Chương 2

Đạt nhìn đồng hồ, đi như chạy trên lối đi trải nhựa vào căn nhà nằm giữa vườn đầy hoa và cây ăn trái. Căn nhà trệt, ngói đỏ, lót nền bằng gạch bát tràng, có đến hai cửa chính và rất nhiều cửa sổ. Có đến năm phòng ở, mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng, phòng khách rộng thênh thang, trang trí nhiều tranh của các nhà danh học về thủy mạc và đồ cổ.
Cả căn nhà rộng lớn vậy, chỉ có anh em Đạt ở và người giúp việc nhiều năm. Hôm nay căn nhà thêm phần tĩnh mịch bởi Đạt không nhìn thấy cảnh quen thuộc mỗi chiều. Một thanh niên ngồi bên thềm nghiêng tai nghe chim hót.
- Anh Hai!
Chỉ có âm thanh Đạt gọi vọng lại ngân nga.
- Dì Út!
Đạt tuôn vào nhà. Mọi vật vẫn như cũ, những cánh cửa mở toang, gió thổi tung rèm. Bình cúc tím Đà Lạt thầm kín, dịu dàng nhìn Đạt, im lặng.
- Anh Hai! Dì Út!
- Dì đây. Chuyện gì mà con gọi thất thanh vậy?
Người đàn bà trạc ngoài năm mươi, to khỏe, lộ mặt từ ngoài cứa sổ hướng phòng Đạt, hỏi vòng vào:
- Anh Hai con đâu? Đạt hỏi hấp tấp, chạy vòng ra phía sau vườn.
Bà Út đưa mắt nhìn vào cuối sân vườn. Nơi ấy, có đám hoa quỳ nở vàng rực, có người thanh niên ngồi bất động im lìm.
- Anh Hai!
Đạt rón rén lại gần, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh anh, gọi nhỏ. Khá lâu, người thanh niên mới mở miệng:
- Em ở công trường mới về ư?
- Sao anh Hai biết tài vậy?
- Anh nghe mùi đất đá, vôi vữa lẫn khuất trong em.
Gã quay lại nhìn vào Đạt, đôi mắt đục màu trắng mây trời. Đôi mắt kẻ mù lòa.
- Em đi tắm rửa đi, xong, ta cùng ăn cơm.
Đạt thở ra nhè nhẹ, giấu nét mừng. Hôm nay anh Hai của anh không còn lạnh lùng đến khắc bạc. Đạt sẽ sàng nắm tay anh, không thấy dấu hiệu phản đối, Đạt muốn khóc. Anh cố nén xúc động, nói:
- Em vừa đặt mua một con Hoàng Yến, nó hót hay tuyệt. Ngày mai, người ta mang đến.
Gã mù nín thinh. Gã biết thằng em làm tất cả vì gã, nhưng nó có biết gã không còn ham thích thứ gì trong cuộc đời này.
- Chiều rồi phải không Đạt?
- Dạ.
- Hèn gì, anh như nghe cây lá lặng yên, ngơi nghỉ. Vô nhà thôi, kẻo dì Út chờ.
Đạt nắm tay anh, đi chậm vào nhà.
Đêm xuống thật nhanh, khi họ ngồi vào bàn dùng bữa tối. Đạt đích thân bỏ thức ăn vào chén cho anh, hỏi từng món anh thích. Bữa cơm kéo dài, bà Út nói:
- Đạt nè! Con đừng chăm thằng Thành quá. Hôm qua, nó nói với dì, nó không quen vậy, con cứ để nó ăn tự nhiên, gì nó không làm được, chớ ăn cơm nó biết.
Đạt nhìn anh, ngập ngừng:
- Xin lỗi anh Hai, em sợ...
Thành thoáng nét cười, bỏ đũa tư lự:
- Em đừng lo. Anh sống trong bóng tối được mười năm và một tháng, đã thích nghi hoàn cảnh, chuyện ăn uống như người sáng mắt vậy, chỉ cần dì Út không di chuyển vị trí từng loại thức ăn, hoặc khi ngồi vào bàn cho anh biết thứ gì nằm ở đâu là được.
Mắt Đạt cay xè, chỉ một câu nói của Thành đủ làm Đạt đau đớn trong lòng. Anh em máu mủ tinh thâm, vì sao đến nỗi xảy đoạn trường?
- Anh Hai!
- Anh no rồi. - Thành đứng lên - Em đi công trường, nên ăn nhiều cho khỏe.
Thành không đến ngồi phòng khách nghe thời sự như mọi ngày, mà về thẳng phòng riêng. Đạt nhìn theo, nuốt nước mắt, thì thầm:
- Xin lỗi anh Hai.
Bà Út thở ra, khuyên dứt.
