Chương 4

Gói Bastos xanh đã sạch lúc nào ông chẳng biết. Khi Ngàn Phương dứt lời, đêm đã khuya. Có một khoảng im lặng giữa hai người, một già, một còn quá trẻ.
- Vì vậy cháu đã ra đi.
- Chú có hiểu những gì cháu muốn nói không?
- Hiểu và buồn cho cháu. Cháu nói mẹ cháu không đồng ý để cháu làm việc này à?
Cô gái khẽ gật đầu, giọng buồn buồn:
- Vâng! Mẹ khóc hoài, nhưng cháu đã nhất định. Hôm đi, mẹ có khuyên cháu là...
Cô lặp lại y lời nói của mẹ cho người đàn ông nghe...
Ông ta nhíu mày:
- Và cháu sẽ nghe theo lời khuyên này, đem vào cuộc sống chớ?
- Mẹ dạy đúng cháu phải nghe theo, hơn nữa xưa nay mẹ ít nói, khô khan với cháu, thường thì mẹ cháu rất ít thời gian để gần gũi con cái, nhưng cháu biết mẹ cháu không hề nói sai bao giờ.
- Cháu biết vậy là tốt. Ngàn Phương! Thật ra mẹ cháu rất thương cháu.
- Bây giờ cháu mới thấy chú ạ.
Cô gái thú nhận kèm theo tiếng thở dài.
Người đàn ông đứng lên, thọc tay vào túi quần, mặt nhìn xuống đất, đi đi lại lại ra chiều suy nghĩ. Một lát sau, ông lên tiếng:
- Biết được điều đó không muộn, miễn làm theo lời mẹ là tốt rồi. Ngàn Phương! Cháu có muốn nghe ở chú một lời khuyên không?
- Chú muốn dạy cháu điều gì, cháu sẵn sàng nghe.
- Cháu có lý do để đi vào đời mà cháu cho là chính đáng, chú thông cảm với gia đình, với tình yêu, nơi đó quả nhiên đã đem lại cho cháu quá nhiều đau buồn. Nhưng cháu phải hiểu một điều, chiến tranh đã đem lại cho con người nhiều đau khổ, trong đó có Ngàn của cháu, chú thật tiếc. Một thanh niên như Ngàn quý lắm cháu ơi.
Người đàn ông nghẹn lời đứt quãng. Tự trong lòng, Ngàn Phương ước gì mình có người cha như chú Kiên.
- Nếu chú nhìn thấy, chú chẳng bao giờ quên - Cô gái hầu như không chịu nổi, nước mắt lại bắt đầu lăn trên má.
Người đàn ông sẽ lắc đầu như phủ nhận:
- Chú đã từng thấy nhiều điều ghê gớm hơn cháu ạ. Nhưng bây giờ chưa phải lúc để nói cho cháu hiểu. Cháu sẽ hiểu điều đó ở ngày mai. Ngàn Phương! Chú muốn thay thế người cha, khuyên cháu một câu nữa.
- Dạ, con nghe đây - Ngàn Phương buột miệng xưng "con" ngọt ngào.
- Mai này cháu ra đời, cháu hãy nhớ kỹ một điều. Người ta nói khoan nghe theo, thấy, khoan tin là đúng, phải suy nghĩ cho kỹ trước khi làm điều gì liên quan đến kẻ khác. Vì cái sống, cái chết, điều sai, lẽ phải trong xã hội này lẫn lộn, cái cháu nên nghĩ nhất là lòng nhân ái cho đi, không bao giờ mất được. Những lúc gặp điều khó xử, cháu hãy nhớ lời này.
Cô gái nghiêm trang nét mặt:
- Cháu nhớ và mong làm được như vậy.
Người đàn ông thở nhẹ ra. Ông không giúp được gì cho cô gái này ngoài một lời khuyên. Ông cũng như mẹ cô ta, không dám nói những gì muốn nói. Chỉ mong thời gian, tuổi đời giúp cô bé hiểu ra.
Cuộc đời ông, trải qua biết bao nhiêu hiểm nghèo, nhưng chưa bao giờ làm lòng ông xao xuyến như hôm nay. Cô gái này, cuộc đời ấy, đem lại cho ông nỗi xót thương và ông cứ nghĩ đến con gái mình.
Xa xa tiếng máy bay đêm gầm rú. Gần đến giờ cô bé ra đi, ông đưa tay xem đồng hồ, cùng lúc tiếng gọi từ máy phóng thanh vọng lại:
- Mời các hành khách chuyến bay hàng không quân sự đặc biệt đêm nay tập trung ra ngay phi đạo.
