Phần III

Ở Kinh mà không đi cung chiêm các Tôn lăng thì cũng là uổng mất cái công tự Hà Nội về đây. Vả mục đích tôi về Kinh là muốn xem những cảnh tượng cũ của nước nhà: còn cảnh tượng gì  trang nghiêm hùng tráng bằng những nơi lăng tẩm của mấy vị đế vương ta đời trước? Không những mấy nơi đó là những nơi thắng  tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi  thắng tích của cả thế giới nữa. Hoàn cầu dễ không đâu có chốn  nhà mồ của bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên  nhiên với cái cảnh nhân tạo, gây nên một cái khí vị riêng như não  nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu, mà lại như đầy  những thơ những mộng, khiến người khách vãn cảnh luống những  ngẩn ngơ trong lòng. Mà cái cảm giác ấy không phải là người mình  mới có, dẫu người ngoại quốc đi du lịch đến đấy cũng phải cảm như  thế. Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng tẩm của ta đã từng nói muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu  hắt, giời đông u ám thì mới cảm được hết cái thú thâm trầm. Bữa  tôi đi xem thì tuy là giữa cảnh mùa xuân, mà hốt nhiên không  những gió hiu hắt, giời u ám, lại nước mưa đổ xuống như trút nữa,  tưởng thế cũng là quá vậy. Đêm hôm trước thuê thuyền đi, giời  sáng giăng xuông, tưởng ngày mai dẫu không nắng to cũng bảnh  bao cho bọn mình leo đường núi cho dễ. Ai ngờ chưa xem được một  lăng, khi giở xuống thì giời đổ trận mưa rào, ngớt được một lát,  đâm ra mưa rầm suốt cả ngày. Nhưng đã đến đấy không nhẽ bỏ nửa chừng mà về. Vả có nhẽ xem ngày mưa phong cảnh lại biệt ra  một cái thú riêng nữa. Bởi thế nên tuy nước tát đầy mặt, bùn lội  đẫm chân, cũng không quản dầm mưa mạo gió mà đi cho tới cái  mục đích cuộc du lãm. Thực là hết lòng nhiệt thành với nơi thắng  cảnh vậy.
Đi xem lăng có thể đi xe tay tự Huế, ước mất bốn năm giờ đồng hồ. Nhưng đi xe không bằng đi thuyền, tuy mất nhiều thì giờâ hơn mà thú hơn nhiều. Thuyền chèo từ nửa đêm, ước tám giờ sớm  mai tới nơi, đi xem suốt một ngày, chiều tối chèo về, nửa đêm đến  Huế, cả thảy không đầy hai đêm một ngày mà được nằm nghỉ  thảnh thơi, ngắm phong cảnh sông Hương, không mỏi mệt như  ngồi trên xe. Kể cả lăng tẩm thì nhiều lắm, nhưng trước danh  nhất có bốn nơi: Thiên Thụ lăng (lăng đức Gia Long), Hiếu lăng  (lăng đức Minh Mạnh), Xương lăng (lăng đức Thiệu Trị), Khiêm  lăng (lăng đức Tự Đức), bốn nơi ấy là to hơn và đẹp hơn cả. Nơi  Thiên Thụ xa nhất, rồi lần lượt đến nơi Hiếu, nơi Xương, nơi  Khiêm. Vậy thuyền chèo tới Thiên Thụ trước, rồi lần về các nơi  khác, xem hết vừa tối ngày.
