Phần IV

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương 
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca  ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm  khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng  ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho  con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.
Cho nên ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi cung điện  lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quí nhất là những nhân vật của xứ Huế vậy. Tôi tiếc vì không ở được bao lâu, trong khoảng mười ngày lấy  đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân, thường là người ẩn dật, không phải hằng ngày mà gặp được. Nhưng phàm  những người tôi sở biết đều là có cái tư cách cao thượng cả. Cầm,  kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của các bậc ấy. Nay không  thể biết được hết những người hay ở Huế, không thể kể được hết  những người đã từng biết, chỉ xin nói qua về một nhà nữ sử với  một vị cao tăng tôi được tiếp trong khi ở Kinh đô.
Nữ sử hiệu là Đạm Phương, con gái Đức ông Quỳnh Quốc  Công là con Đức Minh Mạnh, và là em hai Đức ông Tùng Thiện và Tuy Lý. Nữ sử năm nay tuổi chừng ngoài bốn mươi, vợ ông  Nguyễn Khoa I..., hiệu Thanh Nguyên, thuộc về dòng dõi quan nội  tán Nguyễn Khoa Đăng đã nói trên kia. Hai ông bà đều hay thơ,  thường xướng họa với nhau, có đưa cho tôi một tập thơ chữ để đăng báo. Nhời thơ chải chuốt mà có vẻ phong nhã. Có lắm bài làm theo lối liên hoàn, lối hồi văn khéo lắm. Phu nhân lại có làm thơ  nôm và biết chữ Pháp nữa, hiện đương tập lược dịch một bộ tiểu  thuyết tây. Tôi có mời phu nhân giúp vào báo Nam Phong thì phu  nhân cũng hứa sẽ soạn một ít thơ văn bằng quốc âm gửi ra sau.  Hiện có mấy bài sau này, giọng êm đềm thanh thoát, rõ ra tư cách  nhà thi nhân.
Hai bài “Nhớ cảnh núi”:
I
Phất phất mành Tương gió quạt lầu, 
Thềm hoa xem đã bóng trăng thâu. 
Bâng khuâng chạnh nhớ niềm lâm hác, 
Vắng mặt Lư Sơn những mấy lâu.
II
Giậu trúc bơ thờ ráo hột mưa, 
Tiếng chim dìu dặt gió hương đưa. 
Hồ sen nắng hạ đà phai thắm, 
Ngành cúc rừng thu tuyết điểm chưa?
Một bài “Nhớ bạn”, lối liên hoàn:
Mảnh trăng đêm dọi bóng quanh thềm, 
Bóng dọi quanh thềm giấc khó êm 
Giấc khó êm vì thương nhớ bạn,
Vì thương nhớ bạn mảnh trăng đêm.
Phu nhân có một bộ di văn của Đức ông khi xưa để lại, cả thảy hơn mười quyển, chưa từng đem in và công bố bao giờ. Toàn  là những văn nghị luận thiết thực, chớ không phải lối văn trường  ốc. Vả Đức ông về đời Thành Thái có sung đi sứ bên Pháp, nên  kiến văn rộng lắm. Khi ở Tây về, đóng cửa làm sách trong mấy năm: bộ di văn này tức là kết quả của cái công trước thuật của  ngài hồi bấy giờ. Tôi có xin phu nhân cho phép đem in để công bố cho quốc dân biết cái tư tưởng một bậc đại nho của nước ta. Phu  nhân cũng hứa sẽ cho sao lại rồi gửi ra sau, vì hiện chỉ có một bản  muốn giữ làm gia bảo. Đức ông không sinh được người con giai  nào, nhưng được người con gái như phu nhân tưởng cũng là xứng  đáng lắm vậy.
Chính phu nhân cũng có hai cô con gái học Pháp văn đã thông lắm. Cô nhớn hiện làm trợ giáo ở trường nữ học Huế, năm  nay sắp ra thi lấy bằng trung học. Con gái An Nam ta học chữ Pháp mà đến được bậc trung học tưởng mới có tiểu thư là đầu,  không kể những cô đã từng học ở bên Tây về. Mấy lần tôi lại chơi,  không được gặp tiểu thư để cùng đàm luận cho biết cái trí thức  một bậc nữ sinh có tài trong nước, thực lấy làm tiếc lắm. Nghe nói  tiểu thư rất hiếu học, và tính rất phong nhã. Cứ xem một cái cách  đặt tên cũng đủ biết tư cách người: phu nhân nói tiểu thư không  chịu viết tên bằng chữ Thị không được thanh nhã. Nguyên tên họ là Nguyễn Khoa, tên riêng là Nhơn, bèn đặt tên là Nguyễn Khoa  Diệu Nhơn. Chữ diệu đó thật là khéo, mà rõ ra cái phong thú con  người yểu điệu tài tình. Mong cho sự học vấn của tiểu thư mỗi  ngày một tấn ích: trong nữ giới nước ta sau này tất thêm được một  ngôi sao mới vậy.
