Đại Nhân Vật
Hồi 9
Tân khách biến tân nương

Tiếng pháo lại nổ dòn.
Phong tục ở đây thật lạ.
Thông thường đám cưới khi rước dâu về tới cửa thì pháo mới nổ lên, và khi phò cô dâu vào tiền đường, pháo mới nổ lên lần nữa. Còn ở đây thật lạ, khi nãy, lúc Thư Hương vừa thức dậy thấy cổng dừng lại thì nàng đã nghe tiếng pháo, bây giờ nàng lại cũng nghe tiếng pháo, hình như ở đây người ta đốt pháo liên miên.
Đám con nít bu quanh bây giờ lan ra reo ó, chúng chạy tranh nhau những cây pháo tịt ngòi.
Mấy cái bàn lớn đã đầy thức ăn, cá thịt ê hề, họ nấu thật nhiều món.
Nhìn mặt người hớn hở, nhìn những cỗ bàn, Thư Hương chợt thấy bâng khuâng.
Nàng từ nhỏ sống trong nhung lụa, cuộc sống của nàng không thiếu một món gì.
Những cỗ bàn như thế này thật đối với nàng rất tầm thường, vật liệu của họ quanh quẩn cũng chỉ gà vịt heo bò, thêm vào đó những mụ đàn bà xúm lại xào qua xáo lại những món “cổ truyền” họa hoằn có thêm thắt đôi chút theo sáng kiến tầm thường của họ, làm sao sánh nổi “sơn hào hải vị” với những đầu bếp trứ danh?
Cha nàng đã giàu lại thêm hiếu khách, những tiệc tùng, những cỗ bàn sang trọng đã quá quen mắt với nàng, nhưng nhất định không làm sao sánh được ở đây, ở cái không khí xóm giềng của miền thôn dã. Bởi vì ngoài cỗ bàn, người ta còn có tình thân mộc mạc, tình thân không vụ lợi, tiệc vui của người ta hoàn toàn nồng đượm thâm tình không hề có mục đích lợi dụng, không hề có thủ đoạn.
Chính vì thế mà một bữa tiệc dầu tầm thường đến đâu, đối với họ cũng hoàn toàn hể hả.
Thư Hương ngồi vào bàn tiệc, lòng nàng khoan khoái, bao nhiêu bất hạnh chừng như đã cách xa.
Nàng được thỉnh ngồi vào một cái bàn bên trái, bên trái đối với bên ngoài nhìn vào, chớ thật thì nằm vào cương vị phải theo cái nhìn từ trong nhà ra sân, lão gia đánh xe ngồi kế bên nàng.
Bàn này gồm có năm người.
Bây giờ Thư Hương mới thấy lời của người thiếu phụ nói khi nãy là thật. Thực khách không đông.
Ngoài nàng ra, hình như toàn là những bà con thân thích.
Mỗi người đều nhìn nàng bằng con mắt hiếu kỳ, cũng phải vì nàng là người lạ, người khách không mời trước người khách tình cờ.
Biết như thế, nhưng Thư Hương vẫn có cảm giác băn khoăn. Nàng nói nhỏ với lão già:
- Lão trượng, tôi không có chút lễ gì để gọi là biếu mừng, như thế ngại quá.
Lão già cười cười:
- Không sao, không sao, cô thì khỏi phải nói đến lễ mừng.
Thư Hương hỏi:
- Sao tôi lại khỏi phải có lễ mừng?
Lão già hấp háy mắt:
- Bởi vì buổi tiệc này tổ chức có hơi vội vàng, cho nên không ai có chuẩn bị lễ vật.
Thư Hương hỏi:
- Sao lại vội vàng? Tôi nghe nói ở thôn quê người ta kỹ lưỡng trong hôn lễ lắm mà?
Nghe nói có nơi phải chuẩn bị đến hai ba năm?
Lão già đáp:
- Quả có như thế, nhưng đó là thông thường, còn đây là đặc biệt.
Thư Hương hỏi:
- Sao gọi là đặc biệt?
Lão già cười:
- Vì tân lang và tân nương đều đặc biệt.
Càng nghe càng tò mò, Thư Hương hỏi phăng:
- Sao lại đặc biệt? Họ có thân thích gì với lão gia không?
Lão già cười và nói lãng ra:
- Tân lang sắp ra rồi.
Thư Hương hỏi:
- Còn tân nương đâu?
Lão già đáp:
- Đà có trong tiệc.
Thư Hương nhướng mắt:
- Đà có mặt trong tiệc? Đâu? Vị nào đâu?
Nàng len lén đưa mắt nhìn quanh, trong tiệc ngoài nàng và lão già, chỉ còn độ bảy tám người.
Vừa rồi ra tiếp nàng là hai người thiếu phụ. Họ đang ngồi ở bàn đối diện. Họ sửa soạn thật kỹ, ngoài quần áo mới còn tô son trát phấn đàng hoàng.
Họ đang ngồi nói nói cười cười coi có vẻ thật vui, họ cười thật nhiều. Thư Hương có cảm tưởng nếu họ cứ trên đà đó, cứ cười nhiều như thế đó coi chừng bao nhiêu phấn trên mặt họ dám rơi xuống từng dề.
“Càng xấu, càng già, phấn son cần phải tô thật dữ”, cái câu nói đó lúc nào cũng đúng.
Hai người thiếu phụ này, giá như trong trường hợp bình thường, ăn vận bình thường, để vẻ mặt bình thường thì họ cũng không tệ lắm. Thế nhưng bây giờ họ trang điểm quá nhiều, quá kỹ, phấn sáp quá dày thành thử họ bỗng trở thành dị hợm, trông họ giống bà bóng quá chừng.
