Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 8

Hai khu chợ đối diện với sông Sài Gòn tràn ngập những khuôn mặt hoang mang lo lắng. Hai khu chợ này nằm sát cạnh nhau, chỉ cách một con đường nhỏ lúc nào cũng lầy lội và đầy rác rưởi. Khu chợ thứ nhất chuyên bán đồ tươi, từ rau cải, gà vịt đến cá tươi; khu chợ thứ nhì bán hàng khô với một số lượng lớn, như gạo, mắm muối, cùng với vải vóc, than củi. Mặc dù không khí sinh hoạt rất nặng nề, nhưng sự buôn bán trao đổi vẫn giữ được trật tự dưới những cặp mắt quan sát của bộ đội đứng rải rác khắp nơi. Người ta trao đổi tin tức trong lúc mua bán. Những tiếng thì thầm vang lên rầm rì trong không gian nghe như tiếng ruồi bay.
Chẳng tốn bao nhiêu thời gian vú Loan đã tìm ra được mối thứ nhất. Lúc vào khu chợ thứ hai, chị gặp được một gia đình năm người đang tìm cách trở về Cam Ranh, một thành phố gần Nha Trang. Gia đình này không tìm được phương tiện, dự định sẽ đi bộ vượt hơn bốn trăm cây số đường đầy rừng núi, sinh lầy và cả những mìn bẫy còn sót lại sau chiến tranh. Sau khi nghe cái chương trình đó của họ, vú Loan chúc họ thương lộ bình an rồi dắt chúng tôi đi sâu vào chợ.
Suốt buổi sáng chúng tôi len lỏi trong đám đông, tìm phương tiện về quệ Mẹ tôi mệt thở không ra hơi, mặt mày xanh mét. Ông tôi thỉnh thoảng bị bỏ rơi lại phía sau, vì vết thương cũ ở mông làm bước đi của ông trở nên khó khăn. Cứ mỗi lần chúng tôi dừng lại trước một đám đông để hỏi thăm tin tức, chúng tôi luôn luôn nhận được một phản ứng giống nhau: Thoạt đầu, họ im lặng nhìn chúng tôi, rồi mỉm cười nhã nhặn. Nếu họ biết cách, thì chắc họ cũng giấu nhẹm đi sau những nụ cười lịch sự đó rồi lẫn mất vào trong đám đông.
Khi chúng tôi không còn chút hy vọng nào nữa thì tình cờ đụng ngay cái gian hàng bán thuốc nam của bà Tâm, trưng bày lỉnh kỉnh những giỏ hoa khô, rễ cây và vỏ cây. Bà ngồi phía sau những chồng thuốc nam chất cao như núi, chung quanh khách hàng đang bu lại hỏi han. Giọng bà cất lên át cả tiếng ồn ào của đám đông để tạo sự chú ý của người qua lại.
"Chị cần gì?" Bà ta hét lên. "Thuốc này là thuốc ói mữa. Sắc hai chén còn một. Thuốc này là thuốc trị trỉ nội trỉ ngoại. Uống hai lần mỗi ngày sau bữa ăn. Thuốc này trị họ"
Khi nhận ra mẹ tôi đang nhìn bà lom lom với cặp mắt giận dữ, bà ra dấu cho mọi người im lặng. Bà nhìn mẹ tôi rồi hỏi: "Hê, chị trông quen quá. A, tôi nhớ ra rồi. Chị là con chim mái với cái bụng thè lè. Việc đó ra sao rồi. Chị trông không được khỏe."
"Bà đoán coi." Mẹ tôi hỏi vặn lại. "Bà nhìn tôi coi. Bà bán cho tôi cái thứ thuốc giả, mụ già. Tôi gặp bà ở đây là may lắm, bà trả lại tiền cho tôi."
