Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 15

Khi tôi về đến biệt thự thì bỗng thấy Trình Diệu Quang còn ngồi một mình tại phòng khách.
Tôi mỉm cười hỏi:
- Ồ, anh chưa đi ngủ sao?
Nhưng chàng chỉ ném cho tôi một cái nhìn, rồi quay phắt sang hướng khác, xây lưng về phía tôi.
Tôi tiến đến bên chàng và nói nhỏ:
- Xem kìa, y như trẻ con vậy. Anh giận ai thế?
Trình Diệu Quang vẫn đứng yên trong tư thế cũ và gần giọng hỏi tôi:
- Cô vừa từ đâu về thế?
Tôi đưa một ngón tay điểm nhẹ lên miệng chàng và nói:
- Chớ có lớn tiếng như thế! Lỡ ra Điền tiểu thơ ở trên lầu nghe được cô ta sẽ...
Trình Diệu Quang quay đầu lại và gay gắt thốt:
- Nếu cô ta nghe được thì sao?
Tôi nghiêm nghị nói:
- Nếu anh còn lớn tiếng lần nữa, tôi sẽ bỏ đi ngay bây giờ.
- Nhưng cô ta đã đi Cửu Long rồi, chưa có về.
Tôi cười nói:
- Diệu Quang, Điền tiểu thơ rất thích anh, vậy anh có biết không?
- Tôi không biết!
Chàng lạnh lùng trả lời.
- Cô ta đã nói cho tôi biết rồi, cô ta đã yêu anh nhiều lắm.
Trình Diệu Quang tức giận nói:
- Vì vậy mà Y Sa đã lẩn trốn tôi? Và cố ý tạo cơ hội cho cô ta gần gũi tôi, phải không?
Thấy chàng đang nóng giận, tôi đâm ra lo sợ và ấp úng nói:
- Tôi... tôi không hiểu... anh muốn nói gì?
Chàng nhìn thẳng vào mặt tôi với cái nhìn đầy giận dữ:
- Tôi không phải là một thằng ngu mà cô lại tưởng rằng tôi không biết là cô đã cố ý trốn tránh tôi. Cô đã hy sinh tình yêu của cô để thanh toán nguyện vọng của Điền Tích Xuân, cô quả vĩ đại thật! Nhưng liệu tâm tình của cô có vui sướng không chứ?
Tôi đáp nhanh:
- Tôi rất vui sướng.
- Cô vui sướng à? - Chàng đưa một ngón tay điểm lên mũi tôi và cười nói - Cô có nói bằng tất cả lương tâm của cô không?
Tôi biến sắc và run giọng nói:
- Điền tiểu thơ rất yêu anh... Cô ta yêu anh đến phát điên lên được. Vậy anh hãy nghe tôi mà tiếp nhận tình yêu của cô ta đi, cô ta sẽ là một người hiền thê lương mẫu. Cô ta sắp đến 30 tuổi rồi, anh chớ nên làm cho cô ta tuyệt vọng.
- Nhưng ái tình không thể do sự thương hại mà có được.
- Điền tiểu thơ có điều gì không tốt đâu? Cô ta rất đẹp, lại có công ăn việc làm vững chắc và cá tính ôn hòa nữa.
- Cô chớ nên nói tốt cho cô ta như thế. Bây giờ tôi hỏi thật cô, cô có thực tình yêu tôi không?
Tôi gật đầu.
- Vậy thì tại sao bỗng nhiên cô lại thay lòng đổi dạ?
- Tôi chẳng hề thay lòng gì cả.
- Nhưng cô đã trốn tránh tôi, như thế không phải thay lòng đổi dạ là gì?
Tôi trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Diệu Quang, Điền tiểu thơ mới xứng đáng để yêu anh, còn tôi thì không xứng đáng chút nào cả.
- Tại sao?
Tôi không dám đem chuyện mình có thai kể cho chàng nghe, sợ chàng mắng tôi là kẻ phóng đãng, nên đành làm thinh.
Trình Diệu Quang giận dữ nghiến răng nói:
- Có phải tối nay cô vừa đi gặp Vũ Bội và trở về đây không? Cô hy vọng hắn sẽ hồi tâm đổi ý và để cho hắn lường gạt cô một lần nữa, phải không?
