Phần 4

61. Phụ nữ sau khi uống thuốc tránh thai hay làm phẫu thuật triệt sản có bị vô kinh không?
Câu trả lời là có thể, nhưng không phải là thường gặp. Người ta đã thống kê được rằng trong hai vạn phụ nữ uống thuốc tránh thai thì có khoảng 0,22% bị vô kinh hoặc kinh nguyệt không đều trước khi uống thuốc tránh thai. Ở những người này, khả năng bị vô kinh sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai sẽ cao. Do vậy, vô kinh có thể có là hậu quả của một bất thường nào đó tiềm ẩn trước khi dùng thuốc tránh thai; cũng có thể những bất thường đó do bản thân thuốc tránh thai gây nên. Vô kinh dạng này cũng thuộc loại vô kinh do vùng dưới đồi. Đa số các trường hợp sẽ tự hồi phục.
Một số ít phụ nữ sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai không chỉ bị vô kinh ra mà còn xuất hiện hiện tượng tiết sữa. Hóa nghiệm thấy rõ mức độ PRL trong máu tăng nhẹ. Tình trạng này cũng tương tự như vô kinh đơn thuần, có thể liên quan đến những bất thường tiềm ẩn từ trước khi uống thuốc tránh thai, cũng có thể là những bất thường do bản thân thuốc tránh thai gây ra, Thông thường, bệnh nhân có thể tự hồi phục, nhưng cũng cần kiểm tra cẩn thận để loại trừ khả năng có u PRL trong tuyến yên.
Sau phẫu thuật triệt sản thông thường, bệnh nhân không bị vô kinh bởi vì loại phẫu thuật này chỉ là thắt ống dẫn trứng, không ảnh hưởng gì đến việc cung cấp máu cho buồng trứng. Thỉnh thoảng cũng có phụ nữ bị vô kinh sau khi phẫu thuật triệt sản. Muốn biết việc này có liên quan gì đến phẫu thuật không thì phải kiểm tra nồng độ hoóc môn trong máu, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
62. Thế nào là kinh nguyệt thưa? Có cần điều trị không?
Những người có chu kỳ kinh nguyệt từ 36 ngày đến 6 tháng thì được gọi là kinh nguyệt thưa.
Nguyên nhân của nó có thể là sự phát dục chậm của noãn bào, làm kéo dài giai đoạn chín. Ở một số người là do ít rụng trứng, cách hơn bốn mươi ngày hoặc hai đến ba tháng mới rụng trứng một lần, lượng máu ra và thời gian hành kinh vẫn bình thường. Một nguyên nhân nữa là sự phát triển của noãn bào gặp trở ngại, trước khi đạt tới giai đoạn chín thì đã bị thoái hóa, dẫn đến hành kinh không có rụng trứng. Lượng máu ra có thể nhiều mà cũng có thể ít hơn mức bình thường.
Kinh nguyệt thưa do ít rụng trứng thường làm cho tỷ lệ có thai giảm. Nếu người bệnh mong muốn sinh con thì phải điều trị bằng thuốc thúc rụng trứng. Với những người không cần sinh con, thời gian một chu kỳ không dài quá hai tháng thì có thể không điều trị gì nhưng vẫn cần phải có biện pháp tránh thai.
Nếu kinh nguyệt thưa do không rụng trứng thì phải dùng thuốc kích thích rụng trứng để có thể có con. Nếu không cần sinh con thì cứ 1-2 tháng lại phải tiêm progesterone trong 3 ngày để làm bong niêm mạc tử cung và xuất huyết, nhằm phòng ngừa chứng tăng sinh niêm mạc tử cung. Tóm lại, người mắc bệnh kinh nguyệt thưa cần phải đến bệnh viện để kiểm tra, sau đó căn cứ vào từng mức độ cụ thể mà tiến hành điều trị.
Đối với những trường hợp hằng tháng vẫn có kinh nguyệt đều đặn, nhưng mỗi lần hành kinh lại thấy ra máu kéo dài, thì phải đi khám ngay.
63. Nguyên nhân nào làm cho lượng kinh nguyệt ít? Thế nào là dính niêm mạc khoang tử cung?
Những người có ngày kinh ít hơn 3 ngày hoặc lượng máu hành kinh ít hơn 20ml thì gọi là lượng kinh nguyệt ít.
Lượng kinh nguyệt ít có thể do bệnh ở tử cung hoặc buồng trứng gây nên. Chứng sẹo hóa ở một bộ phận nội mạc tử cung sẽ có biểu hiện lâm sàng là lượng kinh nguyệt ít. Bệnh tật ở buồng trứng thường gặp ở những trường hợp hành kinh mà buồng trứng không rụng trứng do những nguyên nhân khác nhau (khi không rụng trứng, sự dao động về mức độ oestrogen có thể gây bong những mảnh nội mạc tử cung nhỏ).