Họ Nguyễn Khoa vốn là người ngoài Bắc, nguyên quán ở tỉnh  Hải Dương. Năm Minh Mạnh mới xin nhập tịch vào làng An Cựu,  thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, gần thành phố Huế.  Mười đời giúp việc bản triều, từ thời đại các chúa Nguyễn đến giờ.  Ông thủy tổ đã từng theo đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (Nguyễn  Hoàng) từ khi còn đóng đô ở làng Ái Tử. Các con cháu về sau, hoặc  làm quan văn, hoặc làm quan võ, hoặc giúp việc ở Triều đình, hoặc  xông pha nơi chiến trận, hoặc cai trị một trọng trấn, thực đã hết  lòng trung thành với nước, hình như đem cái vận mệnh riêng một  nhà mà gửi thác cả vào cái vận mệnh chung trong nước. Trong lịch  sử ít có mấy họ mà mười đời thủy chung chỉ thờ một nhà vua. Họ Nguyễn Khoa thực là có công với triều Nguyễn vậy. Vẻ vang thay!
Cao Tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trụ trì chùa Ba  La Mật, làng Nam Phố, cách Huế bốn năm cây lô mét. Chùa đó của một ông quan lớn họ Nguyễn Khoa dựng ra, thượng nhân tu ở đấy từ thủa lên bẩy, nay niên tuần đã vào khoảng ngót bốn mươi.  Nhờ có ông bạn giới thiệu, tôi mới được biết thượng nhân, thực là cảm phục cái tư cách phong nhã, tư tưởng cao thượng của người.  Thượng nhân vốn là người hoàng tộc, nên tuy ở chốn thuyền môn,  mà biệt ra một cái phong độ riêng, không giống các nhà tu hành  khác. Bước chân vào trong tinh xá, tưởng như nơi văn phòng của  nhà thi nhân tao khách nào. Không phải là đồ bầy biện đẹp, không  phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng nó phảng  phất ở trong cái phòng ấy, khiến người khách vào chơi biết ngay  ông chủ nhân là người phong nhã tài tình. Mà thượng nhân quả là người tài tình phong nhã thật. Nói thế tất có người lấy làm lạ mà tự hỏi có nhẽ nào một kẻ tài tình ví như bông hoa thơm, hòn ngọc  báu ở đời, lại không đem thân ra hưởng sự phong lưu phú quí của  đời mà chịu ẩn mình ở chốn cửa Phật là cõi tịch diệt hư không;  Đạo Phật là đạo xuất thế mà kẻ tài tình phải là người nhập thế, vì  cái tài tình phải ở đời mới có giá trị; ở chốn Từ bi thì nhất thiết  chúng sinh đều mang nghiệp khổ, người nào tài tình lắm tất nặng  nghiệp nhiều, người mộc mạc thật thà ấy là người luân hồi nhẹ kiếp. Tôi cũng thiết nghĩ như thế, nhưng nghĩ kỹ ra thì tôi tưởng  rằng cái tài tình tuy là vật quí của giời đất mà cách dùng mỗi  người có khác nhau. Phần nhiều người lấy tài tình như cái bả mà làm cho say mê người đời, để chiếm lấy phần sung sướng ở đời.  Nhưng cũng có người bẩm tính cao thượng, không lấy sự sung  sướng ấy làm cái mục đích ở đời, nên không muốn đem cái tài tình  của mình ra thi thố với đời, làm một vật buôn bán với đời, mà muốn dùng để đạt tới cái cõi mầu nhiệm cao hơn cả mọi sự mọi vật  ở đời, là cõi Tiên, cõi Phật, cõi Thánh, cõi Thần. Bởi thế nên người  tài tình không tất nhiên là phải nhập thế; dẫu xuất thế mà cái tài  tình cũng có dùng vậy. Viên thành thượng nhân có nhẽ cũng vào  hạng những người cao thượng ấy.
