Đại Nhân Vật
Hồi 26
Địa ngục ở đâu?

Con hẻm hẹp nhưng thật là yên tịnh.
Trên đầu tường cao, tàng cây giao nhau khiến buổi trưa mùa hạ ở đây thật mát.
Thư Hương nhìn Lữ Ngọc Hồ và bật cười:
- Thật không ngờ có quá nhiều người tranh nhau để mời đãi anh.
Ánh mắt Lữ Ngọc Hồ bây giờ long lên và hắn hỏi ngược lại:
- Cô có biết tại sao họ lại đối xử với tôi như thế hay không?
Thư Hương đáp ngay:
- Tại vì anh là bậc anh hùng.
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu:
- Cũng là một trong những nguyên nhân nhưng không phải lý do chính yếu.
Hắn cười cười rồi nói tiếp:
- Chắc cô cũng biết, sau trận chiến tại gò Bạch Hổ là tôi vang dội như cồn, người ta thêm mắm dậm muối vô riết làm cho con người ở mức trung bình của tôi trở thành... siêu nhân, từ đó về sau, thiên hạ hoan nghinh tôi, không dính líu nhiều về chuyện đó nữa mà là chuyện khác.
Thư Hương hỏi:
- Anh còn có trận chiến khác nữa sao?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Không có gì nữa cả, từ đó về sau, tôi chỉ uống rượu và đánh bạc.
Thư Hương cau mặt:
- Thế người ta hoan nghinh, đón tiếp anh là vì chuyện gì?
Lữ Ngọc Hồ lim dim đôi mắt làm thinh....
Nhìn vào mặt hắn, nghe hắn nói chuyện Thư Hương nhận nơi hắn thêm một việc:
Hắn không phải là mẫu mực anh hùng như nàng tưởng tượng, nhưng quả đúng như hắn đã nói, hắn không phải là con người chỉ biết liều mạng không thôi đâu, hắn có suy tư và hắn hiểu sự việc cũng thật là tế nhị.
Thật lâu, Lữ Ngọc Hồ cười hỏi:
- Cô có hiểu tại sao người kinh thành thích ăn cam ở Giang Nam không?
Một câu hỏi không đầu không đuôi, không ăn nhằm gì chuyện anh hùng hào kiệt của hắn làm cho Thư Hương ngơ ngác, nhưng nàng cũng đáp:
- Tại vì cam đất Giang Nam ngon lắm.
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Không phải, ban đầu thì cam Giang Nam có ngon thật, nhưng cũng còn có cam ở những nơi khác ngon bằng hoặc còn có chỗ ngon hơn, nhưng không ai biết, người ta chỉ biết cam đất Giang Nam, vì thế cam Giang Nam bắt đầu cao giá. Thế là người ta đổ xô ăn thứ đó, giá cao, người ta càng khen. Để tỏ ra mình sành, có nhiều người ăn còn “phân chất” về chất lượng cam Giang Nam. Những lối “phân chất” về cam Giang Nam tùy theo sự “tưởng tượng” của con người, mỗi nơi một khác, thiên hình vạn trạng...
Thư Hương hơi biết ý hắn, nàng cười:
- Cũng như người ta đã “thêm mắm dặm muối” về anh?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu:
- Đúng như vậy đó, và sau đó, cho đến bây giờ người nào ăn cam Giang Nam là sang, vì nó mắc; người nào ăn cam Giang Nam là sành điệu, ngược lại, những kẻ không ăn, ăn cam khác là kẻ hủ lậu quê mùa, những kẻ “thực bất tri kỳ vị”, tình trạng đó dẫn đến chỗ cam Sơn Tây, cam Thái Nguyên, khi đưa về kinh đô đều trở thành cam...
Giang Nam tất cả và người ta cũng khen, cũng đổ xô mua ăn để... phân chất.
Thư Hương bật cười, nàng nhớ đến gã Hoa Hồ Điệp, nàng nhớ Lữ Ngọc Hồ... Sơn Tâm, Thái Nguyên.