Thư Hương tức cười thêm, càng nhìn, nàng thấy hai người thiếu phụ đó càng...
quá xấu.
Thư Hương hỏi nhỏ lão già:
- Hai người ngồi bên đó ai là tân nương?
Sở dĩ nàng dám hỏi như thế là vì hồi nãy lão già nói “tân nương đã có trong tiệc”, mà trong tiệc hiện tại thì chỉ có hai người đó là đàn bà, cố nhiên nàng thì không tính.
Lão già lắc đầu:
- Làm sao lại có tân nương quá xấu như thế?
Thư Hương thở phào.
Chuyện của thiên hạ nhưng nàng lại lo, nàng nghĩ tân nương thì không nên xấu như thế.
Tân nương là phải đẹp, nhưng trong tiệc, kể về khá hơn hết thì chỉ có người thiếu phụ lớn tuổi hơn thôi.
Nàng hỏi:
- Có phải vị đó không?
Vừa hỏi, nàng vừa đưa mắt nhìn người thiếu phụ.
Lão già cười:
- Cỡ đó thì là bà nội của tân nương chớ tân nương sao được.
Thư Hương lại thở phào...
Nàng mừng thầm, nếu tân nương mà là người ấy thì đám cưới này hết thành...
đám cưới.
Nàng nghĩ, có lẽ tân nương có mặt nhưng chưa ra, có lẽ sẽ ra cùng một lượt với tân lang.
Bởi vì nàng không dám đường đột giương mắt khắp nơi, nhưng nhìn bằng đuôi mắt nàng đã thấy hết mọi người. Không có ai là tân nương cả.
Thế nhưng nàng vẫn nóng nước, nàng hỏi:
- Sao không thấy?
Lão già cười:
- Tân lang không nóng mà co đã nóng rồi à?
Thư Hương đỏ mặt cúi đầu, nhưng một chút rồi nàng cũng hỏi:
- Lão trượng, tân nương có đẹp không?
Lão già cười:
- Tự nhiên là phải đẹp chứ, nhất ở đây mà.
Thư Hương ngẩng mặt lên, thấy ai nấy cũng chăm chú nhìn mình, nàng ửng mặt cúi đầu thật thấp.
Vừa cúi mặt xuống là nàng thoáng thấy một đôi giày thường dùng cho tân lang thật mới và nàng cũng thoáng thấy vạt áo hồng bào, thứ áo tân lang.
Đôi giày, vạt áo phất phới từ trong ra ngoài.
À, có thể chớ, đâu lẽ cứ để khách đợi hoài?
Bây giờ thì tân lang ra mặt.
Thế còn tân nương?
Không biết con người của tân lang ra sao? Không biết khoảng bao nhiêu tuổi?
Không biết xấu hay đẹp?
Chắc chắn là tuổi không thể lớn lắm, có thể quá ba mươi, nhưng không được quá nhiều, đó là tuổi cao nhất của một tân lang.
Thư Hương mấy bận muốn ngẩng mặt lên, nhưng nàng thấy không tiện, dầu gì thì nàng cũng là con gái chưa chồng, không khí ở đây là thôn quê, người ta còn giữ gìn, không thể nhìn đường đột như thế.
Không, nàng phải chờ cơ hội, chớ nếu nàng ngẩng thẳng mặt lên chắc chắn sẽ bị cười.
Nàng thấy đôi giày tân lang đi ra, đi thẳng...
Ủa, lạ chưa?
Đôi giày của tân lang bước về phía bàn nàng và ngừng lại trước mặt nàng.
Thật là kỳ cục.
Họ định chào khách chăng? Nhưng khách đaáng chào trước đâu phải là nàng?
Thư Hương không kịp nghĩ thêm, vì ngay lúc đó thì pháo tay vang dội.
Những chỗ đông người, thường thường pháo tay rền mà êm, vì người ta vỗ nhẹ, như nhờ đông nên tiếng dội ấm rền, trái lại, những chỗ ít người pháo tay thường nhức óc vì ai cũng cố vỗ cho thật lớn.
Trong pháo tay, có tiếng cười xen lẫn:
- Nhị vị thật “lang tài nữ mạo”, “giai ngẫu thiên thành”.
Lại có người tiếp theo:
- Tân nương đẹp quá, phúc hậu quá, tương lai nhất định tử tôn mẫu thất!
Đó là những câu chúc tụng khi tân lang và tân nương đối diện.
Thế nhưng sao không thấy tân nương?
Thư Hương không dừng được, nàng buột miệng hỏi nhỏ:
- Lão trượng, tân nương đâu?
Lão già cười:
- Tân nương là cô đó chớ đâu?
“Tân nương là cô đó”...
Thư Hương hé miệng cười...
Nàng cảm thấy thôn quê người ta vui tự nhiên và lão già đùa hơi quá trớn...
Thế nhưng nụ cười của nàng không nở trọn, nàng cảm thấy không phải, lão già không có đùa...
Tiếng pháo tay lại vang lên và có người nói lớn:
- Tân nương hãy đứng lên để làm lễ tơ hồng.
- Tân lang đang chờ và bọn này cũng chờ nhập tiệc đây, xin mời tân nương đứng dậy.
Đôi giày của tân lang vẫn như chôn một chỗ.
Thư Hương nóng mặt, đôi giày tân lang “chôn” thật ngay trước mặt nàng.
Thư Hương ngẩng mặt lên, nàng không thể dằn được nữa, người ta không thể đùa một cách sỗ sàng như thế, không thể bất lịch sự như thế.
Nhưng nàng bủn rủn, nàng chết trân, khi nàng thấy mặt tân lang...

