MÙA HOA XOAN

    
ha Trang… tháng… năm…
Chị Hoa,
Em chán quá chị ơi. Không biết học trò của chị ra thế nào chớ học trò của em sao mà chúng làm em nản lòng đến thế. Đêm đêm mình cặm cụi dưới ánh đèn, soạn bài thật đầy đủ, chấm bài thật kỹ lưỡng và lúc nằm xuống giường sắp đặt trong óc những điều sẽ giảng sáng hôm sau. Chỉ những lúc ấy là vui. Mình nghĩ đến những kiến thức ngày mai sẽ rót vào tâm trí của những đứa em của mình. Thật là phấn khởi biết bao khi mình tưởng tượng rằng sau một giờ nghe giảng dạy các tâm hồn ấy thấm nhuần những tư tưởng mới, giống tựa những mảnh đất hoang khô cằn trong phút chốc đã xanh màu búp non, lá mới, trắng, hồng những nụ hoa đầu. Ấy vậy mà khi vào lớp ngồi giảng bài thì những bực tức ở đâu dồn dập đến đẩy xa cái cảm giác êm đềm của mình như những cánh bướm yếu dù cố sức chống lại vẫn bị ngọn gió mạnh cuốn đi mất.
Học sinh họ ham chơi nhiều quá. Mình tận tụy ngồi giảng mà có một số cứ nhất định lén nói chuyện. Có lẽ tại em là cô giáo trẻ chăng? Hay tại vì em hiền lành chăng? Nếu thế thì con người quả đáng ghét thật. Họ chỉ chịu phục tùng dưới quyền lực chớ không muốn tự mình quản trị lấy mình. Chị dạy ở trường Nữ Trung học chỉ có toàn nữ sinh nên không khí nhất định là dễ chịu. Em rủi bị đưa về trường này học sinh cả nam lẫn nữ nên…
Loay hoay nghĩ một lát không biết viết tiếp “nên” gì, Liên bỏ bút xuống bàn, gạt tờ thư sang một bên. Nàng với lấy tập bài cầm bút lên sửa. Những sự bực mình không trút hết trong thư khiến cho những đường gạch đỏ dài thêm, những chữ phê to ra, nét đậm hơn. Có những bài luận chỉ đọc tên người học sinh là đã có thể gặp câu nào cũng phê chữ “bất thành cú” được. Không ai có thể tưởng tượng được sự kém cỏi, sự cẩu thả đi đến chừng mực ấy. Nhiều học sinh không làm nháp nên viết xóa nhòe nhoẹt cả bài làm. Thỉnh thoảng đọc được một bài, chữ viết sạch sẽ lời văn gọn gàng Liên cảm thấy lòng hớn hở vui như được nghe một lời mơn trớn nhẹ.
Nhìn đồng hồ thấy đã đến giờ dạy, Liên bỏ bút đứng dậy thay áo. Chiều nay nàng có hai giờ ở lớp đệ Thất. Dạy lớp nhỏ nàng thấy dễ chịu hơn cả vì học sinh tuy có ồn ào nhưng ngây thơ, vô hại. Nàng yêu những mái tóc rối, những bộ mặt thật thà phản ảnh trung thành tâm hồn của chúng. Nhiều em áo quần xốc xếch, chân đầy bụi mốc. Tuy vậy, nhìn mỗi cặp mắt mở rộng, những đôi môi hé trễ tràng, nàng có cảm tưởng rằng đó là những hấp khẩu hút tâm hồn chúng bám chặt vào lời giảng của nàng. Những sự ngứa ngáy tay chân cũng đáng tha thứ, đáng yêu. Ngồi một lát thì chợt nhớ phải xin đi tiểu. Cô giáo vừa quay lên bảng thì đã có những cùi chỏ thích vào sườn người bên cạnh. Rồi gãi đùi, rồi quơ chân tìm dép, rồi kiện nhau vì những chuyện vu vơ không dính dáng gì đến đời sống học đường hết. Chúng tưởng cô giáo có thể giải quyết được hết thảy mọi tranh chấp, giải thích được hết thảy mọi hiện tượng. Thằng Minh giọng ề à như một ông già nghiện rượu, chuyên môn đem những việc cãi cọ ở xóm Lò Heo của nó ra chứng minh ở lớp. Chứng minh gì, đố ai hiểu. Có lần nhân dạy về Nhị thập tứ hiếu, Liên hỏi:
- Các em thấy ở trong phố mình, xóm mình có những người bất hiếu không? Họ bất hiếu như thế nào?