Lữ Ngọc Hồ cũng cười:
- Bây giờ thì cô biết rồi chớ gì? Họ hoan hô tôi, kết thân với tôi, hay ít ra cũng mời tôi uống rượu, để được ngồi chung với tôi một bàn, nói cười với tôi vài tiếng, để chứng tỏ với mọi người là kẻ sành điệu... như... ăn cam vậy mà.
Thư Hương đang cười vụt nín ngang.
Câu chuyện của Lữ Ngọc Hồ vừa nói, có nhiều chỗ tức cười nhưng toàn bộ câu chuyện có một cái gì... nàng cũng chưa nhận kịp nó là cái gì, nàng chỉ biết rằng không cười được. Nàng nhớ chuyện thích băng quan ngoại của mình... Nàng hỏi:
- Anh nói đó là một trong nhiều nguyên nhân, vậy còn nguyên nhân nào mà họ hoan hô anh nữa?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Nguyên nhân trọng yếu khác vì tôi là con người vô hại, tôi nổi danh, nhưng tôi “dốt nát” đối với những âm mưu bất lương của thiên hạ, đối với những chuyện làm mờ ám của những tay thô tục võ lâm tôi không thấy nổi, không hay biết, tôi không là mối uy hiếp hăm dọa đối với bất cứ một ai vì tuy mệnh danh hành hiệp giang hồ, nhưng ngoài trận chiến ở gò Bạch Hổ, tôi có làm gì ai nữa đâu? Tôi cũng có bắt trộm bắt cướp vài lần, nhưng đó là những trò ăn cắp vặt và ở trong trường hợp quá lộ liểu, tôi không bắt thì... con nít cũng bắt, chớ thật sự thì cuộc đời “hành hiệp” của tôi chỉ có ăn nhậu và đánh bạc.
Thư Hương hỏi:
- Nhưng chuyện đó đâu có quan hệ gì...
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Không! Quan hệ, phải nói là rất quan hệ, vì nếu tôi hành hiệp thật sự là tôi phải trừ gian diệt bạo, phải xem hắc đạo giang hồ như thù thì tôi cũng được hoan nghinh, nhưng không phải là toàn thể, chỉ có một số người nào đó thôi, đàng này thì khác, cô thấy không, những người hoan nghinh tôi đủ hạng, đủ từng lớp, có thể nói là... sĩ nông công thương, nam phụ lão ấu, từ “đại hiệp”, dân... móc túi, ai cũng hoan nghinh. Đó là vì cái “đại hiệp” của tôi không động đến một cái chân của ai, những âm mưu đen tối trong võ lâm, đối với tôi, tôi chẳng hay biết gì cả, vì thế họ sẵn sàng...
rộng lượng hoan hô...
Hắn cười, nhưng, nhưng cách cười lần này hơi chua chát:
- Tôi đối với con mắt của thiên hạ giống y như con khỉ vô tâm, cái giỏi của tôi...
giải trí mà vô hại, cái hay của tôi... dưới mắt người giang hồ, chẳng đáng một xu teng nào cả.
Thư Hương làm thinh.
Cái ví dụ nghe qua, nàng thấy rất tức cười nhưng chẳng hiểu tại sao nàng cười không nổi.
Hắn lại nói tiếp:
- Cô có thấy tôi an nhàn không? Nếu tôi quả là “đại hiệp” đúng nghĩa thì thiên hạ sẽ làm thịt tôi trong những lúc mà tôi say. Không say, họ cũng làm thịt được như thường vì tôi có vây cánh gì đâu.
Thư Hương nói:
- Hình như anh hơi tự đánh giá anh hơi thấp...
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu:
- Không, biết lắm chớ, tôi biết sự thật là như thế, nhưng tôi cũng có cái hay của riêng tôi, từ xưa đến nay những kẻ thành danh như tôi, đâu phải là nhiều, đâu phải ai muốn làm thế cũng được sao? Tôi phải có cái hay của tôi chớ. Chẳng hạn như cam Giang Nam không phải “đệ nhất” như người ta tưởng, nhưng ít ra bản thân của nó cũng phải kha khá, chớ người ta đâu có điên đến mức nuốt một trái chanh chua lè để nói là... nó là... cam ngon? Nhưng ở đời nói còn nhiều khúc khuỷu, tôi nói thế là những nguyên nhân trọng yếu mà thôi.