Bà già đứng thẳng dậy giữa đám lá cây, chỉ ngón tay vào mặt mẹ tôi:
"Chị điên hả? Muốn đòi tiền lại hả? Thuốc của già này không giả, chỉ có chị là giả thôi. Tôi đã cảnh cáo chị nhiều lần là có thể nó không có kết quả với chị. Bộ tôi làm chị phình bụng lên hả?" Bà nheo mắt nhìn mẹ tôi và vú Loan rồi tiếp: "Bà chủ và con ở chia chung một thằng, phải không? Đừng có qua mặt mụ già này. Cái thằng đĩ đực nào đó nó xài hai người như hai chiếc đủa. Nhưng tại sao mấy người còn lẩn quẩn ở đây làm gì, tôi tưởng cái đám phách lối, ngang ngược mấy người đã cút về quê rồi mới phải chớ?"
Mẹ tôi giận run người. Chưa ai dám thốt những lời như vậy với bà trước đây. Bà bị làm nhục trước đám đông đang bu quanh nhìn chúng tôi xầm xì. Vú Loan đứng lặng im như tờ từ nảy giờ lên tiếng trả lời câu hỏi của bà Tâm:
"Chúng tôi chưa tìm ra phương tiện về quệ Bà có biết cách nào không bà Tâm?"
"Dĩ nhiên là biết." Mụ già ưỡn lưng. "Không chuyện gì trong phố này mà mụ không biết. Nhưng tại sao mụ phải giúp cái con mẹ phách lối kia chớ? Ngày đầu tiên gặp cái bản mặt hảm tài của nó là mụ thấy ghét rồi, biết là mình xui xẻo rồi."
Vú Loan cúi xuống bồng hai anh em tôi lên rồi nói với bà già:
"Xin bà giúp mấy đứa nhỏ này, chúng nó vô tội. Xin bà làm phước để đức lại co con cháu, chỉ cho chúng tôi cách nào có thể trở về quê được."
Bà già ngó hai anh em tôi, nét mặt bà giản ra và cơn giận dịu đi phần nào. Bà lên tiếng, lần này với một giọng nhẹ nhàng hơn:
"Hai trăm tiền công chỉ đường; năm trăm tiền vé. Tiền mặt."
Mẹ tôi la lên với vẻ sửng sốt:
"Bảy trăm đồng? Cái mụ già thất nhơn bất đức này! Tôi chỉ còn bốn trăm đồng, không chịu thì thôi."
"Này, cái con ngựa cái, mụ không nói chuyện buôn bán với chị." Bà vẩy vẩy ngón tay trước mặt mẹ tôi, rồi bà chỉ sang Loan: "Mụ đang nói chuyện với cô nhỏ này. Con nhỏ này khôn hơn nhiều."
Vú Loan nói với bà già:
"Bà Tâm nghe bà chủ tôi nói rồi đó, chúng tôi chỉ còn có bốn trăm đồng."
"Thôi được, coi như tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ." Bà vỗ hai tay vào nhau. "Tôi sẽ có cách. Tôi sẽ đóng cửa hàng khoảng ba giờ rưởi. Trở lại đây lúc đó, nhớ mang theo tiền và hành lý. Mụ già này không rảnh mà đợi ai đâu."
Bà già quay sang với khách hàng. Chúng tôi đứng trơ ra đó, ngượng ngùng. Cuối cùng mẹ tôi vẩy tay ra hiệu cho mọi người quay về nhà. Những lời quảng cáo thuốc của bà già đưổi theo sau chúng tôi: "Ông cần gì thưa ông? Còn bà, thưa bà? Thuốc này trị bá chứng. Uống lúc bụng trống, hai lần một ngày, ngày hôm sau sẽ khỏe như trai hai mươi ngaỵ"
°
Theo đúng lời dặn của bà Tâm, chúng tôi trở lại vào lúc ba giờ ba mươi, mang theo một ít hành lý. Bà ta đang dứng chờ chúng tôi. Tất cả thuốc men của bà đựng trong hai cái giỏ tre có quai để bà ta có thể quảy đi bằng một chiếc đòn gánh bằng gỗ. Bà ta kê vai vào chiếc đòn gánh và nhấc bổng hai chiếc giỏ tre một cách nhẹ nhàng. Bà tiến về phía chúng tôi, thảy một gói nhỏ gì đó cho vú Loan rồi ra dấu cho chúng tôi đi theo bà.
