Chương 2
Khi Cô Bé Sắp Lớn

Cô Châu bảo Miêu sang nhà cô học cách vẽ búp bê và cắt áo với nhỏ Đông. Nhỏ Đông thích chí lắm vì thấy mình tự nhiên trở nên một nhân vật quan trọng, được người lớn tin tưởng giao trọng trách đào tạo một nhà thiết kế để dự thi. Tuy nhiên, không thể nói rằng nhỏ hoàn toàn hài lòng với cái đứa vừa là bạn, vừa là học trò là Miêu.
Mọi chuyện sẽ êm xuôi, không có gì đáng nói nếu như buổi tối hôm đó sư thầy không thông báo cho cả lớp biết mọi người chuẩn bị để thi thăng cấp. Chuyện thi cử không làm Miêu e ngại. Bình thường thôi, có gì đâu mà lo. Nhưng khi Miêu vui miệng kể cho thằng bạn nghe về cuộc thi “Thiết kế thời trang búp bê” làm xôn xao bọn con gái trong xóm, nó hỏi Miêu có tham gia hay không. Miêu đáp có. Nó hỏi chừng nào thi. Miêu bảo khoảng hai tuần nữa. Nó nói: Thế thì có trùng với ngày thi thăng cấp hay không? Miêu ớ ra. Đến lúc ấy, Miêu mới thấy cuộc đời sao mà lắm chuyện để lo âu đến thế. Miêu và nó chạy ù đi tìm cuốn lịch để tính ngày và cùng phát hiện ra hai cuộc thi được tổ chức cùng một lúc.
“Thế thì biết làm thế nào?” - Tâm hỏi và Miêu bỗng thấy cáu kỉnh với thằng bạn chí cốt của mình. Sao nó toàn hỏi Miêu những câu hỏi ngớ ngẩn đến thế chứ! Miêu cũng đâu biết phải làm thế nào? Không thi thăng cấp không được. Miêu lù mù đầu óc chẳng nghĩ ra được lý do gì có thể nói với sư thầy để hoãn lại cuộc thi. Mà làm sao Miêu dám nói, làm sao hoãn được cuộc thi của biết bao nhiêu người? Vả lại, đây cũng là lần dự thi thăng cấp đầu tiên của Miêu, làm sao Miêu vắng mặt được? Không thi thiết kế cũng không xong. Chắc chắn mẹ sẽ truy hỏi đến nơi đến chốn, tại sao Miêu không thi được, ngày hôm ấy Miêu làm gì mà không chịu đi thi. Mẹ sẽ mắng cho tắt đèn, con gái mà hư quá, la mắng rát cả cổ họng mà vẫn bướng bỉnh lười biếng không thèm quan tâm gì đến những việc khéo tay hay làm… Miêu suy nghĩ căng thẳng muốn nổ tung cái đầu ra mà không biết phải làm gì hoặc có thể cầu cứu ai. Ôi, ước gì lúc này Bụt hiện ra nhỉ? Nhưng muốn Bụt hiện ra thì trước tiên là phải khóc cái đã. Miêu nhăn mặt chớp chớp mắt mấy cái, cố nặn ra một ít nước mắt xem sao nhưng chả thấy giọt nào. Bực thật!
Tâm ngồi im thin thít nhìn cái mặt nhăn nhó thê thảm của Miêu. Nó không dám hỏi han gì thêm. Vẻ lo lắng của nó khiến Miêu bỗng thấy tội nghiệp thằng bạn và ân hận đã cáu kỉnh một cách vô lý. Có ai quan tâm chia sẻ tâm sự với Miêu bằng nó đâu?
Tâm thấy Miêu nhìn nó, cái mặt dãn ra bớt căng thì nó nhoẻn miệng cười ngay với Miêu, xán lại gần nói:
- Tớ vừa nghĩ ra được chuyện này!
- Chuyện gì?
- Cậu về hỏi lại lịch thi thiết kế xem. Còn tớ sẽ cố gắng tìm cách hỏi sư thầy giờ thi thăng cấp ở lớp. Đến ngày đó, cậu sẽ tranh thủ thi xong cái này thì chạy đi thi cái kia. Tớ nghĩ thế cậu xem có được không?
Chà! Thằng bạn Miêu cũng có lúc thông minh sáng suốt gớm ấy chứ. Nó tính toán nghe cũng được, Miêu sáng mắt lên:
- Được! Tớ sẽ về nhà hỏi mẹ ngay đây. Còn cậu hỏi giúp tớ nhé. Thôi, tớ về đây!
Hôm sau, hai đứa gặp lại nhau. Tâm nói, theo thứ tự danh sách thì Miêu sẽ thi khoảng chín giờ. Nội dung thi của mỗi người kéo dài khoảng ba chục phút. Như vậy, thi thăng cấp xong, Miêu có thể chạy ù về thi thiết kế vào khoảng mười giờ.
Qúa hay! Cả hai tiêu tan niềm lo lắng cùng nhau cười tít mắt. Bây giờ chỉ còn mỗi việc ôn bài cho nhuyễn. Hai đứa thay phiên dò bài cho nhau. Lúc Miêu đi bài, Tâm đọc thiệu. Lúc Tâm đi bài, Miêu đọc thiệu. Cả hai thấy mình ngon lành lắm.
Ở nhà, mẹ hỏi:
- Con có tập vẽ thường xuyên không đấy?
Miêu mạnh dạn đáp:
- Có chứ ạ!
- Thế thì tốt! Cố gắng lên nhé!
Mẹ chỉ hỏi thế thôi rồi lại tất bật đi lo công việc. Phần bận rộn nhiều việc, phần vì mẹ không muốn mang tiếng thiên vị con mình nên ngoài việc nhắc nhở ngày thi gần kề, mẹ không nói gì thêm về chuyện thi cử với Miêu.
Một điều rất kỳ cục là càng gần đến ngày thi, Miêu càng thấy bồn chồn hồi hộp. Có lẽ do Miêu bị ảnh hưởng bởi cả hai đứa bạn. Nhỏ Đông vốn đã siêng năng cần mẫn bây giờ lại càng ráo riết vẽ vẽ cắt cắt. Đống giấy vụn mà nhỏ cắt ra dồn vào bốn năm cái bao tải chất đống trong góc nhà. Còn mớ áo xống tác phẩm sáng tạo của nhỏ, nhỏ treo lên chật cả phòng. Mỗi lần cô Châu vào phòng xem xem con mình “làm việc” thế nào, cô nhìn dãy quần áo ấy hy vọng phấn khởi lắm. Nhỏ Đông nổi tiếng là bàn tay vàng trong xóm. Cô Châu tin tưởng con mình sẽ đoạt giải thưởng “bút chì vàng”. Cả chú Châu cũng bị lây không khí luyện thi căng thẳng, cũng thường về nhà sớm động viên con. Nhỏ Đông nói với Miêu:
- Tớ run lắm! Bao giờ đi thi tớ cũng run!
Hình như run là một bệnh rất dễ lây bởi vì khi nghe cái giọng run run của nhỏ Đông, tự nhiên Miêu cũng thấy run theo. Miêu trấn an:
- Có gì mà run! Cứ bình tĩnh, chắc chắn cậu sẽ thắng. Phải tự tin chứ, cậu khéo tay nhất xóm mà!
Nhỏ Đông lắc đầu:
- Tớ không chắc lắm đâu!
Hết nhỏ Đông đến thằng Tâm. Thấy cái mặt Tâm càng ngày càng xanh tái, Miêu hỏi nó:
- Làm sao mà mặt cậu càng ngày càng xanh như mắt mèo vậy?
Tâm trố mắt ra:
- Thế à? Tớ có làm sao đâu!
Miêu quả quyết:
- Có mà! Trông cậu xanh lắm!
Tâm thú nhận:
- Ừ, chắc tại tớ sợ quá!
Sợ cái gì?
- Tớ sợ tớ thi không được!
- Cậu thuộc bài rồi cơ mà!
- Ừ, nhưng tớ vẫn cứ sợ!
Chán thật, nhìn cái mặt xanh lè và nghe giọng nói lo âu sợ hãi của nó, Miêu bắt đầu thấy mình cũng run lập cập y như nó vậy. Nhưng dù thế nào thì ngày thi cũng cứ tà tà tới gần. Mà Miêu phải dự hai cuộc thi cùng một lúc. Thế là nỗi run và sợ cùng đến một thể và gia tăng gấp đôi cường độ. Tim Miêu lúc nào cũng đập thình thịch trong ngực.
Buổi tối tắt đèn trước khi đi ngủ, trong bóng tối yên lặng, anh Tuấn thắc mắc:
- Tiếng gì kêu bình bịch nghe lạ quá nhỉ?
Anh Tú gật đầu:
- Ừ, tiếng gì kêu nghe lạ lắm!
Cả hai lắng tai nghe và dò dẫm lần theo đến nơi phát ra tiếng động. Cuối cùng cả hai phát hiện và dừng lại ngay bên giường của Miêu. Số là bố đóng một chiếc giường bằng mây tre rất đẹp cho Miêu. Thấy cái giường tráng lệ, anh Tú phân bì ngay:
- Bố thiên vị nó quá!
Bố nói:
- Em là út ít trong nhà, con là anh sao lại tị với em? Thế là xấu lắm đấy!
Anh Tú vẫn hậm hực. Anh Tuấn tỏ ra rất anh hai:
- Thôi, nó là con gái! Ưu tiên cho nó một chút có sao đâu!
Phải nói là Miêu thương mến anh Tuấn nhiều hơn anh Tú bởi vì anh luôn có lòng khoan dung độ lượng hơn anh Tú nhiều. Miêu nghĩ mình chỉ cần một ông anh như anh Tuấn là đủ, có thêm một ông như anh Tú thật là thừa. Anh Tú nghe anh Tuấn nói thế, tuy vẫn không vui vẻ gì hơn nhưng cũng thôi không nói gì nữa.
Hai ông tướng đứng cạnh giường Miêu nghe ngóng xong ôm nhau rũ ra cười:
- Thì ra là tim nó đập! Ối giời, nó đang run vì sắp phải đi thi ấy mà. Thế mà mình cứ tưởng sắp có động đất! Ha ha ha…
Nằm im re trong giường nghe hai ông anh cười cợt chọc quê, Miêu tức lắm nhưng không biết làm sao bây giờ.
Cuối cùng ngày thi cũng đến. Sáng hôm ấy, trời trong và mát y như buổi sáng trong bài tập đọc “Tôi đi học” của ông Thanh Tịnh, nhưng không phải Miêu đi học mà là đi thi. Miêu lo sốt vó ngay từ sáng sớm lúc mẹ gọi Miêu dậy, sửa soạn đánh răng rửa mặt, ăn sáng xong xuôi rồi đi theo mẹ.
Đến khu công viên chung của cả xóm thường được dùng để tổ chức những cuộc thi như thế này, Miêu thấy lũ con gái trong xóm đã tập trung gần đủ mặt. Chúng nó đứng túm tụm thành từng nhóm. Ai cũng có bố hoặc mẹ đi theo để ủng hộ tinh thần. Miêu trông thấy mẹ con nhỏ Đông và nhỏ Tuyền đứng ở hai nơi cách xa nhau. Nhỏ Đông trông thấy Miêu trước, chạy ngay đến nắm tay Miêu đặt lên ngực nó:
- Miêu ơi, càng lúc tớ càng run!
Miêu cố gắng tỏ ra vững vàng:
- Đừng có run! Xem tớ đây này, tớ có run gì đâu! Cốt nhất là phải giữ bình tĩnh!
Nhỏ Đông nắm tay Miêu chặt hơn:
- Ừ, cậu hay thật! Có cậu tớ thấy bớt run hơn!
