TRẢ THÙ

    
hong liếc mắt vội qua trang nhất của tờ báo. Những chữ lớn in đậm nói về thời cuộc. Hôm nay tình hình thế giới cũng chỉ lục đục bình thường như hôm qua hôm kia. Ba ông hoàng thân nước Lào đánh một ván cờ quá kéo dài khiến những kẻ tò mò đã chán, bỏ cuộc dần dần. Đến nay thì những địa danh Nam Tha, Vạn Tượng, Sanh van na khet, Mương Phin…. Lẫn lộn tất cả, người bàng quan không còn nhớ rõ địa điểm nào thuộc về phe nào nữa. Những cảnh giết chóc đốt phá, những tiếng khóc đau thương trong khói lửa chỉ còn hiện ra mờ nhạt dưới hình dáng lãnh đạm của những chữ in quá quen thuộc. Ở những địa điểm khác nơi mà tình hình chưa ngã ngũ rõ ràng thì nhà báo có một số dụng ngữ lập lại: Tổng trưởng X tỏ ý tin tưởng rằng… Theo giới thạo tin thì… Người ta ước đoán.. Có lẽ.. Nhìn về phía tình hình trong nước thì chỉ một đôi vụ lường gạt nhỏ, một vài cái chết quá mức tầm thường (chẳng hạn bị tình phụ mà chỉ nhảy xuống sông tự tử rồi chết luôn). Những sự việc nhỏ xảy ra trong xã hội như được xếp đặt theo từng mùa. Một vụ tạt át xít lớn bao giờ cũng được nối tiếp nhau bằng một số những vụ tạt át xít nhỏ. Rồi như nhàm với trò chơi này, một loạt những thanh niên mê tốc độ rủ nhau lần lượt gây tai nạn trên xa lộ mới, cung cấp cho báo chí một số những tĩnh tự ghép: khủng khiếp, rùng rợn, chưa từng thấy, quá sức tưởng tượng… Rồi sau đó mọi người nghỉ ngơi và báo chí cũng dường như nghỉ ngơi theo.
Vừa đưa mắt tìm những cái đề, Phong vừa kết luận một cách thất vọng: “Chẳng có gì quan trọng”.
Thật vô lý hết sức nhưng cũng như mọi độc giả khác cả bình dân lẫn trí thức, chàng thấy rằng tờ báo không xứng với giá tiền mua nó khi nó không nói đến những tin tức kinh khủng. Chẳng hạn: Cuộc đảo chính xảy ra ở nước A, xác nhà vua bị phơi giữa chợ… Động đất ở thành phố B nhà sập vùi nửa triệu người… Trong bữa tiệc linh đình của nhà triệu phú C, tất cả quan khách điều bị ngộ độc chết cả… Hoa hậu thế giới D bị tên tướng cướp... vân vân. Không biết có phải bản chất con người thường thấy mình sung sướng hơn lên khi những người xung quanh họ gặp tai ương thất bại không? Có lẽ như thế thật chăng?
Phong vừa lặng lẽ lý luận vừa lật sang trang sau. Đó là trang quảng cáo những cuộc vui, những tuồng hát, tuồng chiếu bóng. Chàng tò mò đọc qua một lượt tên các rạp, tên các tuồng, và tên những tài tử chính. Sự tò mò của chàng giống y như sự tò mò của kẻ đi xem đám cưới, xem người ta ăn tiệc, xem người ta nhảy đầm. Lý do là chàng không ở Sài Gòn mà ở tỉnh nhỏ.
