Phần 5

81. Phân loại đau bụng hành kinh như thế nào?
Đau bụng hành kinh nhìn chung được phân làm hai loại: loại nguyên phát và loại thứ phát.
Loại nguyên phát (còn gọi là đau bụng hành kinh mang tính cơ năng): Người bệnh không phát hiện ra ở cơ quan sinh dục bất cứ biển đổi bệnh lý gì, nhưng vẫn bị đau bụng hành kinh. Hiện tượng này thường gặp ở những phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn và chưa sinh con. Đau bụng kinh xuất hiện sau chu kỳ rụng trứng.
Ở loại đau bụng kinh thứ phát (còn gọi là đau bụng kinh mang tính khí chất), cơ quan sinh dục của người bệnh có nhiều thay đổi. Bệnh thường gặp ở những người bị bệnh phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, tuyến cơ tử cung, cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung...
Chúng ta rất khó phân biệt rõ ràng hai loại đau bụng kể trên. Ví dụ như người bị đau bụng kinh nguyên phát sau nhiều năm sẽ có những thay đổi của cơ quan sinh dục, khiến cho hiện tượng đau bụng kinh ngày càng nặng; khi đó rất khó để phán đoán. Có trường hợp người bệnh được chẩn đoán là đau bụng kinh nguyên phát, nhưng thực tế họ bị mắc chứng lạc nội mạc tử cung ở mức nhẹ, khi kiểm tra soi ổ bụng mới phát hiện được là bị đau bụng kinh thứ phát.
Nói tóm lại, đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát chỉ là hai dạng của thống kinh, giữa hai loại này nhiều lúc rất khó xác định chính xác bằng các biểu hiện lâm sàng.
82. Đau bụng hành kinh có phải là hiện tượng thường xảy ra không?
Đau bụng hành kinh đúng là một loại bệnh phụ khoa tương đối phổ biến. Từ trước đến nay, do cảm giác đau của mỗi người khác nhau, mức độ chịu đựng của mỗi người cũng khác nhau, hơn nữa lại thiếu phương pháp định lượng khách quan, chuẩn xác về mức độ của bệnh, nên tỷ lệ đau bụng hành kinh được thống kê của phụ nữ ở các nước có sự chênh lệch khá lớn.
Theo một số điều tra, năm 1980 ở Trung Quốc có 33% người bị đau bụng hành kinh trong số 72.000 phụ nữ được điều tra. Trong đó:
- 36% đau bụng kinh nguyên phát.
- 32% bị đau thứ phát.
- 32% không rõ nguyên nhân.
- 13,6% người bị ảnh hưởng đến công tác và sinh hoạt.
Năm 1982, Andersch và Milsom đưa ra báo cáo: Có đến 72% nữ thanh niên lứa tuổi 19 ở Thụy Điển bị đau bụng hành kinh, trong đó 15% dùng thuốc giảm đau. Năm 1985, ở Mỹ 50% phụ nữ sau tuổi dậy thì bị đau bụng kinh ở mức độ khác nhau, 10% vì đau bụng kinh mà mỗi tháng phải nghỉ một đến ba ngày. Từ đó có thể thấy, đau bụng kinh là chứng bệnh rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ dưới 19 tuổi.
83. Chứng đau bụng hành kinh liên quan đến những yếu tố gì?
Những nhân tố liên quan đến đau bụng hành kinh nguyên phát gồm:
- Thấy kinh lần đầu sớm hoặc muộn: Có điều tra cho thấy mức độ đau và tuổi thấy kinh lần đầu có liên quan đến nhau. Ở người thấy kinh lần đầu sớm, tỷ lệ đau bụng kinh cao, đồng thời mức độ đau cũng nghiêm trọng hơn.
- Hôn nhân và sinh đẻ: Giữa đau bụng kinh và việc kết hôn có liên quan với nhau hay không, hiện còn tồn tại hai quan điểm. Đại đa số cho rằng đau bụng hành kinh không liên quan gì đến hôn nhân. Nhưng không ít người cho rằng sau khi kết hôn, mức độ đau bụng hành kinh ở nhiều phụ nữ giảm hẳn. Điều này đang cần được nghiên cứu lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác.
- Đau bụng hành kinh còn liên quan đến những nhân tố mệt mỏi kéo dài, căng thẳng, thời tiết lạnh hoặc cơ thể quá mẫn cảm.
Những nhân tố liên quan đến hiện tượng đau bụng hành kinh thứ phát:
- Giữ vệ sinh không tốt trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và sau khi sinh, sinh hoạt tình dục quá sớm, quá nhiều dẫn đến chứng viêm tử cung.
- Nạo phá thai hay tác động vào khoang tử cung nhiều lần gây viêm dính nội mạc.