Bà hỏi vú Loan mà không quay lại:
"Có đem tiền theo không?"
"Dạ có. Bà dắt chúng tôi đi đâu đây? Bà mới đưa cho cháu cái gói gì vậy?" Loan hỏi.
"Cứ giữ đó. Tôi đưa cô đi kiếm." Bà Tâm đáp gọn.
Chúng tôi đi bộ chừng một tiếng đồng hồ, xa dần thành phố với mớ hành lý trên vai. Chúng tôi đi qua những khu nhà lụp xụp, những tòa nhà nhiều từng chen lẫn với những chiếc lều tôlẹ Dọc theo sông Sài Gòn, nhiều nhà sàn mọc lên trên mặt nước. Ra đến ngoại ô thành phố, trước mặt chúng tôi hiện ra một cánh đồng lúa mênh mông chạy dài đến tận chân trời.
Đến lúc thần trí tôi không còn tỉnh táo nữa thì bà Tâm dừng lại. Trước mặt chúng tôi hiện ra một đồn lính cộng sản, có giây kẻm gai bao quanh một khoảng đất trống. Chúng tôi hoảng hốt thụt lùi lại. Một toán bộ đội chạy túa ra, không anh nào quá mười tám tuổi. Họ hườm súng trong tay có vẻ dè dặt khi chúng tôi tiến lại gần. Một vài người trong bọn họ nhận ra bà Tâm.
Họ reo lên mừng rỡ với bà:
"Mẹ Tâm, mạnh giỏi không? Mẹ có mang gì cho chúng con không đấy?"
Mẹ tôi sợ quá không nói lời nào, nắm chặt lấy tay tôi.
Loan hỏi bà già:
"Chuyện gì đây? Bộ chúng tôi làm điều gì bà giận hả?"
"Đừng sợ." Ba ta nói nhỏ. "Tôi mang cô đến chỗ có xe để về quê đây. Cứ đứng yên để mụ gia này lo chọ" Quay sang đám bộ đội, bà ta mỉm cười: "Mẹ có mang cho các con một ít bánh bao." Bà bảo vú Loan "Đưa gói bánh cho các đồng chí này đi con."
Loan thì thầm:
"Gói bánh nào?"
"Gói bánh tôi đưa cho cô lúc nãy đó. Đưa cho tụi nó." Bà nói nhỏ.
Đám bộ đội cầm lấy chiếc bọc từ tay Loan. Họ mở ra chia nhau những chiếc bánh bao và ăn ngay một cách vội vàng. Một thoáng những chiếc bánh hết sạch. Đám bộ đội nhìn bà Tâm mĩm cười, thức ăn còn dính ở kẻ răng.
"Những người đi chung với mẹ là ai thế?" Đám bộ đội hỏi.
"Mấy người lương thiện này là bạn của mẹ đang cần phương tiện về Nha Trang. Các con có toán nào đổi đi chiều hôm nay cho họ theo với."
Một người lên tiếng:
"Vâng có ạ. Mẹ Tâm muốn là phải có ạ.Trung đội 306 sẽ đi Huế vào lúc tám giờ tối naỵ Họ sẽ xuống xe ở Nha Trang chiều mai. Nếu mấy người bạn của mẹ muốn thì phải chờ ở đây chứ chúng con không thể cho họ vào trại được."
"Phải, phải. Cảm ơn các con. Để mẹ căn dặn họ thêm một vài việc, được không các con?"
"Được chứ!"
Bà ta quay sang chúng tôi hạ thấp giọng:
"Nghe đây, tôi đã tìm được chuyến đi cho các người rồi. Cái đám bộ đội con nít này dễ thương lắm, không làm rắc rối gì cho các người đâu. Các người đợi ở đây, ngồi chung lại đừng có đi lẻ tẻ, cũng đừng làm chuyện gì khả nghi, vì sắp tới giờ giới nghiêm rồi. Rồi, bây giờ trả tiền đây."