Những chiếc áo lính, những cô gái túa ra từ câu lạc bộ. Ngoài bãi đậu, chiếc máy bay lù lù như con quái vật nuốt từng người vào bụng. Ngàn Phương đứng lên, người đàn ông nhìn khay thức ăn còn nguyên vẹn trên ghế đá, ông lấy hộp sữa nói với cô:
- Chú đưa cháu ra - Vừa nói ông vừa bỏ hộp sữa vào túi xách của cô.
Cô gái chầm chậm đi theo ông. Đến gần chiếc máy bay, ông ta đứng lại, trò chuyện với hai phi công điều gì đó cô không biết, chỉ thấy cả hai gật đầu. Rồi quay lại, ông nói với Ngàn Phương:
- Cháu ngồi cùng với phi hành đoàn, phía sau đông lắm, bất tiện cho cháu.
Thấy cô đưa mắt nhìn họ mà không trả lời, ông nói thêm ;
- Đừng lo lắng, họ là bạn chú, rất tốt, chú gởi gắm cháu cho họ đến khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
- Cám ơn chú - Cô nói nhỏ.
- Ngàn Phương! Phải thận trọng nghe con!
Tiếng con bất chợt từ miệng ông nói ra làm cô gái rung động. Tiếng gọi thương yêu từ nơi người xa lạ dành cho cô sau một buổi chuyện trò, khiến cô ứa nước mắt. Cô gặp người xa lạ đầu tiên khi bước chân ra khỏi mái gia đình với trái tim nhân hậu, đầy ắp tình người. Cuộc đời dường như chưa bạc đãi với cô. Cầu mong bây giờ và mãi mãi được như vậy.
Cô gái nhìn ông lưu luyến. Dòng nước mắt đã khô trên má. Cô gái im lặng tiến về buồng lái. Người đàn ông đỡ cô lên ngồi trên chiếc ghế nhỏ rồi đi xuống. Hai người phi công bước lên, đóng sập cửa lại, cô không kịp đưa tay chào từ giã. Ánh đèn xuyên đêm tối, sáng rực cả một vùng phi đạo. Chiếc máy bay gầm rú, từ từ chuyển mình chạy dọc theo phi đạo, rồi phóng mình lên không gian, mang theo cô gái nhỏ, rời bỏ quá khứ, đi vào đời với hai bàn tay trắng và một trái tim cô đơn.
o O o
Sáng hôm sau, Hoàng đến rất sớm, anh giận run lên khi nghe Ngàn Phương đã đi rồi. Bà Thêm buồn bã nhìn anh, đưa phong thư màu trắng có viền một đường mực tím, rồi nói với anh, giọng bùi ngùi:
- Nó đi rồi, cả ngày hôm qua sau khi cậu đưa đi thăm mộ về, ở nhà chơi với em nó dặn dò con Thảo, con Tú, thằng Nhã đủ mọi thứ chuyện cứ như là đi luôn không về. Tôi la rầy, nó cười bảo tôi: "Con đi không biết khi nào về, dì thương con xin chăm sóc các em dùm, mẹ con tối ngày chạy vạy miếng ăn chẳng có thời gian gần gũi con cái, dì như người mẹ, hãy chia sẻ cùng các em con mọi nỗi buồn niềm vui." Cậu Hoàng! Tôi nghe mà đứt ruột, khi nhìn nó một mình xách gói ra đi không người đưa tiễn. Chẳng biết nơi đó nó có được bình yên.
Hoàng cố gắng trấn tĩnh:
- Chắc không đến nỗi nào. Dì của cô bé ra đón chỉ lạ tại sao là chuyến bay đêm.
- Dì nào? - Bà Thêm ngạc nhiên hỏi.
- Ngàn Phương nói là có dì ở Sài Gòn làm hãng buôn, cô vào đó để làm mà.
Bà Thêm giơ hai tay lên trời:
- Nó gạt cậu rồi. Làm gì có ai vào Sài Gòn, nó đi học y tá bên quân đội, sợ cậu, nó bịa ra thôi.
Buồn giận làm Hoàng tái tê cõi lòng. Anh chẳng nói gì, nhận phong thư rồi chào bà Thêm ra về.
Một mình trong căn phòng, xé thư Ngàn Phương ra coi. Trong thư có tấm ảnh rơi xuống, gương mặt nhìn tới trước, mái tóc xõa dài trước ngực, ánh mắt buồn đăm đăm. Hoàng lật lại, phía sau có ghi mấy câu:
"Em đi - ảnh gởi tặng người
Bài thơ em viết thay lời biệt ly
Lời nguyền từ buổi phán kỳ
Kiếp sau trả nợ, lỗi nghì cùng anh."