Nghe Trình Diệu Quang nói đến đấy, tôi vụt mở to đôi mắt nhìn chàng lom lom, rồi “bốp" một tiếng tôi giáng cho chàng một tát tay và gay gắt thốt:
- Tôi không bằng lòng cho anh đề cập đến tên Vũ Bội trước mặt tôi nữa, anh nghe không?
Chàng ngượng ngùng cúi đầu lặng thinh.
Sau khi đánh chàng một tát tay xong, cơn phẫn nộ trong lòng tôi như dịu xuống ngaỵ Tôi ân hận nhìn chàng và nhẹ giọng nói:
- Xin anh hãy thứ lỗi cho tôi.
Chàng cười buồn:
- Đó là lỗi của tôi. Lẽ ra, tôi không nên nhắc đến tên Vũ Bội trước mặt Y Sa mà chạm đến vết thương lòng của Y Sa.
- Tôi biết anh chỉ vô ý thôi.
- Đó chẳng qua là vì tôi quá bực tức khi nghĩ rằng Y Sa đã coi thường tôi.
Tôi mỉm cười, rồi bỏ đi lên lầu.
Chàng vụt lớn tiếng gọi theo:
- Y Sa, tôi muốn Y Sa chớ có hiểu lầm tôi...
Tôi quay đầu lại nhìn chàng và hỏi:
- Anh muốn nói sao?
- Người tôi yêu là Y Sa, chứ không phải Điền Tích Xuân. Tôi đã ngồi đây chờ Y Sa suốt cả buổi tối nay chính là để nói với Y Sa câu ấy.
- Tôi đã biết rồi.
- Tôi chỉ e ngại Y Sa hiểu lầm tôi mà thôi.
- Anh cho rằng tôi là kẻ mù ư?
Chàng mỉm cười. Tôi trầm ngâm một lúc, rồi vụt nói với chàng:
- Ngày mai, anh có rảnh không?
- Dù không có rảnh, tôi cũng vẫn rảnh được.
- Tôi có chuyện muốn bàn với anh. Vậy xế trưa ngày mai chúng ta hãy đến quán trên Xã Kỳ Sơn mà uống trà nói chuyện, được không?
Chàng hứng thú nói:
- Mấy giờ?
- Ba giờ thì gặp nhau tại đó. Người nào đến trước thì ngồi chờ. Anh nên nhớ là chớ nên cho Điền Tích Xuân biết cuộc hẹn hò của chúng ta, nếu không cô ấy sẽ hận tôi đấy.
- Đương nhiên là chẳng hề cho cô ta biết rồi.
- Vãng an! Tôi nói với chàng câu ấy rồi đi lên lầu, Trình Diệu Quang cũng trở về ngôi nhà chàng.
Tôi nằm trên giường và có ý chờ Điền Tích Xuân trở về. Mãi đến mười tôi mới nghe có tiếng bước chân ở ngoài. Tôi bước ra khỏi phòng, nhìn xuống thì thấy Điền Tích Xuân đang đi lên lầu, tay cô ta đang ôm một chiếc gói gì đó. Tôi hỏi:
- Mua gì mà nhiều thế?
Điền Tích Xuân tươi cười đáp:
- Hai chiếc áo thun để tặng cho anh Trình Diệu Quang. Anh ấy đã vẽ tranh cho mình nhưng chẳng chịu lấy tiền, nên mình mua hai chiếc áo này để tặng lại anh ấy.
- Cái ý nghĩ đó hay lắm đấy.
Điền Tích Xuân buồn bã nói:
- Nhưng tôi lại lo rằng anh ấy khônng chịu nhận đó thôi.
- Không hề gì đâu. Cô hãy mau mở cửa phòng và vào trong đi, tôi có tin này rất hay muốn báo cho cô biết.
Điền Tích Xuân lấy chìa khóa mở cửa phòng, rồi vào trong đặt chiếc gói đồ xuống bàn. Tôi theo vào và nói với cô ta:
- Tôi vừa gặp anh Trình Diệu Quang hồi nẫy. Anh ấy nhờ tôi nói lại với cô là ngày mai anh ấy muốn mời cô đi uống trà vào hai giờ rưỡi tại cái quán ở đỉnh Xã Kỳ Sơn.
- Tôi không tin. Cô đã nói dối tôi.
Tôi nghiêm sắc mặt:
- Tôi tuyệt đối không hề dối gạt cô đâu.
- Nhưng tại sao anh ấy muốn hẹn với tôi mà anh ấy lại không chịu nói với tôi? Lại đi nói với cô?