Nhỏ Tuyền đứng với mẹ nó riêng một chỗ. Trông thấy bọn Miêu, nó ngó lơ đi chỗ khác, mặt nó vênh lên cùng một hướng với mặt cô Hồng. Ghét thật, Miêu mong cho nó trượt toét để mẹ con nó bớt kiêu đi!
Mọi người lăng xăng chạy tới chạy lui. Người thì sắp xếp chỗ ngồi, bàn ghế cho ban giám khảo. Người thì đọc thể lệ thi và danh sách để thí sinh chuẩn bị trước. Người thì chuẩn bị sân khấu nơi thí sinh sẽ lên trình bày những bộ trang phục dự thi của mình.
Người ta ngăn những gian nhỏ như những gian hàng hội chợ Tết. Mỗi ngăn dành cho một thí sinh. Nội dung thi gồm có: mỗi thí sinh tự vẽ cho mình mặt nạ nhân vật cổ tích hay lịch sử mình thích, ví dụ như cô Tấm, công chúa Mỵ Châu hay là bà Triệu Thị Trinh, sau đó cắt những bộ trang phục phù hợp với nhân vật của mình. Kế tiếp, mỗi thí sinh sẽ lên sân khấu với mặt nạ và trang phục của mình trình bày tác phẩm. Tất nhiên, thí sinh chỉ cần sử dụng vật liệu bằng giấy, keo dán và kim kẹp là được.
Miêu mừng thầm thấy mình có thể chuồn đi được vì khoảng thời gian trống giữa hai phần thi cũng khá dài. Thật ra, Miêu không thiết gì vào cuộc thi này. Miêu chỉ dự thi cho mẹ vui lòng thôi nên Miêu chỉ cắt đủ số bộ áo theo yêu cầu.
Miêu lặng lẽ tìm cách luồn đi. Nhỏ Đông tình cờ nhìn ra trông thấy Miêu bỏ đi, ngạc nhiên hỏi:
- Đang thi thế này mà cậu đi đâu đấy?
Miêu khẽ nói:
- Suỵt, tớ có việc cần làm ngay, nếu có ai hỏi đến tớ, cậu bảo tớ đi vệ sinh nhé!
Nhỏ Đông không hiểu gì nhưng cũng gật đầu. Thế là Miêu chạy như bay. Đến nơi, Miêu thấy Tâm đang sốt ruột đi tới đi lui ở trước cổng chùa. Thấy Miêu đến, nó nhảy cỡn lên mừng rỡ:
- Trời ơi, tớ cứ lo là cậu không đến được! Vào ngay đi, ban nãy đọc điểm danh không thấy cậu, sư thầy hỏi đấy!
Vào đến nơi, Miêu định chào thầy và bỗng choáng váng tưởng mình hoa mắt. Miêu trông thấy thằng hái trộm mận đang đứng bên cạnh sư thầy. Trời ơi, thế là thế nào?
Miêu níu lấy thằng Tâm chỉ vào thằng hái trộm mận hỏi:
- Nó đấy!
Tâm ngơ ngác:
- Nó nào?
- Trời ơi, cái thằng lưu manh đánh tớ trên đường ấy!
Tâm càng ngơ ngác:
- Không thể thế được! Đó là anh Đỉnh, sư huynh ở đây đấy! Anh ấy giỏi và hiền lắm!
- Nhưng chính nó là cái thằng chặn đường tớ mà!
Tâm nhăn mặt:
- Cậu nhầm hay sao ấy chứ! Mà cậu cũng không nên gọi anh ấy là thằng. Hỗn quá! Anh ấy lớn hơn mình đấy!
Miêu chưng hửng thấy Tâm bênh vực cho “cái thằng” dã man đã từng làm cho Miêu cháy trụi nửa cái chân mày. Nhưng bây giờ không phải là lúc tranh cãi hay hỏi han chuyện vãn bởi vì lớp Miêu bắt đầu vào cuộc thi.
Có vẻ như “thằng dã man” được sư thầy tin cẩn lắm. Miêu thấy sư thầy sai bảo nó nhiều việc như đọc tên võ sinh chuẩn bị lên thi, tên bài quyền và điểm số...
Tâm bị gọi lên thi trước Miêu. Mặt nó xanh rờn. Nghe gọi đến tên mình, nó lập cập đứng lên, Miêu phải động viên nó:
- Cố lên! Đừng có run!
Nó đứng đực ra trước mặt các thầy rất lâu. Miêu lo nó run quá nhỡ quên hết bài thì công cốc. Nhưng may quá, nó bước chân lên đưa tay bái tổ rồi khởi thức. Miêu hồi hộp nhìn bước chân bạn nhẩm theo những câu thiệu. Cuối cùng, Tâm lùi lại bước cuối cùng kết thúc bài. Miêu thở phào.
Tâm trở về ngồi cạnh Miêu, hai đứa nắm chặt tay nhau. Miêu thì thào:
- Cậu đi tốt lắm đấy!
Hai người nữa mới đến phiên Miêu. Cho dù đang lắng nghe nhưng khi nghe đến tên mình, Miêu vẫn thấy giật thót người. Tới phiên Tâm động viên Miêu:
- Cố lên nhé!
Đứng trước mặt các thầy chấm thi và bao nhiêu con mắt đang dồn lên chăm chú nhìn mình, Miêu bỗng thấy đầu óc trống rỗng. Miêu cũng đứng thộn mặt ra y như thằng Tâm. Miêu cố ghìm lại hơi thở càng lúc càng hổn hển. Miêu tự nhủ: “Không có gì mà sợ! Cố lên! Cố lên nào!”. Miêu liếc mắt nhìn xuống hàng ghế võ sinh, thấy thằng bạn thân đang nhìn mình gật đầu ra vẻ khích lệ.
Miêu bước chân lên, hai tay vòng lên cao đưa ra phía trước làm động tác bái tổ rồi đi vào khởi thức. Miêu cố gắng tập trung và dần dần nhớ ra… Ngọc hoàn tà phi, tay phải giơ lên đỡ phía trước, tay trái là là chặt ra sau… Phi yến đầu hoài - chân phải bước tới, hai tay chụm lại trước bụng như ôm chim yến vào lòng… Kim kê độc lập - chân phải co lên trụ bằng chân trái…
Bàn chân trái của Miêu bị trẹo hôm trước vừa mới lành bỗng nhói lên. Cũng tại hồi nãy Miêu chạy nhanh quá nên vết thương cũ bị động. Cố lên, chỉ còn vài thế nữa thôi! Bạch hạc lượng xí - Miêu nhảy lên giang rộng hai tay, đá chân lên để bàn tay phải đập vào bàn chân trái rồi hạ xuống thế kim đồng bổng ấn chụm hai chân lại, hai tay nâng lên cao rồi lùi trở về thái cực hoàn nguyên, bái tổ kết thúc bài. Chân trái Miêu đau nhói lên. Đau không chịu được. Miêu không thể gượng được nữa. Miêu khuỵu xuống, trong lòng đầy thất vọng. Trời ơi, cuộc thi đầu tiên của Miêu thế là hỏng!
Người đầu tiên chạy ra đỡ Miêu lên chính là cái người mà Miêu mong mỏi gặp lại để trả thù cho cái chân mày bị cháy trụi.
Hoá ra Tâm nói đúng. Y như trong phim, kẻ thù bao giờ cũng giỏi hơn mình. Hoá ra bây giờ người ấy lại là sư huynh của Miêu. Bây giờ Miêu phải nhờ người ấy đỡ mình lên để trở về chỗ ngồi. Đám bạn trong lớp xúm lại hỏi thăm Miêu. Miêu chán nản chả muốn nói năng gì.
Hỏng bét cả rồi. Có lẽ Miêu phải chờ đến cuộc thi sau. Tệ hơn, bây giờ ở cuộc thi thiết kế, có lẽ mọi người đang nhốn nháo đi tìm xem Miêu đang ở đâu. Nhất là mẹ, chắc đang cáu tiết ghê lắm.
Tâm xích lại ngồi sát bên cạnh Miêu. Hơi ấm của thằng bạn khiến Miêu thấy an ủi phần nào.
Quả nhiên, mọi việc rắc rối hơn Miêu tưởng. Khi nghe đọc đến tên Miêu mấy lần mà vẫn không thấy Miêu đâu, nhỏ Đông rất sốt ruột. Nhỏ đã thi xong cả hai phần và đang ngồi bên dưới thảnh thơi xem những người khác trình diễn. Ở phần thi thứ hai, thí sinh mang mặt nạ nhân vật của mình, mặc những bộ trang phục do mình thiết kế và di động trên sân khấu. Điều quan trọng là phải trình bày được nét đặc trưng của bộ trang phục và tính cách nhân vật.
Không thấy Miêu trở về, nhỏ Đông suy nghĩ cách cứu Miêu. Nó rời gian của nó lẻn đến gian của Miêu. Nó lấy mặt nạ của Miêu khoác quần áo vào rồi bước lên sân khấu. Mặt nạ che hết mặt nên không ai nhận ra nhỏ Đông. Nhưng khi nhỏ xuống sân khấu để chuẩn bị bộ sau thì xảy ra chuyện xui xẻo.
Những dãy quần áo treo dày đặc vẫn không che mắt được mẹ con nhỏ Tuyền. Nhỏ Tuyền nhìn thấy nhỏ Đông lúc nhỏ buông mặt nạ xuống và loay hoay thay áo trong gian của Miêu. Nó kêu lên và chỉ cho mẹ nó thấy. Thế là cô Hồng lập tức chạy đi khiếu nại chuyện gian lận.
Mọi người sửng sốt ào ào chạy đến để kiểm chứng. Nhỏ Đông xanh mặt vì bị bại lộ. Mẹ và cô Châu cũng chạy đến và thế là việc Miêu vắng mặt trong buổi thi bị phát hiện. Tệ hại hơn là Miêu và nhỏ Đông bị kết tội thông đồng gian lận trong thi cử. Thấy mọi người xô vào chỉ chỏ bàn tán và vẻ mặt nghiêm trọng của mẹ Miêu và mẹ nó, nhỏ Đông oà khóc.
Tất nhiên sau đó mọi chuyện vỡ lở ra. Khi Tâm và anh trưởng lớp đưa Miêu về đến nhà thì mẹ đã ngồi đấy đợi sẵn với cái roi mây. Rất ít khi mẹ dùng tới roi mây, mẹ thường nói, đối với trẻ con tối kỵ sử dụng bạo lực nhất là trong việc giáo dục đạo đức cho chúng. Nhưng hôm nay có lẽ mọi việc đã vượt quá sức chịu đựng của mẹ rồi.
Vừa thấy mặt Miêu, mẹ đã nhịp nhịp cái roi lên giường, gằn giọng nói:
- Giỏi nhỉ! Hết cái chơi, rủ nhau làm loạn cả lũ!
Miêu chưa từng nghe thấy, trông thấy âm thanh, hình ảnh nào kinh khủng hơn quang cảnh lúc ấy. Thằng Tâm cùng với anh lớp trưởng nhẹ nhẹ đỡ Miêu ngồi xuống, xong nó chạy ra ôm lấy tay mẹ Miêu. Nó nói:
- Cô ơi, cô đừng đánh Miêu!
Mẹ hỏi:
- Xê ra! Cháu là đứa nào? Hai đứa đã rủ rê nhau đi chơi nghịch những đâu?
Tâm tròn xoe mắt:
- Chúng cháu có rủ rê nhau đi đâu đâu?
Mẹ nghiêm giọng nói:
- Thế ngày hôm nay lẽ ra nó phải có mặt để thi mà nó lại biến đi đằng nào?