Hoàng mở bức thư ra đọc:
Anh Hoàng!
Trước hết em xin lỗi vì đã dấu anh, nhưng em xin hứa với anh đây là lần đầu cũng là lần cuối. Chỉ vì em sợ chia ly làm cả hai buồn, em muốn được thanh thản khi ra đi không vướng bận, coi cảm giác người bước chân vào đời buồn, vui ra sao? Vả lại, biết em làm gì ở đâu, chắc anh chẳng bằng lòng, rồi lại giận, nhưng em đã quyết định dù ngày mai tốt hay xấu.
Anh Hoàng! Giữa chúng ta câu nói: "cám ơn" sẽ thành khách sáo. Em chỉ biết nói rằng những điều anh đem đến cho Phương, Phương xin khắc sâu vào lòng, mang theo suốt cuộc hành trình cho đến ngày chết. Chỉ còn một giờ nữa là em đi rồi. Phương trời xa lạ đó với em chưa biết ra sao, nhưng em hiểu: Ở nơi này luôn có anh, cầu nguyện an lành cho em, phải không anh? Hoàng ơi! Mong anh ở lại nhiều niềm an vui.
Em, Ngàn Phương.
Hoàng thẫn thờ đặt lá thư xuống bàn. Em đã đi rồi! Anh không nghĩ gì được ngoài điều đó. Chưa lúc nào buồn như hôm nay.
o O o
Một tháng sau khi ăn Tết, gia đình nhận được thư Ngàn Phương gởi về, báo tin bình an, đang học, không hề bước chân ra đường, gia đình cứ an tâm. Thư gởi cho Lạc cũng vậy. Thư Hoàng thì muộn hơn. Trong thư cô viết:
"Anh Hoàng!
Ngàn Phương vẫn nhớ lời hứa với anh, nhưng thư viết muộn vì một lý do hết sức vô lý là em chẳng viết được gì. Nhưng nay đã qua rồi, đầu thư Ngàn Phương chúc anh vui vẻ, đừng giận buồn chi em. Em vẫn mạnh cả thể xác lẫn tinh thần, chỉ có mái tóc bị cắt ngắn đi. Nội qui nhà trường buộc vậy. Em đang học rất miệt mài, chăm chỉ, em thấy mình có khả năng trong lĩnh vực này. Hàng ngày nhìn qua bên kia hàng rào, thấy những xe thập tự thay phiên nhau chở thương binh về bệnh viện, có kẻ ra đi vĩnh viễn, người tàn tật suốt kiếp, em thấy niềm đau của mình chẳng thấm vào đâu. Chúng em đang học phần lý thuyết, còn lâu mới được thực tập, nên không được qua khu bệnh viện. Ở bên ấy, bệnh nhân ngồi khắp khu sân rộng với những chiếc áo xanh càng làm tăng thêm vẻ ốm yếu xanh xao, bạc nhược. Em lần đầu tiên va chạm vào thực tế cuộc đời, lòng lúc nào cũng tự hỏi: "Chiến tranh tàn phá ghê gớm đến vậy sao?"
Em vẫn nhớ lời mẹ dạy và một người nữa. Người này anh chẳng biết đâu. Những điều nói ra người ấy cũng giống mẹ, một bên là mẹ, một bên là người ấy, em tin cả hai đều đúng.
Ngoài việc học, em tránh không giao tiếp với ai, dù là bạn gái. Có những điều thật khó nói với anh, nhưng anh hãy an tâm, không có anh bên cạnh, em càng thận trọng hơn với bản thân mình. Anh Hoàng, anh khỏe không. Chắc là đi làm thường. Một lần nữa, xin anh đừng giận em mà mất vui. Anh nhớ lên mộ anh Ngàn thắp hương dùm em.
Ngàn Phương."
Hoàng đọc lại lần nữa, rồi viết trả lời cô ngay:
Ngàn Phương! Em thật đáng đánh đòn. Anh muốn điên lên vì em đã dấu anh, lại gạt anh nữa chớ. Hôm đến đón em, chỉ có phong thư để lại, nghĩ đến em đêm khuya một người một bóng âm thầm ra đi, anh muốn khóc lên được. Nhưng nay chuyện đã rồi, anh mừng khi thấy em trưởng thành hơn trong ý nghĩ.