Chàng lật sang trang ruột. Những truyện ngắn, truyện dài, truyện ly kỳ, truyện tò mò, sân khấu kịch trường, vườn thơ, mách luật… không phải là món ăn của kẻ vội vàng. Chàng nhìn xuống mục “Tử Vi”. Bỏ đi những hình con chuột, con trâu, con cọp, con mèo… in lòe nhòe, mắt chàng đậu lại ở ô con chó. Nhà khoa học huyền bí dạy rằng:
“Có tin hay ở xa đến. Tuổi 31 gặp bạn tâm tình. Buổi chiều có hoạnh tài”
Cái điệp khúc “Có tin hay ở xa… Gặp bạn tâm tình… Có hoạnh tài…” chàng đã nghe nhiều lần, hôm nay tự nhiên làm chàng nhíu mày khó chịu. Thường mấy ngày trước những lời tiên tri đều đến làm cho chàng vui, cái vui giễu cợt. Đạo nhân bảo đừng nên ra vốn, bất lợi. Thì chàng có vốn bao giờ đâu mà ra? Đạo nhân bảo “Gặp hoạnh tài”. Hoạnh tài đâu mà gặp? Đã mấy tháng nay chàng không mua vé xổ số nữa. Trước đây, kỳ nào cũng mua ít nhất hai vé. Không phải vì mong ở hoạnh tài nhưng mà vì cô bán vé số có đôi mắt đẹp. Cái thú của người độc thân là mua bán không tính toán. Ngày còn ở Huế, chỉ vì cô bán hàng tạp hóa đẹp mà hộc bàn nhà chàng đầy những viên xà bông thơm. Đứng nói chuyện vẩn vơ gì một lát rồi khi bước ra phải mua một vật gì cầm tay. Chỉ có xà bông thơm là tiện mua nhất. Ngày đổi về Phan Rang thì vì cô thu ngân ở hiệu thuốc tây mà nhà chàng đầy những hộp Kalmine, vì cô hàng sách Thanh Đạm mà phong bì thư gửi hoài không hết. Thật cũng dễ tìm biết tâm hồn của một anh chàng độc thân. Cứ nhìn trong phòng thấy món gì dư một cách khả nghi thì cứ truy nguyên ra là tìm được manh mối. Nhưng từ khi cô hàng bán vé số lấy chồng thì chàng thôi không còn mua vé số nữa. Chàng không có số được hoạnh tài. Mua bao nhiêu vé mà chưa lần nào trúng được một trăm bạc. Thậm chí có vé chàng thử đem dò đến 10 lần xổ mà tuyệt nhiên không lần nào trúng nổi 2 con số sau cùng. Vậy thì chỉ còn có mục “Tâm tình” là hơi có thú vị. Ba mươi mốt tuổi rồi mà chưa có vợ thì lẽ tất nhiên là mục tâm tình phải rất có thú vị. Nhưng đã rất nhiều ần rồi những tâm tình đạo nhân bảo gặp mà vẫn không gặp, tin hay bảo đến mà nào thấy đến.
Phong vất tờ báo xuống giường, hơi bực bội như mình vừa bị ai đùa dai.
Suốt cả buổi ngồi làm việc, chàng tưởng đã quên đi những điều nghĩ ban sáng. Nhưng không. Cứ mỗi lần ngơi công việc một chút, mỗi lần ngồi lắng lại lòng mình một chút là chàng cảm thấy có cái gì khang khác, có cái gì vương vấn trong tâm hồn. Suy nghĩ một tí, chàng nhớ ra ngay mấy điều tiên tri ở mục Tử vi. Và chàng lại nhẩn nha nghĩ đến nó. “Tuổi 31 gặp bạn tâm tình…” chàng thấy lòng gợn một niềm vui nhẹ. Bạn tâm tình? Đó là cô Khánh ở nhà đối diện vẫn mỉm cười kín đáo mỗi lần chàng bất chợt nhìn sang gặp cô đang cầm thau nước tưới hoa? Đó là cô Duyên mà chàng nhất định phải gặp đi xe đạp ngược chiều với chàng vào lúc 7 giờ 15 ở ngang ngã tư Lê Thánh Tôn - Phước Hải? Không, chắc không phải đâu. Đó là những người đã quen quá, quen đến cái độ mình không nghĩ rằng có mặt. Không, có lẽ phải là… là… là… là ai? Tìm mãi không thấy ai có thể là bạn tâm tình, Phong chợt buồn cho cuộc đời cô đơn của mình. Gặp phải trở ngại, óc chàng dừng lại một chút rồi nhẹ lướt qua mục “buổi chiều gặp hoạnh tài” như sẵn theo một cái trớn nhỏ. Nhưng hoạnh tài ở đâu mà gặp? Mình không mua vé số nữa. Mình không hi vọng gặp được của rơi vì mình không bao giờ đi bộ. Thấy mình sắp trở lại những ý nghĩ, những lý luận hồi sáng, chàng dẹp bỏ không nghĩ đến nữa, cúi nhìn xuống bàn. Đặt lên trang giấy trắng, tay chàng vẫn còn cầm bút và đầu ngòi bút cách xa nét chữ vừa viết đúng khoảng cách của một chữ. Chàng viết tiếp dòng chữ viết dở dang.
