Hồi 7
Xà Tào dùng thuật riêng chữa bệnh

Huyền Thanh đạo nhân nói:
- Trần lão huynh mất “Quy Nguyên mật tập” cũng là việc tốt. Cuốn sách đó tuy là “Thoáng thế kỳ bảo” song nó cũng là một “Thảm họa nhân quần”. Phái Côn Luân chúng tôi chỉ mới giữ được nó có một ngày mà đã thiệt một mạng người. Nếu Trần lão huynh cố gắng chữa thương cho sư muội tôi sống thêm mười năm nữa, thì thời gian mười năm cũng chỉ như ngựa qua cửa sổ, có được bao nhiêu! Mà nay sư muội tôi phải hoàn toàn mất hết võ công nữa.
Nói đến đây, mặt Huyền Thanh như bao phủ một vừng mây đen. Ông ta buông tiếng thở dài thườn thượt.
Trần Hổ lòng cũng cảm động, cúi đầu không nói lời nào. Qua một lúc lão ngoảnh mặt lên đáp:
- Đạo trưởng! Nếu đạo trưởng có muốn trả thù cho sư muội thì chờ tôi chữa thương cho sư muội xong, tôi sẽ cùng với đạo trưởng đánh một trận sanh tử là xong.
Huyền Thanh đạo nhân buồn bã nói:
- Việc này không thể quyết định ngay bây giờ được. Vả lại tôi cũng không phải là người Chưởng môn phái Côn Luân, nên việc ấy không thể do tôi quyết đoán.
Dứt lời Huyền Thanh lại nhìn Trần Hổ ái ngại hỏi:
- Vết thương của lão hữu như thế nào, có cần tôi chữa hộ chăng?
Trần Hổ mỉm cười nói:
- Nếu Điểm Thương song nhạn có đánh gãy xương vai tôi, thì ít ra tôi cũng còn một cánh tay, có thể nhận lấy sự báo thù của đạo trưởng được mà!
Vừa nói, Trần Hổ vừa đưa tay lên điều khí hành công. Nhưng cánh tay lão bị bại mất, không thể nào cất lên được.
Huyền Thanh đạo nhân liền bước tới, một tay nắm cánh tay lão đưa mạnh lên, một tay điểm vào “Phong Thủ huyệt”. Trần Hổ đau quá, ré lên một tiếng, mồ hôi toát ra như tắm.
Huyền Thanh đạo nhân bảo:
- Lão hữu thử nhấc tay lên xem sao.
Trần Hổ theo lời, đưa cánh tay lên, rồi mỉm cười nói:
- Cảm ơn đạo hữu đã chữa giúp tôi vết thương! May mà Điểm Thương song nhạn, chỉ cốt đoạt lấy “Mật tập” không có ý hại người. Nếu đòn chưởng ấy mà do lão Bát Cánh Thần Ôn đánh ra thì xương vai tôi đã gãy ngớu rồi. Trong lúc bất ngờ tôi đâu có dụng nội công chế ngự được.
Khi hai người đang nói chuyện thì Ngọc Chánh Tử đã điều hòa nội lực xong, bà mở mắt nhìn Huyền Thanh đạo nhân.
Huyền Thanh đạo nhân không để ý đến lời nói của Trần Hổ nữa, vội bước đến bên Ngọc Chánh Tử, mở lọ thuốc ngọc lộ giải độc, trút ra hai viên bỏ vào miệng bà, và nói:
- Sư muội hãy uống thuốc giải độc này cho đỡ đau.
Lý Thanh Loan tự nãy giờ thấy sư phụ bị thương, mặt buồn dàu dàu, nàng bước đến quỳ gối bên Ngọc Chánh Tử, sụt sùi khóc.
Ngọc Chánh Tử không thấy cái gói vải vàng trên vai Huyền Thanh đạo nhân, cau mày hỏi:
- “Quy Nguyên mật tập” của sư huynh đâu?
Huyền Thanh đạo nhân buồn đáp:
- Vật đó là một tai ương thảm họa. Giữ nó làm gì?
Ngọc Chánh Tử đau lòng mỉnh cười hỏi:
- Sư huynh định đem “Quy Nguyên mật tập” để đổi lấy mạng của tôi sao? Sư huynh đã lầm rồi! Tôi không thể nào cứu sống được nữa.
Dứt lời bà trố mắt nhìn vào Trần Hổ có vẻ oán hờn.
Huyền Thanh đạo nhân không đủ can đảm để nói cho Ngọc Chánh Tử biết là đời bà còn sống thêm được mười năm nữa mà thôi, và công phu tập luyện trên ba mươi năm trời đều bị mất hết. Ông ta chỉ khẽ tìm lời an ủi:
- Kim Tuyến xà tuy rất độc nhưng không phải không thể chữa được. Trần Hổ lão huynh đã bằng lòng giúp sư muội chữa khỏi vết thương đó.
Ngọc Chánh Tử mỉm một nụ cười héo hon, chậm rãi nói:
- Lúc nãy tôi vận công chống thương, cảm thấy độc đã nhiễm vào nội phủ, chận lại các yếu huyệt! Sư huynh chớ nghe lời phỉnh phờ của lão độc ác đó.
Trần Hổ nghe lời trách móc không thể nào nín được xen vào, nói:
- Chỉ cần độc rắn không nhiễm vào phổi, gan, và ruột thì có thể bảo tồn được sinh mạng. Tuy nhiên, về công lực thì nhất định phải mất hết rồi, không còn có cách nào phục hồi được nữa.
Ngọc Chánh Tử lạnh lùng nói:
- Nếu vậy thì cứ để tôi chết đi còn hơn! Tôi không cần lão phải làm ra vẻ nhân đức nữa.
Trần Hổ nhớ lại hồi nãy giao đấu, Ngọc Chánh Tử đã hai lần nhân nhượng không muốn hại mạng ông, vì vậy lòng ông cảm thấy xấu hổ, cúi đầu không đáp.
Huyền Thanh đạo nhân tỏ lời an ủi:
- Sư muội tuy mất hết công lực, song có thể sống trong thời gian mười năm. Ôi! Mười năm tuy không dài lắm, nhưng cũng không phải là ngắn! Chờ khi sư muội chữa thương xong, chúng mình sẽ tìm một nơi thanh tĩnh để chung sống. Tôi sẽ sống gần sư muội mãi mãi trong mười năm.
Vẻ mặt buồn khổ của Ngọc Chánh Tử bỗng đỏ bừng lên. Miệng bà thoáng một nụ cười. Bà quay mặt nhìn đi chỗ khác như để che giấu nét thẹn thùng và nỗi vui sướng trong lòng bà.
Ngô Không đại sư trông thấy nghĩ thầm:
- “Hai người này ngoài tình đồng môn còn ẩn một mối tình kín đáo trong thâm tâm”.
Ông hồi tưởng lại mối tình của chính ông trong dĩ vãng, và đưa mắt nhìn Thanh Loan.
Thanh Loan từ nãy giờ vẫn ngồi yên vào lòng Ngọc Chánh Tử. Khi nghe Huyền Thanh đạo nhân nói, nàng mủi lòng ứa lệ, đôi mắt chớp chớp, xen vào:
- Con và Vũ ca cũng sẽ hầu hạ luôn luôn bên cạnh sư phụ nữa. Trong mười năm đó, chúng con sẽ không rời sư phụ một bước.
Đoạn nàng quay sang nhìn Mã Quân Vũ hỏi:
- Vũ ca! Anh có chịu như thế không?
Mã Quân Vũ gật đầu đáp:
- Dĩ nhiên như vậy rồi!
Hai má Thanh Loan ửng hồng, nàng dựa vào lòng Ngọc Chánh Tử, nói:
- Con thấy sư phụ bị mất miếng da rắn con buồn lắm! Sau này nhất định con phải bắt và nuôi một con bạch hạc. Lúc nó lớn lên con sai nó đi đánh rắn mãng xà để lột lấy da cho sư phụ dùng.
Ngọc Chánh Tử vuốt đầu tóc xanh óng ả của Thanh Loan, nói:
- Tội nghiệp cho con! Con mới vào làm đồ đệ, chưa được sư phụ dạy bảo gì mà nay sư phụ đã bị trọng thương rồi.
Lý Thanh Loan lắc đầu, chưa kịp nói năng gì thì bỗng có tiếng la hét vang trời dậy đất.
Truy Phong Nhạn Sa Quế, mình đeo “Quy Nguyên mật tập”, tay cầm roi từ trên sườn núi nhảy xuống. Đàng sau Bát Cánh Thần Ôn Đỗ Duy Sinh và Vân Trung Nhạn Đào Chấn một trước một sau đuổi theo sắp đến nơi.
Ba người này lúc nãy đã đuổi nhau chạy mất, sao bây giờ lại đuổi nhau chạy ngược trở lại?
Huyền Thanh đạo nhân lấy làm lạ, toan gạn hỏi, thì Trần Hổ đã đứng dậy, tung chưởng hướng thẳng về phía Truy Phong Nhạn Sa Quế đánh tới.
