Chương 10

Chiếc xe chỉ có mười mấy chỗ ngồi nhưng lại bị "nhét" đến mấy chục con người trong đó nên chẳng ai còn nhúc nhích, cục cựa gì được. Đã vậy, đường lại xấu. "Ổ voi, ổ trâu" rải khắp mặt đường khiến cho người ta có cảm giác như mình đang đi bằng thuyền trên một đại dương đang có bão cấp mười hai! Liên tục, đầu người nọ va vào trán người kia hoặc dội trúng mui xe dội ngược trở xuống... Ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi giữa buổi xế trưa hè thừa mứa ánh mặt trời.
Bà ta may mắn có được một chỗ ngồi trên xe chứ không phải đứng chen chúc như những người khác. Thoạt nhìn người ta không thể đoán được tuổi của người đàn bà ấy. Bà ta có khuôn mặt khắc khổ, già nua của một bà cụ bảy mươi, nhưng trên mái đầu để trần chưa hề có một sợi tóc bạc! Chốc chốc bà ta lại đưa mắt nhìn ra hai bên đường với vẻ sốt ruột.
Đoạn đường dài rồi cũng qua đi. Khi chiếc xe dừng lại ở bến, người đàn bà nọ bỗng ngồi bật dậy ra sức chen lấn giữa đám đông để xuống xe. Lúc đó, trông bà ta nhanh nhẹn như một cô gái đôi mươi!
- Ai qua sông thì xuống nhanh lên! Có tiếng người lái đò réo gọi.
Thoắt một cái, người đàn bà nọ đã có mặt dưới đò. Con đò rời bến rẽ nước đưa bà ta sang sông...
Không đầy nửa giờ sau, bà ta đã đến được nơi cần đến.
- Chị Hai Nga! Chị không nhận ra tôi sao? - Bà ta nhìn sững người chủ nhà.
- Chị là... là... vẻ kinh ngạc hiện trên mặt người được hỏi - Có phải chị là vợ của thằng Phước trọc? Chị là... chị Bảy Bông?
- Tôi là Bảy Bông đây! - Khách nặng nề trả lời - Nhưng bây giờ tôi không còn là vợ của thằng Phước nữa.
- Chị đi luôn từ dạo đó... tại sao bây giờ lại trở về?
Người đàn bà có tên Bảy Bông nhìn trân trối chủ nhà, khó khăn lắm bà ta mới mở miệng được.
- Tôi về để chuộc lại tội lỗi ngày xưa...
Nói rồi, bà ta mở giỏ xách lấy ra một cái gói giấy nhỏ đưa cho chủ nhà:
- Vàng của bà chị tôi giao lại... Xin trả con nhỏ lại cho tôi.
Chủ nhà chụp lấy gói giấy mở ngay: một miếng vàng lá loại năm chỉ hiện ra trước mắt bà ta.
- Tiếc là con nhỏ nó không còn ở với vợ chồng tôi nữa. Nó trốn đi mất rồi.
- Chị nói sao? Ngày xưa chị đã cam kết nó sẽ được nuôi nấng đàng hoàng... Vậy thì tại sao nó lại bỏ trốn? Bà Bảy Bông lắp bắp.
- Nó đủ lông đủ cánh rồi thì bay đi, làm sao tôi cản được?
- Trời ơi! Trời đất đã trừng phạt tôi mà! - Bà ta khóc nấc lên.
Mười tám năm trước, người phụ nữ này lúc đó làm vú nuôi cho một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Bà chủ đã có hai cậu con trai nên khi sanh đứa con thứ ba là con gái thì cả gia đình xem cô như một báu vật. Và cô chủ nhỏ đã được đặt một cái tên đúng với nguồn gốc của mình. Ngọc Diệp.
Chị vú được giao nhiệm vụ chăm sóc cô công chúa vì bà chủ bị bệnh rồi mất sữa. Ngọc Diệp lớn lên quyến luyến người vú nuôi còn hơn cả mẹ ruột của mình. Khi đó trong nhà còn có một anh tài xế. Chị vú phải lòng anh này. Họ đã lén lút ăn ở với nhau. Một hôm chị hớt hải báo tin cho người tình.
- Em... có bầu rồi.
Mặt anh tài xế tái xanh:
- Sao... em biết?
- Hỏi... vô duyên chưa? - Chị ta bực bột gắt. Tới ngày tới tháng mà không thấy thì không bầu là gì?
- Chết cha rồi! Tính sao bây giờ?
- Mình thú thật với ông bà chủ rồi xin cưới đại cho rồi.
