Ngàn Phương thuở nhỏ, mới ở Pháp về cùng tôi.
Bà Thuận nước mắt ràn rụa nắm tay cả hai không nói được gì. Hoàng trầm giọng hỏi:
- Ngàn Phương đâu hở bác?
- Trong kia, nó như người đá! - Bà càng khóc mùi.
Hoàng dạt đám người chun quanh, cùng bà Thuận, Dũng, Lộc đi nhanh về phòng Ngàn Phương. Lộc vừa đi vừa nói:
- Tôi lo cho chị Hai quá. Chị ấy như người chết rồi. Anh Dũng, anh Hoàng giúp chị ấy với.
- Cô ấy ngày xưa thần kinh có bệnh. Anh Hoàng giúp được. Tôi không hy vọng gì. Cô ấy chỉ nghe lời một mình anh Hoàng...
Họ bước vào sau Hoàng, thấy cô đang nhìn anh, đôi mắt mấy hôm nay lạc thần, dường như thoáng nét tinh anh. Hoàng hệt như mười bốn năm xưa, nhưng ôn tồn hơn, nhẹ nhàng hơn. Anh nắm tay cô kéo đứng lên. Hai đôi mắt đối diện nhau thật gần. Anh nói với cô nhỏ, chậm từng lời:
- Ngàn Phương! Em nghe đây, nhìn anh đây. Anh đã về. Anh biết em vừa mất người chồng duy nhất. Nó là hơi thở, là cả cuộc đời để em sống cho hoài niệm xưa nhiều mơ ước. Nhưng em nên nhớ, giờ là một người đàn bà, là con dâu hiếu thảo, là mẹ của hai đứa con còn nhỏ dại, hiểu không? Chúng nó còn quá nhỏ dại, em không có quyền buông xuôi gục ngã. Ngàn Phương! Hãy can đảm lên. Một lần nữa hãy ngẩng cao đầu đấu tranh cùng số phận, phải thắng nó và nuôi các con nên người. Đừng để con tim tan nát. Đừng yếu hèn, nhu nhược. Chung quanh em có bao nhiêu người thân, nguyện cùng em chia sẻ vui buồn. Có anh, có Dũng. Anh và Dũng sẽ vì em làm tất cả những gì có thể làm để đem lại cho sự bình yên, dù anh biết có thể một lần nữa, em không cần đến nó.
Từng lời nói Hoàng thấm sâu vào cơ thể, mạch máu, cả hơi thở Ngàn Phương. Anh vẫn đứng, đặt tay lên đôi vai gầy của cô, yên lặng kiên nhẫn đợi chờ. Lâu và lâu lắm, cô từ từ khép mắt lại, rồi mở ra nhìn anh, môi mấp máy thành lời:
- Anh vẫn như xưa! Lúc nào cũng vì em lo lắng. Lại một lần nữa anh tiếp sức cho em, giúp em tìm lại chính mình. Hoàng! Anh trở về là đủ rồi. Em hứa cố gắng đi trọn con đường em đã chọn. Em là Ngàn Phương. Đứa em bé nhỏ yếu đuối ngày nào của anh. Vì con, vì tất cả, em thề không cúi đầu trước số phận...
Cô gục đầu vào vai anh. Trong tích tắc, cô ngẩng lên, rời anh, cô không nói thêm gì. Với tay lấy chiếc khăn tang bận vào người, chít lại vành khăn trên đầu, cô bước ra ngoài. Bà Thuận đi theo con. Trong căn phòng còn lại ba người đàn ông, không hẹn mà Lộc và Dũng đều đưa tay nắm lấy tay Hoàng siết chặt.
Đưa đám tang Phúc xong, trong căn nhà mọi người cùng ăn bữa cơm chung. Hoàng nhìn Tú, Thảo, Nhã, Ly nay trưởng thành, đều có gia đình, anh không tiếc ca tụng bà Thuận đảm đang. Nghe Hoàng hỏi đến ông Thuận, Ngàn Phương trả lời:
- Ba đang ở Thuận Hải, đã có gia đình khác. Tụi em vẫn thường vào thăm.
Hoàng hỏi đến Lạc, cô trả lời tiếp:
- Lạc lấy chồng, dạy cấp hai ở Quảng Ngãi. Gia đình Lạc đã về quê, lâu nay không thấy Lạc gởi thư về. Có lẽ cuộc sống khó khăn, nên không có thời gian nghĩ đến người bạn thời thơ ấu. Ngay cả em, em cũng rất nhác viết thư.
