Chương 6

Lần đầu tiên trong đời, mẹ ôm Ngàn Phương khóc nức nở. Mấy đứa em vây quanh chị. Bà Thêm đứng nhìn, cứ lấy khăn chậm nước mắt. Bà Thuận nhìn con, nó thay đổi quá! Già dặn hẳn đi. Bà không biết con đứng trên boong tàu mấy ngày, nên da cháy nắng thêm. Chiếc áo dài đen đang mặc làm cô lớn hơn tuổi nhiều. Cô gái ôm mẹ, dìu ngồi xuống ghế, rồi hỏi:
- Ba đâu? - Mấy nhỏ làm thinh nhìn mẹ.
Bà Thuận trả lời:
- Bỏ nhà đi đâu cả tháng, giờ mới về đó!
Ngàn Phương làm thinh. Cô không hỏi nữa. Mở khóa valy, cô lấy một chồng áo quần may sẵn đưa cho Thạch Thảo:
- Mặc thử cho mấy em. Còn em, mẹ và dì Thêm có quà riêng.
Cô bé rạng rỡ nụ cười, gật đầu. Cô biết lúc nào chị Phương cũng thương yêu cô nhất. Quả nhiên, quà rất đẹp, mẹ và dì Thêm mỗi người một cái áo len đan tay. Còn cô gái được hai xấp vải xoa, may áo dài đi học. Cô mừng, nhảy quýnh quáng, khiến cả nhà phì cười. Bà Thêm cảm động, cầm chiếc áo trên tay, bà mân mê rồi nói:
- Con làm dì cảm động quá. Nhớ hôm trước dì Cúc về cũng cho một xấp áo, nhưng là áo bà ba - Bà chợt nhớ ra, ngậm miệng cũng không còn kịp nữa.
Ngàn Phương sửng sốt. Dì Cúc, em gái mẹ lâu nay không có tin tức, sao lại về? Cô hỏi mẹ ngay:
- Dì con đến đây à? Ở đâu sao con không thấy?
Bà Thuận lấm lét nhìn quanh rồi ra hiệu đuổi mấy đứa nhỏ ra ngoài. Bà nạt bà Thêm:
- Chị này! Muốn chết sao? Tôi đã nói...
- Xin lỗi chị, tôi lỡ lời - Bà Thêm tỏ vẻ lúng túng, khổ sở.
Ngàn Phương ngó mẹ, xưa nay mẹ cô không bao giờ nói nặng dì Thêm nửa lời.
- Kìa mẹ, sao lại la dì? Dì con đâu?
Bà Thuận bịt miệng con gái, nói như van:
- Con ơi! Hỏi nhỏ thôi, gì mà lớn vậy, dì mày đi làm C.M. mà mày la kiểu đó ở tù cả lũ bây giờ!
Cô gái hoang mang nhìn mẹ rồi nhìn bà Thêm, thấy cả hai tỏ vẻ lo sợ, cô nói:
- Sao lại ở tù? Làm C.M. có gì là?
Nghe con hỏi ngơ ngác, bà Thuận kéo con lại gần, thì thầm căn dặn:
- Ngàn Phương! Nghe mẹ nói, từ nay đừng nhắc đến dì nghe! Dì về thăm, đã đi rồi. Con nhắc đến, coi chừng nguy hiểm đến tính mạng.
- Mẹ nói rõ ràng đi, làm con lo quá! Lâu lắm rồi không gặp mấy dì cậu, hôm nay dì đến thăm, sao lại che dấu? Hôm nào con phải về quê thăm dì với cậu Tư.
Bà Thuận khổ sợ nhìn con:
- Ngàn Phương! Con điên à? Về làm gì để cho mấy cậu mấy dì thêm lo. Chưa chắc mấy cậu mấy dì con còn ở trong quê.
- Ủa? Vậy đi đâu mà không cho mình biết?
- Ngàn Phương! Con thật ngây thơ, hay cố tình không hiểu? Lâu nay con học hành, chẳng hiểu nước ta có hai miền Nam-Bắc hay sao?
- Con có biết, nhưng chỉ biết vậy thôi. Sao hả mẹ?