- Tránh thai: Đau bụng hành kinh và các phương pháp tránh thai có ảnh hưởng nhất định với nhau. Đặc biệt, phương pháp đặt vòng thường làm tăng mức độ đau bụng hành kinh. Thuốc tránh thai chứa progestagen có tác dụng làm lỏng cơ nhẵn của tử cung, giảm nhẹ triệu chứng đau bụng do co bóp. Uống thuốc tránh thai có thể giảm tỷ lệ và độ đau của đau bụng hành kinh.
- Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt và độ dài ngắn của từng chu kỳ: Nhìn chung, độ nghiêm trọng của đau bụng hành kinh và độ dài ngắn của chu kỳ kinh nguyệt không có ảnh hưởng gì đến nhau. Nhưng do đau bụng kinh biểu hiện trong thời kỳ kinh nguyệt nên nếu thời gian hành kinh kéo dài thì thời gian đau bụng kinh cũng bị kéo dài theo.
- Một số nhân tố khác: Có ý kiến cho rằng người béo mập thường dễ bị đau bụng hành kinh; thói quen hút thuốc lá và đau bụng hành kinh luôn có tỷ lệ thuận.
84. Nguyên nhân và cơ chế gây đau bụng hành kinh
Đây là một bệnh phụ khoa mà biểu hiện lâm sàng là đau bụng. Thực ra, nó là một chứng bệnh độc lập, nhưng do sự đau đớn có những biểu hiện đặc biệt nên người ta liệt nó vào hàng các bệnh phụ khoa.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng hành kinh, biểu hiện của chúng rất khác nhau. Người bị u cơ dưới niêm mạc tử cung, người có cơ quan sinh dục cấu tạo không bình thường như cổ tử cung hẹp... đều có thể bị đau bụng hành kinh. Sự tồn tại của những vật lạ trong tử cung (như vòng tránh thai) cũng có thể kích thích tử cung, phát sinh sự đau đớn.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến đau bụng hành kinh có thể quy về mấy phương diện sau:
- Sự co thắt quá độ của tử cung: Áp lực co thắt tử cung của người đau bụng hành kinh và người bình thường cơ bản là giống nhau. Nhưng do sự co thắt của tử cung duy trì trong thời gian khá dài, lại không dễ thả lỏng hoàn toàn, nên tử cung bị co thắt quá độ dẫn đến đau bụng hành kinh.
- Tử cung co thắt không bình thường, khiến cơ nhẵn tử cung bị thiếu máu, gây đến co thắt, thậm chí co rút cơ tử cung, từ đó xuất hiện đau bụng hành kinh. Nghiên cứu thực nghiệm gần đây cho thấy, huyết áp cao là nhân tố quan trọng tạo thành sự co thắt không bình thường của tử cung.
- Hàm lượng chất prostaglandin (PG) trong máu kinh nguyệt và nội mạc tử cung tăng cao. Chất Prostaglandin E2 (PGE2) làm co thắt cơ tử cung. Nhiều thí nghiệm đã chứng minh hàm lượng PG trong máu người đau bụng kinh cao hơn người bình thường. Trong một cơ thể, hàm lượng PGE2 và PGF2a cũng khác nhau, tỷ lệ GPF2a/PGE2 không tương đồng ở những khoảng thời gian khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt. Những kích thích đó có thể dẫn đến sự co thắt không bình thường của cơ tử cung, gây đau đớn.
Ở người bị chứng lạc nội mạc tử cung, quan hệ giữa chứng đau bụng hành kinh và hàm lượng PG càng rõ ràng. Hàm lượng PGF2a trong huyết thanh và dịch khoang bụng của họ cao hơn người không đau bụng hành kinh.
85. Đau bụng hành kinh nguyên phát có những đặc điểm lâm sàng nào?
Đau bụng hành kinh nguyên phát thường thấy ở những phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn, chưa sinh con. Bệnh thường phát vào khoảng 1-2 năm sau khi có kinh lần đầu.
Hiện tượng đau bụng xuất hiện một thời gian ngắn trước ngày hành kinh hoặc trong ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí 1-2 ngày. Cơn đau thường xảy ra ở bụng dưới và thắt lưng; hậu môn có cảm giác khó chịu. 50% người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần... Nếu đau nhiều, bệnh nhân sẽ toát mồ hôi, mặt mũi tái nhợt, tay chân lạnh ngắt, hạ đường huyết.
Sau khi người phụ nữ kết hôn, sinh nở hoặc khi tuổi đời nhiều lên, chứng đau bụng hành kinh có thể tự nhiên giảm đi hoặc mất hẳn.
86. Thế nào là chứng lạc nội mạc tử cung?
Chứng lạc nội mạc tử cung thường phát triển ở bộ phận ngoài tầng cơ tử cung, như ở buồng trứng, vách trực tràng âm đạo. Dưới ảnh hưởng kích thích của buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt, chứng bệnh này gây co thắt tử cung, tạo thành đau bụng hành kinh.