Thư Hương hỏi:
- Anh nói như thế có nghĩa là không có người nào sùng bái anh một cách thật tình?
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Tự nhiên là có chứ, chẳng hạn như những đứa bé chưa trưởng thành, chẳng hạn như...
Thư Hương cười và chặn hỏi:
- Như tôi?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu:
- Nhưng đó là tôi nói cô trước kia, chớ bây giờ thì không còn như thế nữa.
Thư Hương hỏi:
- Tại sao anh lại có nhận định đó?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Tại vì cô đã nhìn thấy những cái về tôi mà người ta không thấy.
Trầm ngâm một lúc, Thư Hương nói:
- Đúng, tôi đã nhìn thấy ở anh những điều mà người ta không thấy, những cái đó thuộc về khuyết điểm nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy những cái mà người ta không thấy về ưu điểm của anh.
Lữ Ngọc Hồ nhướng mắt:
- Sao? Cô nói gì?
Thư Hương đáp:
- Anh có nhiều khuyết điểm, nhưng anh cũng có nhiều chỗ khả ái.
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Có thật sao?
Thư Hương gật đầu:
- Thật, chẳng những vậy, mà anh còn có nhiều khả ái hơn nhiều người khác nữa.
Nàng bật cười và hỏi tiếp:
- Nhưng một người đàn ông như anh, chỉ có thể làm người bạn tốt, chớ không thể làm người chồng tốt.
Lữ Ngọc Hồ hỏi:
- Chớ từ trước cô đã tính chọn tôi rồi à?
Thư Hương đỏ mặt, nhưng nàng tự nhiên được ngay:
- Quả thật tôi có nghĩ như thế.
Lữ Ngọc Hồ hỏi:
- Còn bây giờ thì sao? Bây giờ thì quá thất vọng rồi phải không?
Thư Hương lắc đầu:
- Không phải thế, chỉ có điều...
Lữ Ngọc Hồ chận hỏi:
- Chỉ có điều không được vừa lòng?
Thư Hương lắc đầu:
- Cũng không phải.
Lữ Ngọc Hồ hỏi:
- Chớ vì sao?
Thư Hương thở ra:
- Có lẽ trước kia tôi đánh giá anh qua lời đồn đại, bây giờ thì hiểu được anh quá sâu.
Lữ Ngọc Hồ nói:
- Chính vì đã hiểu quá sâu như thế nên cô không còn có ý chọn tôi làm chồng?
Thư Hương làm thinh vì thật sự nàng cũng không biết nói như thế nào cho phải.
Nàng không phải hoàn toàn thất vọng về Lữ Ngọc Hồ, vì hắn quả thật là anh hùng.
Thứ anh hùng mà nàng chỉ “cảm thấy” chứ không biết giải thích bằng lời nói.
Nhưng bây giờ thì nàng nhận thấy rằng bất luận là bậc anh hùng nào thì họ cũng vẫn là con người chớ không phải là thần thánh. Mà đã là con người như mọi người, dĩ nhiên họ cũng có những khuyết điểm như bao nhiêu người khác.
Bây giờ thì nàng đã thấy nàng không thể chọn Lữ Ngọc Hồ, vì hắn không phải con người trong tưởng tượng của nàng, nhưng nàng lại không thất vọng.
Vì trong ý nghĩ của nàng bây giờ cũng thay đổi khác.
Nàng chưa biết sự thay đổi đó một cách rõ ràng, nàng chỉ thấy nàng đã lớn hơn trước quá nhiều, nàng cũng không phải là “Đào tiểu thơ” của những ngày trước đây nữa.
Lữ Ngọc Hồ nhìn nàng trân trối, hình như hắn cũng đang tìm hiểu sự phức tạp của những người con gái.
Thư Hương kéo tay hắn đi và cười:
- Tuy không thể chọn anh làm chồng, nhưng tôi quyết chọn anh làm bằng hữu, một bằng hữu khó kiếm.
Lữ Ngọc Hồ làm thinh.
Hình như hắn muốn nói, nhưng không hiểu nghĩ sao, hắn chỉ nhìn nàng rồi lặng thinh.