"Bây giờ bà đi đâu? Bà đâu có thể bỏ chúng tôi ở đây như vầy được?" Mẹ tôi hỏi.
"Tôi không thể ở lại được. Tôi phải trở về nhà trước giờ giới nghiêm. Mấy người phải tin tôi."
Mẹ tôi móc gói tiền giấu trong chiếc nịt vú. Bà Tâm giật vội mớ tiền không muốn để cho đám bộ đội trông thấy. Gói tiền biến mất cũng nhanh như khi nó xuất hiện.
"Vé xe của chúng tôi đâu?" Mẹ tôi hỏi.
"Không cần vé xe gì cả. Đừng lo, mọi chuyện đã dàn xếp xong cả rồi."
"Tôi không tin được. Bà lại giở trò gian lận với chúng tôi lần nữa phải không?" Mẹ tôi nuốt nước bọt. "Bà nói hồi sáng là 500 đồng cho tiền vé, nhưng bây giờ bà dắt chúng tôi tới đây, trước cái trại lính đầy súng ống này rồi bảo chúng tôi chờ lên xe vào giờ giới nghiêm. Làm sao chúng tôi có thể tin bà trong tình trạng như vầy được?"
"Tôi đã nói là đừng có lọ Mọi chuyện đã xếp đặt xong cả rồi." Bà khạc một bãi đờm xuống đất. "Mụ già này làm ơn cho mấy người mà mấy người còn dám giở cái giọng đó ra hả? Mụ già này có nói là muốn mua bán gì với chị không hả? Tại sao chị không chịu khóa cái miệng lại để mụ già này khỏi nổi điên lên hả?" Bà nhìn mẹ tôi với vẻ khinh bỉ.
"Làm sao bà quen được với đám bộ đội này?" Ông ngoại tôi hỏi chen vào.
"Làm sao quen hả? Hay lắm. Tôi báo cho ông biết tụi nó đều là con của già này cả đấy. Già này đã nuôi dưỡng, tiếp tế cho hàng trăm đứa như vậy trong mười năm qua, dưới mũi của bọn tư bản các ông đấy." Bà già nói với nụ cười khinh khỉnh. "Ông thấy chưa, những người nghèo khổ như già này mới gần gủi Việt Cộng. Cũng có thể nói già này là một trong những bà mẹ chiến sĩ, và cái đám tụi nó là con nuôi của già này đó. Nè, bây giờ công việc của tôi ở đây xong rồi, tôi phải về nhà trước giờ giới nghiêm. Chúc các người đi đường bình an."
Bà quay sang đám bộ đội chào từ giã. Dù đã già lắm, cái gánh nặng trên vai dường như chẳng ăn thua gì với bà. Bà vừa đi vừa cất tiếng hát lớn một bài hát ca tụng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu trong khi bóng bà khuất dần vào bóng chiều bụi bặm.
°
Mãi đến chín giờ tối, chiếc xe chở bộ đội mới chịu khởi hành. Nhờ những lời gởi gấm của bà Tâm chúng tôi không gặp một trở ngại nào. Toán bộ đội cho chúng tôi lên ngồi phía sau xe lúc sắp sửa rời Sài Gòn. Khoảng bốn chục người chen nhau trong một chiếc xe chật hẹp, nhưng họ nhường cho chúng tôi một chiếc băng ghế cũng khá thoải mái ở góc trong cùng. Chúng tôi leo lên xe, rán co người lại cho nhỏ chừng nào tốt chừng đó. Tôi ngồi trên đùi vú Loan, em tôi ngồi nép mình giữa ông bà ngoại. Còn mẹ tôi ngồi trong cùng, dấu mình trong bóng tối hai tay ôm lấy bụng.
Đám bộ đội mỉm cười chào chúng tôi. Quân phục của họ dính đầy mồ hôi và bụi bặm giống như cả mấy tháng rồi chưa giặt. Nhiều người trong đám họ ngồi xếp bằng trên sàn xe vì không đủ ghế, ngắm hai anh em tôi với ánh mắt tò mò. Tôi nhìn lại họ và mỉm cười.