Tâm ngập ngừng nhìn Miêu. Miêu thiểu não nhìn nó. Miêu hiểu ý nó muốn hỏi Miêu có nên khai thật ra mọi chuyện hay không? Đến nước này thì còn giấu giếm nỗi gì? Nhưng anh lớp trưởng đang đứng đấy đâu thể nào nói huỵch toẹt mọi chuyện được? Thấy Miêu liếc nhìn anh lớp trưởng, Tâm hiểu ý ngay. Nó bắt đầu kể:
- Tại cháu đấy cô ạ! Cháu rủ Miêu học võ chung với cháu đấy chứ! Cháu ở trong chùa có mỗi một mình chẳng biết chơi với ai. Có Miêu làm bạn, cháu vui lắm. Cháu rủ Miêu học võ, Miêu bảo cô không đồng ý đâu nhưng cháu xui Miêu cứ học đại đi, Miêu nghe lời cháu xui nên mới lén cô đi học đấy. Cháu xin lỗi cô…
Mẹ vẫn nghiêm mặt hỏi:
- Thế ra cả hai đứa thông đồng với nhau nói dối người lớn à?
Tâm im tắp không biết nói gì. Miêu biết rõ thật ra thằng bạn mình chưa hề nói dối bao giờ. Nó ấp úng:
- Cháu… cháu…!
Mẹ ngắt lời:
- Thế hôm nay nó lại bị làm sao nữa đấy?
Tâm nhanh nhẩu đáp ngay:
- Hôm nay chúng cháu cũng phải thi, Miêu đang thi thì bị trặc chân ạ!
Mẹ thở dài:
- Nó lúc nào cũng thế. Không bị cái này cũng bị cái kia, mà toàn là tự nó gây ra cho nó thôi!
Mẹ đứng dậy nói:
- Thôi được rồi, cô cảm ơn các cháu đã đưa Miêu về đây. Các cháu cứ về đi!
Tâm nhìn Miêu ngập ngừng bước theo anh lớp trưởng. Ra đến cửa nó còn cố nói vớt vát:
- Cô đừng đánh Miêu cô nhé!
Mẹ chỉ nói:
- Cháu cứ về đi!
Mẹ lẳng lặng vào bếp pha một chậu nước muối cho Miêu ngâm chân. Mẹ chẳng nói với Miêu tiếng nào. Miêu cũng không dám mở miệng nói gì. Mẹ không đánh Miêu roi nào cả, Miêu đoán có lẽ vì Miêu còn đang bị đau chân. Thế nào khi Miêu khỏi mẹ cũng sẽ đánh cho một trận nên thân. Miêu biết mình đã phạm đủ thứ tội lỗi mà tệ hại nhất là tội nói dối.
Cái chân sưng bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày Miêu đau đớn tự dằn vặt mình. Miêu phải ngồi chết dí trên giường chẳng đi đứng gì được. Ông bà ngoại hay tin chạy sang. Ông ngoại vừa vào tới nơi đã nắm ngay lấy tay Miêu bắt mạch:
- Để ông khám xem cháu có ốm bệnh gì không?
Miêu lắc đầu:
- Cháu bình thường thôi mà, có đau ốm gì đâu!
Ai ngờ ông ngoại vừa nghe Miêu nói dứt lời đã mắng:
- Cháu vẫn bình thường à? Không hề mắc phải cái phải gió gì, thế mà cháu làm cái trò gì quái gở thế hả?
Xưa nay Miêu có bị Ông mắng bao giờ đâu, bây giờ bị mắng Miêu chỉ biết tấm tức khóc. Bà cũng ngồi im, chỉ thở dài, rồi nói:
- Ấy chỉ tại nuông chiều nó quá rồi đến hồi nó làm lừng. Thật mất trật tự. Chả còn xem người lớn ra cái thể thống gì. Thế tử vi của nó có nói chuyện này không hở ông?
Ông ngoại lắc đầu đáp:
- Không!
Miêu vô cùng đau khổ vì thấy chả ai hiểu cho mình. Ai cũng nghĩ mình là đứa gian dối. Anh Tuấn, anh Tú bình thường hay chọc ghẹo nay cũng không hề bén mảng đến gần Miêu. Cả nhỏ Đông cũng không thấy sang thăm Miêu, không biết nhỏ giận Miêu hay là nhỏ cũng bị bố mẹ nhỏ mắng. Miêu thấy cô đơn quá. Miêu khóc thầm vì hối hận đến sưng cả mắt, thế này thì thà chết còn hơn. Miêu chỉ muốn chết ngay cho rồi.
Nỗi đau lòng của Miêu vợi bớt khi bóng dáng nhỏ bạn đáng yêu của Miêu xuất hiện bên cửa. Nhỏ Đông sang thăm Miêu. Hai đứa gặp nhau rơm rớm nước mắt. Miêu nói trước:
- Tớ xin lỗi, tại tớ mà cậu gặp rắc rối! Thế cậu có bị mắng nhiều không? Có bị đòn không?
Nhỏ Đông đáp:
- Có gì đâu! Tớ bị mẹ mắng ít thôi, không ai đánh đòn tớ cả! Cậu không cần xin lỗi tớ, tại tớ tự ý làm chứ đâu phải tại cậu xúi giục gì tớ!
- Nhưng nếu tớ không về trễ …
- Thôi, dù sao thì tớ vẫn quý mến cậu như thường!
Miêu cảm động vì lòng cao thượng phi thường của bạn. Người ta vẫn bảo chỉ khi hoạn nạn mới biết ai là bạn tốt, Miêu thấy đúng quá. Nhỏ Đông ngồi chơi với Miêu cả buổi, kể cho Miêu nghe đủ chuyện. Lẽ ra nhỏ được điểm cao vì những bộ áo váy nhỏ cắt rất độc đáo. Không những thế, nhỏ còn trình diễn rất đẹp. Nhưng vì chuyện thi giùm cho Miêu mà nhỏ bị loại cho nên nhỏ Tuyền được hạng nhất. Nhỏ Đông nói thêm, nhỏ Tuyền xài toàn giấy màu xịn nên những bộ áo của nhỏ nhiều màu đẹp lắm. Tuy nhiên tất cả những mặt nạ và áo váy dù được giải hay không cũng đều được đóng gói để gửi tặng trường trẻ em khuyết tật. Đó mới là mục đích chính của cuộc thi.
Nhỏ Đông nói nhỏ không buồn vì không được giải nhưng Miêu biết bạn mình buồn lắm. Nhỏ nói: “Sau này còn thi dài dài mà!”. Miêu biết bạn nói thế chỉ để an ủi mình mà thôi. Nghĩ vậy Miêu lại thấy muốn khóc. Ai ngờ nhỏ Đông vô tình lặp lại y hệt cử chỉ mà mẹ Miêu thường làm với mẹ nó là ôm lấy đầu Miêu sát vào ngực nó, luôn miệng nói:
- Nín nào, nín nào!
Mãi đến khi Miêu nguôi nguôi nín khóc thì nhỏ mới ra về. Nhỏ vừa đứng lên thì một cái đầu trọc lóc xanh bóng thò vào. Thằng Tâm ngoác miệng ra toe toét cười với Miêu. Khỉ thật, lúc thì buồn nẫu ra chẳng ma nào thèm tới, lúc thì lũ lượt kéo đến một lúc thế này. Chú tiểu nhỏ trố mắt nhìn theo nhỏ Đông lúc nhỏ đi ra cửa. Nó quay lại hỏi Miêu:
- Bạn cậu đấy à?
- Ừ!
Tâm tấm tắc:
- Coi ngộ ghê hén?
Miêu thắc mắc:
- Ngộ là sao?
Tâm nói:
- Ngộ… là ngộ chứ sao!
Rồi ra vẻ ân cần hỏi:
- Chân cậu đỡ chưa?
- Đỡ nhiều rồi!
- Hôm nào đi học lại?
- Học hành gì! Tớ không biết liệu mẹ tớ có cho tớ đi học lại hay không nữa?
Tâm tròn xoe mắt:
Ô hay, thế cậu không biết gì cả à?
Hai con mắt Miêu cũng tròn lên không kém gì nó:
- Không!
- Thế không ai nói gì với cậu cả à?
Miêu sốt ruột:
- Không! Chả ai nói gì với tớ cả! Mà có chuyện gì cậu nói lè lẹ lên. Sốt ruột bỏ xừ!
Thấy Miêu bực mình, Tâm vẫn thủng tha thủng thỉnh:
- Thì từ từ tớ kể, cậu đúng là…
Thì ra, mấy hôm Miêu phải ngồi ru rú ở nhà thì mẹ và ông bà ngoại đã lên chùa nói chuyện với sư thầy Đại Tráng. Ai cũng ớ ra vì chuyện Miêu tự ý đi học võ mà chả nói năng gì với ai. Không ai biết lý do tại sao Miêu tha thiết học võ đến thế. Tất nhiên là chỉ có mình thằng Tâm biết rõ điều đó nhưng nó cười hì hì bảo đảm với Miêu là nó không hé môi nói ra một lời nào. Nó bảo nó là người biết giữ bí mật tuyệt đối.
Nhưng - “dù với bất cứ lý do nào, động cơ nào” - Tâm lặp lại y chang lời của người lớn nói, chuyện chăm chỉ học hỏi và cố gắng luyện tập hết sức cũng là một điểm tốt của Miêu. Dù sao đi nữa, thể thao cũng là một môn rèn luyện thân thể và đức tính. Hơn nữa, thằng Tâm sôi nổi nói, sư thầy lấy ra cho mọi người xem dấu chân của Miêu nói Miêu có dấu hiệu “triển vọng khả quan”.
Miêu ngắt lời nó:
- Tớ không hiểu cái dấu chân ấy có ý nghĩa thế nào? Cậu có nhớ sư thầy giải thích thế nào không?
- Có chứ, sư thầy bảo dấu chân của cậu rất tốt. Thầy giải thích rằng ai có dấu chân càng mỏng, nghĩa là gan bàn chân càng lõm thì người ấy càng có sức bật. Qua thời gian theo dõi việc tập luyện của cậu, thầy bảo cậu có tố chất thích hợp với môn thể thao này!
- Thế à! Cuối cùng thì sao?
- Còn sao nữa! Thì thầy khuyên gia đình cậu nên tạo điều kiện tốt cho năng khiếu của cậu phát triển chứ sao!
Nghe nó nói xong, Miêu bỗng thấy nhẹ nhõm trong lòng. Bao nhiêu nỗi lo âu khổ sở tích lũy trong mấy ngày qua như tan thành khói bay đi đâu mất. Miêu lại thấy cuộc đời thật là hạnh phúc, chả có gì phải suy tư khóc lóc. Chả có gì ghê gớm đến nỗi phải muốn chết đi cho rồi.
Hai đứa lại ngồi bốc phét với nhau hết sức vui vẻ. Miêu chợt nhớ đến người mà Tâm có vẻ rất thán phục yêu mến, người mà nó kiên quyết không cho Miêu gọi bằng “thằng” và bênh chằm chặp hôm đi thi bèn hỏi nó:
- Này, người đó là ai vậy?
- Người nào? À, ấy là anh Đỉnh, ở chùa ai cũng quý mến anh ấy!
- Thế à!
- Ừ, anh ấy rất giỏi, cũng là trẻ mồ côi như tớ. Ban đầu anh ấy cũng ở chùa nhưng sau có người xin anh ấy về nuôi, ở gần đây thôi. Anh ấy học võ lớp lớn, khác giờ với mình nên cậu không gặp anh ấy đấy thôi!