Thư Hương hỏi nhỏ:
- Anh có thất vọng không?
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Tại sao tôi phải thất vọng? Tôi thấy tìm một người bằng hữu tốt, còn khó hơn là tìm một người vợ nữa đấy.
Thư Hương trầm ngâm một hồi lâu rồi hỏi:
- Nhưng tại sao anh lại muốn tôi chỉ cho anh thấy những khuyết điểm của anh làm chi vậy?
Lữ Ngọc Hồ không đáp.
Hắn bước nhanh hơn và nói lãng ra:
- Không ai thấy và biết được khuyết điểm của tôi cả. Tôi chỉ cho những người nào mà tôi muốn cho biết, và người đó sẽ là... của tôi.
Thư Hương nhìn sững hắn, hình như nàng hơi hiểu về... câu đó.
Nàng cũng làm thinh bước đi, nhưng không có một nguyên nhân nào cả, thế mà bỗng dưng nàng nhớ... Đại Đầu Quỷ.
Không hiểu bây giờ hắn ở đâu?
Không hiểu Đào Liễu có theo hắn hay không?
Cũng không hiểu tại sao, nàng chỉ nhớ Đào Liễu chứ không lo, nàng nhận thấy con bé đó hình như “lớn” hơn nàng.
Thật lâu, Thư Hương vụt ngẩng mặt nhìn quanh:
- Sao... sao giống con đường vô sòng bạc Kim Râu quá.
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Thì con đường này chớ con đường nào nữa.
Thư Hương hỏi:
- Vô đó nữa sao?
Lữ Ngọc Hồ cười:
- Tôi muốn vô đó để xem... Hòa thượng, không lẽ cô không muốn biết họ đến đó làm gì sao?
Thư Hương nói:
- Tôi thì cũng thích xem nhưng lại lo là anh không phải đến đó để xem họ.
Lữ Ngọc Hồ hỏi:
- Không xem họ chớ tôi đến đó làm chi?
Thư Hương cười:
- Tôi sợ anh đến đó vì ngứa tay.
Lữ Ngọc Hồ nhướng mắt:
- Có ngứa tay cũng chịu chớ cô nghĩ có thể đánh bài bằng tay không được à?
Thư Hương cười:
- Khi đã ghiền thì tới đứng nhìn cũng đở.
Lữ Ngọc Hồ cười bí mật:
- Lần này thì đoán sai rồi.
Thư Hương hỏi:
- Chớ anh định đến xem Hòa thượng thật à?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Đúng như vậy, bởi vì tôi thấy Hòa thượng này có nhiều điểm ngồ ngộ...
À, có thể cái lạ ở chỗ này.
Hòa thượng thì không thể có điểm... ngồ ngộ. Nếu Hòa thượng mà làm cho người ta nhận ra điểm ngồ ngộ thì trong giang hồ sẽ không còn là... Hòa thượng nữa.

*

Hòa thượng đọc kinh trong chùa của Hòa thượng, con bạc đánh bài trong sòng bạc.
Nó không có... ý nghĩa gì hết, nhưng nó là chuyện chính đáng thông thường.
Nhưng nếu Hòa thượng đọc kinh trong sòng bạc và con bạc đánh bài trong...
chùa thì đó là chuyện lạ lùng.
Chuyện lạ lùng phải có nguyên nhân lạ lùng.
Và bất cứ một chuyện lạ lùng nào cũng đều kéo theo nhiều chuyện lạ lùng nối tiếp, có khi những chuyện lạ lùng về sau lại còn... lạ lùng hơn cả chuyện lúc ban đầu.
Bây giờ thì Thư Hương đã cảm thấy lạ lùng thật sự và càng nhớ đến Hòa thượng nói chuyện với Lữ Ngọc Hồ đêm qua mà không giống... Hòa thượng chút nào.
Họ dẫn nhau đi vào hẻm tồi tàn đầy rẫy rác rưởi, ruồi nhặng và người ta nghe thấy những mẩu đối thoại sau đây:
- Tại làm sao sòng bạc và địa ngục không xa lắm?
- Bởi vì thường thường người đi vào sòng bạc rất dễ dàng đi luôn xuống địa ngục.