Ở trường hợp kinh nguyệt ít do bệnh ở nội mạc tử cung, đường đồ thị nhiệt độ cơ sở và mức độ oestrogen hoàng thể đều bình thường. Kiểm tra soi buồng tử cung có thể phát hiện thấy nội mạc mỏng, có sẹo hoặc dính. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc bắt rễ của trứng đã thụ tinh và dẫn đến vô sinh, việc điều trị tương đối khó khăn. Nội mạc đã bị sẹo hóa khó tái sinh nhưng cũng không gây hậu quả nghiêm trọng, việc uống thuốc bắc nhằm làm hoạt huyết cũng có thể đạt được hiệu quả chữa trị.
Có lúc kinh nguyệt ít còn gây ra thống kinh, đau dữ dội hoặc đau theo từng cơn. Điều này chứng tỏ trong buồng tử cung bị dính hoặc là mạch máu bị ngăn trở, thường hay xảy ra ở những người đã nạo thai. Những trường hợp này cần phải được xử lý gấp. Để phòng ngừa bị tái dính nội mạc, bác sĩ thường cho bệnh nhân đặt vòng tránh thai, quan sát sau 2-3 lần hành kinh. Nếu lượng kinh nguyệt tăng lên hoặc không còn hiện tượng thống kinh nữa thì có thể lấy vòng tránh thai ra.
64. Giữa thể trọng, kinh nguyệt và sự rụng trứng của người phụ nữ có mối quan hệ tương quan với nhau không?
Câu trả lời là có liên quan với nhau. Một trong những thay đổi quan trọng nhất ở thời kỳ dậy thì của bé gái là những thay đổi về thể trọng và hình dáng cơ thể. Toàn bộ thể trọng trong thời kỳ dậy thì dường như tăng gấp đôi. Lượng mỡ trong cơ thể của người con gái tăng 122%, tổng trọng lượng của nó gấp ba lần so với nam giới; lượng cơ thịt chỉ tăng 44%, tổng trọng lượng bằng 2/3 so với nam giới. Tỷ suất giữa mỡ và cơ thịt từ 1/5 tăng lên 1/3. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng với những cô gái cao 1,65 m thì thể trọng phải đạt ít nhất 49 kg. Lượng mỡ trong cơ thể phải đạt 17% tổng trọng lượng cơ thể thì mới bắt đầu thấy kinh được. Khi đã có kinh nguyệt thì lượng mỡ trong cơ thể phải đạt được 22%-26% trọng lượng cơ thể. Lượng mỡ này chủ yếu phân bố ở bầu vú, bụng, mông, đùi.
Thực tế đã chứng minh rằng thể trọng hoặc lượng mỡ trong cơ thể thích hợp là điều kiện cần thiết để duy trì công năng bình thường của buồng trứng. Ví dụ, tuổi bắt đầu thấy kinh của thiếu nữ phương Tây thế kỷ thứ 19 là 15,5; còn hiện nay là 12,6. Điều này có liên quan đến việc nền kinh tế của các nước phương Tây phát triển, chế độ dinh dưỡng được đáp ứng đầy đủ khiến thể trọng cũng được tăng sớm. Tại châu Á, các cô gái thành thị sẽ thấy kinh sớm hơn các cô gái ở nông thôn; các cô gái béo sẽ thấy kinh sớm hơn các cô gầy. Những cô gái mắc bệnh chán ăn, thể trọng giảm đến một mức độ nhất định cũng sẽ bị mất kinh. Khi thể trọng quá thấp thì người phụ nữ sẽ không thể đảm đương được gánh nặng của việc mang thai và sinh đẻ.
Y học thường lấy chiều cao của cơ thể (tính bằng cm) trừ đi 105 để lấy thể trọng tiêu chuẩn trung bình (kg). Thể trọng thực tế nếu chênh lệch trong phạm vi 10% so với thể trọng tiêu chuẩn trung bình thì được coi là bình thường. Cũng có thể tính bằng chỉ số thể trọng (BMI) (thể trọng (kg)/bình phương chiều cao cơ thể (m)). BMI = 19-24 là bình thường.
65. Thế nào là béo phì? Nó có ảnh hưởng gì đến kinh nguyệt không? Nó có hại gì đối với sức khỏe?
Nếu thể trọng thực tế lớn hơn 120% thể trọng tiêu chuẩn trung bình hoặc nếu BMI>25 là béo phì.
Có rất nhiều nguyên nhân gây béo phì như nhân tố di truyền, bệnh ở màng tuyến thượng thận, bệnh ở buồng trứng, ở não, bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã cho thấy người có cả cha lẫn mẹ béo thì sẽ có khoảng 41% nguy cơ mắc bệnh béo phì; nếu cha mẹ đều không béo thì tỷ lệ này sẽ là 9%. Thường gặp nhất là hiện tường béo đơn thuần, có liên quan tới cách sống và thói quen ăn uống. Nếu nhiệt lượng nạp vào cơ thể qua việc ăn uống thường xuyên vượt quá nhu cầu cho những hoạt đông của cơ thể thì nhiệt lượng còn thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và tích lại trong cơ thể.