Chuyến đi về Nha Trang kéo dài tám tiếng đồng hồ. Được chừng hai phần ba đường, tôi ngủ gà ngủ gật tựa vào vòng tay của một anh bộ đội. Anh ta xoa xoa mớ tóc quăn của tôi, kể cho tôi nghe về gia đình anh ở ngoài bắc. Anh ta có một người em bị tật phải đi nạng mà năm năm rồi anh chưa được gặp lại.
"Em lắng nghe nhé. Anh sẽ dạy em một việc này" Anh ta nói với vẻ hăng hái, nhìn mẹ tôi như có ý xin phép. Mẹ tôi co rút người lại trên ghế, tránh ánh mắt anh ta.
"Anh sẽ kể cho em nghe những lời dạy của bác Hồ. Những lời dạy của bác dành cho tất cả các thiếu nhi miền nam. Nó có bốn điều. Em sẳn sàng chưa?" Anh ta nhướng mày lên bày tỏ sự hân hoan,vui sướng.
"Bác Hồ là ai?" Tôi hỏi.
"Hả? Chú nhỏ này!" Anh ta kéo tôi lại gần với nét mặt ngạc nhiên. "Bác Hồ là ai hả? Chà chà, là bác Hồ Chí Minh, vị cứu tinh của chúng ta, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng tạ Tên tuổi người vang lừng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Qua bao năm, chỉ cái tên của người thôi cũng đủ phá tan xiền xích, giải phóng nhân dân ra khỏi sự bóc lột của đế quốc Mỹ và ngụy quyền miền Nam. Làm sao mà em mê muội đến không biết được như vậy hả, chú nhỏ?"
Mẹ tôi vội vàng nói mấy câu xin lỗi về sự ngu dốt của tôi. Anh chàng bộ đội trẻ gật đầu tỏ vẻ tha thứ, rồi tiếp tục giảng thuyết:
"Điều một là." Anh ta bắt đầu. "Yêu quê hương, yêu làng xóm"
Nằm trong vòng tay lắng nghe giọng nói của anh ta, tôi chợt nhớ đến một trường hợp tương tự xãy ra trên bãi biển Nha Trang. Lúc đó, người lính là một quân nhân Mỹ đóng quân trong trại lính gần nhà tôi. Hôm đó tôi đang chơi đùa với mấy người bạn cùng lớp, chợt nghe một giọng nói ngoại quốc gọi chúng tôi, vẩy tay ra dấu cho lũ trẻ chúng tôi lại gần.
Từ bên ngoài vòng rào kẻm gai, tôi nhìn thấy một anh lính mặt đỏ gay, tóc hoe vàng như bị cháy nắng. Anh ta cầm một mớ kẹo trong tay để dụ chúng tôi. Tôi tiến lại gần trong khi đám bạn rụt rè đứng ở xa xa nhìn. "Kiên" Đám bạn tôi kêu réo "Trở lại". Không giống như chúng nó, tôi đã nhiều lần thấy những người ngoại quốc trong các buổi tiệc của mẹ tôi và hiểu chút chút cái tiếng nói buồn cười của họ. Tôi tiến lại gần hàng rào.
"Chào em. Ăn kẹo không?" Người lính Mỹ hỏi bằng tiếng Mỹ. Tôi nhận thấy một tia xam xám trong đôi mắt trong như nước đá của anh.
Tôi gật đầu. Anh ta ra dấu cho tôi lại gần hơn. Tôi tiến lại gần và thò tay qua hàng rào nhận món quà của anh. "Em ngoan lắm" Anh ta hỏi: "Em biết thổi bong bóng kẹo cao su không?" Tôi lại gật đầu.
Anh ta chạy vòng qua đầu kia hàng rào để ra ngoài với tôi. Lũ bạn tôi vẫn đứng ở xa xa, theo dõi. Anh lính không quan tâm đến vẻ xa cách của chúng, vẫn quay sang vẫy tay chào.
"Em chia kẹo cho bạn em ăn chung với được không?" Anh ta đề nghị.
