Phần 31

Thoát vị đĩa đệm cột sống
Một nghiên cứu về mổ các tử thi trên 20 tuổi cho biết, có 1/3 ca bị thoát vị đĩa đệm. Tỷ lệ khá cao này nhắc nhở chúng ta cần phải sớm quan tâm đến cột sống ngay từ khi còn trẻ.
Đĩa đệm là gì? Là vật chèn giữa 2 đốt xương sống, giống như cái "gối sụn" hơi phồng lên ở trên và dưới, khớp với mặt lõm của đốt xương sống. Trong gối sụn chứa dịch nhầy đặc, ở giữa là phần nhân có thể di động. Nhờ thế, đĩa đệm có tính đàn hồi và có tác dụng như một vật chêm giúp giảm xóc khi có lực dồn ép đè lên cột sống. Ngoài ra, đĩa đệm còn có thể di chuyển ra bốn phía, nhờ đó mà cột sống có thể cong, ưỡn và nghiêng qua lại.
Thế nào là thoát vị đĩa đệm?
Khi mang vác vật nặng, cột sống phải chịu sự đè nén và tất nhiên đĩa đệm cũng phải nhận gánh nặng này. Những đĩa đệm ở vị trí thấp sẽ phải chịu nặng nhiều hơn, vì thế ta hay đau cột sống ở vùng thắt lưng.
Nếu vật quá nặng, sức ép dồn quá mức, đĩa đệm sẽ phình ra và chèn ép lên dây thần kinh và gây cảm giác đau. Nếu đĩa đệm chỉ phình ra thì người bệnh chỉ đau vài ngày. Nếu vật nặng quá làm nhân đĩa đệm bị đẩy ra, làm vỡ bao gối sụn và lồi ra ngoài, các dây thần kinh bị chèn ép và gây đau dữ dội, có thể gây đau dây thần kinh toạ hoặc liệt chân.
Vì sao thoát vị đĩa đệm?
Có nhiều nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm nhưng phần lớn là do tư thế lao động không đúng như: cúi lưng, khom người cố gắng mang vác một vật nặng quá sức, đột ngột thay đổi tư thế trong khi di chuyển vật nặng hoặc bất ngờ làm động tác mạnh để vặn lưng, ưỡn người...
Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn có thể gặp ở những người ít vận động, cơ bắp cùng cột sống trơ cứng, không mềm mại nên khi lao động với tư thế không đúng dễ bị cụp xương sống và gây chứng đau lưng cấp tính, đau rất dữ dội.
Người bị chấn thương cột sống cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm. Người làm việc trong tư thế cúi lâu liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày như lái xe, thợ may, thư ký, thợ cấy... tuy cột sống chỉ chịu một áp lực nhẹ nhưng liên tục nên có thể ảnh hưởng đến đĩa đệm.
Điều trị như thế nào?
- Trường hợp nhẹ: Chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn và dùng thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, diclofenac hoặc dùng corticoid; tùy theo mức độ bệnh có thể kết hợp thuốc giảm co cứng cơ như decontractyl, carisoprodol... theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
Trong thời gian điều trị bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi hoàn toàn trong tư thế thoải mái 3-5 ngày. Khi trở lại làm việc phải dè dặt, nhẹ nhàng, không mang vác nặng, tránh những cử động đột ngột hay những cuộc đi xe, ngồi tàu lâu ảnh hưởng đến cột sống... Tuyệt đối tránh xoa bóp, kéo nắn trong thời gian điều trị vì có thể làm đau thêm hoặc đau thần kinh toạ.
- Trường hợp nặng (nghĩa là sau khi thực hiện điều trị như trên từ 3 tháng trở lên mà không có hiệu quả: Phải mổ cột sống nhưng kết quả cũng rất giới hạn.
