Phần 36

Ổ loét da do máu kém lưu thông
Có nhiều nguyên nhân gây ra ổ loét da rộng. Tuy nhiên, loét da kinh niên tại mắt cá chân ở người già, ở phụ nữ bị giãn tĩnh mạch (hay gặp ở người già, phụ nữ mang thai hoặc sinh nhiều) thường do máu kém lưu thông, máu không chuyển với tốc độ đủ nhanh xuống chân. Những vết loét này có khi rất lớn. Da xung quanh nơi loét có màu xanh đậm và rất mỏng. Chân thường bị phù.
Những vết loét này rất lâu khỏi nếu không được chăm sóc kỹ. Điều quan trọng là giữ cho chân ở vị trí cao, càng lâu càng tốt. Khi ngủ nên kê chân lên gối. Ban ngày, khi nằm nghỉ, cứ 15 - 20 phút lại để chân gác cao. Đi lại sẽ giúp cho máu lưu thông tốt, còn đứng yên một chỗ hoặc ngồi bỏ thõng chân rất có hại.
Đắp gạc tẩm nước muối pha loãng lên chỗ loét, một muỗng cà phê muối hoà với 1 lít nước đun sôi. Băng lỏng chỗ đau bằng vải màn đã khử trùng hay băng vải sạch. Giữ chỗ đau thật sạch.
Quấn băng hay đi bít tất có thun vào chân có tĩnh mạch bị giãn, sau khi vết loét khỏi, vẫn tiếp tục quấn băng và giữ cho chân cao. Cần tránh gãi hay làm xây xước chỗ sẹo còn non.
Muốn phòng loét da:
- Phải chăm sóc sớm nơi có tĩnh mạch bị giãn (giãn tĩnh mạch là tĩnh mạch bị căng phồng, ngoằn ngoèo và thường bị đau).
- Không nên đứng hoặc ngồi thõng chân lâu. Nếu ngồi hay đứng lâu, cứ nửa giờ đồng hồ nên nằm để chân cao trong ít phút.
- Khi ngủ cũng nên kê chân lên một cái gối. Dùng bít tất thun hay băng đàn hồi để giữ chặt tĩnh mạch. Đêm nên cởi băng ra.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính
Suy tĩnh mạch mạn tính ở chân là tình trạng hệ tĩnh mạch không hoàn thành chức năng chuyển máu về tim.
Triệu chứng đầu tiên là phù hai chân, không đau. Triệu chứng phù giảm hay mất vào ban đêm, khi nằm gác chân lên cao. Kèm theo phù, bệnh nhân có cảm giác nặng ở hai chân. Giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân thấy đau chân, cứng các khớp. Cuối cùng dẫn đến loét chân.
Khi thăm khám có các dấu hiệu sau:
- Giãn tĩnh mạch ở chân: Những đoạn tĩnh mạch nổi lên ở chân, giãn, ngoằn ngoèo.
- Da chân đổi màu, rối loạn dinh dưỡng.
- Sờ thấy những đoạn tĩnh mạch cứng, gồ ghề dưới da.
Bệnh này phụ nữ bị nhiều hơn năm, đặc biệt là phụ nữ có thai, sinh sản nhiều lần.
Nguyên nhân: Làm việc phải đứng nhiều (nấu bếp, thợ đứng máy, giáo viên); béo phì, táo bón thường xuyên; sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc ngừa thai...; di truyền.
Phòng ngừa:
- Khi nằm gác chân lên cao.
- Tránh đứng, ngồi quá lâu một chỗ.
- Tránh béo phì.
- Nên ăn nhiều rau, trái cây để tránh táo bón.
- Mang băng thun, vớ thun để băng ép chân.
Khi có các triệu chứng về suy tĩnh mạch mạn tính, nên đến bác sĩ khám và điều trị.
Đi bộ có thể chữa được bệnh viêm mạch ngoại biên
Tê ngứa, lạnh hoặc đau cẳng chân khi đi vài chục mét là vài triệu chứng thường gặp của bệnh viêm mạch ngoại biên - chứng bệnh có thể đe doạ tính mạng, thường thấy ở người trên 50 tuổi, hút nhiều thuốc lá. Trong bệnh này, các nhánh động mạch ngoại biên tắc nghẽn, tuần hoàn máu ngưng trệ, cẳng chân hoặc cả chân có thể bị hoại thư và phải cắt bỏ; một số mạch máu ở não, tim cũng có thể tắc nghẽn gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Nếu bệnh được phát hiện sớm thì đi bộ là phương pháp điều trị được ưa thích nhất và rất hiệu quả. Đi bộ sẽ làm cho các mạch máu mới phát triển quanh mạch máu bị tắc nghẽn, khi chúng đủ sức thay thế mạch máu tắc nghẽn thì triệu chứng đau sẽ biến mất. Lúc đầu, đi bộ sẽ gây đau, bệnh nhân cần nghỉ cho bớt đau rồi tiếp tục đi những đoạn ngắn. Làm đều đặn như vậy sẽ dần dần đi được xa mà không còn đau nữa. Để có một hệ thống mạch máu khỏe mạnh, mỗi ngày chúng ta nên đi bộ khoảng 5 km.
(còn tiếp)