- Các dì cậu con đi làm cách mạng để được thống nhất đất nước. Con hở môi, quốc gia sẽ bắt bỏ tù.
- Làm C.M. chớ có làm C.S. đâu mà ở tù. Hồi tụi con đi tranh đấu Phật Giáo, quốc gia bắt rồi cũng thả ra thôi.
Bà Thuận lắc đầu trước sự vô tâm của con. Nó chỉ biết đến thằng Ngàn, có biết gì nữa đâu? Còn bà thì từ khi lấy chồng rời bỏ quê nhà, theo ông về thành phố sống, các con còn nhỏ dại, bà đâu dám hở môi.
- Con nghĩ V.C. là thế nào?
- Con chẳng biết.
- Còn C.M. thì sao?
- Là chống bất công, bạo lực cường quyền như nhà ông N.Đ.D. đó. Làm C.M. đến ngày thống nhất phải không mẹ?
- Ngàn Phương! V.C. là ai, con biết không?
- Họ cũng là người thôi mẹ ạ.
- Đúng như vậy. Ngàn Phương! Con thấy dì, cậu con có là người tốt không?
Cô gái cười:
- Dì, cậu con dĩ nhiên là tốt, rất thương con, nhất là cậu Tư. Hồi ở quê con còn nhỏ xíu, cậu hay bồng con đi chơi, tắm rửa cho con, ru con ngủ. Con thương cậu nhiều. Từ hồi ra đây, đến giờ không gặp cậu nữa, nhiều khi con nhớ đến phát khóc.
- Cậu Tư con là người có học thức, hiền lành, nhân hậu, con đã biết rồi, nếu mẹ nói lâu nay cậu đi là "C.M.", giành độc lập cho nước, con tin chớ gì?
- Dạ! Người như cậu con chắc sinh ra để làm những việc đó thôi mẹ ạ.
- C.M. là cậu con, V.C. cũng là cậu con, con có hiểu không?
Cô gái tròn mắt ngó mẹ:
- Không phải đâu. V.C. là C.S. đó mẹ. C.M. khác, C.S. khác.
Bà Thuận, nói với con bằng giọng tha thiết, xưa nay chưa từng có:
- Ngàn Phương! Con có coi mẹ là mẹ con không? Mẹ không bao giờ dối gạt con, con hiểu chớ? Lâu nay mẹ không nói vì nghĩ con còn nhỏ dại. Giờ con lớn khôn rồi, mẹ phải nói để con hiểu đâu là sự thật. Hôm trước dì con ra thăm vì nghe tin con vào làm trong quân đội. Dì buồn và trách mẹ. C.M. hay C.S. cũng là một mà thôi. Con nghe chúng tuyên truyền bậy bạ rồi tin.
Cô gái sững sờ một lúc lâu rồi ngó mẹ.
- Mẹ nghĩ con chưa đủ lớn, ai có ngờ đâu con quyết định vội vàng sau cái chết của thằng Ngàn.
Ngàn Phương ngồi thừ người suy nghĩ. Cô tin mẹ, mẹ chưa bao giờ nói sai một điều gì. Cô nói với mẹ:
- Mẹ. Con muốn gặp mặt cậu dì trước lúc ra Huế được không?
- Không được đâu, coi chừng...
- Con tin là được! Mười mấy năm xa cách thế mà việc về cậu và dì, mẹ đều biết cả. Mẹ phải giúp con, mẹ đừng từ chối nghe mẹ.
Bà Thuận vô cùng bối rối, không ngờ mọi việc lại xoay ra thế này. Thấy con nói quả quyết, bà không nỡ từ chối. Dù sao cũng máu mủ ruột thịt của bà.
- Thôi được, để mẹ lo, nhưng con nhớ kín miệng cho.
Phương gật đầu, cười cho mẹ an lòng.
Bà Thuận đứng lên, nét mặt rạng rỡ hẳn:
- Mẹ đi có chút việc, con ở nhà nghe. Ba về hỏi, nói mẹ đi mua hụi.