Nếu mỡ trong cơ thể quá nhiều, mức độ của một hoạt tính trong tế bào giàu chất mỡ cao quá mức bình thường thì lượng testosteron được chuyển hóa từ oestrogen trong cơ thể cao gấp 3-6 lần so với người bình thường. Testosteron này không hoạt động có tính chất chu kỳ như testosteron do buồng trứng tiết ra, do đó không thể giải phóng một lượng lớn LH và FSH ở tuyến yên. Việc rụng trứng sẽ ngừng lại hoặc thưa thớt, dẫn đến kinh nguyệt bất bình thường. Sử dụng oestrogen liều cao lâu ngày, không có sự đối kháng của progestagen dễ dẫn đến tăng sinh niêm mạc hoặc ung thu tuyến tử cung.
Việc mức độ testosteron phân ly ở máu của người phụ nữ béo phì quá cao sẽ làm cho lông tơ ở mặt, quầng vú hoặc đường giữa bụng dưới trở nên thô, nhiều và dài, ức chế sự phát dục của noãn bào, gây vô kinh hoặc vô sinh.
Chất mỡ và insulin trong máu của người béo phì luôn quá cao, dễ dẫn đến xơ cứng động mạch, cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh động mạch vành. Tất cả những chứng bệnh về nội tiết này đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
65. Nên kiểm tra và điều trị như thế nào đối với bệnh béo phì kèm kinh nguyệt không đều?
Để xác định được nguyên nhân của bệnh béo phì, bác sĩ thường tiến hành nhiều kiểm tra ở người bệnh, ví dụ như kiểm tra cơ năng vỏ thượng thận, nồng độ cholesterol và mỡ trong máu, tiểu đường, LH, FSH, công năng tuyến giáp trạng, insulin, siêu âm buồng trứng, tuyến thượng thận, nội mạc tử cung. Mục đích của những kiểm tra này là tìm hiểu xem có những bệnh tật gì ở tuyến thượng thận, buồng trứng, não hoặc có bệnh tiểu đường hay không. Quá trình kiểm tra cần một quãng thời gian khoảng 1-2 tháng. Nếu không phát hiện thấy gì bất thường thì có thể chỉ là béo đơn thuần.
Điều trị bệnh béo phì cũng cần nhằm đúng nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị bệnh tiểu đường thì cần phải dùng thuốc giảm đường; nếu là bệnh ở tuyến thượng thận do khối u thì phải phẫu thuật; béo phì đơn thuần thì phải khống chế việc ăn uống và tăng cường vận động (tốc độ giảm thể trọng nên khống chế ở mức 0,5-1 kg mỗi tuần). Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc giảm béo nhưng chúng vẫn chưa được nghiên cứu và kiểm nghiệm về lâm sàng một cách đầy đủ.
Việc giảm béo có lợi cho việc phục hồi rụng trứng và kinh nguyệt đều đặn, cải thiện được hiệu quả điều trị của thuốc thúc đẩy rụng trứng. Liệu pháp hMG (xem phần 57) cũng có thể dùng để giảm béo cho những phụ nữ không rụng trứng, nhưng khả năng dẫn đến các chứng bệnh tổng hợp do buồng trứng bị kích thích quá độ là khá lớn, do vậy phải thận trọng khi dùng.
67. Thể trọng quá thấp có ảnh hưởng gì tới kinh nguyệt?
Thể trọng thực tế thấp dưới 80% so với thể trọng tiêu chuẩn bình quân hoặc BMI < 19 thì được coi là quá thấp hoặc là gầy.
Nguyên nhân của nó có thể là do thức ăn không đủ nhiệt lượng, hoặc có bệnh ở đường ruột dẫn đến việc chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ, hoặc bị bệnh cảm nhiễm mạn tính, khối u khiến cho dưỡng chất bị tiêu hao quá nhiều. Một số cô gái quá đòi hỏi thể hình mảnh dẻ nên đã nhịn ăn hoặc áp dụng phương pháp giảm thể trọng không đúng, cũng sẽ dẫn đến tình trạng thể trọng quá thấp.
Thể trọng quá thấp cũng có hại đối với cơ thể, khiến thể lực và trí lực không đủ, dễ bị bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, bế kinh, loãng xương. Khi thể trọng quá thấp, lượng oestrogen do chất béo chuyển hóa thành quá ít, những sản vật chủ yếu trong quá trình trao đổi chất của oestrogen sẽ chuyển hóa thành những hoạt chất chống lại oestrogen. Những thay đổi này sẽ tác dụng lên não bộ, khiến cho mạch xung GnRH bị hạn chế, giống như sự chuyển ngược về thời kỳ nhi đồng, dẫn đến vô kinh. Trạng thái oestrogen sẽ làm mất đi tốc độ gia tăng canxi ở trong xương, tích lũy lại năm này qua năm khác sẽ tạo thành chứng loãng xương.
Người có thể trọng quá thấp cần phải đi bệnh viện khám để xác định rõ nguyên nhân và kịp thời điều trị. Bệnh nhân cần phải thay đổi thói kém ăn và ăn vặt, định giờ và định lượng để nạp vào cơ thể một năng lượng vừa đủ, giàu protid và vitamin, đồng thời phải tập luyện thể thao một cách thích hợp, cải thiện công năng tiêu hóa nhằm làm cho thể trọng tăng lên đến phạm vi thông thường.
