Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 19

Đêm đó, sau bữa cơm chiều, cả gia đình chúng tôi tụ họp lại trong phòng ngủ của ông bà ngoại tôi để nghe Loan thuật lại những cảnh sống vừa qua của chị. Mặc dù trên lý thuyết, toán thanh niên xung phong không phải là một binh chủng trong quân đội, nhưng chị vẫn được huấn luyện về kỷ thuật chiến đấu như cách bắn súng, cách áp dụng những kỷ thuật lâm trận và ngay cả cách giết người. Tuy vậy, nhiệm vụ của chị là xóa bỏ những dấu hiệu tiêu cực, tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và trừng phạt những ai không hợp tác với chính quyền mới.
Sau ba năm phục vụ, chị đã chứng kiến đủ mọi xáo trộn. Hết kỳ hạn ba năm, chị không tái đăng ký. Khoảng thời gian phục vụ cho chính quyền đó đủ để bảo đảm vị trí của chị.
"Chị Ở với tụi em chứ?" Tôi hỏi sau khi chị kể dứt chuyện.
"Không, Kiên ạ. Chị đến để từ giã mọi người." Chị buồn bã đáp.
Dường như không ai ngạc nhiên về tin đó. Với thân phận của chị bây giờ mà liên hệ với thành phần "phản động" như gia đình chúng tôi thì chỉ có thiệt thân.
"Con sẽ đi đâu?" Ông tôi hỏi.
Loan thở một hơi dài đáp:
"Con sắp lấy chồng, thưa bác." Chị tránh không nhìn vào mặt ông tôi. "Đám cưới sẽ tổ chức vào tuần tới."
"Bác mừng là con đã thành gia thất." Ông tôi hoan hỉ. "Chúc mừng con. Đứa nào có cái phước đó? Con quen trong khi công tác hả?"
"Dạ không." Loan thì thầm, ngực chị nhấp nhô dưới làn vải ka ki bạc màu. "Bác biết anh ấy. Anh ấy trước là người làm vườn cho bác."
Nụ cười biến mất trên mặt ông tôi, ông chớp mắt như không tin ở tai mình:
"Ông Trần?"
"Dạ phải!"
Ông tôi quay đi, hai tay ôm lấy phần dưới khuôn mặt. Chị Loan tiếp tục:
"Anh ấy đã bốn chục tuổi và chưa hề lập gia đình." Chị nói. "Nhưng với tiêu chuẩn của xã hội bây giờ, anh ấy là đối tượng tốt. Mấy năm qua, anh ấy lo lắng cho con rất nhiều. Trong thời gian con đi nghĩa vụ, xa nhà, anh ấy đến thăm con thường xuyên, theo dỏi đường đi nước bước của con. Anh ấy động viên con trong những giai đoạn khó khăn nhất. Và quan trọng nhất là anh ấy hứa là sẽ không làm khó dễ gia đình bác nữa. Con nghĩ là con mắc một món nợ với anh ấy, thưa bác."
"Con đừng lấy chồng chỉ vì gia đình bác. Gia đình bác không còn gì cho anh ta làm khó nữa đâu." Ông tôi thì thầm.
"Con biết, thưa bác. Con quyết định lấy anh ấy là vì tương lai của con. Vì sự an toàn và bảo đảm cho con; còn việc an toàn cho gia đình bác chỉ là phụ thêm vào thôi. Bác, hơn ai hết, hiểu điều đó."
Ông tôi gật đầu:
"Con nói đúng. Bác hiểu và bác nghĩ là con đã có một quyết định khôn ngoan. Bác rất mừng cho con. Nếu con tới đây chỉ để báo tin đó thì bác chúc mừng cho con." Ông tiếp: "Nếu con không còn gì nữa thì bác xin kiếu, bác tuổi già thành ra hơi mệt."
"Thưa bác, thực ra" Loan nói với vẻ ngập ngừng "còn một chuyện nữa. Chuyện này có liên quan đến Cô Khuôn. Sau đám cưới, con sẽ dọn vào Lâu Đài Nhà Nguyễn với anh Trần. Anh ấy muốn giữ căn nhà dưới tên ảnh, và cách duy nhất là lấy vợ và xây dựng một gia đình riêng. Con hy vọng là một ngày nào đó bác sẽ hiểu và tha thứ cho con. Từ nay bác biết chỗ ở của con rồi, nếu có cần gì, bất cứ chuyện gì xin cứ đến tìm con. Con nói điều đó với tất cả tấm lòng chân thành của con." Chị quay sang tôi "Nhất là em, Kiên. Thỉnh thoảng đến thăm chị."
Cuối cùng mẹ tôi lên tiếng:
"Chuyện giữa em và ông Trần không có gì lạ. Cách ông ấy nhìn em mấy năm trước cho thấy rồi; vấn đề là thời gian thôi."
Loan đứng dậy lầm lủi ra khỏi nhà. Từ cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy cái dáng mệt mỏi của chị vác chiếc ba lô nặng trĩu trên vai xuôi về cuối con đường.