- Đó là vì anh ấy bị tự ty mặc cảm. Sự thật anh ấy rất thích cô, nhưng anh ấy lại rất tự tỵ Anh ấy là người làm vườn, nên cho rằng mình không xứng đáng để nói chuyện luyến ái cùng cô.
- Nhưng tôi chẳng hề quan tâm đến nghề nghiệp anh ấy, mà tôi chỉ cần anh ấy đối với tôi có lương tâm và vĩnh viễn trung thành với tôi là đủ rồi.
- Vậy thì ngày mai cô có đến nơi hẹn với anh ấy không?
- Cô không nói đùa với tôi đó chứ?
- Nhất định là không rồi. Nếu ngày mai, vào giờ đó cô không thấy anh ấy thì cô cứ về đây mắng tôi. Tuy nhiên, có điều là với lần hẹn hò này, cô chớ nên hỏi gì anh ấy trước cả, anh ấy là người rất e thẹn...
Điền Tích Xuân hứa:
- Tự nhiên là tôi sẽ không nói gì với anh ấy trước cả.
- Tôi cốt chờ cô về để nói cho cô hay chuyện đó thôi. Giờ thì tôi phải trở về phòng đi ngủ đây. Vãn an.
- Cám ơn cô lắm. Điền Tích Xuân tỏ vẻ rất cảm kích.
Khi đã về phòng riêng, tôi lên giường nằm nghĩ ngợi miên man. Tôi đã cố tình nói dối là Trình Diệu Quang đã ước hẹn cùng Điền Tích Xuân tại quán trên đỉnh Xã Kỳ Sơn với mục đích là: để ngày mai tôi sẽ lén rời khỏi biệt thự mà không cho hai người hay biết gì cả.
Sự thật thì tôi cũng chẳng muốn rời xa Trình Diệu Quang chút nào, vì chàng đã đối xử với tôi rất tốt, khiến tôi cảm kích vô cùng. Tuy nhiên, tôi không thể nào để cho chàng tiếp tục yêu tôi được, vì tôi sẽ phải cùng Trương Vĩnh Trọng chung sống với nhau rồi.
Tâm tình quá đau khổ, tôi không sao ngăn được những giọt lệ tuôn trào ra khóe mắt. rồi tôi vừa lau lệ vừa ngồi viết một bức thư cho Trình Diệu Quang. Trong bức thư, tôi nói rõ lý do khiến tôi bắt buộc phải rời xa chàng là: vì tôi đã trót có con rồi.
Sau khi viết xong bức thư ấy, tôi đoc lại và bất giác xét thấy mình chẳng nên thố lộ sự bí mật cho Trình Diệu Quang biết làm gì, bởi tôi lo sợ chàng sẽ cười chê tôi là kẻ phóng đãng. Thế là tôi đem bức thư ấy đốt đi ngay.
Qua ngày hôm sau, tôi bảo với người tớ gái là trong người tôi không được khỏe và nhờ cô ta dẫn hai anh em bé Tôn Ny ra bãi biển ở Sa Điền dạo mát giùm. Cô tớ gái gật đầu, đáp ứng liền.
Đến một giờ, Điền Tích Xuân trang điểm rất kỹ càng và mở cửa ra đi.
Một giờ hơn, Trình Diệu Quang mặt tây trang rất bảnh bao và ra đi nốt. Lúc bấy giờ, trong biệt thự chỉ còn có một mình tôi.
Đến hai giờ rưỡi thì tôi xách hành lý và rời khỏi biệt thự.
Đến ba giờ thì tôi đã ngồi trên chiếc xe lửa khởi hành từ Sa Điền rồi.
Tôi đứng bên cửa sổ của toa xe, nhìn ra cảnh vật bên đường và nghĩ thầm:
- Đã ba giờ rồi, chắc chắn là Trình Diệu Quang và Điền Tích Xuân đã gặp nhau tại chiếc quán trên đỉnh Xã Kỳ Sơn. Chẳng hiểu khi chạm mặt nhau, họ sẽ ăn nói với nhau như thế nào?
Thời gian trôi qua thật là nhanh chóng. Chẳng mấy lúc mà tôi đã nhìn thấy thị khu Cửu Long, và sau đó thì xe lửa đã dừng lại tại trạm cuối cùng.