Tức thì Minh vừa giơ tay, vừa kéo quần đứng dậy vừa lè nhè nói, không kịp đợi lịnh cô giáo.
- Thưa cô, ở xóm Lò Heo có ông thầy thuốc Bắc có người con ăn chơi “một cây”. Hồi hôm ăn trộm vô cạy tủ, may có người con đi ăn chơi về khuya nghe tiếng động nên ăn trộm thất kinh chạy mất. Thanh niên dân vệ chạy rượt theo đến đền Xương Huân. Con cũng chạy theo mệt quá…
Liên phải lật đật ra hiệu cho nó ngừng lại rồi hỏi:
- Em định kể câu chuyện gì đó? Chứng minh điều gì?
Minh trố mắt nhìn lên, miệng hả ra rồi lắp bắp nói:
- Thưa cô… không có.
Rồi mỉm cười lặng lẽ ngồi xuống. Cả lớp thông minh, mau hiểu cười rộ lên. Thằng Vinh thì nhanh nhẹn hoạt bát nên dễ sinh ra ồn ào làm mất trật tự. Nhưng một khi bị điểm xấu về hạnh kiểm là từ một khuôn mặt láu lỉnh thông minh, nó chuyển ngay thành một khuôn mặt vừa đau khổ vừa đần độn. Giọng nói thanh vang lanh lảnh hằng ngày đã trở thành, trong phút chốc, rời rạc mỏi mệt. Với vẻ mặt ấy, giọng nói ấy, nó lên xin cô giáo xóa đi điểm xấu kia, miệng quả quyết là nó bị oan nhiều và hứa chắc chắn là nó sẽ tốt, từ giờ này. Lời hứa ấy Liên cũng chắc chắn là nó sẽ lập lại cho đến cuối năm, nhưng Liên vẫn không thể ghét nó được. Thằng Lai lười biếng, thằng Tú vô lễ, thằng Chuyên ngớ ngẩn… tất cả những em bé học sinh, Liên đều yêu chúng với những tật xấu của chúng. Trong nhiều trường hợp Liên còn cảm thấy rằng chính những tật xấu ấy lại, ngược lại, làm cho Liên yêu chúng hơn. Những tật xấu ấy là kết quả của sự chăm sóc thiếu sót của cha mẹ, sự thiếu sót không cố ý.
Sang đến lớp Đệ Tứ, Liên ít nhẫn nại được trước vài biểu lộ cá tính của học sinh. Một chị học sinh lớn ngồi giữa lớp che miệng nói chuyện với bạn. Liên cất giọng ôn tồn nói:
- Chị Lệ, đừng nói chuyện.
Tức thì người học sinh đứng dậy:
- Thưa cô, em đâu có nói chuyện?
Hoàn toàn là vẻ ngơ ngác và giọng nói quả quyết của người thành thật bị oan. Liên tức quá vì việc nhỏ nàng muốn cho qua bằng lời nhắc ôn tồn, không ngờ lại phải sắp mất thì giờ vào đó. Nàng phải nghiêm giọng nói:
- Chúng ta chỉ có hai người. Hoặc là chị, hoặc là tôi, nhất định phải có một trong hai chúng ta nói dối. Tôi đang giảng bài. Tôi không muốn sinh sự với chị vì tôi không có ác cảm gì với chị hết. Chúng ta không có mâu thuẫn gì với nhau về quyền lợi, về tư tưởng… mà trái lại, chúng ta cùng nhắm chung một mục đích: đó là làm sao cho chị học giỏi. Thôi được, chị ngồi xuống.