*

Tân lang mặc áo rộng hồng, mang giày mới, đầu đội mũ Ô Sa, ăn mặc đúng dáng cách của một tân lang.
Thế nhưng bộ mặt trong thiên hạ tuyệt đối không thể có bộ mặt thứ hai như mặt hắn.
Không phải bộ mặt của con người sống.
Hai mắt trơ trơ như mắt tượng đá, da mặt mét chằng hình như máu không có luân chuyển dưới làn da.
Hắn đứng im lìm, đứng như trời trồng, y như khi chưa có Thư Hương thì hắn đã “mọc” sẵn nơi đó tự bao giờ.
Lưu tiên sinh.
Chính hắn, tân lang là Lưu tiên sinh.
Thư Hương cảm nghe thân hình trơn lùi, từ trên ghế nàng tuột lần xuống đất y như toàn thân có một chất trơn, hai hàm răng nàng khua nghe cồm cộp...
Nàng có cảm giác nàng như một con heo đang đặt lên thớt và con dao thọc huyết đang gát một bên.
Họ chuẩn bị cả rồi, tiệc cưới, phòng hoa, đăng chúc huy hoàng, họ chỉ chờ nàng dẫn xác tới...
Nàng muốn khóc nhưng không chảy nước mắt, nàng muốn la nhưng cổ họng đã cứng rồi.
Lưu tiên sinh... từ từ:
- Ta đã hỏi ba bận, ta hỏi bao giờ thì làm lễ nhưng nàng đều không quyết định, nên ta phải quyết định.
Thư Hương há miệng:
- Tôi... tôi...
Nàng đã cố ráng hết sức nhưng cũng không ra tiếng.
Lưu tiên sinh nói:
- Chúng ta thành thân như thế này, chẳng những danh chánh ngôn thuận, mà Mai dong cũng có hẳn hòi.
Lão già đánh xe cười:
- Lão là Mai dong.
Hai người thiếu phụ đánh phấn đứng lên:
- Chúng tôi là dâu phụ.
Lưu tiên sinh nói, cố nhiên là cũng... từ từ:
- Tất cả ở đây là nhân chứng của hôn lễ, không có ai nói một tiếng nào dị nghị.
Thư Hương tuột chùi luôn xuống đất, khi nãy còn dựa đầu vào thân ghế, nhưng bây giờ thì nàng gần như không còn một chút xương.
Toàn thân nàng mềm nhũn, lạnh băng.
Rõ ràng nàng có thể chạy thoát Vương đại nương, nhưng nhất định không khỏi được tầm tay của tên yêu quái họ Lưu này...
Ngay lúc ấy chợt nghe có tiếng:
- Trong cái hôn lễ này quả thật không ai nói, nhưng ta nói.
Người nói câu đó là một gã thanh niên.
Hắn vừa lùn vừa mập, mặt hắn tròn quay, hai mắt hắn nhỏ mà dài, trán hắn cao mà dồ, hai chân mày hắn rậm rì.
Nhìn toàn bộ con người của hắn, ai cũng có thể gọi là... quái dị.
Gã ngồi ở đầu bàn bên phải, tay trái gã cầm chén, tay phải gã cầm bầu.
Chén rượu không lớn, chỉ uống một hớp là cạn, nhưng gã rót liền liền.
Cái chén kê lên miệng vừa lấy ra thì miệng bầu đã nghiêng vào, miệng bầu vừa lấy ra thì cái chén đưa lên miệng.
Gã làm như cái máy.
Nhưng cái lạ lùng nhất là không hiểu làm sao gã có mặt nơi đây.
Không ai thấy gã bước vào, không ai thấy gã ngồi vào bàn tiệc, vậy mà gã vẫn có mặt.
Người ta thấy gã khi nghe gã nói.
Tất cả những người có mặt giật mình trước sự có mặt đột ngột của gã.
Còn gã thì lại tỉnh bơ.
Y như hồi chưa đặt tiệc thì đã có mặt gã rồi.
Y như hồi gian nhà này dựng lên thì đã có mặt gã ngồi nơi đó.
Lưu tiên sinh vẫn... từ từ:
- Không phải ta thì là ai?
Gã thanh niên dùng miệng bầu chỉ vào mũi mình:
- Ta, ta là tân lang.

*

“Tân lang là gã, nhưng gã là ai?”
Thư Hương vốn đã mẹp xuống đất, nhưng khi nghe câu nói đó là nàng nhỏm dậy.
Gã thanh niên cũng đang nhìn nàng.
Thư Hương vốn không biết gã thanh niên, nhưng không hiểu sao nàng lại thấy...
quen quen.
Gã thanh niên chầm chậm nói tiếp:
- Ta họ Trương, tên Dị, gọi là Trương Dị.
Trời đất, Thư Hương chút nữa đã kêu lên.
Đúng rồi, nàng có vài lần thấy dạng gã và mới tối qua nàng thấy gã đi với cha nàng và cha gã nữa...
Gã là Trương Dị, con của Trương Tam Gia, gã là “Óc Mít”.
Hắn đúng là một con người quái dị.
Không phải quái dị về hình dạng không, hắn còn quái dị nhiều việc.
Nghe nói trong mười ngày, gã chỉ tỉnh có một ngày, lúc tỉnh thì gã rút và trong chùa làm bạn với hòa thượng, lúc say gã nhủi vào kỹ viện hú hí với mấy ả buôn hương.
Bất cứ chỗ nào gã cũng có thể ở lâu, chỉ độc có nhà gã thì không khi nào gã ở được, nghe nói từ ngày gã biết đi đến giờ, cha gã thấy mặt gã chưa đủ mười lần, như vậy, trung bình hai nắm mới thấy mặt gã.
Nghe nói bất cứ chuyện gì thuộc về kỳ dị nhất trên đời hắn cũng đều làm đủ, chỉ độc có việc đàng hoàng thì gã chưa làm đến bao giờ.
Thư Hương đã nghiền ngẫm mãi, không hiểu tại sao cha nàng lại hứa gã nàng cho cái tên dị hợm như thế?
Và nàng càng không thể tưởng tượng nổi là tại sao cái tên “Óc Mít” lại có mặt tại chỗ này.
Nàng chợt thấy gã đúng là quái vật.

