Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 45

Sài Gòn, tháng 2 - 1985
Với số tiền bán chiếc giây chuyền của chị Loan, mẹ tôi đưa chúng tôi vào Sài Gòn một tuần trước ngày phỏng vấn. Chúng tôi ở tạm tại nhà ba má dì Đặng. Vợ chồng cụ già sống trong một cái chái nhỏ trước kia là nhà bếp của họ, cách Dinh Độc Lập một khoảng ngắn. Căn nhà lớn bên cạnh, nơi chúng tôi đã gặp dì Đặng mười năm trước đây lúc đi đón chiếc trực thăng, đã được chia cắt nhiều lần và bán cho nhiều người khác nhau. Họ chỉ còn lại căn bếp đó và một phòng tắm nhỏ xíu. Căn chái quá nhỏ, ngay cả đối với hai cụ già; nhưng họ mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi.
Sài Gòn thay đổi nhiều từ sau cuộc nội chiến chấm dứt. Bộ mặt thành phố cũng như dân chúng đều mang một vẻ chán nản, mệt mỏi. Những ngôi nhà xinh đẹp ngày trước bây giờ đầy mối mọt. Sơn trốc nhường chỗ cho rêu. Qua các khung cửa sổ đã bị tháo gỡ, những khuôn mặt dơ bẩn của con nít thò ra nhìn khách qua đường với cái nhìn trống vắng. Xe đạp, xe kéo chạy đầy trên các con đường hẹp, làm tăng thêm những tiếng ồn ào nhức óc bất tận. Quả thật chúng tôi khó có thể hòa nhập vào cái sinh hoạt nhộn nhịp như một bầy ong đó được.
Tôi đi ngơ ngẩn qua các con đường xa lạ, lòng ngổn ngang với những thủ tục xuất cảnh rắc rối. Tôi không dám trực diện với nỗi lo âu của mình. Tôi không biết số phận gia đình tôi sẽ đi tới đâu. Tương lai của chúng tôi là một bí mật. Chúng tôi có đi được hay không tùy thuộc vào quyết định của những khuôn mặt vô hình xa lạ tôi không bao giờ biết được.
Sài Gòn vào năm 85 đầy nghẹt, chật chội và tràn ngập rác rến. Trong cái nóng hừng hực, bụi bốc lên bay đầy trong không gian rồi phủ chụp xuống mọi vật như những giòng tuyết đen bất tận. Tôi học được ngay một điều là không nên ăn mặc áo quần có màu sáng quá. Mọi vật bị nhuộm đen rất nhanh, nhất là ở trung tâm Sài Gòn, nơi mà tất cả mọi người lăng xăng nuồm nuộp hết từ chỗ này tới chỗ nọ.
Trong lá thư gởi kèm theo giấy thông hành của chúng tôi cho biết sở di trú tọa lạc tại số 4, đại lộ Duy Tân, con đường nổi tiếng vì có nhiều hàng me cao, bóng láng. Đây là một loại cây nhiệt đới, lá nhỏ, cành đan nhau thành một tấm màng lá che phủ suốt con đường. Dinh Độc Lập và toà đại sứ Mỹ cũ cách đó mấy dãy đường, nằm dấu mình sau những tàn mẹ Sáu giờ rưỡi sáng, tôi và gia đình tụ tập ngay trước sở di trú cùng với hai mươi gia đình khác, chờ xe buýt chở đến địa điểm phỏng vấn cách đó chừng một giờ lái xe.
Vào thời gian đó, lệnh cấm vận giữa Mỹ và Việt Nam được áp dụng triệt để. Nhân viên thiện nguyện Mỹ phải bay từ Băng Cốc đến một vùng ở ngoại ô Sài Gòn để làm việc rồi bay trở ra trước khi đêm xuống. Xe buýt chở chúng tôi đến gặp những người đại diện này trong khoảng thời gian đã được quy định đó.
Chỗ làm việc của họ nằm trong một biệt thự có lẽ của một thương gia giầu có trước đây. Những vật dụng trang hoàng đắt tiền của người chủ cũ vẫn còn thấy được. Ngôi biệt thự được xây ở lưng chừng đồi, ngó xuống một rừng cây cao su, kiến trúc theo hình chữ U, một căn lớn ở giữa nối với hai căn nhỏ hơn hai bên, thông với nhau bởi một dãy hành lang lót bằng đá hoa cương đỏ. Các căn phòng rộng có cửa sổ kính ở lầu hai và lầu ba được trưng dụng thành phòng làm việc.