68. Thể thao và kinh nguyệt không đều có liên quan đến nhau không?
Người béo và người gầy đều phải áp dụng liệu pháp thể thao. Thể thao có lợi cho sự kiện toàn về tinh thần, có tác dụng điều tiết hệ nội tiết, cải thiện công năng của tim, phổi, giảm mỡ trong máu, thúc đẩy nhu động ruột và sự trao đổi chất. Người kiên trì tập thể thao không chỉ tràn đầy sinh lực, hiệu suất làm việc tăng mà thể hình cũng cân đối, duy trì được sức khỏe và sự trường thọ.
Nhưng vận động thể thao với cường độ quá lớn hoặc thời gian quá dài cũng dễ làm giảm công năng của buồng trứng. Ví dụ, các vận động viên chạy đường trường hay bơi lội chuyên nghiệp và các diễn viên ba lê thường có kinh nguyệt thất thường, lần thấy kinh đầu tiên thường muộn, hoặc là sau khi đã trưởng thành thì kinh nguyệt thưa thớt, bế kinh hoặc vô sinh. Nguyên nhân gây bệnh ở những người này là sự kích thích đối với cơ thể và sự căng thẳng thần kinh dẫn đến năng lượng tiêu hao quá nhiều. Thêm vào đó, thói quen ăn uống của họ làm cho protein và nhiệt lượng nạp vào cơ thể không đủ, lượng mỡ trong cơ thể tiêu hao quá lớn và thể trọng quá thấp. Mức độ testosteron trong cơ thể của người bị bế kinh do thể thao luôn tăng cao, mạch xung GnRh không theo quy luật, nồng độ oestrogen và progestagen thấp. Nếu giảm khối lượng vận động hoặc ngừng tập luyện thể thao thì bệnh nhân có thể kinh nguyệt và buồng trứng sẽ tự hồi phục. Thời gian cần thiết cho sự hồi phục này có liên quan đến vấn đề thời gian bế kinh dài hay ngắn. Do vậy, luyện tập thể thao cũng cần có mức độ thích hợp, nếu không sẽ gây những ảnh hưởng bất lợi đối với kinh nguyệt.
69. Thế nào là lưỡng giới tính giả? Nó được phân loại như thế nào? Tình trạng kinh nguyệt của người lưỡng giới tính ra sao?
Giới tính của con người được quyết định bởi nhiễm sắc thể ngay trong thời kỳ phôi thai. Bộ nhiễm sắc thể là 46XY sẽ quyết định tuyến sinh dục là tinh hoàn và cơ quan sinh dục trong, ngoài là nam tính. Bộ nhiễm sắc thể là 46XX sẽ quyết đinh tuyến sinh dục là buồng trứng và cơ quan sinh dục trong, ngoài là nữ tính. Sau khi đã ra đời, con người đó đã có sự phân biệt giới tính về mặt xã hội. Sau thời kỳ dậy thì, do hoóc môn trong cơ thể có sự khác nhau nên ở 2 giới đã xuất hiện đặc trưng giới tính và tâm lý giới tính khác nhau. Giới tính bao gồm 5 khía cạnh: bộ nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, cơ quan sinh dục, hoóc môn giới tính, tâm lý giới tính. Ở một cá thể bình thường, 5 khía cạnh này phải thống nhất. Lưỡng giới tính là trường hợp 5 khía cạnh trên không có sự thống nhất.
Thông thường, lưỡng giới tính được chia thành hai loại: lưỡng giới tính thật và lưỡng giới tính giả.
Lưỡng giới tính thật là những người mà cơ thể đồng thời có cả hai tuyến sinh dục là buồng trứng và tinh hoàn.
Lưỡng giới tính giả là những người mà tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nữ tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính lại là nam giới (lưỡng giới tính giả nam); hoặc tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nam tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính lại là nữ giới (lưỡng giới tính giả nữ).
Cũng có những trường phái chủ trương phân loại dựa vào việc xét ba phương diện là nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, hoóc môn sinh dục; xem chúng có gì bất thường không. Phương pháp phân loại này dễ nói rõ nguyên nhân gây bệnh lưỡng giới tính.
Những người lưỡng giới tính sinh hoạt như một người phụ nữ thường không phát triển đặc trưng nữ tính hoặc xuất hiện những đặc trưng nam tính do vô kinh nguyên phát. Thường thì lúc ấy, họ mới tới bệnh viện để khám và mới tìm ra được nguyên nhân gây bệnh thực sự của mình.
70. Thế nào là lưỡng giới tính thật (ái nam ái nữ thật)?
Trong cơ thể người mắc bệnh lưỡng giới tính thật đồng thời có cả buồng trứng và tinh hoàn. Cơ quan sinh dục trong và ngoài có thể phát triển ở dạng hỗn hợp, không hoàn thiện. Khi đứa trẻ mới ra đời, có thể các bác sĩ đã phát hiện thấy cơ quan sinh dục ngoài phát triển không có giới tính rõ ràng, dương vật rất nhỏ và có khi nứt ở niệu đạo. Đa số những đứa trẻ đó được nuôi dạy như những bé trai. Vào thời kỳ dậy thì, ở người đó có thể đồng thời xuất hiện cả những đặc tính nam và nữ, thậm chí có cả kinh nguyệt. Nhiễm sắc thể là 46XX, 46XY hoặc là loại hình hỗn hợp của cả hai loại trên.