*

Lưu tiên sinh chắc cũng xem gã là... quái vật, nên hắn nhìn gã chăm chăm thật lâu rồi bỗng bật cười.
Lần thứ nhất Thư Hương thấy hắn cười.
Chưa bao giờ nàng tưởng tượng được khi hắn cười sẽ ra làm sao, thậm chí nàng không bao giờ nghĩ rằng hắn có thể cười.
Nhưng bây giờ thì rõ ràng hắn đang cười.
Cái miệng hắn đã chằng chằng, coi không giống c?ai gì cả chớ đừng nói đến cái cười, mà giọng cười của hắn cũng thật là kỳ cục.
Giọng cười khèn khẹt như tiếng khỉ kêu, giống như người nghẹt cổ, giống người sắp chết bị đàm lên chận.
Và trong khi miệng hắn chằng, giọng hắn khẹt, thì nét mặt hắn không hề lộ một chút gì để cho người ta biết rằng hắn đang cười.
Nhưng sở dĩ Thư Hương biết hắn cười là vì nàng thấy có một vài người thực khách của hắn cười theo, nếu không phải hắn cười thì chắc chắn bọn đó không khi nào dám cười như thế.
Thư Hương bỗng lại run.
Nàng phát lạnh khi tưởng tượng cái mặt chết đang cười.
Lưu tiên sinh cười cười, nói:
- Thì ra cũng là ngươi muốn làm tân lang.
Trương Dị nói:
- Thật thì ta vốn không có ý muốn đến đây để làm tân lang, chỉ tiếc là không đến không được.
Lưu tiên sinh hỏi:
- Không đến không được? Chẳng lẽ có người kề đao ở sau lưng ngươi bắt ngươi phải tới?
Trương Dị thở ra:
- Một con người không thể nào ngồi yên để nhìn người vợ của mình đi làm tân nương kẻ khác.
Lưu tiên sinh hỏi:
- Nàng là vợ của ngươi?
Trương Dị đáp:
- Bây giờ thì không phải, nhưng cũng gần như thế.
Lưu tiên sinh lạnh lùng:
- Chỉ tiếc vì nàng đã hứa, đã bằng lòng nhận ta làm chồng.
Trương Dị thản nhiên:
- Cho dầu nàng có hứa, có bằng lòng cũng vô dụng.
Lưu tiên sinh hỏi:
- Tại sao vô dụng?
Trương Dị nói:
- Không hữu dụng một chút nào c? bởi vì cha của nàng hứa gả nàng cho ta, không những có lịnh cha mẹ mà có mai mối đàng hoàng, chính như thế mới gọi là “danh chánh ngôn thuận”, chính như thế thì hôn lễ mới không có ai nói tiếng nào dị nghị.
Trầm ngâm một chút, Lưu tiên sinh chậm rãi:
- Nếu muốn ngươi không cưới được nàng thì chỉ có một cách.
Trương Dị nói:
- Không có một cách nào cả.
Lưu tiên sinh nói:
- Có, vì không thể có người chết nào lại cưới vợ được, có phải thế không?
Trương Dị cười.
Lần thứ nhất Thư Hương thấy hắn cười.
Mặt của hắn vốn rất đặc biệt, nhất là cặp mắt của hắn, cặp mắt nhỏ mà dài, từ trong đó bắn ra tia sáng lạ kỳ, chính tia sáng đó làm cho người nhìn vào khiếp vía và cũng chính vì thế mà những tay chân của Lưu tiên sinh từ nãy giờ không dám đuổi hắn ra.
Cũng chính vì tia mắt đó đã làm cho con người tầm thường đến như đần độn của hắn trở thành chẳng tầm thường, bất cứ ai cũng không dám xem nhẹ hắn.
Thế nhưng khi hắn cười thì lại biến đổi thật nhanh.
Từ cái uy thế bởi tia mắt khiếp người của hắn, hắn cười bỗng dịu hiền kỳ lạ, người ta bỗng thấy hắn... có duyên.
Người nào vốn đã chán ngấy vì con người của hắn, nhưng khi hắn cười thì cái chán ấy tiêu tan, chẳng những hết chán, mà lại còn có vẻ muốn gần gũi hắn.
Thư Hương bỗng có ý muốn cho hắn chạy mau, chạy càng mau càng tốt, càng xa càng tốt...
Không hiểu tại sao, nàng cũng không đủ thì giờ để phân tách, chỉ biết nàng không muốn nhìn hắn chết dưới tay của Lưu tiên sinh.
Nàng nhớ đến cái chết của Mai thư, của năm tên của bọn Trần Đại Bịp...
Nàng nghĩ trên đời này không ai có thể thoát khỏi món ám khí của hắn.
Nàng không biết trình độ võ công của Lưu tiên sinh đến mức nào, rất có thể hắn dở ẹt về các thứ. Hắn chỉ có mỗi một môn ám toán đó thôi, nhưng chỉ cần một món đó cũng đủ rồi, quá đủ rồi, vì món đó bay ra, bất cứ ai cũng phải ngã xuống.
Thật ra thì Thư Hương cũng không biết Lưu tiên sinh giết người bằng cách nào, nhưng nàng tin chắc đó là ám khí, vì nhất định nó không phải là pháp thuật và cái đó nàng biết thật vô cùng lợi hại.
Cái trán của Trương... Óc Mít vồ quá mức, đã vồ mà lại rộng. Cái gì đó của Lưu tiên sinh chắc chắn dễ trúng đích hơn, chỉ mới nghĩ đến đó, Thư Hương như đã thấy có một cái lỗ hun hút và sau đó thì máu va chất trắng sền sệt tóe ra, chỉ nghĩ đến đó thôi là tay chân nàng lạnh toát.
Và nàng lại nhìn cái cười “cứu vãn cả cuộc đời” của Trương Dị. Nàng bỗng sợ cái cười đó cũng sẽ đậu mãi trên môi hắn, vì nhanh lắm, nhanh đến mức người chết không kịp tắt nụ cười.
Cũng may, Lưu tiên sinh chưa ra tay.
Hắn vẫn còn đứng bất động chỗ cũ.
Trương Dị lại uống rượu.
Hắn uống cạn và hắn rót đầy.
Rót đầy nhưng không đưa lên môi như những lần trước nữa mà hắn lại đưa ngay lên trán.
Không có tiếng khua, nhưng có mấy giọt rượu bắn ra.
Lưu tiên sinh tái mặt.
Trương Dị từ từ hạ chén rượu xuống, hắn dòm trong chén rượu y như đang kiếm một con thiêu thân mới nhảy vào.
Hắn dòm chăm chăm và vụt thở dài.
Hắn thở dài và lại lắc đầu như thất vọng:
- Thứ ám khí này chất độc mạnh quá, không cần chất độc, nội việc lủng óc là đủ để chết rồi, thật là quá cẩn thận.
Hai mắt Thư Hương mở trao tráo, nhưng nàng nhìn thấy rất mơ hồ.
Nàng chưa biết chuyện gì đã xảy ra...