Miêu thắc mắc:
- Thế sao thằng… à quên, người ấy lại chặn đường tớ?
- Chắc cậu lầm lẫn thế nào ấy chứ! Cậu nghĩ kỹ lại xem?
Sau đó, việc học võ của Miêu coi như được công khai hóa. Khi người lớn thống nhất ý kiến và chấp nhận chiều theo ý thích của trẻ con thì mọi việc trở nên dễ dàng thoải mái biết bao nhiêu. Mẹ may cho Miêu hai bộ đồng phục để thay đổi. Miêu và Tâm bàn nhau nên chấm dứt việc lương tâm cắn rứt bằng cách thú nhận và trả lại cho nhà chùa mấy bộ quần áo “mượn đỡ” hôm trước. Hai đứa hứa với sư thầy lần sau sẽ không tự tiện làm càn như vậy nữa. Sư thầy vuốt râu cười hiền như Phật, nói: “Thế thì tốt!” rồi bảo Tâm cứ giữ lấy quần áo mà mặc không cần trả lại.
Miêu được thầy cho thi lại và cùng với Tâm chuyển lên lớp trên, lớp của…”anh” Đỉnh.
Thằng Tâm thật lòng hí hởn vì được học chung lớp với người màø nó ái mộ từ lâu. Người ấy cũng mồ côi như nó mà lại học giỏi, ngoan ngoãn, sáng sủa, đẹp trai, sạch sẽ, hiền lành, tử tế đến nỗi từ trẻ con đến người lớn đều quý mến. Nhất là người ấy lại biết võ y như diễn viên trong phim. Tóm lại, khi nghe thằng bạn kể lể về người ấy, Miêu hiểu ngay rằng đối với nó, đó là một gương sáng chói lọi mà ai cũng nên noi theo chứ đừng có ý kiến ý cò gì cả.
Có lần Tâm nói với Miêu khi lớn lên, nó sẽ làm diễn viên đóng phim võ thuật. Nó rất khoái cái cảnh đánh nhau kịch, kịch, kịch… rồi phi thân lên nóc nhà hoặc bay qua bay lại như chim. Miêu đã ôm bụng rũ ra cười khi nghe nó nói thế. Thấy Miêu cười ghê quá, Tâm xấu hổ, nó không cười theo như mọi khi mà nghiêm mặt lại, giận dỗi nói:
- Cậu đừng cười! Tớ nói nghiêm túc đấy!
Miêu nhìn vẻ mặt và giọng nói của thằng bạn thân có vẻ rất thành thực nên im ngay, không cười nữa mà chú ý ngắm nghía cái mặt nó. Ừ, cũng có thể lắm chứ! Miêu phát hiện ra Tâm đâu có xấu xí gì cho cam! Nếu cái đầu tròn vo của nó được phép để tóc tai mọc lại đầy đủ, có thể trông nó rất bảnh nữa là khác. Lông mày nó đen, mũi nó cao thẳng, môi nó rất hồng, miệng nó cười rất tươi tuy có vẻ thật thà và ngô ngố.
Lần đầu tiên, Miêu chú ý đến nét mặt của một đứa con trai và còn bất ngờ nhận ra nó rất dễ ưa nữa chứ. Miêu bỗng thấy xấu hổ vội quay đi nhìn chỗ khác. Rất may là tên ngố không nhận thấy gì, vẫn cứ hồn nhiên ngồi ngoác mồm tán phét về những điều mơ mộng của mình.
Thế là trong lúc thằng bạn thân vui vẻ thoải mái dưới sự chỉ bảo của thần tượng thì Miêu vẫn trung thành với suy nghĩ “học chung lớp với người mà mình ác cảm thật là khó chịu”. Nhưng dù có khó chịu mấy Miêu vẫn phải ráng chịu thôi. Bởi vì ai cũng thấy một sự thật rõ rành rành là sư thầy tuyệt đối tin tưởng hắn ta, giao cho hắn toàn quyền điều hành lớp. Cho nên, trong lớp hễ đứa nào léng phéng đùa nghịch, nói chuyện làm ồn hay tỏ ra lười biếng là hắn tha hồ phạt kẻ ấy hít đất hay đứng tấn đến khi nào mếu máo khóc lên mới thôi…
Hai năm sau…
Trong hơn bảy trăm buổi học, Miêu cố gắng không để mình lâm vào những thảm cảnh như thế. Nhưng có điều, con người ta không phải lúc nào cũng hoàn hảo, không phải lúc nào đầu óc cũng tỉnh táo minh mẫn, nên có khi Miêu đi bài quyền lộn tùng phèo. Nhất là những lúc phải ra đứng trước lớp, trước mặt hắn, trả bài cho hắn xem hoặc thậm chí phải đối luyện với hắn nữa. Thế là nhiều lần Miêu đã lúng túng quệt trúng vào người hắn, lúc thì vào chân lúc thì vào lưng. Miêu không thể hiểu được tại sao mình lại vấp váp một cách tệ hại đến thế. Mặc dù Miêu luôn tự nhủ: “Bình tĩnh nào, không việc gì mà run, hắn không phải là khủng long!”.
Lần mới đây nhất, Miêu đã khện vào đầu hắn một gậy khi cùng đi bài “song tiết côn đấu tề mi côn”. Lẽ ra đến cái đoạn hắn hạ thế thấp người xuống, Miêu phải gạt côn ngang qua đầu hắn đánh gió tạt ra phía sau, Miêu lại nhớ lộn sang đoạn kế nên thay vì thế, Miêu định đập cây côn xuống chân hắn. Hắn không kịp nhảy tránh, thế là Miêu đập côn trúng ngay chóc đỉnh đầu hắn.
Cú đập khá mạnh bởi vì thầy luôn nhắc rằng khi tập phải phát lực đều tay. Miêu nghe một tiếng kêu “ối trời” và lập tức thấy tay mình run rẩy. Nhưng té ra đó không phải là tiếng kêu của hắn mà là của Tâm. Từ đầu chí cuối, nó đứng xem ở bên ngoài lẫn trong vòng vây của các võ sinh. Lúc xảy ra sự cố, mọi người ồ lên nháo nhào chạy lại xem nạn nhân có bị thương nặng lắm không, nhưng hắn ta chỉ vuốt tóc đứng lên nói “không sao đâu” rồi bảo mọi người trở lại tập bình thường.
Thậm chí hắn còn không thèm bắt phạt hay trách móc gì Miêu. Nhưng thằng Tâm thì ngược lại, nó cằn nhằn trách cứ Miêu:
- Này, tớ không thích cậu chơi xấu như vậy đâu nhé!
Miêu phân trần:
- Tớ không cố ý, tớ chỉ lỡ quên một chút thôi!
Tâm nhìn Miêu nghi ngờ:
- Tớ không tin! Không cố ý mà sao cứ hay khện trúng ngay chóc thân thể người ta vậy? Người ta cố ý nhường cậu, cậu lại làm tới. Tại cậu muốn trả thù chứ gì! Tớ đã nói là cậu phải tìm hiểu lại xem mà cậu không nghe!
Mặc cho Miêu giải thích, Tâm vẫn bảo nó ghét nhất trò đánh lén. Nó còn nói, xưa nay người ta nói con gái hay thù dai, bây giờ nó mới thấy đúng quá. Nó bảo nếu Miêu cứ thù dai như thế thì nó sẽ không thèm chơi với Miêu nữa. Bởi vì thù dai là một tính xấu, rất xấu và xưa nay nó rất… thù những người hay thù dai.
Khi nghe nó hăm he như vậy, Miêu cũng thấy nao núng, mặc dù thật sự Miêu không cố ý trả thù như nó nghĩ. Ai không thèm chơi với Miêu thì Miêu cũng mặc kệ, nhưng nếu thằng bạn này nghỉ chơi Miêu ra thì Miêu sẽ buồn lắm lắm. Bởi vì dù sao thì hai đứa cũng đã thân nhau đến mức nếu không có nó, Miêu sẽ thấy thiếu thốn ghê gớm. Còn người kia, sao mà hiền quá vậy? Miêu biết cú đập ấy rất đau, người ấy đau lắm, vậy mà cũng không thèm “chửi” Miêu tiếng nào. Nếu gặp người khác nóng nảy hơn, chắc Miêu cũng “được” nhận lại một cú trả đũa “nhiệt tình” không kém.
Buồn tình, Miêu thơ thẩn qua nhà ông ngoại chơi. Ông đang ngồi xem sách. Miêu kêu:
- Ông ơi!
Tiếng gọi của Miêu thê lương đến mức ông ngước mắt nhìn lên bên trên cặp mắt kính hỏi ngay:
- Cháu lại gặp chuyện rắc rối nữa đấy à?
Miêu ngồi phịch xuống bên cạnh ông, thở dài:
- Cháu buồn quá!
Ông ngoại tủm tỉm cười:
- Hôm nay cháu ông lại biết buồn cơ đấy!
Miêu thở dài rất não nuột. Não nuột đến nỗi ông ngoại đặt hẳn quyển sách xuống, tháo kính ra, hỏi với vẻ quan tâm hơn:
- Xem nào, chuyện gì khiến cháu buồn thế? Kể cho ông nghe nào!
- Cháu thấy cháu chả được tích sự gì cả ông ạ!
- Không được tích sự gì cả là sao?
- Là thế này…
Miêu thổn thức kể cho ông nghe chuyện Miêu không thuộc bài, Miêu vô tình khện người ta bị người ta hiểu lầm Miêu chơi xấu, vì vậy bạn Miêu không muốn chơi với Miêu. Ông ngoại đợi cho Miêu bộc bạch hết nỗi lòng nặng chịch rồi ông nói:
- Có thế thôi à?
- Vâng! Thế đấy!
- Thế thì đơn giản quá! Cháu chỉ việc giải thích rõ ràng cho bạn cháu nghe. Nếu cần thì xin lỗi bạn chứ có gì đâu mà buồn!
- Cháu nói rồi nhưng bạn cháu vẫn giận cháu. Ông có thuốc gì cho cháu uống vào học bài mau thuộc, thuộc rồi không bao giờ quên không ông?
- Ông chả có thuốc nào như thế cả!
- Ông ơi, bệnh gì ông cũng chữa được cơ mà!
- Ừ, nhưng ông chỉ có thuốc chữa bệnh cho người ốm chứ ông không có thuốc nào có thể chữa cho người dở thành người hay, người lười thành người chăm, người bất tài thành thiên tài được!
- Thế thì ông bảo cháu phải làm sao bây giờ?
- Làm sao ấy à! Bây giờ cháu hãy thử chăm chỉ hơn nữa, siêng năng hơn nữa xem sao nào! Người ta bảo học văn phải ôn, học võ phải luyện. Ôn luyện thường xuyên thì sẽ giỏi thôi, cháu ạ!
Miêu vẫn cúi gầm mặt buồn bã. Ông ngoại kéo Miêu vào lòng, đưa bàn tay da trổ đầy đồi mồi vuốt tóc Miêu.
Tối hôm đó, Miêu trằn trọc mãi không ngủ được. Miêu suy nghĩ. Giờ thì Miêu không quan tâm đến chuyện trả thù cho cái đuôi lông mày của Miêu nữa. Thứ nhất là vì… chưa chắc Miêu có thể đánh thắng “kẻ thù” của Miêu. Ai ngờ đâu, kẻ thù của Miêu lại là võ sinh xúc xích trong lớp, là sư huynh của Miêu, là… nhân vật khủng khiếp như thế, là anh Đỉnh. Thứ hai là vì, nếu Miêu cứ khăng khăng với mối thù của mình, Miêu sẽ mất hẳn một đồng chí thân thiết thường chia ngọt xẻ bùi với Miêu bao lâu nay là Tâm.