Chín giờ rưỡi tối, trái với thường lệ Phong lên xe đi phố. Đã hơn ba ngày nay, chàng không đi phố nên có nhiều món cần dùng mà không tiện đi mua chàng đã phải tạm nhịn: cà phê, xà phòng cạo râu, đôi bít tất mới, tờ Paris Mach tuần này.
Tiếng máy xe nổ nhè nhẹ, dòn dòn. Ánh đèn xe lóa xuống đường. Đi cùng chiều và ngược chiều với chàng, những chiếc xe đạp cũng rè rè tiếng nút bình điện xe quay. Tiếng rè rè vui vẻ, ánh sáng lóe ra và chạy vút tới, xuyên sâu vào bóng đêm khiến chàng nghĩ đến một đám côn trùng lượn đùa nhau trên một mặt ao đêm mùa hạ. Ban ngày xe cộ để lộ tính chất lạnh lùng của sắt thép, của máy móc, của khoa học cạnh tranh và tàn bạo. Ban đêm, nhất là ở những quãng đường vắng như đường Yersin này mà ánh điện đường bị bóng cây che khuất, những chiếc xe lướt qua không thấy hình dáng mà chỉ thấy ánh đèn vui vẻ và dịu dàng.
Chàng bỏ con đường vắng, rẽ sang đường Độc Lập. Ánh đèn nê-ông sáng trắng làm nổi những tà áo tươi và tăng vẻ tàn tạ cho những màu áo bẩn, sắc da và khuôn mặt cũ kỹ. Chàng nhìn sang hai bên đường. Những hiệu sách, hiệu máy hát, đồng hồ sáng hơn và tươi hơn cả bên cạnh những hiệu bán đồ sắt, bán gạo sầm uất, những hiệu chạp phô tù mù. Từng chặng có những hiệu cửa sắt kéo kín, khung cửa sẫm lại. Chàng dừng xe ở một hiệu sách. Không phải là vì hiệu sách quen mà chỉ vì tiện đường lề xe đậu. Những bản nhạc trình bày đủ màu treo giăng khắp chiếc phòng hẹp. Sách xếp ở ba dãy tủ kính kê sát mặt tường. Những tạp chí khổ lớn nằm trên dãy bàn giữa nhà. Chàng nhìn một lượt mấy tủ sách, đọc lướt qua tên các sách giáo khoa để cảm thấy thấm thía nỗi sung sướng của người lớn đã thoát khỏi cái nợ phải bận bịu trên trang sách học. Chàng bước lại dãy bàn. Những tạp chí ngoại quốc ấn loát mỹ thuật xếp cạnh những quyển tiểu thuyết bìa mang nhiều hình vẽ quái đản. Sau một hồi xem xét, chàng nhón lấy hai tạp chí thường kỳ chàng vẫn đọc, bước lại quầy hàng. Một người đàn ông ngồi thu ngân.