Truyện CÁT BỤI GIANG HỒ Vào Truyện Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 !!!3125_12.htm!!! Đã xem 658041 lần. --!!tach_noi_dung!!--

Đại Nhân Vật
Hồi 11
Bao họ Nam Du

--!!tach_noi_dung!!--
Càng nhìn bộ mặt tròn tròn đầy thịt trắng hồng của Trương Dị, Thư Hương bỗng thấy con người của hắn quả là... dị hợm.
Hơn một chút nữa, nàng bỗng thấy hắn quá ngu.
Ngu như Trư Bát Giới.
Nàng nói gằn gằn:
- Được rồi, sớm muộn gì ta cũng sẽ tìm cái tên Lưu tiên sinh bần tiện đó để thanh toán với hắn.
Nín một lúc, nàng lại nói:
- Cái ám khí của tên Lưu tiên sinh ngươi có thể giao cho ta không?
Trương Dị lắc đầu:
- Không!
Thư Hương hỏi:
- Tại sao không?
Trương Dị đáp:
- Không là không chớ chẳng sao hết, chúng ta đã giao ước rồi, không ai ép ai gì cả.
Thư Hương gằn gằn:
- Tốt, không ép thì không ép, đi!
Trương Dị hỏi:
- Gấp dữ vậy sao?
Thư Hương đáp:
- Sao lại không gấp? Đi kiếm chồng mà không gấp à?
Trương Dị rót một chén rượu và nói... từ từ:
- Cô gấp nhưng tôi không gấp, cô cần đi thì cứ đi trước, vả lại chúng ta có nói mạnh ai nấy đi, chỉ cần tôi không để cho người ta bán cô là được rồi.
Thư Hương vụt chụp lấy bầu rượu, ném mạnh xuống đất.
Bầu rượu bằng sành bể nát không còn một miếng nguyên.
Ném xong, nàng bỏ đi ra phía cửa.
Trương Dị quơ một bầu rượu ở bàn bên, cười cười:
- Cũng may là cô ta không thấy cái bầu rượu này...
Hắn rót ra một chén.
Thư Hương vùng quay lại lấy bầu rượu đó quăng luôn.
Bầu rượu nổ nghe cái bốp, nát tan.
Bây giờ thì nàng mới “hạ” được cơn giận, nàng chầm chậm quay lại thì thấy Trương Dị đương ôm... nguyên cái ché rượu.
Hắn vỗ vỗ ché rượu và nói:
- Bầu thì cô cứ việc quăng, nhưng ché này là phải để lại, chỗ miệng bầu nhỏ quá, còn miệng ché này thì rất xứng với tôi.
Thư Hương vừa đi vừa chưởi lầm thầm:
- Đồ hủ chìm, đồ heo hèm, đồ Trư Bát Giới...
Nàng chưởi nhưng rồi nàng lại bật cười.
Nàng nhớ Đào Liễu.
Con nhỏ đó định viết một tập “Đại Tiểu Thư Nam Du Ký”, cái con nhỏ đúng là khỉ láo, đúng là... Tôn Ngộ Không, giá như bây giờ có nó, lại có thêm... Trư Bát Giới này nữa là... đủ bộ.
Đào Liễu mà hay biết chuyện này, nhất định con nhỏ sẽ ôm bụng cười lăn chiêng.
Thế nhưng cái con nhỏ hay nhếch nhếch môi đó không biết bây giờ ở chỗ nào, không biết nó trôi dạt về đâu?
Miệng cười, nhưng Thư Hương lại thở dài. Nhưng cái thở dài của nàng bây giờ cũng không đến áo não cho lắm, bất luận sự việc ra sao, biết có người đi theo sau bảo hộ thì quả không còn gì yên lòng hơn nữa.
Trư Bát Giới tuy có vẻ ngu xuẩn, thế nhưng cái đinh ba của hắn cũng không phải là ai cũng ghẹo được, hắn cũng khá ngon lành.
Không có Trư Bát Giới, nhất định Đường Tăng không thể đến Tây Thiên...

*

Thế nhưng Trư Bát Giới có thật đần độn lắm không?
Dưới con mắt của mấy trự “Heo” thì kẻ đần độn nhất trên đời có lẽ là... người.
Vì theo Heo thì người ngu quá, cứ lo tranh danh đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, còn Heo thì không, cứ ăn no ngủ kỷ, ai công hầu khanh tướng mặc ai, cứ thủ phận Heo là sướng.
Heo lại còn chê Người hữu thỉ vô chung, ăn cháo đái bát, tối ngày chỉ chịu suy nghĩ tìm thủ đoạn để ăn của kẽ khác, chớ không khi nào chịu khó suy nghĩ tìm cách trả ơn, mà nếu có làm cái chuyện “trả ơn” thì cũng là thủ đoạn “mo” tiếp tục, ít nhất cũng để cho thiên hạ thấy mình là kẻ biết điều, để cho thiên hạ khen ngợi.
Còn Heo thì không, ăn của người là phải trả ơn, ăn cho mập rồi “khẳng khái” để cho người xẻ thịt. Cái chết của Heo không danh vọng, không mong ghi vào... lịch sử.
Chết để trả nợ, sòng phẳng như ruột... Heo.
Chính vì thế cho nên dưới mắt Heo, Người là giống vật ngu xuẩn nhất đời.
Vì, theo Heo, ngu mà cứ chịu để người ta nói “ngu như heo” thì không hẳn là ngu, còn ngu mà lại vỗ ngực tự xưng là thông minh, và lại khoái được tiếng “thông minh nhất trong muôn loài” thì đúng là thứ ngu hết chỗ can...