Sa Quế lúc này lại mang “Quy Nguyên mật tập” trên lưng, chạy như bay.
Thấy Trần Hổ tung mình chận đường, Sa Quế liền vung cây roi “đuôi cọp” quét ngang một cái, gió lộng vui vút.
Trần Hổ liền đưa cậy thiết bổng ra dùng thế “Nghinh Vân Bổng Nhật” đánh xéo tới.
Sa Quế liền dừng bước, thu roi lại, nhảy tới sát bên Trần Hổ, tay trái phát ra một chưởng, đồng thời tay phải sử roi, tức thì đầu roi quất xéo trên vai Trần Hổ.
Đây là một đường roi rất kỳ diệu, không thể nào đoán trước nổi. Hơn nữa ngọn roi “hổ vĩ” của Sa Quế đã được tập luyện rất tinh kỳ. Cây roi gồm có mười ba mắt, mềm và dẻo lạ lùng, đánh xuôi, quất ngược đều lanh lẹ.
Trần Hổ suýt bị đánh trúng, phải lăn mình mấy vòng sang bên phải mới tránh kịp.
Vừa lúc đó, Đỗ Duy Sinh đã chạy tới nơi vung gậy trúc dùng thế “Họa Long Điểm Hình” đánh mạnh vào lưng Sa Quế.
Sa Quế vội nhảy ngang qua một bên tránh khỏi đầu trượng của đối phương. Đỗ Duy Sinh lại biến chiêu bồi theo một loạt nữa. Sa Quế buộc lòng phải ngã người xuống đất, lăn đi mấy vòng mới tránh thoát.
Sa Quế vừa tránh khỏi mấy chiêu của Đỗ Duy Sinh, thì đàng sau Đào Chấn đã đuổi theo kịp, vung ngô câu kiếm chém phạt vào lưng Đỗ Duy Sinh mấy nhát.
Đỗ Duy Sinh không quay mình lại nghênh địch, búng chân nhảy vọt lên không trung tránh mấy nhát kiếm của Đào Chấn, rồi thuận đà đáp người xuống, quật gậy trúc ra đàng sau, dùng thế “Trảo Phiến Nam Hải” vèo tới, nhắm thẳng mặt Sa Quế.
Sa Quế hét lên một tiếng, vung “Hổ Vĩ tiên” đón lấy trúc trượng của đối phương.
Thế là Song nhạn lại họp sức đánh với Đỗ Duy Sinh. Ba người đánh nhau rất kịch liệt.
Ngọc Chánh Tử thấy Sa Quế đeo “Quy Nguyên mật tập” sau lưng liền quay lại bảo Huyền Thanh đạo nhân:
- Sư huynh ra cướp lại “Quy Nguyên mật tập” đi.
Huyền Thanh đạo nhân bước đi vài bước lại đứng. Nét mặt đầy ái ngại.
Ngọc Chánh Tử lại giục:
- Sư huynh hãy mau đi cướp lại. Biết đâu trong đó chẳng có phương pháp bí diệu chữa về xà độc?
Huyền Thanh đạo nhân vẫn do dự không quyết. Ông vừa không muốn trái ý sư muội, vừa không muốn nuốt lời hứa của mình.
Ngô Không đại sư biết nỗi khó khăn của Huyền Thanh nên khẽ nói với Ngọc Chánh Tử:
- Lệnh sư huynh đã trao “Quy Nguyên mật tập” cho Trần Hổ rồi bây giờ cướp lại thì coi sao tiện?
Ngọc Chánh Tử mỉm cười nói:
- Sư huynh tôi đem báu vật ấy đổi lấy mạng sống mười năm của tôi ư?
Ngô Không đại sư gật đầu. Ngọc Chánh Tử hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, lẩm bẩm một mình:
- Nếu ta không đến Quát Thương sơn thì đâu đến nỗi sư huynh ta phải mất sách quý. Một vật kỳ thư tuyệt thế, một vật chi bảo trong nhân gian mà chỉ đổi lấy mười năm sống còn của ta! Ôi Ngọc Chánh Tử ơi! Cái mạng của ngươi trong mười năm ích lợi gì mà quý giá đến thế!
Huyền Thanh đạo nhân thốt nhiên quay lại mỉm cười nói với Ngọc Chánh Tử:
“Quy nguyên ví nguyện thành tiên đạo
Vẫn kém mười năm sống cõi đời”
Ngọc Chánh Tử chớp mắt, đôi dòng lệ tràn xuống má, bà khẽ cất tiếng ngâm tiếp:
“Trộm thuốc hằng nga chừng hối tiếc
Đêm đêm ngơ ngẩn nước,mây, trời”
Ngâm xong, bà lại ngồi xếp bằng trên bãi cỏ, đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh.
Trong lúc đó Song nhạn vẫn cùng Đỗ Duy Sinh hỗn chiến với nhau bất phân thắng bại. Bỗng một tràng cười lanh lảnh từ trên sườn núi vọng xuống, tiếp đến có mấy bóng người theo nhau nhảy xuống dưới sơn cốc.
Ngọc Chánh Tử nhìn ra, thấy bên tả là Tô Bằng Hải và Xuyên Trung tứ xú, còn bên hữu là Hồ Nam Bình, Diệp Vinh Thanh, và Cư Nguyên Phát, tức là ba người trong phân cuộc: Hồng, Bạch và Hắc của Thiên Long bang.
Vừa tới nơi, Tô Bằng Hải đã vung long đầu quái trượng dùng thế “Phản Lãnh Liệt Lưu” đánh rẽ bật binh khí của ba người nọ ra, rồi cười ha hả nói:
- Ba vị hãy tạm thời dừng tay, để lão đệ này có mấy lời phân giải.
Đỗ Duy Sinh thấy chung quanh đều là những tay cao thủ, nên không dám bướng bỉnh, thu gậy trúc về, ôn tồn nói:
- Xin Tô bang chủ chỉ dạy. Chúng tôi xin rửa tai cung kính đợi nghe.
Tô Bằng Hải đưa mắt nhìn chiếc bọc vải đeo trên lưng Sa Quế, rồi nhìn Huyền Thanh đạo nhân, mỉm cười thong thả nói:
- Đạo huynh bị mất trộm “Mật tập”. Lão đệ đã đuổi kẻ trộm đó trở lại đây, chẳng hay đạo huynh định xử trí lẽ nào?
Sa Quế nghe nói mặt mày đỏ bừng.
Nguyên vì hắn cướp được “Quy Nguyên mật tập” trèo lên sườn núi, toan chạy trốn thì bị Tô Bằng Hải ngầm dụng chân lực ngăn đón. Sa Quế chạy bên đông, rồi lộn sang bên tây, đi chỗ nào cũng gặp một tiềm lực đẩy lui lại, hắn vô phương thoát khỏi.
Biết đã gặp một tay cao thủ đón đường, hắn liền từ trên đỉnh núi nhảy xuống, thối lui để tìm đường khác, nhưng Đỗ Duy Sinh cứ mãi đuổi theo. Lúc hắn quay lại thì Đỗ Duy Sinh cũng quay lại đuổi, mà không hề biết rõ nguyên nhân.
Bấy giờ nghe Tô Bằng Hải nói, mọi người mới hiểu.
Huyền Thanh đạo nhân chấp tay đáp:
- “Quy Nguyên mật tập” đã không còn thuộc quyền sở hữu của bần đạo nữa, vì bần đạo đã giao cho lão huynh Trần Hổ rồi.
Tô Bằng Hải lại nhìn Trần Hổ, nói:
- A! Thế nào? Chắc Trần huynh lại lượng sức mình tự thẹn nên không nhận mà chuyển giao cho Điểm Thương song nhạn chứ gì?
Trần Hổ hơi nóng mặt, đáp:
- Lão Xà Tào này không phải rộng lượng như Huyền Thanh đạo nhân mà trao “Mật tập” cho ai cả. Tôi bị chúng nó hèn hạ đánh lén mà cướp đoạt đấy thôi.
Tô Bằng Hải cười lớn nói:
- Như vậy thì ai nấy đều có thể ra tay cướp giật được rồi! Thiên Long bang chúng tôi cũng phải tham dự để tăng phần vui nhộn chứ?
Đỗ Duy Sinh cười lanh lảnh nói:
- Tranh đoạt “Quy Nguyên mật tập” dĩ nhiên ai nấy cũng có quyền cả. Nhưng ít ra cũng phải có một quy luật gọi là danh dự của giới võ lâm. Qúy bang Thiên Long có Tam kỳ phân cuộc, Xuyên Trung tứ xú, lại có cả Tô bang chủ nữa, cộng lại là tám người. Nếu cứ lấy hết thực lực ra tranh đấu, quý bang không khỏi mang tiếng cậy đông hiếp yếu. Vậy thì quy luật đó xin Tô bang chủ định liệu cho.
Xuyên Trung tứ xú vốn là danh hiệu của bốn người bộ tốt của Tô Bằng Hải.