- Không được đâu! Cưới bây giờ thì anh mất lời thề.
- Thề gì? - Chị ngơ ngác hỏi - Anh thề gì hả anh Phước?
Phước gãi gãi cái đầu húi cua:
- Trước đây anh đã có lời thề ở miếu bà Chúa Xứ là khi nào còn đi ở đợ cho chủ thì không tính đến chuyện vợ con.
- Bây giờ anh không tính phải không? Tôi đi méc ông chủ, đàng nào anh cũng bị đuổi việc.
Chị ta đùng đùng bỏ đi.
Anh tài xế chạy theo níu lại:
- Được rồi, từ từ người ta tính. Làm gì mà dữ vậy? Mới thử chút xíu đã nổi tam bành, mai mốt lấy nhau em còn cỡ nào nữa.
Nghe vậy, chị vú nhoẻn miệng cười:
- Mai mốt làm vợ anh thì người ta tu tâm sửa tánh chứ bộ, mà... anh định làm sao nói em nghe thử xem có êm lỗ tai không?
Nhưng Phước không nói. Anh ta hẹn:
- Tối nay em xuống nhà xe gặp anh, tụi mình tính.
Và anh ta "tính" như thế này:
- Để được một công đôi việc, vừa cưới được em lại không bị mất lời thề, anh nghĩ... hai đứa mình nên "thoát ly"!
- Anh nói vậy nghĩa là sao?
- Nghĩa là... Phước hạ giọng - Tụi mình sẽ trốn khỏi đây.
- Sao lại phải trốn? Nếu muốn nghỉ thì xin ông bà cho nghỉ, mắc mớ gì phải bỏ trốn? - Chị ta ngạc nhiên.
- Ngốc quá, cưng ạ! - Anh ta bẹo má chị - Mình xin nghỉ đường đường chính chính thì sẽ phải ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng.
- Trời đất! Bộ anh tính... - Chị ta bỗng thông minh đột xuất.
- Em đừng có la hoảng lên như vậy - Giọng Phước ngọt ngào - Nếu chỉ có mình ên hai đứa thì sao cũng được, đằng này... Chúng ta sắp sửa có con... Em không sợ con mình đói khát, cực khổ sao?
Nghe bùi tai, chị vú gật gù:
- Anh nói nữa đi!
- Đợi vài hôm nữa, anh liên hệ với một người bà con dưới Bến Tre đễ bàn tính rồi sẽ nói cụ thể cho em biết.
Nửa tháng sau, chị vú Bông rụng rời khi nghe kế hoạch của người yêu:
- Thôi, em không dám làm đâu, tội lỗi lắm! - Chị ta sợ hãi nói.
- Em thương con người ta hơn con em à? - Phước gằn giọng - Vậy thì tùy em. Cứ ở lại đó mà để rồi nuôi con một mình. Gì thì gì, anh cũng sẽ rời khỏi đây. Anh có kế hoạch cho tương lai của mình.
Cứ thế, vừa dọa dẫm vừa năn nỉ, van xin, cuối cùng Phước đã buộc được người yêu phải làm theo ý mình.
Một bữa sáng nọ, bà chủ bảo chị vú:
- Hôm nay tôi với anh Phú phải đi kiểm tra công việc ngoài Vũng Tàu, có khi đến mai mới về. Chị trông con bé cẩn thận nghen!
- Dạ, bà chủ yên tâm! - Chị ta líu cả lưỡi, không biết vì mừng hay vì sợ.
Cơ hội ngàn năm có một đã đến! Bông báo tin cho người yêu. Ngay sáng hôm đó, âm mưu đã được thi hành. Hai kẻ dã tâm bắt cóc bé Ngọc Diệp bán cho một cặp vợ chồng hiếm muộn với giá năm chỉ vàng! Một cái giá rẻ mạt so với sinh mệnh một con người.
- Từ đó tới giờ, chị với thằng Phước đi những đâu? Câu hỏi của bà Nga kéo Bảy Bông trở về với thực tại.
Bà ta lau nước mắt:
- Tụi tôi chạy tuốt lên Cao Miên... nhưng được mấy tháng lại phải chạy trở về Châu Đốc rồi ở đó luôn. Được mấy năm thì lão Phước bỏ tôi theo một con khác.
- Còn đứa nhỏ... nó là trai hay gái?
- Tôi sanh được một thằng con trai. Mười mấy năm qua mẹ con sống hâm hút với nhau. Vậy mà mới đây... nó cũng bỏ tôi mà đi - Bà ta càng nói càng khóc tợn.
