Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 9

Chúng tôi đến Nha Trang vào sáu giờ sáng. Chiếc xe nhà binh chỉ dừng lại mấy phút để thả chúng tôi xuống. Chúng tôi nói mấy lời vội vả chào từ biệt toán bộ đội trước khi họ tiếp tục cuộc hành trình rồi cuốc bộ về nhà trong sự lo âu sợ hãi. Thành phố Nha Trang như khoát lên người một lớp da thịt mới. Tất cả mọi nhà đều treo cờ mới. Đường phố vắng tanh. Thành phố trông sạch sẽ nhưng không có sinh khí, ngoại trừ những chiếc loa ở mỗi góc đường đang phát thanh bản hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chũ Nghĩa Việt Nam.
Về tới nhà, chúng tôi chứng kiến một cảnh tàn phá ngoài sức tưởng tượng. Chiếc cổng sắt bị ủi sập, rác rến, bùn đất ngập lên tới thềm cửa. Phân người tung tóe khắp nơi, biến mặt tiền căn nhà từ một màu xanh nhạt thành một màu nâu dơ dáy. Hầu hết các cửa sổ đều bị đập phá. Những mảnh kính vở nằm đầy trên mặt đất, trên sân, và trong hồ tắm bẩn đục. Cỏ mọc thành rừng gần muốn phủ hết sân trước. Những loại cây kiểng quý bị lấy trộm hoặc bị nhổ trốc gốc nằm phơi rễ trên nền xi măng. Bức tường gạch bao quanh nhà mà mẹ tôi rất yêu thích bị phá sập sát mặt đất, hàng giây leo trước đây bò phủ trên mặt tường cũng cùng chung số phận. Càng bước gần đến căn nhà, lòng chúng tôi càng thêm tan nát. Chiếc cửa chính làm bằng gỗ mun chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo bị gở ra đập tan thành từng mảnh. Bên trong đồ đạc bị phá tan hoang giống như có hàng ngàn kỵ mã cởi ngưa dày xéo lên. Chúng tôi đi dọc theo hành lang, châm dẫm lên trên những mảnh lục bình vở nát, lòng bao xiết kinh hoàng. Căn nhà chìm trong sự im lặng ngoại trừ tiếng bước chân của chúng tôi dội đi dội lại từ phóng này sang phòng khác. Có vẻ như trong nhà chẳng còn ai.
Tuy nhiên, không phải chỉ có chúng tôi trong nhà. Một người nấu bếp và hai người giúp việc vẫn chưa rời bỏ nhà. Lúc bọn cướp tràn vào, họ trốn dưới nhà bếp nằm cách nhà chính một khoảng ngắn và vẫn trốn dưới đó cho đến bây giờ. Khi nghe tiếng chúng tôi trở về, họ mừng rỡ chạy ùa lên.
Người nấu ăn là một bà cụ bằng tuổi với bà ngoại tôi và đã giúp việc cho nhà tôi cả chục năm quạ Trước chúng tôi cứ ngỡ là bà không có hàng hàng thân thích nào cả vì bà chẳng bao giờ nói gì về gia đình mình. Chúng tôi càng tin chắc điều đó hơn khi suốt thời gian ở với chúng tôi bà chẳng hề xin đi đâu, mà cũng chẳng có ai đến thăm viếng. Bà ngoại tôi thường hay nhắc lại chuyện bà nấu bếp đến xin việc đi có một mình với một chiếc giỏ nhỏ trên taỵ Lúc đó ông ngoại tôi phục vụ trong quân đội, nên bà tôi cần một người giúp việc trong bếp. Bà ta ít nói nhưng làm việc siêng năng và nấu ăn rất ngon. Tôi không biết tên bà ta là gì, chỉ biết mẹ tôi dạy chúng tôi kêu bà là dì O vì bà thường hay nằm ngủ trong bếp với cái miệng há ra tròn như một chữ O.