Chứng lạc nội mạc tử cung thường thấy ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt từ 31 đến 45 tuổi. Biểu hiện lâm sàng điển hình là đau bụng trước kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, có người đau bụng cho đến ngày cuối của chu kỳ. Theo thời gian, cơn đau bụng sẽ ngày càng nặng, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn ọe, đi tả... Những mảnh nội mạc tử cung và hàm lượng prostaglandin tăng quá cao chính là nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng này. Những mảnh lạc nội mạc tử cung chứa máu kinh; khi bọc này vỡ ra, bệnh nhân sẽ có cơn đau bụng cấp tính.
° Phương pháp trị bệnh
- Uống thuốc: Uống các loại thuốc tạm ngừng kinh, mang thai giả. Khi người bệnh quá đau, có thể phối hợp sử dụng loại thuốc đối kháng với chất cơ bản của tuyến tiền liệt prostaglandin.
- Phẫu thuật: Bao gồm các phương pháp sau:
  + Phẫu thuật đối kháng: Nếu người bệnh trẻ tuổi hoặc cần phải giữ gìn cơ năng sinh dục, có thể tiến hành bóc tách bọc lạc nội mạc tử cung. Phương pháp này đơn giản, vết mổ tương đối nhỏ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể sớm tranh thủ mang thai. Nhược điểm là tỷ lệ tái phát cao.
  + Phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung: Đối với những người không có nhu cầu sinh con nữa, có thể tiến hành cắt bỏ toàn bộ tử cung cho đến vùng nhiễm, giữ lại một phần buồng trứng. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải uống thuốc trị bệnh. Tỷ lệ tái phát rất thấp.
  + Phẫu thuật triệt tận gốc của bệnh: Nếu phụ nữ ở vào thời kỳ tiền mãn kinh, có thể chọn phương pháp cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và những vùng bị lây nhiễm bệnh.
87. Thế nào là các chứng ở tuyến cơ tử cung?
Nội mạc tử cung xâm nhập vào tầng cơ tử cung, gây lạc nội mạc tử cung. Chúng sẽ dày lên và xuất huyết dưới ảnh hưởng của hoóc môn buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt; kích thích dẫn đến tăng sinh các tổ chức xung quanh, khiến tử cung trở nên to và cứng. Chứng bệnh này thường gặp ở những phụ nữ trên 40 tuổi, đã sinh đẻ hay nạo thai nhiều lần, những người bị đau bụng hành kinh (chiếm 70%). Người bệnh còn bị kèm theo kinh nguyệt nhiều, vô sinh. Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ phát hiện thấy tử cung to lên, cứng. Để có chẩn đoán cuối cùng, cần kiểm tra bệnh lý của tiêu bản được lấy ra sau khi phẫu thuật.
Đối với người bệnh trẻ tuổi, bệnh nhẹ, có nhu cầu sinh đẻ thì nên dùng phương pháp uống thuốc, nặng thì nên cắt bỏ tử cung.
88. Những bệnh phụ khoa nào thường dẫn đến đau bụng hành kinh? Phải điều trị như thế nào?
- U cơ dưới niêm mạc tử cung: Là loại u cơ tử cung phát triển ở sát phần dưới nội mạc tử cung, hướng vào phía trong tử cung; vì mặt ngoài của nó che lấp nội mạc tử cung nên làm tăng diện tích nội mạc tử cung. Biểu hiện lâm sàng: lượng kinh nguyệt tăng, chu kỳ không đều, đau bụng hành kinh. Khi có triệu chứng thiếu máu, nên tiến hành phẫu thuật trị bệnh. Phương pháp phẫu thuật thường áp dụng là cắt bỏ u hoặc cắt bỏ tử cung.
- Dính niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung: Thường dẫn đến đau bụng hành kinh. Phẫu thuật nạo thai, thao tác vùng tử cung nhiều lần hoặc nội mạc tử cung kết hạch là nguyên nhân thường thấy gây dính niêm mạc cổ tử cung hoặc vùng tử cung. Khi dính niêm mạc gây ra đau bụng, nên phẫu thuật phân tích niêm mạc. Sau khi phẫu thuật, nên phòng tránh thai 3 tháng để tránh tái phát.
- Viêm tiểu khung: Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào đường sinh dục của phụ nữ dẫn đến viêm tiểu khung, một bệnh phụ khoa thường thấy. Bệnh thường phát sinh sau khi sinh đẻ, nạo thai, phẫu thuật vùng tử cung hoặc do vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt không tốt. Triệu chứng chủ yếu là đau hai bên dưới bụng, đau kéo dài liên tục, có khi đau ngang thắt lưng...