Nói lăng, những người không biết mỗi người tưởng tượng ra  một cách: người thì cho là cái nhà bằng đá nhớn, trong đựng quan  quách ông vua; người thì cho là cái vườn rộng, giữa xây nấm,  quanh giồng cây; người thì cho là cái nền to như nơi văn chỉ, phỗng  đá voi ngựa đứng chầu. Nhưng dù tưởng tượng đến đâu cũng  không kịp tới cái chân tướng nhớn nhao. Lăng đây là cả một tòa  thành, cả một vùng núi, chớ không phải một khoảng năm ba sào,  một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả mầu giời, sắc nước, núi  cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải  một cái nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh  thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt  khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy, khiến cho  có một cái hồn não nùng u uất, như phảng phất trong cung điện  âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt. Không biết lấy nhời  gì mà tả được cái cảm lạ, êm đềm vô cùng, ảo não vô cùng, nó chìm  đắm người khách du quan trong cái cảnh tịch mịch u sầm ấy.  Trong thế giới chắc còn lắm nơi lăng tẩm đẹp hơn nhiều: như ở Ấn  Độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc thạch, ở Âu Châu cũng có lắm nơi mộ địa rất là u sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa  nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cùng một mầu một sắc như  núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy núi non ấy phải có đình tạ ấy  cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy đình tạ ấy phải có núi  non ấy cây cỏ ấy mới là hợp vậy." Tôi vẫn thường lấy làm một cái  khuyết điểm trong tư cách người dân ta là có tài xây dựng những  đền đài to đẹp, mà khi xây ra rồi không biết bảo tồn cho được vững  bền lâu, khiến cho có người Tây đã nói rằng: “Không những người  An Nam không làm nổi cầu sông Cái, túng sở làm nổi nữa, cũng  chỉ trong năm năm là cầu đổ vậy. Bởi thế nên các đình chùa đền  miếu của ta như có cái cảnh tượng bỏ hoang, không ai nhìn đến, cỏ mọc rêu che. Nhưng trong chốn lăng tẩm này thì hình như cái  cảnh tượng bỏ hoang ấy lại hợp với cái khí sắc thiên nhiên, hợp với  cái tinh thần riêng của phong cảnh, mà làm cho cái vẻ u sầm lại u  sầm thêm lên vậy. Ví có ông quan hộ lăng nào siêng việc quá, ngày  ngày cho rẫy sạch cỏ trong lăng, năm năm quét vôi lại một lần,  quét vôi vàng, rồi lại kéo thêm một đường xanh đỏ như các cung  điện dinh thự ở Kinh đô, thì tưởng cái cảnh sắc nơi tôn lăng bấy  giờ không gì khó coi bằng. Ai hay cái tính lười biếng của người  mình mà lại làm đẹp thêm được cho nơi thắng cảnh? Kỳ thay!
Tuy vậy, nói thế không phải là nói chỗ tôn lăng quyết không  nên tu bổ. Đổ nát đâu phải chữa đấy, đừng để cho rầm mục tường  siêu, nhưng chữa không được làm sai qui củ cũ. Gạch lát sân có viên nào vỡ thì hàn gắn lại, chớ nên bỏ cả đi mà thay gạch hoa tây  vào. Còn ngọn cỏ ở khe gạch, cái rêu trên thềm đá, cây leo trên  ngọn tường, lá rủ dưới hồ nước, phàm cái sắc cũ kỹ, cái vẻ tự nhiên  thì cứ nên để vậy, vì chính những cái ấy nó gây nên cái khí vị  riêng cho phong cảnh vậy.