Cả lớp im lặng và Liên nghe tiếng đập của tim mình. Óc nàng rộn ràng mất đi sự bình tĩnh. Nàng cúi xuống tập giấy soạn bài, định tiếp tục giảng lại nhưng cái hứng thú bị ngắt đứt bây giờ không thể tìm lại được. Nàng cho học sinh ghi chép tóm tắt những lời giảng. Trong khi ấy, để quên sự bực bội, nàng lắng nghe tiếng gió reo vi vút ở giữa những chòm phi lao bên kia đường. Hàng bông giấy mọc ở trụ cổng nhà ai kia nở ra những chùm hoa đỏ tươi. Màu hoa đỏ yêu đời tưng bừng điểm rải rác giữa nền lá xanh giúp nàng vui vui trở lại. Mùi tanh nhạt pha vị mặn của gió biển ở ngoài khơi thổi vào, cái cảm giác mát lành lạnh của nước như quạt nhẹ vào đến tận tâm hồn. Nàng tiếp tục giảng lại bài cho đến khi bác Cai xổ kiểng bãi học.
Mấy hôm nay trời lất phất mưa, học sinh học xuất sau được nhà trường cho phép vào đứng ở sân lợp. Một số nam học sinh lớp Đệ Nhất, Đệ Nhị, lảng vảng đứng ở cửa sổ lớp học giữa lúc nàng giảng bài. Sự có mặt của những người lạ làm các nữ sinh ngồi học không được tự nhiên. Liên đã báo cho ông Giám thị biết và ông đã đến đuổi mấy bận nhưng sau đó học sinh lại trở lại. Có anh thô lỗ đứng phê bình sắc đẹp, có anh huýt sáo nho nhỏ. Những anh học sinh này thường mặc quần áo bó sát vào người trông như những cuốn chả giò, tóc chải tém và đi giày mũi nhọn. Liên đau xót khi nhìn một hai quyển vở bị xếp đôi nhét vào túi quần sau của họ, những quyển vỡ mà lúc đi học nàng trân trọng giữ gìn như những người bạn nhỏ. Mấy nữ sinh ngồi sát cửa sổ nghiêm nét mặt lại nhíu mày chú ý trong một nét đau khổ. Họ như có mặc cảm tội lỗi mặc dù họ không có lỗi gì hết. Vài cô liếc mắt một nửa nhìn xem ngoài kia người ta làm gì. Liên thấy chịu đựng không được nữa nên đi ra ngoài lớp.
- Mời các anh đi qua sân lợp để cho các em học.
Một số lớn đi dãn ra. Một số khác vẫn bất động. Có tiếng nói hỗn xược.
- Trời mưa mà, cô.
- Nhưng ở sân lợp không ướt.
Không có tiếng trả lời và cái khối người vẫn bất động. Nàng giận quá nhưng biết làm gì đây? Lại đi gọi ông Giám thị tức là tự nhận không biết đến lần thứ mấy sự bất lực của mình, sự bất lực cụ thể về hình vóc và quyền uy. Nàng nghĩ: chỉ có sức mạnh tàn bạo mới trị được những tâm hồn vũ phu kia. Giữa lúc nàng bối rối thì có tiếng giày ở phòng bên cạnh đi ra. Mấy người học sinh lẳng lặng tản hết. Thầy Phúc - vì tiếng giày vừa rồi là của thầy Phúc - nhìn nàng khẽ cúi chào rồi khiêm tốn bước vào lớp. Nàng muốn nói một lời cám ơn nhưng Phúc đã không đứng đó nữa. Phúc là một bạn đồng nghiệp cũng đổi về dạy ở đây cùng một năm với nàng. Đó là một chàng trai im lặng. Nàng lưu ý đến Phúc nhân một bữa tiệc có mời đủ các giáo chức trường công và trường tư của thành phố. Dãy ghế các cô giáo, nhất là những cô giáo đẹp thu hút được nhiều con mắt hơn hết. Một số thầy giáo trẻ ngồi chụm đầu vào nhau bàn tán ồn ào, thích cánh, vỗ vai với những con mắt ngầm ra hiệu cho nhau. Sau những diễn từ chúc từ mà người ta đoán trước được nội dung đến phần không thể thiếu được trong mọi cuộc ăn uống, - dù vui ăn vài cái bánh ngọt - là yêu cầu hát. Nhóm thầy giáo trẻ náo hoạt lên ngay:
- Yêu cầu cô Tuyết Thu hát một bài.