Bệnh viêm tiểu khung cấp tính nếu không được điều trị triệt để sẽ có thể chuyển thành viêm mạn tính. Triệu chứng thường thấy là đau bụng, mệt mỏi, sốt nhẹ, kinh nguyệt không đều, vô sinh. Kiểm tra phụ khoa có thể phát hiện ra tử cung dày lên, có khi có khối u, sờ vào thấy đau ở hai bên.
Điều trị: Chủ yếu bằng phương pháp kháng khuẩn. Nếu có mủ thì nên phẫu thuật để dẫn lưu. Nếu viêm tiểu khung do kết hạch, phải tiến hành điều trị 1-2 năm mới triệt để. Bệnh viêm mạn tính thì phải trị liệu vật lý.
- Đường sinh dục dị dạng, gây tắc: Ví dụ như màng trinh bịt kín đường sinh dục. Máu hành kinh không thông, chảy ngược, tích lại và dẫn đến đau bụng hành kinh. Cần phẫu thuật để giải quyết phần ách tắc.
89. Chẩn đoán và điều trị đau bụng hành kinh như thế nào?
Phụ nữ trước, trong hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện đau bụng thì nên làm gì?
Trước tiên, nên đến bệnh viện kiểm tra phụ khoa một cách tỉ mỉ. Căn cứ vào lý lịch bệnh do người bệnh cung cấp, vào những triệu chứng lâm sàng và kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nhất.
Bệnh nhân cần được giám định để xác định triệu chứng đau bụng là do các chứng bệnh khác (như u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm tiểu khung cấp tính, đẻ non...) gây nên hay do đau bụng hành kinh gây nên. Việc các chứng bệnh trên bị chẩn đoán nhầm thành đau bụng kinh sẽ dẫn đến điều trị sai, gây những hậu quả không tốt.
Phương pháp trị đau bụng hành kinh chủ yếu là uống thuốc; nhưng tác dụng của tâm lý trị liệu và sự nghỉ ngơi cũng không thể coi nhẹ, đặc biệt là với phụ nữ trẻ tuổi bị đau bụng hành kinh nguyên phát. Khi bắt đầu có kinh, họ thường có những thay đổi về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, u uất... Những phản ứng tâm lý này cũng làm tăng thêm mức độ đau bụng hành kinh.
Uống thuốc để điều trị đau bụng hành kinh là phương pháp không thể thiếu:
- Thuốc có progestagen: Progestagen có tác dụng làm giãn cơ nhẵn của tử cung, ức chế sự co bóp của tử cung, nhờ đó giảm nguy cơ đau đớn. Ngoài ra, việc dùng progestagen vừa phải còn ức chế rụng trứng, giảm tỷ lệ sản sinh prostaglandin.
Cần uống thuốc chứa progestagen trong thời gian ngắn hoặc theo chu kỳ.
  + Uống thuốc trong thời gian ngắn: Bắt đầu khi hết hành kinh được 5-7 ngày, liên tục trong 5-7 ngày'
  + Uống theo chu kỳ: Tương tự như dùng thuốc tránh thai, bắt đầu vào ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt, uống trong khoảng 20 ngày, sau khi dừng thuốc cần chú ý hiện tượng đau bụng kinh. Có thể uống thuốc liền trong 3 chu kỳ.
- Thuốc kháng viêm: Thông qua ức chế quá trình hợp thành các prostaglandin, loại thuốc này làm giảm việc sản sinh prostaglandin; hoặc gián đoạn sự kết hợp giữa prostaglandin với các chất khác. Từ đó, nó trực tiếp kháng lại tác dụng của prostaglandin, đạt đến hiệu quả ngừng đau. Loại thuốc này có thể dùng trong thời gian tương đối dài. Người bị viêm loét dạ dày, có bệnh hô hấp phải thận trọng khi dùng thuốc.
- Thuốc tễ chống lắng đọng canxi: Sự ngưng đọng canxi khi xâm nhập vào tế bào sẽ làm ức chế sự co bóp tử cung. Loại thuốc này có tác dụng phụ như: làm giảm huyết áp, cản trở hô hấp.
- Thuốc Bắc: Làm khí huyết lưu thông, giảm nhẹ cơn đau.
- Phẫu thuật: Nên hạn chế, chỉ dùng khi các loại thuốc trên không có hiệu quả.
Nếu bị đau bụng hành kinh kéo dài, ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc kể trên, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh như: chứng lạc nội mạc tử cung, chứng bệnh ở tuyến cơ tử cung.