- Sòng bạc quả đáng sợ như thế sao?
- Rất đáng sợ, nếu gia đình mà có một con bạc thì... thì thấy cái đáng sợ đó là như thế nào...
- Sao? Sợ sao?
- Nếu người chủ gia đình là con bạc thì những người trong gia đình đó sẽ sống cuộc đời như địa ngục.
- Tôi nghe nói rồi, nghe nói khi đã lún xuống đến mức là quỷ cờ bạc rồi, luôn cả vợ con cũng đem bán tuốt.
- Vợ con mà ăn nhằm gì? Chính bản thân người đó cũng sẽ bán luôn.
- Khủng khiếp, khủng khiếp, quả đáng sợ.
- Nếu nói trên đời này có chỗ gần địa ngục nhất thì chỗ đó là sòng bạc, nhưng chỗ gần với Tây Phương cực lạc nhất thì là ở đâu, biết không?
- Chùa.
- Đúng, nhưng có thấy cái chỗ giống nhau giữa sòng bạc và chùa không?
- Không, cách biệt, hoàn toàn không giống nhau, vì một chỗ gần địa ngục, một chỗ gần niết bàn.
- Như vậy là tại không chú ý, có chỗ giống nhau, sòng bạc và chùa luôn luôn dựng vào một chỗ vắng vẻ, xa vời sinh hoạt bình thường ở chung quanh.
À à... nhưng tại sao lại lạ lùng...
- Lạ lùng chỗ nào?
- Sòng bạc thì cần bí mật nên dựng lên ở một chỗ hoang vắng xa xôi, còn chùa là nơi công khai cho thập phương lui tới, thế tại sao họ cũng cứ tìm chỗ hẻo lánh hoang vu để dựng chùa?
- Đó là họ muốn tạo một cái vẻ huyền hoặc thần bí, gợi trí tưởng tượng của người khác, họ cố gây một ấn tượng để dẩn dụ. Bởi vì có như thế, có đặt mình vào một chỗ thanh tịnh hoang vắng như thế, người ta dễ có ấn tượng thiên liêng...
- Rồi vì cái không khí đó, làm cho con người đâm ra sùng bái?
- Đó chỉ là một trong những nguyên nhân có dụng ý hẳn hòi, một chuyện khác nữa để dẩn dụ là cơm chay.
- Sao lại có vụ cơm chay?
- Đường xa không hàng quán, lội bộ dâng hương là đói lã rồi xơi một bụng cơm chay là tuyệt và từ đó, người ta cảm thấy cái đặc biệt của chùa.
- Vì thế cho nên...
- Cho nên Hòa thượng luôn dựng chùa ở nơi hẻo lánh xa xôi, càng xa càng tốt.
- Có lý, nhưng nếu Hòa thượng mà nghe câu chuyện này là... tức đến học máu chết luôn.
- Hòa thượng không chết.
- Tại sao vậy?
- Tại vì chân chính Hòa thượng thì không ai chọc tức được.
- Còn những kẻ có thể tức tối thì không phải là Hòa thượng?
- Đúng, vì thế, nếu cần chọc tức cho chết thì, những kẻ chết vì tức đó có thể trọc đầu, có thể mặc áo cà sa, nhưng...
- Nhưng không phải là Hòa thượng.
- Đúng, và vì thế, nếu cần chọc cho chết cũng không sao.

*

Nói đến Hòa thượng là thấy những cái có dính dáng đến đầu trọc.
Cái mà Lữ Ngọc Hồ và Thư Hương thấy trước nhất là tóc.
Tóc không phải là đầu trọc, nhưng từ cái tóc đó dẫn đến ngỏ hẻm.
Bây giờ thì Thư Hương và Lữ Ngọc Hồ đang đi gần tận chỗ ngỏ hẻm.
Ngỏ hẻm thật vắng.
Tận đầu ngỏ hẻm là cửa sòng bạc của Kim Râu.
Trời mùa hạ có những cơn mưa thật thình lình, đang nắng chợt nổi dông.