Vừa từ trên xe lửa bước xuống xong, tôi liền đi gọi điện thoại cho Trương Vĩnh Trọng ngay.
Khi đường giây điện thoại đã liên lạc xong, tôi nghe có tiếng Trương Vĩnh Trọng ở bên kia đầu giây. Tự nhiên, tôi đâm ra lúng túng không ít, vì tôi chẳng biết phải xưng hô với Trương Vĩnh Trọng như thế nào bây giờ.
Tôi biết là mình không thể gọi Trương Vĩnh Trọng là "Trương tiên sinh" được nữa, vậy thì tôi phải gọi ông ta là "chồng" ư?
Tôi ngập ngừng một lúc mới nói được:
- Tôi là Y Sa, hôm nay tôi đã mang đồ đến đây, hiện tôi đang ở tại hỏa xa trạm và gọi điện thoại cho... anh đấy.
Trương Vĩnh Trọng nói:
- Y Sa đã đến rồi ư? Nhưng tôi vẫn chưa tìm được phòng để ở. Vậy Y Sa hãy tìm đỡ một quán nào đó ở gần đấy mà để hành lý xuống cho đỡ mỏi tay và chờ khi tan sở xong, tôi đến đấy gặp Y Sa ngay.
- Vâng.
Tôi gác ống điện thoại xuống, rồi làm y theo lời dặn của Trương Vĩnh Trọng. Đến chiều thì Trương Vĩnh Trọng đến tửu điếm ở gần hỏa xa trạm để gặp tôi. Sau đó, Trương Vĩnh Trọng mời tôi dùng bữa cơm tối luôn tại quán ăn ở gần đấy.
Khi đã vào quán cơm, Trương Vĩnh Trọng mới nói với tôi:
- Về việc Y Sa xin nghỉ dạy, tôi đã có cách để nói vợ chồng người bạn của tôi rồi, Y Sa khỏi phải lọ Còn về chỗ ở thì, nếu Y Sa muốn ngụ tại khu vực này, sẽ đi tìm phòng để thuê ngay.
- Vâng, ở Tiêm Sa Chủy này cũng được, anh đi làm cũng gần, chỉ cần qua đò là tới sở rồi.
- Nhưng anh lại muốn ở tại khu Hà Văn Điền vì nơi ấy thanh tịnh hơn.
- Đối với em, ở đâu cũng được, chẳng thành vấn đề.
- Tốt lắm, vậy thì Y Sa hãy ở tạm tại khách sạn này vài hôm, chờ anh thuê phòng ở Hà Văn Điền xong, rồi sẽ dọn về đó.
Thế là chúng tôi đã quyết định xong. Qua ngày thứ ba thì tôi rời khỏi khách sạn ấy để dọn đến một căn phòng ở tại Hà Văn Điền mà ở chung cùng Trương Vĩnh Trọng.
Thấy chúng tôi là cặp chồng già vợ trẻ, thiên hạ Ở chung quanh không khỏi để ý và xầm xì bàn tán, nhưng tôi cứ phớt đi.
Kể từ hôm ấy, tôi muốn bắt đầu chấm dứt thời kỳ trốn tránh mẹ tôi, trốn tránh bạn bè quen thuộc, vì lẽ đứa con trong bụng tôi đã có cha rồi. Vậy việc trước tiên là tôi phải trở về gặp lại mẹ tôi mới được.
Thế là vào một ngày chúa nhật sau đó, tôi ngỏ ý với Trương Vĩnh Trọng là muốn chàng đưa tôi trở về nhà gặp mẹ tôi. Trương Vĩnh Trọng suy nghĩ một lúc rồi gật đầu ưng thuận.
Tôi rất mừng rỡ và gọi điện thoại về cho mẹ tôi ngay.
Nhận ra được tiếng nói của tôi, mẹ tôi vui vẻ vô cùng. Tôi báo cho bà biết là tôi sẽ về nhà và nhờ bà nấu cho một bữa cơm thật ngon. Bà ngạc nhiên hỏi để làm gì thì tôi đáp:
- Con đã dẫn theo một người bạn về nhà ăn cho vui.
- Thế thì tốt lắm. Mẹ sẽ làm theo ý muốn của con. Mẹ tôi nói.
Gác điện thoại xuống xong, tôi liền mở tủ, lấy ra một chiếc Giupe chật mà mặc vào. Nhưng, khi mặc xong, tôi nhận thấy cái bụng của mình nhô lên quá lớn.
