Phần 11

Chảy máu mũi
Mũi gồm hai ngăn, như hai ống xếp song song nhau, ở phía trước là hai lỗ mũi; ở phía sau thông với họng. Hai hốc mũi được phủ niêm mạc, ngay dưới niêm mạc là hệ thống mạch máu chằng chịt, li ti và khá mỏng manh. Vì thế, một sang chấn nhỏ cũng có thể gây chảy máu mũi và dân gian thường nói là chảy máu cam. Chảy máu mũi cũng có thể ở mức độ nhẹ hay nặng nhưng hiếm khi gây tử vong.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi có thể là:
- Chấn thương: Thường là do ngoáy mũi, cạy rỉ mũi, hay thấy ở trẻ em. Chảy máu dạng này ở mức độ nhẹ và có thể tự cầm được. Nếu bệnh nhân ngã và va đập vật cứng trong tai nạn lưu thông, tai nạn lao động, chảy máu có thể ít hoặc nhiều và cần đi khám bác sĩ ngay.
- Do viêm xoang cấp hoặc mạn tính nhưng không được điều trị và chăm sóc tốt, do dị vật mà trẻ đã nhét vào mũi, hoặc có khối u bên trong hốc mũi. Một số bệnh nhân sau phẫu thuật vùng mũi xoang hoặc mắt cũng có thể chảy máu mũi.
- Do mắc bệnh nội khoa hoặc cơ thể có những thay đổi thất thường. Một số bệnh nhân cao huyết áp trên 50 tuổi tự nhiên chảy máu mũi khá nhiều, tái đi tái lại, thường xảy ra về đêm. Phụ nữ có thai, trẻ em chạy chơi nhiều ngoài nắng hoặc người mắc bệnh nhiễm trùng gây sốt cao, mắc bệnh về máu, bị sốt xuất huyết hoặc thiếu sinh tố do suy dinh dưỡng cũng có thể chảy máu mũi.
- Do hoá chất: Một số thuốc điều trị đặc hiệu như Aspirine (acetylsalicylic acid), thuốc chống đông (Coumadin, Hepamine), Chloraphenicol hoặc sơn, mực, Sulfuric acid, amoniac, xăng, rượu, chất glutaraldenhyde (dùng để vô trùng dụng cụ nội soi)... nếu dùng nhiều hoặc phải tiếp xúc nhiều có thể làm cho ta chảy máu mũi.
Ngoài ra, khi khám bệnh và làm xét nghiệm một số trường hợp chảy máu mũi, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân. Đó là chảy máu mũi vô căn.
Cách xử trí
- Bình tĩnh cho bệnh nhân nằm nghiêng hoặc ngồi thoải mái, hơi cúi đầu về phía trước.
- Nếu máu chảy ít, máu thường chảy ra cửa mũi trước, ta dùng ngón tay bóp chặt hai cánh mũi từ 5 đến 10 phút và bảo bệnh nhân thở bằng miệng. Máu sẽ tự cầm và sau đó nên cho bệnh nhân nghỉ ngơi. Lưu ý không được nhét bất cứ vật gì hoặc chất gì vào mũi vì sẽ khó lấy ra và sẽ có thể gây kích thích khó chịu cho niêm mạc mũi.
- Nếu chảy máu nhiều, máu sẽ chảy xuống cửa mũi sau rồi chảy xuống miệng, thường là máu đỏ tươi hoặc đóng cục, bệnh nhân phải nhổ ra; nếu nuốt sau đó sẽ nôn, dễ làm bệnh nhân choáng hoặc sặc vào phổi, rất nguy hiểm cho tính mạng.
- Ở bệnh viện, tùy theo mức độ chảy máu, bệnh nhân sẽ được hồi sức và cầm máu bằng cách hút sạch máu trong mũi, nhét bấc vào mũi hoặc đốt điện; trường hợp nặng có thể phẫu thuật buộc mạch máu.
- Nếu chảy máu tái phát nhiều lần hoặc chảy máu nhiều, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện cầm máu cấp cứu, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời và thích hợp.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra với bệnh nhân có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên có trong không khí (phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, yếu tố thời tiết...)
Triệu chứng:
Nhảy mũi, ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, đôi khi có kèm theo các triệu chứng ở mắt như: đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Ở môi trường ô nhiễm không khí, nguồn dị nguyên với số lượng lớn sẽ làm tăng số bệnh nhân dị ứng. Khi có dấu hiệu nói trên, bạn nên đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và hướng dẫn điều trị.
Điều trị:
- Cắt đứt nguồn dị nguyên: Không thể thực hiện đầy đủ vì khó thay đổi môi trường sống và làm việc, không nuôi chó mèo trong nhà - nhất là trong phòng ngủ, vệ sinh môi trường nhà cửa để giảm lượng kháng nguyên là bụi nhà.
- Dùng thuốc kháng histamine: Là phương pháp phổ biến; có thể dùng dạng uống có tác dụng kéo dài, loại không gây ngủ và ít tác dụng phụ trên tim mạch..., hoặc dùng dạng xịt mũi.
- Thuốc steroid xịt mũi: Dùng trong các trường hợp mạn tính, không giải quyết được bằng các thuốc kháng histamin.
- Miễn dịch trị liệu: Phương pháp đắt tiền, tốn nhiều thời gian, khó thực hiện vì phải tìm đúng dị nguyên đặc hiệu.
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, tốt nhất ta nên hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên.
(còn tiếp)