- Yêu cầu.
- Yêu cầu chị Xuân Anh.
- Yêu cầu chị Liên hát bài “Nửa đêm ngoài phố”.
- Yêu cầu cô Yến hát bài Bambino.
Những lời mời mọc, chối từ, nài nỉ kéo dài. Liên chú ý đến Phúc ngồi im lặng, bơ vơ lạc lõng. Lâu lâu nàng bắt gặp một tia mắt chàng đưa nhìn về dãy cây phượng trước sân.
Sau đó có những cuộc hội nghị hàng tháng, những cuộc chạm mặt ở hành lang trường. Lần nào Liên cũng lúng túng nhận cái chào lặng lẽ của Phúc. Sau phút lúng túng nàng có cái cảm giác êm ả được gặp một người bạn lễ độ. Im lặng không hẳn là cái thái độ mà nàng yêu thích, nhưng quả tình người im lặng làm nàng nể hơn. Nhiều lần nàng đã phải bảo với những học sinh vừa lười vừa ồn ào rằng:
- Các anh hãy nhìn một người bạn trong lớp, anh Chúng đó (nàng đợi dịp anh Chúng vắng mặt mới nói). Anh Chúng học không giỏi, không chăm nhưng được cái hay là không nói chuyện. Anh không thuộc bài bao giờ, làm bài thì kém cỏi, nhưng tôi chưa bao giờ nỡ nói nặng anh một lời. Chỉ vì cái vẻ nghiêm nghị lễ độ của anh. Nhác học không phải là ưu điểm, tất nhiên, nhưng đã nhác học mà còn mượn sự liến thoắng ồn ào để gây cho mình cái ảo tưởng là mình thông minh hoạt bát thì nguy hiểm lắm. Khi anh im lặng, người khác không biết là anh nghĩ gì, trong lúc có thể là anh không nghĩ gì hết. Chớ nói ra thì họ hiểu ngay sự dốt nát kém cỏi của mình.
Mùa hạch tấn ích, như một đe dọa, lững thững đến. Học sinh xuýt xoa lo khi thầy giáo đọc cho chép lịch thi các môn. Nhìn vẻ ngơ ngác của một vài học sinh, nhìn nét mặt uể oải của một số khác, Liên có cảm tưởng rằng tin báo hạch tấn ích vừa nhắc họ nhớ là họ đang đi học, điều mà thường ngày họ cố ý quên. Đối với một số khác thì tin ấy kinh khủng như một lời tuyên án. Riêng thầy giáo thì chuẩn bị để nhận những xấp bài, những xấp bài mỗi ngày một chồng cao trên bàn mình. Nhưng chấm bài nhiều, dẫu là một công việc nặng nhọc, cũng chưa đáng phiền bằng việc giữ sao cho học sinh khỏi lén đem bài theo khi hạch. Có người chịu khó chép đem theo hàng cuộn “phim” chữ nhỏ như kiến, có người xé cả hai ba tờ sách. Có người làm sẵn ba bốn bài ở nhà, những bài mà họ đoán trước thầy giáo sẽ ra. Có người đặt sách ở mặt ghế rồi ngồi. Công thức Toán, công thức Hóa học thì chép ở mặt bàn, ở bàn tay. Không đủ chỗ chép thì họ chép cả ngay lên đùi. Ngày hạch tấn ích thầy giáo phải đóng thêm vai trò Cảnh sát, vai trò nhân viên quan thuế kiểm soát hàng lậu. Thật là xa vời với những ngày ở trường sư phạm nàng tưởng tượng những học sinh lý tưởng của nàng say mê học hiểu, luôn luôn đòi hỏi thầy giáo cung cấp hiểu biết cho họ.