Tôi muốn thay đổi đi, nhưng rồi tôi lại nghĩ rằng dù sao mình cũng không thể nào giấu giếm mẹ được. Thà tôi can đảm nhìn nhận sự thực, và chắc là bà sẽ sẵn sàng tha thứ cho tôi.
Còn Trương Vĩnh Trọng thì mặc tây trang, lại còn nhuộm đen cả mái tóc bạc đi, trông chàng trẻ hẳn như một thanh niên.
Tuy nhiên, khi Trương Vĩnh Trọng đứng bên cạnh tôi, người ta vẫn dễ dàng nhận ra được sự chênh lệch tuổi tác quá xa giữa tôi và chàng, chẳng khác nào cha với con.
Khi chúng tôi về tới nhà thì mẹ tôi chăm chú nhìn cái bụng của tôi với ánh mắt đầy kinh ngạc.
Tôi thẹn thùng mỉm cười và giới thiệu Trương Vĩnh Trọng với mẹ tôi cho hai người biết nhau.
Khi nghe tôi nói đến mấy tiếng "Thưa mẹ, đây là chồng con", mẹ tôi biến hẳn sắc mặt và đứng lặng người đi, chẳng nói được lời nào.
Tôi đưa mắt ra hiệu cho Trương Vĩnh Trọng hãy ngồi xuống ghế sa lông xem báo, rồi nắm lấy tay mẹ tôi kéo bà vào trong phòng.
Nhưng tôi chưa kịp nói với bà câu nào thì bà đã lên tiếng ngay:
- Mày... mày làm tao chết đi được. Tại sao mày lại kết hôn với thằng cha già như thế đó?
- Con...
Mẹ tôi giận dữ nói tiếp:
- Mày làm tao nhục đến chết được.
Tôi òa ra khóc nức nở.
Mẹ tôi làm sao hiểu được, nên bà mới mắng tôi như thế.
Tôi vừa khóc vừa nói:
- Mẹ, con xin mẹ chớ có giận con nữa! Dù mẹ không tiếp tục mắng chủi, con cũng đủ cảm thấy đau đớn và ân hận lắm rồi, con chỉ muốn chết đi cho xong việc...
Chợt mẹ tôi hỏi:
- Mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, hãy kể hết cho mẹ nghe xem!
Tôi lấy khăn lau nước mắt và đem hết đầu đuôi mọi chuyện đã xảy ra mà thuật lại cho mẹ tôi nghe, chẳng bỏ xót một chi tiết nào.
Sau khi nghe tôi kể xong, mẹ tôi trầm ngâm một lúc, rồi trách tôi:
- Con đã lỡ có thai như vậy, sao con không về với mẹ?
Tôi cúi đầu đáp:
- Đó là vì con sợ mẹ! Còn về việc ở ngân hàng, từ hôm ấy tới nay, người ta có phát giác ra sự giả mạo chữ ký của con không?
- Chính vì mẹ sợ người ta phát giác ra điều đó, nên ngay sau khi nhận được bức thư của con, mẹ liền đi thẳng ngân hàng, rút tất cả số tiền ở đó ra và đem gởi ở một ngân hàng khác rồi.
Tôi cảm động nói với bà:
- Mẹ, mẹ thật là tốt đối với con quá.
- Tuy nhiên, cái chuyện con kết hôn với thằng già ấy thật không hợp với ý mẹ chút nào cả. Nhưng chuyện đã dĩ lỡ như thế rồi, mẹ chẳng còn biết phải nói sao nữa. Nếu cho cha con hay chuyện này, nhất định là cha con sẽ giận lắm.
Tôi đau khổ nói:
- Con đã trót lỗi lầm rồi, dù cha con có giận cũng chẳng ích gì. Quả thật là con không phải đối với mẹ, không phải đối với cha, và không phải đối với cả con nữa.
Mẹ tôi cúi mặt xuống và chẳng nói gì.
Tôi uất ức than thở:
- Con rất muốn làm một kẻ lương thiện, nhưng con lại bị người ta lường gạt, nên chỉ hận cho số phận của con không được tốt mà thôi. Con chẳng hiểu tại sao con lại gặp Vũ Bội làm chi cho khổ như thế?
Mẹ tôi an ủi:
- Con chớ nên quá khích động nữa. Mọi chuyện đều đã trở thành quá khứ rồi.