Thuyền đỗ bên bãi cát, khách lên bộ, đi qua bãi thì vào đến  chân núi Thiên Thụ. Có con đường lên, hai bên giồng thông. Bấy  giờ giời tuy đã bảng lảng mà chưa mưa, vừa đi vừa ngắm phong  cảnh vui lắm. Đi ước mười phút thì tới nhà binh xá là chỗ quan  chánh sứ lăng, quan lãnh binh cùng quân lính coi lăng ở đó. Muốn  đi xem lăng phải có giấy phép của Bộ mới được vào các cung điện.  Vậy hôm trước tôi đã xin giấy Cụ lớn Công, ngài tử tế ân cần lắm,  trong giấy nói rõ rằng tôi là chủ bút báo Nam Phong ở ngoài Bắc  về, muốn đi cung chiêm các Tôn lăng, dặn các quan chánh phó sứ cùng quan lãnh binh cho người đưa đi xem mọi nơi. Nhưng chẳng  may hôm ấy các quan đi vắng cả, tôi lên trình giấy không gặp ngài  nào, duy có một thầy đội ở nhà, thầy xem giấy rồi tiếp đãi tử tế lắm, thân hành cùng với hai tên lính đưa chúng tôi lên lăng. Từ nhà binh xá tới lăng đi ước mười phút đồng hồ nữa. Hai bên đường  rặt thông. Thông là một giống cây nó làm cho trong sạch không  khí. Ngửi hơi thông cũng đủ mát mẻ khoan khoái trong người.  Tưởng cả ngày cứ được như thế, không mưa, thì còn gì sướng bằng.  Đến điện trước rồi mới đến lăng, điện ở bên hữu lăng, gọi là Minh  thành điện. Điện trông rất là nguy nga, trước mặt có sân rộng,  giồng mấy cây đại to; lại có một thứ cây không biết tên là gì mà hình rất cổ kính thực là hợp với cái cảnh trang nghiêm ở chỗ ấy.  Trèo bệ đá lên cửa điện, bước vào một cái sân rộng nữa, trong bầy  mấy cái thống bằng sứ cực lớn. Thường trong các miếu điện ngoài  sân hay bầy những thống như thế. Chắc là đồ tàu, nhưng không  phải đồ thường, hoặc giả Triều đình ta khi xưa đặt kiểu riêng tự nơi “thổ sản” chăng. Vì ngày nay không thấy đâu có những chiếc  thống nhớn như thế. Hai bên là tả vu hữu vu, giữa là chính điện.  Vào chính điện phải nói với các “mệ” coi trong ấy. Các “mệ” là những bậc cung nữ của Tiên đế khi xưa, hoặc là những bậc công  tôn nữ giở về già xin vào lăng để trông nom việc hương lửa hôm  mai. Ở lăng Thiên Thụ này chắc không còn những bậc cung nữ nữa. Trong điện có cái khám đặt bài vị đức Tiên đế, ngoài bầy cái  sập rải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn  mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp giầu, v.v. Hai bên lại bầy những  đồ pha lê cùng đồ sứ tây, chắc là những đồ của các ông sứ thần  Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Đại khái cách bài trí trong  tẩm điện các lăng đều như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều  mà thôi. Điện lăng Thiên Thụ này là ít đồ bầy hơn cả; nhiều nhất  là điện Khiêm lang.
Xem xong trong điện mới ra xem ngoài lăng. Sánh với các  lăng kia thì lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng  nghiệp. Bốn bề là núi cả, trong sách nói cả thẩy ba mươi sáu ngọn  đều quây quần về đấy. Giữa mấy từng sân đá rộng thênh thang,  thềm cao rồng chạy; trên một tòa thánh tròn ba bề xây như hình  cái ngai, trong hai nấm đá hình chữ nhật, tức là mộ đức Thế tổ Cao Hoàng đế cùng đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, hai ông bà nằm song song ở giữa khoảng giời rộng núi cao như muốn chứng  với Giời Đất rằng công ta đã đánh đông dẹp bắc mà gây dựng nên  cái nền nhất thống của nước Đại Việt này, từ nay vững như Bàn  Thạch, bền như Thái Sơn vậy. Không có đình, không có tạ, không  có lâu, không có đài, chỉ trơ trơ một tấm sân đá mênh mông, ngoài  xa hai cột đồng trụ cao ngất giời! Hùng thay! Thực rõ cái chí một  bậc khai quốc đại anh hùng, không ưa những sự hư văn vô ích.  Phàm lăng là xây tự sinh thời vua, chớ không phải khi vua băng  hà rồi mới xây, cho nên mỗi cái lăng là biểu tinh thần tính cách  riêng của mỗi ông vua, tự tay đặt kiểu lấy cái nhà ở sau cùng của  mình. Như thế thì nơi lăng Thiên Thụ này thực là tấm gương phản  chiếu cái khí tượng anh hùng của đức Gia Long ta vậy.