Những năm gần đây, y học đã thực hiện giải áp đĩa đệm bằng laser qua da. Mỗi lần thực hiện chỉ mất 15-20 phút, kết quả giảm đau thấy ngay. Người bệnh có thể xuất viện ngay và sau một tuần có thể trở lại làm việc nếu là công việc nhẹ. Phương pháp này chỉ thực hiện ở những bệnh nhân bị rạn nứt hoặc rách đĩa đệm, các bệnh nhân bị viêm xương, gai cột sống hay ung thư đều không áp dụng được.
Phòng bệnh:
- Không làm việc quá sức, bố trí thời gian lao động, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh các tư thế làm việc bất lợi cho cột sống; không cong lưng, cúi gập hay nghiêng người về một phía khi mang vác vật nặng. Khi cần nâng vật nặng, nên gập khớp háng và khớp gối để ngồi thấp xuống rồi nâng lên theo tư thế cân bằng, thẳng lưng và từ từ đứng dậy.
- Không làm việc ở tư thế cúi, nghiêng hoặc ngồi quá lâu. Thợ may, thư ký, lái xe... cần có chế độ nghỉ ngơi, vận động điều hoà và thay đổi tư thế một cách hợp lý.
- Không thực hiện quá mức và đột ngột những động tác cong, ưỡn, nghiêng mình.
- Tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường thể lực, tăng sức chịu đựng của cơ thể và cột sống.
- Cần dinh dưỡng đủ, đúng và bổ sung calci hợp lý.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng laser
Y học hiện chưa thể "vá" vành xơ nên khi đĩa đệm rách hẳn thì phương pháp duy nhất là phẫu thuật nạo bỏ nhân đĩa đệm để giải ép chỗ thần kinh bị đè. Nếu đĩa đệm chỉ bị phình thì có thể áp dụng một trong ba phương pháp điều trị không cần mổ sau:
- Tập vật lý trị liệu đúng cách: Đa số trường hợp có thể làm giảm áp lực lên nhân nhầy khiến đĩa đệm hết phình và bệnh nhân hết đau. Lưu ý là sau đó phải giữ gìn theo đúng phương pháp đã hướng dẫn vì bệnh rất dễ tái phát.
- Tiêm vào đĩa đệm một chất chiết xuất từ cây đu đủ (Chymopapain) làm tiêu nhỏ chân nhầy. Nguy hiểm lớn nhất là gặp phản ứng quá mẫn (sốc do phản ứng quá mạnh của cơ thể) gây chết người như trường hợp tiêm pénicilline.
- Cách thứ 3 là sử dụng laser - là một kỹ thuật làm tăng năng lượng, tăng sức mạnh của ánh sáng bằng cách kích thích ánh sáng. Năng lượng tập trung như vậy sẽ làm nhiệt độ lên cao và làm bốc hơi các mô được chiếu vào. Đặc biệt laser chỉ tập trung phá những mô có màu sậm, không phá những mô trong veo như thủy tinh thể.
Trường hợp vành xơ chưa bị rách thì có thể áp dụng 1 trong 3 phương pháp kể trên, nhưng khi nhân nhầy lọt hẳn ra ngoài thì chỉ nên điều trị bằng phẫu thuật. Nếu đốt bằng laser hoặc tiêm Chymopapain thì có thể nguy hiểm vì vành xơ không còn nguyên, sức nóng hoặc thuốc có thể theo chỗ rách lan ra ngoài làm hại mô thần kinh. Phương pháp đốt bằng laser hấp dẫn cả với bác sĩ và bệnh nhân vì không phải phẫu thuật, không cần gây mê, lại thực hiện nhanh chóng, có kết quả tức khắc, người bệnh thường hết đau ngay và ra về trong ngày.
Một lần phóng tia laser tốn khoảng 1800-2.000 USD. Để tránh hao tốn vô ích và không gây biến chứng cho bệnh nhân sau khi điều trị, ngoài việc chọn chỉ định điều trị đúng, thao tác của bác sĩ còn phải thuần thục, máy móc dụng cụ phải tốt, phòng mổ và dụng cụ phải bảo đảm vô trùng...
TS Vũ Tam Tỉnh
(còn tiếp)