°
Mấy ngày sau đó, bà ngoại tôi phát hiện ra một vết sướt nhỏ phía bên gót chân phải. Bà tôi không biết nguyên do từ đâu. Mẹ tôi nghĩ là do chiếc guốc bà tôi vẫn thường mang đi lại trong nhà. Vết sướt không chịu lành mà mỗi ngày một nặng thêm lên.
Một buổi sáng, tiếng rên rỉ của bà tôi đánh thức tôi dậy. Bà nằm trên giường, ông tôi, mẹ tôi và mấy người anh em bạn dì của tôi đứng vây chung quanh. Mọi người đang quan sát cái chân sưng bầm lán bóng như khúc thịt heo quay của bà tôi. Lớp da bị căng cứng lên trở thành màu đỏ thẫm có vẻ như sắp rách toạt ra. Mẹ tôi dùng dao cắt một vệt nhỏ định cho mũ chảy ra. Nhưng thay vì mủ, máu bầm lẫn với thịt rữa trào ra nhỏ xuống chiếc chậu bằng nhôm đặt phía dưới giường. Mùi hôi thối nồng nặc trong không khí.
Chúng tôi đưa bà vào một bệnh viện lớn ở Nha Trang, ở đó bác sĩ giữ bà tôi nằm yên trên bàn để làm một vài thử nghiệm. Vài ngày sau, một phần vì chúng tôi không còn đủ tài chánh mà các bác sĩ thì lại không có những ý kiến thống nhất về tình trạng của bà tôi nên họ cho bà tôi về nhà với sự chẩn đoán là bị bệnh ung thư.
Về nhà, mẹ tôi mời một ông thầy thuốc bắc nổi tiếng trong vùng đến trị cho bà tôi. Sau vài phương thuốc, bà tôi bớt sốt dù chân vẫn còn sưng.
°
Trong khi đó, việc buôn bán của mẹ tôi càng lúc càng khó khăn. Cộng sản áp dụng một phương cách mới để triệt hạ nghành tiểu thương của miền Nam bằng cách cấp môn bài buôn bán, nhưng chỉ cấp có giới hạn cho một số người. Những người không được cấp môn bài được khuyến cáo nên "tự nguyện" bỏ nghề. Để thi hành chánh sách mới đó, hàng ngày công an xét giấy phép buôn bán của mọi người. Bất cứ ai bị bắt trong lúc buôn bán mà không có giấy phép sẽ bị ghép tội buôn bán bất hợp pháp và sẽ bị đưa đi lao động vài tuần lễ.
Một ngày nọ, ngay sau khi ông thầy thuốc bắc vừa ra khỏi nhà và mẹ tôi đang thay băng buộc vết thương cho ngoại tôi thì bà Đặng ào vào nhà. Bà Đặng cũng bị cấm buôn bán giống như mẹ tôi vì lý lịch quá khứ không trong sạch của bà. Trừ một ít quần áo bày bán trong một quày hàng nhỏ thuê lại nằm đối diện với khu chợ, bà Đặng chẳng có gì khác. Cái mùi hôi thúi có vẻ như chẳng làm cho bà Đặng bận tâm khi bàn xáp đến gần mẹ tôi.
"Chị nghe tôi nói cái này một chút, chị Khuôn. Tôi đã tìm ra cách cho chúng mình cùng kiếm sống."
Mẹ tôi đáp:
"Tôi đang nghe chị đây"
"Được. Như thế này: Chị biết là chúng ta không thể buôn bán gì được nếu không có giấy phép. Trước sau gì rồi công an cũng bắt chúng ta thôi. Tôi biết một vài người có giấy phép. Họ cần người mang hàng hóa vải vóc từ Sài Gòn ra cho họ."
"Nghĩa là sao?" Mẹ tôi ngưng quấn băng lên mắt cá chân bà tôi.
"Mình đi Sài Gòn nhận hàng"
"Chị nói giởn chơi rồi." Mẹ tôi quay mặt đi.
"Mình có thể làm được. Không có luật cấm chúng ta đi đây đi đó. Chúng ta có giấy tờ, căn cước đàng hoàng. Luật không còn bắt chúng ta đi đâu cũng phải mang theo giấy đăng ký hộ khẩu nữa." Bà Đặng ngưng lại cho lời nói của mình thấm vào rồi tiếp, "Chị nghĩ sao? Có đi Sài Gòn với tôi không?"
Mẹ tôi lắc đầu.
"Đi với tôi, Chị Khuôn! Chị thấy cái kế hoạch đó của tôi có được không?"
"Tôi không biết, có vẻ rắc rối quá. Ngoài ra, tôi không thể bỏ mặc mẹ tôi trong tình trạng như vầy, chưa kể còn bầy con nữa. Mà đã chắc gì ông chủ tịch phường chịu cho tôi đi khỏi đây?"
Bà Đặng siết chặt cổ tay mẹ tôi: "Chị còn có cách nào khác? Nếu không làm chuyện này, rồi chị cứ liều mạng tiếp tục bán hàng không có giấy phép hay sao? Hay là chị sẽ nằm nhà để cho cả nhà chết đói?"
Mẹ tôi biết là không đủ lý do vững chắc để cãi lại. Bà hỏi:
"Chuyến đi bao lâu? Và mỗi người cần bao nhiêu tiền?"