Có người cho lăng đức Minh Mạnh là đẹp, có người cho lăng  đức Tự Đức là khéo. Tôi lấy lăng đức Gia Long là hùng hơn cả.  Nhưng một triều được mấy vua sáng nghiệp? Công khai sáng chỉ  một đời, mà nền bình trị thực muôn thủa. Cho nên các lăng sau  này có văn vẻ hơn nhiều mà thực là kém bề hùng tráng vậy.
Dù vậy, nếu có người hỏi tôi: “Trong bốn lăng anh thích lăng  nào?”, tôi xin đáp trước: “Tôi thích lăng đức Gia Long vậy”.
Nhưng dễ vì tôi thiên vị một lăng đức Gia Long mà đến khi  giở xuống xem các lăng khác thì giời không tựa nữa, làm cho mưa  rầm suốt ngày hôm ấy!
Khi xuống đến thuyền đã hơn 11 giờ trưa. Nhà đò đã làm  cơm xong, anh em vừa đánh chén, thuyền vừa chèo xuống sở Hiếu.  Tự sở Thiên Thụ tới sở Hiếu là lăng đức Minh Mạnh mất hơn một  giờ đồng hồ. Nhưng tự bến lên lăng thì gần, không có mấy bước  đường. Ngoài bến có cái lầu nhỏ bằng gỗ dựng ngay bờ nước, để khách ngược xuôi qua đấy biết là nơi tôn lăng.
Nơi Hiếu lăng này ở khuất núi, cái địa thế không được rại rễ như nơi Thiên Thụ, nhưng có cái vẻ u sầm hơn. Chung quanh bịt  tường kín cả, rõ ra một cái thành rộng. Vào trong trông cảnh tượng  khác hẳn ở lăng Gia Long. Cây cối um tùm, đình tạ lâu đài rải rác  khắp mọi nơi. Đây là hồ Tân Nguyệt, kia là cầu Thông Minh, nọ là núi Tam Tài, xa kia là đình Điếu Ngư, lại xa nữa là quán Nghênh  Lương. Tẩm điện thì ở giữa, trước lăng, chớ không phải ở bên cạnh. Gọi là điện Sùng Án, ở trên cái gò tên là núi Phụng Thần.  Trong điện bầy biện cũng như là ở điện Minh Thành lăng Gia  Long, nhưng nhiều đồ hơn. Đại khái thì các lâu đài, đình điện  chính đặt ở giữa cả, thẳng vào lăng. Sau điện đến cái bi đinh,  trong đựng bia “Thánh đức thần công”. Phía đông có núi Viễn  Trạch trên dựng Linh phương các, núi Đức Hóa trên dựng Thuần  lộc hiên, núi Đạo Thống trên dựng Quan lạn sở. Phía tây có đảo  Trấn Thủy, trên dựng Hư Hoài Tạ, sau một ít thì đặt nhà Thần  Khố; lại có núi Tĩnh Sơn dựng Tả tòng phòng, núi Ý Sơn dựng Hữu  tòng phòng. Cứ đọc bấy nhiêu tên cũng đủ biết chốn này là cơ ngơi  của một ông vua thượng văn, chớ không phải thượng võ như vua  cha là đức Gia Long. Trước mặt lăng có đặt những khu giồng hoa,  xây dọc xây ngang như hình chữ triện trông rất xinh. Lại có một  cái cửa nghi môn bằng đồng như hình cái hài phường, rồi đến cái  cầu, đi thẳng vào thì bước lên bực đá, trên là cái thành tròn, trong  cây mọc như rừng, không biết nấm mộ chỗ nào. Vì từ đời đức Minh  Mạnh thì theo lệ cổ khi chôn vua phải chôn mật, đào đường tụy  đao đem quan vào, xong lấp lại không cho ai biết chỗ. Phong cảnh  ở đấy hiện ra một khí vị riêng, như âm thầm, như u uất. Chỗ này  mới thực là cái cảnh tiêu sắt như cảnh mùa thu. Xem cảnh đoán  người thì biết ông vua nằm đấy thực là mang cái tư cách tính tình  một nhà văn sĩ thi nhân vậy.