Một tối thứ bảy, Liên đi xem phim “Les canons de Navarone”. Nàng lấy vé ban công để bớt gặp những người quen. Khi chọn chỗ ngồi ở phòng bán vé, nàng chọn một ghế ở mãi tận góc. Nhưng khi lững thững bước lên lầu thì không ngờ người ngồi gần lại là Phúc. Phúc chào nàng và đứng dậy nhường lối đi. Nàng cũng khẽ gật đầu chào lại. Ngồi im lặng cạnh nhau một lúc, Liên thấy sự im lặng ngượng nghịu thiếu tự nhiên quá. Hai người bạn đồng nghiệp. Ý chừng cũng nghĩ như vậy nên sau một cái tằng hắng Phúc rụt rè quay sang nàng:
- Cô thỉnh thoảng mới đi xinê?
- Vâng ạ. Chỉ khi nào có phim hay.
Im lặng.
- Hôm đi xem Pépé (1) tôi có thấy cô.
- Vâng, hôm ấy tôi có đi.
- Phim khôi hài thì nội dung nghèo nàn dù trong phim có mặt nhiều tài tử hữu danh.
Im lặng.
- Sự xuất hiện của 35 tài tử hữu danh ấy, nôn nả, rời rạc, tham lam như những tấm ảnh dán trong album.
- Tôi chỉ thích có màn vũ.
Vừa lúc ấy, chuông reo và đèn tắt. Phim đêm nay diễn xuất sắc.
Cảnh bão tố nhồi đập chiếc tàu nhỏ làm Liên khâm phục sức chịu đựng của những cơ thể mạnh. Nàng tự thấy xấu hổ vì những bước đi nhỏ nhắn của mình, vì sự yếu đuối của cơ thể mình lúc nào cũng đòi hỏi săn sóc nuông chìu. “Mình tự hào vô lối vì một chút ít hiểu biết sách vở. Mình chỉ có giá trị của một cuốn băng nhựa magnétophone. Học thuộc lòng từng đoạn sách rồi viết lại, y nguyên và nói lại cho học trò nghe, ít hơn…”
… Nghĩ tới đây nàng thấy hối hận nhớ lại đôi lần mình đã khinh khỉnh đối với một vài người học trò quê mùa dốt nát.
Phim chấm dứt, đèn bật sáng. Khi đứng dậy đợi chờ đoàn người chầm chậm bước ra, Phúc quay sang nàng:
- Phim hay…
- Vâng.
- Cô cũng nhận thấy cô đào Gia Scala đẹp thùy mị…
- Vâng. Gia Scala có một vẻ đẹp gần với chúng ta, vẻ đẹp Á Đông.
- Tội nghiệp nhất và đẹp nhất là khi cô ràn rụa nước mắt lại ngồi cạnh Gregory Peck. Tình yêu vô vọng có một vẻ gì đau xót…
Liên gật đầu nhưng không trả lời.
- … Có lẽ đẹp hơn và bền hơn những mối tình có kết quả.
- Vâng, có lẽ vậy.