Tôi nhún vai. Anh ta phá ra cười và vò đầu tôi. Tôi dẫn anh ta đi gần về phía các bạn; những chiếc kẹo trong tay tôi làm chúng bớt sợ hãi. Suốt buổi chiều hôm đó chúng tôi chạy nhảy nô đùa với anh lính trên bải biển trong tiếng sóng vỗ rầm rì dưới chân.
Trước khi chúng tôi chia tay nhau, anh lính hỏi:
"Ngày mai em và các bạn ra chơi với tôi nữa được không?"
Tôi gật đầu rồi chạy đuổi theo đám bạn.
Qua ngày hôm sau, tôi trở lại bãi biển một mình vì không thuyết phục được lũ bạn cùng đi theo. Anh bạn mới của tôi đang đứng đợi dưới một gốc dừa, tay cầm một bịch lớn đầy những gói kẹo đủ màu sắc. Tôi chạy lại với anh tạ Anh bồng tôi lên, tung tôi lên cao rồi giơ tay ra đón trước khi tôi rơi xuống đất.
Tôi đưa anh về nhà giới thiệu với ông bà ngoại. Lúc gặp ông bà ngoại tôi trước cửa, anh lột nón sắt, cúi đầu chào, một hình thức tỏ lòng kính trọng những người già cả của người Việt Nam. Bà ngoại tôi pha cho chúng tôi hai ly nước chanh trong lúc chúng tôi ngồi trò chuyện bên hồ tắm. Anh nằm hàng giờ trên cỏ, xếp những chiếc thuyền giấy bằng tờ báo cũ rồi thả trôi lềnh bềnh trên mặt hồ bơi. Có lúc, tôi bắt gặp anh nằm nghiêng qua một bên mắt nhìn chăm chăm vào khoảng không.
"Hê, anh Mỹ, anh có sao không?" Tôi khoát tay qua lại trước mặt anh.
"Không sao." Anh trả lời, mắt nheo lại vì chói nắng. "Tôi chỉ nhớ nhà, homesick. Em hiểu chữ homesick không? Tôi nhớ gia đình."
"Gia đình? Ồ, biết, em biết! Anh có hình không?" Tôi hỏi.
"Có." Anh ta nhỏm dậy "Em muốn coi hình gia đình tôi không?" Anh thò tay vào túi sau móc chiếc bóp.
"Gia đình tôi?" Tôi dùng lại chữ gia đình tôi của anh bằng thứ Anh văn bập bẹ của mình, tay cầm mấy tấm hình đã cũ; có tấm đã nhàu như đã từng thấm nhiều nước mắt của anh.
"Gia đình tôi." Anh chỉnh cái tiếng Anh trật văn phạm của tôi cho đúng lại. "Không phải gia đình em."
Anh chỉ cho tôi từng người một. Anh nói anh sinh ra ở Wisconsin. Cái tên Wisconsin đối với tôi nghe cũng lạ lùng như màu mắt của anh. Ba mẹ anh trông hiền lành, dễ thương đang nhìn chăm vào ống kính. Anh có một người chị vừa mới lập gia đình. Tấm hình đám cưới chụp một người đàn bà thật đẹp đứng cạnh người chồng đang tươi cười trước cửa nhà thờ. Cô dâu cầm một bó hoa hồng trắng, tiệp với màu áo cưới và chiếc khăn voan che trên mái tóc. Trong bức hình đó có mặt em trai anh, khoảng trạc bằng tuổi tôi.
"Em làm tôi nhớ đến thằng em trai, em biết không?" Anh nói, bàn tay sờ vào tóc tôi.
"Vậy hả. Vậy thì vui lắm!" Tôi trả lời.
"Ừ, tên nó là Tođ. Nó rất ngoan, và gầy giống như em vậy. Tôi nhớ nó lắm." Anh sờ ngón tay vào mặt người em trong tấm hình. "Hôm qua, trước khi gặp em ngoài bãi biển, nhớ không?, tôi nói chuyện với nó trên điện thoại. Hôm qua là ngày sinh nhật của nó, nhưng tôi không có ở nhà để hát bài chúc mừng sinh nhật tặng nó. Nó sắp sửa đi trại hè. Lúc đó tôi buồn quá bỏ đi lang thang ra ngoài, tình cờ thấy em chạy chơi trên cát với đôi chân trần. Em trông giống như một đứa con trai Mỹ. Gặp được em tôi vui lắm. Chơi với em tôi có cảm giác như đang chơi với Tođ, chỉ có cái khác là nó nói nhiều còn em thì ít nói quá."