Bốn người này mặt mày đầy cả sẹo, tướng mạo khô kệch, xấu xa không nhìn được ra người nữa, nên giang hồ gọi là “Tứ xú” Tuy nhiên, “Tứ xú” lại rất ghét kẻ nào gọi mình bằng “Tứ xú”. Những người đều quen gọi là “Xuyên Trung tứ nghĩa”.
Nay Đỗ Duy Sinh gọi tên “Tứ xú” trước mặt họ, nên cả bốn người đều vểnh râu trợn mắt, mặt hầm hầm nhìn Đỗ Duy Sinh. Nếu không có Tô Bằng Hải, vị Bang chủ của họ đứng đó, thì nhất định họ sẽ xông vào đánh với Đỗ Duy Sinh rồi.
Tô Bằng Hải nghe Đỗ Duy Sinh nói, mỉm cười đáp:
- Đỗ huynh nói rất đúng. Người của Thiên Long bang tuy rất đông, song không phải ai cũng ra tay cả đâu! Điều đó xin Đỗ huynh cứ an tâm.
Hải Thiên Nhất Tào Tô Bằng Hải vừa dứt tiếng đã thấy Sa Quế vụt mình nhảy tới, toan bỏ trốn. Đỗ Duy Sinh ái ngại vừa muốn xuất thượng đẳng khinh công đuổi theo, nhưng Tô Bằng Hải đã phất tay áo đánh ra một chưởng, một làn gió cuốn tới veo véo, và toàn thân Sa Quế đã tung bổng lên, rồi rơi xuống đất.
Vân Trung Nhạn Đào Chấn vội vã chạy tới đỡ sư đệ dậy, thấy mặt Sa Quế trắng nhợt liền bảo:
- Sư đệ vận khí thở vào xem sao!
Sa Quế hả mồm phun ra một cục máu tươi, và nói:
- Sư huynh! Tôi bị thương khá nặng...
Đào Chấn đau lòng quay lại nói với Tô Bằng Hải:
- Chưởng này Tô bang chủ sử dụng rất xuất sắc! Điểm Thương tam nhạn chúng tôi còn sống ngày nào chắc không thể quên!
Tô Bằng Hải nghe giọng nói khách khí, đôi làn mi bạc cau lại. Ông ta thò vào bụng lấy ra một hộp nhỏ, mở nắp đưa cho Đào Chấn một viên thuốc, và nói:
- Được! Ngươi cứ cho sư đệ ngươi uống tạm món thuốc này cho đỡ đau, còn việc Điểm Thương tam nhạn các người muốn trả thù thì lúc nào ta cũng sẵn chờ đón.
Đào Chấn thấy thương thế của Sa Quế quá nặng, có thể thiệt hại sinh mạng tức khắc, nên nén giận đưa tay tiếp lấy viên thuốc trên tay Tô Bằng Hải, rồi quay qua định bỏ vào miệng Sa Quế.
Ngờ đâu Sa Quế mặt hậm hực, gắng gượng đưa tay lên tháo chiếc khăn gói vàng trên lưng xé toạc ra, rồi cầm ba quyển sách mỏng giơ cao lên nói lớn:
- Đây! Chúng bay xem “Quy Nguyên mật tập” này!
Tô Bằng Hải và Đỗ Duy Sinh thấy Sa Quế muốn hủy hoại kỳ thư, thất kinh cả hai xuất thủ một lượt.
Tô Bằng Hải muốn đoạt sách quý, nhưng vẫn không quên công đánh địch thủ. Tay trái lão lẹ như chớp, giật lấy “Mật tập” trong tay Sa Quế, tay phải dùng cây “Long Đầu trượng” điểm nhanh về phía Đỗ Duy Sinh.
Đỗ Duy Sinh vừa xông tới, gặp đầu gậy của Tô Bằng Hải, liền đưa gậy trúc ra ứng chiến. Hai kình lực gặp nhau vút lên một tiếng. Đỗ Duy Sinh cảm thấy cánh tay rúng động và hổ khẩu tê buốt, không dám xông vào.
Sa Quế tuy bị trọng thương, nhưng công lực còn mạnh, hai tay nắm chặt ba quyển sách định xé toang ra.
Tô Bằng Hải không để cho Sa Quế có đủ thì giờ huỷ hoại kỳ thư, liền tung ra một chưởng đánh thẳng vào mặt Sa Quế, đẩy Sa Quế té nhào xuống đất.
Sa Quế “hự” lên một tiếng, toàn thân ngã xoài trên mặt đất, và “Quy Nguyên mật tập” đã lọt vào tay Tô Bằng Hải.
Tô Bằng Hải nhảy tới nhảy lui loang loáng, xuất thủ quá lẹ làng, đến nỗi Đào Chấn đứng một bên cũng không kịp cứu Sa Quế nữa.
Đào Chấn vừa rút cây Ngô câu kiếm ra thì cây gậy “đầu rồng” của Tô Bằng Hải đã tiếp tới đánh tung một chiêu. Đào Chấn cảm thấy cánh tay tê buốt, và cây Ngô câu kiếm rời ra khỏi tay, bay ra hơn ba trượng.
Tự biết công lực mình còn kém xa Tô Bằng Hải, nên Đào Chấn không dám đánh nữa, bước lại đỡ Sa Quế dậy. Cánh tay Sa Quế bị bại đi, Đào Chấn phải điểm vào huyệt đạo, để cứu nguy cho Sa Quế.
Đỗ Duy Sinh thấy Tô Bằng Hải đã giật được “Quy Nguyên mật tập” căm tức vô cùng liền thò tay vào bụng, định dùng môn “Đàn Chỉ Kim Hoàn” là một tuyệt chiêu của ông ta để dương đầu với Tô Bằng Hải.
Bỗng nhiên đằng sau có một tiếng hét lớn:
- Bát Cánh Thần Ôn! Ngươi dùng “Đàn Chỉ Kim Hoàn” có thể chống nổi quả “phi chùy” của ta đây sao?
Đỗ Duy Sinh quay đầu lại thì thấy Hồng kỳ và Bạch kỳ là Hồ Nam Bình và Diệp Vinh Thanh đang đứng sau lưng. Hồ Nam Bình tay đã nắm sẵn quả “phi trùy” to bằng mặt trăng, còn Diệp Vinh Thanh thì cầm “Tử Mẫu đảm” hai món ám khí này xưa nay đã lừng danh trong giới giang hồ.
Đỗ Duy Sinh nghĩ thầm:
- “Người của Thiên Long bang quá đông, lại toàn những tay cao thủ. Nếu ta dùng “Đàn Chỉ Kim Hoàn” cũng chưa chắc đã thắng họ nổi, chi bằng chờ các cao thủ trong phái Hoa Sơn đến đủ mặt sẽ tìm cách cướp “Mật tập” lại mới được”.
Nghĩ như thế, Đỗ Duy Sinh mỉm miệng cười nhạt, rồi cất năm “Đàn Chỉ Kim Hoàn” vào túi như cũ.
Giữa lúc đó bỗng nghe Tô Bằng Hải cười lên một tràng rất lớn, giọng cười lạnh như tuyết. Ông ta cầm ba quyển “Mật tập” ném đến chỗ Đỗ Duy Sinh, rồi từ từ bước đến trước mặt Huyền Thanh đạo nhân hất hàm, nói:
- A! Té ra ngươi lại có thủ đoạn hay ho như thế sao? Ngươi lùng sách giả đổi lấy sách thật, rồi ra mặt anh hùng đưa cho người khác để ngồi xem mọi người đánh giết với nhau?
Huyền Thanh đạo nhân ngơ ngác nói:
- Sách ấy giả sao? Tôi vừa lấy được, nào đã kịp giở ra xem mà biết thật hay giả?
Tô Bằng Hải lạnh lùng, nói:
- Đừng ngớ ngẩn! Trước mặt mọi người, toàn là các tai mắt trong giang hồ, làm sao lầm được mưu kế của ngươi mà ngươi hòng lừa dối?
Huyền Thanh đạo nhân chưa biết phải nói sao, Ngô Không đại sư đã đứng một bên xen vào:
- Quả tình đạo trưởng vừa lấy được, chưa kịp mở ra xem. Vả lại muốn đổi sách giả ít ra cũng phải có thì giờ để chuẩn bị đồ giả chứ. Bang chủ Thiên Long chẳng lẽ không hiểu điều ấy sao mà nghi nhau.
Tô Bằng Hải đôi mày châu lại, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cũng có lý! Nhưng muốn rõ trắng đen, chúng ta cần xem bộ sách giả ấy cho kỹ càng mới có thể đoán được.
Dứt lời, lão gọi Đỗ Duy Sinh đem bộ sách giả đến.
Đỗ Duy Sinh cầm “Quy Nguyên mật tập” tới trước mặt hai người, đặt trên bãi cỏ, và tất cả đều xúm lại vây chung quanh.
Huyền Thanh đạo nhân mở trang đầu, thấy có đề bốn chữ “Quy Nguyên mật tập”.