Cuối cùng là vì, với sự cố gắng của mẹ và bà ngoại, cái chân mày của Miêu tỏ ra có dấu hiệu phục hồi rất khả quan, tuy rất chậm rãi. Mẹ và bà đã pha chế một thứ thuốc bôi bằng mật ong, cứ tối đến là mẹ bắt Miêu đứng im thộn mặt ra cho mẹ bôi lên chân mày. Mẹ bảo đó là chất bổ dưỡng cho lông mày mọc lại như cũ. Và quả là nó đã mọc lại, ban đầu là những chấm đen li ti rất khó nhận thấy, sau đó từng chấm, từng chấm một từ từ thò ra dài hơn, một li, hai li rồi sau cùng, từng sợi, từng sợi một hiện ra, cùng hội nhập hoàn toàn với những sợi cũ thành một đội ngũ hẳn hoi.
Mẹ thở phào khoan khoái vì công trình thí nghiệm thành công, đạt kết quả mỹ mãn. Bà cũng thế. Cả hai người cùng nghiêm giọng răn đe:
- Thôi nhé, đừng có mà nghịch ngợm như trước nữa nhé! Lớn rồi đấy, liều liệu mà giữ cái thần hồn! Nghịch quá chỉ tổ sứt sẹo từ đầu đến chân rồi không ai biết làm thế nào mà cứu!
Nghĩa là, có rất nhiều lý do để mối thù sâu nặng của Miêu tiêu tan thành mây khói. Kinh khủng nhất là câu nói cuối cùng của mẹ: “Con gái mà xấu như ma, không ai dám đến gần đâu!”.
Nhưng mặc dù không còn bị mối hận thù ám ảnh, Miêu vẫn thấy cần phải phấn đấu học võ cho giỏi. Không hiểu tại sao nữa. Có thể vì Miêu là một đứa hay tự ái. Hay cũng có thể đúng như Tâm nói, Miêu là một đứa hay thù dai. Miêu chúa ghét bị chê bai nên Miêu nhớ như in những lời người ta chê bai Miêu. Khởi đầu là anh Tú nói Miêu là “đồ vô tích sự, chả được cái việc gì trong nhà”. Mẹ con nhỏ Tuyền nói Miêu “con gái mà như con nặc nô, quậy quá không ai ưa”. Chỉ có nhỏ Đông là tốt với Miêu và cô Châu là hay lên tiếng bênh vực Miêu. Miêu thấy mình cần phải làm một điều gì đó thật tốt cho những người thương yêu, tin tưởng mình. Điều gì đó thì bây giờ Miêu chưa nghĩ ra nhưng bất cứ khi nào có dịp Miêu sẽ làm.
Miêu chả phải băn khoăn lâu về điều đó. Ít lâu sau, thằng Tâm nói với Miêu:
- Lúc này cậu tiến bộ thật đấy!
- Thế à! Tiến bộ làm sao?
- Nghĩa là không còn đánh quơ quào tầm bậy nữa chứ còn làm sao!
- Ừ!
- Thế cậu có nghe tin gì chưa?
- Chưa! Tin gì?
Thằng Tâm hạ giọng nói thật khẽ:
- Tớ nghe nói sắp sửa có thi đấu lớn lắm đấy!
- Thế à?
- Ừ! Sắp tới sẽ có cuộc thi tuyển mở rộng chọn vận động viên năng khiếu. Sau đó sẽ cử đi thi đấu với các vận động viên bên ngoài.
- Thế thì sao?
- Trời ơi, thì phải cố gắng để thi đậu chứ còn làm sao! Hỏi thế mà cũng hỏi!
Miêu không chắc mình sẽ lọt được vào đội tuyển, bởi vì có lần sư thầy phê bình Miêu đi bài quyền rất có nét, đấu đối kháng Miêu phản xạ nhanh. Nhưng khuyết điểm lớn nhất của Miêu là phát lực không đều. Tạng người Miêu roi roi gầy gầy nên rất thích hợp với những bài quyền Bắc phái phải nhảy nhót nhiều và nhanh tay lẹ chân. Miêu thuộc nằm lòng câu khẩu quyết “đường lang thủ hầu dương chi bộ”. Nghĩa là, hai tay phải ra quyền nhanh như càng bọ ngựa, còn hai chân phải lanh lẹ và nhẹï nhàng như loài khỉ hoặc sơn dương.
Trong khi Tâm không nhanh nhẹn bằng Miêu nhưng thể lực nó rất tốt. Miêu chưa từng dự thi bất kỳ một cuộc thi lớn nào nên Miêu không biết kỳ này, cuộc thi gồm có những nội dung gì và tiêu chuẩn thi đấu ra sao?
Tâm ta quả là một tay nghe ngóng thông tin cực kỳ chính xác. Nó mới rỉ tai Miêu hôm trước, hôm sau sư thầy Đại Tráng đã tập trung các lớp để thông báo cuộc thi và yêu cầu mọi người tập trung vào việc luyện tập.
Sư thầy nói:
- Đây là một cuộc thi truyền thống, một đại hộäi võ thuật cứ hai năm tổ chức một lần. Mỗi kỳ đại hội là một dịp thi thố tài năng của rất nhiều võ sĩ đến từ nhiều nơi. Cuộc thi chú trọng đến võ thuật hoa mỹ nhiều hơn là võ thuật ứng dụng. Xưa nay người ta hay nghĩ võ thuật là thô bạo. Thật ra, không phải thế, võ thuật gồm có hai nội dung. Võ thuật ứng dụng là những bài quyền tay không hoặc sử dụng binh khí có tính đối kháng, dùng để chiến đấu xáp lá cà tự bảo vệ mình và hạ địch thủ. Ngày nay, người ta chú trọng đến võ thuật hoa mỹ vì nó có tính thể thao nhiều hơn, nghĩa là bài quyền phải đẹp, người biểu diễn cũng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định về ngoại hình và kỹ năng biểu diễn. Do đó, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, các thầy phải luôn luôn tìm tòi nghiên cứu, cải tiến và sáng tác các bài quyền mới. Hàng năm, các thầy thường họp nhau lại để trình bày ý tưởng và các sáng tác của mình, góp ý và bổ sung cho nhau. Sau đó, những bài quyền đã hoàn tất sẽ được phổ biến cho võ sinh luyện tập. Vì đây là một cuộc thi quan trọng nên bắt buộc các võ sinh phải tập luyện thường xuyên và thi tuyển rất căng thẳng…
Thầy còn nói nhiều nữa nhưng Miêu chỉ nhớ đại khái thế thôi. Tóm lại, các võ sinh sẽ phải trải qua nhiều kỳ thi, nhiều phen lọc lựa để chọn ra vài người đi dự cuộc thi ghê gớm này. Sư thầy bắt đầu cho bọn Miêu học những bài quyền mà các thầy chọn riêng để dự thi. Có bài diễn đơn và diễn đôi. Tất nhiên Miêu và Tâm chọn bài diễn đôi để cùng thi với nhau. Đó là bài Song nhi mỹ kiếm. Đây là một bài đấu song kiếm soạn cho hai thiếu niên, một nam một nữ song luyện. Cả hai phải có những tố chất tương tự như cao bằng nhau, phản xạ nhanh như nhau, sức bật và thể lực ngang nhau… Lớp được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tập một bài giống nhau, đơn luyện hoặc song luyện. Sau đó mỗi người hoặc mỗi cặp trong nhóm sẽ thi với nhau để chọn ra người khá nhất. Những người khá nhất sẽ hợp thành đội tuyển để tham dự đại hội.
Sư thầy phát cho các nhóm những bản vẽ sơ đồ hướng đi và các bước tấn của các bài quyền. Bởi vì các bài quyền chú trọng đến nét đẹp và khéo léo trong việc sử dụng quyền hoặc binh khí nên bài nào cũng có nhiều tư thế lắt léo, phức tạp. Tình cờ, Miêu và Tâm cùng nhóm với anh Đỉnh, cùng tập bài song kiếm. Anh Đỉnh tập chung với một chị học trước Miêu khá lâu. Bài kiếm có những động tác rất khó nên sư thầy hướng dẫn rất kỹ. Thầy phân tích từng thế một và bắt bọn Miêu phải làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi thầy vừa ý mới thôi.
Tâm than:
- Tớ không biết cậu thấy thế nào chứ tớ oải quá!
- Tớ cũng vậy! Thầy bảo trong các bài binh khí, kiếm là khó nhất mà! Nhưng nó cũng đẹp nhất!
Tâm thở dài:
- Ừ, khó quá!
- Cho nên mình mới phải cố gắng!
Tuy than vãn nhưng khi Miêu rủ Tâm tập thêm vào những buổi khác, Tâm ừ ngay. Trong lúc tập, hai đứa bắt đầu nhận ra những khuyết điểm của nhau. Với Tâm, nó không thể thực hiện hoàn hảo những chi tiết phức tạp. Ví dụ như thế Quan âm bách thủ có động tác nhảy lên cao giang rộng chân song song với tay kiếm rồi hạ xuống trong tư thế chỉ tinh vọng nguyệt, uốn lưng chỉ kiếm ngược ra sau, mũi kiếm chĩa lên trời. Tâm thường lọng cọng vướng kiếm vì xui xẻo, nó thuận tay trái. Tâm phải tập đi tập lại động tác này hoài.
Trong lúc Tâm tập đi tập lại không biết mệt thì Miêu thở phì phò. Miêu mệt bở hơi tai nhưng vẫn ráng sức theo bạn. Cho đến một hôm, Miêu đuối quá, tay chân mỏi nhừ, cây kiếm rớt xuống trước, Miêu rớt theo như trái mít rụng. Miêu “rụng” một cái đùng khiến Tâm hoảng hốt, nó kêu ầm lên:
- Trời trời, cậu làm sao vậy? Thôi nha, đừng có giỡn à! Giỡn kiểu này tớ ớn quá!
Miêu nín thinh không trả lời. Không phải Miêu muốn giỡn mà vì Miêu không nói ra hơi nữa. Tâm xốc Miêu ngồi dậy, lo lắng hỏi:
- Mệt quá hả? Tại mình tập nhiều quá đấy mà! Có sao không? Tớ lấy nước cho cậu uống nhé!
Nó chạy ù vào trong lấy nước cho Miêu:
- Nước nè! Uống đi! Từ từ thôi! Sao? Đỡ chưa? Ngồi đây nghỉ mệt một lát rồi về! Thôi, từ mai mình tập ít lại. Không thì đến lúc thi cậu lại lăn đùng ra xỉu thì công cốc.
Nghỉ mệt một hôm, Miêu lò dò qua nhà ông ngoại định cầu cứu ông. Không có ông ở nhà, chỉ có bà thôi. Bà đang loay hoay với mớ thuốc viên như mọi khi. Miêu định chờ ông về để hỏi cho chắc ăn nhưng nghĩ ông đi suốt ngày, chẳng biết lúc nào mới gặp được ông, ngày thi sắp đến, phải khẩn trương luyện thi chứ không thể chần chừ được, thế là Miêu mon men đến bên bà. Miêu gạ:
- Bà đang làm thuốc bổ phải không ạ?
Bà lơ đãng trả lời:
- Ừ!
- Thuốc bổ gì thế hở bà?
- Thập toàn đại bổ!
- Nghĩa là sao ạ?
- Nghĩa là bổ đủ thứ. Uống thuốc này vào thì trong người khoẻ mạnh, ít đau ốm vặt, vui vẻ, yêu đời, làm việc không biết chán!
- Thế à! Thuốc này có bổ bằng nhân sâm không hở bà?