Qua khung cửa kính, tôi nhìn thấy mấy người ngoại quốc đi tới đi lui, tay cầm bút và hồ sợ Bất cứ người nào trong nhóm họ cũng có thể là người đã đánh máy bức thư gởi cho tôi. Và bây giờ họ sẽ quyết định số phận của tôi. Mặt mũi họ trông thật đẹp, thật sáng sủa, mà cũng thật xa lạ. Tôi muốn trở thành một người như họ. Và lần đầu tiên trong đời, tôi không cảm thấy xấu hổ về cái nguồn gốc Mỹ của tôi. Nhìn họ, tôi hiểu được tôi từ đâu tới và sẽ thuộc về đâu. Sự hiện diện của họ khơi dậy trong tôi một khát khao mạnh mẽ.
Như đọc được giòng tư tưởng của tôi, mẹ tôi kéo tay tôi chỉ vào những người Mỹ, nói: "Kiên, con nhìn kìa. Con thấy gì không? Con phượng hoàng đã đến để đưa con của nó đị"
Trong khi chờ được gọi tên, chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn hình chữ nhật bên kia hành lang. Chúng tôi người nào cũng diện bộ đồ khá nhất có thể mua được, theo thời trang lúc đó: quần jean với áo lụa, hoặc áo sơ mi sọc. Phần lớn những đứa trẻ gốc Mỹ trong toán của tôi đều tuổi từ mười hai tới mười chín. Họ nhìn nhau chăm chăm, rán che dấu lòng tò mò dưới cái vẻ dửng dưng lịch sự.
Một gia đình 16 người đứng tách riêng ở một góc, ai cũng mặc quần áo đắt tiền, mang đầy đồ trang sức quý giá, người lấp lánh như những con công. Họ dứng dưới gốc một cây thông, ăn bánh đậu xanh đựng trong chiếc giỏ đi trại. Một cô gái chừng mười bốn tuổi, tóc vàng, mắt xanh, đứng bẻn lẽn trong nhóm. Trên tay cô ta cầm một bình lớn đựng trà sữa đá. Người đàn bà già nhất trong đám, mập phì, ngồi choáng cả chiếc ghế, gọi cô gái với giọng hỉ hả. "Kiếm cái gì cho mẹ uống, con gái cưng." Bà ta cứ lập đi lập lại câu đó, cười toáng lên như đó là một câu chuyện tiếu lâm thú vị. Mặt bà ta trát một lớp phấn dày, nứt ra ở hai đuôi mắt. Mọi người trong gia đình bà giật nẩy người lên mỗi khi bà gọi cô gái là con gái cưng. Họ lầu bầu bất mãn, che dấu nỗi bực mình qua những câu chuyện cố làm ra vẻ sôi nổi.
Khi gia đình tôi được gọi tên, chúng tôi chạy ùa đến gặp người phỏng vấn ở chân cầu thang. Đó là một người đàn bà da đen, mặc bộ vest màu xanh đậm, trông đẹp đẽ mà cũng xa lạ như một con búp bê bằng sứ. Mùi nước hoa bay thoảng trong không khí như mủi hoa hồng đen trong vườn nhà dượng tôi sau cơn mưa. Một thông dịch viên người Việt Nam đứng sau lưng bà chừng vài bước. Sau vài câu chào hỏi, họ dẩn chúng tôi lên lầu.
Khi bà ta mở cửa văn phòng mời chúng tôi vào, một luồng hơi lạnh từ chiếc máy điều hòa không khí ôm phủ lấy tôi trong vòng tay dịu dàng, rất tây phương của nó. Tôi hít một hơi dài, và đột nhiên, nước Mỹ đã ở trong tôi. Bên cạnh, mẹ tôi bắt đầu khóc.