Ngàn Phương! Em đã tự chon cho mình một con đường, một nghề nghiệp, mà nghề nghiệp nào lại không cao quý phải không em? Sau gương mặt u buồn khép kín lại dấu một trái tim đầy nhân hậu. Ngàn Phương ơi! Anh nhớ em vô cùng! Gởi thư cho anh mà chẳng một lời thăm hỏi, không quan tâm đến anh phải không con người "vô tâm" kia? Đùa một chút cho vui thôi nghe! Ai nỡ trách em bao giờ. Anh vẫn đi làm như thường, mỗi tuần anh đi thắp hương cho Ngàn một lần. Anh cũng hay ghé qua nhà thăm mẹ và dì Thêm. Hai bà cứ than thở lo lắng cho em, cứ sợ... Ngàn Phương, ráng viết thư đều cho mẹ, em nhé.
Đọc thư em, nghe em kể... Là người con trai thời chiến, ai cũng hiểu điều đó, có điều riêng anh được may mắn hơn, được sinh ra trong gia đình trọn vẹn, danh vọng tiền tài, với sự chăm sóc quá cẩn thận của ba má anh, anh chưa từng nếm trải qua những cảnh đó. Đi học, ra trường rồi đi làm. Mới đây, đứa em anh thi rớt, giờ đã vào quân trường. Trong gia đình anh, nó là người đầu tiên mặc áo lính. Thật sự ra, ba anh cũng có thể lo được, chỉ vì nó bướng mà thôi.
Ngàn Phương! Anh rất muốn về Sài Gòn thăm em, nhưng công việc không thể vứt bỏ được, thật là buồn. Em ráng giữ gìn sức khỏe, viết thư thường cho anh, đừng giấu anh chuyện gì, nhớ chưa?
Anh vẫn thường gặp Lạc, cô bé buồn lắm, vì từ nay đi học có một mình, thỉnh thoảng anh đưa Lạc đi chơi, nói chuyện với cô bé cho đỡ nhớ em. Trong quán kem ngày nào, Lạc nhớ em rồi khóc ngon lành. Em phải viết thư thăm bạn đều nhé.
Anh Hoàng."
o O o
Khu nhà tập thể các khóa sinh y tá nữ không một bóng người, Ngàn Phương một mình đọc sách. Trang cuối cùng đã hết, cô xếp lại bỏ trên đầu giường. Hôm nay chúa nhật, các khóa sinh được ra ngoài, kẻ về nhà, người đi dạo phố. Ngàn Phương như mọi chúa nhật khác, vẫn ở lại một mình.
Mới đó mà sáu tháng rồi từ ngày nhập trường. Mọi bỡ ngỡ qua đi, cô làm quen với cuộc sống mới, nhanh chóng thích nghe mọi kỷ luật ở trường và rất kiên trì học tập.
Trưởng trại y tá khóa cô là một người đàn bà đẹp, đáng yêu, rất tình cảm với các cô gái và là niềm khao khát của mọi đàn ông.
Các bác sĩ giảng dạy, tất cả đều hài lòng với Ngàn Phương về mọi mặt. Có ngạc nhiên một chút là Tâm, cô trưởng trại, thấy Ngàn Phương còn quá trẻ, nhưng cách sinh hoạt lại quá già. Ngàn Phương chỉ thích sinh hoạt một mình, không làm quen với ai ngoài một cô khá lớn tuổi tên Châu, cùng nằm giường đôi với cô. Trong trường, sống nơi tập thể toàn là nữ, chuyện họ cặp bồ nhau không tránh khỏi được. Ngàn Phương rất dễ thương, nhưng cũng rất lạnh nhạt, có đêm cô lang thang mãi ngoài phòng không vào, trực ban hỏi, cô lúng túng rồi thú nhận: Có cô bạn gái rất yêu cô, mò xuống ngủ chung giường, cô không chịu, đành ra ngoài ngồi chờ sáng.
Quan hệ bất bình thường và chuyện ngủ chung tuyệt đối bị cấm trong thời gian học, vậy là cô bạn gái kia bị cạo cho một trận, viết giấy cam đoan không tái phạm. Cô gái kia khóc hết nước mắt và hận Ngàn Phương vô cùng. Nhưng Ngàn Phương chẳng thèm để ý đến điều đó, lúc nào cũng thản nhiên, từ khi học đến khi về. Tắm không bao giờ tắm chung. Ăn xong, lấy vở học và rồi lên giường ngủ ngay. Sáu tháng không hề bước chân ra khỏi trường. Ngàn Phương chỉ có hai bộ đồ. Hôm nay may thêm hai áo blouse trắng chuẩn bị đi thực tập ở bệnh viện.