Ăn cơm xong, chuyện trò một lát, bà Hiền muốn đi nằm. Hoàng cản lại:
- Thưa bác, cháu có chuyện muốn thưa với bác.
Bà tỏ ý hỏi. Hoàng nói tóm tắt, ngắn gọn:
- Ngàn Phương sức khỏe yếu, không thể tảo tần buôn bán ngược xuôi được. Để có điều kiện nuôi hai cháu nên người, cháu muốn góp một tay, đầu tư vào cơ sơ kinh doanh nào đó để Ngàn Phương trông coi.
Bà Hiền nhìn đàn ông đối diện mình. Mấy hôm nay, Hoàng coi bà như người nhà, tỉnh bơ gọi là mẹ. Hoàng chú ý đến sức khỏe của bà, thấy bà thương con khóc mãi, Hoàng ân cần khuyên nhủ. Không biết Lộc là bác sĩ, Hoàng mời bác sĩ đến tận nhà trực tiếp khám bệnh săn sóc. Hoàng ung dung bình thản, đối xử với mọi người rất tự nhiên. Đôi lúc bà có cảm giác Hoàng như con bà và ngôi nhà này của Hoàng chớ chẳng phải của ai khác. Hoàng với Dũng thật khác xa nhau. Dũng dễ mến ít nói, rất tế nhị trong mọi quan hệ. Hoàng đào hoa, bặt thiệp, sôi động, sắt thép. Con người Hoàng mà dường như được đúc ra từ sắt thép. Vậy mà trên gương mặt rất đàn ông ấy đã có những nếp nhăn hằn sâu trước tuổi đời. Hai mái tóc bạc trắng. Nghe nói Hoàng là anh đỡ đầu cho dâu bà từ thuở nhỏ, là người đàn ông duy nhất để Ngàn Phương đặc biệt tôn trọng và vâng lời, Hoàng bỏ đất nước đi biệt bao năm nay, nghe con bà chết lại trở về ngay. Vì sao? Vì thương cô em gái, vì lòng tốt không vụ lợi hay vì ẩn tình nào đó bà chưa biết.
Nhưng thôi, những điều đó bà không nên nghĩ tới. Dù sao bà rất tin và thương con dâu cả của bà. Hơn nữa thằng Lộc đó, nó có học, biết hết, nó đủ sức quyết định điều nên hay không nên làm. Mọi việc hãy để Ngàn Phương và nó định đoạt. Bà già rồi, nên vui hưởng tuổi già với cháu nội mà thôi.
Ngàn Phương với Lộc vẫn chờ mẹ lên tiếng trước. Thấy bà như đắm chìm trong suy nghĩ. Khá lâu, Lộc nhẹ nhàng nhắc mẹ:
- Mẹ! Anh Hoàng chờ mẹ trả lời.
Bà sực tỉnh. Nhìn sui gia, rồi nhìn lại dâu con, bà trả lời:
- Mẹ trao quyền quyết định cho chị Hai con và con. Mẹ già rồi, mẹ biết mấy năm nay chị Hai con rất nhọc thân. Phần lo mẹ, cho con cái, phần lo cho anh Hai con đau ốm triền miên. Nó đâu khỏe mạnh gì.
Lộc đã có gia đình riêng, nhưng lúc nào cũng nể chị dâu:
- Chị Hai! Chị có ý kiến gì trước đi.
Cô cũng giản dị và nhanh gọn như Hoàng:
- Anh Hoàng! Em không thể nhận. Em còn đủ sức nuôi con.
Dũng ngồi bồng Sương trên tay, đưa mắt ngó Hoàng như ngầm bảo: "Đó, anh thấy chưa. Lúc nào cũng là Ngàn Phương, dù có chết... "
Nếp nhăn hằn sâu thêm trên trán Hoàng. Anh đợi ý kiến cuối cùng của Lộc. Lộc hiểu:
- Anh Hoàng! Không thể nào khác, tôi có trách nhiệm với chị tôi và hai cháu. Hơn nữa, tôi là đàn ông, tôi hứa với anh, lúc khó khăn tôi sẽ nhờ đến...
Hoàng đứng dậy, anh cố điềm tĩnh:
- Tôi hiểu Lộc ạ. Ở địa vị chú, tôi không trả lời khác hơn đâu. Nhưng tôi rất buồn. Tôi có thừa tiền bạc, tôi giúp cơ quan này, hội từ thiện nọ, nhưng tôi lại bất lực nhìn em tôi cơ cực mà không thể giúp được gì. Ngàn Phương là người của dòng họ chú. Cô ấy vẫn là Ngàn Phương của mười bốn năm trước... Lộc! Mai này tôi trở lại Paris, coi như đây là buổi họp mặt để chia tay.