Bà không nghe Miêu hỏi câu này vì bà bận bưng lọ thuốc vào trong nhà để cất đi. Lúc quay lại, bà hỏi:
- Ban nãy cháu nói gì? Sâm à? Ừ, để bà múc cho! Gớm, con ranh này, mũi nó thính thế! Nồi sâm vừa mới nấu xong, chưa kịp bưng sang cho nhà nó, nó đã sang tận nơi để vòi.
Miêu vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ trong lòng không hiểu sao bà đoán được ý mình muốn uống sâm. Miêu nghe nói nhân sâm là loại cây thuốc bổ nhất trong các loại cây thuốc. Là thuốc bổ thần lực, uống nó vào, trong người khoẻ khoắn, rất lâu mệt. Miêu tin rằng đó là thứ mà Miêu đang cần, rất cần vào lúc này. Miêu cần có sức bền để đi thi đấu, rất nhiều cuộc thi. Mà cuộc thi nào cũng quan trọng, không thể lơ là.
Bà bưng ra cho Miêu một bát to. Miêu hăm hở bưng lên rồi… thất vọng:
- Bà ơi, cháu muốn ăn sâm nhung cơ!
Bà kêu lên:
- Cái gì? Sâm nhung ấy à? Cháu lại sắp bày ra cái trò gì thế? Trẻ con mà lại phải ăn sâm à? Ăn vào cho nó nứt da nứt thịt ra chắc? Này, thôi đi, bỏ cái ý định dại dột ấy đi nhé!
- Nhưng cháu cần có sức khoẻ để đi thi bà ạ!
- Cháu sắp thi à?
- Vâng, thi đấu ấy mà! Quan trọng lắm!
Bà nhẹ nhàng nói:
- Cháu ơi, bà bảo cháu điều này nhé, hàng ngày cháu cứ cố gắng luyện tập chăm chỉ vào. Sức khoẻ của cháu sẽ tăng lên dần dần, chả cần thuốc men gì đâu cháu ạ! Dùng thuốc men không đúng có khi còn có hại đấy!
Thấy Miêu vẫn tiu nghỉu buồn, bà vỗ về:
- Nghe lời bà đi cháu! Thôi được rồi, bà sẽ bảo ông cắt cho mày ít thuốc bổ cho mày uống nhé! Được chưa nào, ranh con?
Nghe bà nói thế, Miêu tươi ngay nét mặt, ăn một hơi hết ba bốn chén sâm bổ lượng ngon ngọt tuyệt vời của bà.
Chuyện của Miêu lẽ ra đến đây là hết. Hoặc nói đúng hơn, thật lòng Miêu chỉ muốn chấm hết ở đây cho rồi. Sau chuyến thi đấu thành công vang dội, người ta yêu cầu Miêu kể về “quá trình đi đến thành công” của mình. Tập làm văn là môn học cực kỳ khó, phải ngồi im lặng một chỗ cắn bút suy nghĩ cả buổi rất chán. Lại phải viết về mình nữa chứ! Thà bắt Miêu tập võ cả ngày còn thích hơn. Tuy vậy, cả nhà ai cũng xúm vào động viên Miêu nên viết đi và Miêu đã hết sức cố gắng viết. Miêu cam đoan đã kể toàn bộ sự thật dù tốt hay xấu. Bởi vì Miêu vốn là một người trung thực. Các bạn có đồng ý như thế không?
Vì điểm Văn của Miêu ở trong lớp chỉ thuộc loại trung bình thôi chứ không giỏi, Miêu nghĩ tốt nhất là nên đưa bản thảo cho mẹ, nhờ mẹ đọc lại và sửa lỗi chính tả. Miêu cũng định nhân thể nhờ mẹ đặt luôn cho nó cái tựa đề vì Miêu nghĩ mãi không ra. Nhưng khi đọc đến dòng cuối cùng, mẹ ngẩng đầu kêu lên:
- Viết lách gì mà buồn cười thế này?
Miêu hí hửng:
- Buồn cười lắm hả mẹ? Thế thì tụi bạn con mà đọc chúng nó sẽ thích lắm đấy!
Mẹ nói tiếp:
- Ừ, buồn cười quá! Chuyện trò kể lể gì mà chẳng có đầu có đuôi gì cả! Viết lách thế này thì bố ai mà thèm đọc!
Thấy Miêu đứng ngay như phỗng, mặt ỉu xìu chảy dài ra như quả cà d… - à không - quả bí đao chứ, mẹ thương hại bảo:
- Con phải viết luôn cái đoạn thi đấu giành huy chương căng thẳng như thế nào, phải cho người ta biết tại sao con được huy chương chứ không phải người khác được, con thi đấu khó khăn như thế nào, rồi cảm tưởng của con lúc đoạt giải, con nghĩ đến ai, con xúc động làm sao… chứ!
Miêu nhăn nhó đáp:
- Nhưng những chuyện đó đã được các cô chú phóng viên chụp ảnh, phỏng vấn, viết bài tường thuật rõ ràng đầy đủ từng chi tiết trên báo rồi. Ai thắc mắc gì thì cứ mua báo mà đọc, con khỏi phải viết lại, mệt lắm!
Dù cho Miêu nói thế nào, mẹ vẫn nhất định không chịu. Mẹ vừa lắc đầu nguầy nguậy vừa lẩm bẩm luôn mồm: “Không được! Viết thế này không được! Không ra làm sao cả!”. Thế rồi mẹ đặt tập bản thảo xuống bàn, le te xách giỏ đi chợ. Trưa hôm ấy, chờ Miêu ngủ dậy, mẹ bưng lên cho Miêu một… tô chè bí đỏ nấu với đậu xanh. Mẹ bảo: “Ăn đi con! Ăn cho mát mẻ đầu óc, tinh thần sảng khoái, suy nghĩ kỹ lưỡng, viết lại cho đàng hoàng tử tế vào, nhé!”.
Ăn xong tô chè, Miêu vắt óc cố nhớ lại trận thi đấu. Miêu hoàn toàn không nhớ gì về trận đấu cả. Cũng giống như những cầu thủ đá banh, khi người ta hỏi đại loại: Tại sao anh lại có những cú giao bóng tuyệt vời như vậy? Làm cách nào anh có thể sút bóng tung lưới xuất thần như thế?... các cầu thủ thường trả lời: Tôi không biết! Tôi chỉ biết rằng cần phải làm như vậy vào lúc ấy, thế thôi!
Miêu cũng vậy thôi chứ có khác gì! Nhưng để xem nào, từ từ Miêu nhớ lại xem nhé. A, Miêu nhớ ra rồi! Miêu bật dậy chạy ù đi tìm thằng bạn chí cốt của mình. Miêu thấy nó đang nằm khểnh trên chiếu đọc báo. Trời, tên này hôm nay chịu khó thu nạp kiến thức gớm! Miêu lôi cổ thằng bạn dậy. Tâm lồm cồm ngồi dậy, kêu lên:
- Từ từ đã nào, có chuyện gì thế?
- Nghe tớ hỏi này, cậu có nhớ hôm mình đi thi đấu không?
Tâm nhìn Miêu lạ lùng:
- Nhớ sao không? Làm như tớ mất trí không bằng!
- Nhớ từng chi tiết chứ?
- Chứ sao!
Miêu hối thúc:
- Thế thì cậu kể lại cho tớ nghe hôm ấy tớ thi đấu như thế nào đi!
Tâm thủng thỉnh:
- À, hôm ấy trời rất nắng và rất nóng vì có rất đông người đi thi. Hôm ấy tớ rất bình tĩnh, vì tớ rất thuộc bài. Tớ đã đi rất khá, vì từ đầu chí cuối không vấp váp tí nào. Lúc tớ kết thúc bài, ai cũng vỗ tay rất to. Tớ rất lấy làm phấn khởi. Cuối cùng, giải nhất thuộc về… cậu!
Miêu không thèm cười. Miêu nhăn mặt nhìn Tâm nói:
- Bây giờ tớ không thích đùa, tớ đang nói chuyện nghiêm chỉnh đấy!
Tâm thấy vẻ mặt đứng đắn của Miêu có vẻ hãi bèn nói ngay:
- Thật ra tớ cũng chỉ nhớ được vài chuyện thôi! Hay là cậu mang đống báo này về nhà “ngâm cứu” thêm đi! Đọc lại mấy tờ báo này có khi cậu nhớ ra đấy!
Ừ, Tâm nói cũng có lý. Chẳng biết nó sưu tầm ở đâu ra lắm báo chí thế? Toàn là những tờ có bài tường thuật về cuộc thi của bọn Miêu. Có cả hình chụp Miêu thật to, hình màu cẩn thận, chễm chệ ngay trang nhất. Miêu thích mê tấm hình ấy vì thấy mình sao đẹp thế. Thế là qua những lời kể của Tâm và mấy bài báo, Miêu “nhớ tổng hợp” được nhiều chi tiết.
Sư thầy Đại Tráng biết chuyện Miêu gắng tập đến nỗi suýt xỉu nên đã khuyên mọi người không nên quá căng thẳng. Dù sao cũng không nên tập quá sức và phải nghỉ ngơi đúng lúc. Việc gì thái quá cũng đều có hại.
Sau khi thuộc lòng các bài tập, các võ sinh phải diễn thử cho các thầy xem. Thật ra đó cũng là một cuộc thi không kém gay go. Ngoài lớp võ của chùa Đại Giác, còn có nhiều nhóm võ sinh ở các nơi khác đến. Thi xong, ai cũng hồi hộp chờ đợi kết quả. Các thầy hội ý với nhau cả ngày trời rồi quyết định sắp xếp lại. Thầy nói, Tâm có nét đánh hợp với đao thuật hơn là kiếm. Thường thường nét đao cương, mạnh và đơn giản trong khi nét kiếm cần sự uyển chuyển, mềm mại và khá lắt léo. Do đó, Tâm được bố trí để tập bài đơn đao. Một số bạn khác trong lớp cũng phải thay đổi bài tập thích hợp. Dĩ nhiên có nhiều người không đạt được kết quả gì.
Quả nhiên, Tâm đi bài đao rất thoải mái và tiến bộ nhanh chóng. Nét đao thẳng và trải rộng ra chứ không uốn éo như nét kiếm rất hợp với thể chất chắc nịch của Tâm. Thầy nói Tâm thích hợp với võ thuật ứng dụng hơn là võ thuật biểu diễn. Về sau này có nhiều sự việc chứng minh lời thầy nói thật không sai, nhưng Miêu hứa sẽ kể về Tâm trong một câu chuyện khác. Bởi vì nếu cứ dài dòng mãi như thế này thì Miêu sẽ lạc đề mất và câu chuyện của Miêu không biết đến bao giờ mới kết thúc được.
Điều Miêu không bao giờ ngờ tới là thầy khuyên Miêu nên tập bài song kiếm với anh Đỉnh. Thầy nói rõ nhận xét của thầy là Miêu với anh Đỉnh có những nét đánh khá tương đồng, nếu cả hai cùng kết hợp thì hiệu quả thành công cao hơn. Quả nhiên, khi chuyển sang tập với anh, Miêu thấy cả hai phối hợp nhịp nhàng và rất ăn ý. Những chi tiết khó trước kia thường gây khó khăn cho Miêu trở nên dễ dàng hơn nhiều vì anh Đỉnh giúp Miêu “lướt” qua rất khéo léo. Tóm lại, đúng như thầy nói, ưu điểm của người này đã bổ sung cho khuyết điểm của người kia.