Phong ngạc nhiên, hơi khó chịu một chút khi nhìn đôi vai vạm vỡ, một cái sơ mi để hở cổ và một khuôn mặt dèn dẹt. Thường ngồi nơi đây là một người đàn bà trẻ tóc uốn cao vẻ mặt hao hao như một cô đào chiếu bóng nào đó mà chàng không nhớ tên. Mỗi lần lại trả tiền chàng thấy vui vui. Quả tình một cô thu ngân đẹp an ủi được đôi phần nỗi xót xa của người sắp mất tiền. Nhất là những khi vào hiệu thuốc Tây giá tiền thuốc có lúc cao gấp ba, gấp bốn giá tiền dự đoán. Vừa lo lắng cho sức khỏe vừa đau xót cho túi tiền không biết sẽ còn hao bao nhiêu nữa, vậy mà gặp một cô thu ngân xấu xí hay thô lỗ thì thật dễ bực mình. Người đàn ông này chắc là chủ hiệu, là chồng của người đàn bà đẹp vắng mặt. Anh ta chậm chạp cầm lấy hai tạp chí của chàng đưa, lật sau lưng nhìn giá tiền, rút tờ giấy bọc màu xanh lặng lẽ bọc lại, lấy một vòng cao su vòng quanh. Tiếp theo đó anh lấy bút chì “nguyên tử” làm con tính cộng. Sự chậm chạp làm tia mắt Phong nhìn anh ta nghiêm khắc lại. Tuy không nhìn xuống bài tín của anh ta làm nhưng chàng không quên làm con tính cộng trong óc: 38 đồng. Chàng đưa tờ giấy trăm. Anh hàng sách cầm lấy, bỏ cẩn thận vào một hộp đựng toàn giấy trăm rồi anh lấy tiền trả lại. Anh lấy một tờ giấy 50 đồng ở hộp đựng toàn giấy 50, lấy 2 đồng lẻ ở hộp tiền lẻ. Sang hộp giấy 10 đồng, Phong thấy anh lục lọi mãi một hồi. Không biết ý anh định tìm gì trong khi hộp đầy ắp những tờ giấy 10 đồng màu nhạt. Lục lọi một lát, anh chàng lấy ra hai tờ giấy 10 đồng đen đỉu nhầu nát chập với tờ 50 và hai tờ một, đưa cho Phong. Chàng giơ tay cầm lấy, đứng tần ngần. Chàng vò tiền nắm trong tay không đếm nhưng biết chắc là 72 đồng. Sao lại đến 72 đồng? 62 đồng mới phải chớ? Trong óc chàng vụt chạy nhanh như một luồng điện, ý nghĩ “Hoạnh tài”. Chàng đưa mắt nhìn sang anh hàng sách. Khuôn mặt vuông và cái hàm hơi bạnh ra. Miệng rộng, môi dưới mỏng, dài hơn môi trên nên uốn cong lại. Cái môi này chàng đã gặp ở đâu một lần rồi, cái môi này đã làm chàng khó chịu ở một nơi nào rồi. Chàng cầm tiền đứng dịch lại dãy bàn bày báo hàng ngày vờ nhìn xuống đọc nhưng trí óc đuổi bắt hình bóng của cái môi cong. Cái môi… Khuôn mặt mai mái… Cái hàm bạnh… Cái môi… Chàng đẩy lui khuôn mặt ấy lần về dĩ vãng. Hôm qua? Tuần trước? Tháng trước? Chàng soát lại ký ức, tìm xem cái môi ấy của ai, chàng gặp nơi nào. Tháng trước? Tháng trước?
Chàng vụt nhớ ra rồi. Một khuôn mặt hiện ra, rõ ràng. Đúng là môi cong đó. Cũng cái hàm bạnh. Hai con mắt giảo hoạt. Một mái tóc mềm nằm an phận, vâng lời. Khuôn mặt này làm chàng khó chịu. Chàng đẩy lui ký ức vào xa hơn trong dĩ vãng để thay khuôn mặt kia bằng một khuôn mặt khác. Một mái tóc uốn cong. Đôi má trắng hồng bầu bĩnh. Đôi môi nhỏ thoa son nhạt. Tà áo phất phơ và gót chân uyển chuyển. Mùi nước hoa Tabou. Tâm hồn chàng dừng lại mơn trớn cái hình ảnh đẹp kia, đồng thời cái khung cảnh gặp gỡ cũng như trải rộng ra trước mắt chàng. Đó là khung cảnh của thành phố Quảng Ngãi.
Chừng một tháng trước đây chàng nhận được giấy đi chấm thi ở Quảng Ngãi. Địa điểm này làm chàng thất vọng. Sao không đi Huế hay Đà Lạt mà lại về cái tỉnh nhỏ này? Đi bằng xe lửa thì đoạn đường có nhiều trở ngại mà đi bằng máy bay thì Quảng Ngãi không có phi trường. Hội đồng giám thị ở Trung tâm Quảng Ngãi do đó mà nhận được không biết bao nhiêu những đơn xin vắng mặt kèm theo giấy chứng của Bác sĩ. Thành phố Quảng Ngãi bé quá chỉ có hai con đường buôn bán. Cứ cách chừng năm mươi thước là có một nhà sản xuất kẹo gương mạch nha, đường phổi. Đó là ba món hàng thổ sản. Đặc điểm những thành phố nhỏ là có những sản phẩm đặc biệt của địa phương. Đô thị lớn thường không có bản sắc đặc biệt về mặt sản xuất, ở đây cũng là nhà máy sợi, nhà máy cửa, nhà máy sản xuất dụng cụ. Quảng Ngãi chỉ có một rạp hát nhỏ mà cũng không đủ người xem. Người đi phố mua sắm, mặc cả, chọn lựa một cách cần mẫn chí thú. Thiếu hẳn những người thừa lương đi tản bộ.