Cô nhìn theo mẹ, lòng trào dâng niềm vui. Có ngờ đâu ngày gặp lại mẹ cô hiểu và thương mẹ hơn. Mình cứ tưởng chẳng còn gì để nói. Ánh mắt mẹ nhìn cô đầy yêu thương khi cô đã hiểu ra cái điều mà mẹ muốn nói. Còn dì Ba, cậu Tư mình sắp gặp. Trời ơi! Chẳng lẽ mẹ cũng làm C.M.? Cô nhảy nhỏm lên trong ý nghĩ này.
o 0 o
Đến nhà Lạc, không gặp bạn, Ngàn Phương suy nghĩ rồi quyết định đến sở của Hoàng. Đến nơi cô mới nhớ ra hôm nay chủ nhật, chưa chắc gì có anh làm việc. Không biết nhà Hoàng, cô cứ lẩn quẩn mãi Vào hỏi thì ngại, Ngàn Phương gọi xích lô xuống Tỉnh Hội để thắp hương cho Ngàn. Bước xuống xe, vừa trả tiền xong thì Hoàng cũng vừa tới. Bốn mắt chạm nhau. Anh lao tới siết chặt tay cô gái, giọng nửa giận nửa mừng:
- Về sao không báo tin cho anh biết, để đón?
- Em về tàu thủy sao báo được, em mới lên sở tìm anh, chợt nhớ ra là chủ nhật nên em lên đây thắp hương cho anh Ngàn.
- Chủ nhật nào anh cũng lên mộ Ngàn. Hôm nay lại muốn đi thắp hương trước, thật là duyên kỳ ngộ, anh biết đó là của Ngàn - Hoàng cười rồi nắm tay Ngàn Phương một cách tự nhiên. - Mình vào thắp hương cho Ngàn đã em.
Bên bàn linh cả hai cùng thắp. Nhìn bàn tay thon nhỏ của Phương chắp trước ngực, miệng cứ lầm thầm khấn vái, Hoàng thương ơi là thương. Cô lớn hẳng sau một năm xa cách. Chiếc áo dài màu đen càng làm cô già dặn, u buồn. Anh thở dài nói:
- Anh đưa em đi ăn chút gì, rồi lên mộ Ngàn nghe? Mấy bụi hoa anh trồng nay đã trổ hoa rồi.
Phương nhìn anh với cái nhìn biết ơn. Trái tim người con trai nhói lên. Anh như trẻ thơ ngày mẹ cho bánh, nắm chặt tay cô chạy nhanh ra xe. Cô hốt hoảng nhưng cũng chạy theo. Hoàng lao xe nhanh, hai bên đường hàng cây cứ loang loáng, Phương muốn ngợp. Anh đỗ xe lại trước tiệm phở. Họ ngồi vào bàn đối diện nhau. Anh nhìn cô nồng nàn không chớp mắt. Trời ơi! Ước gì anh được hôn lên đôi mắt u buồn, bờ môi thường mím chặt ấy một lần, dù chỉ một lần thôi. Cô gái cúi đầu khi đọc được ở anh những gì đang xao động trong lòng.
- Đừng nhìn em như vậy! Anh Hoàng!
Tiếng Hoàng nhẹ tênh như gió thoảng làm cô cũng thoáng giật mình. Cô cũng tràn ngập niềm vui ngày gặp lại. Nếu bây giờ có ai hỏi cô vì Hoàng mà hy sinh mọi thứ, cô gật đầu ngay. Còn tình yêu thì...
Người phục vụ bưng hai tô phở ra. Hoàng lau đũa, muỗng đưa tận tay cô, mắt vẫn cứ đăm đăm nhìn như sợ cô biến đi.
Phương ngại ngùng giục khi thấy vẫn nhìn mình:
- Kìa, anh Hoàng! Ăn đi kẻo nguội! Cứ nhìn Phương hoài, Phương ăn không được đâu.
Cô muốn kéo anh ra khỏi trạng thái hiện tại, nên hỏi anh nhiều thứ chẳng ăn nhập vào đâu.
Ra khỏi quán ăn, nắng ban mai lấp lánh trên mái tóc ngắn, trên vạt áo dài u buồn của Ngàn Phương. Hoàng dịu dàng nói với cô:
- Mới một năm mà em lớn nhiều, càng lớn hơn khi em mặc chiếc áo màu đen. Đi thăm mộ về, anh đưa Phương đi may vài chiếc áo màu nghe?