Mở trang sau, thấy có vẽ một con rùa đen rất lớn.
Huyền Thanh chau mày mở tiếp trang sau thấy viết mấy chữ “Bả đậu ăn không được! Ăn vào đau bụng! Đậu nành ăn lành lại không phải phạm sát sinh...”
Ai nấy mặt mày ngơ ngác. Huyền Thanh lại mở tiếp mãi xuống dưới thấy vẽ toàn chim và thú. Nét vẽ lại nguệch ngoạc không phải là nét bút của danh gia.
Mở mãi tận trang sau cùng ở quyển ba thấy có mấy dòng chữ:
“Để thù lao công đi lại vất vả, nên vẽ giống chim và thú, kính tặng để xem chơi, và xin cứ việc tự do bình phẩm hay dở”.
Huyền Thanh đạo nhân lấy tấm “Tạng Chánh đồ” của ông đem ra so thì thấy ngay được sự chân giả. Nét chữ ở “Tạng Chánh đồ” so với nét chữ trong ba quyển sách ấy đều khác xa.
Tô Bằng Hải và Đỗ Duy Sinh hai tay thiện nghệ thủ họa vừa trông vào họ đã nhận ra nét chữ trong “Tạng Chánh đồ” cũ kỹ hàng trăm năm rồi, còn nét chữ viết và vẽ trong bia sách thì hãy còn mới, chưa quá ba mươi năm.
Huyền Thanh đạo nhân thở dài, nói:
- Bản “Quy Nguyên mật tập” đã bị người ta lấy mất từ lâu rồi. Chúng ta đều bị người ta đùa nghịch, thật đáng hổ thẹn!
Mặt người nào người nấy đều ngơ ngác, nhìn trời, nhìn mây. Tô Bằng Hải quan sát sắc diện của Huyền Thanh thấy rõ Huyền Thanh chân thật, nên cũng có ý ngượng, vì vừa rồi ông ta đã trót lỡ lời.
Lúc đó mặt trời đã ngã về Tây, hoàng hôn sắp bao trùm lên đỉnh núi. Tô Bằng Hải khoanh tay nói với Huyền Thanh và Đỗ Duy Sinh:
- Nội trong ba năm, Thiên Long bang sẽ mời chín môn phái lớn trong võ lâm dự cuộc đấu kiếm. Chúng ta lúc đó sẽ lại gặp nhau. Bây giờ xin cáo biệt.
Dứt lời, ông ta cùng Xuyên Trung tứ xú từ từ cất bước.
Tam kỳ phân cuộc Hồng, Hắc, Bạch đều đưa mắt nhìn Trần Hổ. Hồ Nam Bình hỏi:
- Trần lão huynh đã hứa nửa năm nữa sẽ gia nhập bổn bang. Vậy lời hứa ấy Trần lão huynh có giữ đúng chăng?
Trần Hổ vuốt chòm râu bạc, cười ngạo nghễ:
- Nếu lão Trần này chưa chết sẽ xin giữ đúng hẹn.
Cư Nguyên Phát tiếp lời, nói:
- Chúng tôi sẽ đợi Trần lão huynh giá lâm, càng sớm càng hay. Nên nhớ rằng lão huynh chỉ là kẻ thảo mãng, không có chân trong một môn phái nào. Nếu cuộc phân tranh võ lâm bùng dậy, thì các bậc cao nhân trong chín môn phái quyết không dung cho lão huynh đứng trong giang hồ đâu. Người ta không thể nào sống cô độc được, lão huynh nên nghĩ lại cho kỹ.
Nói dứt lời, ba người lại quay gót ra đi...
Ngô Không đại sư thấy Hồ Nam Bình lui bước, mặt hầm hầm định cầm thiền trượng đuổi theo. Song Huyền Thanh đạo nhân đã kịp thời ngăn lại. Ngô Không đại sư thở dài, nhìn Thanh Loan nét mặt buồn rười rượi.
Đỗ Duy Sinh thấy Thiên Long bang đã đi hết, quay lại nói với Huyền Thanh:
- Thiên Long bang xem khí thế mạnh lắm. Chúng ta nên sửa soạn sớm đi là hơn. Lão đệ xin cáo biệt.
Đỗ Duy Sinh toan cất bước thì Trần Hổ đã gọi lại, nói:
- Đỗ lão huynh! Hãy thong thả! Tôi còn có câu chuyện muốn nói với lão huynh.
Đỗ Duy Sinh quay lại:
- Lão hữu muốn gì nữa?
Trần Hổ đáp:
- Tôi còn vướng với lão huynh hai món nợ! Vậy phải nói với nhau thế nào trước khi đi chớ?
Đỗ Duy Sinh cười ha hả:
- Được! Chúng ta thanh toán ngay bây giờ. Được chăng?
Trần Hổ lắc đầu:
- Chưa vội! Hiện giờ tôi còn bận chữa thương cho Ngọc Chánh Tử.
Đỗ Duy Sinh lại nói:
- Tôi sẽ đợi lão hữu trên Hoa Sơn, và sẵn sàng lãnh giáo lão hữu bất kỳ lúc nào?
Dứt lời, Đỗ Duy Sinh phi thân đi mất.
Trần Hổ bước tới bên cạnh, nói với Ngọc Chánh Tử:
- Xin nữ hiệp cứ giữ cho tâm thần bình thản. Với sức nội công của nữa hiệp trong bốn năm giờ nữa xà độc chưa thấm nổi. Hơn nữa, nhờ vào sức thuốc ngọc lộ của tôi, sức khỏe của nữ hiệp có thể bảo đảm được ba ngày. Chúng ta có thừa thời giờ rời khỏi Quát Thương sơn tìm mua thuốc để chữa độc.
Ngọc Chánh Tử cười nhạt nói:
- Tôi chết đi thì thôi, có gì mà sợ! Còn nếu lão chữa cho tôi khỏi bệnh lão không sợ tôi báo thù sao?
Trần Hổ nói:
- Trong thiên hạ có lẽ không có một thứ thuốc nào có thể chữa cho nữ hiệp phục hồi võ công được. Nếu muốn báo thù thì nữ hiệp chỉ cón có cách nhờ vào lệnh sư huynh mà thôi.
Ngọc Chánh Tử buồn rầu suy nghĩ.
Huyền Thanh đạo nhân xen vào nói:
- Việc đó chưa phải lúc bàn đến. Bây giờ chúng ta tính chuyện khởi hành cho sớm.
Đoạn ông bảo Thanh Loan và Lâm Ngọc Bích đi hai bên để dìu Ngọc Chánh Tử mem theo lối u cốc, trở ra.
Thanh Loan nét mặt buồn, hai dòng lệ luôn luôn chảy xuống má, không ráo, tựa hồ như nàng có điều gì muốn nói với sư phụ mà không tiện mở lời.
Bỗng nàng quay lại hỏi Quân Vũ:
- Vũ ca! Anh có biết thứ thuốc nào chữa độc xà cho sư phụ không?
Mã Quân Vũ lắc đầu:
- Tôi không thể biết được.
Thanh Loan thở dài, rồi quay sang Trần Hổ:
- Con kim xà của tiền bối ác độc quá! Nếu gặp con bạch hạc nó sẽ quật chết con Kim Tuyến xà của lão tiền bối ngay.
Câu nói ấy làm cho Huyền Thanh nhớ đến một kỳ nhân, nên hỏi Trần Hổ:
- Trần lão huynh! Chất độc Kim Tuyến xà lẽ nào không có ai chữa được sao?
Trần Hổ lạnh lùng đáp:
- Nếu không tin lời ta xin đạo trưởng cứ thử đi mời các danh y cứu chữa xem?
Huyền Thanh nói:
- Diệu Thủ Ngư Ẩn Tiêu Công Nghĩa ở nơi Phan Dương hồ thuộc Giang Tây đã nổi danh về môn chữa độc, có thể cứu tử hoàn sanh. Chẳng biết ông ta có thể chữa nổi độc kim xà chăng?
Sau một lúc trầm ngâm, Trần Hổ đáp:
- Không phải tự khoe, tôi vốn là người quen chơi rắn độc, nên về phương diện chữa xà độc, tôi tự tin không ai có thể bì kịp. Tiêu Công Nghĩa tuy tinh thông về y đạo nhưng riêng về môn xà độc, ông ta không thể bì tôi được. Hơn nữa, ông ta đã không màng đến chuyện thị phi giang hồ từ lâu, và hình như ông ta đã rời khỏi Phan Dương hồ rồi. Nếu ông ta có chữa được e cũng khó lòng tìm ông ta được.
Mọi người như bị một vật gì đè nặng trong tim óc, âm thầm cất bược nhắm hướng ra khỏi Quát Thương sơn.
Đi một lúc thì tới tối. Những dãy núi liên miên bị phủ trong bức màn đêm mù mịt. Những cơn gió rít, những tiếng thông reo ào ào như sóng vỗ ngoài khơi, cảnh núi rừng ban đêm càng tăng vẻ thê lương tĩnh mịch.