Còn hai người giúp việc đang đứng bên cạnh bà nấu bếp là con của một gia đình đông con ngụ cách chúng tôi vài block đường. Cả hai đều chưa lập gia đình và khoảng trên bốn mươi tuổi. Thay vì chạy về nhà, họ chọn ở lại trong căn phòng mẹ tôi cung cấp cho mà nếu làm việc chỗ khác họ không dễ gì có được. Trông thấy chúng tôi trở lại, họ mừng đến nổi không làm sao ngưng được tiếng khóc và cứ đưa tay ra nắm lấy hai anh em tôi. Họ lập đi lập lại với ông bà ngoại tôi là họ rất vui khi thấy chúng tôi trở lại an toàn và lành lặn.
Dì O chặt một trái dừa, đổ nước vào nồi cơm nếp đang sôi trên bếp trong khi chúng tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, lắng nghe những lời kể lể líu lo như chim của hai người giúp việc. Họ kể tỉ mỉ nhưng gì đã xảy ra trong thành phố từ khi chúng tôi bỏ đi. Mấy ngày trước khi cộng sản đến, tù nhân trốn ra đập phá cướp bóc nhà chúng tôi nhiều lần, rồi sau đó đến lượt bọn cướp đến tìm vàng bạc chôn dấu, có một số người đến tìm chúng tôi. Dì O và hai người giúp việc gần như đã hết hy vọng, ngỡ là chúng tôi đã ra khỏi nước trước khi Sài Gòn mất.
Ở Nha Trang cộng sản đã bắt đầu việc tiếp thu từ mấy tuần trước. Công việc kiểm tra dân số đã được thực hiện, trước tiên là tình nguyện ghi danh. Theo số tin tức họ thu lượm được thì trong đợt đầu, cộng sản đã bắt đi một số các viên chức cao cấp phục vụ trong chính quyền và quân đội cũ. Những người này nửa đêm bị dẩn ra khỏi nhà còng tay rồi mang đến một nơi bí mật nào đó. Nhà nước không thông báo gì nhiều cho thân nhân, vợ con những người bị bắt ngoại trừ tên cái trại bí mật: Trại cải tạo, ở đó họ sẽ được học tập tính ưu việt của xã hội mới.
Cộng sản chia Nha Trang thành nhiều phường, và mỗi phường thành nhiều khóm, mỗi khóm quy tụ chừng mười lăm gia đình. Đứng đầu mỗi khóm là một khóm trưởng do dân bầu lên, thường là những người trong bộ đội, hoặc là những người nằm vùng từ trước. Chuyện bầu cử chỉ là một vấn đề hình thức vì ai cũng biết trước là người trưởng khóm đã được chỉ định rồi.
Dì O bới xôi ra chén, bỏ lên trên mặt một ít dừa trước khi đặt xuống sàn nhà trước mặt chúng tôi, rồi nói với mẹ tôi lần đầu tiên từ khi gặp lại:
"Bà phải ra văn phòng khóm đăng ký cho gia đình, càng sớm càng tốt nếu bà không muốn có thêm vấn đề."
Mẹ tôi nhìn Dì O với vẻ ngơ ngác không hiểu:
"Vấn đề? Chị muốn nói là họ tìm tôi? Vấn đề chị nói đó là vấn đề gì?"
Dì O nhún vai, chỉ tay vào hai anh em tôi "Vấn đề đây." Dì ngước nhìn qua cửa sổ. Chúng tôi nhìn theo ánh mắt của dì, bắt gặp ngôi biệt thự dấu mình sau một cây dừa lớn: "Vấn đề đó." Bà nói với mẹ tôi.
Mẹ tôi ngồi im trong khi người bếp già tiếp tục:
"Mang theo tất cả căn cước, kể cả những giấy tờ gì bà có. Họ muốn biết tất cả mọi thứ. Nhưng bà tin tôi đi, trước khi bà tới đó thì họ đã biết rất rõ về quá khứ của bà rồi."
"Ai là khóm trưởng? Tôi đi đâu để gặp ông ấy hay bà ấy?" Mẹ tôi hỏi.
"Đừng hỏi tôi. Tôi nghĩ là bà nên tới đó để tự tìm hiểu lấy thì tốt hơn." Dì O đáp. "Phải chuẩn bị sẳn sàng. Vậy thôi. Văn phòng ở ngoài trụ sở khóm."