- Không cần đâu anh, em đủ mặc rồi.
- Màu đen hợp với em, nhưng nhìn như thiếu phụ ấy.
- Đấy! Tự anh lại mâu thuẫn với anh rồi. Lúc thì chê Phương còn con nít lắm, lúc thì gọi là như thiếu phụ.
Hoàng nói như sợ Ngàn Phương giận:
- Không! Anh không có ý vậy đâu, nhưng anh muốn tặng em một chiếc áo.
- Em cũng đùa thôi. Cứ để dịp khác đi anh, giữa chúng mình không cần phải tỏ tình thân ái bằng cách đó.
Anh biết, Phương lúc nào cũng né tránh tình yêu của anh.
Anh hụt hẫng, nhưng vẫn đợi chờ...
- Em không thích thì thôi vậy! Chừ anh đưa em lên thăm mộ, rồi mình đi chơi một lát nghe?
Không từ chối, cô gái cười với anh:
- Phải về đúng giờ, không mẹ chờ cơm.
- Phương! Em đã hiểu mẹ rồi phải không?
- Vâng, em thật là ngu ngốc. Một năm xa mẹ, em mới hiểu mẹ đối với em như thế nào.
- Điều đó không muộn đâu em.
Đi mộ về, Hoàng đưa cô ra biển.
Hàng dương xanh, biển xanh, cả trời cũng xanh thẳm. Trên bờ cát trắng mát lịm dưới chân, gió lồng lộng thổi, làm mái tóc Ngàn Phương rối tung lên, cô gái cứ vuốt mãi, Hoàng nhìn rồi nói trong nụ cười:
- Để anh cột tóc cho em?
- Thôi anh.
Ánh mắt anh van nài:
- Tóc rối bết, đừng cãi anh. Hôm nay mừng gặp lại em, em chiù anh đi!
Anh lấy trong túi quần ra hai sợi thun. Cô buột miệng cười. Chẳng hiểu sao Ngàn Phương ao ước được làm vừa lòng Hoàng. Cô đứng yên cho anh cột tóc. Hoàng tỏ ra khéo tay, chỉ trong tích tắc, tóc cô thành hai bím hai bên. Với lối cột tóc này Ngàn Phương thấy mình bé nhỏ. Hai mắt nhìn vào nhau, anh sẽ sàng nắm tay cô, ngại ngùng chưa kịp rút bàn tay lại, cô đã nghe tiếng cười khúc khích, tiếng xì xào. Cô giật mình rút vội tay ra khỏi tay Hoàng. Những chiếc áo trắng, những ánh mắt đen tròn hiện ra nghịch ngợm trêu hai người:
- A! Bắt gặp rồi, anh cột tóc cho chị, cột tóc cho tụi em với!
Giọng nói của cô bé khác cất lên:
- Lại nắm tay nữa, tình hết biết luôn!
Giọng cô bé lớn nhất vẻ táo tợn:
- Cho em tình với.
Ngàn Phương đỏ mặt, còn Hoàng cứ tỉnh bơ:
- Mấy cô bé trốn học đi biển phải không?
- Í, lêu lêu mắc cỡ, bữa ni chủ nhật, tụi em đi cắm trại.
- Đi trại, tới đây làm gì?
- Tới để nhìn anh cột tóc cho chị đó!
Ngàn Phương bỏ chạy ra biển. Hoàng chạy theo, còn quay lại nheo mắt với mấy cô học trò nhỏ. Đôi giày cao gót của Phương ngập cát, cô đi khó khăn. Hoàng thấy cô lúng túng, anh nói:
- Em cởi giày ra.
Hồn nhiên theo về trên đôi môi, cô gái bỏ giày ra, chạy chân trần trên cát trắng. Vạt áo dài tung bay. Hoàng nắm đôi giày trên tay, âu yếm nhìn teo. Người anh yêu khả ái trong những lúc hồn nhiên. Ôi! Hạnh phúc nhỏ nhoi của anh biết có giữ trong tay hay không?