Huyền Thanh đạo nhân thấy sư muội mày liễu ủ rũ, mồ hôi ra như tắm, sắc thái đau đớn, mà vẫn phải ráng đi, ông thở dài, bảo dừng lại, lấy hai viên ngọc lộ giải độc đưa cho Ngọc Chánh Tử uống và an ủi:
- Sư muội gắng gượng một chút. Chúng ta đêm nay phải ra khỏi dãy núi Quát Thương sơn này, để còn tìm thuốc điều trị, sớm chừng nào hay chừng ấy.
Ngọc Chánh Tử gượng cười đáp:
- Sư huynh đừng bận tâm quá nhiều về tôi. Tôi vẫn còn có thể gắng gượng được, không sao đâu!
Trần Hổ bảo Huyền Thanh:
- Lệnh sư muội tuy nội công thâm hậu, song với xà độc mà vận nội công để trị thương thì chẳng ích gì. Xin đạo trưởng khuyên lệnh sư muội chớ nên phí sức.
Ngọc Chánh Tử nghe nói, nổi giận quát:
- Ngươi chớ làm mặt đạo đức! Ta mà biết trước ngươi có giống rắn độc như thế thì trong lúc giao đấu ta chặt đứt hai tay ngươi để xem ngươi còn giở thủ đoạn độc ác được không?
Trần Hổ cười nhạt đáp:
- Nếu tôi không nghĩ tới lòng nhân của nữ hiệp thì tôi đã không hy sinh bình thuốc ngọc lộ của tôi.
Ngọc Chánh Tử nói:
- Đấy chẳng qua vì lòng ham muốn “Quy Nguyên mật tập” của ngươi mà thôi, chứ đâu phải nhân nghĩa gì.
Trần Hổ biến sắc mặt, đáp:
- Nếu ta ham muốn “Quy Nguyên mật tập” thì ngay sau khi biết được sách giả ta đã từ chối việc chữa bệnh rồi. Nếu vậy ta không chữa cho nữa, ai dám làm gì ta sao?
Dứt lời, Trần Hổ toan xoay lưng bỏ đi, Huyền Thanh đạo nhân nhảy đến chận lại, năn nỉ:
- Xin Trần lão huynh chớ giận!
Ngô Không đại sư cũng cầm ngang cây đàn trượng, đón phía sau lưng nói:
- Đại trượng phu phải trọng chữ tín. Ngươi đã hứa sao lại nuốt lời? Nếu ngươi bội tín thì bần tăng đây tuy là đệ tử sa môn nhưng cũng sẽ phải phạm sát giới.
Trần Hổ cười khanh khách nói:
- Hai vị muốn ra tay một lúc hay đánh từng người một?
Huyền Thanh đạo nhân vì nghĩ đến sinh mệnh của sư muội, không muốn gây hấn với Trần Hổ, cố nén giận mỉm cười đáp:
- Trần lão huynh là một nhân vật lừng danh trong võ lâm, lẽ nào khinh thường lời hứa? Nếu lão huynh chữa xong xà độc cho sư muội tôi thì Côn Luân chúng tôi quyết định trong vòng mười năm sẽ không nhắc đến chuyện báo thù lão huynh.
Trần Hổ lạnh lùng đáp:
- Dù có báo thù tôi đây cũng chẳng sợ. Hiềm vì lệnh sư muội tính khí quá cao ngạo, không chịu nghe lời nói thẳng thì dù tôi cố sức chữa cũng uổng công.
Huyền Thanh trầm ngâm một lúc, hỏi lại:
- Trần lão huynh muốn bảo sư muội tôi như thế nào?
Trần Hổ đáp:
- Cũng chẳng có gì khó khăn, chỉ cần nghe lời tôi là được rồi.
Huyền Thanh mỉm cười, gật đầu đáp:
- Thế thì rất dễ, chúng tôi xin tuyệt đối làm theo lời lão huynh chỉ bảo.
Ngoài miệng nói thế, song trong lòng Huyền Thanh vẫn lo lắng cho Ngọc Chánh Tử. Vì ông biết Ngọc Chánh Tử tính khí ngang tàng, dù đứng trước cái chết vẫn không chịu để ai chi phối.
Huyền Thanh người nặng như đeo chì, vội vã chạy đến bên Ngọc Chánh Tử, ghé tai nói nhỏ:
- Trần lão chịu chữa xà độc cho sư muội, vậy sư muội phải chịu khó mềm dẻo, nghe theo lời lão một chút.
Ngọc Chánh Tử liếc thấy vẻ mặt lo lắng của Huyền Thanh, bất giác thở dài, buồn bã đáp:
- Tôi dẫu có chữa được bệnh cũng đã trở thành phế nhân, sư huynh bắt tôi phải chiều chuộng ai làm gi?
Huyền Thanh đạo nhân nói:
- Rất có thể trong thời gian đó chúng ta tìm được linh dược chữa trị để phục hồi võ công cũng nên.
Ngọc Chánh Tử nhếch mép như muốn nói gì nhưng lại thôi.
Mọi người nghỉ ngơi một chút, đem lương khô ra ăn tạm, rồi lại tiếp tục đi suốt đêm.
Trời gần sáng, Huyền Thanh trèo lên một đỉnh núi cao, phóng tầm mắt nhìn về phía trước, thấy xa xa thấp thoáng một thị trấn, trong lòng mừng rỡ, liền phi thân trở xuống nói với Trần Hổ:
- Chừng bảy tám mươi dặm nữa thì đến một thị trấn. Nếu đi suốt thì chỉ một buổi nữa sẽ tới nơi đó, và chúng ta có được điều kiện tìm mua thuốc chữa độc rồi!
Mọi người lại ngồi nghỉ. Thanh Loan đi vất vả cả đêm, song nhờ được căn bản nội công vững chắc, nên chỉ nghỉ trong giây lát đã hồi phục ngay. Nàng nhìn thấy vết thương của sư phụ mỗi lúc một tím bầm, lòng đau đớn, nước mắt chảy quanh má.
Quân Vũ thấy thế, khẽ bảo:
- Sư muội, mặt mày sư muội dính đầy bụi bặm, hãy tìm suối nước rửa mặt đi.
Thanh Loan đứng dậy theo chân Quân Vũ chạy ra một con suối cách đấy một quãng không xa, rồi hai người ngồi trên tảng đá xanh vừa rửa ráy vừa nói chuyện.
Quân Vũ vén những sợi tóc mây phủ trên vừng trán của Thanh Loan, và nói:
- Tại sao sư muội cứ khóc mãi thế!
Thanh Loan nhoẻn cười nói:
- Tôi có khóc đâu! Tại tánh tôi hễ trong lòng có việc gì buồn bã thì nước mắt cứ chảy ra mãi như vậy.
Quân Vũ tức cười, nhưng sợ làm Thanh Loan phật ý nên cố nín cười. Bỗng nhiên, gần đó vang lại tiếng cười khúc khích, tiếng cười lanh lảnh trong như suối.
Quân Vũ quay đầu lại chỉ thấy ánh nắng ban mai rọi quanh sơn cốc, chiếu trên ngàn hạt sương đọng trên cành lá, ngoài ra chẳng có bóng một ai.
Thanh Loan lấy làm lạ, hỏi Quân Vũ:
- Tiếng cười vừa rồi có phải là tiếng người không?
Quân Vũ gật đầu:
- Đúng là tiếng người! Nhưng người đó bản lãnh rất cao, không để cho mình trông thấy.
Thanh Loan tròn xoe đôi mắt, nói:
- Thế thì chúng ta mau chạy về mách với sư bá.
Quân Vũ xua tay lắc đầu:
- Không nên!
Thanh Loan ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao vậy?
Quân Vũ giảng giải:
- Người đó đối với chúng ta không có ác ý. Nếu đi mách với sư bá e gây chuyện phiền phức...
Thanh Loan gật đầu. Hai người đứng dậy quay về chỗ cũ.
Mọi người lại tiếp tục lên đường! Quả nhiên giờ ngọ thì đoàn người đã đến huyện Ninh Khê.
Huyền Thanh đạo nhân tìm một khách sạn lớn, thuê phòng cho Ngọc Chánh Tử nghỉ, rồi cùng Trần Hổ đi tìm mua các vị thuốc.
Quân Vũ và Thanh Loan cũng nóng lòng, ra đứng nơi cửa khách sạn trông ngóng và đón chờ Huyền Thanh đạo nhân.
Bây giờ đang lúc giữa trưa, khách ăn uống vào đầy cả tiệm, tiếng cười nói rất huyên náo. Riêng một chiếc bàn nhỏ kê sát tường bên phải, thấy có một thư sinh tuấn tú, mặt áo xanh ngồi uống rượu một mình.
Mã Quân Vũ quay lại nhìn, thấy người này phong độ thanh tao, dáng điệu phi phàm, so với các khách trong tửu điếm chẳng khác một con hạc lộn giữa đàn gà. Chàng lấy làm lạ đứng đờ người ra nhìn không chớp mắt.