Sáng hôm thi Phong nhìn lên hai tấm bảng đen ghi tên các vị giám thị. Có từng mươi tên cô giáo mang nhiều tên hoa, tên chim mỹ miều. Khi người thư ký Hội đồng cầm phấn lại bảng ghi tên phòng trước mặt mỗi tên giám thị, chàng đọc được sự hồi hộp lý thú ở những người ngồi cạnh mình. Sự tò mò của các cô giáo biểu lộ dễ thấy hơn vì họ đứng cạnh nhau nên vừa chỉ chỏ vừa thảo luận nho nhỏ. Các giám thị đàn ông tỏ vẻ lãnh đạm hơn, nhưng đó là một vẻ lãnh đạm cố tạo ra. Vì có một trò rủi may đang diễn ra trên bảng đen kia. Mình sẽ giám thị với ai sáng nay? Chiều nay? Mình sẽ giám thị phòng nào sáng nay? Chiều nay? Từ phòng 1 đến phòng 7 là phòng nữ sinh. Giám thị giờ thi Toán, thi Lý hóa mà được nhằm vào phòng nữ sinh thì đỡ nhọc vì nữ sinh không bạo dạn như nam sinh. Giám thị với một cô giáo bao giờ cũng vẫn thú hơn. Chàng không có ẩn ý gì hết. Người đàn bà đẹp như một bông hoa, ở gần họ như được ngồi trước một bông hoa đẹp, thế thôi. Nhưng sáng hôm đó, cùng nhận phòng 15 với mình là một cái tên đàn ông. Phong lại ôm xấp giấy thi đi thẳng đến phòng mình. Chàng không lưu tâm xem người đàn ông cùng đến với mình là ai. Người đàn ông nào cũng giống nhau. Để bù lại buổi sáng, buổi chiều chàng giám thị với một cô. Cái tên đẹp và vẻ người thua cái tên một chút. Cô làm đầy đủ, nghiêm trang những công việc mà chàng giao cho: phát giấy thi, phát giấy nháp, so phiếu thí sinh và thẻ căn cước để nhận diện. Cô rầy những thí sinh nói chuyện, thu gọn những tờ giấy nháp thí sinh cố ý bày bừa bãi để người bên cạnh liếc xem, kéo về vị trí cũ những thí sinh ngồi sát vào nhau để hỏi bài. Đúng là một cô giáo quen nghề và đã có chồng con. Sáng hôm chàng lại giám thị với một cô. Lần này là một cô giáo quá trẻ, đôi má trắng hồng bầu bĩnh. Chừng như nàng mới ra trường một hay hai năm. Đôi môi nhỏ thoa son nhạt. Mái tóc uốn cao, cắt ngắn hợp thời trang. Tự nhiên chàng nghĩ rằng cô giáo không sung sướng ở cái tỉnh nhỏ này. Nhìn sang tên cô viết và ký ở tờ bìa đựng bài thi chàng đọc: “Lê Thị Hoàng Yến”. Chàng hỏi:
- Cô Hoàng Yến dạy ở trường gần đây?
- Vâng ạ. Em dạy ở trường Nữ tiểu học.
Không phải là giọng Huế như chàng thường gặp ở các cô giáo miền Trung mà là giọng Bắc.
- Cô ra trường đã lâu chưa?
- Dạ, em dạy được ba năm.
Vài thí sinh lợi dụng tình thế bắt đầu rì rào trao đổi ý kiến khiến chàng phải đi xuống góc phòng. Viên giám thị hành lang đi đi lại lại.
- Thành phố Quảng Ngãi nhỏ quá và tẻ quá chắc không phù hợp với tuổi trẻ của cô.
Chàng nói nhưng vẫn đưa mắt nhìn xuống lớp.
- Vâng ạ. Quảng Ngãi buồn lắm nên ba em đã xin đổi về Sài Gòn. Nhưng còn phải đợi bán nhà đã.
- Nhà to lắm?
- Dạ, không to lắm. Trước đây có người trả mười hai vạn. Nhưng nay vì tình hình mà họ trả sụt đi.