Hai hôm sau Ngàn Phương gặp dì Ba căn buồng nhỏ. Hơn mười năm không gặp, dì đã thay đổi nhiều: già đi, gầy ốm và gương mặt xạm lại vì lo âu cực khổ. Tình máu mủ bừng dậy trong cô. Ôm lấy dì, Ngàn Phương nghẹn ngào:
- Dì ơi! Dì khác quá, còn cậu con đâu không về?
- Cậu không về được. Sốt rét nặng lắm, may mẹ con kịp đem thuốc lên, cậu đã đỡ, có gởi thư về cho con đây.
- Dì ơi! Mẹ nói con dì là...
- Những điều mẹ con nói là đúng. Ngàn Phương dì rất thương con, dì đã hiểu nỗi lòng của con, mai này con tự tìm hiểu nơi con làm việc, ở xã hội bên ngoài... Xưa nay con không để ý mà thôi. Con đọc thư cậu đi.
- Con sẽ đọc sau. Dì ơi! Dì ở lại đây có lâu không?
- Không. Chỉ được một giờ thôi. Khó lắm, bọn mật thám khắp nơi, sơ hở một chút là liên lụy cả gia đình con.
- Việc gặp này con nhớ giữ bí mật, phải rất cẩn thận. Và luôn nhớ rằng nhìn vào những người lao động chân chính, những người dân nghèo lương thiện mà nhận xét, để con hiểu cái xã hội phồn hoa giả tạo này hơn, mà chọn cho mình một cách sống nghe con.
Hai dì cháu nói chuyện với nhau trong buồng. Bên ngoài bà Thuận ngồi canh. Một giờ trôi qua nhanh quá, chưa nói được với nhau nhiều. Ngàn Phương vuốt ve bàn tay chai sạm của dì trong tay mình:
- Con thật không xứng đáng là cháu của dì cậu. Con tự biết mình không thể làm được những điều mà dì cậu và bao người khác đã làm. Con yếu hèn, lý trí không mạnh, cái gì cũng sợ hãi. Nếu làm C.M. chỉ đem hại cho C.M. mà thôi. Con tự biết bản thân mình, nên nói thật với dì, con chỉ xin hứa với dì, con không làm điều gì sao trái lương tâm. Còn dì cậu cần đến con trong vấn đề thuốc men, tiền bạc, con sẽ hết lòng. Dì ơi! Dì đừng buồn con nhé!
Người dì đưa tay lên vuốt tóc cháu gái:
- Dì không buồn con đâu. Làm C.M. có trăm ngàn cách, đâu phải chỉ hoạt động mới là yêu nước đâu con. Chỉ cần con bây giờ giữ mình trong sạch, giúp mẹ nuôi em... À! Còn một điều nữa...
- Điều gì, dì cứ nói con nghe?
- Những người bận áo lính không phải ai cũng xấu, họ cũng có cha mẹ, vợ con, cũng có lý trí tâm hồn, không ai muốn chết, muốn cầm súng giết người... Chỉ có lũ bán nước mà thôi. Con về ngoài đó, trong khả năng mình, giúp đỡ và làm cho thương binh hiểu mà chán ghét chiến tranh, cố gắng giúp họ về với gia đình, không đi lính nữa. Tiếng hát của con sẽ góp phần làm tan rã ý chí của những người chiến đấu, con có hiểu không?
- Dạ, con hiểu.
- Dì đi đây, con coi thư cậu xong, phải đốt ngay.
Hai dì cháu ôm nhau. Nước mắt Ngàn Phương thấm ướt vai áo dì. Cô khóc vì thương dì, trọn đời xuân xanh cống hiến cho đất nước, giờ tuổi đã quá thì, vẫn một bóng một thân. Nghe đâu cậu Tư cũng vậy, chưa ai lập gia đình. Dì Cúc đẩy nhẹ cháu ra, vỗ nhẹ lên vai cô thay cho lời chào từ biệt rồi bước nhanh ra cửa. Ngàn Phương ngồi một lát lâu rồi lấy thư cậu ra đọc. Lá thư viết trên một mảnh giấy trắng mỏng chỉ nhỏ bằng bàn tay, chữ li ti như kiến:
Ngàn Phương của cậu! Hơi mười năm không gặp, nay con đã trưởng thành, cậu muốn về thăm nhưng không được. Nhớ này nào con còn bé cậu cháu bên nhau. Nay gia đình mỗi người mỗi ngả. Biết con đi vào con đường ấy, cậu tin con sẽ sống không thẹn với lòng, Ngàn Phương! Cậu rất hiểu nỗi lòng con khi muốn gặp cậu. Nhưng con phải hiểu cho cậu đang bệnh, viết thư cho con tay còn run thì làm sao về thành gặp con được. Cậu mong lá thư này làm chiếc cầu nối lại tình máu mủ ruột rà để mỗi ngày càng đậm thêm. Con tin cậu và thương cậu như ngày nào thì hãy nghe lời mẹ với dì, tìm một con đường đi cho đúng đắn để mai sau không thẹn cùng non nước. Cậu không thể viết dài, cậu mong con gặp được may mắn trên đường đời. Mẹ con là người mẹ cao quý, con nhớ đừng quên điều đó.