Bỗng chàng thư sinh này quay mặt lại! Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, chàng lại liếc nhìn Mã Quân Vũ chúm chím cười, hai mắt trong như mặt nước hồ thu, luồng nhãn quang sáng ngời như ánh chớp, khiến Quân Vũ không dám nhìn lâu, phải quay đầu đi phía khác.
Giữa lúc đó thì Huyền Thanh và Trần Hổ đã mua thuốc về đến. Quân Vũ chạy đến đỡ lấy bọc thuốc nơi tay sư phụ, nhưng lòng vẫn băn khoăn, quay sang nhìn thư sinh kia một lần nữa. Chỉ thấy chàng thư sinh ngồi quay mặt vào tường, tự rót rượu uống một mình, rất thanh nhã và phong tao.
Khi mang thuốc vào phòng, Xà Tào Trần Hổ kiểm điểm đủ các dụng cụ rồi, liền cho đổ các vị thuốc vào trong nồi, đoạn đun lửa. Chừng độ một giờ sau thì nồi giấm bắt đầu sôi.
Trần Hổ bảo Huyền Thanh đạo nhân:
- Xin mời lệnh sư muội cởi áo ra vào đây xông hơi giấm để nọc độc dồn vào vết thương rồi tôi sẽ bắt tay vào việc phóng độc.
Huyền Thanh đạo nhân ngẩn người một lúc, mới hỏi lại:
- Có thể thay đổi phương pháp khác được không?
Xà Tào Trần Hổ cười nhạt đáp:
- Đây là việc quan hệ đến sanh mạng. Trừ phương pháp đó ra tôi không còn biết phải làm sao hơn.
Huyền Thanh đạo nhân vội chạy đến bên Ngọc Chánh Tử, nhìn bà một lúc lâu mà không dám nói ra.
Ngọc Chánh Tử khẽ hỏi:
- Sư huynh định bảo gì?
Huyền Thanh nói:
- Chữa xà độc trước nhất phải xông giấm sôi cho chất độc tụ lại nơi vết thương. Sư muội nên để cho Ngọc Bích và Thanh Loan đỡ sư muội làm theo lời Trần Hổ dặn. Lúc nào xong tôi sẽ gọi hắn vào phóng xà độc ra.
Ngọc Chánh Tử thở dài, nói:
- Sư huynh bắt tôi việc gì cũng phải theo hắn ư?
Huyền Thanh đạo nhân vô cùng thương cảm, tìm lời khuyên nhủ:
- Tôi chỉ cần làm sao cho tánh mạng sư muội đưọc bảo đảm trong mười năm. Trong thời gian đó, tôi sẽ đi khắp chân trời góc biển để tìm linh đơn, làm cho sư muội được phục hồi công lực mới nghe.
Ngọc Chánh Tử đôi mắt long lanh ngấn lệ nói:
- Nếu không tìm được linh đơn thì sao?
Huyền Thanh đạo nhân khẽ đáp:
- Nếu thế thì tôi sẽ giết chết lão Xà Tào Trần Hổ để trả thù cho sư muội...
Ngọc Chánh Tử rơi lệ, đáp:
- Nếu đại sư huynh có sự gì bất trắc, còn lại có một mình nhị sư huynh thì “một cây làm chẳng nên non”! Côn Luân ta sẽ bị suy sụp mất! Sư huynh phải thận trọng lấy mình mới được. Tôi không muốn vì sanh mạng tôi mà đắc tội với sư môn.
Huyền Thanh đạo nhân gượng cười, nói:
- Quân Vũ trời cho được tư chất thông minh, lại là người trung nghĩa. Sau mười năm nó có thể vượt hẳn chúng ta, lo gì.
Ngọc Chánh Tử nghiêng đầu liếc nhìn Thanh Loan nói:
- Việc mười năm sau làm sao dự đoán được! Nhưng thôi, sư huynh chớ lo lắng lắm. Tôi xin chìu ý anh.
Xà Tào Trần Hổ gọi Thanh Loan đến chỉ cách xông thuốc cho nàng biết, và để nàng và Lâm Ngọc Bích trong phòng săn sóc cho Ngọc Chánh Tử mà thôi, còn mọi người thì lui hết ra ngoài.
Lâm Ngọc Bích giúp sư phụ cởi áo, chỉ còn để lại chiếc áo lót mỏng trong người, rồi đỡ sư phụ nằm ngửa trên giường tre, bắc ngang qua chảo nước giấm đang sôi.
Hơi giấm bay lên mù mịt. Ngọc Chánh Tử như bị bao bọc trong màn sương khói, mồ hôi chảy đầy mình. Tuy bà cắn răng chịu khổ nhưng không khỏi thốt ra những tiếng rên rỉ.
Lý Thanh Loan hai mắt đẫm lệ, đứng nhìn thân thể của sư phụ, mồ hôi chảy đầm đìa, và thỉnh thoảng nàng cầm khăn lau vào mặt bà.
Độ chừng một tiếng đồng hồ, khi mùi giấm chua đã loãng. Ngọc Bích và Thanh Loan mới đỡ Ngọc Chánh Tử vào phòng thay quần áo. Nhìn kỹ lại vết thương nơi tay bà đọng lại một vết tím bầm.
Trần Hổ bắt đầu làm cái việc xả độc. Ông ta dùng một con dao nhọn, bước vào rạch vết thương, nặn máu và rắc vào đấy một lớp bột trắng. Xong ông ta quay bảo Huyền Thanh đạo nhân:
- Lệnh sư muội đã thoát nguy rồi! Cách chừng năm canh giờ cho lệnh sư muội uống thêm một lần thuốc ngọc lộ giải độc nữa là xong. Trong vòng mười năm nọc độc mới thấm vào cốt tủy và phát ra. Chừng đó thì không còn cách nào chữa nổi! Tôi tặng luôn cho đạo huynh cả lọ thuốc ngọc lộ giải độc còn lại, để tạ ơn đạo huynh đã cứu chữa cánh tay của tôi. Hiện giờ tôi phải đến Hoa Sơn để thực hiện lời hứa của tôi với Bát Cánh Thần Ôn. Nếu tôi không chết đi thì Côn Luân tam tử có thể tìm tôi để thanh toán mối hận này bất cứ lúc nào.
Huyền Thanh đạo nhân gượng cười, nói:
- Tôi đã có lời hứa rồi! Phái Côn Luân chúng tôi trong mười năm sắp tới, sẽ không tính đến chuyện trả thù lão huynh.
Trần Hổ nói:
- Đành rằng Côn Luân tam tử không lấy việc này làm thù oán, nhưng biết đâu trong giang hồ lại xảy ra chuyện khác mà chúng ta lại phải đối dầu với nhau.
Huyền Thanh đạo nhân nói:
- Nếu thế là một chuyện khác rồi, chúng ta gặp nhau trong trường hợp đó thì phải nhắc đến lời hứa hôm nay.
Trần Hổ lấy lại xà trượng, chắp tay xá mọi người một cái, rồi bước ra ngoài biến mất dạng.
Huyền Thanh đạo nhân bước vào trong nhìn Ngọc Chánh Tử nhắm mắt như đang ngủ say, liền khẽ bảo bọn Mã Quân Vũ:
- Thôi mấy con đi nghỉ một lúc cho khỏe.
Lâm Ngọc Bích và Lý Thanh Loan vì đỡ Ngọc Chánh Tử đi hơn nửa ngày một đêm, giờ đây phải săn sóc cho bà giải độc, nên cả hai đều mệt lả. Nghe Huyền Thanh đạo nhân nói, hai nàng vội tuân lời, nắm tay nhau ra phòng ngoài.
Mã Quân Vũ cũng lãnh mệnh trở về phòng chàng. Về đến nơi chàng ngồi ôn lại những gì đã xảy ra trong mấy ngày qua, lòng chàng buồn bã vô cùng.
Chàng đứng dậy, đưa tay mở cánh cửa sổ phía sau phòng, bỗng thoáng thấy trên nền trời xanh biếc một vết trắng từ xa phóng tới. Chàng trố mắt nhìn kỹ thì vệt trắng đó chính là con bạch hạc mà chàng đã nhiều lần trông thấy trong Quát Thương sơn.
Trong lúc chàng còn đang ngơ ngẩn thì bạch hạc đã lướt nhang qua như gió. Chàng nghĩ thầm:
- “Bạch hạc trước đây ở núi thẳm, bây giờ lại bay đến đây hẳn có điều gì lạ. Hơn nữa, đã mấy ngày qua, mình trông thấy thiếu nhiên áo xanh cứ theo đuổi bên mình mãi, thế thì thiếu niên áo xanh kia là ai? Theo dõi mình để làm gì?”.
Chàng muốn đem việc này trình lại Huyền Thanh đạo nhân. Nhưng chàng lại e ngại, vì thiếu niên áo xanh kia xuất hiện một cách bất ngờ, nếu sư phụ chàng cật vấn thì chàng biết đâu mà nói.