Ba giờ chiều mới về đến sở Xương là lăng đức Thiệu Trị.  Từ bến đến lăng đường đi cũng xa mà giời thì vẫn mưa. Cái  qui mô thể chế của Xương lăng đại để cũng phỏng theo như Hiếu  lăng. Chỉ khác tẩm điện không ở chính giữa mà ở về bên tả. Điên  gọi là Biểu đức điện. Đối với điện, ở bên hữu thì có Đức hinh lâu.  Lại về đằng sau một ít thì có Hiển quang các. Trước có cái hồ gọi là Ngưng thủy trì, trên bắc ba dịp cầu đá. Ngoài Đức hinh lâu là bi  đinh, dựng bia “Thánh đức thần công”. Chính lăng thì cũng y như  Hiếu lăng, không khác tí gì: Ngoài thành tròn bao kín mít, trong  cây mọc um tùm như rừng. Phong cảnh ở đấy lại tiêu sắt hơn ở Hiếu lăng nhiều. Bấy giờ giời đã về chiều, mưa vẫn không dứt,  đứng trong ấy buồn không biết chừng nào. Tưởng cái hồn đức  Thiệu Trị còn phảng phất đâu ở đây, hồn đa sầu, khi sinh thời dễ đã biết trước rằng trị vì không được mấy lâu mà buồn, nên trong phong cảnh nay còn như ngậm ngùi ai oán. Cảnh tiêu sắt mà có thi vị vô cùng.
Về đến sở Khiêm là lăng đức Tự Đức thì đã gần sáu giờ chiều. Sở Khiêm vừa là cung vừa là lăng. Đức Tự Đức trị vì lâu,  ngài kinh doanh ở đấy rất công phu, dựng hẳn cái cung để làm nơi  nghỉ mát. Ai cũng cho Khiêm cung Khiêm lăng là đẹp hơn cả. Tôi  thiết tưởng cái thể chế khi phiền, vẻ nhân công nhiều hơn vẻ thiên  thú. Mới bước chân vào trông như một tòa thành quách nguy nga,  ngổn ngang chồng chất những cung cùng điện, những gác cùng  lầu, không nhận biết cái thể chế thế nào. Nếu cứ xét từng cái lầu,  từng cái gác, từng cái cung, từng cái điện một thì rất là đẹp, nhưng  bấy nhiêu cái họp lại một nơi thì trông ra bề bộn quá. Cung ở bên  hữu lăng, chung quanh xây tường, mặt trước mở một cửa tam  quan trên đặt mấy từng lầu, trong cửa là Hòa khiêm điện, tức là chỗ thờ Ngài. Phàm tên các cung điện ở sở Khiêm này đều đặt có chữ Khiêm cả. Hai bên tả lăng hữu lăng gọi là Thề Khiêm và Pháp  Khiêm. Phía bắc điện Hòa Khiêm lại có một điện nữa tên là Lương  Khiêm điện, bên đông là Minh Khiêm đường, bên tây là Ôn Khiêm  đường. Đằng sau, bên tả bên hữu đặt hai viện gọi là Tòng Khiêm  và Dụng Khiêm. Sau nữa là Ích Khiêm các. Lại bên tả cửa cung  dựng nhà Chí Khiêm đường, bên hữu đường dựng hai viện: Y  Khiêm và Trì Khiêm. Ở ngoài cửa cung nhớn đặt hai cái nhà vuông gọi là Cung Khiêm và Công Khiêm. Trước cửa cung có cái  hồ gọi là Khiêm hồ, trên xây hai cái tạ: Dũ Khiêm tạ và Xung  Khiêm tạ. Trong hồ có cái đảo gọi là Khiêm đảo, trên đảo dựng ba  cái đình: Nhã Khiêm, Tiêu Khiêm và Lạc Khiêm. Bên tả hồ bắc ba  cái cầu: Tuần Khiêm, Tiền Khiêm, Do Khiêm, v.v. Ấy sau tra sách  mới biết rõ các tên như thế, chớ khi đứng trong lăng thì trông  trước trông sau đều có nhà cả, không thể nhận được nơi nào sở nào, đằng