Vả xưa nay cái quan niệm của người đời đối với người đi tu  thường sai nhầm. Người đời cho đi tu là bỏ nhà ở chùa, ăn chay  niệm Phật, không biết rằng tu thế chưa phải là tu. người đi tu là người trong lòng khao khát một sự cao xa mà ở đời không bao giờ tới được, hoặc vì việc đời phiền phức không để cho thư thái trong  lòng mà tìm cho tới, hoặc vì lòng mình chìm đắm ở trong bể dục  mà mờ ám không trông thấy cái chân lý ở đâu. Vậy phải ra tay cắt đứt cái dây liên lạc với đời mà đem mình lánh ở nơi am thanh cảnh  vắng, để sửa trong mình cho được trong sạch sáng suốt mà đón  rước lấy cái thú cao xa kia. Sự sửa mình ấy tức gọi là tu, chớ không phải ăn chay niệm Phật mà là tu. Nên phàm ai có lòng  thành thực khao khát một sự cao hơn mọi sự ở đời, mà dùng hết  tinh lực cho tới nơi, thì người ấy dẫu không tu cũng là tu, mà người ăn chay niệm Phật nhưng trong lòng không có sự thành  thực như thế thì người ấy dẫu tu cũng chưa phải là tu. Như thế thì  xưa nay thường nghiệm phàm người tài tình phong nhã là những  người trông thấy cái cảnh tượng thô bỉ xấu xa ở đời mà chán, khao  khát muốn thoát khỏi cõi trần tục, lên một cõi cao xa trong sạch  hơn. Cái lòng khao khát ấy chẳng phải là nguồn gốc của sự đi tu,  sự xuất thế rư? Cho nên nói rằng sự tài tình không những là không trải mà lại có nhẽ hợp với cái chủ nghĩa xuất thế vậy.
Cái tài tình của Viên thành thượng nhân thì không phải tìm  đâu xa, cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết: mỗi nhời  như ngọc nhả châu phun, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng  khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ nôm cũng rất hay.  Trong khi nói chuyện người thường đọc cho nghe nhiều bài; nay  sao được vài bài nôm như sau này:
Một bài “Nhớ bạn”:
Cao thấp trời chung một hạt mưa, 
Ra đời vô núi cũng duyên dưa. 
Mấy phen sương tuyết chồi mai nở. 
Ngàn dặm tinh hoài bóng nhạn thưa. 
Lò lửa nhớ chừng vầy chuyện cũ. 
Bàn cờ theo buổi ngắm trà trưa. 
Nghĩ người đạo khế từng qua lại, 
Trăng giọi thềm rêu phải đó chưa?
Một bài “Chơi núi”:
Lững đững bên giời ngọn rớn sưa(1)
Dặng bờ thu thảo ngớt cơn mưa. 
Rêu xanh đá mọc nhìn đường cũ, 
Khói biếc thành xây tưởng dấu xưa.
Mây phủ dịp cầu sen ẩn tróc, 
Cây lồng bóng nước cảnh thừa ưa. 
Khách quen năm trước bây giờ đến. 
Thử hỏi non sông đã biết chưa?
Thượng nhân lại thường nhận những câu hát ca dao nhiều  câu rất có ý vị, người bèn dịch ra thơ chữ tuyệt khéo mà diễn được  hết cái tinh thần của câu nôm.
Như câu:
Núi cao chi lắm núi ơi! 
Núi che mặt trời không thấy người thương 
người dịch ra hai câu chữ là:
Kỷ trùng lam thùy vô cùng hận,
Nhật ảnh vân già cách cố nhân.
Lại câu:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. 
Nhớ người đẫy gấm khăn điều vắt vai, 
người dịch là:
Hoàng hôn vô hạn hoàng hôn từ. 
Hồng phách hà bao nhỡn lí nhân
Phi tay thi nhân tuyệt diệu không dịch được như thế.