Dũng nhăn tít đôi mày, Lộc kêu lên:
- Kìa, anh Hoàng! - Lộc không thể nói gì thêm.
Ngàn Phương mặt xanh xám, lộ rõ niềm đau khổ khôn cùng. Bà Thuận và mấy đứa em nhìn cô, bất mãn. Thật cứng đầu vô lý khi đang cực khổ thế này...
Bà Hiền thấu hiểu con dâu buồn và khó xử, cắn môi lặng thinh. Bà cũng bâng khuâng trước lời nói của Hoàng: "Có cần như vậy không con?" Bà chỉ hỏi thầm trong lòng.
Hoàng đưa tay... Dũng trao bé Sương cho anh. Cô bé đăm đăm nhìn vào mặt người đàn ông đang bồng mình. Tính nghịch ngợm, nó đưa tay lên vuốt ve mái tóc bạc trắng của Hoàng. Nó còn ngây thơ, bé bỏng lắm. So với mẹ nó khi xưa, thuở ấy chỉ hơn nó một tuổi, mẹ nó đã có bốn năm giữ em, hai năm đi chợ nấu ăn, đảm đang như người mẹ nhỏ trong gia đình. Hoàng thở dài. Anh áp sát mặt vào má Sương. Nó mồi côi cha, mẹ thì ốm yếu... Anh ghì chặt nó trong lòng mình, miên man nghĩ về ngày xưa ấy. Có cô bé mới mười bốn tuổi mà đã như một thiếu nữ rồi, cô bé ấy bị cần tay phanh xe anh đâm lút vào vai trái...
Đặt bé Sương xuống đất, anh mở sợi dây chuyền mặt hình trái tim nơi cổ xuống, anh đeo vào cho cô bé. Anh nói với Sương mà như nói với mọi người:
- Thuở ấy, mẹ con còn nhỏ như con bây giờ, nhưng đã khôn hơn. Mẹ con đông em, vật chất thiếu thốn, thiếu luôn cả tình thương cha mẹ, cũng vì kế sinh nhai khó khăn. Với mẹ con đó là niềm khổ đau lớn nhất trong cuộc đời. Bác mong bây giờ, hay mai sau, mẹ con không vì chút sỉ diện tầm thường mà để đời con khổ như đời mẹ.
Hôn con bé, anh sửa lại cổ áo ngay ngắn, dắt nó đến bên Ngàn Phương:
- Em ốm yếu, có bệnh trong người, phải ráng giữ thân. Hai cháu mồ côi cha, bà nội già yếu, Lộc còn vợ con phải lo, không thể toàn vẹn cho em và hai cháu. Đừng để nó chịu thêm đau khổ nào, đừng để nó như em ngày xưa. Dù thế nào có mẹ vẫn hơn.
Đưa mắt nhìn quanh mọi người, Hoàng chào từ biệt. Lộc vô cùng bối rối. Hoàng nói đúng! Anh và Trang hoàn toàn không thể giúp đỡ cho Ngàn Phương về vật chất, cả đến nuôi mẹ già cũng trông cậy vào Phương. Bác sĩ thanh niên xung phong làm gì có tiền dư. Trang lại sắp có con, Lộc nói không nghĩ thêm:
- Anh Hoàng! Khoan đi đã. Anh nói đúng. Tôi không thể vì chút sĩ diện bề ngoài mà để khổ chị tôi và hai cháu. Cá nhân tôi hoàn toàn không có khả năng giúp đỡ gì. Anh như con bác Thuận, anh cả của chị Hai tôi, dầu có nhận, tôi cũng không xấu hổ gì. Tôi chỉ biết nói thêm với anh một lời: Cảm ơn tấm lòng cao cả của anh.
Hai người mẹ thở phào. Mọi người đều mừng rỡ. Riêng Ngàn Phương, cô lặng lẽ đứng lên đi vào phòng. Cô không thể chống đối, huống chi Lộc đã nhận lời. Thâm tâm cô mãi nghĩ về một điều, với Hoàng, cô từng nhận, lần này nữa lại nhận nhưng vĩnh viễn cô không đem trả được gì cho anh. Bên ngoài, mọi người nhìn nhau. Dũng, Hoàng cũng vậy, cả hai cùng thở ra.