Vài ngón tay giơ lên xin thêm giấy thi, nàng cầm giấy đem xuống phát cho họ. Phong nhìn đôi vai tròn, hàng orlon mỏng màu hoa bèo uốn theo thân hình. Gót chân đi thoăn thoắt nhanh nhẹn. Khi nàng trở lại bàn, chàng giao cho việc lập bản danh sách những thí sinh nộp bài. Chàng nói:
- Khi thí sinh nộp bài, cô nhớ xem bài thi có ghi số ký danh không. Nhận bài xong cô bắt họ ký và cô mới giao trả thẻ thí sinh cho họ. Coi chừng kẻo họ chưa nộp bài mà đã ra khỏi phòng. Mất bài là nguy lắm. Cô sẽ được đổi đi, không phải về Sài Gòn như ba cô xin mà về Kontum hay Pleiku đó.
Nàng mỉm cười:
- Ông cũng vậy.
- Đâu có được “cũng vậy”? Khổ nhất là tôi sẽ phải đi Côn Sơn hay Quảng Đức.
Một vài thí sinh lác đác nộp bài. Khi tiếng trống báo hiệu mãn giờ thi cả hai túi bụi vừa thu bài vừa bắt ký vừa tìm thẻ thí sinh để trả lại vừa trông chừng ra cửa kẻo có thí sinh bỏ phòng ra đi. Khi công việc đã yên ổn, khi tất cả thí sinh đã ra khỏi phòng rồi, khi kiểm lại số bài thi thấy đủ, chàng bảo:
- Thế là trót lọt buổi sáng nay. Cô có thể thở ra được rồi.
Trong khi xếp lại bài thi theo thứ tự chàng hỏi:
- Cô dạy lớp Nhất phải không?
- Thưa ông không. Em dạy lớp Ba.
- Sao ít vậy?
- Em có con nhỏ, bà hiệu trưởng cho dạy lớp nhỏ để đỡ nhọc.
Phong quay lại nhìn nàng. Có con nhỏ? Đã có chồng rồi sao? Có chồng? Loáng trong một giây, từ một hình ảnh thiếu nữ mỹ miều, chàng thấy nàng chợt biến thành một thiếu phụ cam chịu.
- Chồng cô làm gì?
- Chồng em buôn bán
- Người Bắc?
- Thưa không. Anh ấy người Huế.
- Sao cô không lấy chồng người Bắc cho gần gũi?
- Thưa ông, khi đã yêu nhau thì…
Phong không muốn nghe tiếng “yêu nhau” thoát từ đôi môi kia. Giá nàng nói “bị bắt buộc phải…” thì chàng sẽ thấy dễ chịu trong lòng hơn. Để giữ vẻ thản nhiên, chàng thấy cần phải nói đùa một câu:
- Ở thành phố nhỏ người ta mau lấy chồng. Vì không có một món tiêu khiển nào có thể bận rộn tâm trí họ được. Ở thành phố nhỏ gia đình nào cũng đông con. Người ta không dùng thì giờ để la cà ở rạp hát, ở phòng trà mà họ chỉ biết tìm thú vui trong gia đình. Có lẽ đây là một định lý: “Khi đóng cửa một giải trí trường thì người ta sẽ mở thêm được một nhà hộ sinh”.
Hoàng Yến mỉm cười:
- Đó là khẩu hiệu hiện nay. Nhưng ở đây cũng còn bao nhiêu cô giáo chưa chồng.
- Chắc vì họ không đẹp bằng cô.
- Không chắc.
- Nhưng có điều này chắc: là những cô giáo chưa chồng bị hai sự thiệt thòi. Chưa chồng là sự thiệt thứ nhất và là thiệt thòi quan trọng. Thứ hai là phải dạy những lớp Nhất nhọc nhằn… Xin lỗi, chồng cô buôn bán gì?
- Nhà em mở tiệm dự trữ thuốc Âu Mỹ.
- Ở đường Phan Bội Châu?