Không những Miêu bất ngờ mà cả Tâm cũng vậy, cả hai đứa đều tiu nghỉu vì đột nhiên bị “chia rẽ”. Nhưng điều bất ngờ nhất là cả Miêu lẫn nó đều không nghĩ rằng có ngày Miêu và “kẻ đại thù” lại có lúc trở thành đồng đội, chiến đấu cho cùng một mục đích là quyết tâm mang chiến thắng về cho khu xóm nhỏ của mình. Và cũng từ khi chung tập với anh Đỉnh, Miêu bắt đầu thấy nghi ngờ chính mình, hay quả là Miêu đã lầm lẫn xét đoán “người ta” không đúng?
Càng có nhiều dịp gần nhau, Miêu càng thấy những lời Tâm nói về anh Đỉnh hình như không phải là “nói quá”. Anh ít nói, có phần nghiêm nghị nhưng không xa cách và nhất là hay quan tâm đến đồng đội.
Trong những giờ nghỉ giải lao, Miêu tranh thủ điều tra. Đúng là trước kia anh cũng từng ở chùa, nhà chùa nuôi. Sau đó, có người đến xin anh về. Đó chính là bà cụ đã dẫn anh đến chùa hôm rằm mà anh kêu là bà ngoại. Miêu hỏi câu nào, anh trả lời câu nấy. Ban đầu Miêu hơi mắc cỡ sợ người ta nghĩ mình là đứa nhiều chuyện. Nhưng chưa giải đáp được thắc mắc thì bực bội trong người lắm. Cho nên ngậm miệng im im được một tí thôi là Miêu lại tiếp tục.
Cuối cùng, các thầy chọn ra một đội tuyển để gửi đi tham dự đại hội.
Tin Miêu được chọn đi thi đấu lan ra, cả xóm xôn xao. Cô Châu chạy qua chạy lại hỏi thăm mẹ Miêu xem có cần cô giúp gì không, đã chuẩn bị đầy đủ cho Miêu chưa, quần áo, thuốc men, dầu gió, thuốc cảm, thuốc tiêu chảy… đã có chưa? Nhất là đồ ăn mang theo vì ăn uống là chuyện quan trọng. Khiếp quá, cô Châu làm Miêu có cảm tưởng mình sắp sửa lên tận Bắc cực cả năm. Nhỏ Đông cũng tíu tít bắt Miêu hứa nhất định phải chiến thắng. Nhỏ này nói lạ, đi thi thì ai mà chả muốn chiến thắng, không cần phải hứa. Anh Tú nói cứ làm như Miêu sắp sửa trở thành nhà vô địch không bằng. Anh Tuấn bảo cũng có thể, chớ có xem thường, con ranh này nó chuyên làm những chuyện khiến cho người ta bất ngờ.
Cả nhà chộn rộn, riêng ông ngoại cứ ngồi vuốt râu tủm tỉm cười hoài. Bà ngoại cùng với mẹ lo sắp xếp các thứ cho Miêu. Một sự kiện trọng đại đến thế kia mà. Tất nhiên, chỉ có hai mẹ con nhỏ Tuyền là không tin Miêu có thể làm được trò trống gì. Chỉ nghĩ thế thôi, Miêu lại thấy máu trong người như sôi lên.
Trước ngày đi thi, thầy Đại Tráng dặn dò các thí sinh đủ điều. Cách đây hai năm, vào kỳ thi trước, các thầy đã hủy bỏ không tham dự kỳ thi vì không tìm được người có khả năng đi hết bài Song nhi mỹ kiếm này. Ở các kỳ thi trước, đội của chùa Đại Giác Tự hầu như luôn đoạt được giải cao vì các bài dự thi đạt tính thẩm mỹ và sáng tạo hoàn hảo. Năm ấy, chỉ vì không tìm được một nữ võ sinh có khả năng tương đương để đánh đôi với nhau nên anh nam võ sinh cũng phải chuyển sang bài tập khác. Năm nay, các thầy rất hy vọng bài song kiếm này sẽ được giải.
Cả xóm định kéo nhau đi cùng bọn Miêu qua thành phố để ủng hộ nhưng thầy Đại Tráng bảo xe không đủ chỗ. Cô Hồng vẫn ngấm nguýt nói: “Tưng bừng ra đi rồi âm thầm trở về ấy mà!”.
Xe lăn bánh tiến về phía đường chân trời. Trước đây Miêu chưa bao giờ ra khỏi xóm Bình Bát của Miêu. Miêu chả bao giờ quan tâm thắc mắc bên kia đường chân trời có những gì. Miêu nghĩ ở đâu cũng thế thôi. Cũng nhà, cũng vườn, cũng cỏ cây hoa lá cành, cũng đất như thế, trời như thế. Tâm là người nơi khác đến mà nó cũng kể ở quê nó cũng giông giống như xóm này, cũng nhà gỗ thế này, hàng rào dâm bụt thế này, đường đất đỏ thế này, và cả trời, cũng xanh thế này thôi. Có gì khác đâu!
Thế mà khác thật! Xe càng rời xa xóm nhỏ, cây cối càng thưa thớt và nhà cửa đông dần, lên cao dần và cả bầu trời cũng thế. Trời cao lên dần, loãng dần ra, xa dần đi, mênh mông quá.
Xe xuống phà, phà từ từ rời bến, băng qua sông. Mặt sông phẳng lặng, những đám lục bình trôi dịu dàng. Trời cao toa? nắng xanh trong vắt. Không ai nói năng gì, có lẽ mọi người đang hồi hộp nghĩ đến cuộc thi.
Xe tiến vào thành phố. Thành phố lại càng ít cây xanh, nhà nào cũng cao vòi vọi, không nhà nào có vườn hoa lá bao quanh như nhà ở xóm. Các đội thi tập trung tại nhà nghỉ. Đông đúc thật, đông còn hơn sân chùa ngày rằm gấp mấy lần. Lần đầu tiên Miêu trông thấy những người không cùng chủng tộc với mình. Có người đen hơn Miêu, cũng có người trắng hơn. Ngộ ghê!
Vận động viên phải làm nhiều thủ tục trước khi vào cuộc đấu. Một trong những thủ tục đó là mỗi người phải đưa bàn tay vào một cái máy. Trên màn hình sẽ hiện ra xương bàn tay của người đó. Kết quả giám định xương phát hiện những ai ăn gian tuổi. Thì ra đó là cái máy phát hiện nói dối. Miêu cứ ngỡ chỉ trong cổ tích mới có chuyện viên ngọc thần đọc được tà ý của người khác. Một số người bị loại. Thật là đáng xấu hổ.
Mọi người được nghỉ ngơi một ngày, hôm sau mới chính thức vào trận. Buổi sáng, Miêu dậy thật sớm, đứng bên cửa sổ nhìn ra, con đường dẫn đến sân thi đấu phất phới bao nhiêu là cờ.
Tim Miêu dường như cũng phập phồng phất qua phất lại trong lồng ngực. Nỗi lo âu hồi hộp của Miêu bùng vỡ khi cả bọn bước vào nơi thi đấu. Sân thi đấu rộng mênh mông là thế mà mọi người vẫn phải chen chúc bước vào chỗ ngồi. Mỗi đoàn dự thi được dành riêng một khu khán đài, phía trước có cắm một lá cờ hiệu. Nghi thức khai mạc bắt đầu đúng giờ đã định. Sau đó, cả đội ổn định chỗ ngồi chờ đến lượt mình lên thi.
Đúng như lời thầy Đại Tráng nói, đây là một cuộc hội tụ các tinh hoa võ thuật. Hóa ra lớp võ của thầy Đại Tráng chính là một lò chuyên luyện gà cho đội tuyển. Chùa Đại Giác Tự cũng giống như chùa Thiếu Lâm Tự bên Trung Quốc hoặc học viện Kodokan bên Nhật đã phát hiện và đào tạo rất nhiều hạt giống tài năng cho các cuộc thi. Châu Á là cái nôi của võ thuật hay nói cách khác, tinh hoa võ thuật đều tập trung ở châu Á. Các môn phái võ thuật nổi danh đều xuất phát từ các nước châu Á. Cho nên dù cuộc thi này là cuộc thi dành cho các nước khu vực châu Á nhưng nó lại có ý nghĩa quan trọng hơn cả một cuộc thi tầm cỡ thế giới.
Không khí thật căng thẳng. Đấu trường yên lặng vì ai cũng chăm chú theo dõi những bài biểu diễn. Bài thi nào cũng có vẻ đẹp riêng và người biểu diễn tỏ ra cũng rất tài năng. Nhìn người ta biễu diễn, Miêu bỗng thấy nhụt chí. Miêu học võ chưa bao lâu, Miêu chưa thi đấu bao giờ, liệu Miêu có thể vượt qua được các đối thủ không? Nỗi lo càng lớn khi đội Triều Tiên cũng biểu diễn một bài song kiếm. Nhưng khác một điểm là do hai nam võ sinh song luyện. Nét kiếm đẹp nhưng hơi pha trộn nét đao, cứng quá, thế công nhiều hơn thế thủ. Thầy nói dân Triều Tiên nổi tiếng về sự cứng rắn gần như thô bạo.
Khi cả hai nhảy lên cao, tay đao giơ cao loang một vòng rộng, sau đó lộn một vòng trên không rồi rơi xuống, một người đứng theo tấn thôi song vọng nguyệt, mũi đao đưa thẳng ra phía trước, một người hạ thế đưa mũi đao chúc xuống. Cả hai tạo dáng kết thúc bài thật là đẹp. Tiếng vỗ tay rào rào rất to và rất lâu.
Miêu thất vọng nghĩ chưa chắc bài biểu diễn của Miêu có thể đẹp hơn người ta. Bất giác, Miêu chạm tay vào cái gói bùa nhỏ đeo trên ngực. Bên trong đó là năm sợi chỉ năm màu được mẹ tết thành bím và sư thầy đã tự tay đeo vào cổ Miêu. Cái bùa nhỏ ấy, Miêu chưa bao giờ cởi nó ra. Bỗng anh Đỉnh nắm lấy tay Miêu và thì thầm vào tai Miêu câu ca dao:
Miêu nhớ không?
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Miêu nhớ ngay đến lời giảng của sư thầy. Lần đầu đi thi đấu, thế nào cũng có lúc thấy dao động, nao núng nhưng đừng bao giờ để lòng tự ti mặc cảm làm hại mình. Mình tập luyện tốt, được hướng dẫn tốt, đó là cái nhân trong hình ảnh trứng rồng, nhân tốt đương nhiên quả tốt, thế nào cũng gặt hái thành công. Điều đó được cụ thể hoá bằng chuyện “nở ra rồng”. Cũng vậy, nhìn thấy cây thông cao vút xuyên thủng trời xanh, cành lá xum xuê rườm rà, có ai ngờ tiền thân của nó lại chỉ là một hạt thông bé nhỏ khiêm nhường…
Vâng, lời thầy giảng Miêu chẳng bao giờ quên.
Anh Đỉnh vẫn nắm lấy tay Miêu khi cả hai tiến ra thảm đấu. Thật kỳ lạ, Miêu trông thấy xung quanh mình toàn là hình ảnh của ông bà ngoại, bố mẹ, cả anh Tuấn, anh Tú, cô Châu, nhỏ Đông. Tất cả người thân. Ai cũng đang nhìn Miêu, vẫy tay cổ vũ Miêu. Ôi, bây giờ thì Miêu thấm thía sự khích lệ quan trọng biết nhường nào!
Khởi đầu là thế long kiến trình tường, cả hai bước ra bắt đầu nghi thức chào ban giám khảo, chào nhau và rút kiếm. Miêu đi như trong mơ, như không hề có nỗi lo âu nào vương vấn trong đầu, nhẹ nhõm như không. Không lo lắng, không suy nghĩ. Thậm chí không có cả tiếng tim đập. Chỉ có từng bước, từng thế hiện lên rõ ràng trước mắt Miêu. Y như Miêu đang nhìn vào bức sơ đồ. Bức sơ đồ hiển hiện ngay trên mặt thảm.