90. Làm thế nào để phòng tránh đau bụng hành kinh?
Do cơ chế phát bệnh của đau bụng kinh nguyên phát còn chưa rõ ràng nên ta chỉ có thể dự phòng bằng cách tránh lạnh, không làm việc quá sức, quá căng thẳng. Đau bụng kinh kéo dài do các chứng bệnh ở cơ quan sinh dục gây nên, vì vậy nên sớm kiểm tra phát hiện bệnh phụ khoa, kịp thời điều trị. Ngoài ra, bạn cần lưu ý:
- Giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tránh lao động thể lực hoặc vận động quá sức. Tuyệt đối không sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ kinh nguyệt và tránh những kiểm tra phụ khoa không cần thiết.
- Làm tốt công tác tránh thai. Tránh nạo thai và phẫu thuật buồng tử cung (có thể dẫn đến dính niêm mạc tử cung và phát sinh chứng bệnh khác.
- Giữ vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ mang thai và sinh con. Tuyệt đối không sinh hoạt tình dục bừa bãi, tránh phát sinh chứng viêm tiểu khung và các chứng phụ khoa khác.
91. Thế nào là chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt?
Rất nhiều phụ nữ xuất hiện những triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh nguyệt (sẽ hết trong hoặc sau kỳ kinh). Sự xuất hiện hoặc biến mất của triệu chứng này có tính quy luật và chu kỳ, đồng bộ với chu kỳ kinh nguyệt. Biểu hiện của chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt rất đa dạng, về cơ bản có thể chia thành hai phương diện:
- Thể chất.
- Tinh thần, tâm lý, hành vi.
Triệu chứng thường thấy của phương diện thể chất là ngực bị cương đau, đau đầu vú, chướng bụng dưới, đau đầu, chân tay mỏi nhừ, có cảm giác tăng cân, thói quen đại tiện bị thay đổi...
Những triệu chứng khác thường của phương diện tâm lý, hành vi là: nôn nóng, sốt ruột, dễ nổi cáu, tư tưởng không tập trung, tình cảm không ổn định, u uất, thèm ăn, toàn thân cảm thấy nặng nề, thậm chí còn cảm thấy chán ghét cuộc sống, có khuynh hướng tự sát.
Những triệu chứng này không chỉ đem lại cho phụ nữ sự đau khổ phiền não về tinh thần và thể xác mà còn có thể tạo nên những mâu thuẫn trong gia đình, những phiền phức trong quan hệ xã hội.
92. Chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt có thường thấy ở phụ nữ không?
Từ thế kỷ 16 đã có những ghi chép về các hiệu tượng khó chịu xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt. Đến năm 1931, hiện tượng này được gội là "chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt".
Theo một số điều tra, khoảng 90% phụ nữ có triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh nguyệt. Trong đó, 30-40% có biểu hiện rõ ràng, cần phải điều trị; 3%-12% ở mức nghiêm trọng. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, do chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt, trên 10% phụ nữ không thể đảm nhiệm được công việc thường ngày trong một hoặc vài ngày trước kỳ kinh.
Như vậy, chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt là tương đối phổ biến ở phụ nữ, đa số ở mức nhẹ, không đủ để gây chú ý quan tâm ở chị em. Tỷ lệ người bị bệnh nặng là thiểu số.
Chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt thường phát sinh vào lứa tuổi sinh đẻ (chủ yếu sau tuổi 30). Ở một số người, bệnh có xu hướng tăng nặng theo tuổi tác. Tùy theo hoàn cảnh cuộc sống và gánh nặng tinh thần, mức độ nặng nhẹ của bệnh trong các tháng cũng khác nhau. Một số nhà khoa học đã quan sát chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt của hai chị em gái song sinh hoặc của con gái và mẹ đẻ. Họ nhận thấy, khả năng phát bệnh có liên quan đến nhân tố di truyền.
Quan hệ giữa chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt với các phương diện như chủng tộc, văn hóa, sinh đẻ, hôn nhân, nghề nghiệp, giáo dục và tình hình kinh tế xã hội còn chưa được xác định rõ ràng.
93. Chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt có biểu hiện gì?
Biểu hiện lâm sàng của chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt rất đa dạng. Triệu chứng thường thấy có thể quy vào mấy phương diện sau:
- Thể chất: Biểu hiện thường thấy nhất là cương ngực, đau đầu vú, đau đầu, chướng bụng, phù nước, mệt mỏi, toàn thân cảm thấy nặng nề; thay đổi thói quen đại tiện; nổi mụn trứng cá.
- Tâm lý tinh thần: Nôn nóng, sốt ruột, dễ mệt mỏi; dễ bị kích động, nổi cáu; hoang mang, căng thẳng, vui buồn thất thường; u uất hoặc lo lắng bất an, thậm chí nghĩ đến tự sát.
- Hành vi: Thích cãi cọ, thích sống độc thân; tư tưởng không tập trung; không muốn làm việc nhà và việc xã hội; chán ghét cuộc sống, không muốn giao tiếp.