"Nếu tôi tính không lầm thì chúng ta cần khoảng hai ngàn đồng cho chuyến đi năm ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi người sẽ kiếm được vài trăm."
" Một ngàn đồng mỗi người?" Mẹ tôi thốt lên một tiếng kêu nhỏ. "Tôi không có nhiều tiền như vậy. Tôi kiếm đâu ra cho đủ một ngàn đồng?"
"Bán đồ đạc." Bà Đặng nói tỉnh. "Tôi cũng phải bán đồ đạc trong nhà để lấy tiền. Chúng ta có thể bắt đầu vào ngày mốt. Tuy nhiên, tôi cần chị xác định là chị đi với tôi."
Trong phòng kế, em gái tôi thức giấc và bắt đầu khóc. Nó đã hai tuổi rưỡi mà thân thể, đầu óc chỉ bằng một đứa bé lên một, thân thể còm cỏi nhăn nheo, đầu cổ đầy mụt nhọt. Nó tập nói tập đi một cách khó khăn, thường chỉ thích bò hơn là đi, chỉ biết khóc thay vì đòi ăn. Mặt nó nhăn nheo như một bà già, giọng nói yếu ớt, nhỏ như tiếng mèo con mới sanh.
Tiếng khóc của nó làm mẹ tôi bực mình, ngừng tay đang băng vết thương cho bà tôi, hét lớn với vẻ bực dọc: "Kiên, dỗ cho nó nín. Mẹ đang nói chuyện với cô Đặng."
Tôi bồng nó lên đu đưa trong khi hai tay con bé ôm chặt chiếc gối đã nhàu nát. Chiếc gối đã gần muốn mục và thum thủm như mùi nước mắm vì mũi dãi nhưng là chỗ nương tựa an toàn của nó. Bé Tí nằm trên đùi tôi, ngước đôi mắt lồi to lớn màu nâu nhìn tôi bằng một cái nhìn ngờ nghệch, rồi thưởng tôi bằng một cái miệng cười không răng.. Những chiếc răng sữa của nó đã rụng hết mà răng thiệt thì chưa kịp mọc ra.
Bên phòng kế, mẹ tôi đang hỏi ý kiến ngoại về đề nghị của bà Đặng. Tôi nghe giọng nói yếu ớt của ngoại:
"Mẹ nghĩ con nên đi Sài Gòn một chuyến. Đừng lo cho má. Có ba con ở đây thì má không sao đâu; còn thằng Kiên có thể lo cho mấy đứa em của nó được. Con có ở nhà cũng không làm cho mọi chuyện khá hơn đâu."
Hai ngày sau, với số tiền bán chiếc máy may, mẹ tôi đã sẳn sàng lên đường. Bà nhét vào tay tôi tờ giấy bạc năm chục đồng, trấn an là bao nhiêu đó đủ cho chúng tôi sống trong năm ngày tới rồi mẹ tôi từ biệt lên đường.
°
Cùng ngày hôm đó, trường tôi tổ chức buổi diễn hành cuối niên học. Dẫn đầu là đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh mà những chiếc khăn quàng cổ màu đỏ của họ phân biệt họ ra với các học sinh khác. Anh phó trưởng lớp tôi hãnh diện cầm lá quốc kỳ trong tay dẫn đầu đoàn diễn hành. Họ đi ngang qua thành phố, hát bản quốc ca và hô các khẩu hiệu tuyên truyền của cộng sản trước một đám đông nhiệt liệt.
Tôi lánh mặt trong lớp học. Duy ở lại với tôi cho có bạn, ngồi bên cửa sổ nhìn đoàn diễn hành ngoài xạ Trời đã xế chiều; mặt trời đầu hạ phả hơi nóng gay gắt. Mùi phân bò nồng nặc trộn lẫn với mùi lúa chín ngọt ngào từ những cánh đồng lúa lân cận. Tất cả những thứ đó mang lại một cảm giác thư thái và mi mắt tôi nặng chiũ.
"Mày có biết chuyện của cô San không?" Duy hỏi.
"Không." Tôi ngồi dậy, tỉnh ngủ vì tò mò. "Mày nghe chuyện gì?"
Duy trả lời với một chút xúc động:
"Tao nghe nói cô trốn đi mấy ngày trước và trên tàu có người làm phản. Cô bị bắn. Không ai được biết. Công an đang làm việc với ông chủ nhiệm của trường. Họ nói là cô ấy chết rồi."
"Trời ơi!" Tôi nghe lùng bùng như bom nổ bên tai.
"Ừ, kinh khủng quá phải không? Còn không được làm đám táng. Học sinh cũng không được cho đến thăm." Nó nhìn chăm chăm vào mặt tôi: "Nếu cô San còn đây, chắc chắn cô ấy sẽ tranh đấu cho mày được đi diễn hành."
Tôi lắc đầu:
"Ông chủ nhiệm nói là tao không xứng đáng. Tao cũng không nghĩ ông ấy cho là cô San xứng đáng được an táng đàng hoàng. Chẳng phải vì lý do cá nhân. Chuyện nó phải vậy thôi."