- Nó đi đâu? - Bà Nga hỏi với vẻ thông cảm.
Người đàn bà nói trong tiếng nức nở:
- Nó đi tắm sông... rồi bị "hà bá" rước... Tôi thấy nó chìm ngay trước mắt mà không cứu được. Trời ơi! Nợ tôi vay sao bắt con tôi phải trả vậy nè trời...
- Cái số cháu nó vậy rồi, chị đừng phiền não làm gì, chị Bảy à! - Bà Nga an ủi - Bây giờ còn một thân một mình thì càng khỏe chứ sao!
- Mấy tháng qua, không lúc nào tôi không nằm mơ thấy quỷ sứ về đòi mạng. Tôi mơ thấy bà chủ vật vã, đau đớn vì mất con. Đến bây giờ tôi mới hiểu nỗi đau của một người mẹ khi bị cắt núm ruột của mình...
- Chuyện đã lỡ rồi... người ta chắc cũng đã nguôi ngoai, chị đừng bới lại làm gì thêm phiền phức - Bà Nga sợ vạ lây tới mình nên bàn lui.
Nhưng bà khách lắc đầu:
- Tôi đã nguyện với phật trời phải đem cô chủ trả về cho cha mẹ của cô ấy, nếu không thì trời đất đoản mạng tôi.
- Nhưng mười mấy hai chục năm rồi, biết họ Ở đâu mà chị tìm?
- Chính vì tìm không gặp họ nên tôi mới tới đây. Cô chủ tôi bây giờ đã lớn, chắc là cô ấy biết phải làm cách nào.
- Nhưng nó đã bỏ trốn gần một năm nay rồi, tôi đi kiếm khắp nơi mà có thấy tăm hơi gì đâu.
- Tại sao cô chủ lại bỏ trốn? Vợ chồng chị bạc đãi cô ấy phải không? - Giọng bà Bảy Bông đột ngột đanh lại.
- Chị tưởng làm được chuyện ấy với cái con ngang ngược ấy dễ lắm sao? Chị muốn biết thì tôi cũng không muốn giấu làm gì - Bà Nga quắc mắt - Tôi gả nó cho người ta, gia đình danh giá đàng hoàng. Vậy mà mới rước dâu buổi sáng, buổi tối nó đã trốn đi mất biệt. Chị xem, tôi còn mặt mũi nào mà nhìn ngó thiên hạ nữa!
Càng nói, giọng bà Nga càng rít lại, líu ríu đến khó nghe - Bà rất giận cái thằng em họ của mình, giá như ngày xưa, nó ăn trộm đứa con nít khác chứ không phải là cái đứa đã bán cho bà thì hẳn là mọi chuyện đã trót lọt. Con cái của nhà hạ lưu, dân dã thì dù sao cũng dễ dạy, dễ bảo hơn. Chứ còn đối với Phương Tâm - đứa bé đó chính là Phương Tâm - Từ lúc nó còn nhỏ xíu bà đã thấy cái cốt cách của nó khác người. Phương Tâm là một đứa con nít khó dạy, khó bảo. Mới tí tuổi đầu đã bày đặt học thói tự trọng của bọn người đạo đức, liêm sĩ. Biết mình là con nuôi, nó chẳng bao giờ đòi hỏi một điều gì. Thậm chí khi người ta cho nó còn cân nhắc xem cách cho và thái độ cho như thế nào rồi mới chịu nhận. Một đứa con nuôi đầy cá tính như thế sớm muộn gì nó cũng quay lưng với người đã nuôi nó lớn khôn. Chính vì nghĩ như vậy nên bà ta nhất quyết phải thực hiện cho bằng được cái chuyện gả bán để mong lấy lại vốn liếng mà mình đã bỏ ra.
- Cái thứ con nuôi trước sau gì nó cũng phản. Tôi biết quá rõ mà vẫn trở tay không kịp, để phải thua nó - Giọng bà Nga đầy bực tức. Nè, chị đừng có dại dột mà làm cái chuyện đầu thú. Người ta sẽ bỏ tù chị rục xương.
Người đầy tớ đã phản lại chủ của mình mười mấy năm trước đang gục đầu ăn năn hối cải. Giờ đây, luật nhân quả luân hồi đang giáng xuống phần đời còn lại của bà ta sự trừng trị khốc liệt nhất.
Thế mới hay, đã vay thì phải trả!
Mà cuộc đời thì lại là một kẻ cho vay nặng lãi nhất trong các loại chủ nợ vậy!