- Biểu hiện khác: Thay đổi thói quen ăn uống như thích ăn đồ ngọt; thay đổi tính dục. Có người còn có triệu chứng giống như phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh: bốc hỏa, toát mồ hôi, tim đập mạnh và loạn nhịp, mất ngủ.
Các triệu chứng kể trên xuất hiện theo quy luật trước kỳ kinh nguyệt. Thời gian xuất hiện và hình thức biểu hiện có mấy loại sau:
- Triệu chứng xuất hiện khoảng một tuần trước kỳ kinh nguyệt. Tùy mức độ nặng, nhẹ, đến ngày đầu tiên của kỳ kinh, triệu chứng sẽ giảm rõ hoặc hết hẳn.
- Triệu chứng xuất hiện khi vừa rụng trứng, tùy mức độ nặng nhẹ mà có thể kéo dài đến ngày kinh nguyệt.
- Giữa kỳ kinh nguyệt (tức thời kỳ rụng trứng), có 1-2 ngày khó chịu, sau 3-4 ngày triệu chứng lại hết. Khoảng một tuần trước kỳ kinh nguyệt, triệu chứng lại bắt đầu xuất hiện và có xu hướng nặng hơn; sau khi có kinh nguyệt thì triệu chứng này hết hẳn.
- Triệu chứng xuất hiện 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt, mức độ ngày càng nặng và kéo dài đến khi sạch kinh.
94. Vì sao lại sinh ra chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt?
Triệu chứng của chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt rất đa dạng, khó có thể dùng lý luận y học để giải thích. Vì vậy, giả thiết y học về chứng bệnh này còn chưa thống nhất. Nhưng có rất nhiều nghiên cứu cho rằng, chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt có thể do yếu tố nội tiết và yếu tố tâm lý tạo thành.
Oestrogen, progestagen (tiết ra trong kỳ kinh nguyệt) thay đổi có tính chu kỳ. Trong các thời điểm khác nhau thì tỷ lệ của hai chất đó cũng khác nhau. Quan điểm truyền thống cho rằng, chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt xảy ra do trong thời gian này, lượng progestagen không đủ, lượng oestrogen lại quá nhiều; hoặc tỷ lệ oestrogen/progestagen không đều. Vì progestagen có tác dụng trấn tĩnh hệ thống thần kinh trung tâm, nên việc progestagen không đủ sẽ làm xuất hiện chứng lo lắng, bồn chồn... Progestagen còn có tác dụng thúc đẩy sự bài tiết nước muối, vì vậy khi thiếu progestagen, cơ thể sẽ xuất hiện phù thũng. Có ý kiến cho rằng, lượng oestrogen không đủ có liên quan đến chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt. Oestrogen có thể tiêu giải một số triệu chứng u uất, đau đầu. Chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt có một số biểu hiện giống khi mãn kinh.
Các nghiên cứu tâm lý học cho rằng, chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt có liên quan đến nhân tố tâm lý. Biểu hiện lâm sàng cho thấy người gặp càng nhiều trở ngại về tâm lý thì bệnh càng nặng.
Còn rất nhiều giả thuyết khác về chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt. Có báo cáo còn cho rằng chứng này liên quan đến hoóc môn tuyến giáp trạng, lượng đường trong máu, vitamin B6, prostaglandin.
95. Chẩn đoán căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt như thế nào?
Do nguyên nhân gây bệnh, việc kiểm tra hóa nghiệm để làm tiêu chí chẩn đoán chưa được rõ ràng, nên rất khó chẩn đoán chứng bệnh này. Căn cứ vào đặc điểm phát bệnh, có thể đưa ra mấy loại chẩn đoán cơ bản sau:
- Chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt phát sinh trong chu kỳ kinh nguyệt có rụng trứng.
- Triệu chứng xuất hiện trước khi xuất hiện kinh nguyệt.
- Nên loại trừ các nguyên nhân tâm lý khác.
- Nên loại trừ ảnh hưởng của thuốc và các loại bệnh khác.
Trường hợp người bệnh bị chứng này đã lâu, nên ghi chép tường tận trong 2-3 tháng, đo nhiệt độ cơ thể, ghi đặc trưng và thời gian xuất hiện của chứng bệnh, để xác định có rụng trứng hay không, thời gian xuất hiện có phải trước kỳ kinh không. Việc ghi chép tỷ mỷ có thể giải trừ những yếu tố tinh thần khác.
Kiểm tra thể chất cũng rất quan trọng đối với việc chẩn đoán, giúp loại trừ các bệnh lý khác như bệnh về tuyến vú và các bệnh phụ khoa khác. Kiểm tra thể chất còn phát hiện sự khác thường về tâm lý, tinh thần và các chứng bệnh mạn tính khác như phù thũng, mệt mỏi, hoặc phản ứng sau khi dùng một số loại thuốc.