Cậu Tư Trung
Cô gái đọc đi đọc lại mấy lần đến thuộc lòng bức thư rồi châm lửa đốt, đợi cháy hết mới bước ra ngoài. Hai mẹ con giáp mặt nhau, bốn bàn tay siết chặt, cô gái thì thầm:
- Cậu ốm lắm hả mẹ?
- Cậu bị sốt rét. Trong đó cái gì cũng thiếu. Đường tiếp tế ngày một khó khăn. May mẹ kịp đem thuốc vào. Gặp mẹ, cậu con...
Người mẹ nức nở không nói được. Cô gái cũng rơi lệ. Một lát sau, bà Thuận nói tiếp:
- May quá, chích thuốc vô cậu con đỡ ngay. Mẹ không thể ở lâu. Nhờ cha con quen biết mới lấy được giấy đi lại. Cậu con còn yếu lắm, nhưng nghe chuyện con, cậu cũng gắng gượng viết thư.
- Mẹ ơi! Cả dì và cậu không ai lập gia đình hết à?
- Thì giờ đâu mà tụi nói nghĩ đến chuyện đó con. Dì con thì người chồng hứa hôn đã hy sinh trong chiến đấu. Còn cậu mày nghe nói có người yêu, nhưng lại hẹn nhau đợi hòa bình mới cưới.
- Trời đất, đợi đến bao giờ?
- Mẹ cũng không biết. Mẹ có hỏi, cậu chỉ cười.
Cô gái đến ngồi bên bàn, chống tay suy nghĩ một lát, cô nói với mẹ:
- Hai bữa nữa con đi. Mẹ an tâm, con sẽ không làm điều gì để mẹ buồn. Con thú thật, con không thể nhận công tác, vì con chưa đủ tư cách làm người C.M. Con chỉ hứa với dì, nếu giúp được cái gì con sẽ giúp ở khả năng của con mà thôi.
- Dì con nói sao?
- Dì cũng vui lòng, chớ làm sao khác. Con nói thật, nếu làm C.M. lỡ bị bắt, đánh, con khai hết.
- Con tự biết vậy cũng hay, chỉ cần con sống tốt là mẹ yên lòng. À! Ngàn Phương, đến lúc đi nhớ chào ba con nghe. Con đi đã lâu giờ trở về sao đối xử với ba như vậy?
Cô cố nén khó chịu để mẹ khỏi buồn:
- Có lẽ tại con với ba không hợp tính, nhưng mẹ đừng lo, con lớn khôn rồi, dù gì ba cũng là ba của con.
o 0 o
Hai cô gái ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ đến phát khóc. Hoàng đứng dựa vào xe nhìn, mỉm cười. Lạc nói như hờn trách:
- Đi đâu Lạc đến kiếm không có? Người ta nghe về mừng quýnh mà Ngàn Phương cứ như là chim, bữa ni không gặp nữa là giận đó.
Ngàn Phương cười làm lành với bạn rồi kéo vào nhà:
- Đừng giận Phương! Công chuyện mà. Lạc mạnh không? Tìm được việc làm chưa?
- Chưa, chán lắm Phương ơi!
Hai cô gái mặc sức tâm sự với nhau cả buổi. Ngàn Phương cầm bạn ở lại ăn cơm. Lạc từ chối nói có việc, hẹn chiều đến hai đứa đi chơi.