- Lỗi gì ở con, lại tự chuốc vô mình? Giờ anh em hòa thuận, chỉ cần lo cho nó suốt đời là được rồi.
Đạt gục vào đôi tay, thì thầm:
- Không đâu dì Út. Con linh cảm anh ấy không bao giờ tha thứ và con sẽ mất anh ấy mãi mãi.
Đạt rên xiết:
- Trời già cay nghiệt, hay người cay nghiệt để anh con tàn tật một đời? Con hận, con hận lắm.
oOo
Phòng của Thành ở có hai cửa sổ nhìn ra hai hướng. Hướng sau nhà, bên đám hoa quỳ là cây ngọc lan đang mùa hoa nở, tỏa hương thơm ngát sân vườn. Cửa bên kia là một dãy năm chậu mai hồng diệp. Đạt không nói, nhưng bà Út kể Thành nghe. Năm chậu mai này, Đạt tốn nhiều công sức, tiền bạc tậu về chỉ vì Thành. Cả năm cây mai đều được trồng hơn nửa thế kỷ, nên rất đắt. Có cây nở chín cánh, có cây nở mười hai cánh, hoa lớn, cánh dầy. Mùa xuân năm nay, năm cây rộ nở đúng dịp xuân. Thành đã nghe được hương hồng diệp mai tỏa đượm gian phòng.
Thành hiểu tâm ý của Đạt. Anh nhớ ngày Đạt tìm được anh, đã quỳ bên anh khóc, nói rằng:
- Má không chết đâu anh. Má luôn ở mãi bên anh em mình. Anh Hai! Cho em được sống với anh, với má nghe anh?
Mai là họ của Thành, cũng là họ mẹ Thành. Bà họ Mai tên Hồng Diệp. Nếu còn sống, năm nay bà ngoài năm mươi tuổi.
Thành ngồi bên cửa sổ, hương ngọc lan thơm tỏa, nhưng không át được hương mai trong lòng anh dù hoa mai đã đi theo mùa xuân. Anh gục đầu bên cửa sổ, mường tượng những cành lá đỏ khoe sắc, vẫy cánh chào vĩnh biệt bao đóa mai vàng lả tả rụng sau cơn gió của xuân. Má ơi!
Hồn Thành bay xa về quá khứ, về thời bé dại xa xưa...
oOo
Năm ấy, Thành học lớp ba, vừa đổi trường mới. Thằng nhóc lớp một đứng khóc sau gốc phượng già sân trường, khiến Thành chú ý:
- Sau mày khóc?
- Em...mắc...tè...Hu, hu
Thằng Thành lõ mắt:
- Thì cứ đi tè. Cầu đằng sau kìa.
- Nhưng...em mở nút..hổng ra.
Thiệt hết biết. Thằng Thành mở nút chưa kịp rút tay, thằng nhóc đã tè như rồng ngay gốc phượng, nước tiểu bắn khắp tay Thành. Nó đổ quạu:
- Sao mày tè bậy hử?
Thằng nhóc lại khóc:
- Em hết nhịn nổi rồi. Hu, hu.
May mà giờ ra chơi, ở góc sau hè của trường không ai ghé mắt.
Thằng Thành chạy đi rửa tay, quay lại kéo khóa, gài nút cho cu cậu. Xong, hỏi:
- Mày tên gì?
- Dạ, tên Đạt.
Thấy mặt mũi thằng nhóc tèm nhem, thằng Thành dắt nó đi rửa mặt, lau khô rồi hai thằng ngồi làm quen.
- Bộ mày hổng quen...cởi quần hả?
- Dạ, em học...có cô giáo..cởi quần, đút ăn.
- Đó là mẫu giáo, giờ mày lớn rồi mà.
Đạt sụt sịt cãi:
- Đâu...lẹ vậy. Mới nghỉ hè xong.
Thằng Thành phì cười. Thằng này chắc là cậu ấm rồi.
- Vậy còn ở nhà?
- Ở nhà em mặc quần dây thun. Mà..có vú...với anh tài xế cởi.
Chẳng hiểu sao, Thành thấy thương thằng nhóc. Mà cũng lạ. Tính Thành ít nói, khó gần gũi ai, có lẽ ảnh hưởng nhiều tính mẹ nó, nhưng thấy thằng Đạt lại muốn kết bạn. Và chỉ vài buổi học nó hiểu tỏng nhà thằng Đạt là thế nào, để mà...thương xót cho nó hơn.
Ông ngoại Đạt làm lớn lắm, ba má Đạt rất giàu, có xe hơi. Nhưng Đạt từ nhỏ đến giờ ít gần gũi ba má. Họ đi suốt, chỉ có dì Út và chú Lai chăm nom Đạt. Ở trường mẫu giáo, Đạt được chăm sóc "đặc biệt" nên ít bạn. Ở nhà càng không có, vì nhà biệt thự kín cổng cao tường. Thế đó.