Ngàn Phương gây sự chú ý của mọi người, mà chính mình lại không hề hay biết.
Hôm nay cũng vậy, bỏ sách xuống, cô đi ra khỏi phòng. Hai cô bạn trực ban ở phòng khóa sinh, nhìn qua hỏi:
- Phương đi đâu đấy?
- Ngàn Phương đi tưới cây phượng, nó trổ nhánh rồi, tưới cho nó mau lớn.
Cô đi về hướng nhà tắm, một lát xách xô nước và cái ca đi ra, thong thả tưới những cây phượng mới trồng quanh khu nhà ngủ, chợt nghe tiếng gọi:
- Ngàn Phượng!
Cô ngẩng lên, cô Tâm trưởng trại y tá đứng trước mặt cô, duyên dáng trong chiếc áo dài.
- Thưa cô!
- Em thật giỏi, tưới cây à? Qua đây cho chị nhờ một chút.
Cả hai bước qua phòng trực, có khá đông người ở đó. Cô thấy có bác sĩ Trung dạy môn Ngoại, và cả bác sĩ chỉ huy phó của trường. Cô gái lo sợ nghĩ thầm: "Có chuyện gì vậy kìa? Mình có làm gì đâu?" Cô Tâm chợt nói:
- Lệ với Châu vừa nói với chị là Ngàn Phương hát rất hay.
Cô gái ngạc nhiên:
- Dạ em hát cho vui chớ đâu hay gì.
- Đừng khiêm tốn. Hôm nay cô một ít quà ủy lạo thương binh đột xuất, nhân vậy bác sĩ chỉ huy phó muốn tổ chức đội văn nghệ xung kích hát giúp vui thương binh, em cùng tham gia với Lệ, Châu thì không biết hát.
- Dạ thôi cô, em sợ lắm!
Nhưng bác sĩ Trung đã lên giọng như sấm, chẳng là lúc nào ông cũng ăn to nói lớn:
- Không được từ chối, đó là lệnh. Vào thay áo dài ngay!
Ngàn Phương đành líu ríu vào thay áo, chiếc áo trắng học trò lúc xưa, rồi đi ra.
Trưởng đoàn là bác sĩ Trung và cô Tâm, phía nữ có năm người, nam có năm người, Ngàn Phương đều không biết tên, trừ Lệ. Họ qua bệnh viện theo xe ủy lạo. Hội trường bệnh viện đông nghịt thương bịnh. Tiếng nạng gỗ hòa với tiếng cười nói trở thành một âm thanh hỗn độn. Ngàn Phương run bắn cả người, khi tận mắt nhìn hàng mấy trăm con người thương binh, có kẻ tàn phế ngồi trước mặt. Họ là một phần trong anh Ngàn của cô. Nước mắt cô gái tự nhiên lăn dài trên má. Những người đi với cô đang luân phiên lên hát. Họ rất dạn dĩ. Mỗi người hát xong đều được thương binh vỗ tay tán thưởng. Cô Tâm nói với Phương:
- Chuẩn bị nhé! Ngàn Phương hát bài nào?
Cô gái đưa tay gạt nước mắt:
- Em không biết, xưa nay em có hát vầy đâu.
- Thì bây giờ bắt đầu, hát bài gì để chị giới thiệu.
- Em hát nhạc Trịnh Công Sơn, bài Đại bác ru đêm - Cô gái bấm bụng nói.
Trước đông đảo thương binh, cô Tâm ung dung giới thiệu:
- Tiếng hát Ngàn Phương đến với các chiến sĩ hôm nay qua nhạc phẩm Đại bác ru đêm, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn. Đây, Ngàn Phương!
Cô gái ngơ ngác lạc lõng giữa sân khấu với tà áo trắng, tiếng la ó, tiếng huýt sáo làm cô run rẩy. Gã con trai đệm đàn đứng bên nói nhỏ, giọng Huế rất nhẹ:
- Đừng run, hãy ngó trên đầu họ, đừng để mắt mình nhìn vào mắt họ, bình tĩnh.
- Tôi sợ quá!
- Một chút sẽ qua thôi. Hay cô nói vài lời với họ, cô sẽ bình tĩnh lại.
- Biết nói gì?
- Nói gì cũng được, nhanh lên! - Gã con trai sốt ruột giục.
Cô gái cầm micro trên tay, chẳng hiểu sao nước mắt cô lại ứa ra, nhưng cô cũng nói được.