- Lạc định qua Phương buổi chiều, nhưng gặp anh Hoàng nói có Phương ở nhà nên chạy qua ngay, chớ chiều mới rảnh.
- Vậy chiều đến, hai đứa đi chơi, mai mình đi Huế rồi.
Hoàng nãy giờ ngồi nghe hai cô gái tâm sự giờ mới lên tiếng:
- Sao nhanh vậy Ngàn Phương? Em mới về có mấy ngày.
- Trễ mấy ngày rồi anh ạ! Nhờ anh đưa Lạc về dùm em. Em còn phải vào phi trường.
Hoàng đứng lên:
- Em đợi chút xíu thôi, anh đưa Lạc về rồi anh đưa em đi phi trường.
Thấy Ngàn Phương không phản đối, anh vui lắm. Một năm sáu tháng xa nhau, Ngàn Phương đã khác xa nhiều. Cô có vẻ nhu thuận, dịu dàng, không còn nét bướng bỉnh khó chịu nữa. Lạc về, Ngàn Phương vào thay áo rồi ngồi chờ. Không lâu Hoàng về, trên đường đi, anh hỏi cô:
- Vào phi trường có chuyện gì không Ngàn Phương?
- Em thăm một người rất tốt với em.
- Nếu rất tốt với em thì anh phải ơn và vui mừng được kết bạn.
Đến cổng phi trường, cả hai xuất trình giấy tờ, rồi vào trong. Đến khu nhà ở của chuyên viên kỹ thuật, cô gái thấy một người mặc đồ không quan đang đứng thọc tay vào túi quần, cô lễ phép chào rồi hỏi:
- Thưa ông, tôi muốn hỏi thăm ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên viên bảo trì kỹ thuật.
Người đàn ông quan sát cô bằng gương mặt lạnh lùng, rồi trả lời giọng hững hờ:
- Cô đến muộn sáu tháng, ông ấy đã chuyển về phi trường Cam Ranh.
Ngàn Phương buồn bã cám ơn ông ta, rồi quay ra. Hoàng hỏi cô:
- Lâu nay em không thư từ hỏi thăm ông ta sao mà ông ấy đi em không biết?
- Em chỉ gặp ông ấy một lần trong đêm đi Sài Gòn, ngồi chờ máy bay. Làm sao mạo muội viết thư hỏi thăm được.
- Vậy thì mình viết thư vào phi trường Cam Ranh.
- Thôi khỏi anh, gặp nhau cho có chuyện, chú ấy chắc gì còn nhớ tới em.
- Có phải người em viết trong thư cho anh không?
- Dạ. Trong một lần gặp mà chú ấy đã dạy em nhiều điều tốt đẹp.
- Người tốt khó gặp. Giờ không có cơ hội gặp lại, chỉ cần mình biết sống và sống tốt, anh nghĩ thế cũng được rồi.
Cô gật đầu yên lặng không nói gì.
o 0 o
Sáng hôm sau Hoàng đưa Ngàn Phương ra bến xe đi Huế. Cả hai đều bịn rịn lúc chia tay. Hoàng dặn cô trăm thứ chuyện. Chuyện hàng đầu là phải viết thư cho anh, chủ nhật phải về, cô hứa với anh tất tật mọi điều. Xe chuyển bánh, anh đứng mãi trông theo. Trên xe Ngàn Phương cũng ngoái đầu nhìn lại cho đến khi không thấy Hoàng. Lòng cô mang một tâm trạng bồi hồi khó tả khi nghĩ đến bao người thân yêu. Xe chạy qua cầu Thủy Tú, phía tây rặng núi hiện lờ mờ. Ngàn Phương đột nhiên ứa nước mắt. Nơi ấy có một người thân yêu ruột thịt đang cùng bao người khác đang sống cảnh rừng sâu núi thẳm, cái chết dễ dàng như ngàn cân treo sợi tóc, chỉ vì ngày mai của đất nước mình.
Chiếc xe đò chở cô vượt đèo đưa cô sang bên kia đèo Hải Vân với cuộc sống mới đang chờ phía trước. Tâm hồn Ngàn Phương đã thay đổi nhiều từ buổi nói chuyện với mẹ và dì.