Thấm thoát mà niên khóa đã chấm dứt. Mùa nghỉ hè không còn được báo hiệu bằng hoa phượng đỏ, bằng giọng ve sầu mà bằng hoa xoan màu tím nhạt. Trên con đường nhà thờ, một dãy cây xoan chạy dài màu hoa nhũn nhặn nép giữa lá xanh. Đêm tối đi qua đây, thở mùi hoa vương nhẹ trong không khí, Liên nhớ đến những đêm trăng ở nhà quê. Màu phượng đỏ rực rỡ dành cho ngày nhập học của niên khóa mới. Sự phân chia màu hoa theo mùa, tiết kể cũng hợp lý. Màu tím nhạt đơn sơ, hương hoa thoáng đưa man mác phù hợp với nỗi niềm chia ly luyến tiếc biết bao. Còn màu đỏ rực rỡ phải làm khung cảnh cho nhiệt tình của những người bạn xưa nay gặp nhau trở lại, của tâm hồn náo nức học tập, cố gắng tranh đua. Họ xếp đặt sách vở để về quê và Liên cũng bùi ngùi sửa soạn hành lý về sống cạnh cha mẹ ở Huế. Đêm giã từ thành phố nàng đi lại mấy lần trên con đường nhà thờ để nhìn lại màu hoa xoan lấp loáng dưới ánh đèn đường và thở từng hơi dài mùi hoa man mác. Vào những lúc này nàng chợt thấy tha thiết yêu cái thành phố bé nhỏ đã dung dưỡng nàng bấy lâu nay, cái thành phố mà mới ngày nào sơ ngộ nàng thấy chán vì nó bằng phẳng quá.
… Hoa xoan rụng đi và hoa phượng lác đác nở. Khi hoa mãn khai và thành phố rực đỏ lên là lúc mà các trường khai giảng trở lại. Chín mươi ngày hè đã nối tiếp nhau trôi qua. Tiếng kiểng nhận học ở trường này chen lẫn với tiếng kiểng ở trường kia. Học sinh túa ra khắp các nẻo đường mang lại sinh khí cho các lề đường ba tháng nay vắng lặng. Liên bồi hồi trở lại mái trường xưa nhìn lại cảnh cũ. Nàng cảm thấy một niềm vui nhẹ khi sắp được gặp trở lại người bạn đồng nghiệp lễ độ của mình. Nhưng hôm lễ chào cờ nàng không thấy bóng Phúc. Suốt một tuần sau cũng vậy. Ghé lại vào phòng nhìn bảng phân phối giáo sư chỉ đạo các lớp nàng không thấy tên Phúc. Nàng lấy giọng thản nhiên gợi chuyện ông giám thị.
- Suýt nữa thì tôi tựu trường trễ. Đi thăm ông chú ở cửa Thuận về nhà bị cảm định lấy giấy chứng của bác sĩ để xin nghỉ một tuần. Nhưng sợ ngày khai giảng phiền nhà trường thành ra phải gắng vào cho đúng kỳ. Chắc thế nào cũng có giáo sư chưa đến kịp ông nhỉ?
Ông giám thị nheo nheo con mắt mỉm cười xã giao:
- May quá, năm nay giáo sư đến đủ kịp ngày.
Nàng thấy xót ở tim mình. Thế còn Phúc? Nàng muốn hỏi ông giám thị nhưng ngại không dám hỏi. Vả lại hỏi để làm gì? Phúc đến hay không đến đâu phải do câu trả lời của ông giám thị? Nàng lặng lẽ bước ra khỏi phòng.
Nửa tháng sau nhân buổi học tập thường kỳ của các giáo sư, có người vô tình nhắc đến Phúc. Chừng ấy nàng mới biết là Phúc bị đổi đi trường Phan Bội Châu ở Phan Thiết. Chừng nửa năm sau cũng nhân một buổi học tập, nàng nghe tin Phúc cưới vợ. Anh Ninh dạy sử địa bạn thân của Phúc nói:
- Phúc cưới con Thịnh. Hợp có nhớ con Thịnh không?
Hợp dạy Anh văn nói:
- Con Thịnh nào? Có phải con Kim Thịnh, con bà Cả Nghiễm ở chợ An Đông không?
- Đúng là nó.