"Trụ sở khóm ở đâu?"
"Bà biết rồi, thưa ba chủ. Ở trường học cũ của cậu ấm Kiên."
Mẹ tôi nhỏm người lên. Quay sang Dì O, mẹ tôi nói:
"Xin đừng gọi chúng tôi là bà chủ, cậu ấm nữa. Trong tháng qua, tôi đã mất tất cả. Tôi bây giờ cũng nghèo mạt như những người khác. Nếu các người muốn tôi còn sống để nuôi con thì xin đừng gọi tôi bằng những danh xưng như vậy nữa."
Mẹ tôi đứng dậy bước ra khỏi nhà bếp. Dì O nói theo:
"Bà nên đi nói với mọi người trong phố như vậy; và khi bà gặp khóm trưởng thì cũng nên nói với ông ta như vậy. Nếu không thì ông ta cũng sẽ gọi bà là bà chủ. Vì đó là điều mà bà muốn mọi người gọi bà trước đây, bà quên rồi sao?"
Mẹ tôi chạy ra khỏi nhà và biệt tăm trong suốt buổi chiều còn lại. Khi đêm đến, ông bà ngoại tôi nhìn đồng hồ thắc thỏm lo âu. Bà ngoại tôi không ngủ được cứ đi ra đi vào cổng nhìn ngược nhìn xuôi về cuối con đường. Trong nhà, vú Loan tìm cách kể chuyện cho hai anh em tôi nghe cho quên mọi việc. Tuy thế, hai anh em tôi cũng chỉ đòi gặp mẹ. Nỗi lo dâng cao và cuối cùng em tôi òa ra khóc. Một lát sau tôi cũng khóc theo. Vú Loan ngồi bên cạnh giường nhìn chúng tôi khóc cho đến mệt lã rồi ngủ thiếp đi.
Mẹ tôi không trở về nhà cho đến chiều hôm sau, người bà trông xanh như một tàu lá. Bà vụt vào nhà, bước vô phòng ngủ rồi đóng sầm cánh cửa lại. Ông bà ngoại tôi chạy theo, gỏ cửa nhưng không có kết quả. Mẹ tôi ở riết trong phòng suốt buổi chiều hôm dó, không màng tới những lời hỏi han của ông bà ngoại tôi. Đến tối, ngoại tôi sai tôi mang một khay cơm lên phòng cho mẹ tôi.
Tôi đến trước cửa phòng, một tay giữ mâm cơm, tay kia gỏ nhè nhẹ vào cánh cửa. Một khoảng thời gian dài nặng nề trôi qua, rôi tôi nghe tiếng mẹ tôi hỏi vọng ra "Kiên?"
"Dạ,con vào được không?"
Tôi nghe tiếng mẹ tôi rời khỏi giường bước đến mở cửa. Bà đứng trước mặt tôi với đôi mắt quầng thâm và tóc tai rối bù. Bà nhìn tôi như nhìn một người xa lạ rồi thò tay đỡ lấy mâm cơm. Tôi bước vào phòng và nghe tiếng cánh cửa khép lại phía sau.
Căn phòng trông thật bừa bộn, có vẻ như mẹ tôi đã xốc tung mọi vật lên. Trong chiếc khắn trắng nằm ngay giữa giường một mớ nữ trang sáng lấp lánh dưới ánh đèn. Mẹ tôi đặt mâm thức ăn trên mặt bàn trang điểm, rồi thắt chéo chiếc khăn tay gói mớ nữ trang vào đó. Xong đâu đó mẹ tôi nhấc tôi lên đặt ngồi trên chiếc ghế kê trước một tấm gương đã bể nát. Mẹ tôi quỳ xuống trước mặt tôi, hai mắt đen như ngọc trai của bà nhìn chăm chăm vào mắt tôi. Tôi nghe như có luồng điện chạy ngang sau gáy.
"Kiên con." Mẹ tôi thở dài. "Có quá nhiều việc mẹ muốn nói với con mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Để mẹ bắt đầu từ chỗ này: mẹ không còn thể coi con như một đứa bé được nữa... "
"Dạ, thưa mẹ."