- Phương muốn hát cho mấy chú nghe, nhưng Phương hát dở lắm. Hồi xưa, mỗi lần tham gia văn nghệ, anh Ngàn cứ cốc đầu Phương hoài về cái tật hay run. Giờ anh Ngàn chết rồi, Phương cũng run mà ráng vậy. Các chú đừng la ó, đừng huýt sáo, Phương sẽ hát cho các chú nghe.
Cả hội trường đột nhiên yên lặng. Phải chăng vì lời nói ngây thơ, vì tà áo trắng, hay đôi mắt hoen lệ và giọng nói nghẹn ngào.
Cô gái cất tiếng hát:
"Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dựng chổi đứng nghe...
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi
Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi...
Hàng vạn tấm bom trút xuống đầu làng
Trẻ thơ chưa lớn để thấy quê hương..."
Tiếng vỗ tay như sấm dậy, tiếng "bis" vang trời. Gã con trai đệm đàn ngó Phương cười:
- Hay quá! Hát tiếp bản nữa đi.
- Diễm xưa đi.
Cô hát luôn không đợi giới thiệu:
"... Mưa vẫn bay trên tầng tháp cổ...
Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ...
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...
Chiều nay còn mưa sao em không lại...
Làm sao có nhau... bước chân em đi về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim đi...
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."
Tiếng hát ngân vang rồi dứt hẳn. Cô gái bỏ chạy ra sân khấu. Những tiếng gọi vang vang:
- Ngàn Phương! Ngàn Phương!
Mặc kệ! Ra khỏi nơi ấy, cô băng qua mấy lối đi, chạy tắt đến một khúc đường, vạch rào chui qua trường.
Khu nhà ở trước mặt. Lát sau thay áo xong, cô vùi xuống giường và tấm tức khóc. Mãi đến sau này, mọi người hỏi tại sao hôm ấy cô lại khóc, cô không biết nói tại sao.
Từ ngày ấy, bệnh viện xôn sao về cô gái mang tên Ngàn Phương, còn trẻ lắm, lại hát hay. Họ ao ước lúc nào trường Quân y qua ủy lạo, để gặp lại cô.
Còn ở bên trường, không chỉ các cô gái khác tò mò muốn biết Ngàn Phương, các nam khóa sinh từ C1, C2 đến khóa trợ y, rồi các sinh viên vào học, cả các sinh viên sắp ra trường, ở đâu, chỗ nào họ cũng bàn tán về cô gái kỳ cục kia. Nghe bảo cô ta thơ ngây lắm, lại xinh đẹp, tại sao lại chui vào quân đội nhỉ? Nơi đây có cáo già, làm gì có nai tơ.
Riêng Dũng, anh chàng đệm đàn hôm đó, cứ mải nghĩ về cô gái ấy. Nghe giọng nói, anh biết cô là người Đà Nẵng, cách quê anh mấy cái đèo, tổng cộng chiều dài 107 cây số.
Cô như vì sao lạc lõng ở nơi này. Ánh mắt hoen lệ ngơ ngác. Giọng nói trong trẻo ngập ngừng cuốn hút anh. Nhưng anh thật khó lòng gặp lại cô ấy. Anh đã đứng đón mấy tuần liền nơi cổng, chờ cô ra phố, nhưng không thấy. Anh lảng vảng qua khu khóa sinh nữ, bị bắt lại ngay, chịu một ngày kỷ luật, tạp dịch. Xuống bếp phụ đem cơm về cho khóa sinh, cũng không có. Cô gái như biến mất. Chiều nay Dũng ngồi trên ghế đá gần khu nhà thăm viếng, các bạn cùng khóa sinh cũng đến ngồi.
- Ê! Gặp con bé chưa mày?
Dũng lắc đầu.
- Nó là ma à? Sao không gặp được? Hay giấu anh em?
- Không có, cô bé biệt tăm, cả hai tuần không thấy.
- Ê! Tới giờ học lý thuyết, qua ngang lớp cô ta là thấy chứ gì.
- Tao có qua, nhưng cũng không thấy.
- Mà có đúng con bé hát hay lại rất mát mắt không?
Dũng khó chịu, anh chẳng rõ vì sao:
- Cái tao muốn tìm hiểu là vì răng cô ta khóc.
- Ôi! Bọn đàn bà nước mắt nhiều hơn nước giếng, tao rành sáu câu, hay nó làm bộ để câu mày? Bộ tưởng ngon lành, khối con mê tít.
- Thôi dẹp, không nói chuyện với tụi mi mô.