Sau đó, tôi và mẹ tôi từ trong phòng đi ra. Thấy gương mặt hai mẹ con tôi đều có vẻ nghiêm trọng, Trương Vĩnh Trọng bèn nói:
- Sự lỡ lầm của Y Sa thật rất đáng được tha thứ.
Mẹ tôi gượng cười, rồi nói với Trương Vĩnh Trọng:
- Thôi, bây giờ chúng ta hãy dùng cơm đi.
Tôi và Trương Vĩnh Trọng cùng ngồi vào bàn. Buổi cơm tối hôm ấy kéo dài cho đến 9 giờ tối mới xong. Trương Vĩnh Trọng đề nghị mời cả nhà cùng đi xem phim xuất 9 giờ rưỡi, nhưng mẹ tôi cho biết là bà chẳng còn tinh thần đâu để xem phim nữa.
Chúng tôi đành ngồi ở nhà nói chuyện một lúc, rồi đứng lên từ giã mẹ tôi để ra đi...
Mùa đông lạnh lẽo đã chấm dứt.
Mùa xuân đã đến như một chiếc áo mới rực rỡ phủ trùm lên vạn vật. Cây cối đều đâm chồi nẩy lộc sau một thời gian dài khô héo vì cái lạnh của mùa đông.
Đứa con của tôi cũng đã ra chào đời.
Tuy nó không phải là cốt nhục của Trương Vĩnh Trọng, nhưng chàng lại yêu quí nó vô cùng, điều này đã an ủi tôi không ít.
Tôi cũng không hề phủ nhận là sau khi cùng Trương Vĩnh Trọng sống chung với nhau, chúng tôi đã nhiều lần trải qua tình chăn gối như đôi vợ chồng chính thức. Do đó mà cái cảm tình giữa chúng tôi ngày càng sâu đậm hơn.
Đứa con trai của tôi tên là Trương Hoài Trọng, đó là cái ý muốn của Trương Vĩnh Trọng. Con tôi rất trắng trẻo và sổ sữa, trông thật đáng yêu.
Nhưng đôi mắt của nó lại làm cho tôi càng tăng thêm mối hận trong lòng, vì nó rất giống đôi mắt của Vũ Bội: đôi tròng đen lay láy, vừa tròn vừa to, lại thêm hai hàng mi thật dài và cong vút.
Bé Hoài Trọng chẳng hề giống tôi một điểm nào cả, khiến tôi không thấy cao hứng chút nào.
Tôi thầm nghĩ:
- Hãy chờ cho nó lớn lên, mình sẽ nhờ bác sĩ thay đổi cặp nhãn châu của nó đi. Mình không thích thấy đôi mắt của nó giống đôi mắt của Vũ Bội như thế.
Từ khi về sống chung với Trương Vĩnh Trọng, mọi việc trong nhà đều do tôi lo liệu tất cả, chứ không hề mướn người làm, giặt quần áo, nấu nướng, săn sóc cho con, tôi đều không có kinh nghiêm chút nào, nhưng tôi học hỏi dần, tôi tin tưởng rằng mình sẽ là một người nội trợ giỏi trong gia đình.
Trương Vĩnh Trọng thấy tôi suốt ngày bận rộn luôn thì đề nghị sẽ mướn một người tớ gái để nấu nướng và giặt giũ giúp tôi. Nhưng tôi không đồng ý, nên chàng chẳng nhắc đến nữa.
Tôi không hề phủ nhận, Trương Vĩnh Trọng đã già rồi. Vũ Bội đã nói rất đúng: Trương Vĩnh Trọng đã già, nên chẳng còn biết gì đến chuyện ăn chơi nữa. Trương Vĩnh Trọng không hề nói chuyện vui cho tôi nghe, không biết đưa tôi đi nhảy "AGoGo". Khi đã tan sở, chàng chỉ biết về nhà, ngồi tại sa lông trầm tư, hoặc đọc báo. Chàng cơ hồ như chỉ thích hồi tưởng lại những ngày quá khứ mà thôi.
Có hôm, trọn cả ngày trời, chúng tôi chẳng hề nói chuyện với nhau lấy một lời.
Vì vậy mà tôi có cảm tưởng rất cô độc, nhưng tôi chẳng dám oán trách gì chàng, bởi khi lấy chàng, tôi đang mang bụng một đứa con riêng với người khác. Như vậy tôi còn mong muốn gì hơn nữa?