°
Ngay sau buổi phỏng vấn, chúng tôi vội vàng rời Sài Gòn. Chúng tôi không có cơ hội thăm viếng thành phố, sinh hoạt quá mắc mỏ làm chúng tôi không thể ở lâu được. Chưa kể chỗ ở của ông bà Hôm quá nhỏ, không tiện cho một gia đình đông người gia đình chúng tôi. Mẹ tôi cắt Jimmy ở lại nhà ông bà Hôm để canh chừng chuyến bay và danh sách những người được đi được niêm yết ở văn phòng sở di trú hàng tuần. Sau khi về tới Nha Trang, chúng tôi liên lạc với Jimmy phần lớn bằng điện tín. Nhiệm vụ của tôi là lo giấy tờ. Theo quy định của chính phủ Việt Nam, trước khi rời Việt Nam, cần phải có đủ ba thứ giấy tờ chính: Chữ ký của sở Nhà Đất, một giấy chứng nhận không thiếu nợ của ngân hàng trung ương và một giấy chứng nhận của sở thuế vụ. Mục đích là để chứng minh cho nhà nước thấy người ra đi không còn nợ nần, tài sản gì ở Việt Nam. Đối với chúng tôi, thời gian quá cấp bách.
Tin đồn gia đình tôi được người Mỹ phỏng vấn ở Sài Gòn bay đến Nha Trang trước cả khi chúng tôi về tới. Trước cửa nhà tôi, một toán trẻ em Việt gốc Mỹ đang đứng chờ. Phần lớn là những trẻ em vô gia cự Áo quần chúng rách rười, dơ dáy, da thịt cháy đen và mặt mũi còm cõi. Chúng nhìn chúng tôi, mắt ánh lên bao hy vọng. Nhiều em mang theo cả những tờ đơn xin ở sở di trú địa phương. Tôi đi bên cạnh mẹ tôi và Bé Tý, thò tay kéo cái chốt cổng.
Hai cô gái da đen cười chào tôi. Một cô ngập ngừng nói: "Anh Kiên, anh giúp chị em em được không? Em muốn điền đơn nhưng không biết chữ."
Cô em tiếp lời: "Tụi em có để dành được ít tiền để trả công cho anh." Cô ta mở lòng bàn tay ra đưa cho tôi coi tờ giấy hai mươi đồng nhàu nát. Có lẽ cô gái giữ tờ giấy bạc lâu quá và chặt quá làm nó gần như nhảo ra vì mồ hôi taỵ Cô ta cẩn thận đặt tờ giấy bạc vào tay tôi. Cả hai trồng gần bằng tuổi nhau, mười ba hay mười bốn gì đó. Tóc chúng rậm ri, như hai chùm thông rậm lá.
Tôi đẩy tờ giấy bạc trả lại: "Em giữ lấy. Anh không lấy tiền của các em đâu. Nhưng đừng lo, anh sẽ giúp các em điền đơn."
Mẹ tôi nói. "Tôi nhớ có gặp các cháu ở đâu đó. Có phải ở quán phở trên đường Lê Chân không?"
"Dạ phải, thưa dì." Cả hai cùng đáp.
"Trời đất, bao nhiêu năm rồi, hai đứa vẫn đầu đường xó chợ? Mẹ đâu rồi?"
Một cô trả lời. "Bả chết năm ngoái. Bác sĩ nói bị giang mai. Tụi cháu tự sống một mình từ đó."
Tôi lấy mấy tờ đơn trên tay chúng rồi tò mò hỏi: "Làm sao các em biết hôm nay chúng tôi về?"
Cũng vẫn nụ cười hiền lành, ngây thơ trên mặt: "Tụi em nghe tin vui của anh hôm thứ hai ở ngoài chợ. Tụi em chờ anh ở đây ba ngày rồi."
°
Trong ngày hôm đó tôi điền hơn hai chục tờ đơn. Hôm sau lại thêm nhiều em khác mang đơn đến. Cho đến lúc đó tôi mới ngạc nhiên nhận ra con số khá lớn những trẻ em gốc Mỹ bị bỏ rơi trong thành phố. Sáng nào thức dậy tôi cũng nhìn thấy ít nhất là mười khuôn mặt từ sau hàng rào kẻm gai bao quanh nhà nhìn vào. Tất cả đều mang trên mặt một vẻ sợ sệt, lo âu nhưng đầy tin tưởng. Tất cả đều muốn chạm tay vào người tôi để được sờ vào cái chất Mỹ của những người Mỹ mà tôi đã gặp. Đối với hầu hết các em, những gì đang xảy ra cho gia đình tôi là giấc mơ mà chúng mơ ước một ngày nào đó cũng sẽ thực hiện được.