Sau khi sinh, những đứa trẻ trên phải được đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra, hóa nghiệm nhiễm sắc thể trong máu và mức độ hoóc môn. Để chẩn đoán được chính xác, các bác sĩ còn phải dựa vào kết quả soi ổ bụng. Việc điều trị cũng cần phải căn cứ vào giới tính xã hội và yêu cầu của người bệnh. Bác sĩ sẽ cắt bỏ đi tuyến sinh dục không phù hợp với giới tính, phẫu thuật chỉnh hình cơ quan sinh dục ngoài. Người lưỡng giới tính thật sau khi được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn để làm một người phụ nữ thì vẫn có thể có khả năng sinh con.
Ví dụ: Có một người bệnh 21 tuổi, giới tính xã hội là nữ, chưa kết hôn. Từ nhỏ, âm vật lớn, năm 19 tuổi thì tăng lên rõ rệt. Mười sáu tuổi thấy kinh lần đầu và đều đặn, chiều cao cơ thể 160 cm, lông phân bố trên cơ thể như ở nữ giới, tử cung nhỏ, các cơ quan khác bình thường, bộ nhiễm sắc thể là 46XX/47XXY. Phẫu thuật ổ bụng có tinh hoàn ở bên trái, chẩn đoán là ái nam ái nữ thực sự.
71. Thế nào là chứng bệnh không mẫn cảm với testosteron hoàn toàn?
Trong chứng bệnh không mẫn cảm hoàn toàn với testosteron (còn gọi là chứng bệnh tinh hoàn nữ tính hóa), bộ phận sinh dục ngoài của người bệnh là nữ tính; sau khi sinh, mọi sinh hoạt đều theo nữ giới. Đến tuổi dậy thì, ngực phát triển nhưng núm vú rất bé, bệnh nhân không có lông nách, lông mu, hoặc có thì rất ít, không có kinh nguyệt. Kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy, âm đạo ngắn, không có tử cung và cổ tử cung. Có người ở chỗ háng hoặc chỗ môi ngoài âm đạo có cục giống tinh hoàn. Hóa nghiệm nhiễm sắc thể là 46XY, lượng testosteron trong máu tương đương với nam giới ở tuổi thành niên, lượng oestrogen cao hơn ở nam giới.
Vì sao một cá thể 46XY, mức độ testosteron trong máu phù hợp với nam giới, không có biểu hiện nam tính hóa mà lại có những đặc trưng nữ tính? Vì trong cơ thể người bệnh loại này thiếu testosteron, không phản ứng với testosteron nhưng lượng oestrogen vẫn bình thường, tính mẫn cảm của cơ thể đối với oestrogen cao hơn nam giới. Oestrogen phân tiết trong tinh hoàn vẫn có thể khiến ngực phát triển. Tinh hoàn của người bệnh không có công năng sản sinh tinh dịch, không thể sinh con. Nếu ở chỗ háng chưa phát hiện có tinh hoàn, thì nên kiểm tra cắt bỏ tinh hoàn ở trong khoang bụng, tránh để chúng phát triển thành khối u.
Ví dụ: L. 19 tuổi, giới tính xã hội là nữ, chưa kết hôn. 15 tuổi, vú phát triển, chưa có kinh nguyệt, chiều cao 169 cm, đầu vú nhỏ, không có lông nách và lông mu, âm hộ phát triển kém, chiều dài âm đạo là 7 cm, không có tử cung, nhiễm sắc thể là 46XY. Chẩn đoán là chứng không mẫn cảm hoàn toàn với testosteron. Kiểm tra ổ bụng thấy có tinh hoàn phát triển không hoàn chỉnh.
72. Thế nào là người phụ nữ bị ái nam? Chứng này do bệnh gì gây nên?
Người phụ nữ có những biểu hiện như: ngực ngày càng nhỏ đi, kinh nguyệt ít dần hoặc tắt hẳn, vô kinh, lông mọc nhiều, nổi mụn trứng cá, giọng nói trầm, yết hầu to dần, rụng tóc mai... hoặc những bé gái xuất hiện sự phát dục quá sớm được gọi là người phụ nữ bị ái nam. Chứng này là do lượng testosteron trong buồng trứng hoặc trong tuyến thượng thận của cơ thể tăng quá cao và tác dụng đến tất cả các bộ phận cơ thể gây ra. Nguyên nhân phát dục quá sớm của phụ nữ bị ái nam là do sự tăng sinh bẩm sinh của vỏ tuyến thượng thận, hoặc do testosteron ở người mẹ gây nên. Ngoài ra, trong một số trường hợp (hiếm thấy) bệnh xuất hiện do sự phát triển của khối u trong buồng trứng, hoặc tuyến thượng thận có khả năng tiết ra testosteron.