Nhưng thượng nhân không những là một tay thi nhân có tài,  mà lại là một nhà tư tưởng sâu sắc nữa. Người nghiên cứu về Phật  học rất thâm, cốt để giải lấy cái giáo lý, thấu được những nhẽ mầu  nhiệm của đạo Phật. Người nói chuyện với tôi rằng hiện đã soạn  được một bộ Thích ca lược sử bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, còn  đương chú thích, khi nào xong sẽ gửi để đăng báo. Quốc dân ta  ngày nay đã ai chịu công nhận rằng chữ quốc ngữ có văn mà đã mấy người chịu hạ cố viết văn xuôi; nay nghe thượng nhân nói làm  sách bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, tôi có ý lấy làm lạ, người  bèn đáp rằng: “Bên Gia Tô người ta còn làm sách bằng quốc ngữ,  theo như nhời nói thường, để cho nhiều người hiểu mà dễ truyền  bá đạo. Mình há lại không nên làm như thế rư?”. Nghe câu đó mà tôi mừng rằng đã có một bậc trí thức biết cho văn quốc ngữ là có ích lợi. Thực đáng mừng mà đáng vui thay, vì cái vấn đề văn quốc  ngữ ấy vẫn là một sự khổ tâm cho tôi đã lâu nay vậy. Nhân bàn về đạo Phật, thượng nhân khuyên tôi nên cổ võ Phật học trong báo  Nam Phong, rồi người phát khởi ra một cái tư tưởng lạ. Người nói  rằng: “Đạo Phật ở nước ta sở dĩ không thịnh được là bởi không có một cái Giáo hội như đạo Gia Tô ở các nước bên Tây. Nay muốn  cho đạo Phật thịnh hành mà có thế lực trong nước thì phải họp cả các chùa lại, đặt một ông sư trưởng tức như ông giáo hoàng, lập  lấy một cái tư bản chung, khiến cho các môn đồ đạo Phật trong  nước thành một đoàn thể mạnh, như thế thì ích lợi cho quốc dân  biết chừng nào! Ước gì vua ta chủ trương được việc đó thì thực là phúc đẳng hà xa”. Ấy cái hi vọng của người to tát như thế, cái tư  tưởng của người cao xa như vậy.
Tôi ngồi nói chuyện mà không muốn đứng ra về nữa. Thượng  nhân lại giắt ra xem cái vườn hoa riêng của người. Vườn hoa xinh  thay! Đáng yêu thay! Trông tưởng như một cái hoa viên trong sách  tiểu thuyết tàu vậy. Những cây, những hoa giồng trong vườn ấy  toàn là những cây cùng hoa quí cả, mà là những cây cùng hoa các  thi nhân đã từng đề vịnh cả. Người chỉ cho xem cây nào lại đọc  liền ngay câu thơ theo sau, hoặc là câu của tiền nhân, hoặc là chính của người. Nghe những tên người đặt cho các cây hoa đó cũng đã có thi vị lắm rồi: cây này là cây tì bà, lá như hình cái đàn  tì bà, cây kia là cây mai khôi, hoa này là hoa thập tỉ muội hồng,  chậu kia là chậu túy ông lan. Chỗ thì bụi tùng, chỗ thì khóm trúc, chỗ thì hòn núi giả, chỗ thì cành giậu thưa. Tôi có ý nhận suốt  trong vườn không có một thứ hoa gì là sặc sỡ nồng nàn, như ông  bụt tây hay mẫu đơn tàu. Cái tính tình ông chủ nhân tất cũng có cái vẻ dịu dàng mát mẻ như chốn hoa viên ấy vậy. Người giữ đứng  lại để chờ giăng lên mà thưởng nguyệt trong hoa thì mới thú.  Nhưng bữa ấy là ngày 20, đợi mãi đến khuya mà giăng chưa mọc.
Anh em đành phải xin từ biệt ra về, trong lòng luống những  ngẩn ngơ, vì nhớ cảnh, vì nhớ người.
Thượng nhân tiễn ra đến cửa chùa, vừa đi vừa ngâm:  Chân trọng cà xa tống xuất môn...
Quí hóa thay!

*

Ấy người Huế như thế, cảnh Huế như thế. Thiết tưởng cái  cảm tình của tôi với Huế cũng không phải là quá đáng vậy. Nếu có người đọc bài này mà cũng sinh lòng yêu mến chốn Kinh đô cũ của  nước nhà, nhân đó yêu đến cả nước nữa, thì “mười ngày ở Huế” của  tôi cũng không phải là vô ích vậy.

Hà Nội, tháng 4 năm 1918

PHẠM QUỲNH
1 Rớn ngoài Bắc gọi là giảng, là cái mây sắc đỏ vàng, sau khi mưa. Sưa là thưa

Xem Tiếp: ----