Tuy nhiên, lần này chàng cho là chuyện quan hệ, đêm nay thế nào cũng phải trình rõ đầu đuôi sự việc để sư phụ chàng quyết định. Nếu chậm trễ xảy ra tai họa nào thì chàng ăn năn sao kịp.
Nghĩa như thế, chàng liền khép cửa sổ lại, nhẹ gót bước đến phòng sư thúc.
Bây giờ Ngọc Chánh Tử đang ngon giấc. Huyền Thanh đạo nhân bắt ghế ngồi gần đó nhắm mắt dưỡng thần. Mã Quân Vũ thấy vậy không dám vào, quay trở lại phòng chàng.

*

Hai hôm sau, tinh thần Ngọc Chánh Tử đã trở lại bình thường. Đã mấy lần bà thử vận công hành khí xem sao, thì công lực chưa ra đến tay chân, trong người bà xương thịt đã đau buốt như dần, không thế nào chịu nổi. Bấy giờ bà mới biết bà đã mất hết công lực rồi, và lời nói của Xà Tào Trần Hổ không phải là không đúng.
Ôi! Hơn ba mươi năm trờ, khổ luyện chỉ vì sơ ý một chút mà mất cả công phu.
Ngọc Chánh Tử quá đau lòng, nếu không có Huyền Thanh đạo nhân gần gũi khuyên giải thì có lẽ bà không còn sống nổi.
Huyền Thanh đạo nhân cũng rõ được nỗi đau đớn của bà, tuy ngoài miệng bà vẫn cười nói vui vẻ, nhưng bên trong không thể nào nguôi ngoai được. Vì vậy ông ta khuyên:
- Chúng ta tạm nghỉ ở đây một đêm nữa, rồi ngày mai sẽ khởi hành đi Phan Dương hồ ở Giang Tây để tìm Diệu Thủ Ngư Ẩn Tiêu Công Nghĩa mà chữa thương. Lão tiền bối đó đã vang danh trong thiên hạ về môn y lý, và đã chữa không biết bao nhiêu bệnh nhân nhiễm độc rắn mà còn có thể phục hồi công lực nữa.
Ngọc Chánh Tử đưa mắt nhìn sư huynh rồi nói:
- Xà Tào Trần Hổ có nói Tiêu Công Nghĩa đã rời khỏi Phan Dương hồ rồi mà?
Huyền Thanh đạo nhân mỉm cười nói:
- Chỉ cần lão tiến bối ấy còn sống trên thế gian này thì dù nơi đâu tôi cũng có thể tìm ra được.
Ngọc Chánh Tử than:
- Thiên Long bang có ý định trong ba năm nữa sẽ mời các cao thủ trong chín phái võ lâm để luận kiếm tranh tài. Đại sư huynh không trở về Côn Luân sơn, thì một mình nhị sư huynh làm sao đối phó với họ nổi.
Huyền Thanh đạo nhân cau mày đáp:
- Nếu vậy thì nên sai Lâm Ngọc Bích, đại đệ tử của sư muội về trước Côn Luân sơn báo tin cho sư đệ biết chúng mình không tham gia cuộc luận kiếm của Thiên Long bang. Kể ra việc tranh bá, xưng hùng trong chốn võ lâm cũng chẳng ích gì.
Ngọc Chánh Tử nhướng đôi mày liễu, nhìn thẳng ra ngoài, nói:
- Uy danh của phái Côn Luân ta đã hơn trăm năm nay, nỡ đâu để thiên hạ chê cười. Làm như vậy chúng ta đã phụ lòng ân sư. Sau này xuống suối vàng còn mặt mũi nào nhìn thấy vị ân sư chúng ta nữa. Tôi xin chịu chết sớm, để sư huynh khỏi bận lòng đến tôi nữa mà lo việc bảo tồn uy danh của môn phái.
Huyền Thanh đạo nhân trầm mặt lặng thinh một lúc, rồi mỉm cười nói:
- Thế thì chúng mình đến Phan Dương hồ trước, tìm Diệu Thủ Ngư Ẩn chữa thương cho sư muội xong, chúng ta sẽ cùng nhau trở về Côn Luân sơn. Sư muội nghĩ sao?
Ngọc Chánh Tử vừa nói dứt lời đã hối hận ngay. Bà biết rằng nếu bà cùng Huyền Thanh trở về Côn Luân sơn, chẳng những bà không được gần gũi Huyền Thanh được nữa, mà còn làm cho nhị sư huynh đau lòng. Mối tình cảm giữa ba người trước đây ba mươi năm lại nổi lên trong lòng mà không có cách nào giải quyết. Tuy nhiên, bà đã nói lỡ lời còn biết làm sao! Khi nghe Huyền Thanh đạo nhân hỏi lại, bà nhắm mắt, từ từ đặt lưng xuống giường nói:
- Nếu đến Phan Dương hồ mà không tìm được Tiêu Công Nghĩa thì sao?
Lời nói của Ngọc Chánh Tử làm cho Huyền Thanh đạo nhân cảm thấy được chân tình của vị sư muội. Ông ta nghĩ thầm:
- “Đã hơn ba mươi rồi mà mảnh tình sư muội đối với ta và nhị sư đệ vẫn thăng bằng như một quả cân. Sư muội ép mình chịu đựng hoàn cảnh, trong lúc đó thì ta phải tìm nơi ẩn náu để tránh cảnh lửa tình bốc cháy, tổn thương cho môn phái. Xem đó thì sư muội cản đảm hơn ta một bực”.
Nghĩ như thế Huyền Thanh thấy phẩm giá của Ngọc Chánh Tử càng cao thêm. Ông ta đáp:
- Nếu không gặp Tiêu Công Nghĩa ở Phan Dương hồ thì đến lúc đó chúng ta sẽ quyết định sau.
Ngọc Chánh Tử gật đầu, lòng hân hoan.
Ngày thứ hai, Huyền Thanh đạo nhân thôi thúc cả đoàn rời khỏi huyện Ninh Khê đi về hướng Phan Dương hồ thuộc miền Giang Tây.
Hành trình này phải vượt qua các miền rừng kế cận của Quát Thương sơn, một nửa là đường núi, một nửa là đường bằng. Ngọc Chánh Tử nay bị mất hết công lực, chỉ còn là một thân gái chân yếu tay mềm, nên không thể nào đi nhanh được. Huyền Thanh phải thuê cho bà một chiếc kiệu, và cứ chậm rãi lên đường.
Đi được năm ngày thì đến huyện Cảnh Vân, thuộc Tiêu Hà Lĩnh. Khúc đường này sơn khê hiểm trở, núi đồi liên tiếp chập chùng. Đối với những kẻ võ công thì vượt qua chẳng mệt nhọc gì, nhưng đối với các phu khiêng kiệu thì cả một hành trình giang nan cực khổ. Suốt buổi, họ chỉ đi bộ năm dặm đường mà mồ hôi ướt đẫm. Đoàn người của Huyền Thanh, phải đi chậm lại để bảo vệ Ngọc Chánh Tử.
Tối hôm ấy, hai người phu khiêng mệt không đi nổi nữa phải ngừng lại nghỉ.
Nơi đây là một vùng sơn dã, chẳng có xóm làng, bốn bề quanh vắng. Ngọc Chánh Tử tuy chữa thương đã khỏi, nhưng mất hết võ công bây giờ bà chỉ là một người yếu đuối, không sao chống lại với nắng nôi trên bước đường gian nan muôn dặm.
Uổng thay! Một hiệp nữ lừng danh, chỉ sa cơ một chút công lập luyện ba mươi năm như tan vào mây khói.
Huyền Thanh đạo nhân liền tìm cho bà một góc núi để núp gió, và mọi người quây quần chung quanh.
Huyền Thanh lại sợ sư muội buồn rầu nên đem những chuyện trong dĩ vãng kể lại cho mọi người nghe.
Bỗng có tiếng chân người phía sau lưng. Mã Quân Vũ quay đầu nhìn lại, bất giác ngạc nhiên. Trong đêm tối mờ mờ, chàng thư sinh áo xanh mà Mã Quân Vũ đã gặp trong khách sạn ở huyện Ninh Khê.
Người mặc áo xanh thong thả lướt qua bên mọi người, coi như chung quanh không có một ai cả. Chàng chỉ liếc mắt nhìn Quân Vũ một cái, rồi mỉm cười, trông có vẻ tiêu dao nhàn nhã, du ngoạn cảnh núi rừng ban đêm. Trong cái ung dung tự đắc đó bao hàm một vẻ khí khái kiêu hùng.
Huyền Thanh đạo nhân đợi thanh niên áo xanh đó đi khuất, mới quay lại nói với mọi người:
- Người này coi bộ có vẻ kỳ quái. Tuy nhiên, đối với bọn ta xem chẳng có gì ác ý.
Mã Quân Vũ châu mày suy nghĩ, nói với Huyền Thanh:
- Thưa sư phụ, lúc ở Ninh Khê con đã gặp người này qua một lần rồi. Tựa hồ như người ấy có theo dõi chúng ta để làm gì vậy!