Phụ nữ bị ái nam là một hiện tượng rất nghiêm trọng, bệnh nhân cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra. Nếu phát bệnh khi còn nhỏ tuổi, nên chú ý những biểu hiện dị dạng của ái nam. Tiến hành kiểm tra nhiễm sắc thể, hóa nghiệm hoóc môn trong máu là những việc không thể thiếu. Nếu ở người có khối u, cần cắt bỏ khối u, khiến những đặc trưng nam tính dần dần mất đi, khôi phục lại những đặc trưng nữ tính.
73. Phân bố lông, tóc của phụ nữ có gì khác so với nam giới? Vì sao?
Ở những người thuộc các chủng tộc khác nhau, mật độ lông, tóc trên cơ thể cũng khác nhau rất nhiều. Người sống ở khu vực Địa Trung Hải có mật độ lông, tóc lớn hơn người châu Âu, châu Phi; mật độ lông, tóc của người phương Đông là thấp nhất. Trong gia đình, bố hoặc mẹ có lông, tóc tốt, con cái tất cũng vậy, đây là do yếu tố quyết định bởi di truyền.
Ở đàn ông, lông to hơn, dài hơn so với phụ nữ, đặc biệt là lông ở mặt và ở chân, tay. Lông ở bộ phận sinh dục nam kéo dài lên tận rốn, lông ở bộ phận sinh dục nữ được phân bố theo hình tam giác. Ngực đàn ông rất nhiều lông, đỉnh đầu lại hói, đây là hiện tượng hiếm thấy ở phụ nữ.
Trừ bàn tay và bàn chân, mật độ chân lông của các bộ phận cơ thể đều giống nhau, nhưng độ dài ngắn của chu kỳ sinh trưởng lại khác nhau. Thời gian tái sinh của tóc là ba năm, nhưng thời gian tái sinh của lông mặt chỉ là bốn tháng, vì vậy, tóc thường dài hơn lông ở các bộ phận khác.
Mật độ chân lông ở nam, nữ tuy không khác nhau, nhưng sự khác nhau về testosteron lại rất lớn. Testosteron có khả năng kích thích lông, tóc phát triển rất nhanh. Testosteron trong cơ thể người phụ nữ ở mức thấp, nó liên quan đến sự phát triển của lông nách, lông âm hộ, lông tay, lông chân. Oestrogen có thể tác dụng đối kháng testosteron, khiến cho lông phát triển chậm. Trong cơ thể nam giới, nồng độ testosteron cao, kích thích lông mặt, lông xung quanh ngực. Lông mi và tóc không liên quan đến testosteron. Sự phát triển của tóc trên đỉnh đầu chịu sự ức chế của testosteron.
Căn cứ vào cơ chế điều tiết sự sinh trưởng phát triển của lông, tóc, có thể lý giải được sự khác nhau về phân bố lông, tóc giữa phụ nữ và nam giới.
74. Nguyên nhân gì dẫn đến bệnh nhiều lông ở phụ nữ? Điều trị như thế nào?
So với những phụ nữ cùng lứa tuổi, chủng tộc, nếu thấy lông quá nhiều, quá to, quá dài, thường xuất hiện ở mép trên, dưới cằm, xung quanh vú, đường thẳng rốn xuống, dưới đùi, xung quanh bụng..., bạn đã mắc bệnh nhiều lông ở phụ nữ.
Việc testosteron trong cơ thể quá nhiều đã kích thích mạnh đến chân lông. Một số chứng bệnh có thể dẫn đến biểu hiện ái nam ở phụ nữ, trong đó có hiện tượng mọc nhiều lông.
Nếu phụ nữ mọc nhiều lông, nhưng testosteron trong máu ở mức bình thường, kinh nguyệt và công năng sinh dục bình thường, thì đó là hiện tượng chân lông quá mẫn cảm với testosteron.
Vì vậy, nhiều lông ở phụ nữ chỉ là một triệu chứng. Bác sĩ cần tìm hiểu rõ bệnh án, kiểm tra cơ thể, đo thân nhiệt cơ sở, siêu âm, hóa nghiệm máu, nước tiểu, thí nghiệm một số công năng... mới có thể tìm rõ nguyên nhân gây ra bệnh nhiều lông ở phụ nữ.
Việc mọc nhiều lông gây nhiều phiền não cho phụ nữ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp mà còn ảnh hưởng đến tình yêu, hạnh phúc gia đình. Vì vậy, không ít người lo lắng chạy chữa. Đối sách đầu tiên đối với bác sĩ là tìm rõ nguyên nhân. Nếu có khối u thì nên phẫu thuật cắt bỏ. Nếu testosteron trong buồng trứng quá nhiều thì nên uống thuốc tránh thai, ức chế sự hình thành testosteron. Cũng có thể dùng loại thuốc kháng lại testosteron, làm gián đoạn sự kích thích của testosteron đối với chân lông.
Muốn điều trị kích thích kể trên, phải uống thuốc trong 3-6 tháng mới dần có hiệu quả, vì thuốc có thể làm những lông mới mọc nhỏ đi, ít hơn, mềm hơn, chứ không có tác dụng đối với lông đã mọc. Khi ngừng thuốc, lông lại có thể phát triển bình thường.