Khi Lữ Ngọc Hồ và Thư Hương còn cách cửa sòng bạc chừng vài trượng thì trời bỗng tối sẫm vì những áng mây đen nghịt.
Dông vụt nổi lên.
Ngọn gió thốc ngay vào cửa sòng bạc, không có chỗ thoát, ngọn gió tạo thành con trốt xoáy tung rác rến lên cao.
Hai cánh cửa sòng bạc không đóng.
Ngọn gió thốc vào, hai cánh cửa đập vô bung ra rầm rầm, đó là một chuyện lạ.
Vì cửa sòng bạc ngày đêm luôn đóng cứng, muốn vào phải có người ra mở, nhưng bây giờ thì bỏ ngỏ.
Chuyện lạ thứ hai, cơn lốc cuốn xoáy rác rến trong không khí bụi mù đó, chợt có một thứ giống như mây đen, từng cuộn xoáy tròn theo con trốt...
Nhìn vô cửa, vô sân sòng bạc, y như mây đen sà xuống cuốn quanh...
Thư Hương khựng lại nhìn sửng sốt.
Lữ Ngọc Hồ lao nhanh tới vung tay chụp vào những cuộn “mây bay” và hắn bỗng sững sờ.
Thư Hương chạy lại:
- Cái gì? Cái gì kỳ vậy?
Lữ Ngọc Hồ chìa tay trước mặt nàng.
Cái mà họ thấy như mây đen đó là... tóc.
Bây giờ thì nàng đã thấy rõ rồi, trong sân, trong cửa, trong con trốt xoáy toàn là tóc.
Hình như những nùi tóc từ trong sòng bạc bay ra cuốn theo con trốt, trời chuyển tối sầm, tóc xoáy theo trốt nhiều quá, nhanh quá, thấy như... mây đen.
Thư Hương ngơ ngác:
- Tóc ở đâu nhiều quá vầy nè?
Lữ Ngọc Hồ không đáp mà lại trầm ngâm:
- Không biết Hòa thượng còn có trong sòng bạc hay không.
Thư Hương hỏi:
- Chi vậy?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Hỏi ông ta về đám “mây” tóc này.
Thư Hương nhướng mắt:
- Sao lại nhè Hòa thượng mà hỏi... tóc?
Lữ Ngọc Hồ đáp:
- Hòa thượng không có tóc, còn thiên hạ thì có, nhưng nếu tóc ở trên đầu thiên hạ thì là chuyện thường, ngược lại, tóc rời khỏi đầu thiên hạ bay loạn như thế này thì hỏi... Hòa thượng.
Hắn đẫy cánh cửa đang lung lay trong gió và bước vào trong.
Thư Hương ngơ ngác đi theo.
Nàng ngơ ngác vì câu nói của hắn, nhưng khi vào trong sòng bạc rồi, thì nàng mới thật kinh hoàng.
Nàng thấy Hòa thượng.
Không phải một Hòa thượng mà đông Hòa thượng.
Tất cả người trong nhà đều là Hòa thượng.

*

Nếu vào chùa mà thấy đông Hòa thượng như thế này thì chuyện quá thường.
Nhưng đây là sòng bạc, nhưng nếu gặp thứ chùa “Sơn Hậu” thì có đánh bạc cũng là thường.
Chùa có thể biến thành sòng bạc, tuy chuyện không thường nhưng vẫn có thể xảy ra.
Nhưng nếu sòng bạc biến thành... chùa thì quả là chuyện “không tiền khoáng hậu”.
Đây là sòng bạc Kim Râu.
Một sòng bạc nổi tiếng đánh lớn, chơi ngọt và rất an ninh.
Nhưng bây giờ bàn ghế để gầy sòng không có.
Những bộ bài, những chén xúc xắc cũng không có.
Con bạc cũng không.
Nhưng nhà vẫn đông người, hàng mươi người, họ ngồi xếp bằng tròn dưới đất, chấp tay cúi mặt im lặng.
Vì họ toàn là... Thư Hương.
Lướt con mắt qua một lượt, ánh sáng ngời ngời, không là phải ánh đèn, không phải ánh thép, mà là ánh sáng của những... cái đầu trọc.
Đầu trọc, mới tinh khôi láng bóng.