Tiếp đó Quân Vũ lại thuật hết đầu đuôi mấy lần gặp gỡ thiếu niên áo xanh, cùng những nhận xét của chàng cho sư phụ chàng biết.
Huyền Thanh đạo nhân trầm ngâm một lúc rồi quay sang Quân Vũ nói:
- Trong giang hồ rất nhiều việc ly kỳ, khiến cho người ta khó lòng liệu tính trước được. Chúng ta nên cẩn thận là hơn.
Tuy Huyền Thanh bên ngoài nói thế, song thâm tâm không ngớt lo lắng về chuyện đó. Ông nhận thấy cử chỉ của người thiếu niên áo xanh có vẻ đặc biệt lưu ý đến Quân Vũ, song có điều Quân Vũ chưa đặt chân trong chốn giang hồ thì chắc không gây oán thù với ai. Mà nếu bảo rằng ngẫu nhiên chàng ta để ý tới Quân Vũ thì cũng không đúng. Bên trong phải có việc gì kỳ lạ.
Một người thấy xa hiểu rộng, đầu óc sáng suốt như Huyền Thanh đạo nhân mà không tìm hiểu nổi việc này thì thật lạ lùng!
Qua một đêm ngủ giữa rừng núi, sáng hôm sau mọi người lại tiếp tục cuộc hành trình, vượt qua núi Tiên Hà, rồi qua núi Vũ Di sơn.
Hơn mười ngày xuyên sơn trèo đèo vượt ải mới tới địa phận Sơn Tây. Bấy giờ Ngọc Chánh Tử lại phải thay kiệu bằng xe ngựa. Thanh Loan và Ngọc Bích cũng phải cùng đi chung xe ngựa để hộ vệ bà.
Qua các thị trấn, mặt dù đoàn người này cố giữ vẻ tự nhiên, để tránh cặp mắt tò mò của dân chúng. Tuy nhiên, trước một sư một đạo, và một thanh niên tuấn tú theo phò một cỗ xe có ba người đàn bà nhan sắc, như vậy tránh sao khỏi việc dòm ngó của thế gian.
Trong lúc đi đường cũng được thuận lợi, không có chuyện gì xảy ra. Mã Quân Vũ cũng dần dần quên lãng không nghĩ tới thiếu niên áo xanh nữa.
Và chỉ mấy hôm nữa, đoàn người đã đến Nhiêu Châu phủ bên cạnh Phan Dương hồ. Nơi đây là một thương cảng lớn, người buôn bán đi lại náo nhiệt, phố xá rất nhiều.
Sau khi mọi người vào khách sạn, thuê một phòng trọ xong xuôi. Huyền Thanh đạo nhân lại vội đi tìm hỏi nơi trú ngụ của Diệu Thủ Ngư Ẩn.
Ông ta tuy là một danh y đã vang tiếng khắp giang hồ, tuy nhiên vì ông ta đã mai danh ẩn tích, gác bỏ việc đời lâu rồi, vả lại Phan Dương hồ là nơi sầm uất, địa thế có đến trăm dặm vuông, đâu dễ mà tìm được.
Huyền Thanh đi tìm hỏi luôn trong mấy ngày liền mà chẳng được kết quả gì, lòng ông rất phiền não.
Mã Quân Vũ thấy sư phụ buồn phiền, lòng cũng không an.
Đến ngày thứ ba, Huyền Thanh đạo nhân cũng vẫn ra đi tìm kiếm. Nhưng ông đi đã nửa ngày vẫn chưa thấy về, Mã Quân Vũ sốt ruột lăng xăng chạy vào chạy ra nơi cửa để dòm chừng. Chàng thấy phố xá người qua kẻ lại như mắt cửi, từng đoàn người lũ lượt kéo qua, làm cho chàng cũng náo nức trong lòng, nên vui chân thả bộ đi thơ thẩn đến bờ hồ.
Nhìn ra hồ, trời nước mênh mông, hàng trăm cánh buồm phất phới chẳng biết đâu là bờ bến. So sánh với Động Đình hồ, Phan Dương hồ hùng vĩ chẳng kém, cảnh vật trông thật vui mắt.
Chàng đang vui say với cảnh thiên nhiên thì bỗng đàng sau có tiếng cười lanh lảnh như tiếng chuông, và tiếng nói dịu dàng như tiếng oanh thoảng tới:
- Làm gì mà say sưa với phong ba như thế? Lệnh sư muội không có theo sao?
Quân Vũ giật mình quay lại, cảm thấy một mùi hương thơm nức, nhìn thấy một thiếu nữ mặc áo đen đứng sững nơi hồ cách chàng không dầy ba thước, mắt long lanh, mày lá liễu, miệng tủm tỉm cười.
Thoạt đầu, Quân Vũ còn bỡ ngỡ, nhưng khi định thần thì thấy đó là Vô Hình nữ hiệp Tô Phi Phụng mà chàng đã gặp mặt một lần nơi Thủy Nguyệt sơn trang tại Nhạc Dương.
Tô Phi Phụng thấy Quân Vũ liếc nhìn nàng một cái, rồi không nói câu nào, quay đầu nhìn sang mặt hồ, lại muốn cất bước đi lảng ra nơi khác, làm cho nàng vừa thẹn, vừa tức. Nàng phi nhanh tới trước mặt đón lại, nhướng mày khẽ bảo:
- Này! Con người vong ân phụ nghĩa, hãy đứng lại cho ta hỏi lời này. Giá cái đêm ấy ta không bảo ngươi trốn chạy, để cho ngươi bị đánh trọng thương thì sao? Hôm nay chàng gặp tôi đây lại không được một tiếng “cảm ơn cô”?
Nàng nói đến đấy thì giọng nàng nhẹ lại như nghèn nghẹn, không còn nghe được gì nữa.
Thấy lời trách móc, Mã Quân Vũ tự xét mình thấy cũng có điều sơ xuất, nên nhìn vào mặt nàng, mỉm cười xin lỗi.
Chàng nói:
- Tôi vì bận một chuyện rắc rối trong lòng nên thất lễ với cô nương. Xin cô nương bỏ qua cho.
Tô Phi Phụng thấy Quân Vũ xin lỗi mà nét mặt có vẻ u buồn, lòng nàng hồi hộp, không đợi chàng nói hết câu, cất tiếng bảo:
- Việc khó khăn có thể nói cho tôi nghe chăng? Nếu việc ấy hợp với sức tôi, may ra tôi có thể giúp ích được.
Quân Vũ ngập ngừng chưa nói thì Tô Phi Phụng đã mỉm cười hỏi:
- Hay lệnh muội đã bỏ đi đâu mất rồi làm cho anh buồn bã?
Quân Vũ biết Tô Phi Phụng châm biếm mình, song nhìn vào đôi mắt nàng không thấy nàng có gì ác ý, nên chàng thực tình đáp:
- Không phải! Hiện giờ tôi đang đi tìm một kỳ nhân, mà người đó ở ân nên không biết phải tìm nơi đâu.
Tô Phi Phụng suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Có phải anh đang muốn tìm Diệu Thủ Ngư Ẩn Tiêu Công Nghĩa không?
Mã Quân Vũ giật mình gật đầu, hỏi:
- Tại sao cô nương biết?
Tô Phi Phụng cười lanh lảnh đáp:
- Đến nơi Phan Dương hồ này mà tìm người ở ẩn thì không phải tìm Tiêu Công Nghĩa còn tìm ai nữa.
Mã Quân Vũ hỏi:
- Cô nương có thể biết vị tiền bối ấy đâu chăng?
Tô Phi Phụng đáp:
- Nếu anh không gặp tôi thì dẫu anh có tìm mấy tháng cũng chẳng tìm ra.
Mã Quân Vũ hỏi:
- Thế sao cô lại biết được?
Tô Phi Phụng vừa cười vừa nói:
- Sao tôi lại không biết? Ông ta chính là vị dưỡng phụ của tôi mà!
Mã Quân Vũ mừng quá, nói vội:
- A! Thế ra tiền bối là cha nuôi của cô nương? Xin cô nương cho tôi biết chỗ ở của lão tiền bối.
Tô Phi Phụng chớp chớp đôi mắt, lắc đầu nói:
- Không được! Cha nuôi tôi đã đóng cửa tạ khách từ năm năm nay rồi, không hề đón tiếp một người nào hết.
Mã Quân Vũ thấy sư phụ mấy hôm nay tìm không thấy tin tức gì về Tiêu Công Nghĩa, lại thấy sư thúc vì ngộ nạn mất hết võ công lấy làm buồn bã. Ngờ đâu giờ này chàng lại được thấy chút tia sáng, nên bất luận với giá nào chàng cũng quyết không bỏ lỡ cơ hội.
Chàng định gạn hỏi thêm, nhưng thấy nét mặt của Phi Phụng không được vui, nên chàng e ngại, muốn tìm cách dò la.