Tôi nín thinh.
"Cảm ơn em." Anh ta đột nhiên lên tiếng.
"Về cái gì vậy anh?"
"Về mọi chuyện; về ly nước chanh, về việc em chịu làm bạn với tôi, về cái nơi chốn này không còn xa lạ như hai ngày trước nữa."
"Tốt. Mai gặp lại anh nữa không?"
"Mai không được. Mai tôi phải đi hành quân. Tôi sẽ vắng mặt một tuần kể từ thứ sáu này."
"Một tuần bắt đầu từ thứ sáu này?" Tôi đếm lớn tiếng từng ngày trên những đầu ngón taỵ "Mười ngày?"
"Đúng vậy. Tới lúc đó em ra đợi tôi ở bờ biển được không?" Anh hỏi.
"Được chứ!"
Tôi đánh dấu từng ngày qua đi trên vách phòng ngủ. Đến ngày thứ mười, tôi chạy ra khu trại lính, nhưng dưới gốc dừa nơi chúng tôi từng gặp nhau không thấy bóng dáng anh đâu. Tôi ngồi trên bãi cát suốt buổi chiều hôm ấy chờ người lính trở lại. Mãi đến khi ngoại tôi kêu về ăn cơm chiều và mặt trời chìm vào đáy biển, tôi mới nhận ra là anh không tới. Ngày hôm sau tôi lại ra bãi biển, nhưng anh vẫn chưa về.
Một tuần lễ sau, trong lúc đang chơi trò cút bắt, tôi thấy một chiếc xe nhà binh đậu trước trại lính, trong xe nhiều chiếc bao làm bằng vải áo mưa nhà binh chồng chất lên nhau, có chiếc dính đầy máu đã khộ Như có một lực vô hình nào đó kéo tôi lại gần hơn. Tôi chạy lại bên chiếc xe nhà binh, và có lẽ ánh mắt cương quyết của tôi đã làm cho anh lính gác Mỹ thương tình cho tôi leo lên chiếc xe nhà binh xem xét. Như trong một giấc mơ, tôi thò tay chạm vào một chiếc bao nằm sâu bên dưới. Ngay khi tôi chạm bàn bày vào, tự nhiên cái khóa vải bật mở và một mớ tóc hoe hoe vàng như cháy nắng rất quen thuộc lòi ra. Trong trạng thái ngẩn ngơ mất hồn, tôi tự hỏi là tại sao quen nhau bao lâu mà tôi không hề hỏi tên anh. Tôi nhảy xuống khỏi xe, cắm đầu chạy về nhà, không đủ can đảm kéo chiếc khóa vải đang chứa thân xác anh cho kín lại. Ngồi trên thềm cửa nhà mình, tôi mới nhớ ra là anh lính cũng chưa hề biết tên tôi.
Đã mấy năm qua rồi. Người lính Mỹ đã chết. Cuộc sống gia đình tôi đang trải qua một giai đoạn đầy nguy hiểm và bất ổn. Giờ đây, một người lính khác đang chỉ cho tôi những lời dạy của bác Hồ. "Điều thứ tư là các cháu phải giữ vệ sinh... " Nằm mơ màng trong vòng tay anh ta nhìn lên, tôi thấy trên khuôn mặt anh cái cảm giác cô đơn tôi đã từng bắt gặp trên nhiều khuôn mặt khác. Cái cảm giác bơ vơ lạc lõng của những người trẻ bị cuốn hút vào cảnh tàn phá của chiến tranh, chứng kiến bao chết chóc, đổ nát, mà lòng ước mơ tìm thấy được một cuộc sống có ý nghĩa hơn.