trước hay đằng sau, bên tả hay bên hữu. Xây dựng  nhiều quá thế thực là phiền vậy. Nhìn cơ ngơi ấy đủ biết ông vua  sáng lập ra là người hiếu kỳ, càng làm càng muốn cho kỳ mãi ra,  mà để đến khi làm xong cũng vẫn chưa mãn ý. Sánh nơi Khiêm  lăng này với nơi Thiên Thụ trên kia thì biết cái tinh thần của hai  ông vua khác nhau là nhường nào! Đại để từ lăng Thiên Thụ, qua  Hiếu lăng, Xương lăng, đến Khiêm lăng, cái hư văn càng xuống  càng thịnh, mà cái vẻ thuần phác hùng hồn lúc đầu càng mất dần đi vậy. Lấy lịch sử mà chứng thì sự biến thiên trong tinh thần ấy  cũng có quan hệ đến quốc vận nhiều. Nước ta sở dĩ yếu hèn chẳng  phải là phần nhiều bởi cái tính hiếu hư văn rư?
Khi ở trên sở Khiêm xuống đò về thì vừa nhọ mặt người. Giời  vẫn mưa, không dứt hột, quần áo ướt đẫm cả, nhưng cũng cam  tâm rằng ngày hôm ấy mắt đã được trông, chân đã được bước vào  mấy cảnh thiêng liêng của cố quốc, xưa nay vẫn thường mộng  tưởng đã lâu ngày.
Đã được xem các Tôn lăng rồi, tôi còn có một cái hi vọng nữa:  là muốn vào xem trong Nội. Nhưng nghe nói vào trong Nội khó lắm, có người bảo phải có giấy tòa Khâm mới được. Tôi bèn vào  hầu quan Đổng lý phủ Khâm sứ xin ngài cho cái giấy phép. Ngài  tiếp rất ân cần, nhưng ngài nói rằng xưa nay không có người An  Nam nào xin vào xem trong Nội, vả tòa Khâm chỉ ban giấy phép  cho các ông tây mà thôi, ngài sẽ cho hỏi lại, thế nào bữa sau bảo  cho biết. Bữa sau tôi tới hầu, ngài nói việc đó là thuộc về bên Bộ,  bên Tòa không thể can thiệp vào. Bấy giờ tôi mới nghĩ lại mình là người An Nam mà xin phép bên Tòa thì cũng là sai cách thật. Tòa  Sứ chỉ đảm nhận cho người Tây chớ không lẽ đảm nhận cho cả người An Nam được. Tôi bèn sang hầu quan Tham Cơ mật, Đặng  đại nhân, trước vẫn đã biết tiếng ngài và đã từng đọc những bài  trước thuật của ngài trong sách biên tập hội “Đô thành hiếu cổ xã”. Ngài người rất nhã nhặn, lập tức giới thiệu tôi cho quan tham  Lễ, Bửu đại nhân, vì việc đó là thuộc về bộ Lễ. Quan tham Lễ lại  quá yêu thân hành đưa đi xem, và cắt nghĩa cho từng tí. Vậy cái hi  vọng tôi mà sở dĩ thành được, thực là nhờ hai quan tham vậy. Xin  có nhời đa tạ hai ngài.
Tôi được xem Thái Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, điện  Thái Hòa, Cần Chánh, Kiều Thành. Điện Cần Chánh hiện đương  chữa lại, nên từ đấy giở vào không được xem kỹ.
Thái Miếu là thờ các vua cùng các hoàng hậu từ trước đức  Gia Long. Thế Miếu là thờ từ đức Gia Long giở xuống. Có miếu  chính để “cát tế”, nghĩa là tế những ngày tuần tiết sóc vọng, lại có miếu phụ để “hung tế”, nghĩa là tế ngày giỗ. Ở Thế Miếu, hai bên  tả vu hữu vu lại có tòng miếu thờ các công thần hồi Trung hưng.  Ngoài sân bầy chín chiếc đỉnh nhớn bằng đồng, trông rất là vĩ đại.