- Bộ mày cảm bé thiệt à? Dân trọ trẹ mày đa tình thiệt.
Dũng nổi cáu:
- Dẹp mẹ tụi mi đi. Đừng phá ông. Cút!
Cả bọn cười phá lên, kéo nhanh đi. Dũng cũng đứng dậy, anh thẫn thờ nhìn về khu tập thể nữ. Bóng dáng các cô gái ra vào đủ màu sắc. Còn Ngàn Phương, bặt tăm. Dũng nghĩ thầm: "Mai mình trực ban, hỏi mấy cô bên khóa Ngàn Phương mới được."
Thật ra, làm sao mà mấy gã lính và Dũng thấy cô. Cả hai tuần nay, Phương đâu phải nằm ở bệnh viện Trưng Vương. Cô sốt cao, những lúc mê man, cứ lăn lộn gọi Ngàn. Cô Tâm qua thăm, lo lắng vô cùng, hỏi bác sĩ điều trị:
- Con bé đau gì?
- Chị Tâm! Chẳng sao đâu, đã thử nghiệm tìm ra rồi, sốt rét một cộng. Bên chị lo công tác phòng dịch đi, muỗi đó.
- Hôm trước đau, thử ở bên trường mấy lần liền, không có.
- Đây cũng vậy, thử cả ba bốn ngày mới thấy, sốt nhiều do cô ta không được khỏe mạnh gì. Giờ đỡ rồi, chị vào thăm đi.
Cô Tâm thấy Ngàn Phương nằm trên giường, mặt ốm xanh, môi thâm lại. Cô dịu dàng vuốt tóc Phương:
- Em thấy đỡ chưa?
- Thưa cô, đỡ nhiều rồi.
- Gia đình em ở xa, không ai thăm hỏi, em buồn lắm phải không?
- Dạ em quen rồi. Cô đến thăm, em rất mang ơn.
- Ơn nghĩa gì, em nằm nghỉ, mỗi chiều cô cho các bạn đến thăm.
- Dạ thôi, em chỉ muốn yên tĩnh một mình.
Minh Tâm nhíu mày, cô bé lúc nào cũng đem lại cho cô nhiều ngạc nhiên. Có một khóa sinh như Ngàn Phương, cô chẳng lo gì, chỉ thấy thương vì nét lẻ loi cô độc.
Ở trường, cấm mọi quan hệ nam nữ tuyệt đối. Hai khu nhà ở riêng biệt các xa nhau, còn có cả hàng rào khóa lại, nhưng vẫn không ít những trường hợp trốn trại hẹn hò, gây cho cô lắm chuyện đau đầu.
Còn cô bé này, có lẽ lần đầu tiên nói chuyện với đàn ông, đó là hôm hát trên sân khấu. Chà! Giọng hát cô bé tuyệt vời. Còn gã lính đánh đàn, đàn cũng hay không kém, chúng nó đứng bên nhau thật đẹp đôi. Nhưng cô bé làm tỉnh sao mà lạnh lùng như đá cục.
- Phương nè, đây là sữa, cam, quýt, các bạn gởi, cô về cho Phương nghỉ ngơi.
- Dạ.
Minh Tâm ra cửa, cô gái nhìn theo, ánh mắt buồn tênh. Có ai biết được, cô gái ấy cô đơn như thế nào.
o O o
Chiếc xe Hồng thập tự thắng rít ở cổng trường, Ngàn Phương bước xuống, cảm ơn người tài xế. Anh ta gật đầu rồi quay xe về bệnh viện. Cô gái xách túi đi vào. Hôm nay cô ra viện, đã khỏe nhiều, nhưng da vẫn xanh. Bác sĩ cấp thuốc một tuần đưa về trường chích. Bước vào lối rẽ đến khu nhà nữ, cô gái giật mình khi thấy bóng một người đứng lên từ chiếc ghế đá.
- Ngàn Phương! - Dũng gọi, anh nhận ra cô từ xe bước xuống và hiểu ngay vì sao hai tuần nay cô vắng mặt.
Cô gái lo sợ nhìn quanh. Tất cả các khóa sinh đang bu quanh sân vũ cầu, còn gã con trai cao gầy, dáng nghiêng nghiêng với gương mặt đầy nét nghệ sĩ, lại ở đây dường như đợi cô.
- Ông hỏi gì? Sao biết tên tôi?
- Tôi đệm đàn cho cô hát hôm ở bệnh viện đó.
- Tôi nhận ra rồi, nhưng ông nói chuyện với tôi, coi chừng bị phạt cả hai đó.