*

Chính ngọ.
Mặt trời đứng bóng.
Ngồi dưới một tàn cây rậm mát, ngồi dựa bãi biển, ngồi trong ngôi nhà thủy tạ, đón từng làn gió thoảng qua, tay bưng chén hột sen có những miếng băng trong vắt, thứ băng vùng quan ngoại... lúc đó, lòng người sẽ đầy dẫy hoan ca, sẽ cảm thấy thế gian thật là sáng lạn huy hoàng.
Thế nhưng nếu phải băng mình trên quảng đường thiên lý, quảng đường khô khốc, dưới ánh nắng đổ hột, thì người ta sẽ thấy thế gian này đúng là... hỏa ngục.
Lúc Thư Hương đã nguôi cơn giận, thì nàng mới cảm giác đến sự mệt mỏi, hoa mắt, khát nước, mồ hôi nhễ nhại bụi đường.
Nàng lờ mờ như mình đang trong ác mộng, nàng thở không còn muốn ra hơi.
Con đường thẳng dài mút mãi, như không có chỗ cuối cùng, không khí lợn cợn hừng hừng y như hơi nóng bốc lên từ một lò than đỏ, giá như đem đặt một quả trứng gà trên đường, trong nháy mắt sẽ chín ngay.
Phía trước có một bóng cây, dưới bóng cây, có một cái sạp bán thức ăn và rượu.
Có mấy người ngồi nhâm nhi, vừa cầm roi ngựa quất quất trên đầu cỏ, vừa phẩm bình rượu ngon, rượu dỡ.
“Ngồi trên đống vàng không hề biết thức ăn ngon”.
Con người một khi quá đầy đủ thì hết còn sinh thú.
Bây giờ thì Thư Hương mới thể hội hoàn toàn ý nghĩa của câu nói đó.
Giá như trước đây chừng hai ngày thì những thức ăn bày bán trên cái sạp đó, đối với Thư Hương, chỉ đáng cho chó ăn chớ không khi nào nàng dám đụng tay. Thế nhưng bây giờ, chỉ cần một chút bánh khô, một chén nước lã, nàng biết chắc nàng sẽ ăn uống ngon lành.
Nếu bây giờ, có ai mời nàng một trái chuối dập, một chén nước nguội, chắc nàng sẽ cảm kích đến rơi nước mắt.
Bụng đói đã đành, nhưng cái khốn khổ của nàng bây giờ là khát nước.
Nhưng muốn ăn, muốn uống là phải mua.
Tuy mới ra khỏi nhà lần đầu, nhưng cái chân lý đó nàng cũng biết.
Trong mình nàng bây giờ không có một xu ten.
“Đào tiểu thơ” từ nhỏ đến lớn, cần thứ gì, chỉ há miệng là có người đưa tới, nàng đâu có biết đồng tiền quí, tiện ra sao?
“Trương... Óc Mít chắc chắn có tiền, nhưng biết hắn có cho mình mượn hay không”?
Nghĩ đến chuyện ngửa tay mượn tiền kẻ khác là mặt của Thư Hương đã nóng bừng, bảo nàng hỏi người để mượn tiền, có lẽ giết nàng chớ nhất định nàng không khi nào mở miệng, nhất là đối với tên “Óc Mít” thì nàng lại càng không thể.
Những người ngồi nghĩ chân ăn uống dưới bóng cây nhìn nàng chăm bẳm, không phải người ta hay tò mò, nhưng người ta lấy làm lạ, không hiểu trời nắng đổ lửa như thế này, tại sao nàng không ghé nghỉ chân uống nước?
Có nhiều người không đói không khát, nhưng khi ngang qua đây như thế giữa cơn nắng đốt người, họ vẫn ngồi và gọi một chén rượu, một tô nước, ngồi nhấp nháp để nghỉ chân và để dịu cơn nóng đốt.
Nhưng nàng thì không ghé được, vì trong túi không tiền.
Có lẽ ghé ngồi một chút không ăn không uống cũng không ai nói gì, nhưng đó là thái độ bất lịch sự, nếu không, cũng dễ làm cho thiên hạ thấy cái khốn đốn của mình.
Nàng không muốn bất lịch sự đối với ai, càng không muốn ai nhìn thấy cái khốn đốn của mình cả.
Nàng cúi đầu cắn răng bước đi qua.
“Không hiểu cái con heo hèm đó tại sao bây giờ lại chưa tới, hay là hắn đã nhủi đầu chết trong cái ché rượu đó rồi”?
Bây giờ nàng đâm tức tại sao vừa rồi bàn tiệc ê hề mà lại không ăn không uống một ít rồi hẳn đi?
“Không ăn là uổng, không uống là phí”.
Bây giờ Thư Hương mới thể nghiệm câu nói của Trương Dị ít nhiều hữu lý.