Mấy năm gần đây, có đề xuất về chứng bệnh gọi là "chứng lo lắng trước kỳ kinh nguyệt" mà biểu hiện của nó giống như chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt: lo lắng, sốt ruột, dễ cáu giận...
96. Điều trị chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt như thế nào?
Đại đa số phụ nữ trước kỳ kinh nguyệt đều có những triệu chứng khó chịu ở mức độ khác nhau. Người bị nhẹ nhìn chung không nên dùng thuốc điều trị đặc biệt, nên nghỉ ngơi thích hợp hoặc điều tiết hợp lý giữa sinh hoạt và công việc. Đối với người bệnh nặng có thể phối hợp uống thuốc trị liệu.
Triệu chứng của chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt rất đa dạng, bệnh nhân cũng khó xác định. Vì vậy, việc trị bệnh này không thể chỉ dựa vào một loại thuốc hoặc một loại phương pháp. Dưới đây xin giới thiệu mấy phương pháp bệnh thường dùng:
- Ức chế rụng trứng: Triệu chứng này chỉ phát sinh ở phụ nữ có rụng trứng. Vì vậy, có thể thông qua việc ứng chế rụng trứng để trị bệnh. Phương pháp thường dùng là uống thuốc tránh thai, sau khi uống triệu chứng sẽ giảm. Nhưng sau khi uống thuốc tránh thai, ở một số phụ nữ xuất hiện các phản ứng như buồn nôn, đau đầu, cương cứng vú, dễ bị nhầm là triệu chứng tăng lên.
- Điều trị progestagen: Một trong những nguyên nhân phát sinh bệnh là lượng progestagen trước kỳ kinh nguyệt không đủ. Vì vậy, có thể dùng phương pháp bổ sung chất đó. Có nghiên cứu cho rằng, phương pháp này có hiệu suất 80%. Phương pháp điều trị cụ thể nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Giải toả tâm lý: Thuốc tễ làm ổn định thần kinh trung ương, có thể giảm bớt căng thẳng thần kinh, giảm chứng lo lắng, bồn chồn, bất an. Đối với người bị ức chế cao độ, có thể dùng thuốc tạo sự hưng phấn thần kinh. Liều dùng nên theo chỉ định của bác sĩ.
- Các loại thuốc khác nhau: Vitamin B6, E, A, canxi đều có tác dụng trấn tính, thư giãn tinh thần. Ngoài ra, nên uống loại thuốc lợi tiểu, trừ mệt mỏi, thuốc trị bệnh đau đầu...
97. Có thể dùng thuốc bắc để điều trị chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt không?
Đông y cho rằng chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt xuất hiện do khí chất không tốt, âm hư, gan vượng, kinh mạch không thông, tâm thần suy yếu. Để điều trị chứng bệnh này, có thể dùng các bài thuốc trị lý như sau:
1. Bổ gan, hoạt huyết điều kinh: Tán tất cả và gia giảm các vị sau: Tử hồ, đương quy, bạch truật, bạch thược, phục linh, uất kim, thanh bì, qua lâu mỗi thứ 9 g. Nếu bị đau đầu thì thêm bạch chỉ, xuyên khung, hương phụ mỗi thứ 9 g, cam thảo 6 g. Nếu phù thũng cho thêm trạch tả 9 g, xa tiền tử 9 g.
2. Kiện gan, ôn dương, lợi tiểu: Đương sâm, bạch truật, phục linh, ba kích nhục mỗi thứ 9 g, ý nhân 12 g, sắc lấy nước uống.
3. Đường dương, bình gan: Câu khởi tử 12 g, đan bì 6 gam, cúc hoa, sinh địa, bạch thược, thịt táo tàu, sơn du nhục mỗi thứ 9 gam (Sơn du nhục: phần thịt của quả sơn du), hàu sống 30 g.
Tất cả các vị trên tán thành viên tễ, uống 14 ngày trước khi có kinh, mỗi ngày hai lần, uống đến ngày đầu của chu kỳ kinh thì ngừng.
98. Vì sao những phụ nữ có kinh không đều lại khó có thai?
Tế bào trứng đã chín chỉ khi gặp tinh trùng trong ống dẫn trứng mới có thể thụ thai, dần dần phát triển thành thai nhi. Vì vậy điều kiện tiên quyết của việc sinh con là:
- Tế bào trứng trong buồng trứng đến kỳ phải chín.
- Tinh hoàn của nam phải sinh ra các tinh trùng có thể hoạt động, tức là sau khi phóng vào âm đạo của phụ nữ nó phải thụ tinh được với trứng.
- Ống dẫn trứng phải thông suốt.
- Nội mạc tử cung bình thường.