- À, ai chứ Kim Thịnh thì moa biết lắm. Thế là Phúc đào nhằm cái mỏ rồi đấy. Thằng Phúc dạy vạn vật thảo nào giỏi về khoáng chất.
- Mày nói thế tội nghiệp nó. Nó hiền lành không có dã tâm đâu. Chẳng qua me nó và bà Cả Nghiễm cùng là bạn hồi còn buôn bán ở Nam Định cho đến hồi di cư cùng vào một lượt với nhau. Hai bà cụ hứa hẹn gả bán đâu từ hồi còn ở Nam Định cơ đấy. Chứ tính con Thịnh đua đòi nhảy nhót thằng Phúc không thích. Hôm hè tao có gặp nó mấy bận ở thư viện. Lúc được tin phải đổi về Phan Thiết tao thấy nó buồn lắm nhưng cuối cùng nó nói “Thôi đi như thế cũng được. Có lẽ nên xa Nha Trang càng sớm càng hay”
Vài khuôn mặt tò mò quay lại.
- Thế là nghĩa làm sao?
Giọng Ninh chậm rãi:
- Có lẽ anh chàng yêu ai ở Nha Trang nhưng mắc bà cụ đã bắt hứa hôn với con Thịnh rồi nên anh chàng cố quên đi, xa đi. Có lần anh chàng ngần ngừ sắp nói cho mình nghe chuyện nhưng rồi anh chàng lại giữ được không nói.
Liên có cảm tưởng như mọi con mắt đều nhìn về mình. Nhưng may đến đây, ông Hiệu trưởng cắt đứt câu chuyện và cuộc họp bắt đầu. Liên lắng tai nghe lời thuyết trình viên nhưng cứ từng chặp từng chặp nàng đưa mắt nhìn qua cửa sổ.
Cây keo nơi sân trường đầy hoa trắng. Có một cặp chim cưỡng véo von cất tiếng hát. Một con chuyền lên cành cây, đu mình bám vào một trái keo chín muộn mổ từng hồi. Mình chim đong đưa qua lại và đôi cánh xập xòe để giữ thăng bằng. Một con đi lững thững dưới đất cát, chốc chốc cất tiếng gọi. Chắc đó là con chim trống vì tiếng gọi vang lanh lảnh. Mỗi lần nghe chim trống gọi, chim mái ngừng mổ rồi trả lời bằng một giọng ríu rít nho nhỏ. Yên tâm vì bạn mình còn đó, con chim trống lại thong dong đếm bước rồi một chốc lại gọi. Một lát sau nó vù cánh bay lên cành keo đứng cạnh chim mái và sung sướng cất tiếng hót. Tiếng hót vang lảnh lót ấm áp và mơn trớn ngọt ngào có sức quyến rũ như một tiếng gọi yêu thương. Đôi chim xinh đẹp lông mướt màu trắng nhạt và đôi cánh điểm lông đen.
Liên vui lây cuộc đời hạnh phúc của đôi chim. Vạn vật vui vẻ dường ấy. Cây keo tưng bừng nở hoa kết trái. Hai con chim quấn quít gọi nhau. Nàng nhớ đến Phúc, nhớ đến lời Phúc nói với mình về cô đào Gia Scala:
“Tình yêu vô vọng có một vẻ gì đau xót… có lẽ đẹp hơn bền hơn những mối tình có kết quả”. Nàng đâu có ngờ rằng đó là lời thổ lộ tâm sự cuối cùng của Phúc.
Niên khóa tiếp tục. Cuộc đời của Liên lại được gắn liền với cuộc đời của những học trò của mình. Nàng nhẫn nại làm việc, âm thầm cố gắng. Những tật xấu nhỏ của học sinh một khi đã quen đi, nàng chuyển sang khám phá những ưu điểm của họ.