*

Cộc... cộc...
Cộc... cộc...
Tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe khua.
Cỗ xe chạy rất thong dong.
Một gã thanh niên úc na úc núc ngồi đánh xe, hắn ngồi ngửa vào thành xe nhịp tay “tróc tróc”...
Con ngựa bỏ nước kiệu thong dong.
Thân hình mập ú của gã đánh xe lúc lắc theo đà xe qua qua xốc lại, mắt hắn lim dim, mặt hắn nhếch nhếch cười.
Đúng là Trương... Óc Mít.
Như vậy là hắn không say.
Dáng cách thong dong khoan khái của hắn y như đang ngự theo đường, bộ vận thiểu não xác xơ của nàng giống như lún dưới chín từng địa ngục.
Thư Hương nghiến răng kèn kẹt.
Nàng đâm tức tối, tức hắn thì ít mà tức mình thì nhiều.
Rõ ràng cỗ xe đậu ngay trước cửa gian nhà đó tại sao khi đó nàng lại không chợp trước, để hắn đi sau mà hắn lại... khôn hơn nàng...
Bây giờ giá như “con heo hèm” đó gọi nàng một tiếng, thì nàng chắc chắn sẽ không hề khách sáo.
Thế nhưng hắn lại như không ngó thấy nàng, mắt hắn cứ lim dim...
Hắn không vung roi, con ngựa cất vó... từ từ cỗ xe lẻo đẻo theo nàng, trước nàng, bên phải, bên trái của nàng, làm như không muốn chạy mau.
Không nhìn bộ mặt úc na úc núc của hắn thì thôi, nhìn vào càng phát ghét, Thư Hương tức tối kêu lên:
- Ê!
Trương Dị hé mắt ra rồi nhắm lại, chân hắn nhịp nhịp thành xe, miệng hắn “tróc tróc”.
Thư Hương hầm hầm bước lại gần, giọng nàng hằn hộc:
- Ê, bộ điếc hả?
Bây giờ thì Trương Dị mới mở mắt lớn hơn một chút, hắn hỏi:
- Ừ, cô nói chuyện với ai vậy?
Thư Hương trừng trừng mắt:
- Nói với ngươi chớ không lẽ nói với con ngựa?
Trương Dị thản nhiên:
- Tôi không phải họ “Ê”, tôi họ Trương, cô gọi “Ê” thì làm sao tôi biết.
Thư Hương nghiến răng:
- Ê, họ Trương.
Trương Dị hé mắt rồi nhắm lại.
Thư Hương giận tái mặt, nàng la lớn:
- Ta gọi họ Trương, bộ ngươi không phải họ Trương hả?
Trương Dị nói:
- Trong thiên hạ họ Trương nhiều lắm, chớ đâu phải một mình tôi, tôi làm sao biết cô gọi Trương nào?
Thư Hương hừ hừ:
- Ở đây có ai họ Trương nữa? Chẳng lẽ con ngựa này cũng họ Trương?
Trương Dị nói... từ từ:
- Cũng hổng biết chừng, có thể nó họ Trương, mà cũng có thể nó họ Đào... Mà nè, sao cô không hỏi thử nó xem?
Hắn ngáp một cái thật dài và nói tiếp:
- Nếu cô muốn nói chuyện với tôi thì nên gọi tôi là “Trương đại ca”.
Thư Hương càng giận dữ hơn nữa, nàng hỏi lớn:
- Tại làm sao ta phải gọi ngươi là Trương đại ca chớ?
Trương Dị đáp:
- Thứ nhất, tôi họ Trương; thứ hai, tuổi tôi lớn hơn cô ít nhất cũng vài ba tuổi; thứ ba, bởi vì tôi đây là đàn ông, cô không lẽ gọi tôi là “đại thư”?
Hắn dựa ngửa vào thành xe cười chậm rãi:
- Nhưng nếu cô gọi tôi là Trương đại thúc thì thật tình không dám nhận.
Thư Hương trừng trừng:
- Đồ heo hèm, đồ Trư Bát Giới...
Trương Dị nói:
- Chỉ có heo mới nói chuyện với heo, nhưng tôi xem cô không được giống heo cho lắm.
Thư Hương giận run quay đầu bỏ đi, thề có chết cũng không thèm nhìn... mặt hắn nữa.
Thình lình nghe “trót” một tiếng, Trương Dị giật cương cho cỗ xe chồm tới lướt ngang qua Thư Hương và chạy thẳng.
Phía trước con đường thênh thang mút mắt, những tia nắng thi nhau đổ xuống, xông lên hừng hực, cứ như thế mà đi thì cho có cắn răng chịu đựng thì chắc cái mạng cũng phải đi đời...
Thư Hương vụt kêu lên:
- Trương Đại Đầu, chờ đi với.
Nàng kêu theo lối “ăn gian”.
Tiếng “Trương” tiếng “Đại” thì nàng kêu thật lớn, nhưng tiếng “Đầu” thì lại nhỏ, nàng cố làm cho hắn mập mờ mắc bẫy.
Quả nhiên, Trương Dị ghịt cương dừng lại cười:
- Đào tiểu thơ, cần chi đó?
Thư Hương bật cười.
Người con gái nào cũng khoái hơn được người khác, dầu chỉ hơn một tiếng, dầu nhờ vào sự lấp lững mà hơn thì họ cũng muốn hơn.
Đối với tên Trương... đại đầu này, nàng nói chuyện cứ thua hoài, nàng tức, bây giờ hơn được một tiếng, nàng khoái quá, nàng cười thật hả hê.
Nàng chớp mắt nhìn Trương Dị và hỏi trổng:
- Xe trống, cho ngồi một đổi được không?
Trương Dị cười:
- Có thể.
Thư Hương nói:
- Đã bằng lòng thì không có quyền đuổi xuống.
Nói chưa dứt tiếng là nàng đã nhảy tót lên xe...
Nàng lại hơn hắn được thêm lần nữa, nàng lại cảm thấy khoan khoái vô cùng, khoan khoái đến quên cả khát.
Nhưng có một chuyện thua mà nàng không thấy.
Đó là chuyện nàng đã phải bằng lòng gọi hắn lại để đi nhờ xe.
Trên tinh thần, đó là một cái thua, thua đau.
Trương Dị không nói gì, hắn cứ cười cười...
Vừa thót lên xe xong, Thư Hương thò đầu ra cái cửa nhỏ thông phía trước, nàng nói lớn vào tai hắn:
- Vừa rồi ngươi có lẽ không nghe rõ, ta đâu có gọi ngươi là Trương đại ca? Ta gọi ngươi là Trương “Đại Đầu”, cái đầu của ngươi bằng ba cái đầu thiên hạ, biết không?
Nàng chấm dứt câu nói bằng một chuỗi cười như nắc nẻ.
Quả thật là nàng đã khoái chí, vì nàng cảm thấy hơn hắn bộn phần.
Trương Dị vẫn lắc lắc thân mình theo đà xốc của xe, hắn cười cười:
- Đầu lớn biểu lộ sự thông minh, tôi vẫn biết rằng mình rất thông minh lâu rồi, chớ đâu cần cô phải nhắc?
Thư Hương hứ một cái “cốc” và đóng sập cửa cái rầm.
Trương Dị bật cười ha hả và giục xe chạy tới thật nhanh, vừa vung roi, hắn vừa cười nói:
- Đầu lớn là óc dầy, người ta có gia tài, tôi có đầu lớn... Đầu lớn nhiều chỗ rất hay ho, về sau cô sẽ còn thấy nhiều cái hay ghê lắm.

