Phần 22

Rụng tóc do androgen
Rụng tóc do androgen là nguyên nhân thường gặp nhất ở nam và nữ, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân rụng tóc. Bệnh nhân thường rụng tóc lúc 20 tuổi, càng sớm thì dự hậu càng xấu. Tóc bắt đầu rụng ở vùng thái dương và vùng trán kiểu hình chữ M. Tóc ở vùng trán và đỉnh đầu thưa dần đến khi chỉ còn một vành trên gáy theo hình móng ngựa. Tóc ở vùng rụng được thay bằng những sợi mảnh, mềm và sáng hơn như lông măng, đôi khi không nhìn thấy và cũng rất dễ rụng.
Tóc rụng theo nhiều cơn bộc phát liên quan đến thời tiết và công việc lao tâm của bệnh nhân. Da đầu của bệnh nhân có khi sạch và tiết nhiều chất nhờn, làm tóc dính vào nhau, thường có vảy phấn. Khi tóc rụng hết, vảy phấn sẽ biến mất, đầu láng bóng và thượng bì hơi teo. Ở nữ thường rụng tóc ở vùng giữa da đầu. Trán ít bị và thường rụng lan toả hơn.
Nguyên nhân: Do hai yếu tố quan trọng là di truyền và nội tiết. Các nang lông nhạy cảm với dihydrotestosteron. Dihydrotestosteron là dạng hoạt động của testosteron (một loại androgen) được biến đổi nhờ men 5 alpha - reductase. Sự nhạy cảm này được quyết định bởi yếu tố di truyền. Cơ chế tác động hiện nay người ta vẫn chưa rõ, ở những người bị hoạn không bao giờ bị hói, tuy nhiên khi cho testosteron vào những người bị hoạn (có yếu tố gia đình) thì có hiện tượng rụng tóc.
Điều trị:
- Tại chỗ rụng tóc: Có thể dùng Minoxidil (dung dịch 2%). Xịt 1 ngày 2 lần lên vùng rụng tóc, mỗi lần xịt 10 nhát (10 nhát tương đương với 1 ml). Thuốc có hiệu quả sau 4 tháng điều trị liên tục và cần duy trì tối thiểu trong 1 năm để ngăn rụng tóc trở lại. Hiệu quả tốt trong các trường hợp bệnh nhân còn trẻ, thời gian rụng tóc dưới 10 năm, ranh giới vùng rụng tóc dưới 10 cm.
- Cấy tóc: áp dụng cho một số bệnh nhân thích hợp.
Chú ý:
+ Bệnh nhân nữ có thể dùng chất ức chế androgen như Cyproterone Acetate.
+ Thuốc ngừa thai có nhiều progesteroen có thể làm bệnh nặng hơn.
+ Các bệnh nhân bị rụng tóc cần điều trị bệnh lý tuyến giáp và thiếu máu nếu có.
+ Khi có dấu hiệu rụng tóc thì nên khám tại bệnh viện da liễu (bình thường một ngày rụng dưới 100 sợi tóc. Đánh giá rụng tóc bằng cách kéo mạnh một nhúm tóc khoảng 15-20 sợi, nếu rụng hơn 6 sợi là bất thường).
BS Nguyễn Phan Anh Tuấn
Cẩn thận với thuốc nhuộm tóc
Hiện nay, tại bất cứ một dịch vụ làm tóc nào, các thợ hớt tóc cũng đều ra sức thuyết phục khách hàng trẻ nhộm tóc theo những model được in sẵn trong calalogue. Thuốc nhuộm tóc thực ra là một độc chất mà nếu lạm dụng sẽ gây ra những tác hại khó lường.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (National Cancer Institute - NCI), những người nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Nghiên cứu đã đưa ra những kết quả chứng minh rằng, những người nhuộm tóc nâu nhạt, nâu sẫm và đỏ đậm thì có nguy cơ bị ung thư cao nhất. Các công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy, người dùng thuốc nhuộm tóc thường có tần số mắc bệnh ung thư cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc nhuộm tóc.
Nhuộm tóc là một nhu cầu làm đẹp chính đáng. Tuy nhiên, khi nhuộm, cần cân nhắc giữa lợi ích của sức khỏe và vấn đề thẩm mỹ. Khi dùng thuốc nhuộm, cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Đa số thuốc nhuộm tóc có thành phần là các hợp chất có thể gây dị ứng cho da và gây tác hại nghiêm trọng đến các cơ quan khác như mũi, miệng, mắt... Thông thường trong mỗi hộp thuốc nhuộm tóc có chứa hai chai với thành phần hoá học khác nhau, ở dạng bột hay dạng nước; khi sử dụng sẽ trộn hai chai với nhau theo liều lượng thích hợp.
- Những loại thuốc nhuộm tóc khi pha quá 30 phút mà chưa sử dụng thì phải đổ bỏ. Khi pha thuốc nhuộm tóc, cần tránh dùng các đồ chứa bằng kim loại. Khi nhộm, không nên dùng lược chải bằng kim loại.
- Trước khi nhuộm tóc cần phải thử phản ứng thuốc trên da. Chấm một đốm nhỏ lên da rồi để thuốc khô tự nhiên. Sau 48 giờ, nếu vùng da chấm thuốc bị nổi đỏ, sưng hoặc ngứa thì phải rửa ngay vết thuốc ở chỗ thử và tuyệt đối không nên dùng loại thuốc ấy nữa.
Những trường hợp sau đây cũng không được dùng thuốc nhuộm tóc:
- Vùng da ở đầu, mặt, cổ bị thương hay sưng đau.
- Phụ nữ trong thời gian hành kinh hoặc trong thai kỳ.
Tuyệt đối không nhuộm lông mày và lông mi. Trong lúc nhuộm, tránh giây thuốc lên da. Khi thuốc văng vào mắt thì cần phải đến bác sĩ nhãn khoa ngay.
Không nên nhuộm tóc một tuần trước và sau khi uốn tóc.
Cẩn trọng hơn, khi nhuộm tóc, nên dùng kem thoa mặt bôi thật dày để bảo vệ những vùng da giáp chân tóc và vùng quanh tai.
BS Huy Cường