Chị Cháu học đến lớp đệ Tứ mà những buổi mai nào không có giờ học là gánh hoa đi chợ bán với mẹ. Một lần nàng đi dạy về thoáng thấy Cháu gánh một cặp giỏ không đi chợ về, đi bên cạnh mẹ. Nàng sợ Cháu ngượng nên tránh xa ra, không ngờ Cháu nhanh mắt thấy nàng rảo bước tới và giới thiệu nàng cho mẹ biết để mẹ chào. Hai mẹ con vui tươi như không hề để ý đến bộ quần áo đen bạc màu của mình, đến những đôi guốc mộc, đến bộ mặt nhễ nhại mồ hôi. Người ngượng, ngược lại, lại chính là Liên. Nàng thấy mình nhàn nhã quá, mình được ưu đãi nhiều quá.
Trò Út mới học đệ Thất mà đã thay cha đi giữ rẫy. Út cầm rựa đi trong đêm tối, ngủ ở chòi cao, trong khi một số bạn cùng lớp ở giữa phố mà tối không dám đi tiểu một mình. Sự mẫn cán, sức tháo vát của nhiều em học sinh khiến Liên mến phục. Tùy theo nghề nghiệp của cha mẹ mà có em may vá, sửa xe, xay bột, làm bánh, thu hàng, bày hàng. Mỗi người học sinh có một hoàn cảnh đáng cho mình tìm hiểu mà yêu thương và giúp đỡ hơn là trách móc. Dần dần nàng tìm thấy cái vui trong tâm hồn khi ý thức được rằng mình đang làm một việc có ích. Chỉ thỉnh thoảng những lúc ngồi trông chừng học sinh làm bài, đưa mắt nhìn ra cây keo ở sân trường hay giàn hoa ở trước hiên là nàng man mác nhớ đến người bạn đồng nghiệp của mình. Nàng tưởng chừng còn nghe lại ở trong phòng học bên cạnh vang lanh lảnh tiếng giảng bài của Phúc: “Tiền cam gồm có tất cả các địa tầng, có địa khai hay không có địa khai, có nham thạch tinh thể hay không tinh thể, ở dưới tầng cam biên và cách từng này bằng một nghịch diệp”
Có những buổi tối nàng ngồi một mình ở bãi biển. Nền trời đen sẫm, chi chít sao. Mặt nước cũng đen phản chiếu ánh sáng lung linh. Trước mắt nàng những đèn thuyền câu sắp hàng chạy dài ở mãi tít nơi khơi xa. Theo một nhịp đều đặn, nước biển chao đi, rút ra xa rồi ồ ạt chạy vào bờ, đập vỡ tung vừa làm sủi bọt rì rào. Dù không ai để ý đến, dù không ai biết cho, sóng biển vẫn cứ nhịp nhàng làm cái công việc của mình, không vội vàng mà cũng không trễ nãi. Bắt đầu từ bao giờ và sẽ ngừng lại lúc nào? “Thật y như cái công việc của mình và của những người đồng nghiệp của mình”. Liên nghĩ. Ai nấy đều làm việc, đều đặn chu đáo. Có kẻ để ý biết đến hay không cũng được. Như những đợt sóng kế tiếp nhau mải miết chạy vào bờ, nàng và các bạn của nàng cũng kế tiếp nhau mà dạy dỗ, uốn nắn, lớp học sinh này dạy xong thì trao qua tay người bạn khác tiếp theo không nản, không mỏi, không ngừng.
Nàng bâng khuâng nghĩ đến Phúc. Ở Phan Thiết cũng có một bãi biển vắng như đây. Không chừng vào giờ này Phúc cũng ra ngồi ở bãi biển nhìn lằn bọt trắng ngầu, nhìn con sóng nhấp nhô mà nhớ đến Nha Trang, nhớ đến nàng cũng nên. Dễ thường Phúc cũng lẩm nhẩm nghĩ như nàng. “Ở Nha Trang cũng có một bãi biển vắng… như đây”.
Chú thích:
(1) Tên một cuốn phim.