Kinh nguyệt không đều chứng tỏ trở ngại công năng buồng trứng ở thời kỳ nguyên phát hoặc đã kéo dài, hoặc có dị thường nội mạc tử cung. Trở ngại công năng buồng trứng thường thấy là trở ngại của phát dục bào trứng hoặc trứng chín, trứng không rụng hoặc rụng ít. Những biểu hiện tiên quyết kể trên dẫn đến khó có thai.
99. Phụ nữ vô sinh cần phải tiến hành kiểm tra, điều trị như thế nào?
Đôi vợ chồng sau khi kết hôn, nếu sinh hoạt tình dục bình thường, không dùng các biện pháp tránh thai mà qua thời gian dài vẫn chưa mang thai thì có thể coi là vô sinh. Vậy thời gian đó cụ thể là bao lâu? Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, phụ nữ có sức sinh đẻ bình thường, không dùng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ mang thai trong vòng một năm là 85%, trong vòng hai năm là 93%. Vì vậy, định nghĩa về chứng vô sinh lấy hai năm là hợp lý nhất. Nhưng ngoài xử lý lâm sàng, có thể căn cứ vào tuổi của phụ nữ, thời hạn kết hôn mà có tính linh hoạt.
Nguyên nhân gây vô sinh rất phức tạp, liên quan đến cả phía chồng, vợ. Phía người vợ có thể là những trở ngại về trứng rụng, tắc ống dẫn trứng, công năng thụ thai kém, niêm dịch cổ tử cung khác thường, lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ cần ít nhất là 1-2 tháng để làm kiểm tra, xét nghiệm đối với cả vợ, chồng, rồi mới có thể đưa ra ý kiến chẩn đoán bước đầu. Trường hợp này người bệnh phải kiên trì, nhẫn nại.
Ngoài ra, việc kiểm tra phụ khoa cần tiến hành trong thời gian nhất định của kỳ kinh nguyệt, nhìn chung đều phải ước định trước. Bác sĩ đề ra một số điều cần chú ý, yêu cầu người bệnh phối hợp chấp hành, giải thích rõ cho bệnh nhân. Việc điều trị vô sinh cần căn cứ vào nguyên nhân chính gây bệnh. Ví dụ: Nếu do trở ngại trong việc rụng trứng thì nên dùng thuốc thúc đẩy khả năng rụng trứng; tắc ống dẫn trứng thì có thể phẫu thuật. Gần đây, người ra đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Nếu vô sinh do phía chồng gây nên thì phải căn cứ vào mức độ khác nhau mà tiến hành xử lý, có thể lấy tinh dịch của chồng thông qua xử lý y học, sau đó thụ tinh nhân tạo.
100. Thế nào là thời kỳ tiền mãn kinh?
Phụ nữ sau tuổi bốn mươi là bước vào giai đoạn quá độ giữa thời kỳ sinh nở và không sinh nở nữa, gọi là thời kỳ tiền mãn kinh. Mãn kinh là sự kiện quan trọng xuất hiện trong khoảng thời gian này, nó có nghĩa là chấm dứt kinh nguyệt và khả năng sinh con của phụ nữ. Nhìn chung, sau khi kinh nguyệt dừng khoảng một năm mới có thể xác định là mãn kinh.
Quá trình mãn kinh dần được hoàn thành trong thời gian khoảng bốn năm, khoảng thời gian này gọi là thời kỳ quá độ của mãn kinh. Kinh nguyệt từ quy luật chuyển thành bất quy luật như chu kỳ dài hoặc ngắn hơn bình thường, kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều. Đó là tiêu chí bắt đầu thời kỳ quá độ của mãn kinh. Rất ít phụ nữ bỏ qua thời kỳ này mà đột nhiên mãn kinh. Trong thời kỳ quá độ này, công năng rụng trứng dần suy thoái, noãn bào trong buồng trứng đã hết, hoặc nếu còn thì không thể phát dục hoặc tiết ra progestagen, nội mạc tử cung không phát triển dày lên nữa, kinh nguyệt không ra. Nếu kéo dài liên tục trên một năm thì gọi là mãn kinh.
Năm 1994, Tổ chức Y tế Thế giới đã mở hội nghị "Tiến triển nghiên cứu về mãn kinh trong thập niên 90". Hội nghị đề xuất định nghĩa mới về thời kỳ mãn kinh: Phụ nữ sau tuổi bốn mươi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như kinh nguyệt không theo quy luật, nồng độ hoóc môn trong kinh nguyệt có những thay đổi. Thời kỳ này kéo dài trong vòng một năm sau khi kinh nguyệt ngừng, gọi là thời kỳ mãn kinh.
Sau khi mãn kinh, ngực và cơ quan sinh dục dần dần thay đổi, bé đi và nhăn lại, các bộ phận khác trong cơ thể cũng dần bị suy thoái, lão hóa, giai đoạn này gọi là giai đoạn sau mãn kinh. Thông thường phụ nữ 60-65 tuổi mới bước vào tuổi già.