*

Có những người hình như trời sanh sấp sẵn cho một vận may, đó là những người không phải giàu sang, quyền thế, nhưng họ sống cuộc sống rất là thanh thản, họ không hay tức tối giận hờn.
Đó là loại người của Trương Dị.
Ai muốn làm cho hắn tức, người đó sẽ bị tức trước.
Cho nên bất cứ nắng như thế nào, hắn vẫn cứ nghe mát mẻ như thường.
Bây giờ thì đã xế rồi.
Trời hơi dịu nắng thì trên đường thiên hạ qua lại đông hơn.
Đi bộ có, đi xe có, già có, trẻ có, đủ các hạng người.
Cũng có cả những thanh niên kỵ mã, người mạnh, người khỏe, họ phi như bay trong gió.
Thư Hương vụt thấy có một thanh niên kỵ sĩ, phất phới vuông khăn màu đỏ.
Vuông khăn của hắn buộc ở cổ tay.
Tự nhiên, hắn không phải là Ngọc Hồ, nhưng hắn chắc chắn là từ hướng Giang Nam đi đến.
- “Không biết hắn có quen với Lữ Ngọc Hồ không?”
Thư Hương thò đầu ra khỏi xe nhìn trân trối, nghĩ mông lung.
Nàng hy vọng mình sẽ có đủ nghị lực toàn tâm toàn ý đi tìm Lữ Ngọc Hồ, gạt bỏ tất cả những gì trở ngại...
Hãy quên tất cả, hãy chuyên chú vào mỗi một việc đó để thực hiện cho kỳ được...
Hãy quên tất cả...
Thế nhưng nàng vẫn không thể quên được.
Vì nàng đang đói.
Đói đến mức muốn ngủ để quên mà vẫn không ngủ được.
Một con người khi mà trong bụng đã trống không thì bao nhiêu chuyện tình thơ mộng cũng mất luôn.
Thư Hương thò đầu ra hỏi Trương... Óc Mít, mà đã là “óc mít” thì chỉ có thể hỏi trổng thôi:
- Có biết phía trước đây là chỗ nào không?
Trương Dị đáp:
- Không biết, nhưng chắc chắn là cách Giang Nam còn xa lắm.
Thư Hương nói:
- Ta muốn kiếm chỗ dừng xe, vì... ta hơi đói.
Trương Dị hỏi:
- Muốn ăn à?
Thư Hương nuốc nước bọt:
- Ăn thì cũng... không cần lắm, nhưng cũng phải ăn chút ít.
Trương Dị hỏi:
- Không cần thì ăn làm chi?
Nhưng hắn lại thở ra và nói tiếp, hắn nói lầm thầm như nói riêng với mình, nhưng cái lầm thầm của hắn cũng đủ để cho Thư Hương nghe thấy:
- Kể ra thì đàn bà vẫn có bản lãnh nhiều hơn đàn ông, trọn ngày cũng không cần gì phải ăn, nếu đổi lại là tôi thì chắc tôi ngoẻo luôn!
Thư Hương vụt kêu lên:
- Ta cũng đói gần chết đây!
Trương Dị cười:
- Vậy thì ăn, chỉ có điều ăn là phải có tiền, cô có tiền không?
Thư Hương ngập ngừng:
- Tôi... ta...
Trương Dị nói... từ từ:
- Không tiền mà đi ăn thì đó là ăn... chạy. Ăn chạy thì phải chịu đòn. Cái thứ roi mây vừa cứng vừa dẻo mà nét vô mông thì khó chịu lắm.
Thư Hương cắn môi gần chảy máu.
Giống y như người luyện võ, phải thật lâu mới vận đủ... thành công lực, Thư Hương cũng phải chờ cho đầy đủ dõng khí rồi mới bật nói:
- Ngươi... ngươi có tiền hông?
Trương Dị đáp:
- Cũng có chút chút, chỉ có điều tiền đó là của tôi, cô đâu phải là vợ tôi, cho nên tôi đâu có thể... nuôi.
Thư Hương nghiến răng, nhưng vẫn không thể chưởi, nàng giả cự nự sơ sơ:
- Ai biểu ngươi nuôi?
Trương Dị nói:
- Đã không cần tôi nuôi mà lại không tiền, chẳng lẽ cô định nhịn đói như thế để đi đến Giang Nam à?
Thư Hương như khựng lại, ngập ngừng:
- Ta... ta có thể nghĩ cách kiếm tiền.
Trương Dị nói:
- Như thế thì còn gì bằng... Nhưng cô đã nghĩ ra cách kiếm tiền chưa?
Thư Hương lại khựng.
Từ nhỏ đến lớn, trải qua mười tám năm trời, nàng đâu có “kiếm” đồng nào? Càng không biết bằng cách nào để kiếm ra tiền.
Thật lâu, nàng buông một câu hỏi nhóng:
- Tiền của ngươi làm sao có vậy?
Trương Dị đáp:
- Tự nhiên làm... kiếm ra.
Thư Hương hỏi:
- Nhưng kiếm bằng cách nào?
Trương Dị đáp:
- Kiếm tiền có nhiều cách lắm, múa võ chợ đông, dạy võ cho môn sinh, bảo tiêu cho tiêu cục, đó là những chuyện cần nhiều bản lãnh, ngoài ra còn những việc khác dễ hơn như giữ cửa, đi săn, hái thuốc, chạy bàn cho những tiệm ăn... chuyện gì tôi cũng đều có làm...
Hắn cười cười nói tiếp:
- Một con người nếu không muốn nhịn đói, thì phải lấy sức mình để mưu cầu sự sống, chỉ cần là đồng tiền kiếm bằng minh chánh, bằng sức lực của mình, thì bất cứ chuyện gì cũng có thể làm, kể cả chuyện đi ở đợ. Nhưng chẳng hay Đào tiểu thơ có thể làm được chuyện gì?
Thư Hương nghẹn ngang.
Chuyện gì nàng cũng không biết cả.
Nàng chưa từng rửa chén, chưa từng quét nhà, cho đến mùng màn trong giường ngủ của nàng cũng có người lo sẵn.
Những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày của chính nàng, nàng còn chưa làm được, nói chi đến chuyện làm việc để kiếm tiền?
Trương Dị nói giọng lững lờ:
- Có hạng người sanh ra chỉ để tiêu tiền chớ không biết kiếm tiền, những người đó nếu có chết đói chắc cũng chẳng ai thương.
Thư Hương trừng mắt:
- Ai biểu ngươi thương?
Trương Dị gật gù:
- Hay, có khí khái. Nhưng con người có khí khái thì cũng vẫn phải ăn, khi đói thì không thể đem khí khái ra làm no bụng được. Theo cô thì cô có thể chịu đói nổi bao lâu?
Thư Hương cắn răng, nàng cố không cho bật khóc.
Trương Dị nói:
- Tôi có thể nghĩ ra cách cho cô làm kiếm tiền.
Thư Hương chồm tới:
- Cách gì?
Trương Dị nói:
- Bây giờ cô hãy đánh xe cho tôi, mỗi giờ tôi sẽ trả cho cô một đồng tiền.
Thư Hương nhướng mắt:
- Một đồng tiền?
Trương Dị nói:
- Một đồng tiền mà cô còn chê ít hay sao? Nên nhớ một tiền có mười đồng điếu, người đánh xe giỏi nhất bây giờ, mỗi tiếng đồng hồ cũng chỉ kiếm có năm điếu thôi.
Cô là người “tập sự” tôi trả một tiền là hậu đó chớ.
Thư Hương cắn răng:
- Được rồi, một tiền thì một tiền, thế nhưng... thế nhưng...
Trương Dị hỏi:
- Sao? Thế nhưng sao?
Thư Hương đỏ mặt:
- Ta chưa hề đánh xe bao giờ cả.
Trương Dị cười:
- Tưởng gì chớ cái đó thì dễ, là người thì đánh xe được ngay. Vả lại, con ngựa này dễ lắm, chỉ cần giữ cương và nhịp roi là nó đi chớ không có khó lắm đâu. Không điều khiển được ngựa là... lừa, nhưng người ta thì đâu có thể là... lừa?
Thư Hương cố nuốt nước mắt để cầm lấy dây cương...
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: nhanmonquan
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 5 tháng 6 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--