- Thưa ông không. Ở đường Lê Trung Định
Chiều hôm sau khi các môn thi nhiệm ý: vẽ, nữ công, âm nhạc đã thi xong, có cuộc họp kiểm thảo của Hội đồng giám thị. Trên đường đi đến hội nghị chàng gặp Hoàng Yến cùng đi với một người đàn ông. Gặp nhau quá bất ngờ, chạm sát mặt nhau ở một lề đường hẹp, cả hai bên phải đứng dừng lại để chực tránh nhau. Hoàng Yến lúng túng chào chàng và phải giới thiệu người đàn ông đi với mình:
- Xin giới thiệu với ông: nhà tôi
Rồi quay sang chồng:
- Ông Phong giám thị cùng trung tâm với em.
Chàng giơ tay bắt và nhìn kỹ vào mặt người chồng khó chịu vừa thích thú vì anh không xứng với vẻ đẹp của người vợ. Một mái tóc mềm nằm rẽ hai, tuân theo một đường rẽ quá thẳng. Đôi con mắt ranh mãnh đi với cái hàm bạnh, nhiều mưu cơ và có thể tàn bạo. Cái miệng rộng. Môi dưới mỏng và dài hơn môi trên khiến có đoạn phải cong lại mới đủ chỗ. Chàng đưa mắt nhìn sang Hoàng Yến. Vẫn đôi má hồng phúng phính ngây thơ. Chàng có cảm tưởng hơi đau xót như khi nhìn một con cừu non bị vuốt sắt của một con ó hung tợn đe dọa. “Khi yêu nhau thì…”, chàng nhớ lại lời nàng. Sao con cừu kia lại yêu con ó kia được nhỉ? Họ có một đứa con. Lát nữa hai người sẽ cùng nhau châu đầu trên cái nôi hay cùng chuyền tay cho nhau đứa bé mũm mĩm.
Phong thấy bực mình vẩn vơ. Suốt buổi hội nghị chàng chỉ im lặng không nói. Lúc ở nhà ra đi chàng đã chuẩn bị những ý kiến để phê bình cách tổ chức phòng thi, công việc giám thị, công việc chủ khảo… nhưng bây giờ tự nhiên chàng thấy chán không thích nói nữa. Sáng hôm sau, khi xách vali lên tàu vào Qui Nhơn, chàng giã từ không luyến tiếc cái ám ảnh không vui kia.
Hôm nay bất ngờ chàng gặp lại cái môi mỏng dài và cong vêu. Đôi mắt ranh mãnh. Mái tóc dẹt. Sự bực mình kéo nhanh đến làm chàng cơ hồ nghẹt thở. Chàng thấy khó chịu một lần thứ hai về cái khuôn mặt sung sướng không xứng đáng đó. Anh chàng này lại cũng có một người vợ đẹp và thùy mị. Vô lý. Anh chàng này lại bủn xỉn và thất lễ với mình. Chàng nhớ lại lúc nãy anh ta đã lục lọi mãi tìm cho ra 2 tờ giấy bạc bẩn để đưa cho mình. Trên mặt hộp tiền, kìa những tờ giấy mười đồng sạch sẽ, màu trắng và màu hồng minh bạch, bạc mới giấy láng dày cộm nằm xếp chồng chất thế kia. Sao anh ta thô bỉ một cách trắng trợn vậy? Sao anh ta dám coi thường mình, dám ngang nhiên chọn giấy bạc bẩn dành cho mình, chọn trước mũi mình? Anh ta đáng bị mắng. Mất 10 đồng còn quá nhẹ đối với tội vô lễ. Nhân quả cũng rõ ràng ra đó. Đầu óc bủn xỉn suy tính về những tờ giấy bạc mới cũ mà hóa ra tính lẫn tính lộn, cái lợi không thấy đâu mà cái lỗ đã rõ ràng. Nhưng dù nghĩ vậy, chàng cũng mong rằng anh ta chợt tỉnh lại để thấy rằng mình tính lầm 10 đồng và anh ta đến xin lại. Chàng sẽ rất tự nhiên mở nắm tay ra bỏ đống bạc lên bàn cho anh ta tự đếm lấy. Không đếm tiền thối lại là một cử chỉ lịch sự, vậy tiền thối dư hay thiếu không thuộc trách nhiệm của chàng. Nhưng đưa mắt tìm anh hàng sách thì thấy anh đã rời bỏ quầy hàng đi sang đứng cạnh hai thiếu nữ vừa đến. Hai màu áo hồng và hai khuôn mặt xinh xắn. Cạnh đó, cái môi dưới của anh ta cong lại một cách kệch cỡm. Hai con mắt láu lỉnh rình rập. Tất cả khuôn mặt như bị căng ra, đẩy vươn tới, chuẩn bị để vồ vào câu chuyện của hai cô kia.