Ngoài ra, có thể dùng các phương pháp điều trị vật lý như điện giải chân lông, thuốc rụng lông. Những phương pháp điều trị này chỉ đem lại những công hiệu tạm đều.
75. Thế nào là bệnh buồng trứng đa nang?
Ở một số thiếu nữ (khi mới bắt đầu có kinh hoặc sau khi có một thời gian ngắn) xuất hiện hiện tượng: Kinh nguyệt ít dần hoặc không đúng kỳ, thậm chí tắt hẳn; lông trên cơ thể mọc nhiều, to hơn, mọc râu ria, có khi dần dần phát phì ra, nổi mụn trứng cá. Những biểu hiện đó khiến các thiếu nữ rất lo lắng, không biết mình có thể trở thành đàn ông không, sau khi đến bệnh viện kiểm tra mới phát hiện ra đại đa số thuộc về chứng bệnh buồng trứng đa nang.
Thế nào là bệnh buồng trứng đa nang? Stein Leventhal là người đầu tiên đưa ra những tin tức liên quan đến bệnh này vào năm 1936 Cho đến nay, trải qua hơn 60 năm, vẫn còn rất nhiều vấn đề về nguyên nhân phát bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh chưa được giải quyết. Có ý kiến cho sự thay đổi sinh lý, bệnh lý chủ yếu của bệnh này là: Testosteron sinh ra trong buồng trứng quá nhiều, trứng phát dục chậm hoặc dừng khi ở giai đoạn chưa chín. Người mắc bệnh có thể hoàn toàn không rụng trứng; kinh nguyệt có thể ít đi, tắt hẳn hoặc không theo chu kỳ; sau khi kết hôn không sinh con.
Do lượng testosteron trong máu tăng ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể mọc nhiều lông, nổi mụn trứng cá... nhưng không thể phát triển thành nam tính hóa. Siêu âm kiểm ra âm đạo có thể phát hiện thể tích trứng của người bệnh to hơn bình thường, số noãn bào tăng nhiều, đường kính khoảng 2-8 mm, noãn bào không chín. Phẫu thuật ổ bụng có thể phát hiện thấy vỏ màng bao quanh buồng trứng dày lên, mặt cắt cho thấy có nhiều bọc rỗng với kích thước khác nhau. Vì vậy, bệnh được gọi là "đa nang buồng trứng".
Có một số người bệnh thường béo lên. Do testosteron và tổ chức mỡ tăng nhiều, testosteron chuyển hóa từ tổ chức mỡ cũng tăng nhiều. Tình trạng testosteron ở mức tương đối cao, tác dụng đến nội mạc tử cung trong thời gian dài, lại thiếu ảnh hưởng đối kháng của progestagen... thường dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung, thậm chí dẫn đến ung thư. Cũng có khi testosteron ở mức cao nhưng không gây ra những thay đổi như đã nói ở trên.
76. Chứng bệnh buồng trứng đa nang có thường gặp không? Nó sẽ gây nên hậu quả gì?
Chứng bệnh buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ trẻ tuổi. Một số nhà khoa học đã căn cứ vào siêu âm để kiểm tra tỷ lệ phát sinh dạng đa nang có trong buồng trứng, kết quả cho thấy: Người kinh nguyệt ít chiếm 80-91%, người tắt kinh chiếm 26-38%, người không rụng trứng chiếm 57%, phụ nữ nhiều lông chiếm 70-92%. Siêu âm, kiểm tra, chẩn đoán và căn cứ vào những biểu hiện lâm sàng cho thấy đây là bệnh rất phổ biến.
Chứng bệnh buồng trứng đa nang gây nên hậu quả gì? Như đã giới thiệu ở phần trên, người bệnh sẽ phát sinh các chứng: rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, nhiều lông, tăng sinh nội mạc tử cung hoặc ung thư. Vì testosteron và insulin ở mức quá cao, lượng mỡ trong máu có những thay đổi bất lợi. Lâu ngày, bệnh nhân có thể mắc bệnh tiểu đường, xơ cứng động mạch, bệnh tim.
Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị chính xác không chỉ giúp người bệnh ngay từ khi còn trẻ đã có vòng kinh nguyệt đúng chu kỳ, giảm lượng lông trên cơ thể, hoàn thành nhiệm vụ sinh đẻ mà còn phòng được các bệnh nội mạc tử cung hoặc ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh tim. Người bệnh khi đã hiểu được các kiến thức này, nên coi trọng việc bảo vệ sức khỏe bản thân.
77. Chẩn đoàn và điều trị bệnh buồng trứng đa nang như thế nào?
Câu 74 đã đề cập đến nguyên nhân phát sinh bệnh, nhưng chưa hoàn toàn rõ ràng, có thể ở những người bệnh khác nhau thì nguyên nhân phát bệnh cũng khác nhau. Nó liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương, buồng trứng, tuyến thượng thận, nhân tố di truyền... nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phương pháp trị bệnh tận gốc.
Trước khi điều trị, bác sĩ cho người bệnh làm hóa nghiệm, siêu âm để loại trừ khả năng mắc một số bệnh tương tự (tăng sinh màng tuyến thượng thận, cơ năng sinh lý của tuyến giáp trạng ở quá mức bình thường hoặc quá yếu) để chẩn đoán xác định bệnh.