Bước sang trái là thám hải thức, tay phải đưa mũi kiếm đâm xuống, tay trái đỡ ngang đầu. Bước lùi lại sau là hồi thân trảm mã, lắc cổ tay kiếm chém ngang, tay trái gạt ngang. Bước sang phải là ngọc đới vi yêu, kiếm đâm eo lưng đối thủ… tưởng tượng, xoay mình chặt tay vào cổ đối phương.
…Miêu xoay người tựa lưng vào lưng anh Đỉnh. Song kiếm múa lên không ngừng theo thế tuyết hoa giã diện che kín cả hai. Cả hai phóng lên cao, nắm tay nhau lộn ba vòng trên không rồi hạ xuống. Anh Đỉnh xoải chân đứng tấn cung mã cho Miêu đáp trên vai anh theo thế kình thiên nhất trụ kết thúc bài.
Tiếng vỗ tay ào ạt như tiếng mưa giông. Miêu trở về chỗ ngồi trong vòng tay của đồng đội. Tự nhiên Miêu thấy mệt hoa cả mắt, dường như bao nhiêu năng lượng trong người đã cạn veo cả rồi. Hình ảnh sau cùng Miêu có thể nhớ là lá cờ màu đỏ tươi của đội Miêu đã bay lên. Bay rất cao. Lồng lộng bên trên tất cả những lá cờ khác.
Chuyến trở về của Miêu không hề âm thầm như cô Hồng tưởng. Miêu và anh Đỉnh đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi.
Hoá ra không phải Miêu tưởng tượng. Sau khi đội Miêu lên đường, mọi người đều cảm thấy nôn nao. Ai cũng cho rằng không thể ngồi yên ở nhà vào một dịp đặc biệt như thế này. Cho nên cả xóm quyết định đóng chặt cửa nhà, chất nhau lên một chuyến xe đi theo đội đến tận sân thi đấu để ủng hộ.
Không những chỉ có xóm nhỏ xôn xao mà cả thành phố đều tưng bừng. Khi tin chiến thắng loan ra, hầu như tất cả cư dân thành phố đều tuôn ra đường. Tay người nào cũng giơ cao lá cờ đỏ, miệng hét to: “Việt Nam chiến thắng! Việt Nam muôn năm!”. Sự mừng rỡ này khiến giao thông ùn tắc, kẹt xe khắp nơi, cứ tưởng bọn Miêu không thể nào ra bến phà về nhà được.
Trên chuyến trở về, Miêu và anh Đỉnh ngồi cạnh nhau. Miêu quyết định thu hết can đảm xoay qua hỏi:
- Em thắc mắc một chuyện …
- Chuyện gì?
- Em không hiểu tại sao hôm đó anh lại… đánh em ngã xuống?
Anh Đỉnh im lặng. Mãi sau anh mới nhìn thẳng vào Miêu nói:
- Anh không hề có ý định đánh ngã bé!
Miêu ngớ ra:
- Em không hiểu?
Anh Đỉnh ngập ngừng kể:
- Hôm ấy, cây mận nhà anh trái chín rụng đầy gốc. Anh đang định hái mận mang vào cho bà ngoại thì bị cái gì đập vào lưng. Anh quay lại, trông thấy một cô bé mặc toàn đồ trắng, ôm một bó hoa lan trắng, trông dễ thương quá! Anh cứ tưởng cô bé là một thiên thần bay ngang qua mặt anh. Cho nên anh muốn làm quen với bé. Nhưng thật tình… anh không biết phải bắt đầu cách nào? Cho nên, hôm sau khi gặp bé, anh vẫn chưa biết nói câu gì, anh chỉ định đưa tay ra cầm hộ bé bó hoa. Nhưng anh không hiểu tại sao bé lại nhào vô cắn anh như vậy? Anh đau và bất ngờ quá nên lỡ tay xô bé ngã xuống. Anh… sợ quá nên đã chạy đi kêu người đến cứu. Sau đó, anh không dám gặp lại bé nữa! Anh không ngờ lại có ngày hôm nay. Anh…tệ thật! Anh… xin lỗi!
Miêu lắp bắp:
- Đơn… đơn giản thế thôi à?
Anh Đỉnh gật đầu:
- Ừ, có vậy thôi!
Miêu sượng sùng ngồi cứng ngắc trên ghế, ước gì mình có thể chui ra cửa sổ và lặn ngay xuống nước. Lặn thật sâu xuống nước lạnh cho hai má bớt nóng ran lên. Người ta ăn trộm mận hồi nào? Người ta hành hung Miêu hồi nào? Cái gì xui Miêu nghĩ xấu người ta như thế nhỉ? Đến bao giờ Miêu mới hết cái tính bộp chộp, vội vàng đổ vấy tiếng xấu cho người ta? Trời ơi, Miêu xấu hổ muốn chết được! Miêu nghĩ đến vẻ mặt của thằng Tâm khi nghe Miêu kể lại sự tích cú ngã trụi lông mày của Miêu. Miêu hình dung thấy rất rõ cái miệng nó ngoác lên tận mang tai cười ha há không hề nể nang “thể diện” của Miêu chút nào. Không, Miêu tự hứa sẽ không bao giờ tiết lộ bí mật không có gì hay ho này. Nhưng chẳng biết liệu Miêu có giữ được không khi mà Miêu biết rõ thằng bạn mình rất hay tò mò hỏi han. Nếu Miêu càng tránh né không trả lời, nó càng đeo theo dai như đỉa đến khi Miêu buộc lòng phải khai ra mới thôi.
Miêu được tặng bao nhiêu là quà. Cô Châu làm sẵn cho Miêu một ổ bánh kem mứt trái cây to tướng. Nhỏ Đông tặng cho Miêu một con búp bê giấy thật đẹp. Đặc biệt là anh Tú đem ngay món quà quý báu của mình là cái hộp đựng một trăm trái cầu đủ màu tặng cho Miêu luôn làm Miêu cảm động quá. Miêu nghĩ, rốt cục thì anh Tú cũng dễ thương đấy chứ. (Mãi sau này Miêu mới khám phá ra rằng thật ra anh Tú đã chán chơi đá cầu từ lâu).
Mẹ thưởng cho chiến công của Miêu một… đôi guốc. Gì thì gì, dù có là nhà vô địch đi nữa, mẹ vẫn xem Miêu là đứa con gái bé bỏng của mẹ. Đã là con gái thì phải ra con gái, cho nên mẹ mua cho Miêu đôi guốc. Bởi vì theo mẹ, biểu hiện nữ tính hay ho nhất ở con gái chính là biết… đi guốc.
Ngày hôm sau, Miêu mang đôi guốc mới đi… học võ. Lần đầu tiên đi guốc, Miêu không quen lắm, bước chân rất ngượng ngùng. Vào sân chùa, Miêu trông thấy thằng bạn thân thiết của Miêu, nó toét miệng cười với Miêu. Miêu quên mất mình đang đi guốc phải đi đứng cho dịu dàng, chậm rãi. Miêu chạy về phía bạn, vấp phải mép miếng gạch tàu bị kênh lên. Miêu ngã chúi. Miêu lộn một vòng. Bọc bánh kẹo Miêu mang vào định chia cho bạn rơi vãi tung toé trên mặt đất. Chiếc guốc mới văng ra khỏi chân Miêu, bay lên theo hình cánh cung. Điểm dừng của nó có vẻ là chính giữa trán của một người rất hay gặp chuyện xui xẻo kể từ khi gặp Miêu. Người đó đang đứng bơ vơ thơ thẩn trong sân. Nhưng quả là không hổ danh con nhà vô địch. Người ấy nghiêng mặt tránh và đưa tay nắm gọn chiếc guốc. Chiếc guốc nằm gọn lỏn trong tay người ấy.
Thằng Tâm há hốc mồm ra đứng nhìn đường bay của chiếc guốc. Giờ thì nó có thể tin rằng Miêu không hề cố ý trả thù ai cả. Và ngay lúc ấy, Miêu cũng nhận ra rằng, cho dù có là nhà vô địch nhào lộn đi nữa thì cũng có lúc bị vấp ngã bởi một…cục gạch.
Xong rồi, bây giờ thì Miêu ngừng bút thật sự đây. Miêu chào các bạn nhé! Ông ngoại đang chờ ngoài kia để đắp thuốc cho ngón chân bị vấp của Miêu đang sưng lên bầm tím…
...Nhưng thật ra, vẫn chưa hết. Như Miêu đã nói lúc đầu, mọi chuyện đến với Miêu thật đột ngột, thật bất ngờ. Các bạn thử tưởng tượng xem, tự nhiên đang là một con bé rất bình thường ở một xóm nhỏ ngoại thành với cuộc sống rất bình dị (không phải bình thường một cách …kỳ dị như anh Tú nói đâu nghe), sáng thích ngủ nướng, tối lười đánh răng, uống nước thích tu một hơi cạn chai, ăn chè thích cắn một góc bịch rồi …mút chứ không thích bỏ vô chén hoặc là thích rủ thằng bạn thân đi hút…ốc len xào dừa. Nhưng sau khi trở thành nhà vô địch, mọi chuyện hình không còn như cũ nữa. Có gì đó kỳ kỳ khang khác mà Miêu không sao hiểu được.
Lẽ ra Miêu không viết ra làm gì nhưng không nói ra thì trong lòng vô cùng thắc mắc...
Hôm trở về từ sân thi đấu, Miêu trông thấy thằng bạn thân cứ xoắn lấy nhỏ Đông mà ba hoa chích choè. Chắc là đang ba hoa về chuyện thi đấu. Tuy nhỏ Đông là nhỏ bạn rất tốt, rất dễ thương của Miêu, tuy Miêu biết rằng bên cạnh Miêu có nhiều người thân vây quanh nên có khi thằng bạn vô tình bị đẩy ra ngoài. Nhưng sao khi thấy thằng bạn chí cốt lỉnh đi chỗ khác, cười cợt bốc phét với người khác, Miêu vẫn thấy buồn buồn và tủi thân.
Tại sao Miêu lại thấy buồn buồn? Tại sao Miêu tủi thân quá thế? Tại sao vậy?
...Đó là tình cờ trong đống báo của Tâm rơi ra một tấm hình chụp Miêu và anh Đỉnh. Dĩ nhiên tấm hình cắt ra từ một tờ báo nào đấy. Khuôn mặt anh Đỉnh bị vẽ chồng lên một cái đầu tròn và …trọc. Thế là thế nào? Miêu cứ suy nghĩ mãi. Tâm vô tình hay cố ý để Miêu trông thấy tấm hình ấy? Tại sao Tâm vẽ hình mình chồng lên hình của “người ta”?Tâm muốn mình là người chiến thắng hay đơn giản là Tâm chỉ muốn …chỉ muốn ở bên cạnh Miêu?
Quả thật sau khi đoạt huy chương, rất nhiều người đến tìm Miêu để chụp hình đăng báo. Dĩ nhiên rất nhiều lần chụp chung với anh Đỉnh. Miêu hay rủ Tâm đi theo chơi. Rất nhiều khi, chụp hình xong, Miêu không tìm thấy Tâm đâu cả. Tâm lặng lẽ biến mất.
Tâm ơi, Tâm sao thế? Miêu có làm gì cho Tâm buồn không? Miêu thấy Tâm khang khác đấy. Có gì đang thay đổi trong Tâm vậy? Hãy nói cho Miêu biết với nhé!

Hết


Xem Tiếp: ----