Tất cả đều bất lợi cho anh ta. Phong chầm chậm bước ra cửa. Mười đồng cầm dư trong tay như gào lên “Trả lại cho anh ta đi. Của phi nghĩa. Danh dự…”. Chàng phải đứng dừng lại trước một tấm quảng cáo lớn rao tên một tờ nguyệt san sắp ra đời. Vừa lơ đãng đọc những chủ trương nghệ thuật, mục đích xã hội của tờ báo, chàng vừa tự nhủ:
- Hay đem tiền vào trả cho anh ta! Nhưng mà… Trễ quá. Chẳng lẽ bây giờ.. Đáng lẽ lúc nãy…
Trong khi suy nghĩ, óc chàng nhớ cẩn thận đến câu tiên tri đọc hồi sáng “buổi chiều có hoạnh tài”. Chàng suýt kêu lên: “Lần đầu tiên Tử vi nói đúng”. Hoạnh tài là đây chứ gì? Vì lần nào cũng vậy, dù người ta đưa dư tiền nhiều hay ít chàng cũng đều trả lại. Có lần về đến nhà đếm lại mới thấy mình cầm dư tiền, phải lục đục đi trở lại để trả cho người ta. Nay sao tự nhiên chàng lại vò nắm trong tay? Cái gì xui vậy? Ưở, sao ngồi ở quầy hàng lại không phải là người vợ dịu dàng của anh hàng sách? sao vẻ mặt anh ta lại gợi chi đến một kỷ niệm khó chịu mà mình chưa hoàn toàn quên? Sao anh ta bủn xỉn thô bỉ đến mức là chọn những tờ giấy bạc mới cũ? đó là lòng ham mê chỉ xứng đáng với những đứa trẻ, với những bà cụ nhà quê lẩn thẩn. Sao anh ta lại vô lễ với chàng? Cho 10 đồng thì có giá trị gì đâu? 10 đồng có nghĩa lý gì cạnh vài trăm bạc chàng trả cho hàng rượu khi vui chân vào ngồi với một hai người bạn. 10 đồng có nghĩa gì cạnh một vé hát chàng đôi lúc mua mà thực tình không muốn đi xem. 10 đồng, đó chỉ là giá của một quả cam nhiều khi chua quá chàng bỏ không ăn. Phải, không ai dám tin rằng chàng tham 10 đồng của anh hàng sách, và sự thật quả là chàng không thèm tham lam thật. Có lẽ đó là “hoạnh tài” nó tự nhiên đến, bắt buộc đến theo cái luật huyền bí của nó mà mình không được biết chăng? Chớ một anh hàng sách bỏ vốn ra hàng bốn, năm chục vạn đồng sao điên rồ gì mà suy tính ham mê chi những tờ giấy bạc mới cũ để đến nỗi hóa ra lẩn thẩn tính cộng có hai con số mà đã tính sai?
Phong thấy lòng mình bớt băn khoăn một chút. Tiếng nói của Luân lý đã bớt phần gay gắt. Tuy vậy chàng vẫn còn áy náy. Trong khi đó thì chân chàng đã bước dần đến chiếc xe ghếch ở lề đường. Để dẹp hẳn sự áy náy, chàng nghĩ tiếp:
- Ta đem mười đồng này về cho thằng con nhỏ của anh coi vườn. Nó sẽ mừng lắm. Mấy hôm nay nó những ước ao đi xem phim Ấn Độ. Nó nghèo lại tàn tật. Nó cần mười đồng đó hơn là anh hàng sách vô duyên kia. Vả lại anh ta đáng bị phạt về tội vô lễ, tội bủn xỉn.
Phong thấy tâm hồn mình đã gần thanh thản. Trước khi nổ máy xe, chàng nhìn xuống đồng hồ tay.
- Mười giờ rưỡi đêm.
Cái ngày hôm nay có thể được coi như đã kết thúc vào giờ này. Những băn khoăn của lương tâm qua đi, chàng thấy lòng lâng lâng một niềm thích thú nhỏ: chàng đã muốn và đã giúp được cho Tử vi nói đúng một lần.