Mục đích của việc trị bệnh là thúc đẩy khả năng sinh đẻ. Trước hết là thúc đẩy sự rụng trứng. Cần nhấn mạnh là: Trong thời gian uống thuốc, nên đo nhiệt độ cơ thể. Nếu việc điều trị có hiệu quả, khí hư sẽ xuất hiện tương đối nhiều sau khi dừng thuốc 7-8 ngày. Hãy tiếp tục uống 2-3 ngày, khi nhiệt độ cơ thể tăng 0,3-0,5 độ C. Nên tranh thủ sinh hoạt vợ chồng 2 ngày một lần, thực hiện 2-3 lần sẽ có khả năng mang thai. Người béo nên dùng thuốc với lượng nhiều hơn người bình thường (theo chỉ dẫn của bác sĩ) thì mới có hiệu quả. Sau thời gian dùng thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm, quan sát dịch dính ở cổ tử cung. Nếu đường kính của tế bào trứng trong buồng trứng là 16-18 mm, có thể tiêm thêm hCG vào bắp, sau 24 giờ nếu quan hệ vợ chồng thì tỷ lệ thụ thai sẽ cao.
Nếu dùng loại thuốc thúc đẩy sự rụng trứng thông thường trong thời gian tương đối dài nhưng chưa có hiệu quả, nên thay loại hMG/hCG. Loại này sẽ đem lại hiệu quả nhất định, tuy giá thuốc tương đối cao.
Hiện nay có một số phương pháp thúc đẩy hỗ trợ rụng trứng tương đối phức tạp, tốn nhiều tiền, tỷ lệ thụ thai không vượt quá 20%. Vì vậy, nếu điều kiện kinh tế cho phép, bệnh nhân nên bàn bạc với bác sĩ, lựa chọn bệnh viện có điều kiện kỹ thuật đầy đủ để trị bệnh có hiệu quả.
78. Phẫu thuật có thể điều trị được bệnh buồng trứng đa nang không?
Trước những năm 60, phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng để điều trị bệnh buồng trứng đa nang, giúp sinh con, tỷ lệ thụ thai là 30-60%. Sau những năm 60, người ta nhận thấy việc phẫu thuật sẽ tạo thành vành xung quanh ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến công năng hấp thụ trứng, hơn nữa hiệu quả chỉ là tạm thời, nên ít áp dụng.
Năm 1984, phương pháp chiếu laser qua ổ bụng hoặc điện ngưng được áp dụng nhằm làm nóng noãn bào trong buồng trứng, thúc đẩy sự sinh đẻ. Nguyên lý của phương pháp này là thông qua giảm thiểu việc sản sinh testosteron để đạt được mục đích trị bệnh. Người bị bệnh tim không nên chiếu laser hoặc làm hóa nghiệm. Nhìn chung, khi mắc bệnh nên nằm viện, sau khi phẫu thuật nên nghỉ ngơi một tuần. Cũng cần đo thân nhiệt cơ sở để xem xét hiệu quả trị liệu. Tốt nhất là tranh thủ mang thai sau khi phẫu thuật 3-6 tháng; vì nếu để lâu, hiện tượng không rụng trứng có khả năng tái diễn.
79. Người đã sinh con, khi bị bệnh buồng trứng đa nang có thể không cần phải điều trị?
Không đúng. Vì sau khi sinh con, bạn vẫn có khả năng rối loạn kinh nguyệt, dẫn đến những bất thường ở nội mạc tử cung, vì vậy vẫn cần hướng dẫn trị bệnh của bác sĩ. Bệnh nhân cần:
- Căn cứ vào tình hình kinh nguyệt, chọn dùng progestagen hoặc thuốc tránh thai có hiệu quả trong thời gian ngắn, khống chế chu kỳ kinh nguyệt, có tác dụng phòng chứng tăng sinh nội mạc tử cung và ung thư.
- Khống chế trọng lượng cơ thể trong phạm vi thích hợp. Điều tiết chế độ ăn uống cho hợp lý, nên ăn ít đồ ngọt; chú ý rèn luyện thân thể, cai thuốc lá, cai rượu. Căn cứ vào lượng mỡ trong máu, dùng thuốc giảm mỡ thích hợp để đề phòng phát sinh bệnh tim.
80. Đau bụng hành kinh là gì?
Khái niệm đau bụng hành kinh được dùng để chỉ một loạt triệu chứng của phụ nữ trước, sau hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt, bao gồm đau bụng dưới (có khi đau quằn quại và kéo dài), đau thắt lưng, bụng có cảm giác đầy hơi, hậu môn có những biểu hiện khó chịu như buồn đi ngoài...
Người bị đau bụng kinh ở mức nhẹ thường không quan tâm lắm đến chứng này. Nhưng ở mức độ nghiêm trọng, chứng đau bụng kinh sẽ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Ngoài đau bụng, một số người còn có các hiện tượng đau ngực, buồn nôn, ỉa chảy. Nếu hiện tượng này kéo dài, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị. Khi đó, có thể coi nó là một triệu chứng bệnh.