- Ngàn Phương đau hả? - Giọng anh mang chút xót xa khi hỏi cô.
- Tôi đã lành rồi, cảm ơn ông. Chào ông.
Dũng lúng túng chặn ngang đường:
- Khoan đã Phương, sao gấp rứa, ngồi chơi chút.
- Ông quên à? - Giọng cô gái hốt hoảng.
Dũng tự ái:
- Sao cô nói rứa? Tôi thật tình muốn làm bạn với cô - Giọng Huế pha Nam của anh nghe buồn cười.
- Ông là khóa sinh ở đây mà không hiểu luật lệ trường à?
- Hiểu chớ, nhưng có biết bao người làm quen nhau, tình bạn chân chính thì sợ gì?
- Trong số đó không có tôi. Chào ông.
Cô gái bỏ đi. Dũng nhìn theo, anh bực tức cho mình, cứ như thằng ngố, chẳng nói được câu gì cho ra hồn.
Các bạn gái reo ầm lên khi thấy Ngàn Phương xuất viện. Cùng dắt cô về giường, làm như cô đi không nổi. Cô cảm động mỉm cười rồi kéo mền đắp tận cằm ngủ ngay.
Khi thức dậy, cô thấy vắng hoe. Một chập sau, Lệ chạy vào thở hổn hển hỏi cô:
- Phương dậy rồi à?
- Làm gì chạy dữ vậy? Các bạn đâu hết rồi?
- Đêm nay trường tổ chức văn nghệ, tất cả đều tham dự, hát xong mình biến về đây ngay.
- Sao không dự hết mà về sớm vậy?
- Vì có người gởi cái này cho Ngàn Phương, tí nữa các bạn thấy.
Lệ lấy trong túi ra đưa cho Ngàn Phương miếng xốp nhỏ màu trắng, gương mặt một cô gái, nhìn kỹ lại giống Ngàn Phương. Thấy Phương ngơ ngác, Lệ cười:
- Anh chàng Dũng tặng đó.
- Dũng nào?
- Dũng nhạc sĩ đó. Anh chàng đệm đàn cho Phương hát hôm trước kìa. Nè! Hắn siêu lắm đó, viết nhạc hết chê luôn, tụi khóa hai nhiều cô si hắn lắm nghe. Hắn tỉnh bơ, phớt lờ, nhưng lại mất đầy một bịch kẹo, để món này đến tay Phương, ngon chưa?
- Ngàn Phương không nhận đâu. Trả cho hắn.
- Sao vậy? Không ai biết đâu, tội nghiệp hắn.
- Kệ hắn. Ngàn Phương không nhận gì của ai cả, Lệ trả dùm đi.
Năn nỉ mấy cũng không được, Lệ đành quay ra, Phương không muốn quen với ai cả, sao không ai hiểu điều đó nhỉ? Còn Dũng, khi bị Ngàn Phương từ chối món quà tặng, Dũng không hề nói chuyện với cô. Anh chỉ âm thầm dõi mắt theo cô, hoặc cùng mọi người nghe cô hát. Nhưng Lệ biết, và cô cố tìm cách giúp Dũng. Một lần, chuẩn bị hát, cô nói với Phương:
- Phương ơi, tụi mình hát mà có đàn chắc hấp dẫn hơn.
- Làm gì có đàn, chỉ toàn thương binh.
- Có ngay, chờ chút.
Cô chạy ra chỗ Dũng đứng, hỏi:
- Có đem đàn theo không?
- Bỏ bên phòng, chi rứa?
- Mang qua, nhanh lên. Đệm cho tụi ni hát, cơ hội hiếm đó nghe... Khao kẹo! - Cô chìa tay ra trước mặt Dũng, cười hì.
Dũng mừng quýnh chạy vội về phòng lấy đàn. Khi Ngàn Phương thấy Dũng bước vào đứng bên cạnh, ung dung dạo đàn, cô lườm Lệ một cái:
- Phiền ông quá!
- Đừng khách sáo. Chút qua bên tui hát lại bù là huề. - Giọng Huế của anh nhẹ và dễ nghe.
Hôm ấy, không biết vô tình hay hữu ý, một anh thương binh đã bình phẩm:
- Cô Ngàn Phương hát hay gấp hai lần bình thường nhờ tiếng đàn của anh bạn Dũng.
Tự dưng, Phương cảm thấy có điều gì len nhẹ trong tim. Cô nghĩ rồi mình phải cảm ơn Dũng một lần khi có dịp...