Mỗi đỉnh có tên riêng: chính giữa là Cao đỉnh, tả thứ nhất là Nhân  đỉnh, hữu thứ nhất là Chương đỉnh, tả thứ nhì là Anh đỉnh, hữu  thứ nhì là Nghị đỉnh, tả thứ ba là Thuần đỉnh, hữu thứ ba là Tuyên đỉnh, tả thứ tư là Dũ đỉnh, hữu thứ tư là Huyền đỉnh. Mỗi  chiếc nặng bốn nghìn cân ta, có khắc hình tượng mặt giời, mặt  giăng, núi sông, hoa cỏ, các giống vật, vân vân.
Nhiều đồ đẹp nhất là trong điện Phụng tiên. Vàng ngọc châu  báu chẳng thiếu vật gì, bầy chật mười cái tủ kính. Nghe nói hồi  Kinh thành thất thủ đã mất mát đi nhiều, không thời còn lắm đồ quí hơn nữa. Lạ nhất thì có cây “thiên gia bách bảo thụ”, tức ta gọi  nôm là cây vàng lá ngọc. Cây cao ước hơn một thước ta, để trong  cái hộp bằng mặt kính. Cành cội toàn bằng vàng, mà hoa lá thì  bằng các thức ngọc báu, mỗi cái một thứ, không cái nào giống  nhau: chân châu, kim cương ngọc khuê, ngọc bích, ngọc lưu li, san  hô, đồi mồi, v.v. Những đồ cống vật bằng pha lê, bằng sứ tây cũng  nhiều.
Điện Thái Hòa ở trong cửa Ngọ Môn là nơi đặt đại triều ở đấy. Sơn son thếp vàng lồng lộng, giữa chỉ để một cái ngai vàng,  trông rất là tôn nghiêm. Ngoài là cái sân rộng có bệ rồng, các quan  văn võ đứng chầu ở đấy. Trước sân là hồ Thái dịch, có đồng trụ, có phường môn, cầu bắc ở giữa. Đứng trong điện trông ra ngoài sân  bát ngát, tưởng tượng những buổi triều yết thì cái nghi vệ đẹp biết  chừng nào!
Trong điện Thái Hòa, sau Đại Cung Môn, có hai bên tả vu  hữu vu đặt làm phòng khách phòng ăn theo lối Tây để những khi  tiếp các quí quan.
Vào trong là Cần chánh điện hiện đương chữa,hai bên là Văn  Minh Điện và Võ Hiển Điện. Những khi thường triều thì hay đặt ở điện Văn Minh. Vào trong nữa là Kiền thành điện, nhưng đến đấy  thì thôi, trong là Tử Cấm Thành, người ngoài không được phép  vào.  Khi giở ra quan Tham giắt vào qua Nội vụ, rồi chỉ cho xem  cái rạp hát, những khi hội tiệc Hoàng Thượng thường ra coi hát ở đấy. Bắt đầu đi từ mườigiờ, đến ngót mười hai giờ mới ra về. Ấy là mới xem thiệp liệp ở ngoài, chớ trong còn nhiều cung điện nữa.  Nhưng đó là nơi Chí tôn, kẻ thường ai dám bước chân vào đấy?
Thành cao cửa kín, cái hồn Nam Việt hơn trăm năm nay vẫn  phảng phất ở đâu chốn này. Trung gian vận nước có lúc biến thiên  mà hồn cũ không bao giờ tiêu diệt. Ngày nay gặp hội thái bình, cái  hồn cũ tất trai trẻ tinh anh thêm ra để dun dủi quốc dân vào  đường văn minh tiến hóa.Đó là cái hi vọng tối cao tối thiết của  mấy trăm vạn đồng bào ta vậy.