Và chúng nó thành bạn nhau. Suốt ba năm ở cấp một, Thành và Đạt may mắn học chung buổi. Chúng rất gắn bó, thương yêu nhau. Lớn hơn có hai tuổi, nhưng Thành dạy Đạt được nhiều điều. Những điều Thành học được từ má Mai của nó...
oOo
- Anh Hai!
Thành ngẩng lên, nghiêng tai.
- Em vào được không?
- Vào đi - Thành ngồi nguyên chỗ, chỉ vươn thẳng người. Đạt lấy ghế, đến ngồi bên anh trong bóng tối. Ánh điện từ sân vườn hắt quầng sáng soi bóng hai anh em. Thành rũ tóc che vầng trán và ánh mắt màu mây. Đạt nhìn anh, nói nhỏ:
- Em định xin nghỉ phép đưa anh sang Mỹ.
- Vô ích thôi em. Đừng tự đánh lừa mình.
Đạt muốn nói, Thành đưa tay ngăn:
- Bỏ đi. Em có nhớ hồi nhỏ từng nói với anh "Anh Thành không nói sai bao giờ" không?
Thành ngẩng lên, tưởng như thấy gương mặt Đạt thoáng niềm vui sướng.
- Ngày xưa vui quá, phải không em?
Đạt mừng muốn khóc, rụt rè nắm tay anh:
- Anh còn nhớ em?
- Anh có bao giờ quên. Em nhớ không, năm anh vào lớp sáu, em về đòi đi học lớp sáu theo anh.
Đạt ứa nước mắt:
- Sau đó, cứ đến giờ ra chơi, trường hai đứa cách nhau nửa cây số, anh chạy thật nhanh để đến chơi với em vài phút.
- Rồi anh vào cấp ba, vẫn leo rào về trường cấp hai để cùng ra chơi với em.
Đạt gục vào anh, nước mắt rơi đầy vai áo Thành:
- Em ước gì thời gian dừng lại mãi ở đó. Em luôn sung sướng và oán hận mình, vào cái ngày đầu tiên gặp má Mai.
Thành ngồi như pho tượng, rất lâu mới đưa tay ôm Đạt và sờ lên tóc anh. Đạt run lên. Ngày xưa, Thành luôn làm như thế mỗi khi Đạt có chuyện buồn Tính Thành nghiêm nghị, ít nói, nhưng tấm lòng độ lượng. Vào cấp ba, Thành đã là chàng trai chín chắn, những khi Đạt bốc đồng, gây chuyện nông nỗi, Thành nghiêm khắc răn đe. Những khi Đạt buồn ba mẹ, bao giờ Thành cũng khuyên lơn, dỗ dành.
Và cũng vì thương Đạt như em trai, Thành mới đưa về gặp mẹ. Thành nén thật sâu vào tận đáy lòng tiếng thở dài.
- Đừng tự trách mình thế em. Nào, cứng rắn lên. Em bây giờ đã là người đàn ông rồi, rất thành đạt, rất...
- Mình sang Mỹ thử nhé anh?
Tay Thành rời tóc Đạt. Anh mù, nhưng hoàn toàn sáng suốt để hiểu. Đôi mắt anh không thể cứu chữa, Đạt làm tất cả mọi điều, chỉ vì quá yêu thương anh.
Đạt ngước lên, qua ánh điện hắt nguồn sáng xuyên cửa sổ, gương mặt Thành trong mắt Đạt như một tác phẩm điêu khắc trơ trơ, lạnh lẽo, khiến Đạt rùng mình.
- Anh Hai! Em...
- Anh hiểu tấm lòng em.
Thành sờ soạng đứng lên, nói:
- Anh muốn nghỉ ngơi.
Đạt đỡ anh đi về giường. Ngồi bên anh mãi, tay lần tay Thành mân mê, hỏi nhỏ:
- Sao em không thấy anh đánh đàn?
Cây đàn Đạt mua rất đắt tiền. Thành từng ngồi vào dạo thử, nên biết. Chẳng phải Thành không thích đàn, chỉ vì anh không còn mẹ để lắng nghe và vì anh sợ vong linh mẹ nhìn cây đàn sẽ tủi. Cả đời bà, không làm sao mua được cho Thành chiếc dương cầm, điều mà Thành mong ước nhất.
- Nếu em thích, anh sẽ đánh đàn.
Đạt cắn răng:
- Anh Hai hãy đánh khi nào thích đánh.
Cho tới khi Thành thở đều vào giấc ngủ, Đạt vẫn ngồi đó, thả hồn vào tháng ngày thơ dại xa xưa. Ngày ấy, có thằng bé sống trong giàu sang, nhưng luôn thiếu thốn mọi thứ tình cảm.