"Con bao nhiêu tuổi rồi Kiên? Con nói cho mẹ biết được không?"
"Bốn ngày nữa là con tám tuổi, thưa mẹ." Tôi đáp, nghĩ thầm rằng câu trả lời sẽ làm mẹ tôi vui lòng. Nhưng phản ứng của bà trái ngược lại.
"Ồ, đúng rồi. Sắp tới sinh nhật của con rồi, phải không? Kiên, con nghe mẹ nói đây. Con là đứa con lớn nhất của mẹ. Con phải giúp mẹ. Mẹ không thể làm một mình được. Con hiểu không?"
"Hiểu, thưa mẹ."
"Con phải rán lên. Mẹ sắp sửa sinh em bé cho nên con phải giúp mẹ. Bắt đầu từ bây giờ con không thể cứ gặp chuyện gì không vừa ý, khó khăn là ồ lên khóc, và cũng đừng gây thêm phiền phức cho mẹ. Con phải tự lo cho con và săn sóc em con; mai mốt em bé ra đời con cũng phải trông nom em bé nữa. Con rán giúp mẹ, con có chịu hứa với mẹ như vậy không, Kiên?"
"Thưa mẹ, con hứa."
"Con hứa gì nào?" Mẹ tôi hỏi gặn lại.
"Con hứa không khóc, phải cứng rắn, săn sóc cho Jimmy và em bé."
Mẹ tôi ôm tôi vào lòng một lúc thật lâu. Rôi bà tiếp: "Con ngoan lắm. Còn hai việc nữa, mẹ muốn con, không..., mẹ mong con hiểu. Việc thứ nhất là mẹ muốn con giữ kín những chuyện con biết. Không được nói cho bất cứ ai nghe bất cứ chuyện gì dù có bị hăm dọa. Con còn nhớ những xác chết mình thấy ngoài đường phố không? Nếu con thố lộ bất cứ chuyện gì thì mẹ cũng sẽ chết như vậy đó, cả con cũng vậy, ông ngoại bà ngoại cũng vậy, em con và em bé cũng vậy."
"Không được nói gì cả. Người ta sẽ giết mình." Tôi lập lại.
"Giỏi!. Việc thứ hai là con giữ vật này cho kỹ như giữ mạng sống của con vậy." Bà bỏ cái gói nữ trang bc trong chiếc khăn tay vào túi áo tôi. "Mẹ chỉ còn lại có chừng đó. Không có những thứ này chúng ta cũng sẽ chết. Đừng cho ai thấy cũng đàung làm mất, con hiểu không?"
"Sao mẹ không giấu đỉ"
"Thì mẹ giấu trong túi áo con đó. Chỉ có mẹ và con biết thôi, nhớ chưa?"
"Dạ nhớ! Con phải giữ nó bao lâu, mẹ?"
"Mẹ cũng chưa biết bao lâu; có lẽ lâu lắm. Mỗi đêm trước khi đi ngủ con vào đây đưa cho mẹ thấy cái gói này để con khỏi bỏ quên nó đâu đó, nhớ chưa?"
"Dạ nhớ rồi!"
"Giỏi, thôi con đi ra mời ông bà ngoại vào đây cho mẹ nói chuyện. Nếu vú Loan hỏi con mẹ nói gì với con thì con trả lời sao?"
"Con không nói gì cả." Tôi trả lời.
Mẹ tôi thở ra một hơi dài như trút được một gánh nặng, rồi nói với tôi: "Vậy mới là con của mẹ. Bây giờ con ra mời ông bà ngoại vào đây."
Tôi chẳng phải đi đâu xạ Ông bà ngoại tôi chạy vội lên lầu ngay sau khi nghe tiếng cửa phòng ngủ mẹ tôi mở ra. Tất cả chúng tôi ngồi trên giờng ngủ của mẹ tôi, nghe bà kể những việc đã xảy ra cho bà ngoài trụ sở khóm nơi bà đến đăng ký hộ khẩu ngày hôm qua.